Cất cánh từ đường biên tưởng tượng
Nhà thơ Nguyễn Nhật Huy
Mai
Văn Phấn
"Anh
có một điểm đợi trên những đám mây"
Nguyễn
Nhật Huy
Nguyễn
Nhật Huy đã xuất bản hai tập thơ: "Sân bay" (Nxb. Đại học Thái
Nguyên, 2021), và "Thành phố" (Nxb. Hội Nhà văn, 2024). Thơ anh cho
độc giả hình dung về những chuyến bay cất cánh và hạ cánh xuống những đường
biên tưởng tượng, giữa thực và ảo, mơ hồ và rõ nét, liên tục và đứt gẫy, lẫn
lộn và tường minh, khoảnh khắc và vô tận... Những đường biên ấy hé lộ không
gian thơ, cốt cách, nội lực, căn tính của kẻ sáng tạo. Trong hai tập thơ
"Sân bay" và "Thành phố", tác giả đã chọn lựa đường biên
làm nơi khởi điểm và nơi kết thúc những chuyến bay, hành trình của mình.
"Anh bay qua những đường biên tưởng tượng
Nơi thù ghét
Nơi thân thuộc
Nơi họ định nghĩa anh
cho đến khi bay qua những đám mây
...
Anh lại hạ cánh ở một đường biên
nơi tưởng tượng ra mình
cho đến lần bay sắp tới."
(Sân
bay)
Đường
biên trong thơ Nguyễn Nhật Huy khơi lộ vẻ đẹp, những ảo diệu của cõi nhân sinh
trong huyền nhiệm của vũ trụ. Anh từng ngỡ ngàng khi biết "linh hồn
mình từ lâu nằm sau vỏ nhựa" của chiếc điện thoại, vốn là vật vô tri
vô giác. Anh nhận ra điều ảo diệu ấy vì biết phương tiện dùng để liên lạc kia
đã ấp iu, chi chút những con chữ của anh đến khi chúng biết thao thức, bật dậy:
"cựa quậy thành từng chữ/ còn cơ thể mình thì đầy những vết bầm mã
vạch" (Điện thoại). Hay, câu chuyện của anh về cái giếng khơi, mà từng
bậc đá, vách sâu trong ấy bỗng hóa thành những nếp gấp của thời gian, hiển lộ
từng vỉa tầng ký ức: "chuyện ông kể bờ giếng sâu hun hút phần đời/
những bậc đá lắc lơ gọi thăm thẳm trống chiêng ngày cũ" (Giếng)...
"Nghe tiếng cỏ chạy về phía mặt trời đang lặn
Nắm lấy nụ cười tắt nắng phía xa"
(Tắt
nắng);
"Như muốn bung ra khỏi thành phố
Con đường
vụn vặt
Nằm
Rát mình trong bụi bặm
Lăn qua mảnh nhọn tiếng cười"
(Vụn)...
Đường
biên trong thơ Nguyễn Nhật Huy cũng phong nhiêu như đời sống này, là
không-thời-gian được xác định hay bất định, nơi nhà thơ có thể nhận biết, cảm
nhận nó bằng trực giác, linh cảm. Những đường biên được đặt định cụ thể trong
đó là hiện thực đa diện, thậm phồn của đời sống nhân sinh. "Những câu
chuyện đã quên/ nhen dần bên bếp lửa" (Câu chuyện); "Mái nhà/
con thạch sùng thở sau kẽ gỗ/ quạnh quẽ bóng tre cựa mình" (Giếng);
hay "Cơn đau vai sáng nay/ Có hơn một chút day dứt" (Lạ)... Loài
người qua các thời kỳ đã có những triết thuyết phân tích, lý giải về nó. Kẻ
sáng tạo luôn nung nấu ý thức tìm kiếm, khai mở thế giới xung quanh và khám phá
chính mình, và đường biên mơ hồ kia chính là dấu mốc khai mở, khám phá của nhà
thơ. Trong bài thơ “Câu chuyện”, hình ảnh những người đang trò chuyện được đặt
bên cạnh hình ảnh thanh củi cháy là hai yếu tố rất hiện thực đời thường, nhưng
hai hình ảnh này lại bắc cầu cho hàng loạt những hình ảnh khác từ một không
gian siêu thực, kỳ ảo. Tác giả cho hai yếu tố từng tồn tại đơn lẻ, phân mảnh ấy
liên kết thành một đời sống mới với nhiều ám ảnh, bất ngờ. Liên kết này lần
lượt mở ra những chuyển dịch khác, tình huống khác, những đường biên khác nhau trong
tưởng tượng của nhà thơ và người đọc.
"Câu chuyện nổ tiếng củi sôi
ai nhóm lửa cả cõi lòng chật chội
cầu thang cúi đầu
tựa vào bóng tối
ném hạt đầu mùa trên một vốc mây trôi."
(Câu
chuyện)
Đường
biên trong bài thơ "Tân Trúc" lại xác định cụ thể một tình huống
khác. Ranh giới giữa bóng tối và khoảng sáng đã tạo ra những chuyển động song
trùng từ trung tâm đến ngoại biên. Hình ảnh "con đom đóm đi lạc" như
một mũi tên lửa xuyên thấu các chiều không gian xao động, khai mở một khoảng
không mới, khác lạ.
"Mình ngồi xếp lại những chiếc ghế
Quanh một bóng tối chênh vênh
Chỉ có con đom đóm đi lạc vào câu chuyện bên cửa sổ
Vẫy vào ánh trăng bóng người"
(Tân
Trúc)
Hay,
nhờ vệt sáng tia chớp trong bài thơ "Tiếng sấm", độc giả sẽ nhìn thấy
"những đôi môi" chợt hiện rồi biến mất nơi đường biên. Sự vô
lý mà hữu lý ấy mở ra khoảng trống vô tận từ khoảnh khắc xuất hiện tiếng sấm
ban đầu.
"Qua đường chớp lóe lên bất tận
thấy mình rõ hơn trong khoảnh khắc sợ hãi
những cơn giông chạy qua đời
những đôi môi tan mất"
(Tiếng
sấm)
Đôi
khi trong một bài thơ, Nguyễn Nhật Huy lại sắp đặt những đường biên song song,
tạo hiệu ứng dây chuyền, phản quang, những chuyển động kép từ một chủ thể.
"Qua bầu trời
Qua ý nghĩ của anh chật hẹp
Trên cao
Những cơn gió vẫn cuốn vào nhau"
(Mỉm
cười);
"Cái bóng nhập nhoạng trên ngọn đèn
mơ hồ những vệt đêm
Đếm vài lần trĩu rơi
mình bò lan sang giấc ngủ
lan sang hơi thở
ngọt dần vin ngày vỡ trên cao"
(Cơn
mưa này vẫn còn lâu)
Bên
cạnh không-thời-gian được xác định, những đường biên bất định, mơ hồ đã tạo ra
nhiều trạng thái liên tưởng và cảm xúc, nó trở thành cảm hứng chủ đạo trong thơ
Nguyễn Nhật Huy. Tính bất định tại những đường biên trong hai tập thơ cho ta
thấy những diễn tiến nơi tâm hồn tác giả, có nghi hoặc và cả tin, bền chặt và
rạn vỡ...
"Phải chạy khỏi cái bóng của mình
trong rất nhiều sắp đặt
Đó là sự bủa vây của định nghĩa"
(Suy
tưởng);
"Tiếng âm thầm của rêu
Nứt ra từ kẽ nắng
Biết bao lâu sau ngày im lặng
Hạt mầm mình sẽ lớn sau mưa
Vệt xanh dài từng khóc ngày xưa
Chưa đủ hiểu khúc mầm thơm vụng dại"
(Hạt
Mầm).
Cất
cánh từ đường biên bất định, Nguyễn Nhật Huy thường vượt qua những tầng không
gian miên mộng, ảo mờ... Chúng đột hiện trong tư duy và cảm xúc của nhà thơ, có
thể lóe sáng từ quá khứ, từ một nơi quên lãng, hay đi qua những “vùng mù”,
“vùng thăm thẳm”, hay như chữ của nhà thơ Trần Dần là “vùng tổ của
thơ ca", mà thời khắc xa xăm
ấy tác giả bài thơ cũng khó lý giải. Nhưng khi tứ thơ xuất hiện, mọi ảo diệu,
thậm chí rối tung kia đã đồng hiện sáng rõ trong chuyến viễn du tuyệt đẹp của
thơ.
"Cái bóng
vướng vào nhau
trong những giây cạn kiệt
Anh vắt một bóng
sen tàn
Đang bay
Trong buổi chiều va đập
Phố bụi
Mây bụi
Nước bụi
Một màn mắt đi lang thang"
(Về
không)
Dường
như sự bay trong những câu thơ trên đã lên đến đỉnh cao. Từ đây, người đọc được
chiêm ngưỡng thêm những hình ảnh, biết thêm những dịch chuyển khác nữa trong
chuyến bay bất định, phiêu du và tự do của Nguyễn Nhật Huy. Mấy câu kết của bài
thơ "Về không" đã khơi ra những đường biên trong chính tâm trạng
người đọc để họ có thể cùng phiêu bồng trong cõi thơ.
"Anh “về không”
một chiều gió vỡ
Trong sen".
Thật
ngoạn mục khi tác giả đã "hạ cánh" trong đoạn kết như vậy. Sự tỉnh
táo đôi khi sẽ làm mất đi, thậm chí giết chết vẻ đẹp mong manh của thơ, nhưng
sự thức tỉnh của người viết trong trường hợp trên lại rất đẹp, đúng điểm dừng.
Nơi
tạm dừng hay gọi bến đỗ của những chuyến bay trong thơ Nguyễn Nhật Huy đều là
những điểm nhấn của đời sống đương đại, nơi mà tác giả gọi là "một
thành thị để bơ vơ". Là nơi "Anh đi qua nhiều cuộc đời/ Thấy
mưa đậu vào vai/ Sắc như một lằn ranh thành phố" (Anh đi qua nhiều
thành phố). Nơi anh thấy con người "ngồi khóc như đám mây mọng nước"
(Loài người). Nỗi bơ vơ mà nhà thơ gọi tên chính là sự cô đơn trong chen chúc
kiếp người; nhất là khi công nghệ phát triển thì sự cô đơn đến với con người
càng nhanh chóng, càng dễ dàng hơn.
"Người đã đến đất nước nhỏ bé này như những kẻ ban ơn
còn chúng tôi
vẫn chạy như những ngọn cỏ
tìm sự sống phía chân trời"
(Di
cư);
"Mồ hôi phố khẽ hơn một chút
oằn mình cất những gánh đêm
Bụi ngủ quên
Buộc im lặng vào con đường một lúc"
(Mồ
hôi phố).
Quá
trình đô thị hóa đang diễn ra chóng mặt khiến
cuộc sống chúng ta trở nên ngột ngạt, nhiều âu lo. "Nằm
nghe tiếng phố oằn mình xe cộ" (Hong ngày cũ); "Thành phố của
anh/ Chật chội người/ Nhà và xe cộ/... Những vì sao vẫn nhìn nhức nhối/ Cho
khao khát thị thành" (Trên bầu trời thành phố). Đường biên ở những nơi
đô thị đã mang đến cái nhìn khác lạ về con người và cảnh vật, chúng hiện ra náo
nức mà xa xót, cấp tập và ngăn cách, lam lũ với rất nhiều cảm thông...
"Tôi cúi cuống một ngày biến mất
Ngờ ngợ giọt mồ hôi chảy nhẹ giữa mình"
(Chạy);
"Anh vẫn nuôi sự tự do trong veo đang rơi
sự tự do mọc mầm từ đất
qua dây gai
và những bức tường"
(Bên
cánh cửa).
Trong
bối cảnh ấy, chỉ có tình yêu, lòng nhân ái mới là cứu cánh của con người, mới bảo
vệ được cuộc sống tươi đẹp trên hành tinh này. Tôi chợt nhớ Mẹ Teresa đã dạy
chúng ta: "Tình yêu là loại trái chín cả bốn mùa, và nằm trong tầm với
của mọi bàn tay.".
"Những đồi cát chạy
tan vỡ cùng những chiều gió cháy
Khao khát thấm giọt người
yêu thương nứt hằn mặt đất
Những bàn tay mọc vào nhau
giữ nụ hôn đừng chảy"
(Tắt
nắng);
"Gánh nụ cười mùa này khát cháy
mồ hôi bện quai nón
Ngả lưng trời khói rơm
Gánh vui buồn con chuồn chuồn say ngủ
vệt đất bên đời bụi đến còn thương"
(Gánh)
Những
cuộc viễn du trong hai tập thơ cho thấy Nguyễn Nhật Huy luôn bay trên những
đường biên tưởng tượng, mơ hồ, chênh vênh trên ranh giới giữa thực và ảo. Những
câu thơ sắc gọn, tối giản của anh luôn mang cho người đọc ấn tượng mạnh, ám ảnh
khó quên. Các thi ảnh trong đó được kết cấu phân mảnh, liên kết xa và xuất hiện
khá bất ngờ. Lối kiến tạo này cũng thử thách những ai viết về thơ Nguyễn Nhật
Huy, bởi khó nắm bắt được giữa cái thực và cái ảo, và, nếu chỉ trích dẫn vài
câu thơ hoặc vài khổ thơ lại dễ làm vênh lệch ý của tác giả.
"Lần lượt
Em
Anh
Đi qua cái hố sâu thăm thẳm
Nơi khu rừng không nắng
Anh nằm nhìn cái đồng hồ chết giấc
Tưởng tượng một khu rừng
Bóng hoa"
(Bóng
hoa)
Nguyễn
Nhật Huy cũng viết một số bài thơ theo hình thức truyền thống, nhưng cấu tứ
hiện đại. Bài thơ dưới đây mang nhịp điệu một bài đồng dao. Đoạn trích này gợi
cho ta nhớ tới những bài đồng dao ở miền Bắc như "Thả đỉa ba ba",
"Chi chi chành chành"..., nhưng âm điệu trong "Mùa sen" của
Nguyễn Nhật Huy vang vọng, hình ảnh “thổi vào giấc mộng” thật kỳ ảo, rất Liêu trai...
"Hương tỏa vào sông
Mọc xanh mùa nước
Em ngậm ngụm mưa
Thổi vào giấc mộng"
(Mùa
sen)
Thể
thơ lục bát cũng được Nguyễn Nhật Huy cách tân từ hình thức tới cấu tứ. Câu chữ
trong từng cặp 6/8 được tác giả tung hứng điệu nghệ, dẫn dắt người đọc từ tâm
thế chủ động sang bị động, chủ quan sang khách quan... Sự bất ngờ trong thể thơ
này được thể hiện trong cách sắp đặt hình ảnh đa phương chiều, và, cùng với
nhịp điệu trẻ trung, tác giả đã thổi vào nó luồng sinh khí mới, âm điệu mới.
"Thả gió thoai thoải rơi đêm
Mình rơi một chiếc bên thềm tan mưa"
(Thả
gió);
"Vẫn khô nứt cả trong mưa
Giữa đường có một buổi trưa bật cười
Giữa sông vớt lại mảnh trời
Đã say mà đắm rồi rơi lại chìm
gieo mầm rồi lại đi tìm
yêu thương mọc tận cánh chim bay rồi"
(Vẫn)...
Thơ
Nguyễn Nhật Huy khá đa dạng phong cách và âm điệu. Anh có những bài thơ ngắn
thật đẹp, cảm xúc mạnh, gợi mở. Câu chữ trong mỗi bài căng tràn nhựa sống:
"Cởi", "Họ", "Lạc", "Sầu riêng",
"Vết cứa", "Đêm", "Tiếng chuông không bình
yên"...
"Bước vào phòng
Cởi bộ da treo lên mắc
Lặng lẽ nhìn cái tôi
Vẻ đẹp không nhân danh gì cả".
(Cởi);
"Sau những đám mây lạnh buốt
anh như con chim đi lạc
trong ánh sáng mặt trời".
(Lạc).
Nguyễn
Nhật Huy sinh năm 1987 tại Thái Nguyên, giảng viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học
Sư phạm Thái Nguyên. Hiện anh là nghiên cứu sinh ngành Văn hóa học tại Đài
Loan.
Dù
viết theo phong cách nào, thơ Nguyễn Nhật Huy luôn hé lộ cho ta mục đích và ý
nghĩa của những cuộc khai phóng, những chuyến bay, viễn du và trở về đường biên
– nơi kiến tạo không gian thơ khác biệt, nơi thiết lập phong cách, giọng nói
đích thực của nhà thơ. Và cũng chính từ nơi những đường biên này, tác giả đang ấp
ủ những dự phóng, tích tụ thêm năng lượng và dồn nén cảm xúc cho hành trình
phía trước, hướng tới những đường bay khác, bến đỗ khác. "Trên cao/ Mặt
trời vẫn dang tay rộng lắm" (Mặt trời).
Hải Phòng, 4/10/2024
M.V.P
__________________
Nguyên văn:
"Love is a fruit in season at all times, and within reach of every hand."
(Nguồn: https://www.brainyquote.com/quotes/mother_teresa_131833)