Khám phá không gian thơ đương đại
Mai Văn Phấn
Thơ ca không chỉ là phương tiện để giãi bày cảm xúc cá nhân, phản ánh đời sống, mà còn khám phá chiều sâu của tư tưởng, tính phức cảm của cảm xúc, sự phong phú và đa dạng của hiện thực. Vì thế, ở mỗi giai đoạn, thơ ca đi theo những trào lưu khác nhau, mang những phong cách khác nhau. Nhìn bao quát nền thi ca Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay, từ cuộc cách tân thơ đầu tiên (Phong trào Thơ mới – năm 1932) đến cuộc cách tân thơ thứ hai (Phong trào Đổi mới – năm 1986), ta có thể coi giai đoạn cách tân thứ nhất là thơ truyền thống, giai đoạn thứ hai là thơ đương đại. Thơ truyền thống được kết tinh qua ngôn từ và cấu trúc chặt chẽ, chứa đựng sự hài hòa giữa hữu hạn và vô hạn, giữa khuôn khổ của thể thơ và tính tự do trong sáng tạo. Thơ đương đại, trái lại, đang dần phá vỡ những giới hạn truyền thống khi các nhà thơ mạnh dạn thử nghiệm những hình thức cách tân, mới lạ: thơ không còn giới hạn trong biểu đạt cá nhân hay cái đẹp, mà trở thành diễn ngôn phức hợp, chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa, thậm chí cả những ý tưởng đối lập.
Thơ truyền thống, như ta vẫn thấy, thiên về niêm luật với những quy tắc chặt chẽ như số lượng âm tiết, vần điệu, nhịp điệu và cấu trúc, dẫn đến đôi khi nhà thơ phải hy sinh tính tự nhiên trong cảm xúc và ý tưởng để phù hợp với cấu trúc. Cấu trúc thơ truyền thống có thể ví như hình học phẳng, nơi các thi ảnh tựa như những tiếp điểm, giao tuyến liên hệ chặt chẽ trên một mặt phẳng không gian. Trước đây tôi cũng có một số bài thơ viết theo phong cách này, ví dụ câu thơ sau:
"Con chim bay vút lên không
Ðể lại gió với cánh đồng rộng thênh"
("Không đề I", tập thơ Giọt nắng, 1992)
Nếu là thơ tôi viết bây giờ, con chim kia đã bay lên tất sẽ hướng đến một "giao tuyến" khác để mở ra một khoảng không khác, gợi ra liên tưởng mới lạ hơn, nhưng ở bài thơ này nó vẫn quay lại để "phủ đầy" cảm xúc cho "đường bay cũ". Lối kết cấu chặt chẽ này cũng đặt ra những giới hạn, tạo nên những khuôn khổ nhất định; tuy nó mang lại sự mạch lạc và quen thuộc, nhưng lại hạn chế tính phóng khoáng và sự bất ngờ trong biểu đạt.
Bứt phá khỏi dòng truyền thống, thơ đương đại đang trải qua giai đoạn chuyển biến mạnh mẽ, không chỉ về thi pháp và hình thức mà còn ở nội dung và cách tiếp cận. Các nhà thơ ngày nay không ngừng mở rộng biên giới ngôn từ, vượt ra ngoài khuôn khổ truyền thống để đối diện với những vấn đề lớn của thời đại như căn tính cá nhân, bản sắc dân tộc, và những biến thiên của các giá trị đạo đức và văn hóa, của xã hội... Không gian sáng tạo vì thế cũng được mở ra vô giới hạn, nơi nhà thơ dẫn dụ người đọc vào hành trình khám phá thế giới nội tâm phức tạp, đồng thời đối diện với những vấn đề toàn cầu, từ cá nhân hóa đến toàn cầu hóa, từ tâm lý con người đến những biến đổi không ngừng của xã hội và tự nhiên.
Trong giai đoạn chuyển biến này, việc cách tân thi pháp trở thành yếu tố thiết yếu, giúp thơ đương đại không ngừng đổi mới và thách thức các quy tắc truyền thống. Thơ đương đại không chỉ kế thừa các giá trị truyền thống mà còn mở rộng tương tác với thơ ca thế giới, tạo ra sự giao thoa và ảnh hưởng qua lại giữa các nền văn hóa. Không gian biểu đạt trong thơ không còn bị ràng buộc bởi cấu trúc cứng nhắc, mà mở ra những chiều kích mới, đa tầng và phi tuyến tính. Các hình ảnh, ý tưởng và cảm xúc đan xen, thậm chí tương phản nhau mà không nhất thiết phải tuân theo quy tắc. Thay vì chỉ dựa vào sự liên kết chặt chẽ giữa các yếu tố, thơ đương đại cho phép tự do sắp đặt các thi ảnh, tạo ra những đứt gãy và gián đoạn đầy bất ngờ. Điều này không chỉ mở rộng biên giới sáng tạo của người viết mà còn thúc đẩy người đọc vào vai trò chủ động, trong đó họ tự diễn giải và tạo ra ý nghĩa của bài thơ, tự khám phá những mạch kết nối và cảm nhận ý nghĩa sâu xa ẩn chứa trong sự mơ hồ và đa nghĩa của tác phẩm. Những câu thơ sau đây của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc cho thấy tính tự do sắp đặt và sự mơ hồ của ngôn từ trong thơ đương đại:
"Em dựng dậy trong tôi một người trinh nữ
Lâu nay nằm ủ rũ
...
Sám hối cùng rễ cỏ
Chờ một ngày tái sinh"
(Trinh nữ);
Hay,
"Sinh ra từ nước
Em dịu dàng mỉm cười
ánh sáng từ đâu, ai biết"
(Từ nước)
Nếu cấu trúc thơ truyền thống là hình học phẳng thì cấu trúc thơ đương đại là hình học không gian, nơi các đối tượng và mối quan hệ có những tương tác đa chiều. Tôi hình dung không gian thơ đương đại tựa như một khối lập phương. Để vẽ được hình khối này, ta cần xác định các điểm cơ bản và sử dụng những vết chấm rải mờ để diễn tả các mặt khuất lấp của nó. Thơ đương đại cũng tương tự như vậy. Các nhà thơ thường sử dụng hình ảnh mờ nhòe và cả ngôn từ lưỡng tính để diễn tả những góc khuất, tạo ra chiều sâu, sự huyền ảo và tính đa nghĩa của tác phẩm. Các bề mặt của "khối lập phương" thơ không tồn tại riêng rẽ mà tương tác lẫn nhau, tạo nên một không gian đa tầng, nơi ý nghĩa trượt qua và biến đổi khi ta di chuyển từ mặt này sang mặt khác. Mỗi mặt không chỉ là một "khung cảnh" tĩnh tại mà còn có thể gấp lại, mở ra, tựa như một trò chơi của hình thái ngôn ngữ. Ở đó, các nhà thơ tạo nên các mối liên kết giữa những yếu tố tưởng như rời rạc, kiến tạo những dòng chảy ngầm, tương tự như các mặt khuất của khối lập phương – chỉ có thể cảm nhận chứ khó nhìn thấy trọn vẹn. Chính sự nhập nhòa giữa các lớp ngôn từ, hình ảnh, và cảm xúc khiến thơ đương đại liên tục mở rộng, tạo ra cảm giác bất tận và không bao giờ bị giới hạn trong một ý nghĩa duy nhất.
"Một ly vỉa hè
Lặng im và chuyển động
Giọt giọt trên đường
dòng dòng đen bò vào miệng cống
Vừa khóc vừa hát
Mở to trong veo đi nào"
("Café vỉa hè Khâm Thiên")
Đoạn thơ trên của nhà thơ Trần Hùng cho thấy, hình ảnh chiếc "ly", "giọt", "dòng đen", "miệng cống", "khóc, "hát" đều là những phân mảnh trong một khoảng không vô hồn, được xác định. Nhưng khi người đọc nhận được nguồn cảm xúc của người viết, các thi ảnh trên bỗng chuyển dịch, liên kết với nhau tạo thành một đời sống sinh động; chúng thực hiện cuộc hoán chuyển, hòa quyện và mở ra những liên tưởng mới lạ, đầy quyến rũ.
Sự xuất hiện và chuyển dịch của các thi ảnh trên không chỉ mang nghĩa đơn nhất mà trở thành những biểu tượng đa tầng, có khả năng biến đổi dựa trên cách tiếp cận của người đọc. Sự ảo diệu, mơ hồ ấy không phải thiếu vắng sự rõ ràng mà cho thấy một chiến lược nghệ thuật, giúp bài thơ trở thành một không gian mở, nơi ý nghĩa có thể lan tỏa và cho phép người đọc cảm thụ, diễn giải theo nhiều cách khác nhau. Điều này phản ánh bản chất của cuộc sống hiện đại, mà hiện thực của nó thường là mơ hồ, bất định và phức tạp. Các chiều kích của không gian thơ đương đại không chỉ là sự mô phỏng thế giới vật lý mà còn là thế giới tinh thần, nơi ý thức và vô thức hòa nhập, nơi những ký ức, cảm xúc và suy tưởng của con người phơi bày qua những lớp nghĩa phức tạp, chồng lấn. Mỗi bài thơ có thể được tiếp cận từ góc độ khác nhau, và từ mỗi góc nhìn lại mang đến một ý nghĩa mới, khiến cho người đọc không thể chỉ đơn giản dừng lại ở một cách hiểu, một cảm nhận duy nhất.
Không gian thơ đương đại mở ra vô hạn, nơi mỗi từ ngữ, mỗi hình ảnh đều chứa đựng sức mạnh của sự tiếp nối, chuyển động và biến hóa; chúng được liên kết bởi cảm xúc mãnh liệt của người viết. Chính nhờ cảm xúc này, không gian thơ trở nên sống động và khó nắm bắt, nơi những mảnh ghép tưởng chừng rời rạc lại hợp thành một tổng thể đầy cuốn hút, mở ra nhiều tầng nghĩa ẩn dụ. Qua đó, người đọc không chỉ cảm nhận được tác phẩm mà còn khám phá chiều sâu tư tưởng và thấu hiểu xúc cảm của nhà thơ. Đoạn thơ dưới đây của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho thấy tính liên đới của những thi ảnh khá rời rạc và mong manh, nhưng mỗi hành vi dịch chuyển lại bao phủ một lớp nghĩa độc lập, nhưng bị cuốn đi trong một trường liên tưởng mạnh và nhất quán:
"Dừng lại và khóc, và hát, và nói, và im lặng
Trong tiếng nghiến mềm mại của ghế mây, những nức nở êm đềm
Những ngón tay bò trong đêm như rắn? như giun? như những kiếp người?
Có thể bại liệt vì cóng trên từng đốt nhỏ
Bò đi, không chịu gục và không chịu sưởi
Bò đi và tự nóng rực lên, quặn xiết vào nhau
Những ngón tay đen như những mẩu củi khô cháy dở
Những ngọn lửa tha phương lầm lụi tìm về"
("Chuyển dịch màu đen")
Những ngón tay "bò đi" không chỉ biểu trưng cho một hành trình vô hình của sự chịu đựng, kiên cường trong vô vọng, mà nó dội lên tiếng vọng của bản năng sinh tồn, cố bám víu vào cái đang tàn lụi. Hành vi này là cuộc kiếm tìm không ngừng nghỉ trong một thế giới hỗn loạn và xa lạ, nơi mà mỗi bước tiến là sự dấn thân đớn đau, nhưng cũng là cuộc tái sinh.
Phong cách đa dạng của thơ đương đại mang đến cho người đọc những liên tưởng phong phú. Mỗi cá nhân sẽ cảm nhận thơ theo cách riêng, tự khám phá những tầng nghĩa ẩn chứa trong từng câu chữ, hình ảnh và âm điệu. Nhờ đó cách tiếp cận và diễn giải tác phẩm cũng phong phú và đa dạng hơn. Chính sự khác biệt này làm cho thơ ca trở thành một lĩnh vực nghệ thuật không ngừng được khám phá, mở ra những cuộc đối thoại vô tận giữa tác giả và người đọc. Quá trình cảm thụ thơ, do đó, trở thành một hành trình mang tính cá nhân, nơi người đọc có thể trải nghiệm sự mở rộng của không gian thơ, nhìn nhận nó như một vũ trụ không ngừng giãn nở với nhiều khả năng giải thích và tưởng tượng.
Một trong những đặc điểm nổi bật của thơ đương đại là sự phá vỡ các quy tắc quen thuộc. Diễn tiến bài thơ không theo một trình tự rõ ràng, mà thay vào đó, là những kết cấu phức tạp và tương tác đa phương. Mỗi câu chữ trong bài thơ trở thành một góc của thế giới đa chiều, thành một điểm giao thoa giữa nhiều dòng không-thời-gian, phản chiếu những cuộc đối thoại không ngừng giữa các thế hệ, giữa hiện thực và tưởng tượng. Không gian thơ đương đại cho phép người đọc tái tạo bài thơ mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ chuẩn mực nào. Cảm xúc, ký ức và trải nghiệm cá nhân của mỗi người đọc sẽ tương tác với bài thơ, tạo ra một quá trình cộng hưởng, giao thoa sáng tạo. Mỗi lần đọc lại, không gian ấy lại mở rộng thêm những tầng nghĩa mới, khiến cho thơ không chỉ là phương tiện truyền tải cảm xúc của nhà thơ mà còn trở thành tấm gương phản chiếu tâm hồn người đọc.
Thơ đương đại là sự hòa nhập giữa các không gian nghệ thuật khác nhau, giữa thơ với các thể loại văn học khác, và với các hình thức nghệ thuật như hội họa, âm nhạc, điện ảnh... Chính sự tương tác này không chỉ mở rộng thêm không gian thơ mà còn thúc đẩy sự sáng tạo, khiến cho mỗi bài thơ là nơi hội tụ của nhiều yếu tố nghệ thuật. Trong thơ đương đại, ngôn ngữ không chỉ là phương tiện đơn thuần để truyền đạt cảm xúc, mà trở thành điểm hẹn, nơi các yếu tố âm nhạc, hình ảnh và các biểu tượng thị giác kết hợp, hòa quyện. Một số nhà thơ đã sử dụng âm nhạc, đặc biệt là nhạc cổ điển hay nhạc điện tử, để làm nền cho tác phẩm của mình. Họ cũng thường xuyên kết hợp các yếu tố hội họa trong việc xây dựng hình ảnh, khiến những câu thơ tựa những bức tranh sống động. Thậm chí, một số bài thơ đương đại còn sử dụng hình thức "video thơ", nơi thơ không chỉ được đọc mà còn được chiêm ngưỡng qua màn hình, tạo ra sự kết hợp độc đáo giữa âm thanh và hình ảnh, làm cho người đọc có thể trải nghiệm một cách toàn diện ý nghĩa của tác phẩm. Mối liên kết này cũng cho thấy xu hướng không ngừng đổi mới trong việc sử dụng ngôn ngữ thi ca. Thơ giờ đây trở thành một không gian mở để các nhà thơ có thể tự do thể hiện mình thông qua nhiều phương tiện khác nhau. Nhờ đó, thơ đương đại không chỉ thu hút sự quan tâm của độc giả mà còn tạo ra những bước ngoặt quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ và hình thức biểu đạt.
Thơ đương đại Việt Nam hướng tới việc tái tạo ngôn ngữ, thiết lập các hình tượng, các chuyển dịch theo nhịp điệu hiện đại, cho phép nhiều ý nghĩa đồng hiện trong một tứ thơ. Nó tập trung khám phá căn tính và ý thức cá nhân, thể hiện sự hiện tồn phức tạp của con người trong thế giới hiện đại. Đây là cuộc thử nghiệm nhằm kiếm tìm những hình thức biểu đạt mới, với những cấu trúc khác lạ. Thơ đương đại là một chuỗi các sự kiện và cảm xúc vận chuyển liên tục, có thể tái tạo và biến hóa qua mỗi người đọc, mỗi lần đọc. Chính sự linh hoạt này làm cho thơ đương đại trở thành một hành trình vô tận, nơi người đọc luôn tìm thấy những bất ngờ và được khám phá chính mình trong vũ trụ ngôn từ rộng lớn, đa dạng và không ngừng biến đổi.
Hải Phòng, 24/10/2024
M.V.P
Tranh sơn mài của Bùi Trọng Dư