image advertisement
image advertisement





























 

Trong tiếng vọng của thời gian - Nguyễn Thanh Tâm

Trong tiếng vọng của thời gian

 

 

Nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm

 

 

Nguyễn Thanh Tâm

 

So với việc Mai Văn Phấn bước vào làng thơ từ đầu những năm 1990, sau đó đoạt giải thưởng của báo Người Hà Nội (1994), Văn nghệ (1995), tôi chắc hẳn là người đến muộn. Đến muộn và lại đúng vào thời điểm thơ Mai Văn Phấn có nhiều hoang mang, hoài nghi nhất (với những tập như "Hôm sau, và đột nhiên gió thổi", "Bầu trời không mái che"). Những khác lạ ở thời điểm ấy khiến hành trình đọc của tôi buộc phải chia về hai hướng. Một quay về để gặp lại quá khứ, một dấn bước, đuổi theo Mai Văn Phấn trên con đường trước mặt. Ngả nào cũng nhiều âu lo xen lẫn háo hức.

 

Sự háo hức có đôi nét như đứa trẻ tìm được trò chơi mới. Tuy nhiên, ở sâu hơn, khi quan sát chính mình, tôi nhận ra nguồn thơ ca đánh thức những giác quan con người gắn với cuộc đời trên miền mỹ cảm vừa thực, vừa siêu thực. Niềm hân hoan sáng lên như một nỗi đợi chờ, nhưng cũng soi tỏ âu lo. Tôi nghĩ, cuộc đời này, có gì đó cho ta chờ đợi, chẳng phải là may mắn hay sao? Đợi chờ không hẳn là hạnh phúc, nhưng đợi chờ là sống.

 

Những âu lo đã ở đó, khi tôi thấy mình có lúc hụt hơi trên hành trình ngược xuôi theo Mai Văn Phấn. Đó là giới hạn mà tôi nhận ra trên đường biên của những màu mây khác, ở những nhịp chuyển động hay chập nổ làm lộ ra không gian khác, gây bất ngờ cho thói quen. Mai Văn Phấn sẽ viết gì nữa?

 

Tôi không cho rằng việc gặp gỡ hay quen biết với tác giả là điều quan trọng. Thậm chí, tôi nghĩ đó là điểm bất lợi cho việc phê bình. Có thể là một sai lầm, nhưng với tôi, như thế an lòng hơn. Tôi không muốn nói về con người tác giả, cũng không muốn bất cứ sự chi phối nào của mối quan hệ cá nhân làm ảnh hưởng đến cảm xúc riêng tư khi đọc tác phẩm của họ. Thế mà rồi tôi vẫn gặp Mai Văn Phấn.

 

Năm 2011, tôi về Hải Phòng tham dự hội thảo "Mai Văn Phấn - Đồng Đức Bốn: khác biệt và thành công". Ấn tượng theo tôi cả những năm tháng sau này, Mai Văn Phấn là người dễ chịu và nền nã. Điểm đặc biệt nhất có lẽ là đôi mắt và giọng nói. Đôi mắt ngước lên khi đọc thơ ẩn chứa một niềm tin, có gì như thiêng liêng và khắc khoải. Giọng nói hơi ngập ngừng và thảng thốt, phảng phất gió mang tiếng vọng sâu xa của biển.

 

Tôi không gặp Mai Văn Phấn từ sau lần ấy, dù vẫn đọc và viết về anh khá nhiều, đến nỗi, có người nói vui rằng, tôi là nhà Mai Văn Phấn học, nhất là sau khi ra mắt cuốn chuyên luận "Mai Văn Phấn và hành trình thơ vào cõi khác" (viết cùng Ngô Hương Giang - Viện Triết học, NXB Hội Nhà văn, 2015). Cho đến khi hoàn thành cuốn sách, tôi cũng không một lần gặp Mai Văn Phấn. Ngày ra mắt, Mai Văn Phấn không đến dự. Tôi nghĩ, đó là sự im lặng cần thiết của một người biết tự trọng, nhất là khi hình dung ra những lời chúc mừng nồng nhiệt mà phần lớn là xã giao làm hân hoan tất cả.

 

Mai Văn Phấn là người tự trọng trong việc làm nghệ thuật. Có lần, Ngày thơ Việt Nam tổ chức tại Văn Miếu, khi tôi đến thì gặp anh đang vội vã rời khỏi sân thơ, nơi người ta bắt đầu đọc thơ. Không phải Mai Văn Phấn không đọc được thơ hoặc thơ anh không đáng để đọc, mà sự ồn ào của không gian hội thơ thực sự không dành cho thơ. Thơ cần được đọc trong sự tĩnh lặng, cô đơn và không nên quá nhiều ánh sáng.

 

Mai Văn Phấn là một nhà thơ có chiến lược cho hành trình sáng tạo của mình. Nếu phải nói rằng, ở Việt Nam, ai là thi sĩ đi qua nhiều chặng đường mỹ học nhất, tôi nghĩ đó là Mai Văn Phấn. Từ truyền thống cổ điển, lãng mạn đến tượng trưng, siêu thực rồi trở về tân cổ điển; từ hiện đại đầy vỡ vào hậu hiện đại; từ thơ ca xây cất trên niềm tin đến những vùng trời chới với bất an, Mai Văn Phấn thực sự là kẻ “vong thân” đầy xác tín trên hành trình thi sĩ của mình.

 

(Nguồn: Báo Hà Nội Mới)

 

 

 






 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị