Đọc bài thơ “Chiều tà" của Mai Văn Phấn (bình thơ) - Tuệ Mỹ

Tuệ Mỹ

 

 

 

Tác giả Tuệ Mỹ

 

 

 

 

Đọc bài thơ “Chiều tà” của Mai Văn Phấn

 

 

 

 

Chiều tà

 

Thiếu nữ lội qua suối

Mặt trời nhấp nhô mấy lần

Mới lặn

  ( Rút  từ tập thơ "hoa giấu mặt" Nxb Hội Nhà văn, 2012)
 Mai Văn Phấn

                                      

 

 

Lời bình của tác giả Tuệ Mỹ:

 

Chiều tà là thời điểm của một ngày tàn. Đây là hình ảnh biểu trưng cho sự sống sắp lụi tàn hoặc đời người sắp kết thúc. Chiều tà cũng là khoảng thời gian gợi nhớ, gợi thương, dễ đánh thức ở con người nỗi buồn hay hoài niệm. Dưới vòm trời trong buổi chiều tà ấy, vạn vật thiên nhiên cũng sắp đi vào trạng thái "ngủ". Mặt trời cũng sắp sửa lặn. Nhưng thật bất ngờ giữa thiên nhiên bao la, bỗng xuất hiện Thiếu nữ lội qua suối. Hẳn đây là cô sơn nữ. Cô gái lội qua suối để kịp về nhà trước khi bóng tối buông màn. Hay cô Hoàng hôn xuống dần đợi chờ ai đây? (Sơn nữ ca -Trần Hoàn). Dù ở tâm tư thế nào đi chăng nữa thì hình ảnh Thiếu nữ lội qua suối hiện ra lúc này thật đẹp, một vẻ đẹp tinh khôi, tràn trề sức sống. Vẻ đẹp của cô gái như được nhân lên khi cô lội qua suối, khi con người gắn mình vào thiên nhiên. Phải, thiên nhiên vốn là hiện thân của cái đẹp mà con người là sản phẩm tuyệt vời của tạo hóa. Có hòa hợp với thiên nhiên thì cái đẹp của con người mới càng tỏa rạng. Vẻ đẹp của thiếu nữ đã khiến cho Mặt trời nhấp nhô mấy lần/ Mới lặn. Lạ chưa! Sao mặt trời không lặng lẽ lùi sau dãy núi mà lại nhấp nhô mấy lần khi thiếu nữ xuất hiện? Không gian lúc này như bừng tỉnh theo cái nhấp nhô của mặt trời. Nhấp nhô có thể là chi tiết tả thực. Ánh mặt trời lúc sắp lặn chợt sáng rỡ chợt sa sầm bởi sự che chắn của mây, của núi. Cái tài của nhà thơ là đã thổi hồn vào chữ nghĩa khiến nhấp nhô gợi liên tưởng đến "ông" mặt trời cũng biết rung động trước vẻ đẹp của cô gái đến mấy lần rồi Mới lặn.

 

Dùng thiên nhiên để miêu tả con người là bút pháp ước lệ thường thấy trong văn học cổ điển. Thi hào Nguyễn Du đã miêu tả Thúy Kiều Làn thu thủy, nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh. Còn trong Thơ mới, thiên nhiên cũng là "vật liệu" để nhà thơ thể hiện con người Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm/ Nàng là hương hay nhan sắc lên hương (Bích Khê). Mai Văn Phấn khi miêu tả người cũng dùng đến thiên nhiên nhưng không giống các thế hệ nhà thơ trước. Thiên nhiên trong thơ ông thường làm nền cho con người xuất hiện thành đốm sáng, điểm nhấn trong đó. Không một từ miêu tả vẻ đẹp của thiếu nữ nhưng chỉ qua cái nhấp nhô của mặt trời, vẻ đẹp của cô gái lội qua suối đã được lung linh, quyến rũ. Đây có phải là một biểu hiện sự cách tân thơ Mai Văn Phấn? Cách thể hiện con người cùng quan điểm thẩm mỹ của ông đã vượt thoát các thế hệ nhà thơ trước.

               

Trong thơ có họa. Chiều tà chỉ có ba dòng thơ cực ngắn mà đã vẽ lên một bức tranh rộng lớn và lộng lẫy. Một không gian thiên nhiên hùng vĩ và nên thơ với dòng suối, với mặt trời nhấp nhô sau dãy núi đồi trong khoảnh khắc chiều tà. Trung tâm của bức tranh là thiếu nữ. Hình ảnh thiếu nữ là hình ảnh trung tâm của bức tranh vì ngòi bút của nhà thơ luôn hướng tới vẻ đẹp con người với một thái độ trân quý. Quý trọng con người là biểu hiện của tấm lòng nhân đạo cao cả của nhà thơ. Đặc biệt vẻ đẹp của con người trong thơ Mai Văn Phấn luôn gắn liền với vẻ đẹp thiên nhiên. Vì theo ông, con người và thiên nhiên là sự thống nhất, là "muôn pháp về một" (Công án thiền). Bài thơ có tên Chiều tà mà không gây cảm giác buồn bã đìu hiu, ngược lại, nó quấn quyện lấy người đọc như một thứ bùa ngải mê dụ trước vẻ đẹp của con người và thiên nhiên. Tươi sáng và lạc quan cũng là tín hiệu thường thấy trong thơ Mai Văn Phấn.           

 

Hình ảnh thiếu nữ được đặt trong bối cảnh chiều tà còn mở ra cho người đọc hiểu bài thơ theo một nghĩa khác. Theo quy luật tuần hoàn của vũ trụ, đến chiều tà thì mặt trời phải lặn. Mặt trời lặn nhưng vẫn còn đấy thiếu nữ. Qua đó, có phải nhà thơ muốn nói rằng: Con người đến tuổi chiều tà chắc chắn phải từ giã cõi đời. Nhưng trước khi "đi về" họ vui mừng thấy thế hệ kế tiếp tràn đầy sinh lực đang thay thế họ nối tiếp tạo dựng sự sống. Điều đó có nghĩa là sự sống không hề mất đi mà nó luôn nằm trong quy luật tuần hoàn để tồn tại.

 

Với đặc điểm thơ ba câu hàm súc, đa nghĩa, Chiều tà đã gây ấn tượng cho người đọc về nhiều ý nghĩa sâu sắc của cuộc sống mà bài thơ đã thể hiện cùng với những giá trị thẩm mỹ của nó.

 

Bình Định, 06/12/2015

T.M

 

 

 

 

 

Tác phẩm sắp đặt của María Alejandra Palacios, Venezuela






 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị