image advertisement
image advertisement





























 

Bài viết nghị luận văn học cho Đề thi môn Ngữ văn (chuyên) TP Hà Nội năm 2024 - 2025

Bài viết nghị luận văn học cho Đề thi môn Ngữ văn (chuyên) TP Hà Nội năm 2024 - 2025

(Chưa rõ tên tác giả)

 

 

 Đề bài:

 

Bàn về thơ, có người cho rằng:

 

“Sáng tạo là hành trình đi tìm những giá trị mới cùng những cách thể hiện mới lạ, độc đáo… Mỗi bài thơ là một cuộc lên đường, mở ra hành trình mới”

 

(Theo Mai Văn Phấn, Điều gì thật nhất trong thơ?, Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, số tháng 1/2024)

 

Bằng những trải nghiệm về thơ, em hãy bàn luận ý kiến trên.

 

 

Bài làm:

 

Nhà vua Joseph trước khi mất đã gọi Mozart đến và rằng: “Ta có tất cả, quyền lực, triều đình, quân đội, đất đai. Còn anh, anh chỉ có cái đầu và đôi tay như bao người khác. Nhưng biết đâu ở thế kỉ sau, dân tộc Áo sẽ đánh giá anh hơn cả ta”. Câu chuyện về sức sống của nghệ thuật vẫn luôn là vấn đề muôn thuở. Vạn vật vô thường nhưng có lẽ văn học cũng như thơ ca luôn có khả năng thoát khỏi sự băng hoại khắc nghiệt của thời gian. Điều gì đã làm nên sức sống bất diệt của thành trì chữ nghĩa? Phải chăng câu trả lời là bản chất đặc biệt của thơ như Mai Văn Phấn đã nhận xét: “Sáng tạo là hành trình đi tìm những giá trị mới cùng những cách thể hiện mới lạ, độc đáo… Mỗi bài thơ là một cuộc lên đường, mở ra hành trình mới”.

 

Người ta thường ví quá trình sáng tạo của thi sĩ như con trai nơi biển cả phải chịu đau đớn để hoài thai nên viên ngọc lấp lánh không tì vết. Hành trình “sáng tạo”, hành trình tạo tác nên những tác phẩm văn chương đặc sắc là “hành trình đi tìm những giá trị mới cùng những cách thể hiện mới lạ, độc đáo”. Một tác phẩm văn học không chỉ đòi hỏi phải đưa đến cho bạn đọc một nội dung, ý nghĩa mới mà nội dung ấy cần phải được chuyển tải thông qua lớp vỏ ngôn từ mới mẻ, khác biệt, độc đáo. Mỗi tác phẩm thơ “là một cuộc lên đường”, là một điểm khởi đầu mời gọi độc giả bước vào “hành trình mới” – hành trình tiếp nhận và khám phá tác phẩm. Bằng cách ví von giàu hình ảnh, Mai Văn Phấn đã đề cập đến bản chất của quá trình sáng tạo cũng như tiếp nhận văn học nói chung và thơ ca nói riêng.

 

“Chuyến du hành kì thú nhất không phải là cuộc phiêu lưu đến những miền đất lạ mà là khi ta nhìn sự việc cũ với một cái nhìn mới” (Marcel Proust). Sáng tác văn học là một chuyến du hành đến những địa hạt mới của tâm hồn, nơi nhà thơ kí thác những nỗi niềm mới, nơi con chữ tự do phá tung những giới hạn khuôn khổ để bay bổng trên trang viết. “Sáng tạo là hành trình đi tìm những giá trị mới cùng những cách thể hiện mới lạ, độc đáo”. Nhận định của Mai Văn Phấn đúc kết từ chính kinh nghiệm cầm bút của ông và lí luận về văn chương muôn thuở. Nhìn từ đặc trưng văn học, mỗi tác phẩm là một sự phóng chiếu hiện thực qua lăng kính chủ quan của nhà văn. Nhà văn lấy chất liệu từ đất đời, nhưng anh không được phép bê nguyên xi quặng hiện thực thô sơ ấy vào tác phẩm. Hành trình sáng tạo là hành trình anh chắt lọc, kết tinh, trau chuốt, cắt ghép và thấm đẫm hiện thực qua ánh nhìn chủ quan của anh. Đặc biệt với thơ ca, cách tân, sáng tạo, bứt phá luôn là những yêu cầu róng riết với mỗi người cầm bút. Bên cạnh đó, bản chất của hoạt động lao động sáng tạo là sự thể hiện quan niệm, thái độ của nhà văn trước hiện thực. Văn học không phản ánh cái đẹp khách thể tự nó mà phản ánh cái đẹp của chủ quan, cái đẹp mang tâm tư, nỗi niềm của người nghệ sĩ. Đứng trước hiện thực tươi đẹp, trái tim nhà văn mẫn cảm phập phồng bao nỗi niềm rồi trút trãi lên trang giấy ấn tượng của họ về đối tượng.

 

Văn học phản ánh hiện thực qua lăng kính của cái đẹp. Nhưng cái đẹp trong văn học không phải là cái đẹp thô ráp, sơ nguyên của hiện thực trần trụi. Cái đẹp trong văn học là cái đẹp của sự lắng lọc, của sự kết tinh, cô đặc qua cảm nhận chủ quan của tác giả. Cái đẹp tự thân của tạo vật chưa đủ sức thâu chứa những điều mà nhà văn muốn truyền tải. Vậy nên cái đẹp trong văn học còn là cái đẹp được nhào nặn trong trí tưởng tượng, trong sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Nếu cái đẹp chỉ đơn thuần là “thuộc tính tự nhiên của tạo vật”, làm sao Xuân Diệu có khả năng tạo sinh một thiên đường trên mặt đất như thế:

 

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si”

(Vội vàng)

 

Qua cảm quan của người nghệ sĩ, cái đẹp của tạo vật như được nâng lên, được thăng hoa trong đôi mắt “xanh non”, “biếc rờn”. Không phải là vẻ đẹp riêng rẽ mà cái đẹp như thâu chứa lại trong một cuộc giao hòa ngây ngất. Nhờ cặp mắt của kẻ tình si trần gian ấy, ta mới được nhận ra một hình sắc riêng của cuộc đời mà không sự vật nào tự thân tạo thành nên.

 

Thơ ca không phải là câu chuyện “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào” (Nam Cao). Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, cái chưa có, cái độc bản. Vườn thơ trăm hoa ngàn sắc, làm sao để bài thơ của anh xứng đáng được tôn vinh? Liệu người đọc có thích thú một tác phẩm chỉ nói những điều đã nói, nghĩ những điều đã nghĩ? Điều đó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật, tức là có nét gì đó rất riêng, rất mới lạ thể hiện trong tác phẩm. Những dấu ấn ấy sẽ được bộc lộ đậm đặc qua các phương diện nội dung và hình thức của thi phẩm. Cuộc sống là phong phú vô tận, nhưng sự hiểu biết và hứng thú của nhà văn thì có bạn. Do đó, ngoài việc tìm đến những mảnh đất mới của hiện thực để gieo mầm tư tưởng, người nghệ sĩ phải biết phát huy cái vốn ấn tượng riêng của mình để tìm ra những gì mới mẻ trong những đề tài quen thuộc. Có như vậy, nhà văn mới tránh khỏi sự lặp lại vô nghĩa những điều mà người khác đã nói. Nói cách khác, mỗi nghệ sĩ phải tìm ra cho mình một con đường riêng để đến với cuộc sống và với trái tim bạn đọc. Bàn về thơ, Nguyễn Tuân cũng khẳng định: “Thơ là mở ra được cái gì mà trước câu thơ đó, trước nhà thơ đó, vẫn như là bị phong kín”.

 

Thơ sinh ra để làm gì? Phải chăng thơ chỉ là thú chơi tiêu khiển cho những tâm hồn tao nhân mặc khách hay trò “làm xiếc ngôn từ” đánh đố người đọc? Không. Thơ sinh ra mang trên mình sứ mệnh của nó. Mỗi tác phẩm mang trong mình những giá trị có khả năng giúp con người hoàn thiện bản thân. Nhưng để thực hiện được sứ mệnh cao cả ấy, nhà thơ phải nỗ lực tìm tòi, phát kiến những ý tưởng, những cách thức mới mẻ, mới lạ để lan tỏa đến trái tim người đọc. Trong nghệ thuật, nội dung và hình thức gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhau. Nội dung là nội dung của hình thức và hình thức là hình thức của nội dung. Một nội dung mới sẽ tự tìm cho mình một hình thức mới. Sự thay đổi về hình thức biểu hiện cũng có thể kéo theo những biến đổi về nội dung. Có khi nhà văn đề cập đến những vấn đề của muôn đời, nhưng lại nói bằng giọng điệu riêng, âm sắc riêng của tâm hồn mình; do vậy, tác phẩm vẫn đem đến cho người đọc cái mới đáng quý. Thi phẩm “Chè sen” của Vũ Quần Phương đã không chỉ đơn thuần gợi nhắc về một món ăn truyền thống độc đáo, mà thông qua quy trình ướp hương đặc biệt này, tác giả đã nhắn nhủ biết bao ý vị sâu xa. Bài thơ được Vũ Quần Phương xây dựng một tứ thơ độc đáo: mối liên kết giữa “hoa” và “chè”.

 

“Hoa khâm liệm cho chè bằng chính thân hoa

chôn những sợi móc câu vào tầng tầng hương ngát

sương đêm ngoài kia - nước mắt

khóc cho hoa

hay khóc cho chè”

 

Chè chỉ ngon khi được ấp ủ trong hoa, và hương hoa nhờ hóa thân vào chè mà mãi ngát hương. Những câu thơ đậm màu siêu thực, nói về cây cỏ đấy nhưng ám dụ về nhân sinh, về một triết lí thiền gia. Vẻ đẹp dẫu biến mất, dẫu “thác đi” vẫn tồn tại dưới một dạng thức khác, một hình hài khác, một sự hóa thân khác. Búp sen dẫu tàn úa nhưng hương sắc của nó vẫn đọng lại nơi lá trà, hương hoa vẫn ngào ngạt trong từng lá trà thơm. Sự quyện hòa giữa sen và trà, giữa hiện tại và tương lai, giữa biến mất và hiện hữu… tạo thành mùi vị đặc trưng của chè cũng như mùi vị của kiếp tồn sinh. Cuộc sống của con người cũng vậy. Cuộc đời con người chân chính sẽ không trở nên vô nghĩa, ngay cả khi họ chết đi. Cái chết cũng chỉ là trạng thái thay đổi dạng thức để tiếp tục thực hiện một giá trị khác thầm lặng và cao cả. Cuộc sống đầy khắc nghiệt nếu nhìn từ vẻ bề ngoài nhưng cũng rất hữu lí, rất nhiệm màu nếu thấu thị ở chiều sâu. Sự ra đi của hoa nhưng cũng là sự khởi đầu của hoa. Vòng tròn nhiệm màu của tạo hóa.

 

Cái độc đáo, sự sáng tạo về nội dung và hình thức của tác phẩm tạo nên phong cách riêng của người nghệ sĩ. Phong cách không phải là chuyện cách nói mà chủ yếu là vấn đề cách nhìn, một cách nhìn nếu không do nghệ sĩ đem lại thì không bao giờ có được, cái mới không chỉ đơn thuần thuộc về nội dung hay nghệ thuật một cách cực đoan, có nghĩa là không chỉ thuần tuý đi tìm cái mới trong hình thức mà trước hết phải xuất phát từ cái mới của nội dung. Khi cả tác phẩm toái lên cốt cách riêng, phong vận riêng mới lạ thì nó sẽ tác động mạnh mẽ vào người tiếp nhận. Người nghệ sĩ phải đi sâu vào cái chủ quan, cái cá nhân của mình, mặt khác lại vẫn phải gắn bó với cuộc sống để không đẩy sự mới lạ lên thành cá nhân chủ nghĩa. Mỗi thời đại, mỗi tác giả góp vào dòng chảy văn học một cách cảm nhận mới, một niềm trăn trở khác nhau và một cách nói mới. Điều đó sẽ tạo ra tính liên tục, phát triển, sự phong phú của nền văn học. Mỗi giai đoạn văn học, mỗi nghệ sĩ có một bản sắc riêng, một diện mạo riêng. Chính những phát minh về hình thức đã góp phần làm cho văn học nhân loại vận động từ kiểu sáng tác này đến kiểu sáng tác khác.

 

Tôi chợt nhớ đến lời bình đầy tinh tế của thầy Chu Văn Sơn: “Văn chương cho con người sống nhiều cuộc đời khác, sống về phía khác của cuộc đời mình”. Mỗi tác phẩm là một cánh cổng mầu nhiệm mở ra một chân trời mới, mời gọi độc giả trải nghiệm, phát kiến ra những góc nhìn mới. Bản thân tác phẩm văn học là một “kết cấu đầy vẫy gọi” dù có được xây dựng cặn kẽ đến đâu thì cũng chẳng thể thể hiện ở bề mặt mà cần một chỗ chứa ở bề sâu. Đặc biệt với thể loại thơ, trong dung lượng hữu hạn phải bộc lộ ý nghĩa vô hạn. Điều đó đòi hỏi người cầm bút phải nén những tầng vỉa hiện thực rộng lớn với những quan hệ phức tạp đa chiều vào sinh thể nghệ thuật nhỏ nhắn. Những khoảng trống, khoảng trắng, khoảng không nói hết hoặc cố tình không nói hết chính vừa là điều tất yếu vừa là lực hấp dẫn của thơ. Nỗ lực của độc giả là làm nổi lên những nét mờ, khôi phục những chỗ bỏ lửng, nhận ra mối quan hệ giữa những khoảng trắng. Tôi chợt nhớ đến những câu thơ độc đáo mang âm hưởng của bản sắc dân tộc trong thi phẩm “Nói với con” của Y Phương:

 

“Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục”

 

Những tâm sự tha thiết về dân tộc mình đã được Y Phương ngắn gọn vào bốn câu thơ mộc mạc, giản dị. “Người đồng mình”, ba chữ ngân vang như nội hàm bao xúc cảm. Đó là những người dân đã cùng chung sống, cùng san sẻ, cùng đùm bọc trên một mảnh đất mang tên quê hương. Tác giả đã cực kì tài tình khi đặt hai hình ảnh đầy tương phản “thô sơ da thịt” – “chẳng nhỏ bé” như một sự nhấn mạnh, một dấu ấn về tầm vóc của người đồng mình. Họ có thể là những người dân chân lấm tay bùn, họ có thể là những người mộc mạc, giản dị, chất phác nhưng thẳm sâu trong vẻ bề ngoài ấy là một tâm hồn rộng mở, một trái tim và khối óc luôn đong đầy những khát vọng vươn cao. Hình ảnh “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương” vừa mang yếu tố tả thực vừa đượm nồng bao ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc. Câu thơ gợi lên trong ta về một truyền thống làm nhà của người miền núi thường dùng các phiến đá tảng để kê cao cột nhà chống đỡ cho mái ấm thêm phần vững chãi. Nhưng phải chăng đằng sau nét phong tục ấy là mong ước của những người dân chân chất tự lực tự cường để xây dựng quê hương bằng chính bàn tay khối óc của mình? Quê hương lúc này không còn là một địa điểm vô tri vô giác mà chính là cái nôi nơi sản sinh ra những tập tục truyền thống như một điểm tựa tinh thần nâng đỡ, bao bọc những người con đồng mình ấy. Những tâm niệm về ý thức tự tôn dân tộc đã được Y Phương khéo léo đan cài vào từng dòng thơ con chữ, dẫu không phô lộ nhưng đã khái quát được bao điều mà ngôn từ cũng không đủ sức để diễn đạt. Tiếng lòng của người thi sĩ cứ trải tràn trên trang viết, nhưng nếu ta không tham gia sáng tạo cùng người thì lời thơ chỉ mãi là vệt mực đen trống rỗng. Tác phẩm văn học liên tục được làm đầy những giá trị chỉnh thể của chúng từ những tầm đón nhận và tầm đón đợi của nhiều thế hệ người đọc.

 

“Rồi tác phẩm rời anh như con thuyền rời bến

Sống cuộc đời riêng anh không dự kiến

(…)

 

Nhưng từ đấy bổ sung anh, đối lập anh, tác phẩm sống riêng mình

May ra người ta tìm ở đáy thuyền, hạt gạo, đó là anh”.

(Chế Lan Viên)

 

Đặc trưng của văn học là phản ánh bằng hình tượng, mà hình tượng xây dựng bằng chất liệu ngôn từ nên có tính phi vật thể. Vì thế, yêu cầu về sự sáng tạo trong tiếp nhận văn học là tất yếu. Người đọc chỉ tiếp xúc với văn bản ngôn từ được phóng chiếu qua trí tưởng tượng chứ không thể nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận trực tiếp bằng các giác quan khác. Mà trí tưởng tượng vốn dĩ chẳng rập khuôn, mỗi người đọc họ lại có một hình dung khác nhau, một liên tưởng khác nhau về tác phẩm, cảm nhận khác nhau. Hình tượng cũng không là cái loa phát ngôn trực tiếp cho nhà văn, mà chỉ gợi ra, người đọc phải suy nghĩ, nối kết, lí giải, phán đoán mới tìm ra thông điệp. Đòi hỏi sự tái sáng tạo là điều tất yếu. Hơn nữa hình tượng nghệ thuật càng đặc sắc tự thân nó đã gợi ra nhiều tập hợp ý nghĩa, vì thế tác phẩm có thể lớn hơn những suy tư, những trăn trở, những góc nhìn ban đầu của nhà văn về hiện thực và con người và vì thế người đọc không ngừng kiếm tìm.

 

Nếu âm nhạc là “kiến trúc của âm thanh”, hội họa là “khúc biến tấu của màu sắc” thì văn chương chính là “vũ khúc ngôn từ”. Ngôn ngữ văn học khác ngôn ngữ khoa học hàm súc, cô đọng thường có tính mơ hồ, đa nghĩa nên đòi hỏi sự tích cực khám phá, cảm nhận, lí giải của người đọc và cũng tạo điều kiện cho người đọc sáng tạo lại. Nhìn từ nội dung giao tiếp, tác phẩm không đảm nhận chức năng trao thông điệp mà chỉ lĩnh sứ mệnh chuyển tải các khả năng thông điệp. Các khả năng này có chuyển thành thông điệp hay không thì phụ thuộc hoàn toàn vào độc giả. Nhà văn chấp nhận sự phiêu lưu khách quan của hình tượng hoặc câu chuyện. Họ như để câu chuyện tự viết ra, tự kể với độc giả nội dung của chính nó. Câu thơ của Lê Đạt vẫn chưa một lời giải đáp tường tận:

 

“Em về trắng đầy cong khung nhớ”

 

Dòng thơ cứ lơ lửng đầy phi lí. Khung nhớ là gì? Con chữ cố tình sắp xếp ngẫu nhiên như một trò ghép chữ của con trẻ. Nhưng trò chơi chữ đó lại khiến câu thơ tạo nên những ấn tượng mãnh liệt. Nỗi nhớ - một thứ tình cảm sao có thể đóng khung? Hay “khung nhớ” là khung cửa mà anh thường lặng ngắm tìm kiếm dáng hình em? Hay “khung nhớ” ấy là hình ảnh anh tưởng tượng về em, cũng mong ngóng về anh mà dệt ra niềm thương nỗi nhớ? Chữ “trắng” tách ra đứng một mình như vậy dường như ẩn chứa trong đó nỗi xúc động pha ngỡ ngàng của nhân vật trữ tình, nỗi xúc động từ một ẩn ức được thức dậy. Cái nhớ được nén trong khung của Lê Đạt vừa quen vừa rất lạ: có màu sắc (“trắng”), có thể chất chứa, đong đếm được (“đầy”), có sức ép nặng làm biến dạng (“cong khung”). Có lẽ câu thơ chẳng thể lấp lánh nhiều tầng vỉa đến thế. Nghệ thuật không là chuyện “vẽ đường cho hươu chạy” mà chỉ là bảng chỉ dẫn cho người thám hiểm tác phẩm tìm kiếm, bổ sung.

 

Khi dấu chấm cuối cùng được đặt xuống, đó là khi sự sống của tác phẩm bắt đầu. Chính người đọc là khâu hoàn tất sáng tác của nhà văn. Đứa con tinh thần của anh chỉ sống khi nó được người đọc liên hệ, bổ sung, giải mã kí hiệu thẩm mỹ để chiếm lĩnh tư tưởng. Nếu như trước đây mọi sáng tác văn học để nói chí, tải đạo, chỉ giáo con người khiến bạn đọc trở nên thụ động thì khi chúng ta đã nhìn nhận lại, độc giả trở nên chủ động hơn trong quá trình tiếp nhận, có thể tham gia vào đồng sáng tạo với nhà văn. Người đọc có thể đối thoại với anh, đồng thuận với quan điểm của anh hay thậm chí là phản biện, đối lập với tư tưởng do anh đặt ra. Nhờ vậy mà đời sống tác phẩm trở nên sôi nổi, đứa con tinh thần của anh mãi là một dấu chấm hỏi, là mã nghệ thuật mời gọi bạn đọc suy nghĩ tiếp, liên hệ, bổ sung. Bài thơ “Bếp lửa” đã ám ảnh bao thế hệ độc giả về “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm/ Một bếp lửa ấp iu nồng đượm”. Hình ảnh “bếp lửa” quen thuộc mỗi sớm mai của gia đình Việt bỗng trở nên gợi cảm lạ kỳ. Mỗi lần bếp được nhóm lên là mỗi lần hình ảnh người bà tảo tần xuất hiện âm thầm làm lụng chăm sóc cháu. Và ngọn lửa ấy cũng chính là lửa lòng từ người bà giàu yêu thương, ngọn lửa của sức sống, niềm tin, hạnh phúc bà vẫn thắp lên qua mỗi lần nhóm bếp để truyền lại cho cháu. Hình ảnh tương phản đầy khốc liệt giữa màn đêm bao trùm của nạn đói đang bủa vây và một ngọn lửa nhỏ nhắn được nhen lên từ bàn tay của một bà lão. Nhưng chính ngọn lửa ấy đã khơi dậy trong lòng cháu nghị lực để chống chọi với Thần Chết, lan tỏa hơi ấm để nâng đỡ cháu trong suốt cuộc đời. Ngọn lửa nơi trang sách vẫn cứ được thắp sáng và len lỏi vào tâm khảm của bạn đọc muôn đời. Những hành trình mới trong quá trình tiếp nhận xuất phát từ sự khác nhau của độc giả. Dù là người viết hay người đọc, mỗi cá thể đều sở hữu nhân sinh quan riêng biệt, với năng lực, sở trường, cá tính, lứa tuổi, vốn văn hóa,…khác nhau. Vì thế, càng nhiều sự đọc tác phẩm càng được mở ra với vô vàn ngã rẽ phong phú, làm đầy thêm giá trị cho tác phẩm.

 

Nhận định của Mai Văn Phấn đã bộc lộ được bản chất cốt lõi của thơ ca và nguyên lý của hoạt động tiếp nhận văn học. Định nghĩa về sáng tác thơ ca luôn đa dạng và phong phú, nhưng sáng tạo, độc đáo, mới lạ luôn là yêu cầu sống còn của văn chương nghệ thuật. Và hành trình kì diệu của ngôn từ sẽ càng thêm sinh sắc nếu người đọc tham gia vào đồng sáng tạo với người sáng tác. Điều đó đặt ra đòi hỏi cho người cầm bút phải không ngừng phủ định mình, tự mình bứt phá khỏi vòng an toàn của bản thân, không ngừng lặn ngụp vào bể đời rộng lớn để khai thác những tầng vỉa sâu xa của trường đời. Thi nhân cũng cần làm một trí tưởng tượng phong phú và một óc quan sát tinh nhạy để sáng tạo nên những hình ảnh mới lạ, những cấu trúc bất ngờ chứa đựng những tư tưởng độc đáo. Người đọc cũng cần mang trong mình tâm thế tích cực dấn thân vào tác phẩm, không phụ thuộc thụ động chờ đợi tư tưởng mà phải tự mình giải mã như ẩn ý đang được che lấp. Sự sáng tạo từ người đọc và người viết chính là điều kiện cần thiết để thơ ca không bị rơi vào vòng xoáy miên viễn của thời gian.

 

Vào những năm 60 nhân dịp Liên Xô phóng thành công tên lửa vào vũ trụ người ta đã thực hiện một cuộc trưng cầu ý kiến rằng liệu văn chương có cần đến nữa hay không trong xã hội hiện nay? Cuối cùng mọi ý kiến đều đi đến một kết luận: dù con người có bay lên đến mặt trăng đi chăng nữa thì trong con tàu vũ trụ ấy vẫn cần một nhành hoa li la. Và tôi tin, với đặc trưng đặc biệt của mình, con chữ văn học vẫn tồn tại và trở thành một địa hạt miên viễn trong tâm thức nhân loại. Mỗi bài thơ sẽ là một sự sáng tạo, một phát kiến mới về nội dung lẫn hình thức, khơi gợi trong ta khát khao được khai phá những miền ẩn nghĩa.

 

(Nguồn: Facebook Trạm văn)

 

 

 

Hình ảnh: Ling

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị