image advertisement
image advertisement





























 

Bài luận của Vương Tú Uyên về bài thơ “Cuối xuân đầu hè”

Bài luận của Vương Tú Uyên về bài thơ “Cuối xuân đầu hè”

 

 

Cháu Vương Tú Uyên - Học sinh lớp 12, trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội

 

 

 

ĐỀ BÀI: (rút từ "Cẩm nang dạy - học - ôn thi Ngữ văn 12" của hai cô giáo Đinh Thanh Huyền & Phan Thị Hằng)

 

Viết bài luận trình bày cảm nhận về bài thơ “Cuối xuân đầu hè” của Mai Văn Phấn.

 

Cuối xuân đầu hè

 

Em nhòa nắng mới ngây thơ

Ấm ran khắp tầng vũ trụ

Anh thành bông cúc thẫn thờ

Cuối mùa vàng lên vội vã.

 

Rồi nắng tràn ngoài tán lá

Nhòa tan cả sắc cúc vàng

Nắng thơm từng miếng bên thềm

Tưởng có thể cầm lên được.

 

Có một đám tang hoa cúc

Đưa qua bên kia sắc vàng

Anh cũng như từ bên ấy

Mới vừa về đến nơi đây.

 

(Thơ tuyển Mai Văn Phấn, NXB Hội Nhà văn, 2011, trang 62)

 

 

BÀI LÀM:

 

Mai Văn Phấn là nhà thơ nổi tiếng với những đề tài có tính triết lí sâu xa dù những suy ngẫm về thời gian, không gian, về lẽ sống hay những điều nhỏ nhặt thường ngày. Trong bài thơ “Cuối xuân đầu hè”, Mai Văn Phn cũng vẫn thật tài tình trong việc phát hiện những triết lí sâu sắc về tình yêu đôi lứa.

          

Nhân vật trữ tình “em” xuất hiện ngay trong câu thơ mở đầu.  “Em” được so sánh với “nắng mới”, tính từ “ngây thơ” thể hiện “em” là một nguồn năng lượng trong sáng, mới mẻ. Thế nhưng, trong câu thơ thứ hai, ta được thấy nguồn sức mạnh phi thường, mạnh mẽ của “em” khi nguồn năng lượng “Ấm ran khắp tầng vũ trụ”. Dù có vẻ như mới được tạo ra, em lại không hề nhỏ bé, không chút e dè mà tỏa ra nguồn uy lực của mình. Ở câu thơ thứ ba, nhân vật “anh” được so sánh với “bông cúc”, đột nhiên, nhân vật “anh” trông thật nhỏ bé, yếu đuối khi được so sánh với “em”. Qua câu thơ “Cuối mùa vàng lên vội vã” nhân vật “anh” có lẽ thật chật vật, cố gắng để theo kịp “em”. Với hình tượng “em” và “anh” như vậy, khổ thơ này thật kì lạ khi phá vỡ quy chuẩn rằng người con trai phải mạnh mẽ, lớn lao còn người con gái phải yếu đuối, e dè. Người con trai trong khổ thơ này sẵn sàng hạ mình để nhỏ bé, yếu đuối, nâng người con gái lên thật lớn lao, vĩ đại. Điều này cho thấy một sự ngưỡng mộ, tôn thờ của “anh” dành cho “em”.

          

So với khổ thơ thứ nhất, ánh sáng, năng lượng của “em” ở khổ hai lại càng bừng sáng, mạnh mẽ hơn, tràn ra cả tán lá, khiến sắc vàng của bông cúc – “anh” nhòa đi, hòa tan vào “em”. Đến câu thứ ba, qua biện pháp tu từ ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, nắng trở nên hữu hình, “Nắng thơm từng miếng bên thềm/ Tưởng có thể cầm lên được”. Nắng giờ như một vật hiện hữu, có thể chạm, sờ vào. Việc hữu hình hóa nắng cho thấy tình yêu của nhân vật “anh” đã sâu sắc, mạnh mẽ, trở thành khát khao có được “em”. Vẻ đẹp của hai câu thơ này cũng thật quyến rũ, hấp dẫn.

          

Đến khổ ba, ta thấy được sự đối lập giữa “em” và “anh” đạt đến đỉnh điểm. Trong khi “em” đang tỏa sáng, ngày càng mạnh mẽ, uy lực thì “anh” kết thúc bằng “đám tang hoa cúc”. Cái chết của “anh”chính là sự đầu hàng, quy thuận tuyệt đối trước em. Có lẽ, anh không thể hấp dẫn sự quan tâm của em dù chỉ một lần. Dù vậy, hai câu thơ cuối như một sự tái sinh cho “anh”, dù không có “em, anh vẫn trở lại dưới một hình hài mới, tươi tắn hơn, mạnh mẽ hơn. Cuộc tình của “anh” và “em” được coi là một cuộc tình có cái kết buồn, nhưng việc nhân vật “anh” được tái sinh lại không làm cho chúng ta cảm thấy bi lụy.          

          

Được viết theo thể thơ sáu chữ, bài thơ có cho mình một sự đồng nhất về kết cấu. Ngôn ngữ trong bài cũng được chắt lọc, súc tích. Dù những từ ngữ trong bài có một số từ không theo trật tự thông thường, nhưng điều này làm cho bài thơ trở nên thật mới lạ, thu hút. Từ bài thơ Mai Văn Phẩn đã xuất sắc tạo nên một không gian hồn nhiên, trong sáng, có buồn nhưng không bi lụy diễn tả một khía cạnh khác của tình yêu đôi lứa.

 

Hà Nội, 9/2024

V.T.U

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị