Phân tích nghệ thuật sử dụng hình ảnh trong bài thơ "Thu đến" (nghị luận) - Phạm Thị Kim Chi
Phân
tích nghệ thuật sử dụng hình ảnh trong bài thơ "Thu đến" của Mai Văn
Phấn
Phạm
Thị Kim Chi
ĐỀ BÀI:
Viết
đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích nghệ thuật sử dụng hình ảnh trong
bài thơ sau:
Thu đến
Chiếc lá kia rơi
Mặt đất sẽ trũng xuống
Vọng tiếng chuông xua mây đen
Nắng sẽ hanh hao
Heo may run ngõ nhỏ
Sách mới thơm hơi trẻ thơ
Mía ngọt trào lên ngọn
Những con sâu nhẫn nại tết vệt trứng óng ả quanh gốc cây
già
Chú bê non chạm lưỡi mềm mặt cỏ
Chiếc lá ấy rơi
Biết có ai được may mắn đến gần
Thời khắc mùa thu về đích.
(Mai
Văn Phấn, in trong "Lặng yên cho nước chảy", Nxb. Hội Nhà văn, Hà
Nội, 2020)
Hướng dẫn đọc nhanh:
•
Phân tích nghệ thuật sử dụng hình ảnh trong bài thơ Thu đến của Mai Văn Phấn
•
Phân tích bài thơ Thu đến của Mai Văn Phấn
Phân
tích nghệ thuật sử dụng hình ảnh trong bài thơ Thu đến của Mai Văn Phấn
–
Toàn bộ hình ảnh trong bài thơ đều tập trung thể hiện rõ bức tranh thiên nhiên
và cuộc sống khi mùa thu đến.
–
Đó đều là những hình ảnh rất đặc trưng của mùa thu:
+
Thiên nhiên: lá rơi, nắng hanh hao, heo may, mía ngọt lên ngọn, sâu đẻ trứng,…
+
Cuộc sống: mùa tựu trường của học sinh (sách mới thơm hơi trẻ nhỏ)
–
Những hình ảnh cho thấy sự quan sát tinh tế của tác giả; đồng thời cũng thể
hiện những suy ngẫm, chiêm nghiệm của tác giả trong thời khắc thu về: từ hình
ảnh chiếc lá rơi, tác giả suy ngẫm về sự ngắn ngủi, thoáng chốc của kiếp người.
BÀI LÀM:
Mai
Văn Phấn cũng là người có duyên với mùa thu, tiết thu, hơi thu… Ông đã để lại
trên từng chặng đường sáng tạo nhiều bài thơ về thu thật ấn tượng: “Thu về”
(1992), “Cảm giác mùa thu” (1995), “Quả thu”, “Nỗi nhớ mùa thu”, “Ký sự mùa
thu” (1997), “Đầu thu”, “Nhịp thu về”, “Quyền lực mùa thu” (1999), “Những bông
hoa mùa thu” (2009), “Thu đến” (2010) và rất nhiều bài thơ 3 câu về mùa thu
trong 2 tập thơ 3 câu “hoa giấu mặt” và “thả” xuất bản gần đây. Thơ Mai Văn
Phấn theo khuynh hướng cách tân thi pháp nên mùa thu của ông trên mỗi chặng
đường thơ dần được làm mới và hiện đại hơn. Và bài thơ “Thu đến” đã đạt tới độ
chín, cho bạn đọc cảm giác nhà thơ đã tạo ra một thi pháp riêng biệt cao hơn
mọi thủ pháp trước đây.
Viết
về mùa thu, có thi sĩ nào mà không nhắc đến lá. “Em không nghe mùa thu/ Lá thu
rơi xào xạc”( Lưu Trọng Lư), “Em có nghe mùa thu mưa bay lá đổ”… Nhà thơ Mai
Văn Phấn cũng nói về lá rơi nhưng ông nói cách khác: “Mặt đất sẽ trũng xuống”.
Một cách nói rất sáng tạo, gây ấn tượng mạnh về sức nặng và sức mạnh của mùa
thu. Điều lạ kỳ ở đây là, chiếc lá rơi khi mùa thu đến sẽ làm mặt đất “trũng
xuống”. Câu thơ làm người đọc tưởng tượng chiếc lá chạm vào mặt đất có sức
“công phá” như một nhát cuốc, mũi thuổng, lưỡi búa, lưỡi mai… Hình ảnh khá bạo
liệt ấy ngay lập tức được nhà thơ phủ ngập trong không gian thu: “Vọng tiếng
chuông xua mây đen”. Âm thanh ở đây “vọng”, nhưng lại lan xa, làm xao động mọi
cảnh vật và đặc biệt nó đã “xua mây đen”. Lạ thật! Thường thì gió xua mây chứ
sao lại là “tiếng chuông”? Cái lạ lùng trong cách “xua mây” chỉ thấy trong thơ
Mai Văn Phấn. Có phải lúc lắng lòng tận hưởng cái huyền diệu của mùa thu, nhà
thơ dường như còn nghe cả tiếng vọng tâm linh từ “tiếng chuông” (chuông chùa
hay chuông nhà thờ)? Tiếng thu trong thơ Mai Văn Phấn thật là huyền nhiệm!
Cũng
lúc này, nhà thơ dẫn người đọc đến ngõ nhà ai để ngắm nhìn nắng “hanh hao”, và
thưởng thức “Heo may run ngõ nhỏ”. Không biết heo may “run” khi đến ngõ nhỏ hay
ngõ nhỏ “run” khi đón heo may? Dù chủ thể của “run” là gì đi chăng nữa thì chắc
hẳn nó cũng được “truyền” bởi cái run rẩy của con tim thi sĩ khi thu đến. Phải,
có thi sĩ nào mà không run rẩy khi đắm mình trong hương sắc mùa thu? Chẳng phải
người ta đã từng nói thi nhân với mùa thu là tri kỉ? Từng ví thi sĩ với mùa thu
là gió với hương, là quả với hạt, là gốc với ngọn, là hình với bóng…, một biểu
tượng kép là gì?
Nhà
thơ lại đưa chúng ta vào nhà ai để cùng “trẻ thơ” đón thu qua “Sách mới thơm
hơi trẻ thơ”. Mùa thu cũng là mùa tựu trường mà! Hương thu vẫn còn đọng lại
“thơm” từng trang “sách mới” của trẻ thơ. Và vườn nhà lúc vào thu cũng bừng
sáng, sinh sôi: “Mía ngọt trào lên ngọn/ Những con sâu nhẫn nại tết vệt trứng
óng ả…/ Chú bê non chạm lưỡi mềm mặt cỏ”. Lúc này, tôi nhắm mắt để tận hưởng
hương “thơm” và vị “ngọt” của vườn thu lan tỏa. Nhắm mắt mà vẫn như “nhìn thấy”
màu xanh cỏ non, cái “óng ả” của vệt trứng sâu, chú bê non đáng yêu hiện lên ở
mỗi con chữ. Một bức tranh thu toàn bích, có hình ảnh đẹp, non tơ (lá rơi, cỏ
mềm, mía ngọt, bê non, sách mới), có sắc màu tươi sáng, trang nhã: xanh (cỏ),
vàng (lá), óng ả (vệt trứng sâu), lại có vị ngọt, hương thơm và đặc biệt có âm
thanh tiếng chuông buông vào làm cho mùa thu vốn huyền diệu lại càng huyền diệu
hơn. Thế đấy, ai bảo thu thì phải “sầu”, phải “đìu hiu”, “tiêu sơ”, “nức nở”…
Riêng mùa thu trong thơ Mai Văn Phấn thì luôn căng tràn sự sống, ấm áp, tươi
vui. Không chỉ “riêng” trong cái nhìn mà còn “riêng”, còn “mới” trong cách thể
hiện nữa. Không chú trọng gieo vần như trong thơ truyền thống, nhưng nhà thơ
chú trọng nhịp diệu câu thơ, khổ thơ để tạo ra sức lan tỏa của từng hình ảnh.
Bức
tranh mùa thu đã được khép lại ở khổ thơ thứ ba của bài thơ nhưng nhà thơ lại
dẫn dụ bạn đọc đứng trước suy ngẫm của ông về mùa thu ở khổ thơ cuối:
“Chiếc
lá ấy rơi
Biết
có ai được may mắn đến gần
Thời
khắc mùa thu về đích”
Một
lần nữa tác giả nhắc lại “Chiếc lá rơi” chỉ thay từ “kia” bằng từ “ấy”. Nếu ở
khổ thơ đầu “Chiếc lá kia rơi” là lời thông tin mùa thu đến, thì “Chiếc lá ấy
rơi” ở khổ thơ cuối là lời khẳng định bản sắc mùa thu. Mùa thu là thế đấy: tươi
đẹp, ngọt ngào, quyến rũ… Có phải theo cảm quan của nhà thơ thì đó là “Thời
khắc mùa thu về đích”. Thu là “khoảng ngừng” kỳ diệu thuận cho tạo vật bừng sắc
một lần chót trước khi đi vào khô hạc, héo úa… Các nhà thơ thường chớp lấy cái
an lạc vĩnh hằng của trời đất để nương gửi sự an định tâm hồn mình. Vậy nên
trong cảm quan của các nhà thơ, mùa thu là mùa đẹp nhất, huyền diệu nhất. Ai
chớp lấy thời khắc này được xem là người may mắn. Mai Văn Phấn là người đã có
được sự may mắn ấy.
(Nguồn:
tramvanhoc.com)