"Người thợ giày khâu những vết thương há mõm..." (tùy bút) - Bão Vũ

"Người thợ giày khâu những vết thương há mõm..."

 

 


 

maivanphan.vn: Vũ Anh Xuân là nhà thơ “kín tiếng” ở Hải Phòng. Sau khi maivanphan.vn giới thiệu bài thơ “Số nhỏ” của ông, một số bạn thơ và độc giả đã ngỏ ý muốn biết thêm về tác giả này. Xin trân trọng giới thiệu cùng Quý Bạn đọc bài tùy bút của nhà văn Bão Vũ viết về nhà thơ Vũ Anh Xuân. MVP

 


Bão Vũ

 

Những năm xa Hải Phòng, tôi thường nhớ tới đoạn đường cuối dãy phố An Đà mà tôi đã đi lại suốt thời thiếu niên. Con đường nhỏ ra ngoại thành luôn vắng vẻ. Hai bên đường, những khu vườn tĩnh lặng rợp bóng cây. Những đoạn hàng rào bằng cây xương rồng, râm bụt, những rặng duối... Mùa hè những búi tơ hồng vàng nõn vắt trên dãy hàng rào cây ấy như có ai phơi tơ lụa. Phía trong hàng rào là những vườn hoa. Làng Đằng Giang có tên nôm là làng Phọng, có nghề trồng hoa từ lâu đời, và làm thợ nề có tiếng. Dân làng còn có nghề đan vó, lưới đánh cá. Vó Phọng bày bán ở chợ Sắt, lừng danh khắp vùng duyên hải. Tiếng xa quay se sợi gai mỗi buổi sớm, xè xè êm như tiếng vẫy những cặp cánh mỏng của loài côn trùng. Mùa hè, ve sầu kêu ran trong những vòm cây thanh trà, loại cây đặc sản của làng Phọng, quả có vị chua ngọt giống một thứ xoài nhỏ tinh tế. Những trưa nắng, sâu tít trong xóm vẳng tiếng gà khắc khoải, mệt mỏi. Tất cả khung cảnh ấy gợi đến thơ Nguyễn Bính, và truyện ngắn Thạch Lam một thời... đã khiến người có tâm hồn đa cảm trở thành nhà thơ.

 

Tôi đã qua thuở niên thiếu ở cái làng êm ả đó. Thời ấy có anh thợ cắt tóc người nhỏ nhắn gày gò dựng cái quán nhỏ lợp tranh bên con đường làng. Đó là Vũ Anh Xuân, bạn thời tiểu học của tôi.

 

Cái quán cắt tóc của Vũ Anh Xuân cũng giống mọi nơi hành nghề của mấy bác thợ cạo làng quê xưa. Mái quán khi lợp cỏ, khi rơm rạ, khá hơn là giấy dầu. Vách trét bùn đất, có khi được tấm liếp đan. Cái ghế chuyên dụng bằng gỗ bóng màu thời gian, có thanh tựa đầu rút lên xuống hãm cữ bằng mẩu chốt tre. Các đồ nghề gia truyền, những thứ hoen rỉ sứt mẻ, có tuổi thọ đáng nể. Dụng cụ tối tân nhất để xác định tư cách của một quán cắt tóc là cái tông-đơ.

 

Vũ Anh Xuân đọc khá nhiều sách văn học từ thuở nhỏ. Anh đã bơi ngợp trong những tác phẩm của các thời đại có trong tủ sách của nhà và bạn bè. Anh say mê các nhà thơ cổ điển Nga, Pháp. Sau này anh cũng tìm đến thơ Anna Akhmatova, Joseph Brodsky và tìm đọc thơ hiện đại. Vũ Anh Xuân làm thơ từ bao giờ, không ai biết. Làng Đằng Giang chỉ gồm vài xóm nhỏ, dân cư thưa thớt nhưng có tới 5, 6 người viết văn làm thơ có tiếng sau này. Trước khi thành danh, dù là họ hàng thân thích, bạn bè mà không ai biết ai có hoài bão văn chương từ thời ấy. Phạm Xuân Trường ở xóm Trung, bỗng dưng tung ra bài thơ Làm vua khiến nhiều danh thủ trong làng thơ ngạc nhiên. Xóm Nam có Hào Vũ chơi bời thân tình với Vũ Anh Xuân, đi bộ đội, làm báo Quân giải phóng miền Nam, víet tiểu thuyết. Hai người vừa nói trên đã là hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Không ai biết họ viết văn từ bao giờ. Dường như những người này đã cố giấu đi cái khát vọng thường được coi là viển vông hão huyền, để khỏi bị dân làng chê cười. Có lẽ cũng vì thế mà số đông đã thành danh còn bền bỉ mãi về sau, bởi vì người thực sự sống chết với văn chương không huênh hoang ầm ỹ. Tôi và Vũ Anh Xuân là bạn bè, biết nhau cùng ôm mộng văn chương. Nhưng tôi đi học, đi làm ở tỉnh xa, thỉnh thoảng mới về làng.

 

Ngôi quán của Vũ Anh Xuân rộng gần bằng chiếc chiếu đôi, kê được cái ghế chuyên dụng cho khách cắt tóc có thanh tựa đầu rút lên rút xuống, một ghế dài áp vách để khách chờ và các bạn văn chương ngồi đàm luận. Thợ cắt tóc thường vui tính, hay chuyện. Nhưng Vũ Anh Xuân không mấy khi tán gẫu. Anh im lặng vừa cạo mặt cho khách vừa nghĩ thơ. Chẳng biết có lần nào vì thi hứng mà làm đứt má sứt tai người ta không. Nhiều văn nghệ sĩ Hải Phòng thường định kỳ đến cạo mặt sửa gáy miễn phí ở cái quán lợp cỏ ấy. Ngồi phịch vào cái ghế chuyên dụng, phấn chấn: “Sửa hộ cái mái, tớ cho nghe bài thơ mới làm đêm qua...” Thời ấy chủ quán như được trả công gấp đôi, vừa được giúp bạn sửa sang râu tóc, vừa được bạn đãi “thơ nóng”. Đào Cảng đã mất từ 1993, từng là khách quen của quán cắt tóc ấy. Vân Long, Trần Quốc Minh, Thi Hoàng, Nguyễn Hồng Văn, Thanh Tùng, Trịnh Hoài Giang,... và Tùng Linh, Phạm Ngà, Nguyễn Hồng Quang, Ngô Cẩn, Nguyễn Phước Giang,... và cả Bế Kiến Quốc từ xa cũng đã đến cái lều cỏ ấy.  Cái thời trai trẻ đói khổ thiếu thốn đủ thứ nhưng luôn tràn đầy tình yêu thi ca, họ đã ngồi trên cái ghế dài lung lay, tựa lưng vào bức vách mỏng manh ấy để thao thao bất tuyệt về văn chương thơ phú, về những dự định cho “tác phẩm kinh thiên động địa”... Vừa cắt tóc vừa nghĩ thơ. Vừa ngồi đan vó vừa làm thơ... Vũ Anh Xuân mê đắm thơ, chân thực với bạn bè. “Thời ấy yêu quý nhau lắm. Không mấy người đố kị, ganh ghét nhau vì văn thơ. Làm được bài thơ mới là tìm đọc cho nhau nghe. Được in một bài trên báo là khao nhau. Nước chè, kẹo lạc, rượu quê...” Vũ Anh Xuân nói, như luyến tiếc những người bạn với những tác phẩm của một thời. Bây giờ, có người đã khuất, người đổi khác không còn đằm thắm. Anh vẫn giữ gìn cẩn thận những cuốn tạp chí Cửa biển có thơ của mình và bạn bè. Những bài thơ in trên giấy rơm vàng sỉn như những cuốn sách cổ, quý hiếm. Một bài thơ Vũ Anh Xuân viết từ thời ấy, sau một đêm nằm bên người bạn từ chiến trường về, nghe chuyện chiến tranh, có những câu:

 

Nằm bên Minh thấy vị ngọt nước dừa

Thấy lá rừng khua xao động

Thấy vách núi trùng trùng cao dựng

Thấy  biển xa vỗ sóng  ầm vang...

(Đêm nằm với bạn)

 

Tôi nhớ đến bài thơ cổ điển về một thủy thủ can trường đã đem về cho người yêu những cơn giông bão và những trận chiến khốc liệt trên biển giấu trong chiếc áo choàng rách.

 

Vũ Anh Xuân có một tập thơ đã in. Khoảnh khắc trong mưa, gồm nhiều bài thơ khá tinh tế, sâu sắc, giàu cảm xúc mang phong vị của một ngôi làng cổ ngoại ô với những vườn trồng hoa, có nghề gai vó và những cây thanh trà. Anh cũng viết truyện ngắn, không nhiều, nhưng là những câu chuyện đầy ắp nhân tình.

 

Một truyện ngắn của Vũ Anh Xuân: Có một người sống như mộng du trong cuộc sống thực, đi viếng đám tang một người quen, nhưng lại đến nhầm đám tang khác của một người nghèo rất thưa thớt khách viếng. Anh ta biết mình nhầm nhưng vẫn đặt lên bàn thờ chút lễ đạm, thành tâm rưng rưng chia sẻ nỗi đau thương với thân nhân của người quá cố không quen biết... - Một phần nhân loại là ta. Một con người chết đi là nhân loại đã chết đi một phần. Cái triết lý nhân văn của Ernest Hemingway....    

 

Vũ Anh Xuân lận đận trong đời sống, luôn chật vật vì cơm áo. Đan vó. Cắt tóc. Rồi sang nghề đóng sửa giày dép. Có lúc Xuân thở dài bảo tôi: “Mình bỏ cuộc thôi. Đành gác bút vậy. Phải lo cho các cháu.” Tôi ái ngại. Tình yêu văn chương bền bỉ suốt từ thuở thiếu niên đến giờ. Hơn nửa thế kỷ, phần tốt đẹp nhất của một đời người. Vậy mà đành bỏ sao? Bỏ, để rồi phải “buồn như ta với hồn ta giã từ”?

 

Có một nhà văn trẻ đến với tôi say mê nói về văn chương, đưa tôi xem mấy truyện ngắn nhỏ của mình in trên một tờ báo ngành ở địa phương. Rồi ít lâu sau anh ta bỏ viết, làm thương nghiệp, và nghe nói đời sống có vẻ khá hơn. Còn Vũ Anh Xuân, anh đắm đuối trong cõi thơ mà quên mất đời sống thực, quên lời răn ghê gớm như một lời nguyền độc địa nói về chuyện cơm áo đối với nhà thơ. Dù vậy với Vũ Anh Xuân, tôi biết, cũng như số đông những khách thơ của túp lều cỏ ngày xưa, tình yêu thơ văn không dễ bỏ. Chán chường đến đâu, nói phũ nói phẫn đến thế nào, rồi đêm đêm vẫn lại chong đèn viết. Lúc nào cũng ngơ ngơ ngẩn ngẩn như đang ủ một thứ tâm bệnh. Khi đến chỗ đông người, Xuân ngồi một nơi khuất không lọt vào mắt ai. Nhưng khi nói chuyện văn thơ với người tri âm, Xuân hào hứng, mắt vẫn bừng ánh nhiệt thành hồn nhiên như thời đứng cắt tóc trong cái quán lợp cỏ. Vũ Anh Xuân đã viết những dòng tự bạch trong tập kỷ yếu nhà văn Hải Phòng:

 

... Mối duyên nợ với Thơ như là Định mệnh. Thơ cùng tôi chịu đựng cuộc sống nghèo khổ vật chất, nhưng Thơ cho tôi giàu sang về trí tuệ và ngôn từ như những bậc hiền nhân.

 

Vũ Anh Xuân thường nhắc đến một danh ngôn đã khiến anh kiêu hãnh vì thi ca và không thể từ bỏ thi ca, rằng: Nấm mồ của nhà thơ phủ kín hoa tươi và nước mắt tiếc thương. Quan tài của bạo chúa ngập trong máu và những lời nguyền rủa.

 

Vũ Anh Xuân thuộc lớp những nhà thơ thời chiến tranh chống Mỹ, nhưng anh không hề lạ lẫm với trào lưu thơ hiện đại. Anh nói với tôi về thơ Mai Văn Phấn: “Thơ Phấn trong sáng thánh thiện đến ngạc nhiên. Thơ như thế không mấy người viết được. Mai Văn Phấn là một số nhỏ nhưng một mình một đường bay và sẽ vượt xa số đông.”Anh cũng tiên đoán, thơ Mai Văn Phấn sẽ được nước ngoài biết đến. Năm 2010, sau khi đọc bài tham luận của Mai Văn Phấn trình bày tại Festival Thi ca và Văn học Hàn Quốc - Asean “Korea - Asean Poets Literature Festival", Vũ Anh Xuân đã hào hứng viết tặng Phấn bài thơ “Số nhỏ”, gửi cho tôi xem trước. Anh sửa chữa rất cẩn thận nhiều lần để rồi 4 năm sau mới công bố.                            

 

Làng Đằng Giang đến giờ vẫn còn nhiều người sống vất vả. Hàng ngày Vũ Anh Xuân ngồi vá giày cho dân quanh làng. Những đôi giày há mõm của đám trai gái làng bây giờ - lũ trẻ lít nhít ngày xưa khi Xuân còn là anh thợ cạo trẻ tuổi mơ mộng văn chương trong túp lều cỏ. Thỉnh thoảng anh ngửng mái tóc hoa râm rối bù nhìn ra con đường trước mặt. Con đường quê bây giờ là đường phố của phường quận, bụi, ồn, không còn tĩnh mịch với tiếng gà trưa trong truyện ngắn Thạch Lam nữa. Những mặt người, những cảnh đời diễu qua... Thỉnh thoảng có bàn tay gầy guộc chìa vào cửa hàng, run rẩy trên những đôi giày rách mõm há hoác lăn lóc nền nhà. Bàn tay đen đủi khô héo của người ăn xin chới với như một cánh chim ốm. 

Gió hát điều gì buồn vui trên mặt sóng

Nỗi đau nào xé cánh buồm tơi tả

Vui chỉ một lần sau những tai họa

Tiếng cười nửa chừng giữa đôi mái chèo buông.

Tỉnh mê những bước chập choạng bên đường

Một ngày mới nữa quăng trong bụi lốc

Khát thèm một lặng lẽ êm suốt trong như lọc

Câu hỏi còn cho ngày sắp tới sắp qua.

(Đêm màu nhiệm – Thơ Vũ Anh Xuân)

 

Cuộc sống phô bày những nhàu nhĩ, nhăn nhúm bụi bặm trước mắt anh thợ giày hàng ngày. Những hối hả, mưu tính. Những cãi cọ rủa sả độc địa về đồng tiền lẻ, mớ rau con cá. Những kẻ cướp bị đuổi đánh thậm tệ trên con đường ngày xưa từng êm ả. Anh tự hỏi như một người lẩn thẩn: Trong đám người khốn khổ ấy có ai sẽ thành tội phạm, và rồi trong số những kẻ tội phạm ấy có kẻ nào bị tử hình?

Mảnh vải đen ngang mắt, đen như ký ức xót xa

Nghe rõ tiếng người rì rầm trong tiếng gió

Cỏ xanh chân đồi xanh cho kẻ bên kia.

Hắn đứng dang tay chịu đạn, tội đồ

Hành trang đem xuống mồ là cánh chim đã gãy

Bỏ lại một trời gió mạnh

Bay theo mùi hương đồng nội cỏ hoa.

Sớm đầu thai kiếp khác hay vẫn kiếp người khổ nạn

Chiều giông gió không còn giông gió...

(Cơn giông trước giờ hành quyết – Thơ Vũ Anh Xuân)

 

Vũ Anh Xuân đã tự tìm ra cách thoát bỏ những vần thơ ồn ào sảng khoái một thời để đến với những sâu xa thâm trầm, những nỗi đau nhân thế. Có thể anh chưa theo kịp được những kỹ thuật tân kỳ của thơ hiện đại, hậu hiện đại, biểu hiện hay tân hình thức gì đó, nhưng cái chính là Vũ Anh Xuân đã không từ bỏ Thơ. Có những người bạn văn ngày xưa vẫn đến với anh, sửa cái tóc, nhờ vài mũi khâu cho chiếc giày bong đế. Và vẫn để nói về thơ. 

 

Cánh chim cố níu lại bầu trời mùa thu sắc thanh tao, khi mùa đông không ngừng ngự trị bốn bề. Rét chia đều thế gian bớt tê cóng tím ruột gan, chia hy vọng một ngày xuân ấm. Không gian trong suốt âm vang như bài ca huyễn hoặc tìm đến tự chân trời xưa cũ

 

Hãy nhớ ngọn lửa trên đồng giữa mưa lạnh khi chim rã cánh không theo được cùng gió. Có thể mây trắng thương chở màu tang đi xa mãi. Chim vẫn là sứ giả của trời mang tiếng hát trong tiếng gió. Có nơi nào sông nước bãi bờ thơm mật dừng chân vội vã đôi chân thấm phù sa khoảng trời dành cho kiếp chim...                  

(Những cánh chim phiêu bạt – thơ Vũ Anh Xuân)       

 

Ngày ngày Vũ Anh Xuân ngồi chắp nối những câu thơ. Ngày ngày Vũ Anh Xuân ngồi chữa lành những chiếc giày rách. Đôi vai xương xẩu nhô cao, mái tóc thi sĩ rậm xoăn ngày xưa đã trụi phần đỉnh đầu, mớ hoa râm còn lại bơ phờ khô xác. Những ngón tay gầy của anh cầm miếng dạ mỏng xoa nhẹ lên mặt da cũ sờn như sợ làm đau thêm chiếc giày thương tật. Chỉ một nhà thơ nhân ái mới có lối đánh si giày như thế. Tôi nhớ tới một câu thơ ở đâu đó:

 

Người thợ giày khâu những vết thương há mõm... 

 

B.V            

                                                                                                   

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị