Những thi sĩ tuổi Mùi (khảo cứu) - Đỗ Anh Vũ

Những thi sĩ tuổi Mùi

 


Tranh cổ Ai-cập 

 

 

 


Đỗ Anh Vũ

 

 

Và nền thi ca Việt Nam trong thế kỷ XX đã ghi dấu khá nhiều tên tuổi các thi sĩ tuổi Mùi, họ đã cống hiến, sáng tạo và để lại nhiều câu thơ, bài thơ có sức sống vượt thời gian hoặc mang dấu ấn riêng biệt, đi vào trái tim, trí nhớ của nhiều thế hệ độc giả.

 

Chào đón năm mới Ất Mùi của thế kỷ XXI, tôi chợt nhớ lại, chúng ta đã đi qua thế kỷ XX với 8 năm Mùi: 1907 (Đinh Mùi), 1919 (Kỷ Mùi), 1931 (Tân Mùi), 1943 (Quý Mùi), 1955 (Ất Mùi), 1967 (Đinh Mùi), 1979 (Kỷ Mùi), 1991 (Tân Mùi). Và nền thi ca Việt Nam trong thế kỷ XX đã ghi dấu khá nhiều tên tuổi các thi sĩ tuổi Mùi, họ đã cống hiến, sáng tạo và để lại nhiều câu thơ, bài thơ có sức sống vượt thời gian hoặc mang dấu ấn riêng biệt, đi vào trái tim, trí nhớ của nhiều thế hệ độc giả.

 

1. Nam Trân: Thi sĩ Nam Trân sinh năm Đinh Mùi (1907) và cũng mất đúng vào năm Đinh Mùi (1967), là một trong 46 gương mặt được Hoài Thanh – Hoài Chân chọn đưa vào tuyển tập Thi nhân Việt Nam. Người được mệnh danh là thi sĩ của đất Huế được Hoài Thanh khẳng định: “Tả cảnh Huế chưa ai bằng Nam Trân. Nam Trân không rơi vào khuôn sáo vì là người không mơ màng, cũng không buồn vơ vẩn... Về âm điệu, thơ Nam Trân thực dồi dào (...) Nhưng điệu thơ cũng như tứ thơ, ở Nam Trân, đều là kết quả của sự đắn đo kỹ lưỡng, sự suy tính siêng năng. Cho nên muốn thưởng thức thơ Nam Trân ta cũng phải luyện lấy tâm trí cho bình thản. Hãy xếp thơ Nam Trân lại lúc lòng ta có chuyện xôn xao”. 

 

Tập Huế, Đẹp và Thơ xuất bản năm 1939 được Hoài Thanh chọn tới 7 bài để đưa vào tuyển tập: Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng/ Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo/ Tôi xuống thuyền cô, cô chẳng biết/ Rằng Thơ thấy Đẹp phải tìm theo (Đẹp và Thơ). Sau này, Nam Trân chính là một trong 25 thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957). 

 

Ông cũng là người chủ trì việc khởi dịch Ngục trung nhật ký của Hồ Chí Minh năm 1960. Nhiều bài thơ trong tập Nhật ký trong tù của Bác qua bản dịch Nam Trân tới nay vẫn được sử dụng trong các sách giáo khoa Ngữ văn như Chiều tối, Ngắm trăng v.v...

 

2. Thế Lữ: Tác giả bài thơ Nhớ rừng nổi tiếng tên thật là Nguyễn Đình Lễ (sau đổi thành Nguyễn Thứ Lễ) sinh năm Đinh Mùi (1907). Ông không chỉ được coi là người anh cả của phong trào Thơ Mới mà còn là nhà văn với nhiều truyện kinh dị và trinh thám nổi tiếng. 

 

Ông cũng là nhà báo, đạo diễn và diễn viên sân khấu, nhà biên kịch với khoảng hơn 20 vở kịch nói và 2 kịch thơ. Tượng của ông được dựng ở chính giữa Nhà truyền thống của Nhà hát kịch Việt Nam, có tiền thân là Đoàn Kịch nói Trung ương do ông sáng lập. Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt 1(1984) và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000. 

 

Ngoài bài thơ nổi tiếng Nhớ rừng, nhiều thi phẩm, truyện ngắn khác của Thế Lữ đi vào lòng các thế hệ yêu văn chương như: Tiếng sáo Thiên Thai, Cây đàn muôn điệu, Giây phút chạnh lòng, Vàng và máu... Xin được dẫn lại một câu thơ nổi tiếng về mùa xuân của ông: Rũ áo phong sương trên gác trọ/ Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang (Giây phút chạnh lòng)

 

3. Lê Đại Thanh: Cùng sinh năm Đinh Mùi (1907) với Nam Trân và Thế Lữ còn có Lê Đại Thanh. Ông là nhà thơ, nhà viết kịch thuộc thế hệ những nghệ sĩ đầu tiên của nghệ thuật sân khấu Việt Nam hiện đại. Các con và cháu ngoại của ông đều là những nghệ sĩ có tên tuổi như họa sĩ Lê Đại Chúc, nghệ sĩ ưu tú Lê Chức, nghệ sĩ ưu tú Lê Mai, nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh, nghệ sĩ ưu tú Lê Vân, nghệ sĩ ưu tú Lê Vi. 

 

Ông thuộc lớp cán bộ tiền khởi nghĩa, đã từng tham gia giảng dạy cho nhiều nhân vật sau này là những tướng lĩnh của quân đội như tướng Bằng Giang, tướng Nam Long. Thơ của ông không nhiều nhưng những bài thơ đều để lại ấn tượng khó phai trong lòng người đọc. Đến nỗi có giai thoại kể về việc một thanh niên mang bài thơ Di chúc của Lê Đại Thanh đến hỏi Tế Hanh xem đây có phải thơ của Tagor không. 

 

Tế Hanh trả lời rằng: Tôi không chắc đó có phải thơ Tagor không song tôi chắc đó là thơ của Lê Đại Thanh ở Hải Phòng. Đời ông trải qua nhiều thăng trầm, oan khuất nên tác phẩm của ông không được công bố rộng rãi mà chủ yếu qua đường chép tay, truyền khẩu. Mãi đến năm 1987, các bài thơ của ông mới được tập hợp và in thành tập Những ngôi sao biển (NXB Hải phòng), Tôi yêu truyện cổ tích nước tôi là một trong những bài thơ nổi tiếng của ông: Tôi khổ như chàng trai tương tư/ Tìm em hò hẹn tự bao giờ/ Em là cô gái đi hài đỏ/ Rắc bướm hoa vào những giấc mơ/ Tôi bé nhưng tôi đã biết rồi/ Em là cô Tấm của đời tôi/ Bụt về cả những đêm tôi khóc/ Đám hội làng bên chẳng được mời...

 

4. Thi Hoàng: Thi Hoàng sinh năm Quý Mùi (1943), tên thật là Hoàng Văn Bộ, quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng, là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chỉ với hai câu thơ trong bài Ở giữa cây và nền trời in trên báo Văn nghệ (1968), ông lập tức nổi danh: / Cây cứ biếc như vặn mình mà biếc. 

 

Sau 1975, thơ ông vẫn có những câu vụt sáng như thế, khiến người đọc chỉ xem một lần mà nhớ mãi: Một đầu đường không có ai trông ngóng/ Một buổi chiều không biết cất vào đâu. Với bốn tập thơ – trường ca: Nhịp sóng, Ba phần tư trái đất, Gọi nhau qua vách núi và Bóng ai gió tạt, ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

 

5. Phan Thị Thanh Nhàn: Cùng tuổi Quý Mùi (1943), Phan Thị Thanh Nhàn cũng thuộc lớp nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ Hương thầm của bà công bố năm 1969 và ngay lập tức đoạt giải nhì cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ. Bài thơ tiếp tục có sức lan tỏa sâu rộng khi được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc thành công năm 1984. 

 

Ngoài bài Hương thầm, Phan Thị Thanh Nhàn còn có nhiều bài thơ hay khác như Không đề, Trời và đất, Con đường: Nếu anh đi với người yêu/ Chỉ mong anh nhớ một điều nhỏ thôi/ Con đường ta đã dạo chơi/ Xin đừng đi với một người khác em. Phan Thị Thanh Nhàn còn được biết đến như một nhà thơ thiếu nhi, với nhiều bài thơ được đưa vào sách giáo khoa tiểu học được các thế hệ học sinh yêu thích như Làm anh, Nàng tiên ốc...

 

6. Lê Kim Giao: Sinh năm 1943 tại Hà Nội, Lê Kim Giao xuất thân là một giáo viên dạy toán nhưng rồi đột ngột bỏ sang văn chương. Bài thơ Dịu dàng với hai câu đề từ của ông đã từng được dùng để làm câu hỏi cho phần thi ứng xử của cuộc thi Hoa hậu báo Tiền phong. Và hai câu thơ này trong một thời gian dài bị tưởng nhầm là ca dao: Có ai bán cái dịu dàng/Anh mua một gánh tặng nàng làm duyên

 

Một bài thơ khác của Lê Kim Giao là Đường tiệm cận được chọn đưa vào nhiều tuyển tập thơ tình: Đừng là đường cắt nhau/ Gặp mặt một ngày chia tay vĩnh viễn/ Đừng là đường song song/ Khoảng cách suốt đời/ Không lời hẹn ước/ Xin làm đường tiệm cận/ Mỗi ngày một gần thêm/ Rồi một chiều giông bão sẽ lặng êm/ Nơi vô định thuyền hai ta hòa một/ Ai có biết đâu/ Anh có biết đâu/ Một khoảng trống kiêu sa đơn độc/ Vẫn bướng bỉnh lạ lùng len lỏi giữa tim nhau. Lê Kim Giao còn được biết đến như một người viết nhạc và là người phụ trách rất thành công chương trình Làng Cờ trên VTC2. Nguyễn Huy Thiệp đã dành những lời rất trân trọng cho nhà thơ tuổi Mùi này qua bài viết Lê Kim Giao – tên nghiện văn chương đăng trên báo Tiền Phong năm 1998.

 

7. Mai Văn Phấn: Mai Văn Phấn là nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ hậu chiến, anh sinh năm Ất Mùi (1955). Thơ Mai Văn Phấn điển hình cho một công cuộc cách tân thơ trong văn học Việt Nam đương đại. Anh đã xuất bản tới 21 tác phẩm, trong đó có nhiều tập thơ được in kèm Anh ngữ, Pháp ngữ hoặc Anbani ngữ. Thơ Mai Văn Phấn được giới thiệu trên báo và tạp chí của nhiều quốc gia như Thụy Điển, New Zealand, Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Hàn Quốc, Thái Lan...

 

Gần đây nhất, thơ anh lọt vào top 10 của 100 tập thơ châu Á bán chạy nhất trên mạng Amazon. Anh cũng đã có đến 5 tập thơ được Nhà xuất bản Page Addie Press độc quyền phát hành. Thể hiện trong thơ Mai Văn Phấn thường hướng đến sự tổng hòa các khuynh hướng hiện đại như siêu thực, tượng trưng, biểu hiện và đan xen ít nhiều các cảm thức tôn giáo: Em không ngủ yên dưới tàng lá giật/ Một nhành cây vừa rơi xuống mái tôn/ Tiếng quả vỡ lăn trên thềm gạch cũ (...) Mắt em mở vào đêm sâu lò than hồng rực/ Dâng mùi ngô nướng nếp thơm/ Tiếng nước sôi trong trí nhớ em/ Reo vang đến gần sáng (Buông tay cho trời rạng, Đoạn II).

 

8. Đoàn Ngọc Thu: Nữ sĩ họ Đoàn sinh năm Đinh Mùi (1967), cách các thi sĩ tiền bối Nam Trân, Thế Lữ và Lê Đại Thanh đúng một hoa giáp. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, thơ Đoàn Ngọc Thu vừa có chất tao nhã của người Tràng An vừa có sự từng trải ở chốn thành thị phố phường. Cho đến lúc này, Đoàn Ngọc Thu đã có tới 5 tập thơ được xuất bản: Thì thầm sông trăng, Khúc hoang tưởng chiều mưa, Muộn, Quá giang và gần đây nhất là Vé một lượt (2014). Bài thơ Mẹ của chị được nhạc sĩ Phan Long phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng, khiến công chúng biết đến thơ chị nhiều hơn. 

 

Hành trình thơ của chị từ tập thơ đầu Thì thầm sông trăng đến tập Vé một lượt cho thấy một phong cách riêng biệt đã định hình, những nồng nàn say đắm lãng mạn thuở ban đầu đã chuyển sang những trải nghiệm đa chiều hơn về đời sống, xuất hiện nhiều hơn những cay đắng, chát chua hay nghiệt ngã của số phận: Ta về thả lá lên trời/ Thả tình về cõi xa vời ngày xưa/ Ta về đếm sợi tóc thưa/ Góp gom dâu bể cho vừa lòng nhân. Cỏ là một bài thơ xuất sắc khác của Đoàn Ngọc Thu mà tôi rất thích: Yêu nhau trên cỏ/ Cỏ mềm hơn lụa/Xa nhau trên cỏ/ Cỏ nhọn hơn kim/ Một mai em chết/ Xin làm cỏ êm/ Anh cùng người khác/ Tự tình trên em... 

 

9. Trương Xuân Thiên: Nhà thơ trẻ nhất trong số những thi sĩ tuổi Mùi sinh năm Kỷ Mùi (1979). Trình làng tập thơ đầu tay Tư duy S (2005), họ Trương đã bộc lộ sự tài hoa trong ngôn từ và hình ảnh, có nhiều sự vượt trội với những cây viết cùng thời: Mẹ tát cạn biển vào hai con mắt (Ngụy biện về giọt nước mắt và sự vấp ngã), Đất nước dài như hơi thở góa phụ trong đêm, Xác cơn mưa/ Nằm ngổn ngang bên thềm mối tình trầm mặc, Thuở hoa bỏ lại mùi hương/ Ta cầm nước mắt mà thương hoa quỳnh/ Mặt trời rụng xuống bình minh/ Muôn vàn mộ địa tự tình hồng hoang

 

Từ Tư duy S chuyển sang tập thứ hai Homo sapien – Người tinh khôn là một bước tiến dài nữa trong tư duy thơ của thi sĩ họ Trương. Lãng mạn và tượng trưng sơ khai đã chuyển sang siêu thực với nhiều ý thơ mới mẻ, táo bạo. Bên cạnh đó, họ Trương vẫn dành công phu cho những trau chuốt về nhạc tính: Nước mắt úa như hoàng hôn ủ bệnh/ Chút mưa xưa như khâm liệm vong nhân, Một vì sao để tang cả bầu trời, Em đứng bên bậu cửa thay đồ lót/ Chôn vùi da thịt vào gối chăn. Gần đây nhất, tập thơ lục bát Áo hồ ly mà anh tung lên mạng Facebook nhận được sự ủng hộ tích cực của nhiều tầng lớp độc giả, trong đó có thi sĩ tiền bối Du Tử Lê không tiếc lời ca ngợi về một phong cách lục bát kỳ ảo, chưa từng có trong những cây viết trẻ từ trước tới nay: Một vì sao ngủ cuối trời/ Thanh tân như thể một lời câu hôn/ Hồ ly lột bỏ xác chồn/ Ngàn trăng thay lá xuất hồn đi hoang...

 

Đ.A.V

 

(Nguồn: ngaynay.vn)

 

BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị