Nghệ thuật ý niệm và bài thơ "Con chào mào" của Mai Văn Phấn - Nguyễn Phượng

Nghệ thuật ý niệm và bài thơ "Con chào mào" của Mai Văn Phấn

 

 

TS. Nguyễn Phượng

 

 

Nguyễn Phượng

 

Điều cốt yếu của việc vận dụng nghệ thuật ý niệm trong giáo dục trẻ em là dạy năng lực sáng tạo, phát minh không phải dạy năng lực bắt chước.

 

I.

 

"Trào lưu Nghệ thuật Ý niệm (chữ Nghệ thuật Ý niệm được đưa ra bởi Henry Flynt - lần đầu tiên trên bài viết Concepts Art - trong tập san Anthology – 1963 của Flynt) là một trong những trào lưu quan trọng nhất của nghệ thuật sau hiện đại với những tác giả như Sol Lewitt, Lucy Lippard, Mel Bochner, Marcel Brrodhaer, John Baldessari. Căn rễ của trào lưu nghệ thuật này, là nỗ lực của các nghệ sỹ nhằm chối bỏ quan niệm Nghệ thuật như vật thể (Art as Object) để chú trọng tới tính tiến trình (process) của tác phẩm, nhằm giải cấu trúc nghệ thuật tạo hình thông qua việc đưa vào đó các tính chất thời gian, sân khấu và ngôn ngữ thay thế cho các tính chất không gian và thị giác vốn là lõi cốt của nghệ thuật tạo hình hiện đại.

 

Trong nghệ thuật ý niệm (Conceptual Art), ý tưởng dùng để tạo nên ý niệm (the idea of concept) là khía cạnh quan trọng nhất của tác phẩm. Một nghệ sỹ sử dụng hình thái nghệ thuật ý niệm, có nghĩa là khi với anh ta, việc lên kế hoạch cũng như mọi quyết định (cho tác phẩm ấy) đều phải được hoàn thành sẵn từ trước, còn việc thực hiện (tác phẩm) chỉ là chuyện thứ yếu mà thôi. Ý tưởng trở nên một cái máy sản xuất ra nghệ thuật.

 

Đây không hề là dạng nghệ thuật “nói suông” hay dùng để minh họa cho lý thuyết, trái lại, nó đầy ắp trực giác và thu trọn vào lòng mọi kiểu dạng tiến trình trí tuệ cũng như hoàn toàn thiểu đích. Nó thường xuyên giải phóng bản thân khỏi việc phải phụ thuộc vào các kỹ năng thủ công của nghệ sỹ trong vai trò là nghệ nhân. Với nghệ thuật ý niệm, mục đích chính của nghệ sỹ là làm sao gây được hứng thú trí tuệ cho công chúng. Chính vì thế, anh ta luôn cố tạo ra cho tác phẩm của mình một không khí cằn khô về cảm xúc. Tuy nhiên, chẳng có lý do gì để cho rằng nghệ sỹ ý niệm tìm cách gây buồn chán cho người xem cả. Chỉ những ai hằng chờ đợi một cú đập của cảm xúc theo kiểu mà nghệ thuật biểu hiện thường mang tới mới là những kẻ nản chí khi cảm thụ nghệ thuật ý niệm mà thôi.

 

Nghệ thuật ý niệm không cần thiết phải mang tính logic. Logic của một hay một loạt tác phẩm là một tạo vật đôi khi được sử dụng chỉ để phá đi. Logic có lẽ được sử dụng để ngụy trang ý định thực của nghệ sỹ, để ru người xem vào cơn mê tin rằng hắn đã thấu hiểu tác phẩm, hay để suy luận ra một tình thế mâu thuẫn (như logic và phi logic). Các ý tưởng không cần thiết phải phức tạp. Hầu hết các ý tưởng thành công nhất đều có vẻ thô sơ đến mức ngớ ngẩn. Nhìn chung, các ý tưởng thành công thường mang theo hình tướng giản dị bởi chúng luôn có vẻ tự nhiên sẵn thế. Nghệ sỹ thậm chí luôn bất ngờ với bản thân khi ý tưởng xuất hiện. Các ý tưởng được phát kiến qua trực giác.

 

Tác phẩm trông ra sao không phải là điều quá quan trọng."

 

(Trích bản dịch của Như Huy từ bài viết nhan đề "Conceptual art: a critical anthology, edited by Alexander Alberro and Blacke Stimson, First MIT Press paperback edition 2000" của Sol Lewitt).

 

II.

 

Thực ra nghệ thuật ý niệm không có gì xa lạ, khó hiểu cả. Việc vận dụng tri thức về trào lưu nghệ thuật này để chinh phục thơ đương đại cũng rất khả quan.

 

Nếu đội ngũ giáo viên nắm được những đề xuất về mỹ học của nghệ thuật ý niệm họ sẽ thực hiện bài dạy của mình một cách thoáng đãng, giản dị. Mà thực ra, người ta đã vận dụng thế mạnh của nghệ thuật ý niệm từ lâu cho việc giáo dục trẻ em trong bối cảnh hậu hiện đại. Theo đó, trong môn TOÁN dành cho học sinh tiểu học người ta đề cao TOÁN TƯ DUY. Trong dạy Văn người ta cũng đề cao: SƠ ĐỒ TƯ DUY.

 

Điều cốt yếu của việc vận dụng nghệ thuật ý niệm trong giáo dục trẻ em là dạy năng lực sáng tạo, phát minh không phải dạy năng lực bắt chước. Và nếu áp dụng nghệ thuật ý niệm vào việc giải mã bài CON CHÀO MÀO của Mai Văn Phấn thì cấu tứ của nó có thể được diễn giải theo process như sau:

 

1. Trực giác về CÁI ĐẸP (đã trực giác về cái ĐẸP thì việc ký âm tiếng chim cũng bình thường thôi. Các vị đừng đi tìm từ điển để tìm nghĩa của âm thanh đó làm gì. Việc đó rất ngớ ngẩn. "Mưa rơi không cần phiên dịch" - Trần Dần)

 

2. Xây dựng chiếc lồng trong mộng tưởng để SỞ HỮU CÁI ĐẸP

 

3. Giác ngộ: KÝ ỨC MỚI LÀ NƠI SỞ HỮU CÁI ĐẸP VĨNH VIỄN

 

Phát hiện ra ý tưởng KÝ ỨC SẼ LƯU GIỮ CÁI ĐẸP VĨNH VIỄN là phát hiện quan trọng nhất. Tại sao? Tại vì, đương nhiên ở phần nghĩa lộ thiên của bài thơ chúng ta có thể hiểu rằng thông điệp mà tác giả muốn gửi đi đó là: chúng ta cần tôn trọng thế giới bên ngoài bản thân mình tức là TỰ NHIÊN. Tuy nhiên thông điệp ngầm, chìm sâu không dễ thấy phải là: nhận thức về PHẨM GIÁ CỦA TÂM HỒN - cái Đẹp ở trong chính bản thân mình mới thực sự quan trọng.

 

Nếu tâm hồn chúng ta đẹp và tâm hồn chúng ta biết cách sở hữu cái Đẹp theo phương thức ấy mọi con chim sẽ không bị đánh bẫy để đem nhốt vào lồng, mọi bông hoa sẽ không bị hái, mọi con cá cảnh sẽ được bơi lượn như cuộc đời tự do của nó và, mọi ngọn cỏ xanh sẽ không bị dẫm đạp trong khuôn viên đường phố...

 

PS: Khổ cho các anh chị biên soạn SGK. Càng muốn dạy trẻ em thông minh hơn, hội nhập với thế giới hơn thì càng bị phụ huynh và cả một bộ phận giáo viên (à nghe giang hồ bảo còn có cả một bác nhà thơ vĩ đại nữa) la ó. Họ la ó vì họ thấy những tác phẩm đem ra dạy đó không ra gì.

 

Thưa các vị, thơ đương đại toàn các tác phẩm không ra gì như thế. Vì nó được viết bằng một kiểu tư duy nghệ thuật khác không hề giống mô hình tư duy nghệ thuật thuở ấu thơ quý vị được tiếp xúc.

 

Từ lâu rồi quý vị đã không đọc sách. Thơ quý vị lại càng không đọc. Tặng thơ thì quý vị nhã nhặn bảo: "Gặp nhau tay bắt, mặt mừng/ Tặng gì thì tặng, xin đừng tặng thơ!".

 

.................................................................................................................

 

Không phải nói câu: "Cái nước mình nó thế" nữa. Phải nói thẳng ra là: Cái nước mình là cái nước không chịu phát triển. Giời ạ.

 

 

 

(Nguồn: Facebook Phượng Nguyễn)

 

 

 

Tranh treo tường Ấn Độ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị