Thơ Mai Văn Phấn tái sinh trong ánh sáng (phê bình) - Lương Kim Phương

Thơ Mai Văn Phấn tái sinh trong ánh sáng

(Đọc tập thơ “Vừa sinh ra ở đó” , Nxb. Hội Nhà văn VN, 2013, của Mai Văn Phấn)

 

 

Đêm Cô Tô - Thơ Lương Kim Phương

 

 

Lương Kim Phương

 

Tôi chưa từng vẽ bức tranh mà tôi muốn vẽ

                                                                                    Picasso

 

Lao động nghệ thuật bền bỉ và mê mải của Mai Văn Phấn với thơ đã khiến người ta kinh ngạc trước khả năng sáng tạo của anh. Năm 1992 Mai Văn Phấn công bố tập thơ đầu tiên mang tên Giọt nắng. Đến năm 2013, sau 20 năm, 10 tập thơ nữa ra đời. Sau tập thơ thứ 10 Hoa giấu mặt (Nxb. Hội Nhà văn, 2012), năm 2013, song hành với việc liên tiếp cho xuất bản, tái bản tại Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc và các nước châu Âu; đồng thời trên mạng phát hành sách của Amazon các tập thơ song ngữ: Firmament without Roof Cover (Bầu trời không mái che), Out of the Dark Out of the Dark (Buông tay cho trời rạng), Seeds of Night and Day (Những hạt giống của đêm và ngày), thì tập thơ mới, tập thứ 11 mang tên Vừa sinh ra ở đó của anh được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành (2013). Cho đến nay, rất ít nhà thơ Việt Nam có được thành công lớn như vậy. Nói như nhà văn Bão Vũ, “Hiện tượng Mai Văn Phấn không thể coi đó là “cơ duyên” như người ta thường nói, mà cần gọi đúng tên thật của sự việc: Đó là tài năng.” Phải, tài năng, chứ không phải là sự may mắn mà ta thấy trong lĩnh vực thương mại hay thể thao.

Không ít nhà thơ khi đã đạt được những thành công nhất định thì gần như chững lại trong sáng tác, thậm chí giật lùi. Mai Văn Phấn không vậy. Mỗi tập thơ của anh là một nỗ lực chuyển động không ngưng nghỉ, không lặp lại mình, không tự mãn, dẫu rằng đó là một thử thách nghiệt ngã của người nghệ sĩ để không sống quá lâu trong cái bóng cũ. Nếu Bầu trời không mái che là khoảng không mở ra vẻ đẹp cuộc sống tự nhiên, phồn thực, sinh sôi; nếu Hoa giấu mặt là sự ngừng lắng, tinh lọc cần thiết để cảm nhận cái đẹp chốn thung sâu thì 18 bài thơ trong Vừa sinh ra ở đó của anh lại có thể lay động người đọc bởi một ý niệm: con người liên tục được tái sinh, hồi sinh, được sinh ra từ những vẻ đẹp bình dị quanh mình.

Chữ hối thúc chữ, câu mải miết câu. Có nhiều lúc dường như anh không đuổi kịp các ý nghĩ nghẹn trào với những ngôn từ mang khả năng sinh nghĩa rất lớn. Tự thân những ngôn từ với những hình ảnh phong phú đã làm nên một đời sống đa dạng trong thơ anh chứ không đơn giản làm phương tiện chuyên chở tư tưởng của thi sĩ. Một số bài thơ có hình thức phân đoạn cũng liên tục thay đổi. Lúc thì đánh số thứ tự các khúc thơ (Tỉnh dậy trong mưa, Tĩnh lặng), lúc thì các phân khúc ấy được cách nhau bằng dấu *, @ (Quang phổ, Giấc mơ cây). Việc phân khúc thơ ấy không mới nhưng nó thể hiện ý thức của Mai Văn Phấn. Anh bơi trong dòng chảy mạnh, từ khúc lưu này rồi ngoặt sang khúc lưu khác một cách vừa thuần thục vừa ngỡ ngàng. Xin được trích lược một phần các phân đoạn trong bài Tĩnh lặng để thấy rõ điều đó:

Tĩnh lặng

......

28.

Lúc hoàng hôn

Có thể hừng đông

Con chim biển

Đậu trên chiếc cọc chắn sóng...

 

Tôi quán tưởng

Mình đi trên biển

Không để lại dấu chân

 

29.

Lối lên bờ

Doi cát

Những vỏ sò

Cúi đầu trong sóng vỗ....

....Cơ thể tôi ở giữa

Là chiếc lõi

Hạt đắng

Của một trái ương

.......

 

32.

Một phiến đá nhô lên

Thân vùi xuống hố

... Võ sĩ rút gươm khỏi vỏ

Khi cánh chim vẽ hết bầu trời

Lòng đất thấm sâu phiến đá

Người biến thành than khi nhớ nhung

.......

 

Rõ ràng, sự chuyển động của các phân khúc khiến thi ảnh trong thơ Mai Văn Phấn ngập tràn và không ngừng sinh sôi: bóng tối, hoàng hôn, biển cả, doi cát, dòng mương, vườn cây, cánh bướm, bông hoa, bầu trời, phiến đá, võ sĩ, cánh chim, lòng đất, con người... Ngôn từ và các tứ thơ liên tục được sinh ra. Đoạn khúc này ra đi như con chim cất cánh, chim nở trứng, rồi cắn vỏ của nó, lại chim non ra đời, ngỡ ngàng, chíp chiu, run rẩy vô cùng.

Có người đã không chấp nhận những câu thơ kiểu đó, không thừa nhận sự phong phú đó, cho rằng thơ không thể bày ra những hình ảnh, những sự vật  theo lối liệt kê ngẫu nhiên như vậy. Nhưng thực ra đó là phương pháp biến ảnh, lập thể hóa, khiến ta có thể nhìn thấy nhiều hình ảnh một lúc như kính vạn hoa, và đó chính là thủ thuật ”nhất bộ nhất biến” trong nghệ thuật bài trí kiến trúc và sắp đặt tiểu cảnh...

Khát vọng mang đến cho người đọc cảm quan tái sinh được Mai Văn Phấn thể hiện bằng một giọng thơ thuần khiết, trong sáng. Không còn bị câu thúc bởi những chủ nghĩa, trường phái, kĩ thuật đổi mới thơ, anh say mê nói bằng một giọng thơ thuần Việt giản dị. Cái Tôi chủ thể trong thơ Mai Văn Phấn ở tập này thực sự dấn thân vào thiên nhiên. Đọc Vừa sinh ra ở đó, người ta có thể choáng ngợp trước một thế giới hình ảnh, trước những bức tranh thiên nhiên với vẻ đẹp thuần khiết hiển hiện từ những câu thơ. Từ bông hoa bé nhỏ, tơ nhện giăng, thân cây đục rỗng, đàn vịt lội, mùi hăng sữa cỏ, hạt cây rụng, đáy hồ lặng im đến lứa đôi "dìu nhau đi xem ban mai", đến hình môi đức Phật (Tỉnh dậy trong mưa, Tĩnh lặng). Bức tranh cuộc sống ở đó thấm đẫm sự trong lành, tinh khôi, mới mẻ dù là cụ thể hay trừu tượng. Song nó hấp dẫn người ta ở chỗ, thi sĩ đã là một phần trong bức tranh đời sống ấy. Tập thơ Vừa sinh ra ở đó của Mai Văn Phấn khiến tôi nhớ tới câu nói của J. Sartre: "Nghệ sĩ không mô tả những phong cảnh đẹp mắt; y là một diễn viên. Điều mà nghệ sĩ phải hướng đến là sự vận động của toàn thể mà y chính là một thành phần". Ở đây, cái Tôi chủ thể đã thực sự là con người của thiên nhiên. Vùi thân vào đất thành cây mận trắng, thành hạt nhân bùi, thoát lên thành ánh sáng lung linh mang bình minh đến... là những cảm giác lạ trong nếp nghĩ Mai Văn Phấn mang đến cho người đọc:

 - Anh là cây mận trắng trong mưa xuân se lạnh, càng quay quắt nhớ, hoa càng trắng muốt... Mùa hoa lộng lẫy đến nghẹn thở. Em đi đừng e ngại làm đau mặt đất, dù những cánh hoa mong manh sẽ rụng.

(Mùa hoa mận)

- Nhắm mắt anh hình dung quả chín rụng vào cơ thể, nước quả óng vàng loang chảy, ấp ủ anh thành hạt nhân bùi trong ruột mát thơm. Tưởng tượng em nhặt anh lên, hít hà, cắn ngập vào lớp vỏ mịn... Chờ mưa phùn gieo anh nơi đất ẩm.

(Giấc mơ cây)

- Thân tôi dát mỏng, sáng lên từng vạch nối, những hình thoi, elip, khối vuông... Áp lực biển vỗ vào thân thể.

(Quang phổ)

- Tôi lặng yên làm cát đá

Ngây ngô trong mưa nắng

Bóng đêm trinh bạch

(Tĩnh lặng)

Con người là một phần của tự nhiên, là lẽ đương nhiên. Nhưng với Mai Văn Phấn, con người sẽ như Vừa sinh ra ở đó khi nghĩ mình đang là hoa cỏ, cây xanh, ánh sáng, cát đá, dòng nước... vừa được sống hồn nhiên, bình đẳng, thơ ngây như đang trở về với tuổi thơ của nhân loại. Con người không giản đơn là giao hoà với thiên nhiên một cách thông thường mà vùi sâu, biến hoá thành nó, ngỡ mình đang là thiên nhiên ngay trong từng suy cảm, giấc mơ, nếp nghĩ. Triết luận vừa tự nhiên vừa đậm chất Thiền ấy đem đến ánh sáng của niềm tin yêu, hi vọng về cuộc sống tiếp nối. Thiền trong tập thơ này không phải là Thiền tĩnh mà là Thiền động. Cho nên, nhịp thơ, mạch thơ tuy nhẩn nha, chậm rãi, thong dong nhưng vẫn hướng đến cảm thức về sự sống sinh sôi, nảy nở.

Không phải ngẫu nhiên ở tập thơ có sự lặp lại nhiều lần từ "ánh sáng". "Ánh sáng" lặp lại 12 lần trong Quang phổ, "ánh sáng", "quầng sáng" lặp 13 lần trong Tĩnh lặng, và"luồng sáng", "sáng loáng" lặp 4 lần trong Buông tay cho trời rạng. Đọc thơ anh, người đọc được tạm quên thế giới hỗn độn, khốc liệt ngoài kia để thanh lọc mình trong những trí tưởng, trong ánh sáng của ban mai, của cảm niệm. Những tứ thơ về ánh sáng từ một bông hoa Yên Tử, từ bông cỏ may đỉnh đồi Nơi cội nguồn thế giới, từ những mảnh thiên thạch hay một con đường lát đá khi Buông tay cho trời rạng, từ trang sách hay chiếc cột thuỷ tinh trong Tĩnh lặng đều cho thấy sự thiêng liêng, trong ngần của niềm trân trọng vẻ đẹp cuộc sống mà nhân vật trữ tình đã thốt lên như một triết lí sâu sắc:

Vậy từ nay tôi tiết kiệm và tàng trữ ánh sáng, gom nhặt và đầu cơ ánh sáng, tích luỹ và khúc xạ ánh sáng, nâng niu và giành giật ánh sáng, tôn kính và giấu bớt ánh sáng, thanh sạch và vươn trong ánh sáng... (Quang phổ)

Vừa sinh ra ở đó khởi thuỷ trong tâm thức muốn nâng niu, gìn giữ, tái sinh và vươn lên trong ánh sáng tự nhiên như mầm cây. Con người sẽ liên tiếp được tái sinh, được sinh ra từ những điều vô cùng bình dị. Thơ ca cũng được sinh ra ở đó.

Thơ Mai Văn Phấn đã tìm thấy chặng đi mới từ đó mặc dù có điều người ta băn khoăn: Khi đã có cái đỉnh thơ của mình, liệu rằng cứ cố xếp vài hòn đá lên góc nhọn ấy, có nên thêm nữa không. Trước thử thách như thế, buộc anh liên tục phải tự thay đổi, đem đến những độc đáo trong cá tính sáng tạo và phong cách thơ đã định hình của mình. Điều đó không dễ chút nào. Nhưng đó là câu chuyện của người làm thơ. Còn người đọc, nếu lắng mình với thơ Mai Văn Phấn ta có thể nhận ra tiếng sáo mục đồng trong trẻo lẫn trong làn hương hoa cỏ dại.

Suốt hai mươi năm mê mải nhọc nhằn, Mai Văn Phấn đã không hề cũ đi. Thơ anh luôn mới mẻ như luôn được tái sinh. Giống như trong thần thoại, chim phượng hoàng tái sinh trong ánh lửa đỏ và than hồng như phép luyện sinh để trở thành mạnh mẽ, tươi mới, rực rỡ hơn.

           

Hải Phòng, 11/2/2014

L.K.P    



(Nguồn: vanvn.net)

 

 

 

Tác giả: Mai Văn Phấn | ebook KOMO

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị