Đọc "Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ" (bình thơ) - Đỗ Trọng Khơi

Đỗ Trọng Khơi

 

 
Tranh của Tom Eckert

 

Đọc "Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ"

 

 

Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ

 

Pha xong ấm trà

Quay ra

Ông khách không còn ở đó

Gọi điện thoại

Người nhà bảo ông mất đã bảy năm

Nhầm lẫn

 

Nhà mình

Mọi sự đảo lộn

Không nhớ bức chân dung hạ xuống bao giờ

Đâu rồi chiếc đồng hồ chạy bằng dây cót?

Bộ ấm chén giả cổ ai cho?

 

Ghé sang hàng xóm

Thử hỏi mấy loại thực phẩm

Loại tăng giá

Loại còn giữ giá

 

Trong nhà

Trà vẫn nóng

Đẩy chén nước về phía ông khách đã ngồi.

 

Luồng tử khí cao chừng một mét sáu dựng đứng trước mặt

Chốc lại cúi gập.

Mai Văn Phấn

        

Lời bình của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi:

 

Thơ như một bản trình bày việc. Thứ việc thường nhật, mà không chỉ là vậy. Nó là nó. Đời thường mà thật khác thường. Nó lại như không phải là nó. Nó là một giấc mơ, một ám ảnh thị giác? Sự việc, sự vật, cả dòng thời gian, đều đúng thật. Và giấc mơ, ảo giác, thị giác trực cảm, ảo ảnh vô thức… đều cùng diễn ra như thật cả. Trật tự và hỗn độn. Tỉnh táo và nhẫm lẫn. Thật và giả. Sống và chết… các ranh giới đang bị xoá nhoà. Là do khả năng tư duy, trí nhớ bị suy tàn, hay do trật tự cuộc sống đã biến đổi? Thật khó tường minh câu hỏi này. Chỉ biết, rõ ràng dòng thời gian vật lý – kẻ hằng nắm giữ cuộc chơi số phận con người, vẫn đang chơi trò, nhưng đang tự mất ngôi chủ? Và dòng thời gian tâm lý, phi lý – kẻ dự phần, lại đang chế ngự, có khả năng làm đảo lộn trật tự, nề nếp, trong nhận thức khả thể của con người. Một dạng thức thời gian, một thời đại, có khi là một cái gì đó nhỏ bé, riêng tư thôi, đã đi qua!

 

Những giá trị bị đánh tráo, trí nhớ bị suy tàn bởi những ảo giác, nhầm lẫn thị giác? Và, nếu như dạng thức thời gian sống trên mà là một – hiện thực tồn tại, thì sao nhỉ? Sự thực, dạng thức thời gian này luôn tồn tại trong tính phi lý của nó. Và chính nó là thủ phạm hằng góp phần chế tác nên những nghịch lý, phi lý, sự giả tạo và tất nhiên, sản phẩm của nó cũng có cả những giá trị mang đến lợi ích. Gía trị của cái phi lý! Hay nói đúng hơn, nhìn ở góc thơ Mai Văn Phấn này, đời sống con người cũng lắm điều nhầm lẫn, phi lý. Nó cần phải vượt qua! Dường như đây chính là thông điệp của thơ ông.

 

Và, cái “luồng tử khí dựng đứng trước mặt/ chốc lại cúi gập” có là một bày tỏ ăn năn, như một sự tỉnh giấc, mang một điểm dẫn hứa hẹn cuộc sống sẽ khác đi?

 

Thơ giản lược mà hàm ngôn, ám ảnh.

 

Đ.T.K

 

(trannhuong.com)

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị