image advertisement
image advertisement





























 

Căn tính dân tộc và toàn cầu hóa trong sáng tạo văn học - Mai Văn Phấn

Căn tính dân tộc và toàn cầu hóa trong sáng tạo văn học

(Tham luận tại Liên hoan Nhà văn quốc tế Seoul 2019)

 

 

 

 

Mai Văn Phấn

 

Văn hóa các dân tộc vốn rất đa dạng, thậm chí khác biệt. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, có hai xu hướng đặt ra: một là, đồng bộ hóa văn hóa, hướng tới nhất thể hóa văn hóa toàn cầu; hai là, đa dạng hóa văn hóa dưới nhãn quan mới. Cả hai xu hướng này đã và đang phát triển, tiếp biến, và dung hòa lẫn nhau tùy theo sự vận động của dòng chảy văn hóa mỗi dân tộc, vùng miền. Vậy sự phát triển và tiếp biến của hai xu hướng trên được thể hiện thế nào trong sáng tác văn học? Quá trình vận động và biến đổi của nó có nằm trong tổng quan phát triển văn hóa, khoa học kỹ thuật, xã hội nói chung? Từ quan niệm thẩm mỹ và kinh nghiệm cá nhân, tôi xin nêu vài ý kiến nhỏ về vấn đề căn tính dân tộc và toàn cầu hóa văn hóa trong sáng tác văn học hiện nay. 

 

Trước hết, khái niệm căn tính dân tộc trong bài viết này nhằm đề cập những giá trị cốt lõi, tính chất, gốc rễ dân tộc của một nhà văn trong sáng tạo, hơn là đi sâu vào bản sắc dân tộc của anh ta. Bởi bản sắc dân tộc, ngoài ý nghĩa căn tính, còn bao hàm cả sắc thái, phạm trù thẩm mĩ mang tính lịch sử, cái biểu hiện ra bên ngoài bản chất sự vật.

 

Diễn tiến của văn hóa toàn cầu trong thế kỷ 20 cho thấy, xu hướng Tây phương hóa xuất phát từ một số trung tâm văn minh châu Âu được lan truyền sang châu Á và khắp các châu lục. Cùng với văn hóa, sự phát triển của khoa học tự nhiên và kỹ thuật, mô hình xã hội dân chủ, quyền con người, bao gồm cả quyền chính trị, quyền dân sự và quyền xã hội của một số nước phương Tây đã làm thay đổi đời sống, thể chế của nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các nước Đông Nam Á. Nhìn xa hơn, quá trình truyền bá Ki-tô giáo chính là một dẫn chứng cụ thể và sinh động về sự lan truyền văn hóa thông qua nhân đức tin. Nó thực sự đã làm thay đổi văn hóa vật thể và phi vật thể của nhiều dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Sự thay đổi này được thể hiện rõ nét trong kiến trúc, làm phong phú thêm ngôn ngữ và phong tục tập quán. Và, đời sống tín ngưỡng của một số quốc gia châu Á, trong đó có đạo Phật cũng được lan truyền sang các nước phương Tây, tạo nên một xu hướng tìm về phương Đông, khám phá những bí ẩn của thế giới tâm linh.

 

Trong lĩnh vực nghệ thuật, từ đầu thế kỷ XX vừa qua đã bùng nổ những cuộc cách mạng tại một số nước châu Âu và Nam Mỹ. Sự ra đời của các chủ nghĩa Hiện đại, Hậu hiện đại và nhiều khuynh hướng nghệ thuật khác đã làm thay đổi đời sống tinh thần của nhân loại. Các xu hướng nghệ thuật này, khi được thâu nạp vào mỗi quốc gia, thường được bản địa hóa từ nội dung đến hình thức biểu hiện, mang một diện mạo khác. Tôi xin dẫn chứng về sự phát triển và biến đổi của chủ nghĩa tượng trưng trong thơ ca. Bắt đầu từ nhà thơ Charles Baudelaire[1], ông quan niệm con người và vũ trụ là một thể thống nhất và ràng buộc bởi những mối liên hệ huyền bí, mơ hồ… Từ thơ của Charles Baudelaire, khuynh hướng tượng trưng được lan truyền và biến thiên sang thơ của Oscar Wilde[2], William Butler Yeats[3], Rainer Maria Rilke[4], Ruben Dario[5], Juan Ramon Jimenez[6]… Nhưng, khi chủ nghĩa tượng trưng được truyền đến nhà thơ Anh gốc Mỹ Thomas Stern Eliot[7], thì bài thơ dài “Đất hoang” (The Waste Land) của ông, theo đánh giá của nhà phê bình văn học Anh Andrew Motion, là “một trong những bài thơ quan trọng nhất của thế kỷ XX”, đã cho thấy rõ những khác biệt. So với tinh thần bản “Tuyên ngôn của Chủ nghĩa Tượng trưng” của Jean Moreas[8] ta thấy, thơ của T. S. Eliot đã mang một sắc thái khác, bung rã, huyền hoặc hơn so với các nhà thơ tiền khởi của khuynh hướng này.

 

Quá trình phát triển và tiếp biến của văn học, đặc biệt thơ ca, cũng như kết quả của quá trình bản địa hóa các tôn giáo, cho thấy căn tính dân tộc chính là giá trị cốt lõi làm nên bản sắc riêng của mỗi tác giả trong sáng tác văn học. Nó cũng là căn nguyên của sự khác biệt, làm giàu có thêm đời sống tinh thần con người.

 

Căn tính dân tộc nằm trong mỗi cá thể của cộng đồng, được hình thành và phát triển từ trong lòng mẹ, trong quá trình lớn lên và nhận thức về thế giới xung quanh, trong sự rèn luyện và tích lũy để hình thành tư duy, lối sống, lý tưởng thẩm mỹ… Tác phẩm của mỗi nhà văn được ra đời từ ý thức, tiền ý thức và vô thức của chính anh ta. Quá trình sáng tạo chính là cuộc truy đuổi giấc mơ bằng ngôn ngữ trong thế giới riêng biệt của nhà văn đó. Nhà phân tâm học người Áo Sigmund Freud[9] đã viết: "Nhưng các nhà văn sáng tạo là những đồng minh quý báu của chúng ta, và các bằng chứng của họ được đánh giá cao, bởi lẽ giữa lưng chừng trời họ biết được nhiều điều mà những triết lý của chúng không dám mơ tới[10]

 

Vậy điều gì làm nên giấc mơ cho một nhà văn? Chính là tập đại thành các giá trị đặc trưng văn hóa được định hình và phát triển trong đời sống của nhà văn đó. Đời sống ấy chính là những lời ru của mẹ mà thuở ấu thơ anh ta được ấp ủ, là những câu truyện lịch sử và truyền thuyết, là những câu ngạn ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca... mà anh ta đã thuộc lòng, đến những phong tục tập quán mà anh ta biết được khi trưởng thành. Cùng với những tháng năm sống và sáng tác mà nhà văn ấy tích lũy và trải nghiệm đã làm nên nền tảng văn hóa, căn tính dân tộc của anh ta. Căn tính ấy thể hiện những nét độc đáo mà tác giả ở những dân tộc khác không thể có. Có thể nói, căn tính dân tộc cho phép chúng ta nhận diện bản sắc văn hóa, tầm vóc của từng dân tộc, nhận ra diện mạo của từng nhà văn trong hành trình sáng tạo.

 

Nhưng nói tới căn tính dân tộc là nói tới hai phương diện của nó, những giá trị cốt lõi và những giá trị tiếp biến. Những giá trị cốt lõi bao gồm những giá trị bền vững, như lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, khoan dung… Những giá trị tiếp biến của căn tính dân tộc thể hiện trước hết ở chỗ dân tộc ấy, nghệ sỹ ấy biết loại bỏ những giá trị cũ không còn phù hợp với xu thế thời đại, tiếp thu những tinh hoa từ dân tộc khác trên tinh thần sáng tạo, hướng đến vẻ đẹp mới mẻ của Chân-Thiện-Mỹ. Những giá trị mới mẻ hôm nay sẽ dần kết tinh thành giá trị cốt lõi mai sau.

 

Việc đồng bộ hóa văn hóa dân tộc, hướng tới văn hóa toàn cầu là mục đích chung của các nhà văn. Căn tính dân tộc góp phần quan trọng tạo nên dấu ấn riêng độc sáng của tác phẩm. Nó thể hiện ước mơ tự do, bình đẳng và dân chủ của chính dân tộc đã sinh ra và dung dưỡng nhà văn ấy. Nhà văn mang căn tính dân tộc là người mở cửa cho cả thế giới nhìn vào không chỉ thế giới nội tâm anh ta, mà trong đó, hiển thị sống động cả lịch sử, bức tranh sinh động về xã hội đương thời, những khát vọng của cả dân tộc, cộng đồng nơi anh ta đã và đang sinh sống. Nó chính là một “tấm gương” trong “Nghìn Tấm Gương Phản Chiếu Chúng Ta” (“A Thousand of Mirrors Reflecting Us[11]).

 

9/9/2019


 

______________________

[1] Charles Baudelaire (18211867): nhà thơ, nhà tiểu luận, nhà phê bình, dịch giả của Pháp.

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Charles_Baudelaire).

[2] Oscar Wilde (1854 – 1900): nhà thơ, nhà soạn kịch, nhà văn Ireland.

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Oscar_Wilde).

[3] William Butler Yeats (1865 – 1939): nhà thơ, nhà soạn kịch Ireland, đoạt giải Nobel Văn chương năm 1923. (Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/W._B._Yeats).

[4] Rainer Maria Rilke (1875 – 1926): nhà thơ, nhà văn Áo, sáng tác bằng tiếng Đức và tiếng Pháp, là người có đóng góp lớn cho nền thi ca Đức và có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều nhà thơ lớn ở châu Âu và Mỹ.

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Rainer_Maria_Rilke).

[5] Ruben Dario (1867 – 1916): nhà thơ, nhà báo, nhà văn, nhà ngoại giao Nicaragua, người khởi xướng chủ nghĩa Hiện đại trong văn học Mỹ-Tây Ban Nha.

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Rub%C3%A9n_Dar%C3%ADo).

[6] Juan Ramon Jimenez (1881 – 1958): nhà thơ Tây Ban Nha, đoạt giải Nobel Văn chương năm 1956.

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Juan_Ram%C3%B3n_Jim%C3%A9nez).

[7] Thomas Stern Eliot (1888 – 1965): nhà thơ, nhà tiểu luận, nhà xuất bản, nhà biên kịch, nhà phê bình văn học và nhà biên tập Anh gốc Mỹ; ông đoạt giải Nobel Văn chương năm 1948.

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/T._S._Eliot).

[8] Jean Moréas (1856 – 1910): nhà thơ, nhà tiểu luận, nhà phê bình mỹ thuật Hy Lạp, ông sáng tác hầu hết bằng tiếng Pháp, song thời trẻ cũng sáng tác bằng tiếng Hy Lạp. Bản “Tuyên ngôn của Chủ nghĩa Tượng trưng” (“Symbolist Manifesto”) do ông viết bằng tiếng Pháp và được đăng trên báo Le Figaro của Pháp ngày 18/9/1886.

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Jean_Mor%C3%A9as).

[9] Sigmund Schlomo Freud (1856 – 1939): nhà thần kinh học và phân tâm học người Áo, ông là người sáng lập ra ngành Phân tâm học. (Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Sigmund_Freud). 

[10] Freud: Der Wahn und die Traüme in W. Jensens 'Gradiva',) Vienna, GW 7: 31 (1906) . 
(Nguồn: https://www.gutenberg.org/files/35549/35549-h/35549-h.htm). 

[11]  Chủ đề của Liên hoan Nhà văn quốc tế 2019, được Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc (Literature Translation Institute of Korea) tổ chức tại thủ đô Seoul, tháng 10/2019.

 

Đã đăng:

Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, 12/2019

 

 

 

 




 


 

 

 

 

 








 







 

BÀI KHÁC
1 2 
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị