Huyền thoại về LỬA trong thơ một số nhà thơ Việt Nam đương đại (tiểu luận) - Hoàng Thị Huế

   Huyền thoại về LỬA

trong thơ một số nhà thơ Việt đương đại

 

 

 

PGS.TS. Hoàng Thị Huế


 

 

 

PGS.TS. Hoàng Thị Huế

(Đại học Sư Phạm Huế)

 

 

Tóm tắt:

 

Tiếp cận giải mã thơ ca đương đại thông qua các huyền thoại, biểu tượng, là một hướng tiếp cận hiệu quả nhằm tái sinh những vết tích văn hoá dân tộc, trong những khuôn diện mới, mang dấu ấn thời đại. Biên độ thẩm mỹ của tác phẩm cũng được nới rộng, nhờ những giá trị tiềm ẩn lặn sâu trong vô thức tập thể, như những ám ảnh dò tìm nguồn cơn của sáng tạo nghệ thuật, nơi cư trú của tồn tại nhân loại. Lý giải những bí ẩn của các biểu tượng, tức làm hiển lộ các huyền thoại, trầm tích văn hoá của dân tộc, nhân loại. Đồng thời, các biểu tượng cũng tồn tại như một phương thức hữu hiệu kiến tạo cấu trúc văn bản, một sự mã hóa nghệ thuật, như một sự giao tiếp nghệ thuật, một nguyên tắc cắt nghĩa hiện thực.

 

Từ khoá: Lửa, huyền thoại Lửa, biểu tượng, văn hoá, thơ Việt đương đại.

Keywords : Fire, myth of Fire, symbols, cultural, Vietnamese contemporary Poetry.

 

 

Abstract

 

Approaches, decoding contemporary poetry in trellised being tugged by the sediments of culture, legend, through symbols, as a possible approach to the rebirth the national cultural vestige of new form marked the era. The amplitude of the work aesthetic is also widened from the potential value in deep diving collective unconscious - as the obsessive detect the source of artistic creation, the residence of human existence. Explaining the mysteries of the symbols, it means we will exploring and clarifying the myths, cultural sediments of the nation, humanity. And, the symbols also exists as an effective manner tectonic structure of the text, an art encryption - as an artistic communication, a principle explained reality.

 

 

A. MỞ ĐẦU:

 

1. Thơ Việt giai đoạn từ sau 1986 đã thực sự khởi sắc với những tìm tòi, cách tân độc đáo. Thơ ca nhìn nhận, khám phá con người trong mối quan hệ đa chiều của đời sống, đào sâu vào những vấn đề riêng tư trong tâm hồn con người, những trăn trở, lo âu, chiêm nghiệm, suy tư, những nỗi đau, những bi kịch cá nhân… để cảm thông, chia sẻ và hướng tới những giá trị chân-thiện-mỹ. Bên cạnh đó, với khát vọng tìm kiếm, giải mã bản chất đời sống và nghệ thuật, các thi nhân xem sáng tạo là một thuộc tính của thơ ca. Con đường thơ là con đường không ngừng đổi mới, tuy nhiên, sáng tạo không có nghĩa phủ nhận sạch trơn quá khứ, thơ càng dung chứa nhiều trầm tích văn hoá, dung hoà giữa truyền thống và hiện đại, càng có giá trị. Nên, như một tất yếu, mỗi khám phá thơ của các nhà thơ, là một sáng tạo mới mẻ về khuôn diện văn hoá dân tộc ấy. Chắt góp để tạo vẻ đẹp đa diện của nền văn học nước nhà, là việc làm thiết thực đối với bất cứ nhà thơ nào. Thực tế sáng tác của Lê Đạt, Trần Dần, Dương Tường, Thanh Thảo, Lưu Quang Vũ, Inrasara, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Vi Thuỳ Linh… đã chứng tỏ điều đó.

            

2. Tác phẩm văn học nghệ thuật luôn mang đặc trưng là tính biểu tượng. Mỗi biểu tượng dung chứa các vết tích văn hoá của thời đại, dân tộc nó sản sinh, và những kết nối với quá khứ xa xăm. Các huyền thoại, trầm tích văn hoá khiến biểu tượng vừa có nét chung, phụ thuộc vào các quy ước văn hoá thông qua các quy ước ngôn ngữ, vừa mang nét riêng, thay đổi theo thời đại, phụ thuộc vào tầm đón đợi, cộng đồng diễn giải của bạn đọc.

 

Tiếp cận giải mã thơ ca đương đại thông qua các huyền thoại, biểu tượng, là một hướng tiếp cận hiệu quả nhằm tái sinh những vết tích văn hoá dân tộc, trong những khuôn diện mới, mang tầm thời đại. Biên độ thẩm mỹ của tác phẩm cũng được nới rộng nhờ những giá trị tiềm ẩn lặn sâu trong vô thức tập thể, như những ám ảnh dò tìm nguồn cơn của sáng tạo nghệ thuật, nơi lưu giữ văn hoá nhân loại. Lý giải những bí ẩn của các huyền thoại thông qua các biểu tượng, tức làm hiển lộ các trầm tích văn hoá của dân tộc, nhân loại. Đồng thời, các biểu tượng cũng tồn tại như một phương thức hữu hiệu kiến tạo cấu trúc văn bản, một sự mã hóa nghệ thuật, như một sự giao tiếp nghệ thuật, một nguyên tắc cắt nghĩa hiện thực.

 

B. NỘI DUNG:

 

1. Biểu tượng tồn tại như một đơn vị cơ bản của văn hoá. Nhờ khả năng dung chứa các tầng nghĩa, tạo nghĩa, biểu tượng vừa biểu trưng cho văn hoá nhờ những mạch ngầm văn hoá nhân loại ẩn sâu trong nó, vừa tự cấu thành các giá trị văn hoá. Trong văn chương, ngôn ngữ là dấu hiệu biểu hiện đầu tiên của tính cá nhân, tinh thần của mỗi dân tộc cũng được phản ánh trong ngôn ngữ của nó (1a). Theo Levy – Bruhl, Freud, Saussure, biểu tượng (symbols) là một dấu hiệu không đầy đủ và hoàn toàn chính xác, và cũng theo Augustine, biểu tượng chỉ là một cách khác để nói về những gì mà một dấu hiệu nói (1b). Dẫu có nhiều quan niệm khác nhau, biểu tượng trong văn chương vẫn được biểu đạt qua mã ngôn ngữ và chuyển hóa thành biểu tượng nghệ thuật, - vừa lưu giữ các giá trị văn hóa, tồn tại như các biểu tượng thẩm mỹ, cổ mẫu - vừa chuyển tải, sáng tạo văn hóa.

 

Tùy thuộc vào môi trường, thời điểm văn hóa cụ thể và những kiến giải mà mỗi biểu tượng được khám phá ở những chiều kích khác nhau. Như là một đơn vị cơ bản của văn hóa, biểu tượng trong sự đan kết các vỉa tầng ý nghĩa, lấy hình ảnh làm sức mạnh, luôn lấp lánh nhiều giá trị vẫy gọi. Tìm hiểu các biểu tượng, tức giải mã những chất liệu nghệ thuật kiến tạo tác phẩm từ những giá trị văn hoá dân tộc. Đồng thời, lý giải bản chất giá trị nghệ thuật vừa từ chính bản thân văn bản, vừa từ bên ngoài văn bản, từ những năng lượng đặc biệt nương mình trong vô thức người nghệ sĩ. Bút pháp ảo hóa, linh thiêng hóa và những suy tưởng, những triết luận về đời sống khiến sức dung chứa của những biểu tượng trở nên vô hạn, luôn chứa đựng những “huyền tích văn hóa nhân loại”. Sự va đập, xâm thực, giao thoa văn hoá, sự chi phối của các yếu tố thời đại khiến các biểu tượng có sự du hành, chệch khỏi các biểu tượng gốc, ẩn chứa những biến thể, những biểu tượng phái sinh đan lồng vào nhau. Tuỳ vào những đặc điểm riêng trong môi trường sản sinh biểu tượng, những đặc trưng văn hoá, thời đại… để nhận diện biểu tượng. Tuy chỉ có tính chất tương đối, nhưng đây cũng là một yếu tố đáng lưu ý để luận giải những trầm tích văn hoá của dân tộc, thời đại.

 

2. Quá trình toàn cầu hóa dẫn đến sự biến đổi hệ hình tư duy, cùng với những thay đổi tất yếu của lịch sử- xã hội và bản thân văn học đã làm nảy sinh nhiều khuynh hướng cách tân trong thơ Việt đương đại. Điều đó xuất phát từ tinh thần dân chủ và tư duy đối thoại, những nỗ lực tự sáng tạo, những suy tư và trải nghiệm của cá nhân, trên cơ sở tiếp xúc với các trào lưu thơ đương đại và hậu hiện đại của nhân loại. Nhưng đổi mới không hẳn là đoạn tuyệt với truyền thống. Nhiều yếu tố của truyền thống vẫn tồn tại, như kiểu tổ chức đồng dao, hình thức huyền thoại - tâm linh, hiện thực huyền ảo..... Đồng thời, những cách tân mạnh mẽ của thơ Việt trong nỗ lực kiến tạo diện mạo mới, thi pháp mới, đã đem lại những thành tựu đáng kể. Thơ Việt đương đại vừa tiếp biến văn hoá nhân loại, vừa là sự kế thừa, làm mới những biểu tượng trong truyền thống, sáng tạo các biểu tượng mới. Chính các quy ước văn hoá chi phối cả quá trình kiến tạo văn bản nghệ thuật thơ, lẫn nỗ lực diễn giải văn bản của người đọc. Tất cả các khuynh hướng cách tân thơ Việt đương đại đều là điểm đi, mà đích đến là các giá trị văn hoá, nếu thành tựu thơ không kết tinh ở các giá trị văn hoá, sẽ khó tồn tại được với thời gian.

 

Nhà thơ chính là người kết nối quá khứ với hiện tại trong sự tương thông, linh ứng với tương lai. Là đứa con của dân tộc Việt, sinh thành và lớn dậy trong lòng văn hoá Việt, các thi nhân đương đại chuyển tải hồn vía dân tộc vào thơ. Một sự tải chở tự nhiên như hơi thở. Khám phá huyền thoại văn hoá trong thơ, cũng là để nhìn nhận giá trị, đóng góp, của các thi nhân vào tiếng nói chung của văn học dân tộc.

 

Tác phẩm nghệ thuật là mảnh đất màu mỡ cho sự tham dự, song chiếu của huyền thoại – lịch sử và sự nảy mầm các biểu tượng nương mình trong vô thức người nghệ sĩ. Huyền thoại về lửa xuất hiện trong thơ ca đương đại như một ám gợi về những huyền tích xa xưa thời hồng hoang nguyên thuỷ, ngọn lửa thắp sáng, giữ cho các bộ lạc tránh thú dữ, lửa là phần không thể thiếu của nhiều nghi lễ. Lửa huỷ diệt và tái sinh, soi sáng nội giới và ngoại giới, là năng lực của sự sống, vì vậy lửa được ngưỡng vọng trong các tôn giáo “Chúa Kitô và các thánh, tái sinh cơ thể bằng cách đi qua lửa lò của xưởng rèn” (2a). “Những người theo Đạo giáo bước vào lửa để tự giải phóng khỏi thân phận mà con người phải chịu đựng” (Kinh Dịch)(2b). Ở Ấn Độ, các giáo phái đều xem lửa là phương thức xoá đi những xấu xa, tái sinh sự thuần khiết. Trong kinh Upanishad lửa “biểu tượng Kundalini thiêu cháy trong Yoga và lửa bên trong của giáo phái Mật tông – đặt lửa ứng với trái tim” (2c). Người Ấn Độ cho rằng “hiểu được lửa là hiểu được cả vũ trụ” (3a). Khó có thể dẫn hết những khao khát vô biên về lửa, song có thể nhận thấy lửa và những tri nhận về nó có thể giúp con người khám phá những tương thông bí ẩn giữa các tầng hiện thực.  Không phải ngẫu nhiên, thơ ca đương đại lại xuất hiện nhiều biểu tượng về lửa như vậy (khảo sát tuyển thơ “Châu Thổ”- Nguyễn Quang Thiều, lửa xuất hiện 234 lần/144 bài). Truy nguyên những phẩm tính sáng tạo của thi nhân, những viễn mộng, có thể thấy đây là một loại kinh nghiệm đặc biệt nương mình trong vô thức người nghệ sĩ: “Tất cả là sáo mòn, tất cả là vô sinh trừ ngọn lửa / Vừa thức dậy dịu dàng tắm rửa những ban mai” (Hòa âm của những đa bào – Nguyễn Quang Thiều), như một dạng năng lượng tập thể nuôi dưỡng xung lực sáng tạo của người nghệ sĩ. “Văn hóa ngày càng mở ra trước chúng ta như một hệ thống phổ quát của các biểu tượng được điều khiển bởi cùng những thao tác; trường biểu tượng này có sự thống nhất, và văn hóa xét trong tất cả các  phương diện là một ngôn ngữ” (Roland Barthes) (3b). Đó là sự dung hợp giữa vô thức tập thể với vô thức cá nhân, một cách thức hiển lộ các cấu trúc, ký tích văn hoá nhân loại trong sự hoà quyện thẳm sâu với vô thức sáng tạo của người nghệ sĩ: “Những con sóng triệu năm điên cuồng, mệt mỏi / Ta không sao cứu nổi / …../ Hỡi mặt trời, cơn đau đớn của lửa /Những tấm lưới bùng ra như đám cháy” (Xô-nat hoàng hôn biển – Nguyễn Quang Thiều). Ở đây, lửa là sự hiện diện của cái không thể xóa bỏ và trong những tế bào nhỏ nhất nó vẫn lưu giữ ký ức về quá khứ của mình. Cái “biến mất” trong nó thực ra chỉ đơn giản là khoác một hình thức khác. Lửa trong thơ đương đại có khi hiện hữu trực tiếp “lửa”, “ngọn lửa”, “mặt trời”, “ bếp lửa”, “đám cháy”, “tro ấm”, “lóe sáng”. Có lúc lửa mộng mơ trong “ngọn khói”, trong “đất ấm”, “lóe sáng lưỡi cày”, “lóe lên ánh sáng thủy thần”.... có lúc lửa lấp lánh những trải nghiệm cá nhân, xuất hiện ở hình ảnh của ngọn đèn dầu “Hãy cho tôi chút lửa / Trong ngôi nhà mùa đông / Để tôi sưởi ấm / … / Lửa hãy cho em gương mặt sáng” (Mấy đoạn thơ về lửa – Lưu Quang Vũ),Tôi hát bài hát về cố hương tôi / Trong ánh sáng đèn dầu / Ngọn đèn đó ông bà tôi để lại / Đẹp và buồn hơn tất cả những ngọn đèn / Thuở tôi vừa sinh ra / mẹ đã đặt ngọn đèn trước mặt tôi / Để tôi nhìn mặt đèn mà biết buồn, biết yêu và biết khóc” (Bài hát về cố hương – Nguyễn Quang Thiều). Ngọn đèn dầu thắp sáng, nuôi dưỡng tâm hồn bao người, biểu trưng cho hạnh phúc, ánh sáng, hơi ấm trong những ngôi nhà Việt xưa: “Nghe nao nao lửa bếp mùi rơm rạ/ ngọn lửa chiều mẹ ủ đã mười năm…. chiều nay về mẹ đốt lửa con hơ” (Giấc ngủ trưa của người lính an dưỡng – Thanh Thảo). Ánh đèn, bếp lửa leo lét tụ kết những mộng mị, cô đơn, cả những ảo ảnh ám gợi tuổi thơ bao thế hệ. Lửa đèn, bếp lửa trở thành một biểu tượng đẹp, gắn bó chặt chẽ với đời sống như một mảng ký ức dân tộc, được lưu giữ, di truyền qua nhiều thời đại. Với Thanh Thảo, nếu cỏ là sức sống mãnh liệt, dai dẳng thì lửa chính là sức mạnh, cỏ mang đến cho con người ý chí quật cường thì lửa cũng tôi đúc cho họ bản lĩnh bùng cháy hết mình vì quê hương, Tổ quốc “thế hệ chúng tôi bùng ngọn lửa chính mình/ soi sáng đường đi tới” (Một người lính nói về thế hệ mình- Thanh Thảo). Ngọn lửa hóa thân vào nỗi nhớ tình yêu, hạnh phúc và lý tưởng: “ở đó bọn anh phải gỡ giàn ba lô/ khơi ngọn lửa những tháng năm đời lính” (Lẽ ra – Thanh Thảo). Trong tìm hiểu biểu tượng, tư duy con người thường tìm cách phát hiện, bóc trần cái mù mờ, ẩn giấu nằm trong cái rõ ràng. Sở dĩ như vậy là do quan niệm cho rằng con người không hiểu được chính mình, bị che đậy bởi chính mình.

 

Và cũng khó nói hết những thông điệp nhắn nhủ từ những huyền thoại nhân loại, được tái sinh trong những hình hài lửa khác nhau của thơ ca đương đại, như Prometheus trong thần thoại Hy Lạp, chấp nhận sự trừng phạt của Zeus, đem lửa Trời cho con người, xua đi mông muội, u tối.  Đó một phần là năng lực của sự sống, năng lực của sáng tạo trong vai trò tái sinh, được hợp nhất trong “cơn đau đớn của lửa” (Nguyễn Quang Thiều), khi “Nhận ra mình là hòn than cháy dở đêm qua” ( Nhóm lửa – Mai Văn Phấn). Triết học phương Đông xem sự tương hợp giữa con người với bản thể thế giới như một minh triết của nguồn gốc tâm linh. Lửa thể hiện những đam mê, khát khao sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ. Chính vì vậy, trong những ham muốn, mộng mơ sáng tạo nghệ thuật, lửa chênh vênh, hỗn loạn, nguồn cơn của những thiêu đốt vô thức, tồn tại như một kiến trúc chiêm bao dẫn đưa người nghệ sĩ: “Thơ âm âm, thơ thon thót giật mình kinh hãi chảy điên cuồng như lửa liếm” (Nguyễn Quang Thiều). Lửa cũng khơi dậy những miền ký ức sâu thẳm đầy mới lạ, ám ảnh, dày vò, là những cơn đau đứt nghiến da thịt trong vô thức sáng tạo của thi nhân: “đừng đuổi theo tôi/ lửa trắng/ cục nước đá tan trong chiếc ly/ cơn gió nhân tạo mùi sắt gỉ/ đừng…” (Lửa trắng – Thanh Thảo), “Vội vã những ngôi sao tìm chỗ được nhìn thấy, vội vã câu thơ tìm ngọn lửa” (Vội vã - Thanh Thảo). Nếu không có lửa sáng tạo, lửa đam mê, câu thơ chỉ là sự sao chép hiện thực vụng về, nhạt nhẽo. Ngọn lửa của sự sáng tạo khơi gợi những đam mê bùng cháy của nội lực, không phải muốn là có, đốt là cháy, nhiều lúc vượt ngoài tầm tay với, trốn chạy trước sự bất lực của người nghệ sĩ. Chính vì vậy, lửa sáng tạo, lửa yêu đương, luôn là thứ huyễn hoặc nhất. Nó mời gọi con người đến với sự bừng nở của tài năng, mở ra biên độ vô hạn của sáng tạo nghệ thuật và những linh cảm thơ ca. Câu thơ không có lửa, đồng nghĩa với sự khai tử khi chưa kịp khai sinh. Thi nhân nhận ra sự không trùng khít giữa con người với bản thể thế giới, vì vậy khát khao tìm kiếm sự tương thông với đất trời là khao khát vô biên. Trong khoảng không đứt đoạn giữa mình và thế giới, từ những khát vọng thường xuyên muốn vượt qua nó, thi nhân đã tạo ra một thế giới riêng của mình: thế giới của văn hóa, thế giới của tất cả những cái nảy sinh theo ý muốn con người, là thế giới của tự do: “Để bàn chân ta sáng lên ngọn lửa/ Thắp lên phần cháy dở đêm qua.” (Nhóm lửa - Mai Văn Phấn).

 

Chính vì vậy, lửa đã mở rộng biên độ sống, biên độ sáng tạo cho thi nhân. Tình yêu, trong sự tận hiến tột cùng, linh thiêng, huyền nhiệm của nó đã hàm chứa những bản chất của lửa. “Thay thế cho thế giới của khách thể, sự mơ mộng về lửa là đồng đẳng với mơ mộng về tình yêu”(4). Trong Siêu lý của tình yêu, (Vladimir Soloviev, NXB Văn hóa Thông tin & TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005), Schopenhauer cũng cho rằng tình yêu còn tồn tại như một xác tín cho hành động phản kháng thực tại nhàm chán, tìm kiếm, khám phá bản thể trong hành vi yêu thương, hiến dâng, cho, nhận. Lửa hiện hữu như một phần của hiện thực tâm linh, hiện thực của cõi mơ, của vô thức. Và đó cũng là thế giới của thơ, của tình yêu, vì “Thơ cũng huyền diệu như trời” (Charles Henriford). Với Mai Văn Phấn, Vi Thuỳ Linh, lửa  là sự tôn vinh những hoà quyện thể xác tột cùng trong tình yêu, lửa thanh tẩy con người khỏi thế giới hỗn mang và kiến tạo một thế giới khác: “Cuộn chảy/ trong tiếng gào những dải phù du/ đáy sông quặn thắt chưa hết sáng/ Hoàng hôn ngậm chặt ánh ngày/ lửa co giật/ sục sôi mầm nụ/ đỉnh cây ngùn ngụt bốc cao” (Đất mở - Mai Văn Phấn). Đó là ngọn lửa bỏng rát khát khao, cuồng dại của tình yêu trong bản tính được hoà hợp, được nhất thể hoá. Hành trình nhất thể hoá đó đã tái sinh một ngọn lửa khác, lung linh hơn, rực cháy bản năng sống vĩnh cửu.

 

Sự thánh thiện của một bản năng sống mãnh liệt trong “Mùa thụ mầm – Vi Thuỳ Linh”, đã tái sinh những mầm sống mới, con người tìm thấy ở đó những khao khát tự nhiên thuở nguyên sơ. Ước nguyện vạn vật sinh sôi nảy nở, phồn vinh, đã được chuyển tải trong lễ hội Nõn Nường của dân gian xưa, giờ mang màu sắc, hơi thở mới của thời đại: “Bừng từng đêm lưỡi như ngọn lửa/ liếm vào thân sóng nóng” (Mùa thụ mầm- Vi Thùy Linh). Lửa trong thơ ca đương đại là lửa tình, men say của hạnh phúc trần thế “Trong vũ điệu nắng/ Trong tiết tấu mưa/ từ nơi khởi nguyên/ lửa mọc mầm theo đường cong thân thể/ Dọc hai ngàn dặm/ Vũ trụ nhập men theo sự cuồng nhiệt của hai con người được sinh ra cho nhau” (Lửa trắng – Vi Thuỳ Linh) “Anh… hãy đến…cho đêm ngày cháy bùng bão lửa” (Gọi nguồn – Vi Thuỳ Linh).

 

Những biểu tượng tiềm ẩn một sự sống mãnh liệt và hàm chứa những lưỡng giá, trùng phức khiến lửa trắng là những ám ảnh kỳ lạ, những suy nghiệm của vô thức về sáng tạo nghệ thuật trong thơ Thanh Thảo. Lửa trong thơ Vi Thuỳ Linh mang tính hướng thượng về cõi anh, phương anh: mầm lửa, đêm truyền lửa, núi lửa, bầy chim lửa.... Tình yêu thăng hoa từ những khát khao bản thể của con người, lửa mở rộng biên độ sống của tâm hồn và dường như thoã mãn những câu hỏi về bản thể và hư vô. Lửa đã khơi dậy những gì tốt đẹp nhất của sự sống, làm lành lại những nỗi đau, ân sủng tình yêu con người.

 

Nhưng trong tính liên hệ mật thiết và lưỡng giá của nó, biểu tượng lửa cũng mang hàm nghĩa của sự tàn phá, huỷ diệt: “Em lầm lũi lại đến trước nhà anh nhặt xác nỗi buồn, đốt lên thành lửa/ Rồi đi/ Sau lưng em ngày nắng tắt” (Từ phía ngày nắng tắt – Vi Thuỳ Linh). Các thuộc tính của lửa và tình yêu cũng không ngừng lan toả với những bỏng rát và thiêu đốt, những khoảng trống, những mơ hồ, nghi hoặc. Lửa cũng phóng đãng buông mình theo những cơn cuồng say của hờn ghen, lửa bản năng, dục vọng đủ sức cắt chiều thành những vụn mảnh, vương vãi. Lửa trong quan niệm của Nho giáo ứng với màu đỏ, ẩn ở trái tim, là nơi của “tình yêu và sự giận dữ”. “Nó đốt cháy, tàn phá, tiêu huỷ, lửa của dục vọng, trừng phạt, chiến tranh”(5). Trong thơ Vi Thuỳ Linh, lửa còn là bản thể con người trong tình yêu, sự hờn ghen, lòng tổn thương: “Người đàn bà của đêm lao khỏi vòng tịch lặng/ Đi tìm một mặt trời mọc lửa/ Trong đêm” (Điều anh không biết – Vi Thuỳ Linh). Lửa vừa thổi bùng những khát khao, nhưng cũng huỷ diệt tất cả khi con người chạm phải những điều giả dối, những giá trị ảo. Lửa ở đây không còn hàm nghĩa tái sinh mà là lửa thanh lọc, tẩy uế, đốt đi những giả dối phù phiếm để khẳng định giá trị thực trong đời sống.

 

Lửa còn là ánh xạ của cái tôi cá nhân đầy ưu tư, đa mang, đầy ắp những khát vọng mãnh liệt trong tình yêu, trong sáng tạo, và cả trong vấn đề tồn tại có ý nghĩa của chính bản thân mình. Lửa như là một năng lượng sống, là những xung lực trong tình cảm, khát khao mãnh liệt, mà nếu thiếu lửa, đời sống con người trở nên nhàm chán, nhạt nhẽo vô vị. Quấn luyến, buộc ràng với biểu tượng lửa là những vấn đề về cuộc đời, con người, lẽ sinh tồn, sự ra đi, trở về, những dò tìm bản nguyên của hạnh phúc, khổ đau, tình yêu, sự sống và cái chết…“Tiếng bẻ củi vang lên / Ngọn lửa gần gũi và linh thiêng cựa mình thức dậy / Có bước chân vô hình đang đi quanh đống lửa / Làm những làn tro ấm khẽ bay lên” (Thời gian – Nguyễn Quang Thiều). Lửa ở đây là một ký hiệu được mã hoá ý nghĩa, vừa gợi những ấn tượng trực tiếp về thực tại hiện hữu, vừa khải thị tâm linh về những tầng hiện thực khác, trùng điệp giữa quá khứ hồng hoang các bộ lạc, các cuộc viễn du hành hương qua sa mạc lạnh buốt đêm thâu nhưng bỏng rát khi mặt trời soi chiếu. Lửa là chiếc cầu nối giữa con người và thần linh, trong tàn tro thiêu đốt lễ vật dâng lên trời, con người hướng về cõi trời để cầu xin ơn phước từ lửa thiêng. Lửa bạo tàn thiêu đốt dân đen trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, lửa thắp rực mùa hè trong thơ Nguyễn Du: “Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông” (Truyện Kiều), đến Nguyễn Quang Thiều: “Ngọn lửa thiêng triệu triệu năm / Sẽ tự mình thức dậy / Nấu một nồi cơm nếp hoa vàng / Đơm lặng lẽ vào mo cau cổ tích / Và mang ra bến sông / Và thả vào bến sông / Đó là lúc con bống đen / Nổi lên giữa dòng sông Đáy / Đôi mắt sáng như hai vầng Nhật, Nguyệt / Để cho ban mai một giải trứng hồng”. (Con bống đen đẻ trứng – Nguyễn Quang Thiều). Lửa ở đây là hình ảnh phóng chiếu của các vỉa tầng ký ức văn hoá dân tộc và nhân loại. Ngọn lửa thiêng từ tay thần Prometheus, từ huyền thoại Thánh Gióng lớn lên từ bếp lửa thổi cơm của cộng đồng dân tộc, ngọn lửa nấu nồi cơm Thạch Sanh ăn mãi không vơi, ngọn lửa trong cô Tấm hoá thân từ con bống, quả thị, thổi cơm cho bà lão tốt bụng cưu mang mình… vv.

 

3. Tính chất trùng phức của ngôn ngữ biểu tượng khiến lửa trong thơ ca đương đại liên tục gợi ra những phức thể, những ấn tượng, ám gợi. Nó làm hiển lộ tư duy thơ đa phức và cũng là tư duy điển hình của thơ Việt Nam đương đại. Câu thơ cũng dài, ngắn, phong phú hơn, nội hàm phản ánh cũng rộng hơn, các hình tượng lạ, nhiều khi mờ mịt, ngôn ngữ biểu hiện cũng đa tầng hơn. Không phải ngẫu nhiên, thơ Việt đương đại ẩn chứa nhiều huyền thoại về Lửa đến vậy. Câu hỏi đặt ra là: giữa sự bủa vây của các phương tiện thông tin truyền thông, quảng cáo, trong xã hội hậu hiện đại, do xã hội toàn cầu hoá, đâu là giá trị thực của đời sống và bản thể? Giữa những bất tín và xác tín nhận thức, sợ hãi và âu lo, hoang mang về bản nguyên hiện thực và bản thể, thơ ca đương đại và những giá trị văn hoá trong các biểu tượng sẽ vén mở những hy vọng gì? Muôn ngả đường đều hướng về một đích: đời sống riêng tư và tâm thức cộng đồng là hai mặt không tách rời của hiện hữu. Con người càng cô độc, hoang mang ngơ ngác, càng có nhu cầu tìm về cõi hư huyền của tâm linh dân tộc, như một căn cước, một xác tín, một truy nguyên phẩm tính người của mình.  Thơ ca đương đại, lần lượt phục hồi và biện giải từng phần huyền tích dân tộc, như là cơ sở hiện hữu của con người. Đó là phương thức để hoá giải thực tại đầy rẫy những phi lý, mong manh những giá trị và những bất ổn tồn tại, của xã hội đương đại. Huyền thoại, trầm tích văn hoá với những điệp trùng ý nghĩa được sử dụng như những nguyên liệu, phương tiện kết cấu thi phẩm, tháo dỡ cú pháp truyền thống để kiến tạo cú pháp mới, tan chảy trong sự nhập nhằng nước đôi của ngôn ngữ vô thức. Chính biểu tượng và những ám gợi hư huyền của nó khiến ngôn ngữ dân tộc được “làm giàu thêm từ vựng và giải phóng cú pháp” (G. Bachelard), là minh chứng cụ thể và thuyết phục cho sức sống của huyền thoại, cổ mẫu và quá trình giao thoa tiếp biến văn hoá của dân tộc trong thơ Việt đương đại.(6) Bởi bất kỳ sự giao thoa, tiếp biến văn hoá nào cũng sẽ trở thành vô nghĩa nếu không tạo ra giá trị, không bám rễ vào truyền thống và ký ức văn hoá của dân tộc, nhân loại.

 

C. KẾT LUẬN:

 

Biểu tượng lửa như một ẩn dụ trùng phức, mở lối dò tìm những hiện hữu ở tầng sâu mạch ngầm của văn bản, tiết lộ bản chất, tư tưởng, triết lý chiều sâu của thơ ca đương đại. Đồng thời gợi dẫn người đọc khám phá các vỉa tầng văn hóa tồn tại trong tác phẩm như một thực thể tự trị nằm ngoài sự kiểm soát của người nghệ sĩ. Lửa vừa là minh chứng mặc nhiên cho những huyền thoại, trầm tích văn hóa tồn tại ở tầng sâu vô thức, kết hợp với trải nghiệm xung đột hiện hữu của nhà văn, tạo nên biểu tượng phổ quát như một cách phóng chiếu nội cảm lên ngoại giới, làm nên sự sinh động và sức sống lâu bền của thi phẩm. Các thi nhân đương đại chịu ảnh hưởng sâu xa của tư tưởng văn hoá phương Đông, con người, địa danh, những sự kiện lịch sử, hoá thân/ tồn tại, theo phương thức huyền thoại trong lòng cộng đồng dân tộc. Vì vậy, khám phá huyền thoại lửa, trầm tích văn hoá trong thơ đương đại, cũng là để nhìn nhận vị trí, giá trị, đóng góp, của thi nhân, vào tiếng nói chung của văn học dân tộc.

                                                                                             

Khon Kean, 10/2016

H.T.H

 

Chú thích:

(1a) (1b) – Tzvetan Todorov - Theories of the Symbol (Translated by Catherine Porter), Cornell University Press, Ithaca, New York, 1984.(p 286) (p 291).

(Language is the first of all expression of the individual....The spirit of the nation is reflected in its language.

For Levy – Bruhl, Freud, and Saussure, neoclassics all (in very different ways), the symbol is a deviant sign, or an inadequate one. For Augustine too, the symbol is only a different way to say what a sign says).

(Xem thêm : Nguyễn Thái Hòa, (2005), Từ điển tu từ – Phong cách thi pháp học, NXB Giáo dục, Hà Nội: "biểu tượng văn học là những biểu tượng trong sáng tạo văn học tức là những hình ảnh, tín hiệu ngôn ngữ trong tác phẩm văn học có tính khái quát và phổ biến đến mức có khả năng gợi ra một hình ảnh khác hoặc một số phẩm chất, một số đặc trưng khác với đối tượng biểu hiện". Như vậy, biểu tượng được hình thành với phương thức sử dụng một loại môi vật để môi giới tri giác cái bất khả tri giác. Với cách thức "một hình ảnh cụ thể mà nói lên một sự gì trừu xuất hay vắng mặt", biểu tượng có nhiều dạng thức khác nhau: biểu trưng, biểu hiện, dấu hiệu...).

(2a) (2b) (2c) - Jean Chevalier (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng, tr. 545, 546.

(3a) - Doãn Chính (chủ biên) (2006), Veda – Upanisad, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội, tr 28

(3b) - Ngân Xuyên – lyluanvanhoc.com. Nguồn: dịch theo nguyên bản tiếng Nga tạp chí Znanie -Sila (11-12/1998). Bản dịch tiếng Việt: http://www.nhanvan.com

(4) - Đỗ Lai Thúy (2000), Phân tâm học và văn học nghệ thuật, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.265.

(5) - Jean Chevalier (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng, tr.548

(6) - Paul N. Lakey (2003), Abilene Christian University, Acculturation: a Review of the Literature, Intercultural Communication Studies XII-2 2003, http://web.uri.edu/iaics/files/10-Paul-N.-Lakey.pdf: “So what does acculturation mean? When individuals or groups of people transition from living a lifestyle of their own culture to moving into a lifestyle of another culture, they must acculturate, or come to adapt the new culture's behaviors, values, customs, and language. The word 'acculturation' is the act of that transition.”

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

 

1.  Chevalier Jean (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng.

2. Doãn Chính (chủ biên) (2006), Veda – Upanisad, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội.

3. Frye Northrop, Northrop Frye's Theory of Archetypes

http://edweb.tusd.k12.az.us/dherring/ap/consider/frye/indexfryeov.htm

http://www.eacfaculty.org/pchidester/eng%20102f/archetypal%20criticism.pdf (accessed 10/8/2014).

4. Frye Northrop, The Archetypes of Literature, Archetypal critisim.pdf, http://www.eacfaculty.org/pchidester/eng%20102f/archetypal%20criticism.pdf (accessed 10/8/2014).

5. Nguyễn Thái Hòa (2005), Từ điển tu từ – Phong cách thi pháp học, NXB Giáo dục, Hà Nội

6. Paul N. Lakey (2003), Abilene Christian University, Acculturation: a Review of the    Literature, Intercultural Communication Studies XII-2 2003

7. Tzvetan Todorov (1984), Theories of the Symbol (Translated by Catherine Porter), Cornell University Press, Ithaca, New York.

8. Đỗ Lai Thúy (2000), Phân tâm học và văn học nghệ thuật, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

9. Ngân Xuyên, lyluanvanhoc.com. Nguồn: dịch theo nguyên bản tiếng Nga tạp chí Znanie -Sila (11-12/1998). Bản dịch tiếng Việt: http://www.nhanvan.com  (truy cập ngày 10/12/2013).

10. Susan F. Astillero (M.A. Ed) and Magdalena M. Ocbian (Ed. D), Sorsogon State College, Cultural Characteristics and Values in Sorsogueños’ Poems, Asia Pacific Journal of Multidisciplinary Research Vol. 3, No. 4, 12-18, (p.15). www.apjmr.com (accessed 1/4/2015).

 

(Nguồn: Tạp chí Khoa Học ĐH Sài Gòn, số tháng 10/2016)


 

 

 "Cây" - Tranh sơn dầu của Họa sỹ Louise Mead (Anh quốc)







 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị