image advertisement
image advertisement





























 

Người tự tin trong thinh lặng cô đơn - Mai Văn Phấn

Người tự tin trong thinh lặng cô đơn

(Kỷ niệm với nhà thơ Võ Thanh An)

 

 

Cùng nhà thơ Võ Thanh An tại Đại hội Nhà văn VN năm 2015


 

 

Mai Văn Phấn

 

Tôi đọc thơ Võ Thanh An khi còn trên ghế nhà trường, nhưng mãi đến cuối thu 1987 mới có dịp diện kiến ông. Hôm ấy, ông cùng các nhà thơ báo Văn Nghệ, Hữu Thỉnh, Bế Kiến Quốc, Ngô Thế Oanh, Trần Ninh Hồ về giao lưu với đồng nghiệp và độc giả tại trụ sở Hội Văn Nghệ Hải Phòng.

 

Trong đêm thơ, nhà thơ Võ Thanh An đọc hai bài thơ "Thằng bờm" và "Gửi sao thần nông". Ông có phong cách đọc thơ khá đặc biệt, giọng trầm khàn như hóa thân vào từng câu thơ, đôi chân lúc tiến lúc lùi, cả cơ thể chuyển động theo từng mạch cảm xúc. Cuối mỗi đoạn thơ ông đọc to như hét lớn rồi chỉ tay về phía trước theo ánh mắt đăm đăm.

 

"Soi trong thế thái nhân tình

Con người lạ nhất là anh chàng Bờm

Gọi “thằng” là để yêu hơn

Chứ con người ấy sống ngàn năm nay." (Thằng bờm)

 

Những câu thơ bộc trực, chất phác ấy trở nên ám ảnh, cuốn hút hơn qua giọng đọc cùng sự diễn cảm mạnh mẽ, khác lạ của Võ Thanh An. Trong ánh nến đêm thơ, trông ông giống như bức tượng đồng đứng trong làn gió ngược, tóc râu bốc lửa... Sau đêm thơ, chúng tôi cùng ngồi lại, nhưng thấy ông có dáng vẻ kiêu bạc, hơi lạnh lùng nên tôi giữ khoảng cách im lặng.

 

Vào cuối năm 1990 tôi bắt đầu gửi thơ cho các báo. Chùm thơ đầu tiên của tôi đăng trên báo Văn Nghệ do nhà thơ Bế Kiến Quốc lựa chọn. Anh Bế Kiến Quốc là người cẩn trọng, chu đáo và ân cần. Tôi nhớ sau đó anh đã trao cho tôi tờ Văn Nghệ có đóng dấu "Kính biếu" cùng nhuận bút của báo tại một đêm thơ do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức ở Tây Hồ. Sau chùm thơ "trình làng", thi thoảng tôi lại gửi bài cho báo Văn Nghệ.

 

Thế rồi một tối muộn mùa đông năm 1993, tôi bất ngờ nhận được cuộc điện thoại gọi từ máy cố định. Người ở đầu dây bên kia chưa xưng tên, song tôi nhận ra ngay giọng nhà thơ Võ Thanh An, bởi vẫn nhớ giọng đọc thơ rất ấn tượng của ông hôm nào. Đây là lần đầu tiên tôi và ông nói chuyện với nhau, dù chỉ qua điện thoại. Không hề xã giao hay rào trước đón sau, ông nói luôn cảm tưởng khi đọc chùm thơ lục bát của tôi mới đăng trên Văn Nghệ, và nhắc một vài câu thơ ông thích trong chùm thơ ấy. Sau đó ông hỏi tôi cặn kẽ về quan niệm văn chương, những thói quen khi viết, về gia cảnh, cả công việc đời thường... Khi ấy và cho đến tận bây giờ, tôi xúc động và biết ơn thái độ thẳng thắn, tình cảm chân thành, nồng hậu của ông. Tôi cảm nhận bên trong dáng vẻ lạnh lùng và kiêu bạc của Võ Thanh An là một con người bộc trực, dễ xúc động, tự tin trong cô đơn, thinh lặng.

 

Võ Thanh An là một trong số ít các nhà thơ đi trước có thái độ trân quý người mới cầm bút, luôn giữ thái độ đối thoại bình đẳng với thế hệ sau mình, coi những người viết trẻ là đồng nghiệp của mình quanh "chiếc bàn tròn" văn chương. Ngay từ buổi đầu đàm đạo với ông qua điện thoại, Võ Thanh An đã coi tôi như người bạn viết, một người chạy tiếp sức với ông trên con đường thơ.

 

Tôi cũng giống như một số tác giả cùng thế hệ, khi mới cầm bút thường viết theo bản năng và thói quen thẩm mỹ được học trong nhà trường cùng vốn liếng tích lũy. Do vậy, những bài thơ đầu tay của tôi nằm trong quỹ đạo của thế hệ thơ Võ Thanh An, dẫu có quẫy đạp vẫn chỉ là những "vĩ thanh" của họ. Nhưng sau đó, tôi tự biết chán mình, biết phủ định mình, tự rũ bỏ quan niệm cũ để đi tìm giọng nói riêng của thế hệ mình. Từ thời điểm đó, câu chuyện văn chương giữa nhà thơ Võ Thanh An và tôi như chuyển sang chiều hướng khác, bởi chúng tôi dần khác nhau, xa nhau hơn trong tư duy thẩm mỹ, quan niệm thơ ca.

 

Một số nhà thơ trẻ thời những năm 1990, trong đó có tôi, đã chủ động tìm đến hệ hình thẩm mỹ khác, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của thơ ca thế giới mà trước đó chưa có điều kiện tiếp cận, như các khuynh hướng của chủ nghĩa hiện đại (tượng trưng, siêu thực, biểu hiện...), trào lưu hậu hiện đại, thơ tân hình thức, thơ ngôn ngữ, thơ trình diễn (poetry performance)... Khi tôi bắt đầu bước ngoặt của hành trình sáng tạo, Võ Thanh An và tôi thi thoảng có những cuộc tranh luận trên điện thoại, đôi khi bên bàn trà. Ông cũng thẳng thắn nêu những quan niệm, nhận xét của riêng ông về sự đổi mới, cách tân thơ hiện nay và đặt ra cho tôi rất nhiều câu hỏi, như thơ Việt Nam đang ở đâu và có vị trí nào trong dòng chảy thơ thế giới? Sự khác nhau cơ bản giữa thế hệ "thơ chống Mỹ" với thế hệ đổi mới sau 1986 là gì? Việc cách tân thơ hiện nay có cần đi lại con đường của nhóm Sáng tạo ở miền Nam trước 1975 không? Thơ hiện đại có cần giữ nhịp và vần điệu không? Sử dụng nhiều khẩu ngữ có làm mất đi tính thơ không? Thơ có quyền dễ hiểu hay khó hiểu? Biện pháp tu từ trong thơ cách tân được sử dụng thế nào? Thủ pháp kết nối điểm nhìn trong không gian thơ có gây nên sự đứt đoạn trong tư duy nghệ thuật không? Con đường nào để đi tới sự cân bằng giữa trung tâm và ngoại biên? Cảm xúc sáng tạo có vai trò gì trong kiến tạo phần mảnh của tác phẩm v.v và v.v... Sau hàng loạt những câu hỏi như vậy, Võ Thanh An luôn bình tĩnh lắng nghe những kiến giải và dẫn chứng của tôi. Trong lúc tranh luận tôi cũng chất vấn lại ông và luôn được ông ôn tồn trả lời cặn kẽ. Thời gian ấy, ông và tôi thường xuyên có những buổi trò chuyện say sưa về thơ, về một hiện tượng thơ mới xuất hiện, hoặc về một câu thơ hay và lạ của tác giả nào đó... Điều tôi ngạc nhiên và vô cùng trân trọng Võ Thanh An, là mặc dù thảo luận, thậm chí tranh luận gay gắt nhưng ông không bao giờ có thái độ áp đặt, hoặc cố chấp điều gì. Ông là người bộc trực, thẳng thắn, nhưng khi nói chuyện chữ nghĩa thường rất điềm tĩnh. Nhà thơ luôn lắng nghe những quan niệm nghệ thuật khác ông, và đặc biệt hơn, có thể chấp nhận những giá trị không nằm trong hệ hình thẩm mỹ của thế hệ ông. Điều ấy đối với những nhà thơ khác quả thực không mấy dễ dàng!

 

Trên tinh thần cổ xúy cho cái mới, cái khác lạ, chính Võ Thanh An đã vận động tôi gửi chùm thơ văn xuôi cho báo. Đầu năm 1994, những bài thơ văn xuôi đầu tiên của tôi "Viết cho cây sáo", "Em cho con bú", "Bừng tỉnh trên tàu" đã được công bố trên Văn Nghệ. Tôi nhớ vào thời điểm ấy, những bài thơ có hình thức văn xuôi in trên báo chí nói chung cũng không mấy dễ dàng. Khi số báo Văn Nghệ có chùm thơ của tôi phát hành, ông đã gọi điện chúc mừng tôi. Giọng ông gần gũi và hồ hởi như những bài thơ của chính ông vừa đến được tay bạn đọc. Những cử chỉ ân cần, đáng yêu ấy của ông như tiếp cho tôi thêm nhiệt huyết, niềm đam mê, khiến tôi càng vững tâm hơn trên con đường kiến tạo một lối đi riêng, dám dấn thân vào địa hạt hoàn toàn mới lạ trong sáng tác.

 

Biết ơn lòng yêu tin của nhà thơ Võ Thanh An nên tôi trân trọng gửi tặng ông những tập thơ được xuất bản sau đó, như "Vách nước” (xuất bản năm 2003), "Hôm sau” (xuất bản năm 2009), "Bầu trời không mái che” (xuất bản năm 2010)... Ông luôn nồng nhiệt đón nhận các ấn phẩm của tôi và thường đọc rất kỹ rồi trao đổi qua điện thoại. Có lần tôi còn nhận được cả thư viết tay gửi qua bưu điện của ông nữa. Thư ông viết thường không dài, nét chữ khá giống đơn thuốc của bác sĩ... Cuối mỗi bức thư ông thường căn dặn, đừng nản, thi sĩ là người dám đi đến tận cùng cái đẹp mà mình đã nhìn thấy.

 

Thơ ca với Võ Thanh An là cõi thiêng. Có lần đang trò chuyện với tôi tại nhà riêng của ông trong một con ngõ nhỏ làng Giảng Võ, câu chuyện như chạm tới cảnh giới thiêng liêng nào đó trong tâm tưởng nên ông lặng lẽ vào thắp một nén hương trên bàn thờ gia tiên. Sau phút giây ấy, giọng ông trầm khàn hơn và như có dòng lệ chảy qua. Ông hay nói câu "Lời nói đọi máu". "Đọi" có nghĩa "cái bát", một từ đặc trưng ngôn ngữ xứ Nghệ của ông. Câu ấy có nghĩa mỗi lời nói quý ngang một bát máu. Đó là nhân cách sống, thái độ nghiêm cẩn của ông với thơ, với mọi người. Phương ngôn ấy cũng là "Ngôi Lời" trong thế giới thơ thiêng liêng và tuyệt đẹp của ông, là ánh sáng con đường sáng tạo, là nơi ông xuất phát, đồng thời là đích để ông đến. Bằng câu nói ấy, Võ Thanh An cũng nhắc nhở tôi về tính chuyên nghiệp, sự nghiêm túc, cẩn trọng trong sáng tác mỗi khi đặt từng từ trên trang giấy.

 

Tôi được may mắn gặp Võ Thanh An trước khi nhà thơ giã từ cõi tạm. Khi ấy ông đã yếu vì lâm bệnh trọng, dù không ngồi dậy được nữa, nhưng khi nói đến thơ, nhắc đến chuyện chữ nghĩa, giọng ông bỗng như vang xa hơn, đôi mắt lại rực sáng và ngấn lệ. Ông lại nói về quyền uy và vẻ đẹp bất tận của thơ ca, về chuyện ân tình, nhân nghĩa... Cùng với câu nói "Lời nói đọi máu", Võ Thanh An nắm chặt tay tôi hơn và nói chậm từng tiếng: "Thơ muốn tiếp tục tồn tại phải mới lạ, phải khác". Rồi ông quay sang hỏi tôi mà như nhắc, rằng tôi đã đến tuổi nghỉ hưu rồi phải không, thời gian đi nhanh quá, mới chùm thơ đầu tay hôm nào... Đúng vậy, bên cạnh chúng tôi đã có hai, ba thế hệ thơ kế tiếp. Đó là những tác giả tài năng, có kiến thức vững vàng và bản lĩnh. Thơ họ hay hơn, mới lạ hơn thế hệ chúng tôi, đó cũng là phúc phần của nền văn học chúng ta.

 

Nhà thơ Võ Thanh An rời xa cõi "nhân tình" đã 5 năm, nhưng tình cảm chân thành nồng ấm của ông mãi ở lại. Điều quý báu nhất ông đã dành cho tôi chính là bài học về thái độ trân trọng thế hệ kế tiếp, biết bình tĩnh lắng nghe những quan niệm thẩm mỹ khác mình, biết chấp nhận những giá trị nghệ thuật mới lạ.

 

Hải Phòng, 17/8/2022

M.V.P

 

 

Võ Thanh Anh qua nét vẽ của Nguyễn Văn Hổ

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị