Giai đoạn hình thành nền văn xuôi hiện đại Hàn Quốc - Mai Văn Phấn
Giai đoạn hình thành nền văn xuôi hiện đại
Hàn Quốc
(Đọc “Hợp tuyển văn học Hàn quốc - tập 1”,
Nxb Phụ nữ Việt Nam, 2020)
Mai Văn Phấn
“Hợp tuyển văn học Hàn quốc - tập 1” do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn
hành năm 2020 với sự hỗ trợ của Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc. Cuốn sách tập
hợp 17 truyện ngắn, truyện vừa và trích đoạn tiểu thuyết của 17 nhà văn tiêu
biểu trên bán đảo Triều Tiên vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Cùng với chuyển biến văn hóa và cơ cấu xã hội, văn học Hàn Quốc giai
đoạn này thể hiện tinh thần phản kháng mạnh mẽ đối với triều đại phong kiến
Choson (1392 -1910) đang suy vong. Quan lại tham nhũng, nhân dân ai oán lầm
than, các cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình nổ ra khắp nơi. Cùng thời điểm
ấy, các thế lực ngoại xâm Trung Hoa, Nga, Nhật tiến hành tranh giành quyền đô
hộ bán đảo Triều Tiên. Trong bức tranh toàn cảnh về xã hội Hàn Quốc khi ấy, văn
học còn phản ánh quá trình chuyển biến tâm lý, tinh thần con người khi du nhập
các tư tưởng mới, nếp sống hiện đại từ phương Tây, nhất là văn hóa Nhật Bản,
một đế quốc đang nổi lên ở khu vực Đông Á. Tiến trình thay đổi xã hội và đời
sống tinh thần đã kích hoạt văn học chuyển hóa nhanh chóng từ truyền thống sang
hiện đại. Tuy nhiên, cuộc xung đột giữa truyền thống bảo thủ với phong cách mới,
tư duy hiện đại đã nổ ra trong xã hội, đặc biệt trong văn học. Thông qua cuốn
sách này, chúng ta được chứng kiến một giai đoạn chuyển tiếp mạnh mẽ của văn
học Hàn Quốc. Đây là giai đoạn quan trọng đánh dấu sự ra đời của văn học hiện
đại Hàn Quốc, được gọi là văn học thời kì Khai Sáng.
Cùng với tiến trình thay đổi, cách tân thơ, văn xuôi Hàn Quốc đóng vai
trò quan trọng hình thành nền tảng văn học hiện đại. Để bạn đọc dễ theo dõi quá
trình hình thành và phát triển của văn xuôi Hàn Quốc, tôi điểm xuyết một số sự
kiện liên quan đến lịch sử văn xuôi bán đảo Triều Tiên như sau.
Văn xuôi Triều Tiên xuất hiện khá sớm so với các nước Đông Nam Á. Một số
tác phẩm tự sự văn xuôi bằng chữ Hán xuất hiện vào thời kì Silla thống nhất (668 - 935),
chủ yếu chú giải kinh sách đạo Phật của các nhà sư, truyện về
những chiến binh dũng cảm thuộc tầng lớp Hwarangdo, và những truyện kể theo
lối truyền kì ảnh
hưởng từ văn học Trung Quốc. Những tác phẩm ấy trở thành nền tảng của văn xuôi
cổ điển Hàn Quốc.
Văn xuôi tiếp tục phát triển rực rỡ dưới thời Koryo (935-1392), gồm nhiều thể loại, như
thần thoại, huyền thoại, cổ tích, liệt truyện… Bộ sử thứ nhất “Samguk sagi” (Tam Quốc sử kí,
biên soạn vào năm 1122-1146) của Kim Bu-sik trở thành sử liệu thành văn sớm
nhất của Triều Tiên. Bộ sử thứ hai “Samguk yusa” (Tam Quốc lưu sử) của
thiền sư Iryon (1206-1289). Iryon đã không chỉ dựa vào các tài liệu lịch sử
Trung Quốc, mà còn trực tiếp đi điền dã, tập hợp những huyền thoại, dã sử… Ông
luôn nhiệt thành với tư tưởng Phật giáo, đồng thời là nhà ái quốc vĩ đại, luôn nỗ
lực tái phát hiện và khẳng định những giá trị truyền thống bản địa Triều Tiên.
Hai bộ sử này đóng vai trò quan trọng, đặt nền móng cho quá trình hình thành
văn xuôi Hàn Quốc.
Tiếp đến đầu thời
Choson (1392-1598) cũng là giai đoạn văn xuôi phát triển. Đây là thời kỳ phát
minh ra chữ viết Hangul (han'gul)
vào năm 1443-1444, dưới triều Vua Sejong.
Tuy vậy, nhiều tác phẩm văn xuôi vẫn tiếp tục được sáng tác bằng
chữ Hán ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển văn xuôi cuối thời Choson. Đến thời kỳ này, văn
xuôi đã đóng vai trò chủ đạo sau cuộc chiến tranh với Nhật Bản. Đây là bước
chuyển quan trọng hướng tới một nền văn học Hàn Quốc hiện đại.
Trở lại với nội dung cuốn sách “Hợp tuyển văn học Hàn quốc - tập 1”. Đây
là giai đoạn Tân tiểu thuyết (shinsosol)
được phổ biến rộng rãi cùng với sự xuất hiện các nhà văn chuyên nghiệp mà tác
phẩm tiêu biểu của những tên tuổi hàng đầu đã có mặt trong cuốn sách này.
Qua 17 tác phẩm của 17 tác giả tiêu biểu đã cho thấy rõ nét tiến trình
hiện đại hóa văn học Hàn Quốc những năm đầu thế kỷ 20. Các nhà văn đã chủ động tiếp
nhận văn hóa cùng những thành tựu của văn học phương Tây và Nhật Bản để hiện
đại hóa văn học. Một số tác giả tiêu biểu đã vượt qua chặng đầu của bút pháp kể
chuyện truyền thống để canh tân lối viết, thể hiện rõ nét trong truyện vừa “Thế
giới bạc” của Lee In-jik, truyện ngắn “Sông, núi, cỏ, cây” của Yi Haejo, truyện
“Sơn cốc” của Lee Hyo-seok… Tôi đặc biệt chú ý khi đọc truyện của Lee Hyo-seok.
Khi nghiên cứu tác phẩm và thân thế tác giả này được biết, Lee Hyo-seok khi còn
là học sinh trung học đã rất say mê đọc tiểu thuyết của các nhà văn Nga như Chekhov,
Tolstoy, Turgenev… Do vậy, trong truyện ngắn của ông mang đậm dấu ấn phong cách
của các nhà văn Nga, có chiều sâu tâm lý, lột tả tinh tế nội tâm các nhân
vật đặc trưng các tầng lớp trong xã hội. Từ hiện thực phê phán, Lee
Hyo-seok chuyển sang khám phá thiên nhiên và văn hóa bản địa nơi ông đã qua. Có
thể nói Lee Hyo-seok là một trong những nhà văn đã khơi nguồn, làm sinh sôi sức
sống mãnh liệt của văn hóa Hàn Quốc. Bạn đọc lại gặp được tinh thần ấy trong
tác phẩm của Yi Gwang-su.
Qua “Bức thư gửi người bạn trẻ” cho thấy tài nghệ khám phá nội tâm
của Yi Gwang-su, khơi dậy tinh thần ái quốc và cội nguồn văn hóa dân tộc. Nhân
vật xưng “Tôi” trong những bức thư cho thấy cuộc hành trình của anh ta
không chỉ tìm thấy tình yêu, tìm thấy con người thực của mình, mà
hơn nữa, còn gắn kết sâu đậm giữa những con người cùng sinh ra trên quê
hương, xứ sở Triều Tiên, giữa con người với thiên nhiên, bản sắc văn hóa ở đó.
Xin trích dẫn Bức thư số 2 của Yi Kwang-su: “Tôi là một người Joseon.
Một người đàn ông Joseon mới nghe về tình yêu chứ chưa bao giờ được cảm nhận
hương vị của nó. Không phải là bởi ở Joseon không có đàn ông hay phụ nữ mà là
bởi nam nữ Joseon chưa từng được kết nối với nhau bởi tình yêu. Nhưng cũng
chẳng phải vì trong trái tim của người dân Joseon không có tình yêu mà bởi
trước khi hai chiếc mầm tình yêu của người Joseon kịp nảy nở thì nó đã bị tảng
đá mang tên tập quán và đạo đức xã hội vùi giập”. Yi Kwang-su đã say sưa trên
hành trình khám phá nội tâm con người, gắn liền với việc đánh thức
tinh thần dân tộc. Ông đã hiện đại hóa văn học, áp dụng các thủ pháp của
văn chương phương Tây, nhưng vẫn thấm đẫm tinh thần văn hóa Hàn Quốc, và
đúng như ông từng quan niệm “chuyển giá trị tinh thần của nền văn minh này đến
những thế hệ ngày mai”.
Qua “Hợp tuyển văn học Hàn quốc - tập 1” cho thấy, hầu hết các tác phẩm
đều tập trung phản ánh đời sống xã hội Hàn Quốc những năm đầu thế kỷ 20. Nhà
văn Chae Man-sik thành công khi khắc họa đời sống đô thị, những xu hướng chạy
theo đồng tiền của những kẻ thực dụng, ham mê vật chất. Mỗi nhà văn thể hiện sự
căm phẫn và cảm xúc cá nhân theo những cách riêng. Kang Kyong-ae mô tả thực tại
cuộc sống khốn cùng của người dân dưới ách cai trị hà khắc của đế quốc Nhật. Bà
là nhà văn nữ hiện đại đầu tiên đấu tranh cho nữ quyền, khắc họa rõ nét cuộc
sống áp bức, bất công với phụ nữ.
Truyện ngắn “Cái chết của bà” của Hyon Jin-geon tuy vẫn nằm trong bức
tranh tổng thể khắc họa xã hội, nhưng nhà văn đã tạo ra những cặp cấu trúc
tương phản song song, đối lập nhau như giàu và nghèo, hạnh phúc và bất hạnh,
ánh sáng và bóng tối… Đa số các truyện ngắn của Hyon Jin-geon đều kết thúc bằng
bi kịch, tối tăm, nghèo túng.
Truyện ngắn “Thuyền rời bến” của Kim Dong-in cũng là một bức tranh ảm
đạm, đen tối của xã hội Hàn Quốc lúc ấy. Những nhân vật trong truyện tựa như
xuất hiện qua một màn sương dày, không rõ mặt, cũng như bản thân họ cũng khó
xác định được con đường của mình. Họ cùng quẫn, bế tắc và trở nên tàn ác. “Sau
một hồi đánh đập thỏa thuê, anh đẩy vợ ra ngoài như đã đẩy người em trai ra
khỏi cửa. Rồi anh quay lưng: Đi mà chôn thân vào bụng cá đi! Cơn giận thì đã
được hả hê, nhưng trong lòng vẫn chưa lấy làm thoải mái lắm. Anh bèn đi xuống
sàn nhà dưới, dựa vào vách ngăn gió, đứng thẫn thơ như người thất thần, nhìn
trân trân vào mâm bánh gạo”.
Trong truyện ngắn “Thế giới bạc” của Lee Injik, hình ảnh cũng như hành động côn đồ của
những tên Thương sai, Giám sự đại diện cho tầng lớp cầm quyền đến bắt người, tống
tiền tại nhà Choi Bonpyeong, cũng như sự phẫn nộ của dân làng Gyeonggeum đã
phản ánh mẫu thuẫn xã hội Hàn khi ấy đã lên đến đỉnh điểm. “Giám sự Jeong
giống con cò luôn cố gắng mổ ốc, còn Choi Byeongdo như con ốc không muốn bị mổ
trúng. Giám sự luôn sẵn sàng trả tự do cho Choi Byeongdo sau khi ăn được tiền
của anh, nhưng hắn đã phát điên khi biết Choi Byeongdo không hề có ý định đưa
tiền cho hắn”.
Hầu hết các tác phẩm trong “Hợp tuyển” này đều hé mở cho chúng ta nét
độc đáo trong cách cảm,
cách nghĩ, nhận thức và văn hóa tinh thần người Hàn Quốc. Tôi từng đến một số
nơi trên xứ sở Kim Chi, nhận thấy phong tục tập quán, thói quen giao tiếp cũng
như nghi thức tâm linh nước bạn khá tương đồng với chúng ta. Đặc biệt các vùng
nông thôn, con người ở đó rất gần gũi với người dân nước ta, họ chân thật, thân
thiện, rất tốt bụng. Xin hãy nghe nhà văn Kang Kyoung-ae đặc tả một bữa cơm ở thôn quê cùng những biến thái tâm
lý, tình cảm từng nhân vật trong truyện ngắn “Muối” của ông: “Đến bữa, nhìn
mặt người chồng, chị không biết phải mở lời nói gì. Mặc dù chồng chị không nói
điều gì ra miệng nhưng khuôn mặt anh thường nhăn nhó, và số lần anh uống say
cũng dần dần tăng lên. Nhìn bộ dạng này của người chồng, đột nhiên chị thấy cơm
trong miệng cứ như sỏi đá, chị đành ngồi xuống uống nước. Chị trách mình không
thể nấu nổi nồi canh cho anh uống, để làm trôi đi những giọt mồ hôi trên lưng
người chồng đã đi làm vất vả cả ngày ở bên ngoài”.
Phong cảnh thiên nhiên Hàn
Quốc cũng là một trong những nét độc đáo được các nhà văn khắc họa sinh động
trong cuốn sách này. Phong cảnh ấy thường hiện ra rạng rỡ vào mùa hè và trong
suốt vào mùa đông. Nó chính là hình bóng con người, tâm trạng và cảm xúc của
từng nhân vật nương theo cuộc sống, số phận của họ. Đây là cảnh thôn dã giản dị,
quấn quyện cùng cảm xúc và tình yêu con người trong truyện ngắn “Thôn quê” của Yi Ki-young: “Một con đường
hẹp dài như con rắn chỉ dẫn tới ngôi làng xóm núi, cắt ngang qua dòng suối,
chạy ngoằn ngoèo len lỏi khắp giữa đồng và ruộng, trườn lên tận lưng chừng đồi.
Bên lề đường có một cây trầm hương cổ thụ đứng đó với dáng hình như cụ già khom
lưng chống gậy. Khe suối nằm sát ngay bên ngọn đồi chồng chất những đá tảng và
nước ở đây lúc nào cũng trong vắt, êm đềm chảy tràn bờ”.
Thông qua tác phẩm, các nhà văn Hàn Quốc đã lên tiếng kêu gọi người dân
đứng lên đấu tranh chống lại áp bức, cường quyền, phá vỡ những hủ tục phong
kiến, cỗ vũ tinh thần ái quốc, truyền bá tư tưởng tiến bộ, hiện đại hóa xã
hội... Ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, các tác giả đã tập trung phản ánh mặt đen tối, bức tranh toàn cảnh xã hội tiền hiện đại, những chuyển động tế
vi của từng đời sống cá thể bé mọn, cô lẻ qua các truyện ngắn “Gyeong Hee” của
Na Hye Seok; “Thời kỳ quá dộ” của Han Seol Ya; “Chạy trốn” của Choi Sea-hae;
“Mùa xuân… mùa xuân” của Kim Yuiung; “Nhện – lợn tương phùng” của Yi Sang;
“Mạch” của Kim Nam-cheon.
Đọc “Hợp tuyển văn học Hàn quốc - tập 1” cho thấy những người tuyển chọn
đã cho chúng ta hình dung khá đầy đủ về một giai đoạn quan trọng đặt nền móng
cho sự hình thành và phát triển của văn học Hàn Quốc hiện đại sau này. Trong 17
tác phẩm, tôi ấn tượng nhất trích đoạn tiểu thuyết “Cuộc đời Im Kkok-chong” của
Hong Myong-hui. Theo dịch giả Trần Hải Dương (người đã dịch tác phẩm này): “Đây
là cuốn sách dày hơn 3000 trang về cuộc đời nhân vật Im Kkok-chong với nhiều
thăng trầm sóng gió. Trong cuốn sách này, Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc và
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam chỉ trích dịch một phần nhỏ tác phẩm”. Tuy chỉ
với 40 trang trích đoạn tác phẩm đã cho tôi hình dung khá đầy đủ về những nỗ
lực cách tân từ ngôn ngữ, lối dẫn chuyện đến kết cấu nội dung của Hong
Myong-hui, đồng thời thấy được bước ngoặt quan trọng của quá trình hình thành
và phát triển của tiểu thuyết Hàn Quốc hiện đại.
Xin dẫn chiếu một đoạn văn trong “Cuộc đời Im Kkok-chong” cho thấy cách
đặc tả bằng ngôn ngữ biến ảo, thần kỳ chưa từng xuất hiện trong các truyện
truyền kì trước đó: “Trong khi ở sườn nùi bên này Im Kkok-chong và hai chị
em đang tính toán để bắt con báo thì ở sườn núi bên kia có vẻ con thú đã nhìn
thấy họ, nó đứng dậy giũ lông, vươn người và cào bốn chân xuống đất rồi bắt đầu
thủng thẳng đi xuống núi. Chị em nhà Cheon Hwangdong thấy thế liền lao thẳng
xuống núi như một cơn lốc. Im Kkok-chong đang định chạy theo họ nhưng nghĩ thế
nào lại chạy lên sườn núi nơi con báo vừa mới nằm. Trong lúc đó, chị em Cheon
Hwangdong đã chặn hết lối đi của con báo từ hai phía”.
Như đã nêu, các nhà văn Hàn Quốc đã chủ động hội nhập, tiếp nhận những
giá trị văn hóa, văn học phương Tây và Nhật Bản để thực hiện công cuộc hiện đại
hóa văn học đầu thế kỷ 20. Nhìn lại tiến trình lịch sử trước nữa cho thấy, văn
học Hàn Quốc từng chịu ảnh hưởng của văn học Trung Quốc. Hai nước Trung Quốc và
Triều Tiên vốn có quan hệ văn
hóa qua lại từ thời tiền sử. Từ đời nhà Đường (618-907), những truyện truyền kì
đã du nhập vào bán đảo Triều Tiên thông qua con đường bang giao. Tuy vậy tùy
thuộc vào mỗi giai đoạn lịch sử, ảnh hưởng của văn học Trung Quốc tới Triều
tiên có những mức độ khác nhau. Xin dẫn chứng, vào năm 1569 vua Sonji và các
quan trong triều có cuộc đàm luận, lên án phần lớn những tiểu thuyết Trung Quốc
như “Tam quốc chí diễn nghĩa”, “Sở Hán diễn nghĩa”, “Tiễn đăng tân
thoại”, “Thái bình quảng ký”… Những tiểu thuyết này bị vua Sonji cho là
quái lực loạn thần, hối dâm hối đạo, đi ngược lại chuẩn mực lúc đó. Nhưng đến thế
kỷ 18, thì “Tam quốc chí diễn nghĩa” của La Quán Trung được du nhập tự do vào
Triều Tiên, trở thành loại sách đọc phổ biến trong dân chúng.
Sự phát triển của tiểu thuyết Trung
Quốc và Triều
Tiên có những nét tương đồng, có thể gọi là “đồng pha”, cùng “vùng cộng cảm”
nhưng cũng có nhiều dị biệt. Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19, tiểu thuyết Triều Tiên
có hình thức giống Trung Quốc, nhưng tinh thần và sắc thái dân
tộc luôn thể hiện mãnh liệt trong từng tác phẩm. Các nhà văn Triều Tiên đã cho ra đời những
thể loại đặc trưng bản địa như "Thi thoại", "Dã sử"… Theo
học giả Hàn Quốc Kim Dong-uc; “Nếu phải tìm kiếm cội nguồn của tiểu thuyết trong huyền thoại,
vì lịch sử Triều Tiên đã được biên soạn đến thế kỷ 4 hoặc 5 thì huyết mạch của
tiểu thuyết Triều Tiên sẽ bắt đầu lưu chảy cùng truyền thống dân tộc” (Trần Hải Yến dịch).
Xin trở lại với tiểu
thuyết “Cuộc đời Im Kkok-chong” của Hong Myong-hui. Đây là cuốn sách viết về
cuộc đời của một thủ lĩnh nông dân, có tên Im Kkok-chong, sống ở tỉnh Hwang-Hae
trong khoảng năm 1559 đến 1562. Thời gian này, nông dân vùng Hwang-Hae bị sưu
cao thuế nặng, nghèo khổ, lầm than… Im Kkok-chong đã lãnh đạo nông dân nổi
loạn, giết người giàu, cung cấp lương thực cho người nghèo. Cốt truyện của Hong
Myong-hui làm người đọc dễ liên tưởng tới truyện “Thủy Hử” của Trung Quốc ở
tinh thần hảo hán, nghĩa khí... Nhưng kết cấu truyện đã cho thấy nhà văn đã có
ý thức chống lại lối kể truyện đơn tuyến theo chương hồi của tiểu thuyết truyền
thống Trung Quốc. Có một số đoạn văn đã thấy bóng dáng của sắp đặt phần mảnh,
đa chiều không gian, pha với cách viết “dòng ý thức” của những thủ pháp hiện
đại cuối thế kỷ 20.
“Hợp tuyển văn học Hàn quốc - tập 1” đã phản ánh chân thực một giai đoạn
lịch sử đầy biến động trên bán đảo Triều Tiên. Trong bối cảnh rối ren, tăm tối
ấy, các nhà văn đã đặt nền móng cho sự hình thành nền tảng văn xuôi hiện đại
Hàn Quốc ngày nay. Cuốn sách thực sự là tác phẩm văn học có giá trị nghệ thuật,
giá trị lịch sử, là tư liệu quý giá để chúng ta đối chiếu, so sánh với tiến
trình phát triển văn học Việt Nam cùng thời kỳ. Vào đầu những năm ba mươi của
thế kỷ 20, văn học nước ta cũng đã sang trang mới với sự xuất hiện tác phẩm của
các nhà văn Nguyễn Trọng Quản, Trần Chánh Chiếu, Phạm Duy Tốn, Hoàng Ngọc
Phách…, và hoàn thiện, tỏa sáng với tên tuổi các nhà văn Ngô Tất Tố, Nguyễn
Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao… Thông qua “Hợp tuyển” này, bạn
đọc chúng ta có thêm một góc nhìn nữa để so sánh, đánh giá những điểm tương
đồng và khác biệt giữa hai nền văn học, đồng thời có thêm nhiều bài học quý giá
tiếp theo.
Hải Phòng, 29/7/2020
M.V.P
Photo by Ko Jung-chuel