Mai Văn Phấn và bài thơ "Con chào mào" - Phan Đình Dũng

Mai Văn Phấn và bài thơ "Con chào mào"

 

 

 

 

Phan Đình Dũng

 

Bài thơ được chọn vào Ngữ văn 6, tập một của nhóm Kết nối tri thức với cuộc sống, in ở trang 75 -76. Toàn văn như sau:

 

Con chào mào đốm trắng mũ đỏ

Hót trên cây cao chót vót

triu... uýt... huýt... tu hìu...

 

Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ

Sợ chim bay đi

 

Vừa vẽ xong nó cất cánh

Tôi ôm khung nắng, khung gió

Nhành cây xanh hối hả đuổi theo

Trong vô tăm tích tôi nghĩ

 

Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu

Trái cây chín đỏ

Từng giọt nước

Thanh sạch của tôi

 

triu... uýt... huýt... tu hìu...

 

Chẳng cần chim lại bay về

Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.

 

Mai Văn Phấn cũng là một trong những tác giả khá là mới mẻ có bài được đưa vào SGK/SHS ở khối THCS. Do vậy, trong bài viết này, người viết muốn gửi đến bạn đọc một số thông tin cơ bản về tác giả, tác phẩm với mong muốn làm giàu thêm vốn hiểu biết của chúng ta…

 

Nhà thơ Mai Văn Phấn, hiện đang sống và sáng tác ở Hải Phòng, sinh năm 1955 tại Kim Sơn, Ninh Bình. Ông từng có khoảng 8 năm tham gia quân ngũ sau đó theo học Ngôn ngữ học và Văn hóa Nga tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Nhà thơ đã xuất bản 16 tập thơ và một cuốn sách, phê bình - tiểu luận ở trong nước và 26 tập thơ ở nước ngoài. Thơ của ông đã được dịch ra trên ba chục thứ tiếng, xuất hiện trong hơn 50 tuyển tập thơ và tạp chí quốc tế.

 

Bài thơ Con chào mào rút từ tập thơ Bầu trời không mái che, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2010, tr. 26. Tập thơ này giành được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 và đã từng in song ngữ Việt – Anh, Việt – Pháp vào các năm 2012, 2013.

 

Nhan đề bài thơ là Con chào mào, một loài chim đầu có chỏm lông nhọn, tiếng hót trong, cao (chú thích trong SGK đã dẫn cuối tr. 75). Tên bài thơ cũng là tứ thơ bởi hình tượng con chào mào trở thành hình tượng trung tâm, xuyên suốt thi phẩm. Bài thơ ngắn chia làm 5 khổ song nhìn từ cấu tứ chỉ gồm 2 phần. Phần 1 (khổ 1): Hình ảnh con chào mào giữa thiên nhiên. Phần 2 (các khổ còn lại): Hình ảnh con chào mào trong ý nghĩ của nhân vật trữ tình. Giải mã bài thơ này để trả lời 5 câu hỏi “Sau khi đọc” theo yêu cầu của SGK tr. 76 không thể không phân tích, lí giải hình tượng con chào mào ở từng phần đồng thời chỉ ra các chi tiết nghệ thuật kết nối giữa hai phần của bài thơ.

 

Hình ảnh con chào mào giữa thiên nhiên hiện lên từ những phác thảo:

 

Con chào mào đốm trắng mũ đỏ

Hót trên cây cao chót vót

triu... uýt... huýt... tu hìu...

 

Khổ thơ sử dụng bút pháp tả thực song đây là cách tả thực của thơ nên không rườm rà, tỉ mỉ mà chỉ là vài nét phác họa về màu sắc, âm thanh nhằm khơi gợi tưởng tượng, hình dung của người đọc về chú chim và khung cảnh xuất hiện của nó. Cách tả này vừa bắt nguồn từ bút pháp hàm súc, cô đọng của thi ca cổ điển vừa lay động, kích thích sự cộng đồng sáng tạo của văn chương hiện đại. Con chào mào màu sắc rực rỡ với tiếng hót trong trẻo, bay bổng lan tỏa, vang vọng giữa môi trường thiên nhiên khoáng đạt, bình yên như là một trong những biểu tượng đẹp đẽ của thiên nhiên. Vẻ đẹp ấy phải chăng chỉ tồn tại ở môi trường tự do đích thực của nó?

 

Thưởng thức, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chú chim giữa khung cảnh thiên nhiên, nhân vật trữ tình (xưng tôi ) thoạt tiên xuất hiện ý nghĩ chiếm hữu nên “vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ ” bởi lo sợ vẻ đẹp ấy sẽ vuột mất, xa rời. Cánh chim bao giờ cũng gắn kết với bầu trời; chú chào mào “cất cánh”; nhân vật trữ tình cố gắng thu ngắn khoảng cách cùng đối tượng trữ tình:

 

Tôi ôm khung nắng, khung gió

Nhành cây xanh hối hả đuổi theo

 

Vậy là chiếc lồng đan bện bằng hình dung và tưởng tượng trong ý nghĩ chật hẹp của cái tôi trữ tình đã nới rộng không gian tràn ngập ánh sáng, sự vận động và màu sắc của thiên nhiên bao la, kì thú. Sự mở rộng, hòa hợp của chiếc lồng ý nghĩ và chiếc lồng thiên nhiên dường như mang chứa khao khát hòa nhập cùng thiên nhiên xinh đẹp của nhân vật trữ tình.

 

Có thấu cảm khát vọng hòa nhập, đồng nhất cùng thiên nhiên của chính cái tôi trữ tình mới có thể cắt nghĩa được những ý nghĩ có vẻ như kì lạ, khó hiểu dưới đây:

 

Trong vô tăm tích tôi nghĩ

Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu

Trái cây chín đỏ

Từng giọt nước

Thanh sạch của tôi

 

Hình ảnh con sâu, trái cây, giọt nước vốn thuộc về thiên nhiên lại trở thành của tôi bởi giữa tôi và thiên nhiên đã không còn khoảng cách. Tôi là thiên nhiên và thiên nhiên cũng là tôi…

 

Chỉ có hòa nhập, đồng nhất cùng thiên nhiên thì chú chào mào ấy với màu sắc rực rỡ và tiếng hót ngân vang của nó mới có thể gắn bó, kết nối cùng tôi mãi mãi. Không chiếm hữu mà vẫn luôn luôn sở hữu; quan hệ giữa con người và thiên nhiên sẽ không còn là mối quan hệ giữa chủ thể và đối tượng mà thực sự trở lại mối quan hệ song song, hòa hợp vốn có từ hàng nghìn năm trước. Như những người bạn, thiên nhiên sẽ bộc lộ, chia sẻ cùng với con người giá trị đích thực của mình.

Giá trị đích thực của chú chim chào mào phải chăng là tiếng hót trong trẻo tuyệt vời của nó đóng góp vào vẻ đẹp sinh thái nói chung của hành tinh xanh này?

 

triu... uýt... huýt... tu hìu...

 

Với chú chim, hót không chỉ là hành động bản năng mà còn là hành vi dâng hiến. Cảm nhận sâu sắc, tinh tế hành vi này của chú chim chào mào nên dòng thơ tượng thanh lột tả tiếng hót ấy mới trở lại như một điệp khúc. Nếu như chuỗi âm thanh trên ở khổ 1 có thể được nhân vật trữ tình cảm nhận thông qua thính giác cụ thể thì chuỗi âm thanh láy lại chỉ được thấu cảm bằng kí ức bởi nó đồng vọng từ chính tâm hồn, cảm xúc của cái tôi trữ tình. Mà kí ức của mỗi chúng ta, do nhiều yếu tố nội quan, ví như bộ lọc có thể lọc sạch những tạp âm của thế giới bên ngoài chỉ giữ lại những gì tinh túy nhất, vì vậy, tiếng hót của con chào mào mặc nhiên sẽ kết tinh thành một phần kí ức ngọt ngào của cái tôi trữ tình. Mới hiểu vì sao kết thúc thi phẩm nhà thơ lại viết:

 

Chẳng cần chim lại bay về

Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.

 

Thế là mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, trong bài thơ là tương quan giữa nhân vật trữ tình và chú chim chào mào, đã trải qua ba chặng đường: chiêm ngưỡng – hòa nhập – đồng nhất. Thiên nhiên là người bạn lớn, luôn đồng hành và che chở cho con người. Chúng ta yêu quý, biết tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên, đó chính là lẽ sống, niềm hạnh phúc của con người hôm nay và mãi sau này.

 

P.Đ.D

 

 

(Nguồn: Văn Nghệ Trẻ)

 

 

 

 

Ảnh: Facebook Nguyễn Tuấn

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị