Tiếp nhận thơ Việt đương đại từ hành trình cách tân thơ ca (tiểu luận) - Hoàng Thị Huế

Tiếp nhận t Việt đương đại

từ hành trình cách tân thơ ca

 

 

 

TS. Hoàng Thị Huế

 

 

 

                                                                      

Hoàng Thị Huế

                                                                        (Khoa Ngữ Văn – ĐHSP Huế)

 

 

Thơ Việt bước vào quỹ đạo hiện đại với phong trào Thơ mới 1932 – 1945, chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, mang tư tưởng của con người đô thị hiện đại. Nhìn từ phương diện tiếp nhận, thành tựu thơ ca Việt không đơn giản chỉ là số lượng các văn bản và tác giả mà còn được hiểu là các tác phẩm và người tiếp nhận trong những chuyển biến lịch sử của nó. Văn bản được xác lập đời sống cụ thể thông qua tầm đón đợi của độc giả. Lịch sử văn học vì vậy còn là lịch sử của việc đọc. Trong tầm đón đợi truyền thống, thơ trung đại được tiếp nhận tập trung vào các giá trị như: thơ để bày tỏ ngôn chí, thuật hoài, bảo kính cảnh giới... Các chuẩn mực mà cộng đồng tiếp nhận dùng để đo các giá trị thơ ca đến thời Thơ mới đã phải nhường chỗ cho những hệ giá trị mới. Sau cách mạng tháng Tám, thơ ca Việt sang trang, tiếp nhận thơ vẫn từ phương diện cái thực, nhưng đó không còn là cái thực trong đời sống con người cá nhân mà nhường chỗ cho hiện thực đất nước những năm kháng chiến.

 

Cho đến sau 1986, xuất hiện nhiều khuynh hướng cách tân thơ, không lấy nghĩa làm trọng tâm như thời Thơ mới nữa mà lấy chữ làm cốt yếu, sáng tạo chữ, làm chữ phát nghĩa mới là đích đến của sáng tạo. Quan niệm sáng tạo này đã xuất hiện từ giai đoạn cuối của Thơ mới với Xuân Thu Nhã Tập - Buồn xưa, Hồn ngàn mùa, Bình tàn thu của Nguyễn Xuân Sanh, nhưng do những giới hạn của cộng đồng tiếp nhận, do sự vênh lệch giữa mã văn hóa của người sáng tác với mã văn hóa của người tiếp nhận nên thơ Xuân Sanh không được hưởng ứng. Sau này Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường… là những người đã làm nên thành quả từ quan niệm mới này, đến những năm đầu thế kỷ XXI, được công nhận và đánh giá cao. Tiếp nhận thơ ca từ đây chuyển sang hệ hình mới do ảnh hưởng của văn hóa hậu hiện đại trong mô hình thế giới phẳng, sáng tạo thơ cũng chuyển trang, thơ ca mang tính cắt dán, lắp ghép, ngẫu nhiên, đột hiện, đồng hiện, giễu nhại… Thơ hậu hiện đại ra đời, thơ ca được tiếp nhận từ cái khác lạ, hiện đại, không xuất phát từ những chuẩn mực tiếp nhận truyền thống dựa trên cái phổ biến, cái khách quan mà từ mỹ học tiếp nhận thời hậu hiện đại, mỹ học của cái khác lạ (chữ dùng của Đỗ Lai Thúy).

 

Những nhà văn tài năng vẫn in đậm dấu ấn bản sắc riêng, quan niệm nghệ thuật riêng trên những hình thức thể loại. Theo “Từ điển thuật ngữ văn học” thơ có hai thể loại lớn: dựa vào thể luật, có thể chia ra thơ cách luật và thơ tự do. Thơ cách luật bao gồm tất cả những bài thơ làm theo những thể thức ổn định, cố định về mặt thi pháp. Thơ Việt đương đại có xu hướng cách tân thể thơ, ngôn ngữ, bao gồm các loại thơ không theo một thể thức ổn định, cố định nào cả. Tuy vậy, không phải là thơ hoàn toàn phủ định mọi luật lệ của thơ. Mỗi thể loại có ưu thế riêng trong việc thể hiện đời sống xã hội và tình cảm cá nhân. Mỗi nhà thơ, tùy sở trường và bí quyết riêng của từng thể loại mà ưu tiên sử dụng nó với tư cách là phương tiện nghệ thuật mang tính hiệu quả cao, làm thành nét độc đáo và phong cách riêng của mình.

 

Có thể thấy các nhà thơ đương đại Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Inrasra, Vi Thùy Linh,  Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh… đang thực hiện thiên chức cho thơ thời kỳ mới, đó là “cuộc vật lộn tiếp diễn của sáng tạo và tiếp nhận” (Vi Thùy Linh). Từ bỏ lối thơ “khăn đóng áo the” truyền thống, là thể loại năng động, thơ Việt đương đại đã nhanh chóng mở rộng hình thức câu thơ để có thể ôm chứa được hiện thực cuộc sống, đời tư của con người với muôn chiều kích ý thức, vô thức, tiềm thức… phản ánh con người hiện đại sống trong sự truy vấn và phản tỉnh… Tất cả những điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc lựa chọn hình thức biểu đạt tối ưu nhất.  Các nhà thơ – những người mang tinh thần Hậu hiện đại luôn mong muốn xóa bỏ trung tâm – ngoại vi. Có lẽ, trên tinh thần ấy, họ sáng tạo và không ngần ngại phát biểu những quan niệm của mình về thơ. Hành trình sáng tạo thơ, các thi nhân đã trải nghiệm nhiều thể khác nhau: Thơ cổ điển, thơ năm chữ; thơ văn xuôi, thơ Hai Kâu ( Thơ Mai Văn Phấn, Inrasara...) thơ Tân hình thức (Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ Tân hình thức - Inrasara); hoặc xáo trộn nhiều thể thơ cùng lúc. Ở đây có sự phức hợp giữa thể thơ văn xuôi, thơ tự do không vần, thơ 5-7 chữ cổ điển và cả kĩ thuật vắt dòng của thơ Tân hình thức.

 

Sự trải nghiệm trên nhiều phương diện thể thơ như một nhu cầu tất yếu tương thích với sự phong phú, đa dạng trong cảm xúc của người nghệ sĩ, mặt khác, nó thể hiện ý thức tìm tòi, cách tân, nỗ lực làm mới không ngừng của các nhà thơ đương đại. Đó là hành trình của “cái mới lạ luôn vẫy gọi” thôi thúc nhà thơ. Sáng tạo là nỗ lực nhọc nhằn của người nghệ sĩ khám phá, kiếm tìm cái đẹp trong sự gắn kết với cái mới, chỉ có sự gắn kết này mới hy vọng có được vị trí vững bền trong độc giả. Đó là con đường chông gai, bất trắc không dễ dấn thân. Có nhà thơ từng phát biểu: “Cái mới, cái xa lạ, cái chưa biết luôn vẫy ta ở trước mặt. Với tôi nó có sức cuốn hút không thể cưỡng, đòi hỏi những bước phiêu lưu mới” (1). Theo nhà thơ, sáng tạo, làm mới thơ, trong một chừng mực nào đó, một phần là tính hiện đại của thơ: “Trong khi tinh thần mới của thơ hiện đại đòi hỏi nhận thức mới về thực tại. Độ dồn nén của cảm xúc, sức bùng vỡ của tư tưởng, hàm ngôn và cô đọng của ngôn từ khiến cho thơ có khoảng vượt táo bạo khỏi không- thời gian, đưa hình ảnh, ý tưởng khá xa lạ đồng hiện hay vụt sáng bất ngờ trên từng câu thơ, hai câu thơ cạnh nhau, một khổ thơ… chứ không còn chịu tuân thủ trật tự thứ lớp tầng bậc. Và ngay cả khi anh bắt gặp cái giọng lạ biệt đến đâu nữa, tại sao không dám chối bỏ nó? Trong lúc yêu cầu của thơ hiện đại là nhà thơ phải học biết từ chối đi mãi con đường mòn. Của người khác và của chính mình. Như là một thách thức không ngơi nghỉ của ý chí sáng tạo: luôn vượt bỏ mình”. (2) Vượt bỏ nỗi mòn chán, cũ mèm của thể thơ, ngôn ngữ ràng buộc, là ý thức thường trực của thi nhân: “Như đá vỡ, như vật vờ lau chết / Thơ âm âm, thơ thon thót giật mình kinh hãi chảy điên cuồng như lửa liếm / Ngửa mặt cười trong tiếng khóc mộng du” (Nguyễn Quang Thiều).

 

Xã hội đang trong vòng quay chóng mặt của toàn cầu hóa, hiện đại hóa và cả những ảnh hưởng của xã hội hậu hiện đại do thế giới phẳng, do các phương tiện thông tin truyền thông phát triển như vũ bão. Điện toán đám mây, trò chơi, cuộc sống của thế giới ảo trên mạng Internet không bù đắp được nỗi cô đơn, trống rỗng của con người hiện đại. Những nghịch lý thường trực là xã hội càng văn minh, con người càng rơi vào mặc cảm bị ruồng bỏ, càng cô độc?  Khi ý thức cá nhân đạt đến một mức nào đó, thơ ca khước từ tiếng nói sử thi để tìm về khám phá thế giới tâm linh của con người với những vùng khuất, vùng mờ của vô thức, tiềm thức, hoặc để chuyên chở một hiện thực bộn bề, phức tạp, gai góc. Thơ Việt đương đại, vì không theo một khuôn khổ gò bó, cố định nào nên có thể chảy theo mạch cảm xúc miên man của tác giả, có thể tăng số lượng âm tiết đến mức tối đa hoặc nén gọn, cô đặc chỉ trong một, hai chữ. Đó là hình thức phóng khoáng nhất để trình bày cảm nhận của mình về thế giới bằng những cách thức khác nhau, tạo ra những độc sáng trên hành trình kiếm tìm cách biểu đạt mới.

 

Các nhà thơ sáng tạo như một phương thức để chuyển tải ý hướng cách tân, năng lực nhận thức đời sống và cái tôi đột phá của mình. Ở một phương diện khác, có thể nói con người hiện đại trong xã hội toàn cầu hóa tìm thấy trong sáng tạo nghệ thuật những tương thích để hóa giả những suy niệm của mình. Không gò bó số lượng chữ trong câu, không cần cú pháp... thơ Việt đương đại mở thông lối vào những suy nghĩ, những liên tưởng nhảy cóc trong tâm trí, những hình ảnh thơ bất ngờ: “cá chép của em/ bơi theo dấu anh sông biền biệt/ vượt vũ môn không hóa rồng/ hóa lộn chồng/ lộn kiếp” (Hai mươi ba tháng chạp – Phan Huyền Thư). Những phủ định cuốn người đọc vào suy tư của người viết. Sự gắn kết của cấu tứ, của ngôn từ không còn nằm ở vần, mà ở nhịp suy tưởng của nhà thơ, giữa thật và rỗng, giữa tồn tại và hư vô. Hành trình đời người là sự dấn thân của nếm trải, nghiệm sinh, truy vấn, một cuộc hành hương tư tưởng. Những tự do trong hình thức thơ đã mở đường cho cuộc hành hương ấy của thi nhân. Đời sống hiện đại, thời gian trở thành thứ tài sản quý giá khó gì đánh đổi, con người vụt bay qua chính cuộc đời mình, chớp mắt đã thấy “mới thôi mà đã một đời”, chất lượng sống vì vậy nằm ở sự trải nghiệm trong từng phút, từng giây, sống chậm. Thi nhân, vốn được tiền định mang nỗi ưu tư về phận người, càng phải sống sâu trong từng khoảnh khắc. Sáng tạo để chống lại hiện tồn vô nghĩa và trống rỗng, làm thơ như một phương cách để thấy mình tồn tại, thi nhân lặn sâu vào nỗi buồn chính mình, đối thoại với mình: “Em là người dệt tầm gai... /Em nhẫn nại chắt chiu từng niềm vui /Nhưng lại gặp rất nhiều nỗi khổ /Truân chuyên đè lên thanh thản/ Ôi sự trái ngược - những sợi tầm gai !/ Không kỳ vọng những điều lớn lao /Em lặng lẽ dệt hạnh phúc từ những nỗi buồn - những sợi tầm gai - không ai nhìn thấy /Gai tầm gai đâm em đau đớn ...” (Người dệt tầm gai – Vi Thùy Linh)

 

Việc phá vỡ cú pháp của câu thơ, đột phá trong mỗi dòng thơ, không tuân thủ luật thơ truyền thống khiến thơ ca gần với những trăn trở, thảng thốt về hạnh phúc và khổ đau phận người. Yếu tính đáng kể nhất của thơ là ngôn ngữ “Thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm cứu cánh” (Jakobson). Với văn xuôi, ngôn ngữ là phương tiện để chuyên chở ý tưởng, thì với thơ, ngôn ngữ là vừa là phương tiện, vừa là đối tượng, vừa là mục đích. Giá trị của văn nằm trong ý tưởng. Giá trị của thơ nằm trong mỗi chữ, mỗi vần, không cần qua trung gian của ý tưởng. Lê Đạt là phu chữ cũng vì vậy. Nếu sáng tạo chỉ bằng thuần tuý bản năng, yếu tính này khó phát huy. Chỉ ở những tác giả vừa có bản năng sáng tạo, vừa có trí năng nghề mới có thể ý thức sâu sắc được giá trị của Chữ. Thơ Việt đương đại do đã giải hình thức, gỡ bỏ những buộc ràng khuôn mẫu của thể loại gò bó, mở rộng biên độ tự do trong sáng tạo đến mức tối đa nên vì thế, trọng tâm sẽ dồn sang chữ. Thi nhân làm thơ với ý thức để dưỡng tồn và làm giàu có ngôn ngữ của dân tộc: “Khép một cõi đất, mở một chân trời/ thơ chập chững ngày mới/ bập bẹ lời tinh khôi/ Tôi đốt lên hàng đống chữ/ dưới tàn tro bươi lấy vài lời” (Những ý tưởng không mùa - Inrasara). Ở một phát biểu khác, kế thừa tư tưởng của Heidegger- nhà triết học hiện sinh “ Ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể”- nhà thơ Inrasara cho rằng: Nhà thơ là người cư trú trong ngôn ngữ dân tộc, canh giữ ngôn ngữ dân tộc và đồng thời làm giàu có ngôn ngữ dân tộc bằng cách tạo dựng cho mình một ngôi nhà ngôn ngữ riêng:

 

“Em khôn ngoan thổ cẩm lời lỗ tính toán miệt mài chi li & em lãng đãng ngây thơ dại khờ em, hoa xương rồng & nắng em, lễ rija praung cổ tay tròn uốn cong điệu biyen, tiaung mê đắm đám trai làng theo em nhịp nhịp nhịp linga tiếng hát em hút hồn gió xalatan quét cuồng nộ vào đồi trọc quê hương

(Chuyện 4. Trà Ma Hani)

 

Sự phóng khoáng của hình thức câu thơ đã cho phép dung chứa liên tục những hình ảnh thơ siêu thực: “em lãng đãng ngây thơ dại khờ em, cổ tay tròn uốn cong điệu biyen, tiaung mê đắm đám trai làng theo em nhịp nhịp nhịp linga, tiếng hát em hút hồn gió xalatan quét cuồng nộ vào đồi trọc quê hương”. Inrasara đã “đánh thức” tâm hồn/ tư duy người đọc bằng những hình ảnh đồng hiện lạ lẫm đầy mê hoặc. Nhiều nhà thơ khác cũng đã trộn lẫn nhiều loại ngôn ngữ vào thơ tiếng Việt như vậy để tạo nên một sức biểu đạt hiện thực mới:

 

“Thân con rỗng không

Hạc khô chiếc mõ chân tâm trì chú...

... "Om Mani Padme Hum"*

Bụi gai bên đường nổi gió

Tiếng con mãnh thú chạy vào rừng sâu”

                 (Lên chùa – Mai Văn Phấn)

 

Sức dung chứa hình ảnh trong thơ mở ra tận cùng của suy tưởng, tạo nên những không gian thơ trùng phức, làm hiển lộ một hiện thực đa tầng mang những suy tư, nghiệm sinh mới. Thơ Việt đương đại không dễ nhớ, dễ thuộc nhưng kích thích tối đa tư duy độc giả: “Vất vưởng giữa đường biên đêm và/ ngày những con ma hời giữa sống/ và chết sự thật và huyền thoại/ mù mờ lồ lộ trên lằn ranh/ vắng mặt và có mặt. Những con/ ma hời tưởng đã mất hôm qua/ vẫn còn hôm nay lầm lụi giữa/ quen và lạ xa lánh hay gọi/ mời. Những con ma hời vật vờ/ giữa âm và dương trên đường biên/ thế kỷ cũ và mới.” (Ma Hời - Inrasara). Ma hời là một trong những bài thơ Tân hình thức của Inrasara với kỹ thuật vắt dòng – một trong hai kỹ thuật chính của thơ Tân hình thức (3). Khổ thơ, câu thơ tràn khỏi những lề luật thông thường, mở rộng biên độ cho tự do liên tưởng, sáng tạo, mở ra hiện thực về cuộc sống bộn bề thực - ảo, âm - dương, có mặt và vắng mặt. Mở ra những truy vấn bức thiết về ý nghĩa hiện tồn của con người, truy vấn về bản thể. Một câu hỏi chưa bao giờ có câu giải đáp. Đó là điều thường trực, đau đáu, trở trăn khải thị trên từng con chữ thơ, những suy nghiệm về định phận vô thường, mong manh của con người. “Sự mong manh của cuộc sống con người là điều duy nhất trên đời này mà mọi suy luận dù khoa trương hùng biện đến đâu cũng không thể cường điệu”(4):

 

“Pha xong ấm trà

Quay ra

Ông khách không còn ở đó

Gọi điện thoại

Người nhà bảo ông ấy mất đã bảy năm

Nhầm lẫn

...

Trong nhà

Trà vẫn nóng

Đẩy chén nước về phía ông khách đã ngồi.

Luồng tử khí cao chừng một mét sáu dựng đứng trước mặt

Chốc lại cúi gập.”

(Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ – Mai Văn Phấn)

 

Ngôn ngữ cũng mang thân phận mong manh, câu thơ chưa kịp khai sinh đã khai tử, khoảng trần gian và cả con người trở nên cô đơn, rỗng roạc như chưa từng hiện hữu. Con người, bị cầm tù trong chính sự bất ổn, phi lý của tồn tại, trở thành những tha nhân kiếm tìm quê hương tâm linh, kiếm tìm và trở về với bản thể mình, cảm thức về sự phi lý, hiện tồn trống rỗng và vô nghĩa càng rõ nét:

“Nến được đốt sớm hơn mọi thế kỷ trước / Những vết rạn dương gian chầm chậm tràn tràn đầy / …. / Như tan chảy qua những kẽ tay kí ức, và hơn thế / Như hơi thở bất tận ẩm ướt và nóng hổi phủ trên Châu Thổ” (Nhịp điệu châu thổ mới – Nguyễn Quang Thiều).

 

“Những ngôi mộ tổ tiên hắt sáng gọi tôi về / Tôi khép đôi cánh xác xơ trước ngày cúng giỗ / Ngắm những dòng sông sáp nến chảy chan hòa / Tổ tiên giơ lên trời xanh chứng minh thư bằng đá / Cổ xưa hoang hoang trên mỗi cánh chuồn chuồn”. (Bài hát – Nguyễn Quang Thiều).

 

Câu thơ dung chứa cảm xúc mãnh liệt để các hình ảnh thơ đồng hiện. Có thể nói rằng, đây là những đặc tính hiện đại mà thơ cách luật khó có thể dung chứa được. Hơn nữa, cảm thức mong manh, phi lý hiện hữu trong tầng sâu cõi vô thức nhà thơ, trong những suy tư về số phận về sự tồn tại, hạnh phúc và khổ đau... Khi thực tại trở nên bất ổn, thân phận con người mất kiểm soát trước biến động của thời đại và sự ra đi, cái chết trở thành cứu cánh thì những vấn đề triết học hiện sinh đặt ra vẫn còn nguyên tính thời sự. Tinh thần bất tín nhận thức của con người hiện đại có sự tương đồng sâu sắc với những nguyên lý cơ bản của triết học hiện sinh. Thơ ca là những lý giải phần nào tính chất tiên tri, những nghịch lý, bí ẩn, những truy vấn bức thiết về bản thể con người và bản thể đời sống:

 

“Không bên lề/ không trung tâm/ tôi trú trên đường biên/ Không ngoài luồng/ không chánh lưu/ sống như thể không đường biên.”  (Đề tựa - Inrasara).

 

Hành trình sáng tạo cũng chính là hành trình trải nghiệm, kiếm tìm khám phá thế giới và khám phá bản thân, lý giải hiện tồn của con người - một tồn tại của thì hiện tại dở dang chưa hoàn tất, đang là - nghĩa là con người tồn tại nhưng không bao giờ trở thành đúng là mình và tính luôn tồn tại ở mỗi người nhưng mãi mãi chỉ đang là...( Sartre). Trong hành trình ấy, sáng tạo là cách thức cao nhất bộc lộ tự do cá nhân.Từ những suy tưởng về thân phận con người hôm nay trong hỗn loạn giá trị, đến những suy tưởng về dân tộc, niềm tin... khiến thơ về gần với đời sống, thế giới nghệ thuật thơ mang những nghiệm sinh mới về con người và cuộc đời:

 

“Nằm nghiêng thương kiếp nàng Bân ngón tay rỉ máu/ Nằm nghiêng khe cửa ùa ra một dòng ấm cô đơn” (Nằm nghiêng – Phan Huyền Thư).

 

Từ những suy tư thân phận cá nhân, các nhà thơ đã chuyển tải những suy tư  thân phận một dân tộc, một thời đại trong tâm thức con người. Để rồi từ đó khái quát quy luật mọi sự hiện tồn đều mong manh, khó nắm bắt. Vượt thoát lên tất cả là tình yêu và quê hương mới đưa con người vượt qua nhọc nhằn. Và cũng chỉ có tình yêu bản nguyên mới có thể giúp con người trở về với bản thể, trở về với quê hương tâm linh của mình. Sông Đáy của Nguyễn Quang Thiều, dân tộc Chăm trong thơ Inrasara là biểu tượng, nguồn chảy sáng tạo, đánh thức mọi ký ức, xúc cảm và suy tưởng của thi nhân. Chính những điều đó đã gieo vào thơ những cảm thức lạ, là cội nguồn xúc cảm của thi nhân trong hành trang đời nhọc nhằn, để thi nhân tìm về như một điểm tựa tinh thần không thể thiếu: Tôi hát bài hát về cố hương/ Bằng khúc ruột tôi đã chôn ở đó”... thi nhân dâng hiến đời mình: “Suốt đời làm một con chó nhỏ/ Để canh giữ nỗi buồn/ Báu vật cố hương tôi” (Bài hát về cố hương  - Nguyễn Quang Thiều). Có thể thấy, thơ đương đại đã khai phá một vùng khí hậu suy tư khác trong lòng người đọc. Nhà thơ trăn trở, đối thoại, suy tư và mang vác trong tác phẩm những cách tân mới mẻ, cắt đứt lối mòn, những vay mượn để đưa thơ về giữa sông đời. Đó là hành trình sáng tạo trắc trở khó nhọc để khai mở một vòm trời khác của thơ đương đại: “Những con chữ, ký hiệu của tôi/ Chen chúc trong đầu sần sùi da thịt và tắc/ nghẽn mạch máu/…Có lúc/ buồn/ tôi nhai như trầu/ nước đỏ chảy như máu…/ xin đừng làm chữ của tôi đau…” (Ký hiệu – Phan Huyền Thư).

 

Thơ Việt minh triết, trí tuệ, từ những ẩn chứa của bề sâu tư tưởng, mang tâm thức, tâm hồn Việt. Các nhà thơ luôn tìm tòi, thể nghiệm các hình thức biểu đạt mới mẻ, bản thân những con chữ đã biết dịch biến để thoát xác và ảo hóa, mở ra trường liên tưởng đến vô cùng. Những dao động giữa thể nghiệm và thành công vẫn khó tránh khỏi. Nhưng cái được khẳng định, chính là ý thức làm mới của nhà thơ. Nếu không có hiểu biết văn hóa, không có những trở trăn, tìm tòi về nghề, sẽ không có được ý thức vượt lên ấy ở nghệ sỹ.

 

Trong xu hướng đổi mới chung, các nhà thơ hiện đại đã tìm tòi cho mình một hướng đi riêng, mang đậm dấu ấn cá nhân của một cái tôi đa chiều kích, đầy kiêu hãnh và độc lập. Như một sự lựa chọn tất yếu của con người hiện đại, không dựa vào bất kỳ chuẩn mực nào, thơ đương đại “Tự dắt mình men theo mùa hạ/ Tìm một lối đi thu” (Men theo mùa hạ - Phan Huyền Thư ), vươn tới những chân trời cao rộng của sáng tạo, bứt phá khỏi mọi chuẩn mực giá trị cũ để thấy ngoài trời còn có trời: “Qua mọi ngả đường.../ Ruổi mãi ruổi mãi theo những câu kinh/ Tới vùng sa mạc ánh nhũ mặt trời xanh” (Song mã-Vi Thùy Linh), hay “Con đường/con đường/con đường/Dắt ta về hồ nước cũ... Ra đi từ hồ nước cũ/Con đường/con đường/con đường’’ (Lễ Tạ - Nguyễn Quang Thiều). Bản chất của sáng tạo là đổi mới, không dẫm chân lên lối mòn của người khác, nếu đi theo thói quen của chính mình tức cũng tự xóa tên mình trong lòng độc giả. Xác lập lối đi riêng không dễ, bởi bản chất con người luôn hướng đến sự yên ổn, ngại mới, ngại khó, không muốn đảo lộn, không muốn từ bỏ. Nghệ sĩ, trong hành trình sáng tạo luôn chông chênh giữa nếp cũ “giấc mơ bại liệt của lối mòn”, với khát vọng kiếm tìm cái mới.

 

Việc sáng tạo hình thức thơ để có thể biểu đạt hơi thở cuộc sống là một yêu cầu tất yếu. Khám phá sâu vào bản thể, lấy hiện thực bên trong làm quy chiếu, thơ đương đại mang nhịp điệu của ý thức suy tưởng: nhảy cóc và đồng hiện ở hình ảnh thơ. Hành trình cách tân thơ là con đường nhọc nhằn, cô độc - một phẩm tính bẩm sinh của nghệ sĩ- cùng sự nhọc nhằn, cô độc của những người nhiệt huyết kiếm tìm cái mới, không ngừng thể nghiệm cái mới.

 

Theo lý thuyết tiếp nhận của W. Iser, văn bản văn học phải có kết cấu vẫy gọi với những khoảng trắng, kết cấu nhiều bè, lắp ghép hiện thực, những mập mờ bất định, các tầng bậc đồng hiện...vv. Tức với sự khác lạ của kết cấu văn bản, tác giả sẽ kích thích sự đọc ở người tiếp nhận, lấp đầy các khoảng trống giữa các ngôn từ, trong mỗi ngôn từ. Người đọc sẽ phóng chiếu những kinh nghiệm đọc cá nhân vào quá trình giải mã tác phẩm, tác phẩm vì vậy sẽ hiển lộ những giá trị mới trong và sau khi đọc. Như vậy với quá trình xác lập đời sống cụ thể thông qua người đọc, lấy cái khác lạ, hiện đại làm tiêu chí sáng tác, thơ Việt đương đại từ bỏ tính thống nhất toàn trị của hệ thống, mở ra những thách thức mới cho việc đọc, tác phẩm như một trò chơi của ngôn ngữ, việc tạo nghĩa, kiến tạo thế giới nghệ thuật thơ là phụ thuộc vào người đọc. Đó là sự vẫy gọi của những hệ giá trị mới cho thơ trên con đường cách tân thơ, đưa thơ ca Việt hội nhập với thơ hậu hiện đại thế giới.

 

Huế, 10/2013

H.T.H

 

 

CHÚ THÍCH

 

(1) http://inrasara.com/2007/05/25/dứa-con-của-dất

(2) http://inrasara.com/2008/01/15/thơ-dan-tộc-thiểu-số-từ-một-hướng-nhin-dộng-23/

(3) Thơ Tân hình thức:

(1) Đặc trưng: Không vần, nhịp điệu khác hẳn thơ "bình thường"; Hai kỹ thuật chính là vắt dòng (tùy loại 4-5-6-7 chữ và cả lục bát) thì xuống dòng theo số chữ, và lặp lại; Tứ thơ - điểm quan trọng - thường theo một câu chuyện, tức là có tính truyện; Ngôn ngữ: dân dã, đời thường, có thể thông tục; nhất là không cần tu từ.

2) Mục đích: đưa thơ ca lại gần cuộc sống thường nhật.

3) Tác dụng: Thật ra, thơ tân hình thức không thể phổ cập được; như một loại “đặc sản" (bún mắm Sóc Trăng chẳng hạn!), chỉ hợp ở một số rất ít cấu tứ mà thôi; nhất là ở trạng thái thi cảm nhất định của người viết, người đọc. Âu cũng là điều bình thường trong sáng tạo: "Cao thủ võ lâm" như haiku Nhật cũng còn phải vậy” . Trích :Bàn luận về thơ Tân hình thức - Đỗ Quyên.
Nguồn: www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.

(4) (Phạm Vĩnh Cư/ Tintchev: “Khuôn mặt một thi sỹ triết gia”/ Tạp chí Văn học nước ngoài/ Số 6.2003)

 

(Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, Viện HL KHXH & NV Hà nội, VN.

ISSN 1859-2856; Tr 37- 46; số 9/2014)

 

 

 

 

 

TS. Hoàng Thị Huế cùng bạn bè quốc tế

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị