image advertisement
image advertisement





























 

Cầu nguyện và tình yêu (phê bình) - Valentina Novkovic (Serbia)

CẦU NGUYỆN VÀ TÌNH YÊU

 

 

Nhà thơ, dịch giả Valentina Novkovic

 

  

 

 

 

Valentina Novkovic

 

Tâm hồn thi sĩ giống như một máy đo địa chấn, có thể ghi lại những rung động tinh tế của đời sống con người, của thế giới vạn vật; Nó dễ dàng tác tạo những rung động ấy thành ngôn ngữ thơ ca, đem đến cho người yêu thơ món quà vô giá, thú vị. Tâm hồn ấy dĩ nhiên không thể miễn nhiễm với nỗi đau trần thế, nó phải đối diện với những tiêu cực của đời sống thế tục; ngoài ra, còn thường xuyên phản ứng với cái ác, với bất công, những hiện tượng đánh dấu thời gian anh ta đang sống và không thể thay đổi chúng. Cảm giác ấy hàng ngày phủ lên tâm trạng nhà thơ như một tấm vải để anh ta viết lên đó những câu thơ.

 

Mai Văn Phấn là một trong những nhà thơ uy tín của thơ đương đại Việt Nam. Thơ ông được dịch sang nhiều ngôn ngữ quốc tế, trong đó bạn đọc có thể tìm cách thâm nhập vào bản chất của từng sự vật, hiện tượng, đồng thời tìm thấy sự khác thường trong những điều tưởng chừng giản đơn, bình dị. Tập thơ mới của ông bằng tiếng Serbia "Одлетео у свитање[1]", do tôi dịch và cũng giữ nguyên tiêu đề từ tập thơ bằng tiếng Nga của ông "Улетел на рассвете" (Bay đi lúc bình minh), do Nhà xuất bản "Четыре", Saint Petersburg ấn hành năm 2021. Đây là tập thơ tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên, con người cùng vạn vật, như cha mẹ, bạn bè, những người đã khuất, cùng mùa màng, cỏ cây, côn trùng... Có thể nói, Mai Văn Phấn là người có cách quan sát đặc biệt, ông luôn trầm tĩnh và như không cố ý đuổi bắt nhận thức. Đối với ông, kiến thức là kết quả của sự tồn tại có ý thức trong thời điểm hiện tại, nó chỉ là thoáng chốc của sự vĩnh hằng, của lời cầu nguyện và lòng biết ơn, bởi chính đời sống của chúng ta đã được dệt thành những bài thơ vượt qua năm tháng.

 

Mở đầu tập thơ "Одлетео у свитање" (Bay đi lúc bình minh) với những bài thơ ba câu "Giếng", "Tranh tượng trưng", "Phân vân", "Mơ" và "Sau cơn mưa". Những bài thơ này khá giống thơ hai-cư của Nhật Bản, tuy không ảnh hưởng trực tiếp thi pháp thể thơ này, nhưng qua đó, Mai Văn Phấn thể hiện sự quan sát tinh tế của mình về thế giới xung quanh dưới góc nhìn minh triết và tối giản:

 

"Một mình vượt sóng

Tỉnh dậy

Mồ hôi đẫm gối"

(Mơ)

 

Mai Văn Phấn thường chú tâm miêu tả những hiện tượng tưởng chừng ngẫu nhiên, bình dị trong thiên nhiên, như chuyển mùa, cơn mưa, màn sương mù, hay ánh sáng của ngọn đèn, ở đó, ông luôn thể hiện sự cảm nhận sâu sắc của mình về cuộc sống thường nhật. Ông như đào xuống tầng sâu nhất bản chất mỗi hiện tượng, sự vật mà ta tưởng chừng như không thể. Với thái độ cẩn trọng, ông đến với thiên nhiên bằng tinh thần tôn kính như bước vào một ngôi đền. Nhà thơ lặng lẽ, đôi khi tĩnh tọa hàng giờ để lắng nghe, ghi lại những chuyển động, thay đổi của thiên nhiên, vũ trụ... Chúng ta thường không đủ kiên nhẫn để quan sát, trải nghiệm những khoảnh khắc tưởng như vô tình ấy.

 

"Hơn hết lúc này

Ai hãy ở yên chỗ đó."

(Đá trong lòng suối)

 

Ánh sáng là mô típ ta thường gặp trong các câu thơ của Mai Văn Phấn, biểu đạt sự tỉnh thức và giác ngộ:

 

"tắm gội cho mùa xuân về

vừa lặn vào ánh sáng

vừa gọi thầm ông bà, cha mẹ

cơ thể bốc cao về phía ngọn đèn"

(Tắm đầu năm)

 

Chứng tỏ rằng, quá trình tự nhận thức đạt được thông qua sự giác ngộ, điều này dẫn con người đến được với sự thật, đồng thời kết nối những người đang sống với tổ tiên của họ - những người đã đồng hành cùng nhân loại trên con đường ánh sáng. Chúng ta và họ là sợi dây liên kết không thể đứt rời.

 

Mưa cùng với ánh sáng thường xuyên xuất hiện trong thơ Mai Văn Phấn, đó là biểu tượng của sự thanh lọc và tái sinh cảm xúc, là yếu tố quan trọng mang lại cho chúng ta lòng dũng cảm và hi vọng. Trong các nền văn hóa cổ đại, chẳng hạn như Vệ Đà, mưa và ánh sáng tượng trưng cho món quà từ vũ trụ ban xuống cho con người. Trong tập thơ này, nhà thơ Mai Văn Phấn trải nghiệm cơn mưa như một món quà linh thiêng giúp ông nhận ra tình yêu kì diệu trên cõi trần thế này:

 

"Từng mưa to, mưa rất to

Tắm táp cho viên cuội nhỏ

Chỉ riêng hình ảnh này

Đã làm anh yêu đời mê dại"

(Vô tình trong nắng sớm)

 

Mưa thường dạy chúng ta biết nhu thuận, bớt khô cứng hơn, và, coi mọi hoàn cảnh là điều tất yếu, ngoài ra còn biết buông bỏ để được bình yên và an lạc. Khổ thơ dưới đây là một ví dụ:

 

"Mưa bụi bay lung tung

Len lỏi vào nơi sâu kín nhất"

(Đá trong lòng suối)

 

Vì lẽ đó, chúng ta cũng để tinh thần của mưa tràn ngập mọi ngóc ngách trong con người mình, tạo không gian cho sự tĩnh lặng, lắng nghe, thâm nhập sâu hơn vào bản chất của con người.

 

Mai Văn Phấn có những câu thơ đẹp lạ thường dành để nói về người bạn đời, dường như nhà thơ đã hát về sự chảy trôi của thời gian, về những cảm xúc không chỉ thấm nhuần trọn vẹn con người ông mà còn vượt xa tư duy, ngôn từ và trở thành ngọn hải đăng cho tất cả những ai đang yêu, đang đến với tình yêu. Những đôi trai gái ấy đang hòa vào nhau thành dòng sông, thành cánh rừng, thành tiếng hót chim sơn ca... Sự hòa nhập ấy lấp đầy từng khe đá, vuốt ve bông hoa cô đơn vẫn tồn tại bất chấp mưa dông, bão tuyết. Và đối với nhà thơ, còn một nơi bí mật để người mình yêu được an toàn, trú ngụ:

 

"Luôn tin có em trong miệng anh

 

Nơi không chiến tranh, dịch hạch

Mũi tên bắn lén tẩm độc

Thị phi, cạm bẫy, lọc lừa

Lối em đi không còn gai nhọn

Bão tràn qua anh dựng tường ngăn"

(Ngậm em trong miệng)

 

Chính sức mạnh của tình yêu đã biến thế giới này trở thành ngôi nhà chung, một thế giới chuyển động, luôn hoan hỉ, vượt qua mọi xấu xa, hiểm ác. Như nhà văn Hermann Hesse[2] đã viết: “Ngay cả khi anh biết tình yêu là gì, anh cũng biết điều đó vì em”.

 

Sự tinh tế của Mai Văn Phấn được thể hiện qua những câu thơ tình, ông có khả năng quan sát, so sánh, tiên đoán. Khi viết về giọng nói của người mình yêu, nhà thơ viết:

 

"Một giọt nước vừa tan

Một mầm cây bật dậy

Một quả chín vừa buông

Một con suối vừa chảy"

(Nghe em qua điện thoại)

 

Người phụ nữ ấy với dáng vẻ, hương thơm và giọng nói trong thơ Mai Văn Phấn không thể tách rời khỏi những hình ảnh khác mà nhà thơ thường gặp: cánh đồng lúa, những người nông dân với chiếc thúng đan bằng tre, những cỗ máy nông nghiệp. Nó là một phần không thể tách rời của cuộc sống hàng ngày, nếu không có tình yêu thương, nó sẽ giống như những bông hoa nhựa không thể cho chúng ta hương thơm, không thể hòa quyện làm dịu đi những nỗi đau, không thể nguôi quên công việc chân tay đồng áng vất vả. Vẻ đẹp ấy trở thành ý nghĩa và lý do để con người tồn tại.

 

Hình ảnh con quạ vốn như một biểu tượng, từng hiện diện trong một số bài thơ của Edgar Allan Poe[3], Milutin Bojić[4], Ted Hughes[5] và của những nhà thơ khác. Trong suốt lịch sử, hình ảnh con quạ gắn liền với ý nghĩa tích cực và cả tiêu cực. Con quạ gắn liền với Mặt trời, tuổi thọ, sự khởi đầu, cái chết, những thay đổi, lời tiên tri... Ở Ai Cập cổ đại, hai con quạ, cũng như hai con chim gáy là biểu tượng của chế độ một vợ một chồng. Đối với người Celt[6] cổ đại, con quạ là dấu hiệu của cái chết và xung đột. Còn đối với người Hy Lạp và La Mã cổ đại, con quạ là biểu tượng của cái ác, tựa như loài rắn hổ mang. Với Mai Văn Phấn, ông quan sát đàn quạ như hiện thực khắc nghiệt đã phô bày, như một lời cảnh báo:

 

"Sau tiếng quạ kêu

Ra đi không cưỡng lại

Gói bọc được mở ra

Sự băng hoại không thể cất giấu"

(Biến tấu con quạ)

 

Bài thơ như lời chỉ dẫn rằng, trong cuộc sống chúng ta phải dũng cảm đấu tranh với cái ác, đừng để cái xấu xa, tiêu cực ngăn cản con đường mà mình đã định. Con quạ của Mai văn Phấn là biểu tượng của sự thay đổi, nó cũng chỉ ra rằng, mọi thứ không ngừng thay đổi và chúng ta phải kiên trì để vượt qua những trở ngại.

 

"Bổ nhào từ đỉnh cao

Bằng đôi cánh sắc

Lấy tâm điểm xác chết

Chém toác bầu không

Gió hấp tấp không kịp băng bó."

(Biến tấu con quạ)

 

 

Và con quạ thường là một dạng báo trước những điều không thể tránh khỏi:

 

"Con quạ mơ

Mọi cái chết đều được sắp đặt

 

Sau tiếng quạ kêu

Ai đã tự nguyện nằm xuống."

(Biến tấu con quạ)

 

Bài thơ liên khúc “Cửa Mẫu” là đỉnh cao của tập thơ này. Nói về mình, về cha mẹ, nhà thơ dường như đang viết lên tấm giấy da của thời đại nào đó. Đó là câu chuyện của tổ tiên chúng ta, của tất cả những người đã cố gắng và thành công trong việc để lại dấu vết tồn tại của mình. Cùng với thử thách, đấu tranh, đau đớn, vui sướng, tất cả như đang phục hiện sinh động trong bài thơ này. Và nhà thơ, ông đã sống nhiều kiếp trước, thoát khỏi vỏ bọc của những gì mình đã từng, trở thành một đứa trẻ sơ sinh, thoát khỏi sự dằn vặt của cuộc sống thường nhật, để nhận thức rằng:

 

"Màu đen tràn lên mọi điều sẽ kết thúc

Hãy nguyện cầu cứu lấy nhân gian"

(Cửa Mẫu)

 

Mai Văn Phấn là người bình dị, cũng như nhà tiên tri. Ông là nhà thơ đúng nghĩa, một người tồn tại ở đó để tạo ra những âm thanh và mùi vị cho vạn vật, xóa bỏ màu đen, xua đi nỗi buồn, bất hạnh, ngăn cản những xung đột, ngăn cản mọi thứ phủ bóng lên ánh sáng và sự sống. Mặt trời tôn vinh sự sống. Ông là một người theo chủ nghĩa hòa bình, một người hòa giải dù không cố ý, nhưng tâm hồn ông thốt lên lời cầu nguyện. Lời nguyện cầu của ông nhắc nhở chúng ta rằng, con người là bạn của nhau, điều duy nhất có ý nghĩa trên đời này là tình yêu thương. Vì vậy, cầu nguyện và yêu thương là con đường cứu rỗi nhân loại. Thơ Mai Văn Phấn đã nói điều đó và chính chúng ta đang song hành cùng ông trên con đường ấy.

 

Belgrade, 12/2023.

V. N

(Branislav Sa Huynh dịch từ tiếng Serbia)

 

 

 

______________________

[1] Nxb. "Центар за културу Врачар" ("Trung tâm văn hóa Vračar" tại thủ đô Belgrade, Cộng hòa Serbia), 2024.

[2] Hermann Hesse (1877 - 1962) là một nhà thơ, nhà văn và họa sĩ người Đức. Năm 1946 ông được tặng Giải Goethe và Giải Nobel Văn học. ND

[3] Edgar Allan Poe (1809 – 1849), là nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình, nhà thơ Hoa kì. ND

[4] Milutin Bojić (1892 - 1917), là một nhà thơ, nhà viết kịch và nhà phê bình văn học người Serbia. ND

[5] Ted Hughes (tên thật là Edward James Hughes, 1930 – 1998), là nhà thơ, nhà văn người Anh. ND

[6] Người Celt, còn gọi người Xen-tơ hay người Keo, là một nhóm tập hợp các bộ lạc, bộ tộc và dân tộc thời kì đồ sắt và thời kì Trung Cổ ở châu Âu, và từng nói các ngôn ngữ Celt. Theo Wikipedia

 

 

 

 

 

 

 

Tiểu sử Valentina Novković

 

Nhà thơ Valentina Novković, đồng thời là nhà văn, dịch giả văn học, nhà báo của Cộng hòa Serbia. Chị tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ và Văn học Nga thuộc Đại học Belgrade (Serbia). Chị là Hội viên Hội Nhà văn Serbia, Hội Nhà văn Kazakhstan, Tổ chức Văn hóa - Khoa học quốc gia Serbia, Hội Văn học Serbia, Viện Văn học Thiếu nhi; Biên tập viên tại "Trung tâm Nghệ thuật Liberland" và Trung tâm văn hóa "Vračar". Đồng thời, chị là cộng tác viên của các nhà xuất bản khác, là dịch giả của các tác giả từ Nga và Liên Xô cũ, các tác giả viết tiếng Anh. Chị đã công bố thơ và văn xuôi trên nhiều tạp chí ở Serbia như Književne novine, Trag, Književni pregled, Brankovina, Buktinja, Stremljenja, Savremenik, Istok, Balkanske vertikale; trên các tạp chí điện tử và tạp chí định kỳ ở Nga, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Ba Lan, Romania, Tây Ban Nha, Nepal, Bangladesh, Ý, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Kazakhstan, Ấn Độ và các nước khác. Tác phẩm của chị được chọn trong nhiều tuyển tập trong nước và quốc tế (do Leo Butnaru, Rahim Karimov, dr Marelene Pasini, dr Agron Shele, Shikdar Mohammed Kibriah, Carlos Jarquin, Rini Valetina, Alicija Minjarez Ramirez và nhiều người khác biên soạn). Thơ của chị đã được dịch sang tiếng Nga, tiếng Anh, Macedonia, Rumani, Uzbek, Azerbaijan, Ba Lan, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nepal, Urdu, Hungary, Bồ Đào Nha, Kazakhstan, Kyrgyz, tiếng Hàn, Bangla và tiếng Việt. Chị từng giành được nhiều giải thưởng về thơ và văn xuôi.

Valentina là phóng viên báo Focus Vesti, Pokazivač, Konkretno, KRK và nhiều tạp chí khác. Chị từng phỏng vấn nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa từ khắp nơi trên thế giới. Tính đến nay, chị đã thực hiện hơn 200 cuộc phỏng vấn với các nhà văn, nhà thơ uy tín như Leo Butnar, Shikdar Mohammed Kibriah, Agron Shele, Eldar Akhadov, Arslan Bayir, Marlene Pasini, Sudhakar Gaidhani, Rahim Karimov, Natalie Bisso, Sergej Glavyuk, Yevgeny Chigrin, Mai Văn Phấn, Ivano Mugnaini, Iles Feher, Terane Rahimli, Hosiat Rustamova, Kuchkar Narkabil, Stanislav Li, Zginyev Roth, Alexander Kabyshev, Ivan Volosyuk, Ekaterina Poljanska, Rini Valentina, Taghrid Bou Merhi và nhiều người khác. Cuốn sách tập hợp những cuộc phỏng vấn của chị đang chuẩn bị xuất bản.

Chị đã dịch và xuất bản hơn 300 bài thơ và truyện ngắn của các tác giả từ khắp nơi trên thế giới, đã công bố trên các tạp chí văn học định kỳ ở Serbia. Đồng thời, chị đã viết bài phê bình cho nhiều tác giả nổi tiếng, một tuyển tập thơ thế giới gồm hơn 200 tác giả những tác phẩm mà chị đã dịch chuẩn bị xuất bản.

Sách của Valentina Novković đã xuất bản:

Thơ:

- "Vượt thời gian" (Draslar, 2014);

- “Giọt nước trên đất khô” (Parthenon, 2018);

- "Giải mã sự dịu dàng" (Liberland, 2021). Tập thơ này được dịch sang tiếng Romania (do nhà thơ Leo Butnaru dịch, Nxb. Timpul, 2022, được Hội Nhà văn Moldova đề cử giải Nobel). Tập thơ cũng được dịch giả Arlsan Bayir dịch sang tiếng Thổ Nhĩ Kỳ (Nxb. Baygenc Kitap, 2022);

- “Thiên ca” (Nxb. As Oglas, 2022). Giải nhất về Thơ tại Hội nghị Văn học Drina lần thứ V (2021);

- “Bất ổn và bình yên” (Nxb. Sunčani breg, 2023).

Văn xuôi:

- “Hai giờ thực tế” (truyện ngắn. Nxb. UWS, 2020);

- “Ký ức” (tiểu thuyết, Nxb. Partenon, 2024), được Ban giám khảo đánh giá cao tại Liên hoan Văn học quốc tế ở Zvornik.

Sách dịch:

- "Bó hoa đa sắc" (phim truyền hình Nga) dành cho trẻ em và thanh thiếu niên (Alma, 2019);

- "Khoảng không trong tuyết" của Leo Butnar (Alma, 2019);

- “Cuối bầu trời” của Stanislav Lee (Liberland, 2020);

- “Theo bước tâm hồn” của Hosiat Rustamova (Liberland, 2021);

- “Em muốn nhìn thấy đôi mắt anh” của Kuchkar Narkabil (Galaksianis, 2021);

- "Nỗi buồn" của Ali Kafaroglu (Liberland, 2022);

- “Một tình huống ở ngoại quốc” của Kučkar Narkabil (Sunčani breg, 2022);

- “Từ thứ bảy đến chủ nhật” của Leo Butnaru (ASoglas, 2022);

- “Tắm nắng” của Krishna Prasai (Sunčani breg, 2022);

- “Trong ngôn ngữ của bài thơ“ của Arslan Bayir (Asoglas, 2023);

- “Bay đi lúc bình minh” của Mai Văn Phấn (Trung tâm văn hóa “Vračar“, 2024);

- “Bài thơ của tôi ngủ với đôi mắt mở to” của Eduard Harentz, nhà thơ Armenia đương đại được dịch nhiều nhất (Trung tâm văn hóa Vračar, 2024).

Chị đã nhận được nhiều giải thưởng và sự công nhận cho các bản dịch văn học. Đã nhận được giải thưởng của Hội Dịch giả Montenegro cho cuốn sách văn xuôi dịch hay nhất năm 2019 của nhà văn nổi tiếng người Kyrgyzstan, Rahim Karimov (Truyện ngắn dành cho giới trẻ). Từ St. Petersburg, chị được ghi nhận là người đóng góp tích cực cho sự hợp tác giữa LB. Nga và Cộng hòa Serbia và dịch sách từ tiếng Nga. Từ Maroc chị được tôn vinh là Đại sứ Hòa bình vì những nỗ lực truyền bá văn hóa hòa bình và hợp tác giữa các dân tộc. Ngoài ra, chị còn nhận Giải thưởng Văn học của Quỹ Rahim Karimov trong lĩnh vực thơ ca năm 2022. Đoạt giải nhất về thơ tại lễ hội ở Alanya do tạp chí Guncel Sanat tổ chức, 4/2023. Đoạt giải Văn học Naji Naman do F Lebanon trao tặng năm 2023.

Hiện chị là biên tập viên và người dẫn chương trình thường xuyên của thư viện Milutin Bojić, mang tên "Cuộc trò chuyện văn học". Thư viện này đã hoạt động được bảy năm, có sự tham gia của nhiều tác giả từ Serbia và các nước lân cận.

Valentina Novković hiện sống và sáng tác tại Belgrade (Serbia).

 

 

 

 

 

 

  

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị