Cảm quan thẩm mỹ của Mai Văn Phấn trong “Bầu trời không mái che” (phê bình) - Nguyễn Thị Bích Phụng

Cảm quan thẩm mỹ của Mai Văn Phấn
trong “Bầu trời không m
ái che”




Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Bích Phụng

 

 

 

 

Nguyễn Thị Bích Phụng

 

 

LỜI MỞ

 

Như nhiều tác giả cùng thời, thơ Mai Văn Phấn xuất phát từ truyền thống, kết hợp có chọn lọc các khuynh hướng, trường phái trên thế giới. Từ đó, ông cho ra đời nhiều tập thơ có giá trị. Đến đầu năm 2014, Mai Văn Phấn đã cho xuất bản 11 tập thơ Việt ngữ, bổ sung và tái bản 10 tập thơ song ngữ. Riêng tập Bầu trời không mái cheFirmament without Roof Cover” – tập thơ đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn VN năm 2010, được tái bản lần thứ 5, phát hành tại Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc và các nước châu Âu, là tập thơ mà chúng tôi muốn nói đến trong bài viết này. Ở đây, thơ Mai Văn Phấn được hiển lộ vẻ đẹp ẩn mật từ những tập thơ ở giai đoạn trước và những giá trị cách tân cho đến những tập sau này, đều ẩn chứa một cảm quan thẫm mỹ riêng biệt từ nội dung đến hình thức trong thơ. Bài viết này đề cập đến một số dạng thức thẩm mĩ đặc sắc trong thơ Mai Văn Phấn.

 

1.      Cái Đẹp: cội nguồn sự sống

 

Điểm xuyết suốt lộ trình sáng tác của Mai Văn Phấn, nếu Vừa sinh ra ở đó (thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 2013) là “điểm đến” của ông thời hiện tại, thì Bầu trời không mái che là cánh cửa, điểm xuất phát trong quá khứ để đưa ông đến với ngôn ngữ thơ như nhiên, trẻ trung, đa tầng đa nghĩa trong thế giới không mái che này.

 

Mai Văn Phấn xem việc sáng tác là luôn làm mới mình, không lặp lại chính mình, nhất là cái đẹp nghệ thuật. Đó là quy luật, sức sống của sáng tạo. Con đường sáng tạo nghệ thuật không bao giờ có điểm dừng và luôn là một cái Khác của cái khác đã cũ. Thơ Mai Văn Phấn thường lấy con người làm đối tượng, qua đó ông bộc lộ quan niệm nghệ thuật về nhân thế, nhân sinh, lẽ sống,... Các bài thơ Đá trong lòng suối, Giai điệu xuân, Cốm hương, Vườn em, Đỉnh gió,... luôn dẫn dụ người đọc đến mở cánh cửa sớm mai thấy được những vẻ đẹp tiềm ẩn của cuộc sống. Đó là một thế giới phồn sinh, hóa sinh giàu màu sắc và luôn bất định. Trong thơ ông, ta nhận ra một thế giới động cựa sinh sôi, đa tầng. Ở đó, con người là nhân tố quan trọng để gieo trồng, di dưỡng thế giới này bằng vẻ đẹp của cái khác nó. Nó như một “cơ duyên” mà tâm hồn thi sĩ vừa chạm phải, nắm bắt được. Cái đẹp là khởi nguồn từ sự sống, vòng xoay của cuộc đời, là cái ngưỡng của âm dương, là nguyên lý bản nguyên của vũ trụ. Phải chăng văn chương là “hành trình đơn độc đi tìm cái đẹp. Tác phẩm văn học, trước hết quay lại hoàn thiện nhân cách, quan niệm thẩm mỹ và định hướng cho chính nhà văn ấy”[5,tr.448]. Từ quan niệm thẩm mỹ này, ta thấy, Bầu trời không mái che là một thế giới của cái đẹp được sinh tụ với nhiều sắc diện, là một cảm quan mở không hồi kết.

 

Ví như nhịp III, Mùa trăng, là nhịp quay của thời gian, kết thúc một ngày và mở ra một ngày mới: Con bồ câu đã về/ Mang cả buổi chiều/ Kẹp trong đôi cánh/ Một buổi chiều khoác bộ lông màu lam (Mùa Trăng).

 

Không chỉ dừng lại ở cái đẹp của trạng thái kết thúc và mở ra vòng quay của thời gian tươi mới, thơ Mai Văn Phấn còn mở rộng vào trạng thái sinh nở, mang thai, ái ân,... một trong những biểu hiện đẹp đẽ nhất của sự sống: Đây là thời khắc ái ân/ Thắp sáng lãnh địa bóng tối/ Mùa phồn sinh thụ phấn, kết hạt/ Mặn nồng thiêm thiếp trăng khuya (Mùa trăng).

 

2.      Cái Đẹp: sinh quyển không mái che

 

Bầu trời không mái che là một hình ảnh ẩn dụ, là một “Bầu trời”, một thế giới thơ không có một “mái che”, “vòm trời” nào nữa. Đó là một thế giới khoáng đạt và bất tận bởi ánh sáng của sự sống, vũ trụ. Trước tiên, chúng ta gặp không gian sinh quyển của mùa màng. Mùa hè có chiếc váy cuối hạ, mùa thu có hoa vông vàng, mùa đông có gió lạnh với tiếng mèo gào ân ái, mùa xuân chộn rộn với cày ải, gieo trồng, của giao hoan nhanh như cắt của đôi sẻ nâu. Không gian riêng tư của từng sự vật là những mắt xích phi logic trong bầu sinh quyển của ông: Tiếng chim Bách Thanh tung lưới/ Thít chặt anh cùng bòng bưởi, rễ si / Hoa cẩm quỳ, oải hương, phong lữ…/ Dịu dàng thêm khăn áo mùa thu (Vườn em). Chớp sáng nứt vỏ/ Mùa xuân trào miệng hạt/ Chờ nảy lá mầm/ Gió mang mặt đất đi (Đỉnh gió). Trong tập thơ, Mai Văn Phấn hay nhắc tới đất đai, sông nước (màu rạng đông chìm vào đất, Nhịp III - Hình đám cỏ), chuyển động dòng sông (sông cuộn xiết con cá động dục lóe sáng mặt nước, Nhịp I - Hình đám cỏ). Nếu phân chia tập thơ thành ba tầng của tâm thức: trời - đất - cõi tâm linh, Bầu trời không mái che lại lộ rõ cái cao vợi của tầng trời (Cửa Mẫu), thấy sự phì nhiêu sinh sôi nảy nở của cuộc sống hiện tại (Hình đám cỏ), và cả cái tâm không của cõi ta bà quá khứ vị lai trong tưởng tượng (Mùa trăng). Nếu theo nhãn quan của thuyết vô thức, mặc cảm tình dục bị dồn nén của Frued thì chúng ta lại được chiêm ngắm khoảng không để tình nhân tình tự của Vườn em, Đỉnh gió, Hình đám cỏ. Khoảng không ấy là một sinh quyển tổng hợp của các mối quan hệ thiên nhiên vũ trụ và con người. Nó được gắn kết hài hòa đung đẩy đưa nhau tìm về cái Đẹp Khác khi thăng hoa: Mở mắt quả chuông đen/ Khép lại vòng vây ánh sáng/ Em đang xa quả chuông/ Boong…/ Boong…/ Giữa trời một bông hoa cúc (Nhịp I - Hình đám cỏ). Âm thanh Boong... với ba dấu chấm lửng và việc ngắt dòng, tách âm thanh tiếng chuông càng vang xa, càng có khoảng lặng trắng để người đọc tự lạc lối tìm về cái Đẹp của cái Khác. Câu thơ Giữa trời một bông hoa cúc lại mở ra một chân trời mới khác, đẹp đẽ và dịu dàng quyến dụ say mê lòng người. Là cái Đẹp Khác mà người đọc đồng hành tìm thấy. Sắc màu của sự thăng hoa trong tình yêu được vẽ ra trước mắt khi mọi cái đều ra đi từ tự thân và trở về trong sự mãn nguyện. Hay đó cũng là công đoạn hoàn thiện nhất, tối ưu nhất của một quá trình đi tìm cái Đẹp.

 

3.      Cái Đẹp: không – thời gian “lập thể”

 

Ngoài cái Đẹp Khác được sinh tụ, Bầu trời không mái che  còn có cái Đẹp được thiết lập từ những mảng không gian lập thể. Nó giống như một bức tranh lập thể của ký ức và tưởng tượng. Không gian lập thể nằm ngay trong từng bài/ nhịp/ phân đoạn thơ. Ngay Nhịp I của bài thơ Cửa Mẫu, những mảng không - thời gian đồng hiện gắn kết nhau, mười câu thơ ngắn mở ra tám mặt không gian: Không gian trời mưa sương; không gian cao vòi vọi của ngọn tháp... Thao tác đưa xa rồi lại kéo lại gần, mở ra nhiều ngã rẽ, cung đường trên lộ trình tìm đến đích của cái Đẹp.

 

Ngoài việc mở ra nhiều mảng không gian đời sống thường nhật bằng những quan sát cảm nhận tinh tế, Mai Văn Phấn còn là nguời có đôi mắt biết nhìn và đôi tai biết nghe đầy nghệ thuật, để có thể ghi lại những khoảng khắc giao thoa của vạn vật, vạch chạm ngưỡng thời gian hoán đổi của ngày và đêm, của thời khắc giao mùa: Hừng đông sinh muông thú, cây trái, tiếng động/ Hoa lồng đèn, mai dạ thảo tươi ròng/ Màu rạng đông chìm vào đất (Nhịp III - Hình đám cỏ), (Thu đến, Mùa trăng). Bầu trời không mái che hiển hiện sức sống mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng: Một chiếc lá nảy mầm, mặt đất ấm nồng, chim non vươn lên thành tổ, gợn sóng lấp lánh trên dòng sông chảy xiết, mùa phồn sinh mặn nồng, giao mùa vòm lá chật căng cho thấy, cái Đẹp phồn sinh và hoá sinh vô thường và bất định.

 

Có lẽ vì thế, mà Bầu trời không mái che chứa đầy biểu tượng mang tính Mẫu như mặt đất, bầu trời, ánh sáng, sông nước, biển cả đại dương, là Em. Mẫu là mẹ của sự sống, sự sinh trưởng nảy nở. Vì trong tâm thức, ông đã là người quý trọng cuộc sống này, là người “may mắn nhìn thấy một thế giới khác, mang hình hài nó, nhưng không phải nó... Vẻ đẹp này không phải lúc nào cũng hiển hiện trước mắt nhà thơ, mà xuất hiện như một cơ duyên, hoặc đột khởi trong những biến động tinh thần con người.”[1,tr.448].

 

Mảng không gian dành cho đôi tình nhân thăng hoa cũng là một lát cắt làm nên mặt lập thể của bức tranh đa chiều Bầu trời không mái che. Đó là khúc du ca tình yêu trong thơ Mai Văn Phấn vang lên bất tận vừa tinh khôi, vừa mang âm hưởng thiền hiện đại: Tiếng chim Bách Thanh tung lưới…/ Hoa cẩm quỳ, oải hương, phong lữ.../ Anh bước lên vạt nắng, /Một con thuyền ban mai. Bài thơ hoà quyện giữa cảnh vật và con người (tiếng chim Bách Thanh, hoa, con thuyền ban mai). Cảnh vật làm phông nền cho em và anh. Nó quyến dụ từ tiếng chim Bách Thanh, hoa cẩm quỳ, oải hương, phong lữ và chất thiền ngự trong câu thơ anh bước lên vạt nắng, một con thuyền ban mai, con thuyền của đôi lứa.

 

Đôi lúc lại phơi lộ những điên cuồng mãnh liệt bằng nhiều động từ (cuốn, vò nát, xé, cuồng nộ, níu, giật...), những âm bậc cảm xúc được lắp ráp từ nhiều mảnh và khoảng trống, tác giả trao cho người đọc một vũ khúc giao hoan (Đỉnh gió). Mỗi câu thơ là một tâm trạng, một cảnh phong tình hào hứng lãng mạn và quyến rũ tình yêu chạy tung tăng về đến đích (nắng chảy, mùa nước về, gió lên, chim ra ràng, lũ nấm mở mắt), khi được khai mở bằng nhiều góc nhìn khác nhau. Đứng ở góc nhìn phân tâm học của Freud, những bài thơ Đỉnh gió, Vườn em, Hình đám cỏ hay nhiều bài thơ trong những tập khác, là những bài thơ bày tỏ ẩn tình, mức độ giao hoan và đầy nhục cảm của vô thức tính dục (libido).

 

Cảm quan thẩm mỹ về cái Đẹp của Mai Văn Phấn là một Bầu trời không mái che. Nó thụ hưởng cả không gian thoáng đãng, cao sâu của cả bầu trời, miền linh giác, ẩn ức... Nó được cắt cúp những mảng không gian của hiện tại, tương lai và quá khứ đan cài, làm nên khối không gian lập thể nhiều góc nhìn của quá trình phồn sinh/ hoá sinh; chúng luôn chuyển động, bật thức để tìm cách gieo trồng, duy trì sự sống. Trước và sau những đỉnh điểm, là những thanh âm trong suốt, vẻ đẹp diệu vợi, tĩnh lặng đến khôn cùng của sự sống. Phải chăng “sự khác nhau giữa nguyên mẫu và tác phẩm bao giờ cũng được giải thích bằng thiên tài”[8]

 

4.      Cái Đẹp: sự đa dạng trong cấu trúc diễn ngôn thơ

 

Cửa Mẫu, bài thơ dài với 9 phân đoạn, được hiện qua đức hiếu sinh, qua khát vọng, sự thành tâm được mặc định như một lời khấn niệm của tình yêu, sinh nở, gieo trồng trên thế gian. Nếu Cửa Mẫu phần 1, khởi đầu của tình yêu mang tính mẫu di dưỡng chức năng tạo hình hài, thì ở phần hai tập thơ là Mùa trăng với các bài làm chủ lực như Vườn em, Đỉnh gió là khoảng không gian nhiều sắc độ của cảnh phong tình. Phần thứ ba, ở Hình đám cỏ, Mai Văn Phấn đẩy cảm xúc phong tình lên đến đỉnh điểm tột cùng với cách dùng nhiều động từ mạnh liên tiếp, nhiều hình ảnh, nhiều góc nhìn đa dạng lúc gần lúc xa, người đọc chủ động vươn về phía cảm xúc thăng hoa. Hình đám cỏ có cấu trúc một trường ca hiện đại giàu sắc màu tự sự, với 13 phân đoạn. Có sự xuất hiện giữa thơ tự do và thơ văn xuôi, biểu thị cho cảm xúc căng tràn và mãnh liệt ở trường ca này. Chất nền rộng cho bản trường ca mang tính thơ trường thiên, trữ tình này rộng mở, đó là tình yêu thăng hoa, khoảnh khắc tái tạo nên cái Đẹp ở cuộc đời. Ở Nhịp I, mở đầu bằng bước chân gõ lên mặt đất của sơn dương, bằng buổi sớm thanh tân, và giờ ban lễ thánh đường. Thắt nút được mở, Em đang xa quả chuông.../ giữa một trời hoa cúc. Kết thúc là lời sám hối rửa tội cho anh, là cảm giác mất mát, buồn lẻ khi vắng em. Nhịp II, là nỗi nhớ ức chế đến đỉnh điểm làm phông nền cho tưởng tượng bước ra tung tẩy với những cao trào của cảm xúc. Lặng lẽ một mình đan ngón tay/ Anh thành hạt đậu, mũi kim/ Chiếc đũa lẻ loi. Nhịp III, tác giả dành cho nỗi nhớ về những khoảng không - thời gian người ấy đã đến, qua, rồi đi. Trong đó có rất nhiều những vật dụng, những vụn vặt đời thường sinh hoạt. Nhịp IV, tác giả mở ra đưa đôi tình nhân về không gian của đồng đất, núi cao, vườn trái cây chín rụng căng mọng...

 

Cứ như vậy, Mai Văn Phấn dẫn người đọc đi hết chiều dài mỗi Nhịp trường ca, như mỗi nhịp thở sinh học trong chu trình thăng hoa và biến tấu của cảm xúc về vũ khúc giao hoan có mở đầu, đỉnh điểm và kết thúc.

 

Một trong những cấu trúc khác nữa xuất hiện trong tập Bầu trời không mái che là dạng có cấu trúc theo vòng đời: Sinh ra - lớn lên (trải nghiệm, tổn thương...) - già cỗi (suy ngẫm và hối lỗi thành tâm như một lời khấn nguyện...). Cửa Mẫu là một dạng như thế.

 

Dạng cấu trúc thời gian đồng hiện, hay rời rạc, phân mảnh cũng tìm thấy trong tập thơ. Sự rời rạc, phân mảnh này được thể hiện qua đơn vị thời gian, ngôn từ và hệ thống hình ảnh xuất hiện. (Người đã khuất bỗng về trong hoa nở/... Chợt nhớ mùa nước lớn ngập tràn hang dế). Nhịp V- Hình đám cỏ (Bờ vai em bức tượng ngày xưa/ Anh giấu kín ngăn sách/ Cây cầu bắc qua tháng ngày/ Nơi lũ trẻ giữ bao bí ẩn). Bài Cốm hương (Cốm non lãng đãng sương giăng cho đến đêm ái ân lặng phắc ngọn đèn), Nhịp I, VI (Động rộn sương đêm/ tổ chim hơi thở ban mai, Bông hồng sớm nay anh thấy)

 

Bầu trời không mái che, lộ thiên nhiều đỉnh nhọn chỉ nơi cao nhất, hay nhiều dạng sự vật có thể làm nên “đỉnh”, hay chăng đó cũng chính là “đỉnh” của cảm xúc. Cửa Mẫu có đỉnh ngọn hải đăng, Mùa trăngĐỉnh gió,  Hình đám cỏ có đỉnh vách núi dựng đứng, đỉnh ngọn sóng sắc nhọn, đỉnh cánh buồm, đỉnh đền đài cao vút, núi non sừng sững, đỉnh của giờ tái thế... Mỗi người đọc khi tiếp nhận văn bản đã hoá văn bản thành một tác phẩm văn học khác nhau. Có thể, họ sẽ lấy cách lý giải về “đỉnh” bằng yếu tố môi trường, cuộc đời, miền đất, nơi nhà thơ sinh sống; hoặc giả giải thích bằng biểu tượng: đỉnh mà cuộc cách tân thơ của nhà thơ phải vượt qua; hay đơn giản hơn chi là đỉnh của những sự vật hiện tượng mà tác giả nhìn thấy rồi phản ánh lại với sự cố gắng chính xác nhất. Riêng trong bài viết này, “đỉnh” ở đây được hiểu như “đỉnh” của cung bậc thăng hoa cảm xúc.

 

LỜI KẾT

 

Tập thơ Bầu trời không mái che được sáng tạo từ tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, vốn sống phong phú đầy trải nghiệm và chí hướng cách tân táo bạo của nhà thơ. Mai Văn Phấn đã ghi dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của mình, góp phần vào quá trình cách tân thơ Việt đương đại. Thơ ông đã tạo nên một từ trường về cái Đẹp của cuộc sống, thiên nhiên, con người. Đó là những khoảng khắc độc sáng và tinh anh, mỏng manh vừa tinh khiết nhất trong sự chuyển động của diễn trình phồn sinh và hoá sinh và hoá giải không ngừng làm nên cái Đẹp trong Bầu trời không mái che. Bầu sinh quyển rộng lớn và thoáng đãng luôn sinh tụ nghĩa mới, làm nên cái Khác với cái khác đã cũ.

 

Tuy nhiên, việc tìm thấy cái Đẹp tiềm ẩn trong thơ ông cũng không phải là chuyện dễ dàng. Đó, một phần do sự cách tân/ cuộc vượt thoát quá nhanh để tìm đến một cái Đẹp Khác trong thơ của ông, khi tầm đón đợi chưa chạy về kịp với  thời gian. Bầu trời không mái che hay những tác phẩm của ông, vẫn còn đó những quặng tầng cần người khai mở để cùng với thời gian, cái Đẹp, cái Khác lại xuất hiện./.

 

TP. Hồ Chí Minh, 20/8/2014

N.T.B.P

 

 

THƯ MỤC THAM KHẢO

  1. Nguyễn Quang Hà, 2012, Một số cách tân nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn, http://maivanphan.vn.
  2. Nguyễn Đăng Mạnh (chủ biên), 2002, Lịch sử văn học Việt Nam tập 3, Nxb ĐHSP.
  3. Mai Văn Phấn, 2013, Bầu trời không mái che, Nxb Hội Nhà văn.
  4. Mai Văn Phấn, 2013, Những hạt giống của đêm và ngày, Nxb Hội Nhà văn.
  5. Mai Văn Phấn, 2011, Thơ tuyển Mai Văn Phấn, Nxb Hội Nhà văn.
  6. Mai Văn Phấn, Vẻ đẹp và quyền năng thơ ca, (Báo Văn Nghệ 2/2012).
  7. Mai Văn Phấn, http://maivanphan.vn
  8. Lộc Phương Thuỷ (chủ biên), 2007, Phê bình Lý luận văn học Thế giới, (tập 1,2), Nxb Giáo dục.
  9. Đỗ Lai Thúy, 2012, Thơ như là mỹ học của cái khác, Nxb Hội Nhà văn.


(Bản tác giả gửi maivanphan.vn)





 

 


Bìa tập thơ Bầu trời không mái che (Nxb. Hội Nhà văn), 2010. Họa sỹ Nguyễn Quang Thiều



Bìa tập thơ Bầu trời không mái che/ Firmament without Roof Cover (Nxb.Hội Nhà văn)
tái bản lần 2 bổ sung bản Anh ngữ, 2012.
Họa sỹ Lê Đức Lợ
i



 

 

Bìa tập thơ Firmament Without Roof Cover (Nxb. Page Addie Press - Anh quốc) 
tái bản lần 3 bản Anh ngữ, 2012. Họa sỹ Bruce Blanshard








Bìa tập thơ Bầu trời không mái che/ A Ciel Ouvert (Nxb. Hội Nhà văn) 
tái bản lần 4 bổ sung bản Pháp ngữ, 2013. 
Họa sỹ Lê Đức Lợi




 

Bìa tập thơ Bầu trời không mái che/ A Ciel Ouvert (Nxb. Page Addie Press)
tái bản lần thứ 5, song ngữ Việt- Pháp, 2014. Họa sỹ Bruce Blanshard








     

     

     

     

     

    BÀI KHÁC
    1 2 3 4 5  ... 

    image advertisement
    image advertisement
    image advertisement




























    Thiết kế bởi VNPT | Quản trị