Khuynh hướng tối giản trong thơ Việt Nam đương đại (tiểu luận) - Nguyễn Thanh Tâm

Khuynh hướng tối giản trong thơ Việt Nam đương đại

 

 

 

 


Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tâm

 

 

 

Nguyễn Thanh Tâm

 

 

 

Tiêu biểu cho khuynh hướng này, chúng ta có thể kể đến Đoàn Văn Chúc với thơ một-hai chữ, Mai Văn Phấn (hoa giấu mặt, thả), Nguyễn Khoa Linh (Nghiệm 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9), Hàm Anh (Gọi tháng Ba), Lu (Lấp kín một lặng im), một số bài thơ ngắn của Nguyễn Thế Hoàng Linh…

 

“Ít nhưng chất” là cách chúng ta hình dung về sự tối giản. Đối với thơ tối giản, chú ý thẩm mỹ, tình cảm thẩm mỹ, ý thức thẩm mỹ,… lại càng ưu tiên cho khía cạnh chất trong khi nỗ lực hạn chế đến mức tối thiểu phương diện lượng. Sự nghiêm khắc trong lựa chọn để đẩy phương diện chất đến giới hạn tối đa đồng thời giảm công cụ, phương tiện biểu đạt chính là ý niệm của mỹ học tối giản. Muốn như thế, nhà thơ phải có một hệ thống các tiêu chí, các nguyên tắc làm căn cứ cho việc triển khai ý niệm nghệ thuật của mình. Có thể khái quát các nguyên tắc của mỹ học tối giản trên một số phương diện như:

 

- Tối giản về hình thức-phương thức nghệ thuật. Các nhà thơ chủ trương tối giản lựa chọn hình thức hai, ba, năm câu, trục xuất hư từ vốn là nguồn cơn của gia tăng các cấu trúc ngữ pháp, tiết chế hệ thống từ ngữ biểu cảm, miêu tả, hạn chế vần để giảm thiểu sự lan tỏa của ngữ âm, vận hành một vài nhịp có tính sơ khởi, tuyển lựa những từ ngữ đắt giá nhất cho tứ thơ của mình. Chẳng hạn: Sương mù/ Giăng/ Gỗ mục/ Đơm hoa (thả-Mai Văn Phấn); Con sẻ nhỏ ngủ quên mùa lá nở/ tự phai mình trong một cánh rừng thu (Lấp kín một lặng im-Lu); Chợt nhớ về xứ cũ/ Nâu sồng quên mộng xanh (Quên-Nguyễn Khoa Linh),…

 

- Tối giản về đối tượng: Để tối giản, thi sĩ của khuynh hướng này thường khai thác hiệu quả của biểu tượng. Biểu tượng có khả năng thâu tóm thế giới tinh thần ở cả chiều vô thức và hữu thức, cả quá khứ hiện tại và luôn mở rộng dự phóng về tương lai. Biểu tượng chấp nhận cách diễn giải trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Chẳng hạn: Hoa ở Côn Sơn/ Thơm/ Suối trong/ Len qua viên cuội; Đỉnh cây/ Chao đảo/ Lòng hồ/ Yên tĩnh (thả-Mai Văn Phấn). Biểu tượng hoa-suối-viên cuội đã thể hiện cái nhìn quán chiếu của chủ thể về con đường giác ngộ. Biểu tượng đỉnh cây - lòng hồ đã thể hiện những trạng thái, chất sống khác nhau: Chao đảo-yên tĩnh. Với tập Thả, Mai Văn Phấn dùng thể ba câu và biểu tượng, giản lược nhiều phương diện trong một văn bản thơ. Người đọc sẽ khó đạt được mục đích khi đi tìm những cảm thức đô thị hay nhà máy, bê tông, xe cộ, những sự vật, hiện tượng bề bộn như ở một số tập trước của anh. Điều đó không nói lên thái độ rời xa cuộc sống, ngược lại, chủ thể đã nhìn sâu vào bản chất hay những giá trị cốt lõi có tính siêu thời gian, không gian của đời sống. Điều gì có thể đạt đến khả năng siêu thời gian, không gian như thế? Chỉ có thể là giá trị nhân bản phổ quát. Giá trị này tồn tại thậm chí vượt lên các giới hạn không gian, thời gian, thể chế, quốc gia, tôn giáo,…

 

- Hạn chế tối đa bày tỏ cảm xúc: Giữ thái độ khách quan phải được xem là tâm thế của chủ thể sáng tạo nghệ thuật tối giản. Đối với những thể thơ ngắn hai câu, ba câu,… việc duy trì thái độ trữ tình khách quan là rất cần thiết. Sự khách quan giúp tiết chế được lời, cảm xúc, để biểu tượng và tứ thơ tự phát sáng-"hữu xạ tự nhiên hương". Như thế, phương thức giao tiếp nghệ thuật chủ đạo ở đây là gợi. Chủ thể sáng tạo không nói cụ thể ý niệm, cảm xúc của mình. Người đọc cũng không tiếp nhận những gì chủ thể gửi gắm mà qua gợi ý từ tác phẩm, người đọc tự tìm ra cho mình những thông điệp, ý nghĩa từ tác phẩm. Chẳng hạn: Chân trời bay mất/ lũ chim không biết bám vào đâu (Lấp kín một lặng im-Lu); Hãy tận tâm/ nhiều khi/ trong lặng thầm (Phép thử thuật tư biện-Mai Quỳnh Nam),…

 

- Thu hẹp không gian, trường nhìn vật lý để mở rộng không gian của tinh thần-không gian tâm tưởng. Không gian tâm tưởng là một siêu không gian, bởi ở đó có thể xâm nhập, trùng xếp, đan cài các không gian: Quá khứ, hiện tại, tương lai, vô thức, hữu thức, các không gian tâm linh, tín ngưỡng,… Bội số của nó lớn hơn không gian vật lý rất nhiều. Bởi thế, vừa tối giản mà hiệu quả biểu đạt lại cao hơn: Đêm lạnh/ Chiếc lá/ Ủ ấm/ Con sâu (Thả-Mai Văn Phấn); Nói với anh/ Nói với bóng tối/ Bằng hơi thở/ Chỉ còn hơi thở (Gọi tháng Ba-Hàm Anh).

 

- Rời bỏ cái vẫn được gọi là hiện thực khách quan, tiến đến những hiện thực của tâm tưởng, của sự khải thị. Chẳng hạn: Tôi là cọng cỏ dại/ từng mọc ngày xưa rồi/ tôi là cọng cỏ dại/ sẽ mọc ngày sau thôi (Tôi là một kẻ khác-Nhật Chiêu).

 

Tối giản là một khuynh hướng, dựa trên nhận thức, thái độ sống của chủ thể sáng tạo đang gây được nhiều cảm hứng cho công chúng đương đại. Trong hoàn cảnh sống “thậm phồn” như hiện tại, tối giản dường như đang trao lại cơ hội được sống cho con người. Từ rất xa xưa, Socrates đã cảnh báo: “Hãy cẩn thận với sự thiếu thốn của một cuộc sống bận rộn”. Tối giản, như thế, thật thú vị lại là điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Những lo âu về một thế giới vô cảm dường như đã tìm thấy ở chủ nghĩa tối giản một lời giải đáp hay một sự bám víu, để từ đó kiến tạo không gian sống nhân văn hơn cho con người đương đại.

 

N.T.T

 

 

(Nguồn: www.qdnd.vn)

 

 

 

 

 


"Lẻ bóng" - Tác phẩm của Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đức Cung (Hoa Kỳ)






 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị