... một hướng vận động của văn học Việt Nam đương đại (tiểu luận) - Khải Thiên

Trở về truyền thống – một hướng vận động
của văn học Việt Nam đương đại





Tranh sơn dầu của Nguyễn Quang Thiều

  

 

Khải Thiên

 

 


Cách tân và sáng tạo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng. Tuy nhiên, cùng với cách tân và sáng tạo thì trọng trách kế thừa, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống luôn đặt ra đối với nền văn nghệ mới. Bởi lẽ, văn hóa không chấp nhận những đứt gãy tuyệt đối giữa các mô thức, các hệ hình trong tiến trình vận động. Trở về truyền thống đang là một dòng mĩ cảm, một xu hướng khả dụng của văn học Việt Nam đương đại, góp phần bảo tồn, duy trì và phát huy các hằng số giá trị làm nên cốt cách tinh thần dân tộc.

 

Với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, là nghệ thuật ngôn từ, văn học tiềm chứa trong nó những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc. Hệ giá trị này làm nên phần móng nền, kết nhập văn học đương đại với văn học quá khứ, với mạch nguồn văn hóa của dân tộc. GS Trần Đình Sử trong bài viết Giá trị văn hóa của văn học đã cho rằng: “Trong toàn bộ công cuộc xây dựng giá trị người, văn học trước sau đều đảm nhận chức năng sinh thành, phán đoán, truyền bá, biến đổi, tiêu hủy và đổi mới các giá trị văn hóa”(1). Việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống đồng nghĩa với rà soát, khảo định lại các hệ giá trị, để bảo lưu, loại trừ và xác lập. Văn học Việt Nam đương đại, trong dòng chảy của mình đã phát huy vai trò, chức năng của một thành tố văn hóa, một hiện tượng văn hóa, một phương tiện nhằm thực thi quyền lực của truyền thống trong bối cảnh giao thoa nhiều giá trị.

 

Hệ quả tác động của văn học đầu tiên chưa phải là những sản phẩm hữu hình, mà trước hết thuộc về thượng tầng kiến trúc, thuộc về ý thức hệ. Văn học Việt Nam đương đại tác động đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống ở chính trong nhận thức, trong tư tưởng của con người về các giá trị đó. Con người Việt Nam và các giá trị tinh thần truyền thống như lòng yêu nước, tinh thần nhân đạo, sự cần cù, chăm chỉ, nhẫn nại, đức hi sinh, ưa chuộng hòa bình, xả thân vì đại nghĩa,… vẫn hiển thị trong các tác phẩm văn học đương đại viết về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, về đề tài xã hội, đề tài đời tư, cá nhân. Trong thế giới nghệ thuật các tiểu thuyết lịch sử, hư cấu lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh (Mẫu Thượng ngàn, Hồ Quý Ly, Đội gạo lên chùa), của Hoàng Quốc Hải (Bão táp cung đình, Vương triều sụp đổ),… người đọc nhận thấy những phong tục, tập quán, những sắc thái văn hóa truyền thống được tái hiện, được phục dựng. Kế thừa truyền thống yêu nước từ văn học trung đại, từ văn học cách mạng, văn học đương đại đang có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, xứng tầm với diện mạo của đất nước và con người Việt Nam thời kì Đổi mới. Giá trị ở đây không chỉ là những sự kiện thông sử, những hiện thực quy chiếu theo tinh thần phản ánh luận, mà là những dữ liệu của đời sống (một hiện thực thứ hai, hiện thực được tìm thấy) cấu thành nên bức khảm văn hóa của dân tộc trong tiến trình đi tới.

 

Từ đầu Đổi mới, bằng nhãn quan thế sự, con người dần nhận ra có những hệ giá trị bị che khuất, bị ngược đãi. Trong sự trỗi dậy của tinh thần phản tư, các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Thùy Mai, Nguyễn Bình Phương,… đã âm thầm bồi trúc những giá trị căn cốt của tinh thần dân tộc. Ngay cả những tình huống nghiệt ngã nhất như trong Không có vua (Nguyễn Huy Thiệp), Maria Sến (Phạm Thị Hoài), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh),… trường thẩm mĩ vẫn luôn gợi lên những liên tưởng về khát vọng được sống nhân văn hơn, thành thực hơn với những giá trị người, muôn nơi và muôn thuở.

 

Các thể tài, thể loại của văn học Việt Nam đương đại, dù “đại tự sự” hay “tiểu tự sự” đều tác động không nhỏ tới nhận thức của con người về các giá trị truyền thống. Từ các dấu ấn lịch sử đến phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng,… văn học Việt Nam đương đại đã bắt vào nguồn mạch của văn hóa dân tộc, trưởng thành trong tâm thế kế thừa, chọn lọc. Đọc thơ của các tác giả Nguyễn Trọng Tạo (Tản mạn thời tôi sống), Phạm Thị Ngọc Liên (Những vầng trăng chỉ mọc một mình), Dư Thị Hoàn (Lối nhỏ), Nguyễn Duy (Thơ Nguyễn Duy, Quê nhà ở phía ngôi sao), Thanh Thảo (Trường ca Chân đất), Mai Văn Phấn (Bầu trời không mái che, Vừa sinh ra ở đó), Nguyễn Quang Thiều (Những người đàn bà gánh nước sông), Vi Thùy Linh (Đồng tử),… người đọc vẫn  nhận ra những khao khát biểu tỏ vẻ đẹp cuộc sống, con người, tình yêu và các giá trị nhân bản khác. Điều đó đã được khơi tạo, kiến dệt từ truyền thống duy tình, duy linh, trọng đạo lý, đề cao sự hòa hợp hay khát vọng vươn lên của con người Việt Nam. Đọc thơ Phạm Thị Ngọc Liên, Dư Thị Hoàn, người ta thấy những khao khát yêu đương đầy nữ tính, những trạng thái xúc cảm có nguồn gốc sâu xa trong bản thể người phụ nữ Việt Nam. Thơ Nguyễn Duy lại khác. Vẫn là hồn cốt dân tộc trong thể lục bát quen thân, nhưng phong khí của một hữu thể nhuộm đầy gió bụi khiến cho lời thơ và mĩ cảm trở nên vừa quen vừa lạ, vừa gần gụi vừa diệu vợi như những chặng đường người lữ khách đã dấn thân. Vọng lại đời thơ của mình, Nguyễn Duy phác họa bốn chặng: Đường làng, Đường nước, Đường xa, Đường về(2). Về, ấy là hồi quy những giá trị cốt lõi làm nên xác thân và tâm tính, là về với truyền thống đã được tích lũy, được gìn giữ qua thời gian.

 

Một người khác, khác với Nguyễn Duy, nhưng càng ngày càng gọi về được hồn cốt của văn hóa Việt, của tín ngưỡng bản địa, đó là Mai Văn Phấn. Trong tập thơ “Bầu trời không mái che” gần đây của anh, mẫu tính như một sắc thái văn hóa bản địa của tộc Việt được khai thác và hình thành dòng mĩ cảm mang sắc thái thiêng. Bắt sâu vào mạch nguồn này, Mai Văn Phấn đã có thêm nhiều sáng tạo mới: tập thơ thứ hai in song ngữ trên Amazon: “Những hạt giống của đêm và ngày”, một tập thơ khác cũng sắp ra ở châu Âu: “Buông tay cho trời rạng”, và một tập vừa ra mắt ở Việt Nam: “Vừa sinh ra ở đó”. Đến chặng thơ này, quả thực Mai Văn Phấn đã có sự ngưng đọng, trở về và chạm vào hồn nhiên trong sáng. Dường như những u ám, những bức bối của đời sống đã được tiết giảm, được thanh lọc, ngưng kết, những ảnh tượng được mở ra từ đôi mắt khép lại. Thi ca tìm về trong huệ nhãn, trong quán tưởng, trong những khoảnh khắc dừng lắng nghe hơi thở của vô biên và hữu hạn, của vĩnh hằng và thoáng chốc. Có thể cảm nhận rõ các đối thể, các chú ý thẩm mĩ, các tụ điểm năng lượng thi tính trong tập này đều tỏa ra thứ ánh sáng đủ để dắt dẫn tâm linh con người đến thiên lương và bình an. Tính chất duy linh, trọng âm, ưa hài hòa, lấy tình làm bản vị trong truyền thống thi ca dân tộc đã dung dị trở về trong một sinh thể mới: Vừa sinh ra ở đó.

 

Văn học Việt Nam đương đại trong những cố gắng của mình đã cho thấy sự kế thừa và phát huy quan trọng các giá trị truyền thống. Lòng yêu nước, khát vọng sống nhân văn, cao đẹp, tình yêu thương và sự chia sẻ, các tín ngưỡng và niềm tin phổ quát trong tâm thức cộng đồng thực sự vẫn đang sống, có lúc trở thành các van hãm, kháng thể, thậm chí là phao cứu sinh cho con người đương đại. Thông qua các tác phẩm nghệ thuật, trong đó có văn học, người đọc cảm nhận được nguồn mạch của quá khứ, của truyền thống vẫn len lỏi ấm nóng chảy trong bộn bề nhịp sống đương đại

 

K.T

 

_________

(1) Xem Ngô Đức Thịnh, Bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đổi mới và hội nhập, Nxb Khoa học Xã hội, 2010, tr. 152.

(2) Xem Nguyễn Duy thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2010.

 

 

 

(Nguồn: http://vannghequandoi.com.vn)

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị