Ánh xạ từ biểu tượng cái tôi trong thơ của một số nhà thơ Việt đương đại (tiểu luận) - Hoàng Thị Huế

Ánh xạ từ biểu tượng cái tôi trong thơ
của một số nhà thơ Việt đương đại



PGS.TS. Hoàng Thị Huế

                                                                              

 

Hoàng Thị Huế

(PGS.TS. giảng viên Khoa Ngữ Văn – ĐHSP Huế)

 

 

 

Nhân vật chính trong thơ hiện đại là cái tôi trữ tình, nó là trung tâm phát và truyền cảm xúc. Dẫu mượn hình hài hiện đại, trong vỏ bọc của áo gấm truyền thống của các thể thơ thoát thai từ Thơ mới, hay trong dáng vóc tân kỳ của phục trang phương Tây:  đứt, gãy, gấp khúc hay liên văn bản… thì tất cả vẫn chỉ tôn vinh một cái tôi – tồn tại như một nguyên mẫu, một biểu tượng trong thơ Việt đương đại.

 

1- Sự phát triển đa dạng phong phú nhiều phong cách trong thơ ca Việt Nam từ 1986 đến nay với những gương mặt khá nổi bật: Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Thúy Hằng.v.v…, đã khai mở nhiều hướng kiếm tìm, định giá, lý giải. Xuất hiện trên thi đàn từ sau đổi mới, thơ Việt gây ấn tượng bởi những khuôn diện mới, những giọng thơ lạ lẫm, trí tuệ với hàng loạt tác phẩm để lại dư âm tốt đẹp trong bạn đọc - Nguyễn Quang Thiều: Ngôi nhà tuổi 17 (1990), Sự mất ngủ của lửa, (1992), Những người đàn bà gánh nước sông, (1995), Những người lính của làng, (1996), Nhịp điệu châu thổ mới (1997), Bài ca những con chim đêm (1999), Cây ánh sáng (2009), Châu thổ (2010), thơ Mai Văn Phấn: Giọt nắng (1992), Gọi xanh (1995), Cầu nguyện ban mai (1997), Nghi lễ nhận tên (1999), Vách nước (2003), và đột nhiên gió thổi (thơ, 2009); Bầu trời không mái che (thơ, 2010); Thơ tuyển Mai Văn Phấn (thơ cùng tiểu luận và trả lời phỏng vấn, 2011); hoa giấu mặt (thơ, 2012)… , thơ Phan Huyền Thư: Rỗng ngực ( 2002), Nằm nghiêng (2005), thơ Vi Thùy Linh: Khát ( 1999), Linh (2000), Đồng Tử (2005), ViLi in love (2008), Phim đôi-Tình tự chậm (2011), Chu du cùng Ông nội (2011)...

 

Ngay từ khi mới xuất hiện, những vần thơ chấp chới nhiều khát vọng, nhiều trăn trở suy tư, chuyển tải trong một hình hài mới mẻ của Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh... đã đòi hỏi người đọc xu hướng giải mã trong sự soi chiếu văn hóa, văn học và liên văn bản. Tuy chưa hẳn đã có sự lùi xa về thời gian, song nếu tạm gạt đi những ồn ào buổi đầu xuất hiện, bình tâm trước những đánh giá phẩm bình… sẽ thấy còn đó một sợi giây neo mong manh từ vô thức ngàn xưa của dân tộc: những mẫu gốc, những biểu tượng… như những yếu tố gốc rễ, những kí hiệu cất giấu bản nguyên hiện thực, bởi “chúng ta đang sống trong một thế giới biểu tượng, một thế giới biểu tượng đang sống trong ta (…) một loại năng lượng đặc biệt (…) mà sức mạnh to lớn của nó bây giờ chúng ta mới dần đoán biết” (Guy Schoeller). Nghệ thuật chính là nơi chất chứa, lưu trữ những năng lượng đặc biệt ấy của nhân loại. Giải mã tác phẩm văn chương nghệ thuật, vén mở lớp màn bí mật trong chiều sâu vô thức nhà văn, lý giải những biểu tượng như những ám ảnh, những trung tâm sáng tạo nghệ thuật, là một cách tiếp cận hứa hẹn nhiều thú vị.

 

Nhân vật chính trong thơ hiện đại là cái tôi trữ tình, nó là trung tâm phát và truyền cảm xúc. Dẫu mượn hình hài hiện đại, trong vỏ bọc của áo gấm truyền thống của các thể thơ thoát thai từ Thơ mới, hay trong dáng vóc tân kỳ của phục trang phương Tây: đứt, gãy, gấp khúc hay liên văn bản… thì tất cả vẫn chỉ tôn vinh một cái tôi – tồn tại như một nguyên mẫu, một biểu tượng trong thơ Việt đương đại.

 

2 - Khó có thể dẫn ra một định nghĩa chuẩn xác về biểu tượng(*). Nói thế không có nghĩa là không có một cách hiểu nhất quán, nhưng để thấy rằng để định nghĩa biểu tượng là không dễ, bởi nó thuộc về những phạm vi trừu tượng, mơ hồ của cảm giác hơn là những tiêu chí xác thực của lý trý, là “ngôn ngữ của cái bất khả tri giác” (1) .

 

Theo “Từ điển tiếng Việt”: biểu tượng vừa là “hình ảnh tượng trưng” vừa là “hình thức của nhận thức, cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật vào giác quan ta đã chấm dứt” (2)

 

Còn theo Từ điển biểu tượng, biểu tượng (symbol), là “những gì được gọi là biểu tượng khi nó được một nhóm người  đồng ý rằng nó có nhiều hơn một ý nghĩa là đại diện cho chính bản thân nó” (C.G.Liungman)(3). Các ngành triết học, tâm lý học, văn hóa học, văn học hay ngôn ngữ đều có một cách định nghĩa khác nhau về biểu tượng.

 

C.G. Jung từ góc độ ngôn ngữ cho rằng: “biểu tượng là một danh từ, một tên gọi hay một đồ vật tuy đã quen thuộc với chúng ta hàng ngày, nhưng còn gợi thêm những ý nghĩa khác bổ sung vào ý nghĩa ước định, hiển nhiên và trực tiếp của nó” (4). Đó là cách hiểu theo nghĩa hẹp, còn hiểu theo nghĩa rộng “biểu tượng là một thứ xác định toàn bộ hiện thực trừu tượng, nằm ngoài tầm với của các giác quan trong hình thức một hình ảnh hay một vật thể”. (5) Biểu tượng trong văn học được nhận thức qua ngôn ngữ, diễn đạt những gì mà không có nó, mọi thực tại kinh nghiệm, thức nhận của cảm xúc về hiện hữu sẽ trở nên thiếu chân thật và không rõ ràng, “Là một hình ảnh thích hợp đúng hơn cả để chỉ ra cái bản chất ta mơ hồ nghi hoặc của tâm linh” (6). Thực tại đời sống có muôn vàn ẩn số, ám dụ, ẩn dụ, mà bằng lôgic thông thường con người không giải mã được trọn vẹn. Biểu tượng vì vậy vừa lưu giữ, giải thích, vừa sáng tạo, vừa tái sinh cái vô tận trong cái kết hợp văn hóa của nhiều bối cảnh, thời kỳ khác nhau.

 

Có sự liên hệ chặt chẽ giữa vô thức tập thể, vô thức cá nhân, với biểu tượng và huyền thoại. Vô thức tập thể là “kho trời chung” những năng lượng tinh thần của nhân loại, được khúc xạ, lưu giấu qua những sáng tạo riêng của các nghệ sĩ thông qua các biểu tượng, motif – những biểu hiện chủ yếu của các ký ức cộng đồng. Các cổ mẫu (nguyên mẫu, sơ nguyên tượng, mẫu gốc), đều là biểu tượng, nhưng chỉ các biểu tượng là kết tinh của năng lượng tinh thần vô thức của cộng đồng, thì mới là cổ mẫu. Chính vì vậy không phải mọi biểu tượng đều là cổ mẫu, dù chúng có khả năng tạo hình, gọi tên hay gợi ra những năng lượng vô thức trong quá khứ, được ngưỡng vọng và đại diện cho một giá trị tinh thần nào đó. Con người từ xưa được xác định là mang đặc trưng tư duy bằng biểu tượng – tâm thức nguyên thủy (Levy. Bruchl). Và tâm thức đó, tư duy đó được lưu đậm nhất ở tâm hồn nghệ sĩ. Đó là nơi: Đây là quán tha hồn muôn khách đến/ Đây là bình thu hợp trí muôn phương / Đây là vườn chim nhả hạt mười phương / Hoa mật ngọt chen giao cùng trái độc…(Xuân Diệu) (7)

 

Văn học hiện đại, hậu hiện đại cần được lý giải ở một chiều hướng mới, bởi càng gần với cái cấp tiến, hiện đại con người càng lo sợ đánh mất bản nguyên, càng muốn quay về với cội nguồn. Thơ ca hiện đại, hậu hiện đại ẩn chứa dày đặc các ẩn dụ, huyền thoại. Mọi hoạt động, hành vi đều có căn nguyên, được gieo vào tâm thức nghệ sĩ từ chiều sâu kí ức nhân loại, được biểu tượng hóa và đến lượt nó lại làm mới; làm sống lại văn bản mới và có liên hệ sâu xa với thế giới xung quanh. Từ các biểu tượng có thể lí giải, tiếp cận bản chất sự vật, nhờ vào tính hiện thực của biểu tượng.

 

Ranh giới đề minh định biểu tượng tương đối mờ nhòe, khó xác lập bởi sự đa nghĩa và chìm lấp của thời gian và sự đan xen nhập nhằng của nhiều quan niệm văn hóa, nhiều cách lí giải. Cái tôi trong thơ ca nói chung, thơ Việt đương đại nói riêng được xác định như một biểu tượng bởi những căn nguyên có cơ sở: Phật giáo đề cao thế giới tâm linh của con người, trong Duy Thức Luận, tâm thức con người được xem là trung tâm phát sinh hiện thực tồn tại xung quanh. Văn hóa phương Đông cũng cho rằng con người là sản phẩm của tự nhiên, tương giao, hòa điệu cùng tự nhiên, “Nhân thân tiểu thiên địa”. Khám phá con người là khám phá một vũ trụ nhỏ. Tôn giáo, Tâm lí học, Triết học, Y học, Văn học… vẫn đang tiếp tục hành hình muôn đời của nhân loại là hành trình khám phá tìm hiểu đào sâu bản thể con người ở nhiều khía cạnh khác nhau. Giải mã đời sống bí ẩn của con người với vô thức, tiềm thức, bản năng,… từ cội nguồn văn hóa dân tộc, nhân loại, những trăn trở về lẽ tồn – vong, sinh – diệt, khổ - lạc,…là đích đến của nhiều ngành trong đó có văn chương.  Đi tìm ẩn số cho câu hỏi muôn đời ấy, lí giải sự liên hệ, tương giao giữa vũ trụ với con người, các nghệ sĩ đã đưa cái tôi lên bình diện biểu tượng – là nơi gặp gỡ, hòa quyện của yếu tố vô thức cá nhân và vô thức tập thể.

 

Có nhiều quan điểm, nhiều cách định nghĩa khác nhau về cái tôi, tiếng La tinh cổ đại là persona, tiếng La tinh trung cổ là personalitas. Nghĩa gốc từ này là mặt nạ, chỉ vẻ bề ngoài của một cá nhân. Carl Gustav Jung dùng thuật ngữ personna để chỉ cái tôi được biết đến của một cá nhân. “Tuy nhiên persona bao gồm rất nhiều nghĩa, cả đặc điểm bên trong và những phẩm chất cá nhân cũng như diện mạo bên ngoài của người ấy. Vì thế, Boethius đã đưa ra một định nghĩa kinh điển: “Con người là một thực thể riêng lẻ có một bản chất dựa trên lý trí” (Muller 1888). (8)

 

Freud đề cập đến cái tôi ở các xung đột bản năng, bản ngã và siêu ngã, cái tôi hình thành và bị tác động bởi xung động giữa các cấu trúc này, hành vi của cái tôi sẽ được quyết định bởi sự thắng thế của năng lượng các cấu trúc. Nếu bản năng thắng thế con người dễ bốc đồng vô lý, siêu ngã thắng thế sẽ đề cao khuôn mẫu đạo lý, bản ngã ngự trị sẽ dẫn đến những hành vi duy thực…vv . (9)

 

Trong khi đó Jung lại quan niệm chủ động hơn, bởi ông cho rằng cái tôi là trung tâm của ý thức, một mặt hướng về phát triển theo chiều hướng tích cực để hình thành ứng xử với xã hội - tạo nên kiểu người hướng ngoại, hoặc người hướng nội - rút vào vỏ bọc cá nhân. Mỗi người có vô thức cá nhân - cái tôi bản ngã, và vô thức tập thể, tự ngã - kho chứa vết tích kí ức được thừa hưởng từ quá khứ tổ tiên. Các bản chất bẩm sinh là các nguyên mẫu: anima (nữ trong nam), animus (nam trong nữ), anh hùng, Thiên chúa, cái bóng và cá tính, phản ứng lại những sự kiện cụ thể với nhiều cảm xúc được thừa kế bên trong vô thức tập thể. (10)

 

Tiếng nói bên trong con người là tiếng nói vô thức tập thể, con người sống là quá trình cá nhân hó a, tức quá trình toàn thành tự ngã. Cái tôi như là một cổ mẫu.“Cái tôi xét như một phạm trù văn hóa không hình thành ngay từ khi có xã hội loài người theo kiểu một lúc và nhất thành bất biến mà có một diễn trình”. (11). Xét về mặt xã hội và mặt đời sống, cái tôi vừa là chủ thể vừa là đối tượng. Chính vì vậy khi nghiên cứu tiếp cận đời sống và văn học không thể bỏ qua vấn đề con người - Cái tôi như một hằng số văn hóa, một cổ mẫu với những giá trị tự thân, như “một hiện tượng độc đáo không tiền khoáng hậu và dường như từ chối mọi sự phân loại”. Đó là thiên tài, là phong cách, là phận người cô đơn, xã hội càng văn minh, con người càng cô đơn, biệt lập, vênh lệch với thực tại. Đến nền văn minh hậu công nghiệp, cá nhân mới không phải sống theo mẫu mà mỗi người là một mẫu cho chính mình.(12). Xã hội Việt Nam đang trên đà công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng trong mô hình thế giới phẳng, nhờ các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông, nên có sự dao động giữa hiện đại và hậu hiện đại. Con người trong thực tại xã hội cũng là những cá nhân cô đơn, đánh mất mình nhưng cũng đồng thời tự khẳng định, lấy cái toàn thành tự ngã của chính mình làm hệ quy chiếu cho mình.  Đó là đặc trưng cái tôi trong thơ Việt Nam sau 1986.

 

3 - Sau đổi mới, thơ ca đương đại đã có bước ngoặt lớn trong tư duy sáng tác, trong cái nhìn thế giới, con người, không gian, thời gian, chi phối sự lựa chọn phương thức trữ tình mới mẻ với một giọng điệu riêng và khác lạ, đặc biệt là sự góp mặt của các gương mặt thơ Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh... Trong xu hướng đổi mới chung, các nhà thơ đã tìm tòi cho mình một hướng đi riêng, mang đậm dấu ấn cá nhân của một cái tôi đa chiều kích, đầy kiêu hãnh và độc lập. Như một sự lựa chọn tất yếu của con người hiện đại, không dựa vào bất kỳ chuẩn mực nào, thơ đương đại “Tự dắt mình men theo mùa hạ/ Tìm một lối đi thu” (Men theo mùa hạ - Phan Huyền Thư ), vươn tới những chân trời cao rộng của sáng tạo, bứt phá khỏi mọi chuẩn mực giá trị cũ để thấy ngoài trời còn có trời:“Qua mọi ngả đường.../ Ruổi mãi ruổi mãi theo những câu kinh/ Tới vùng sa mạc ánh nhũ mặt trời xanh”(Song mã-Vi Thùy Linh), hay “Con đường/ con đường/ con đường/ Dắt ta về hồ nước cũ... Ra đi từ hồ nước cũ/Con đường/con đường/con đường’’ ( Lễ Tạ - Nguyễn Quang Thiều). “Dắt ta về” và “ Ra đi” từ những gì được xem là thân thuộc, đứng vững trên nền truyền thống để vươn mình xa tới hiện đại, hậu hiện đại là một xác tín để truy nguyên những cội nguồn vô thức nhân loại, dân tộc trong thơ ca Việt thời kỳ đổi mới.

 

Cuộc sống càng hiện đại, càng toàn cầu hóa mạnh mẽ, con người càng có nguy cơ đánh mất mình. Vì vậy vấn đề bản ngã cá nhân- một yếu tố quan trọng trong ba yếu tố bản năng, bản ngã, siêu ngã, hơn bao giờ hết được coi trọng và gìn giữ, cái tôi trong thơ đương đại mang cảm quan của con người hiện đại, nỗ lực tìm kiếm, gìn giữ bản ngã trong một thế giới đầy bất an, phi lí. “Cha mẹ định quàng dây cương vào tôi / Hãy để con tự đi!/ Độc mã" (Tôi - Vi Thùy Linh). Hành trình tìm kiếm phá bản thể cá nhân của nhà thơ phản ánh sự đa chiều, phức diện trong đời sống con người hiện đại nên “lời thơ không thuần túy là lời cá nhân.... Ở đây, uy tín của tác giả, nhà thơ là uy tín của dàn đồng ca. Bởi vì tôi nghe thấy bản thân mình trong người khác, với người khác và cho người khác”( Bakhtine ).(13)  

 

Như vậy, người nghệ sĩ với sự nhạy cảm đặc biệt, cộng thông với tâm thức nhân loại, với cái nhìn và tiếng nói của ngàn xưa đã truyền được kinh nghiệm về thế giới nội tại thông qua nghệ thuật và tiếng nói cá nhân. Cái tôi trong thơ đương đại vì vậy tồn tại như một cổ mẫu mang đậm dấu ấn cá nhân và tâm thức dân tộc. Ngôn từ thơ thôi không còn là công cụ, phương tiện, hay chất liệu, không thể hiện bản chất sự vật mà tồn tại lấp lửng, lưỡng nan, hiện thực và tưởng tượng, chuẩn và lệch chuẩn, khoái cảm và khổ đau sáng tạo, tôi và phi tôi… Trong hành trình nhọc nhằn của viết, khoái lạc của văn bản và sáng tạo “dẫn đưa nghệ sĩ đi vào bề sâu cho tới khi nó tìm thấy trong vô thức mình các nguyên tượng có khả năng bù đắp lại cao nhất sự tổn thất và què quặt của tinh thần hiện đại” (14): “Những câu thơ tôi đỏ hỏn cỗi già” ( Đêm gần sáng- Nguyễn Quang Thiều), “Những cái lưỡi để phát nổ những đơn âm đã bắt đầu rướn chạy” ( Độc thoại - Nguyễn Quang Thiều) “Viết /Viết đi, chữ không còn là chữ /Viết chỉ như ý nghĩ /Lách qua khe cửa hẹp trong đầu /Vội vã ùa về với biển sâu /Âm u lòng mẹ /Khao khát được ngủ yên như thế /Không phải ra đời /Viết. (Viết - Phan Huyền Thư). Nhà triết học Descartes đã nâng “cái tôi” thành trung tâm của triết học. Tôi chỉ có thể tìm ra thế giới “tự thân” khi tôi thấu hiểu được nó thể hiện trong suy nghĩ của “tôi” như thế nào. “Bởi vì tất cả những gì tôi biết về thế giới không phải do tôi biết được qua cách nhìn khách quan nào đó như con chim đang từ trên cao nhìn xuống mà duy nhất thông qua ý nghĩ trong đầu tôi” (15). Do quan niệm chỉ lý trí là có uy quyền  (16),  nên ông bỏ qua tính lưỡng trị của  ngôn ngữ. Người nghệ sĩ sử dụng, sáng tạo ngôn từ nhưng lại là người hoài nghi ngôn ngữ bởi tính huyễn hoặc trong câu cú, văn phạm, từ ngữ của nó. Không phải cái gì cũng hợp lí và cũng giải thích được, và không hẳn sự trợ giúp của tư duy đã giúp tôi biết tôi là ai và lí do sự tồn tại của tôi. Nên sự viết – sáng tạo, đôi khi như “Con trâu già ức chế luống cuối cùng / Đường trách nhiệm lên mặt đường nhăn nhở ”( Phan Huyền Thư), hoặc “ Đó là những từ vựng mệt mỏi và đổ đốn.../Gã chống lại một văn bản khác văn bản gã viết.../Đó là những từ vựng quá tồi tệ và hèn nhát’’ (Những chữ buổi trưa ngày 29/08- Nguyễn Quang Thiều)“ một cái chết đang chờ, hoặc ảo ảnh hoặc tôi” (Nguyễn Quang Thiều). Do chính sự phi lôgic, bất hợp lí của bản thân ngôn ngữ. Tôi để biết tôi là ai phải về với biển sâu – lòng mẹ - ngủ yên-  là chốn tận cùng thế giới, những ẩn dụ cho cõi vô thức trong mỗi con người. “Em gặp mình. Qua hợp âm giấc mơ. Màu xanh mơ ước. Sao trời phiêu linh. Vòm đêm vỡ sáng. Vầng trăng mê mải tròn đầy...”( Giấc mơ đi qua - Vi Thùy Linh). Khi bước vào cõi thẳm sâu đó, cái tôi xã hội tìm thấy mình – một cái tôi khác, vừa báo hiệu sự hiện hữu, vừa chia sẻ những kinh nghiệm, vừa giúp hiện hình một phần những trải nghiệm ở tầng sâu đời sống tâm linh.  Cái tôi sáng tạo nhà thơ cảm nhận thế giới bằng “cái tai rộng lớn của cô đơn”, những âm vang từ cuộc đời khúc xạ qua lăng kính trải nghiệm của nhà thơ “làm rung những vòm cây và những ngọn đồi” (Nhà thơ - Nguyễn Quang Thiều).Thu mình trên ghế /Vẽ bầu trời /Không có chỗ cho mây’’ (Tôi - Mai Văn Phấn). Biểu tượng lửa thường thấy nhất trong thơ Linh là lửa tình, là men say của hạnh phúc. Linh đã viết một cách say mê và mãnh liệt về tình yêu trần thế thế này: “Trong vũ điệu nắng / Trong tiết tấu mưa / Từ nơi khởi nguyên / Lửa mọc mầm theo đường cong thân thể / Dọc hai ngàn dặm / Vũ trụ nhập men theo sự cuồng nhiệt của hai con người được sinh ra cho nhau” (Lửa trắng); “Anh - nguồn em /  Hãy đến đi / Cho đêm ngày cháy bùng bão lửa” (Gọi nguồn)


Trong cái tôi- nhà thơ tồn tại với tư cách một cá tính sáng tạo, chúng ta vừa thấy nét riêng của người nghệ sĩ nhưng đồng thời bắt gặp ở đó không phải tiếng nói cá nhân tác giả mà tiếng nói của các ý thức hệ, như Roland Barthes tuyên bố trong “Cái chết của tác giả” (The Death of the author): Viết là sự hủy diệt mọi giọng nói , mọi cội nguồn. Viết là cái trung tính, phức hợp, xô lệch, trong đó cái chủ thể của chúng ta bị trượt đè”(*).

 

Ám ảnh viết – chết dẫu không hoàn toàn có chủ ý nhưng đó như là những ám ảnh của ý thức ở bề sâu, những dự định khởi thủy, để hành trình khám phá bản thể người của thi nhân bắt đầu bằng nhu cầu sáng tạo. Viết – cháy sáng và tự đốt mình như ngọn nến, tìm vào những miền khuất trong cõi tinh thần, những thăng hoa và bẽ bàng trong cõi yêu, những hoang vu heo hút, cô đơn của cái tôi dự cảm, những phi lý, huyễn hoặc của cõi người... để thức nhận về điều không thể thức nhận: “Với những câu thơ tôi viết dở nhọc nhằn.../Những câu thơ đỏ hỏn cỗi già.../Nếu không thấy tôi trở về mặt đất/ Hãy đến đường chân trời run rẩy nhịp thời gian”( Đêm gần sáng- Nguyễn Quang Thiều). Ám ảnh chết là một triết lý của sống dấn thân, hành trình đời người rồi cũng là hành trình chết, như hai mặt bản năng sống và bản năng chết, những cổ mẫu ngàn đời trong tâm thức của nhân loại: “Tôi đã chết một cái chết khoảnh khắc.../Tôi thấy xác tôi như sương vương trên cỏ dại.../Trong tiếng nguyện cầu của ngôn ngữ thứ nhất ngân lên trên nền mùa thu sạch sẽ” (Với chiếc xe một bánh - Nguyễn Quang Thiều), “Tôi muốn tự mình/lồng ảnh vào khung /“đóng vào không/Tìm nơi treo trang trọng”/Như đã qua đời”(Cáo phó - Phan Huyền Thư)

 

Tuy nhiên, chết với thi nhân, không phải là một sự chấm dứt. Đó là sự tiên cảm, cộng thông thấu thị về lẽ tồn vong của con người giữa trời và đất, giữa bóng tối và ánh sáng: Gió mùa về/ Làm khăn trắng quấn nơi gốc sú/Trên đỉnh trời linh cữu nhấp nhô” (Giấc mơ vô tận - Mai Văn Phấn). Người nghệ sĩ trong khát vọng tìm những đáp án cho các ẩn số về cuộc đời và con người đã liên tục đặt ra muôn vàn ẩn số khác. Đó là “Một phép nghịch đảo”: Thế giới còn lại của loài người là mặt chiếc ghế vuông/ Con thú rên rỉ bám vào bến bờ ước lệ sự sống” (Nguyễn Quang Thiều). Mọi trật tự bị đảo ngược, tưởng là cái thường hằng nhưng hóa ra chỉ là trò chơi của con tạo: “chiếc quan tài dâng lên mãi, dâng lên...đám mây ngũ sắc/ Con đường người chảy thấu qua ngôn ngữ chúng tôi/ Hồi sức những âm tiết đơn, sinh sôi đa bào/Mang ý nghĩa mới tiếng gọi, tái sinh mãi tiếng vọng/ Ngôn ngữ máu minh chứng chúng tôi/ Ngôn ngữ ánh sáng minh chứng con cháu chúng tôi”( Nhịp điệu châu thổ mới- Nguyễn Quang Thiều). Ở “Biến tấu con quạ”, Mai Văn Phấn để: “Con cá nhảy vào đám mây tự vẫn/Buông ngang trời ngàn vạn lưỡi câu”. Thơ ca đương đại đã khai triển nhiều hướng mới về cách hiểu, đằng sau con chữ không chỉ là các vỉa tầng nghĩa mà còn là biểu tượng, ngôn từ trong cái biểu đạt luôn hướng đến vô vàn cái được biểu đạt, phụ thuộc vào sự tự do liên tưởng và những tương đồng trong nhu cầu tinh thần của con người.

 

Immanuel Kant đã đặt ra những câu hỏi lớn của nhân loại: tôi có thể biết gì? Tôi nên làm gì? Tôi có thể hy vọng gì? Con người là gì?”, xoay quanh vấn đề trung tâm: con người có thể biết gì về chính mình?  những câu hỏi về hạnh phúc, tự do, tình yêu... là vấn đề kinh điển của lý thuyết nhận thức, cũng như câu hỏi về Chúa và ý nghĩa của cuộc sống. Freeclrich Nietzsche cũng đã từng hi vọng (tuy là không đạt được cho chính mình), trở thành “thi sĩ của đời mình”, và có được “khả năng nhìn hiện trạng của mình với con người nghệ sĩ, ngay cả trong đau khổ và những ngang trái khác mà ta phải đón nhận” (17).  Với thi nhân, tôi tìm tôi trong sự viết - sáng tạo, là một cách thế để khám phá đào sâu bản thể: Độc mã/Vượt trước gió/Cuốn ánh sáng rào rạt/Đêm không ngủ”(Độc mã - Vi Thùy Linh). Càng ý thức về cuộc sống, về tiềm năng sâu sắc của bản thân, biên độ của tự do cá nhân và sự vênh lệch với thực tại càng lớn. Cái tôi – hình ảnh thi nhân trong mọi người, bản thân có thể hay không thể tương ứng với thực tại như người khác nhìn thấy nó, vì vậy trong hành trình phấn đấu không ngừng để nâng cao hữu thể tất yếu bắt gặp sự xung đột giữa hình ảnh bản thân mình và bản tính thật sự của mình: “Lúc gần đất xa trời, anh nhờ tôi giữ hộ ký ức.”(Anh tôi- Mai Văn Phấn), “Áp má lên vách đá/ Tiếng cựa mình tuyệt vọng của tôi..../... Sáng mai thức dậy/ Con bọ - gậy - đổ - vỡ của tôi đã thành/ muỗi/ bay đi. (Khắc thạch - Phan Huyền Thư). Hay thảng thốt nhận ra: Tỉnh dậy thôi/ Trở về mình (Lãng mạn giải lao - Phan Huyền Thư). Tôi còn tìm tôi trong tình yêu, bởi  trong hành vi yêu thương, hiến dâng, cho, nhận …con người tìm thấy mình. Freud trong “ Ba tiểu luận về lý thuyết tính dục” (1905) đã cho rằng “tình yêu tự căn bản là một hiện tượng tính dục”(18). Tình yêu được giải thích như là khả năng bị cuốn hút đến những phần/ những mặt của giới tính đối lập - tức là người phóng chiếu những đặc điểm tự ngã nội tại của riêng chúng ta. Chính vì vậy, hành vi yêu thương, trông nhớ, chờ đợi, tôn sùng người yêu là những những tái sinh của Anima, Animus ( Hình ảnh – linh hồn)-  những cổ mẫu quan trọng của nhân loại – tức là phần trái giới tính, nửa kia trong mỗi con người, phần nam trong nữ và nữ trong nam của mỗi cá nhân. Con người sống thật với chính mình, tiết lộ mình thường chỉ trong cảm giác phóng chiếu lên ai đó đặc điểm tự ngã của bản thân (19). Chính vì vậy, trong tình yêu, với sự hâm mộ sùng bái người yêu, thi nhân khẳng định giá trị tuyệt đối của người mình yêu và qua đó của cả chính bản thân mình “ trong tình yêu, hữu tính được hiểu và được thực hiện chân chính, bản thể nhận được sự nhập thân đến cùng, đến đích, vào trong đời sống cá thể của con người’’ (20) Tình yêu có khả năng làm giàu vô tận giá trị của từng cá thể con người, thõa mãn được cho con người khao khát bất tử. Có thể thấy rõ điều này trong thơ ca đương đại. Tuy nhiên sự vênh lệch giữa thực tại và mộng ước luôn là khởi nguyên của những khổ đau, hy vọng, thất vọng... Tiến trình khám phá những khía cạnh thẳm sâu của tự ngã con người, những khu biệt giữa cá nhân này với những thành viên khác của chủng loại, cơ bản là một tiến trình tự nhận ra một cách có ý thức tôi vẫn là tôi, một cá nhân độc lập, khác biệt, cô đơn, dẫu cố gắng hòa nhập.

 

4 - Biểu tượng cái tôi được xác định bởi những đóng góp mới mẻ của nhà văn vào kho tàng kinh nghiệm nghệ thuật. Bởi người nghệ sĩ chân chính phải có tiếng nói của mình – điều mà không thể tìm thấy ở bất kỳ ai khác, sẽ là đặc điểm phân biệt chủ yếu của một tài năng độc đáo. Cái tôi được xem xét như một biểu tượng bởi tính đặc thù xét trong thực chất nội tại, nó còn được xác định bởi tính đặc thù được thể hiện trong việc tạo ra những giá trị nghệ thuật có ý nghĩa chung, làm phong phú thêm cho thế giới tinh thần của con người và nền văn học nghệ thuật nhân loại. Thơ ca nói chung, thơ Việt đương đại nói riêng dao động giữa hai hấp lực: vô thức cá nhân đầy ẩn ức và tiếng gọi thẳm sâu của vô thức tập thể, biểu hiện trong những giằng co giữa thực tại và mơ ước, bản ngã và siêu ngã, dục lạc và thăng hoa. Biểu tượng cái tôi trong thơ một số nhà thơ đương đại biểu trưng cho thực tại phức diện và mộng tưởng của chiều sâu vô thức con người. Cái tôi trong sự liên thông, dự cảm linh ứng với tương lai, đồng thời cũng mở rộng không gian sống từ sự ý thức về việc nới rộng biên độ tự do cho cái tôi cá nhân. “ Trong nghệ thuật, vai trò của cá nhân quyết định giá trị của  tác phẩm. Bởi bản chất của sáng tạo có tính lưỡng trị, vừa tuân theo vô thức tập thể, vừa chống lại nó, sự khẳng định bản ngã trong sự đối lập tạo thành bản lĩnh, cá tính và phong cách của nghệ sĩ” (21). Với các nghệ sĩ, tinh thần thời đại đã mang lại cho cái tôi thi nhân một ý nghĩa triết học, nhưng tài năng của nhà thơ đã đem lại một giá trị thẩm mỹ, một vẻ đẹp độc đáo trong thể thơ, cấu tứ, trong hệ thống hình ảnh mang tính chất giải thiêng, trong ngôn ngữ và giọng điệu triết lý, đầy tự tin, kiêu hãnh nhưng không giấu nổi chất giễu nhại, dí dỏm. Các thi nhân thời hiện đại với biểu tượng cái tôi đã tạo được phong cách, dấu ấn riêng khó lẫn giữa bộn bề thơ ca thời kỳ hội nhập. Chính vẻ đẹp độc đáo của giá trị thơ đương đại đã đem lại một hiệu ứng thẩm mỹ cao, làm biến dạng mọi khuôn khổ truyền thống bởi : Con người đi qua cả một rừng biểu tượng/ Chúng nhìn ta với những ánh mắt thân quen (Baudelaire).

                                                                                               

Huế, 4/2014

H.T.H

 

 

CHÚ THÍCH:


(1)
Xem thêm: Đoàn văn Chúc (1997), Văn hóa học, , NXB văn hóa thông tin, Hà nội – phần biểu tượng

(2) (Hoàng phê ( 1998), Từ điển tiếng Việt, trang 26

(3) (6) Jean Chevalier (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng,  (tr 2 XXIV)

(4) (5) C G Jung. Thăm dò tiềm thức, An Tiêm, Sài Gòn, 1970, (Dẫn theo Đỗ Lai Thúy- Hồ Xuân Hương, hoài niệm phồn thực, NXB Văn hóa dân tộc, Trang 29, 122)

(7) (Xem thêm  – Đỗ Lai Thúy ( 2010), Hồ Xuân Hương, hoài niệm phồn thực, NXB Thế giới, phần Biểu tượng tr 124)

(8) ( 9) (10) Barry D. Smith & Harold J. Vetter (2005), Các học thuyết về nhân cách, NXB Văn  hóa thông tin, Hn,  tr  9, tr 73, tr 206. Xem thêm:  Siêu ngã, bản ngã và bản năng cơ bản của Freud (1940)

Freud tuyên bố rằng id (bản năng cơ bản) ban gồm: “mọi thứ được thừa hưởng, đó là món quà ngày sinh nhật, đó là điểm cố dịnh trong kiến tạo - ở trên tất cả. vì thế, các bản năng bắt nguồn từ tổ chức tế bào thể ( somatic organization) và tìm sự biểu đạt tinh thần đầu tiên của chúng bằng id trong hình thức ta chưa biết”. Sau đó thì ông nói, rằng bản ngã “có nhiệm vụ tự bảo quản… nó thực thi nhiệm vụ đó bằng cách biết nhận thức tác nhân từ bên ngoài, bằng cách tích trữ kinh nghiệm về chúng (trong trí nhớ), bằng cách tránh tác nhân quá mức (qua đánh nhau), bằng cách thỏa hiệp với tác nhân ôn hòa (qua thừa nhận), và cuối cùng, bằng cách học tạo ra sự biến đổi thích hợp trong thế giới bên ngoài cho sự thuận lợi của riêng nó (qua hoạt động) trong quan hệ với id, nó thực thi nhiệm vụ trên bằng cách đạt được quyền kiểm soát đối với những đòi hỏi bản năng”. Cuối cùng, Freud định nghĩa siêu bản ngã như “không đơn thuần là những cá tính của cha mẹ, mà còn mang tính chủng tộc, và các truyền thống thân thiện được truyền lại… một siêu bản ngã của một cá nhân trong tiến trình phát triển của nó tiếp thu đóng góp từ những người nối nghiệp và thay thế sau đó của cha mẹ cá nhân đó”.

(11) (12) Đỗ Lai Thúy (1999), Từ cái nhìn văn hóa - NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr 36, tr 38, tr39

(13) Lê Lưu Oanh (1998), Thơ trữ tình Việt Nam 1995 – 1999, NXB ĐHQG TP. HCM 

(14) Đỗ Lai Thúy ( 2004), Phân tâm học và văn học nghệ thuật, NXB Văn hóa, HN, tr 73

(15) (17) Rirchard David Precht (2011) , Tôi là ai và nếu vậy thì bao nhiêu, NXB dân trí Hà nội, tr 68, tr 15

(16) Xem thêm: Luận về phương pháp sử dụng đúng đắn lí trí và nghiên cứu sự thật một cách khoa học-  Rene Descartes 1637

(18) – Xem thêm: Đỗ Lai Thúy (biên soạn) ( 2003), Phân tâm học và tình yêu, NXB Văn hóa Thông Tin, Hà nội

(19) Đào Ngọc Chương,(2008), Phê bình huyền thoại , NXB  ĐHQG Hà Nội, tr 190   

(20) Vladimir Soloviev ( 2005) , Siêu lý tình yêu, NXB Văn hóa thông tin, Hà nội tr 76

(21) Đỗ Lai Thúy ( 2010), Hồ Xuân Hương, hoài niệm phồn thực, NXB Thế giới, Hà nội, tr179

(*) Roland Barthes tuyên bố trong “ Cái chết của tác giả” ( The Death of the author): Viết là sự hủy diệt mọi giọng nói , mọi cội nguồn. Viết là cái trung tính, phức hợp, xô lệch, trong đó cái chủ thể của chúng ta bị trượt đè” (*) cái không gian tiêu cực nơi mọi bản sắc bị biến mất, bắt đầu là chính thực thể đang viết. Không nghi ngờ gì nữa, xưa nay vẫn thế...cuối cùng đã không còn bất cứ chức năng nào khác ngoài chính bản thân sự thực hành các ký hiệu, một khi xảy ra sự cắt đứt liên hệ này, khi giọng nói sẽ mất đi nguồn gốc của nó và khi tác giả bước vào cái chết của chính mình, sự viết bắt đầu”

( http:www//philosophia – online.de/mafo/helt 2001-02/benedikter- lacan.htm)

(* ) Xem thêm: Chapter 2: Theory of Symbols (Chương 2 : Lý thuyết về biểu tượng)

“Unlike the other essays in the Anatomy, Frye’s theory of symbols is directed toward an analysis of criticism. “Phases” are contexts within which literature has been and can be interpreted: they are primarily, though not exclusively, meant to describe critical procedures rather than literary types, which is to say that the phases represent methods of analyzing symbolic meaning. Frye’s aim is to discover the various levels of symbolic meaning and to combine them into a comprehensive theory”.

http://fryeblog.blog.lib.mcmaster.ca/critical-method/theory-of-symbols.html

(*) Xem thêm: Tzvetan Todorov( 1984), Theories of the symbol, (Translated to English by Catherine Porter), Cornell University Press, Ithaca, New York.

 

 

 

(Nguồn: jos.hueuni.edu.vn)

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị