Thi ca - Hội họa -Tình yêu -Tình dục (phê bình) - Phạm Ngọc Lân

THI CA - HỘI HỌA -TÌNH YÊU -TÌNH DỤC

POESIE - PEINTURE – AMOUR - EROTISME

(Đọc tập thơ "Bầu trời không mái che", bản Pháp ngữ "A Ciel Ouvert"
của Bùi Thị Hoàng Anh và Jean-Michel Maulpoix)

 



 


maivanphan.vn: tôi vừa nhận được bài viết của tác giả Phạm Ngọc Lân cùng mail của dịch giả-tiến sỹ Bùi Thị Hoàng Anh, được biết, một độc giả người Pháp gốc Việt đã đọc tập thơ "Bầu trời không mái che" của tôi cùng bản Pháp ngữ "A Ciel Ouvert" của Bùi Thị Hoàng Anh và Jean-Michel Maulpoix để viết bài bình này. Đây thực sự là niềm vui, hạnh phúc của người cầm bút gặp được người đọc đồng cảm, sâu sắc và ân tình. Tôi gửi tới tác giả Phạm Ngọc Lân lời cảm ơn trân trọng và xin được chia sẻ niềm vui này cùng Quý Bạn đọc. MVP

 

 

Phạm Ngọc Lân

 

Với bài thơ Cửa Mẫu, Mai Văn Phấn đã mở cửa một thiên đường huyền bí: loài người như trẻ sơ sinh trên trái đất, lẽ sống là con đường chông gai trước mặt; đồng hành là giọng nói thì thầm của người mẹ:

"Mẫu nâng niu con ánh trăng

...

Giọng nói rất gần

Dưới bình minh con hãy lột xác..."

Mai Văn Phấn sinh ra trong một thế giới chỉ có hai màu đen và trắng như trong bức tranh Guernica của họa sỹ Pablo Ruiz Picasso vẽ năm 1937: với viễn cảnh chiến tranh chết chóc:

"Vũ trụ choàng áo đen lên con...

... bàn tay trắng máu đen lưỡi trắng... nước mắt đen lưng trắng vành tai đen lọn tóc trắng mồ hôi đen..."

Gia tài mẹ chỉ có: "lời nói thì thào”... kể chuyện đồng giao... và lời kinh Phật "bao dung mắt nhìn...". Mai Văn Phấn kể về Mẹ với sự trân trọng, thánh thiện.

Cửa Mẫu tượng trưng cho sự sinh sôi, phát triển. Người Mẹ là nơi sáng tạo ra thế giới:

"cho ta nhìn hướng bầu trời mở đôi cánh...", để khám phá thiên nhiên và tình yêu: hai chủ đề mà trong tập thơ Mai Văn Phấn tả thiên nhiên đầy thẩm mỹ và lạ lùng, tả tình yêu mãnh liệt và điên cuồng!

Nếu như Vassily Kansdinsky họa sĩ trường phái trừu tượng Nga khi ngắm tranh Claude Monet, (nhân dịp triển lãm tranh phái ấn tượng năm 1895 ở Moscou) gây ấn tượng như nghe nhạc giao hưởng của Wagner, thì ngườì đọc thơ của Mai Văn Phấn có cảm giác được xem những bức tranh đầy màu sắc của Monet, Gauguin, Matisse, Boudin...

Mai Văn Phấn sống ở thành phố cảng Hải phòng, nơi giao lưu giữa trời mây, núi non và biển cả vịnh Hạ Long... Sự tiếp xúc ấy cho anh những hứng cảm vào thơ chăng? Bãi biển, con tàu, chim hải âu, hoa cỏ, thiên nhiên hùng vĩ... Ánh sáng mặt trời, mặt trăng phản chiếu sắc màu lóng lánh trên mặt nước sông, nước biển, bầu trời... đã cho Mai Văn Phấn những mảng màu chấm phá như pháo hoa nổ trên từng bài thơ.

Hứng cảm của Mai Văn Phấn giống như những lời tự thuật của Monet, Boudin: xúc cảm cho những nét bút màu trên tranh vẽ, đến từ ánh sáng Địa Trung Hải như kim cương, đá qúi..., đến từ những gào thét trên không, sóng đập vào ghềnh đá, những gào thét của sấm sét, mây mưa trên bầu trời.

Boudin chuyên vẽ mây được coi là Raphäel của bầu trời, vua của những đám mây... Các bức tranh của Gauguin nồng nặc hơi rượu, khói thuốc lá, thuốc phiện và nước hoa đàn bà... Monet ghi lại ấn tượng bất hủ của một ngàn màu sắc nước sông, nước biển, trò chơi của ánh sáng phản chiếu trên nước, trên mây, trên hoa cỏ và những biến chuyển trong tâm tư người nghệ sĩ lúc ngắm nhìn và họa lại thiên nhiên. Mai Văn Phấn cũng có cùng rung cảm:

"Bóng cây xao động tảng đá lúc râm, lúc nắng

Sắc hoa dại kia sao bình yên mãi đuợc

Đá nhắm mắt an nhiên nước cuốn…”

(Đá trong lòng suối)

Trái bưởi thơm dịu nắng hanh

Thanh khiết chùm hoa mộc

Giữa đất trời ngó sen sau mưa

Da diết nhớ từng vòng cuộn xiết

(Cốm hương)

Hoa cẩm quỳ, oải hương, phong lữ…

Dịu dàng thêm khăn áo mùa thu” 

(Vườn em)

Ngày chói gắt và rạng rỡ

Rũ trên đóa hoa trinh nữ

Dịu dàng khép lại

(Mùa trăng)

Và, Hoa thạch thảo, hoa vông vang, hoa mướp…" (Hình Đám Cỏ), đấy là màu sắc trong thi ca, hội họa.

Còn tình yêu thì sao? Trong thuyết lý của Sigmund Freud: sức sáng tạo là sức sống mãnh liệt của nghệ sĩ nằm trong sự thăng hoa động lực tình dục (Sublimation-Eros). Nghệ thuật cổ đại Hy Lạp ca tụng tình yêu qua điêu khắc hình tượng tuyệt mỹ, tuyệt đối, siêu phàm và thần thánh… Thời Trung cổ là những bức tượng thánh thiện của đạo thiên chúa… Phải đợi đến thời Phục Hưng, với Botticeli, Michelangelo, Titien, Leonardo de Vinci... mới thăng hoa con nguời trong tình yêu, cái đẹp và ẩn dụ tính dục, với hình ảnh giao hoan của thần thánh Jupiter Zeus Eros và Vệ Nữ… Rồi thời Lãng mạng với Eugene Delacroix, Ingres, và sau này, họa sỹ phái ấn tượng với Renoir, Monet, Matisse Picasso thì tính dục tràn đầy trên các tác phẩm hội họa, thi ca… Thân thể người phụ nữ trở thành một vật thể, một đối tượng, một sản phẩm tính dục. Đỉnh cao là họa sỹ Gustave Courbet đã gỡ bỏ hết xiêm y của người phụ nữ trong bức tranh: Origine du monde!

Thơ của Mai Văn Phấn cũng thăng hoa, với vần điệu truyền cảm, bàng bạc lãng mạng như thơ Xuân Diệu, nhưng lại nồng nàn, ẩn dụ nhục cảm như thơ Hồ Xuân Hương. Bài thơ Vườn Em là một ẩn dụ, bắt đầu rất nhẹ nhàng:

"Tiếng chim Bách Thanh tung lưới…

Hoa cẩm quỳ, oải hương, phong lữ...

Mắt em long lánh khắp nơi khép lại...

Anh bước lên vạt nắng,

Một con thuyền ban mai.

Em bảo hãy chờ để khóa chặt cổng”

Khóa chặt cổng có nghĩa gì thế ạ…? Trả lời: như trong bức tranh Khóa cửa (Verrou) của họa sỹ Jean Honoré Fragonard. Bức tranh táo bạo trong bảo tàng Louvre, một cặp tình nhân trước lúc làm tình: ôm nhau vươn lên cùng khóa cửa. Họ chỉ còn lại một mình, với chiếc giường nhung lụa màu đỏ thẫm, vải phủ giường màu trắng tinh khiết, tóc bay xõa, thân hình quấn chặt vào nhau. Khóa cửa là điểm chính, điểm nóng của bức tranh: ẩn dụ cho cảnh làm tình. Bức tranh Khóa Cửa của Fragonard và bài thơ Vườn Em của Mai Văn Phấn có những gợi cảm nóng bỏng tương đồng. Nếu nhìn kỹ hơn thì trong tranh Fragonard, trên bàn ngủ có một quả táo: trong truyện huyền thoại: Eva dụ Adam ăn quả táo cấm, sau đó bị thiên chúa đuổi khỏi vườn địa đàng. Trong thơ Mai Văn Phấn hai người tình khóa cửa vườn địa đàng để yêu nhau!

Tình yêu là một bản trường ca bất tận, trải qua mọi thời đại. Mai Văn Phấn lắng nghe thiên nhiên và người yêu trong mọi cung bậc, dịu dàng và thăng hoa, quyến rũ và hoang dã, cuồng nộ như thần gió thời thiên khai vũ trụ, với bài thơ Đỉnh gió:

"Nhoài lên mỏm đá sắc...

Núi cuốn nụ hôn lên cao…

Vò nát.

Xé toang thân gió.

Những nụ hôn chồng xếp cao hơn.

Gió cuồng nộ cuộn lên đỉnh khác…

Gió níu chân tay đất dịu dàng

Lao xuống vực…

Mắt gió cuốn Anh vào Em…

Ngoài kia những vòm lá rối.

Lay giật tả tơi cho đã cơn hưng phấn điên cuồng

Cơn ức chế thèm khát."

Đàn ông ai cũng muốn đóng vai thần gió trong bài thơ này! Tuy nhiên, thơ Mai Văn Phấn vẫn phản ảnh cuộc sống thực tế với những ưu tư lo lắng hàng ngày, những sản phẩm của thời đại: công việc, biểu quyết, xe hơi, tầu hỏa, điện thoại, rượu sâm panh, lướt ván, nhắn tin điện tử, người mẫu bước đi chữ nhất, chữ bát... và thời gian dục dã đi qua… : "Anh nghe Em cất đi cuốn sách/ Chiếc đồng hồ tự trôi…".

Một biểu tượng trong tranh của Salvador Dali: “la persistance de la mémoire “ mà công chúng đặt tên: Đồng hồ tự trôi. Đó là hình ảnh một Đồng hồ chảy mềm ra trên tảng đá. Dali đưa chúng ta vào thế giới siêu thực, về thời gian biến mất, trôi đi, thời gian là phù du, đối áp với thiên nhiên vĩnh hằng được biểu hiện là tảng đá. Đali qua bức tranh bất hủ đã biến vô hình siêu thực (thời gian) thành hữu hình (đồng hồ tự trôi).

Thơ Mai Văn Phấn đã thăng hoa tình yêu trong thời công nghệ hiện đại: “Tiếc nuối cát/ thèm chôn vào cát”. Tình yêu của giới trẻ như “Đôi sẻ nâu vội vàng giao hoan chớp mắt…

Tín điệp của Mai Văn Phấn huyền bí trong thơ: Hãy sống hết mình cho lúc này. Đời như một bài thơ.

Paris, tháng 2 năm 2014

P.N.L




Outlet Sales :: Sách Quốc Văn :: Văn Học :: Bầu Trời Không Mái Che (Song  ngữ Pháp-Việt)






 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị