“Bầu trời không mái che” của Mai Văn Phấn (phê bình) - Lê Vũ

“Bầu trời không mái che” của Mai Văn Phấn

(Đọc tập thơ “Bầu trời không mái che” của Mai Văn Phấn - NXB Hội Nhà Văn 2010)

 


 

Lê Vũ

 

 

 

Thơ là thẩn vậy tro than(1). Chỉ là thơ thẩn với tro than nhưng nhà thơ vốn nặng nợ, cái nợ chữ nghĩa. Mai Văn Phấn (MVP), với tập thơ thứ chín “Bầu trời không mái che”, quả thật, đã cháy đến kiệt cùng trong nỗ lực nhận diện mình. Ở đây, không phải vấn đề số lượng tập thơ xuất bản nhưng là bước vượt lên chính mình, bỏ lại sau lưng những hiện đại, hậu hiện đại Vách nước, Hôm sau, và đột nhiên gió thổi…”,  là hành trình vươn về phía truớc trên đường bay của tâm linh và ngôn ngữ. 

 

Ba phần, mỗi phần chín nhịp, cấu trúc tập thơ trải ra thượng trung hạ và phải chăng Cửa Mẫu là cõi Trời, Mùa trăng là cõi Đất, và Hình đám cỏ là cõi Người? Thiên địa nhân, tam vị nhất thể, còn số 9 là cửu cửu biến thiên gồm động/ tĩnh/ và mao mạch của cơ thể… thơ?

 

* * *

 

Với tôi, thơ là bí ẩn của những khoảng lặng và nỗi kinh ngạc, những phi lý. “Cửa Mẫu” không mở ra với bàn thờ nhang khói, bóng đồng nhập nhòa, những nghi tiết thờ phụng của Đạo Mẫu nhưng mở cửa sinh thành trong khoảng không vô cùng, trong vĩnh cữu thời gian. Khoảng không đó là tầng mây mưa nguồn, mặt trời đáy nước, hơi nước bến sông, ngọn khói biển sương… Một vỗ cánh, một quạt gió, một bật lá mầm đã đánh thức vũ trụ cũng bày biện nguyên sơ huyền diệu. Con bơi qua sông, nòng nọc đứt đuôi là hiện thể đột hiện và biến của càn khôn. Ta tìm thấy chính ta:

 

Con sơ sinh trên đất/ Bơi qua sông con nòng nọc đứt đuôi

Tập vỗ cánh, quạt gió vào lòng tổ/ Bật lá mầm bay đi thênh thang

 

Và hiện thực mở toang kinh ngạc, hoa nở người về, rùng mình chạm bến bờ và choàng tỉnh.

 

Hơi thở, cơ bắp chắc, lá reo…/ Người đã khuất bỗng về trong hoa nở

Con rùng mình một bến bờ / Mặt nước nghẹn nơi không sóng vỗ

 

Hoa với người xô vào nhau, cơ bắp và lá reo… Không, thơ không mộng du du nhưng là tâm thức hướng về bản thể hồn nhiên của vũ trụ sao bay buổi đầu chạng vạng. Mẫu & con, người về & bến bờ… tất cả là những ký hiệu của thế giới thực mà ảo, thực trộn với phi thực. Cả sương, giọt thủy âm tinh khiết của trời là biểu thị nguồn sống đầu tiên và tốt lành để hớp cạn.

 

Như trườn qua cơn chạng vạng/ Rút dần cơ thể khỏi lớp vỏ bọc

Con hớp những giọt sương

 

Mắt tập định hình, phân biệt vật với người, màu sắc và bóng tối, những công việc không giống nhau.  

 

Nhìn hướng bất kỳ/ Như tập nhìn lên bảng/ Học cách phân màu/ Đánh vần chữ cái/ Đây ngã tư trắng/ Mặt đất, mặt biển trắng/ Cụ già, chiếc ghế, thiếu phụ trắng/ Viên thanh tra, người nông dân màu trắng

 

Mắt là tín hiệu đầu tiên của gặp gỡ, là khởi điểm của nhận thức nhưng mắt hiểu như một giác quan là không đủ. Cần, vẽ thêm “con mắt thứ ba”, con mắt của thị kiến, của tuệ cảm.   

 

Hướng khác vẽ thêm con mắt/ Mắt muông thú hay mắt người

Viết dòng chữ vào ô trống còn lại.

 

Thơ rơi nghiêng về nẻo tâm linh. Hiện thực chuyển động theo những con đường bí mật nên một ô trống, cái màu trắng của ngã tư, của cụ già… là những mật mã mở ra nhiều phương vị tương tự những làn sóng điện từ chồng chéo đan xen. 

 

Con ếch (2) của thiền sư Baso với âm vang của bước nhảy vào ao cũ đã thức động những chân trời, “con” cũng liễu ngộ những chấn động của làn gió trên bờ sinh tử.

 

Cơ thể cha tựa sông cạn, củi khô, hạt lép

Chùm quả nặng đung đưa gió mạnh      

 

Và sinh tử mơ hồ, nguyện cầu như một phương thức để đốn ngộ khi vũ trụ ê hề bóng tối những máu đen, vành tai đen, nước mắt mồ hôi đen:

 

Vũ trụ choàng áo đen lên con /Chỉ hở đôi mắt cầu nguyện

 

“Lầm rầm con vẫn nghĩ… bàn tay trắng máu đen lưỡi trắng nước mắt đen lưng trắng vành tai đen lọn tóc trắng mồ hôi đen…”

 

Mặt khác, sống thường xuyên chạm mặt với bao lực hỗn loạn, cái Hình bản đồ rách nát/ Hay xác chết nửa dơi nửa chuột?  nên “con” cũng lắm nỗi bất an, phải tự trang bị phòng thủ: đặt bàn chông, mài con dao.

 

Từ nguyên sơ, thơ lại quay về điểm mặt thế giới bộn bề hôm nay. Các chiều kích trật tự không thời gian đã bị MVP đảo lộn và hiện thực cũng bị tháo tung từng mảnh và nhà thơ ráp lại theo dòng ý thức của mình tìm về bản thể với cội nguồn.  

 

 “Cửa Mẫu” đã thị hiện không phải “anh/ tôi” mà “con”, một danh xưng khiêm cung trong cái ngước nhìn kính yêu ngưỡng mộ Mẫu, biểu tượng của sinh thành và không khí thơ ở đây nghe ra u u tịch tịch trong hoa quả, lửa đèn, âm dương chén nước, nghe mơ màng huyễn hoặc với chín phương gió, mười phương mây, nghe nguyên sơ huyền diệu với bình minh và bóng đêm, sấm to và những chân sóng, nghe dờn dợn bí ẩn trong những dịch chuyển bò trườn, những xác chết lũ dơi, bầy chuột… Gạt qua một bên lớp vỏ ngôn từ và thi ảnh, hiện thực bày ra quá trình sinh thành và hủy diệt huyền nhiệm của trời. “Con” từ trần trụi đã lột xác, sống và chiến đấu trong mối quan hệ với thiên nhiên, với đồng loại để tồn tại. Khép lại “Cửa Mẫu” vi diệu là bài tụng ca trống chiêng bát bửu/ mở hội long đình/ múa hát cao xanh lầm thầm dâng lên trời tấc lòng thành kính.

 

‘’Cửa Mẫu’’ đẹp, không phải cái đẹp cổ điển của Đường Thi hay Haiku trong trong phác vẻ miêu tả mà là cái đẹp của tâm linh, của lớp lớp hình ảnh chồng lên nhau thể hiện tâm thức người đương đại trong hoặc nghi, phân vân, cả niềm sùng bái. “Cửa Mẫu” dắt tay ta về buổi ban đầu để hoác ngộ cái như nhiên như là trong một không gian đặc thời gian nhầm lẫn. Có thể giật mình, vui cười hay bi ai thống khổ, ngại ngần…, đó là quyền thụ hưởng của người đọc. “Cửa Mẫu”, do vậy, là một văn bản mở và là tiền đề, bước khởi động của “Bầu trời không mái che”, một mênh mông ê hề gió, nắng, chim và sao bay .Và thi sĩ, “đứa con” được sinh thành lặng lẽ đi qua vầng mặt trời đáy nước/ Nhìn hướng bầu trời mở đôi cánh.

 

 

* * *

 

Bước về cõi Đất (Mùa trăng), thơ không còn mờ & hoặc nhưng tưng bừng sáng với xuân thu, với trăng, hoa, chim muông, bướm vàng. Cả một đá tảng cũng thức dậy, mùa xuân:

 

Mùa Xuân đấy sao? /Dây hoa leo đường mòn

Tiếng chim dội xuống róc rách (Đá trong lòng suối)

 

Và MVP yên lặng ngày, không phải yên lặng để chìm trong nỗi buồn nhưng để bừng sáng và nghe tiếng hót của chú chào mào đâu đấy:

 

Chẳng cần chim lại bay về/ Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ. (Con chào mào)

 

Rồi mùa cốm xanh về, lòng thi sĩ cùng với heo may dâng lên trời ngan ngát mùi hương:

 

Khăn áo ấy mịn màng da thịt/ Dâng heo may lên trời

Nhịp cốm giã rộn mùa thóc nếp/ Thúng mủng dần sàng vỏ trấu hây hây (Cốm hương)

 

Thơ, tưởng chừng còn lại tấm lòng phơi phới yêu thương, thở hơi trẻ nhỏ, ngọt lừ ngậm lấy đôi môi. Hiện thực cũng không còn bất định và hỗn độn. 

 

Nắng sẽ hanh hao/ Heo may run ngõ nhỏ

Sách mới thơm hơi trẻ thơ / Mía ngọt trào lên ngọn (Thu đến )

 

Mùa trăng” là “vườn địa đàng” để rong chơi và MVP nắm tay ta qua từng ngõ rộn ràng đám mưa bụi, bóng mây với chú bê non chạm lưỡi mềm mặt cỏ, những con sâu nhẫn nại tết vệt trứng óng ả, trái bưởi thơm, lá sen xanh. Và kia là con voọc chà vá chân xám, con nhím xù lông bất động, con ong rạch đường bay, chim bồ câu ra ràng, côn trùng tỉnh dậy, lũ nấm rơm mở mắt, trái bóng tròn vội vã nảy lên, con dế trũi, con ngựa trời, chú nghé…Thiên nhiên được tái hiện bằng những chấm phá đầy nỗi mê hoặc, dịu dàng trong cái nhìn tâm linh sâu thẳm. Tất cả cùng hát ca, hòa nhịp sống bình đẳng và tự do. Muôn loài trùng khít và trùm lên bóng người trong ý niệm ”vạn vật nhất thể”. 

 

Nhưng thiên nhiên rồi cuồng điên giận dữ, quả đất này cũng lắm khi máu me xương xẩu với chiến tranh, dịch bệnh, đói nghèo... nên câu thơ chững lại một the thía nghi hoặc trong cái âm ong óng nhọn sắc:

 

Nhoài lên mỏm đá sắc/ Thân thể gió trầy xước

 Máu của gió là mưa / Nắng nhỏ xuống (Đỉnh gió)

 

Day dứt rồi tan mau khi Mùa trăng lấp lóa và vườn em hoa cẩm quỳ, oải hương, phong lữ… Bỏ đi những cột mốc lấm lem. Thơ tan vào trăng, khúc khích cười nói theo chiêm bao trăng ngời ngợi:

 

Chuỗi thanh âm tràn dâng ngày/ Men theo trăng, cười nói trăng

Nghẹn thở một màu trong suốt. (Mùa trăng)

 

“Mùa trăng” khép lại một niềm tin trong veo đến trong suốt. Thơ dứt khoát một xác quyết: 

Ngày mai mặt đất này/ Và thế giới sẽ đổi khác.

 

Là lập ngôn hay ngọn nến cháy trong tâm thức? Tôi nghĩ MVP không nhất thiết phải “tải đạo”, cũng không khua trống chiêng ầm ào những huấn thị giáo điều. Thơ, một thổ lộ sâu lắng nhen nhúm hy vọng của riêng tư.  

 

* * *

 

Đi qua cõi Người (Hình Đám Cỏ), thơ vội vàng, thơ nao nức tiếng gọi tình. Nếu nhân vật trong Cửa Mẫu là “con” không giới tính định danh, trong Mùa Trăng chỉ là “thiên nhiên vạn vật” thì trong “Hình Đám Cỏ” lại là “Em”, bông sen trắng, đang nhói sáng, vươn trong huệ tưởng.

 

Khúc dạo đầu mở ra hình ảnh thế giới chảy đi trong tâm thức động & chuyển: mi mắt động, sương động, đá xù xì và cá động dục lóe sáng… Tâm đã sinh và tình vọng động nên thơ, bỗng thơm hương hoa trang sách ngày cũ, thánh thót tiếng chim hôm nay, treo những giọt chênh vênh mưa vào tương lai vòm lá: Ngắt vội bông hoa kẹp vào trang sách/ Chim non vươn trên thành tổ/ Chênh vênh vòm lá treo mưa.

 

Nhưng trong độngtĩnh, động tĩnh sinh thành vạn vật nên kìa kìa: Tiếng chim âm u/ Lập loè sáng từng phần cơ thể. Và: Boong…/ Giữa trời một bông hoa cúc. 

 

Trăm năm gắn với một ngày và người, vẫn mê mải kiếm tìm bản lai diện mục của mình, cái ta soi vào khách thể để hiển hiện mình, tiểu ngã quan chiếu với đại ngã nên Em cũng không thể tách rời vạn vật nhưng đồng nhất với thời gian phi, nhập làm một với thiên nhiên hằng hà: con sóng, tiếng chim, bóng mây, đóa hoa, giọt nước… Trên cao em con cá trúng xiên, con chim trúng đạn/ Vũ điệu nhịp nhàng cho nuột nà nở một đoá hoa./ Nước ấm nóng dội xuống mở đầu nghi lễ thanh tẩy/ Anh lăn trơn chuỗi hạt xổ tung…

 

Và cỏ, có úa héo vọt vàng nhưng rồi sẽ tưng bừng xanh, xanh lên tầng mây, xanh dợn chân trời. Những móng vuốt tì chân cỏ bật căng cuồn cuộn/ Cỏ xanh kinh động huỷ diệt càng chồi lên mở lại những chân trời.

 

Vâng! Cây đời mãi mãi xanh tươi(3) và Em nhen nhúm hy vọng, mầu nhiệm cứu rỗi của một chúc phúc tái sinh: Thân dâng/ Hương thơm ngon ngọt/ Con chào mào em/ Khoét rỗng môi anh/ Và vỗ cánh/ Ngậm anh đi gieo hạt.

 

Trong bóng Em, có góc phố, bông hoa, gốc cổ thụ và buổi Lễ Thánh Thể; có tuổi thơ ngôi nhà nhỏ, con sông chảy, mùa cá tôm, đồng lúa chín, ngọn khói khu rừng, cơn giông, tin nhắn màn hình điện thoại, ô cửa nhỏ… Nghĩa là Em có trong tất cả, tất cả cũng là Em. Chữ Tình đã viên thành một tôn giáo diệu kỳ có thể nhập vào & biến cải núi sông trời đất vui buồn trong một tích tắc mắt chớp: Nhìn thời khắc đầu ngày/ Vẽ lên chân trời rẻ quạt/ Mỗi vệt sáng ghi nhớ một việc/ Em chìm trong chiếc quạt khổng lồ./ Chiếc quạt ẩn trong gió thổi/ Lá khô rụng xuống/ Mở đường chim bay/ Cơn giông cuối chiều ập đến.

 

Không gian tình hoán chuyển trên nhiều sắc độ, khi là buổi sáng với trà hương, cánh tay, ngấn cổ và móng chân sơn màu trà: Không gian mở hương trà thơm/ dâng từ cánh tay, ngấn cổ/ Anh nhìn móng chân sơn đậm màu trà. Khi là hơi thở nóng lan âm âm qua dây truyền điện thoại: một hỏi thăm, một dặn dò, một bông hoa phớt tím cánh lá nhỏ, cây bút và đồng hồ tự trôi và nhiều khi, là bóng tối vây quanh, ở đó em là chùm rễ xoắn xít mặn nồng: Trong bóng tối em như chùm rễ/ Lần tìm từng ngón chân anh.

 

Tinh tế và nhạy cảm, MVP ghi nhận những động tác yêu thương bằng những gam màu dịu hoặc, mị mị ảo huyền, như có như không: Ngón tay em làm bơi chèo /Khoảng không quanh ta luênh loang hồ nước/ Xôn xao hàng rào, lối ngõ, tán cây/ Những ngôi nhà xa khuất... Thơ đã thăng hoa ngay trong quá trình hòa nhập hai thành một mà không hề khiêu khích, không hot sex như ai đó vô tình/ cố ý bôi bẩn nhan sắc thơ bằng hoảng loạn trần truồng con chữ gợi dục. Thơ, đã đáp ứng được chức năng thẩm mỹ của nó (fonction esthétique).

 

Ca tụng tình yêu & tình dục, MVP cũng đồng thời ngợi ca tự do, xác nhận thiên đường ở ngay trần thế này, không phải ở đâu khác… Mưa da thịt em mê man sáng láng./ Phởn phơ vũ điệu cỏ cây/ Tự do hét vang cao rộng trời xanh/ Tự do lặng im thèm muốn. Trong tận cùng của chiêm nghiệm, Em là câu kinh nhật tụng ta niệm chín môi bời bời nên thi sĩ, đôi khi, hóa thành thiền sư. Thơ vô âm như một câu kệ sớm mai tiếng chim: Tiếng chim xuyên qua đỉnh đầu/ Vào cơ thể anh lúc đang tịnh độ./ Xua đi cho lòng yên lặng/ Làm sao về được tâm không.

 

Cái “tâm không” đó cuối cùng là “Hình hay là “Đám Cỏ, là rạng đông chìm vào đất chú vành khuyên hay là màu chạng vạng sơn dương ngực mở, là cánh môi dục vọng hay bông hoa cúc, bầu vú căng hay ngọn núi che chiều…?. Câu hỏi treo lên những mật mã, gọi mời một câu trả lời…

 

* * *

 

Bầu trời không mái che”, ba phần chia biệt nhưng là một thể thống nhất trong cái nhìn đậm màu sắc tâm linh của MVP về thế giới mà nổi lên là mối quan hệ giữa thiên nhiên và người, giữa động và tĩnh, giữa sinh và tử, giữa tình và dục. Thiên nhiên sinh thành tạo tác nhưng cũng là môi trường hủy diệt; cái tiểu ngã chan hòa với đại ngã để nhận ra mình; tình yêu thăng hoa trong lạc thú huyền nhiệm. Vũ trụ, hoa cỏ, con người là đồng nhất thể trong một chiêm ngắm, nhập hòa vào nhau trong vô biên và vô cùng thời gian. MVP đã gói lại tất cả ý niệm của mình bằng kỹ thuật đồng hiện, chuyển dịch không/ thời gian: ánh sáng & bóng tối, quá khứ với hiện tại, pha trộn những nhát cắt ngày sống với nhịp điệu đêm nồng nàn… đồng thời chuyển dịch cái nhìn của cái tôi: khi thành kính, khi hưng phấn, khi lơ mơ, khi nghẹn ngào, khi mệt mỏi, lọ mọ chán với buồn, cả ngờ vực sợ hãi, phân  vân. 

 

Những câu thơ 5-6-7- 9 với tiết tấu khi mau khi chậm, vừa miêu tả, vừa tự tình, vừa tường thuật …cho phép mở rộng biên độ thơ đủ để dung chứa những ý niệm tâm linh, vũ trụ hằng hà và cả hiện thực ngồn ngộn của đời sống buồn vui những bất ổn. Giọng điệu trong ba cõi trời, đất và người có màu sắc đậm nhạt khá phân biệt. Không khí “Cửa Mẫu” pha vào chút linh thiêng, hỗn độn, mờ hoặc, không gian của “Mùa trăng” trong suốt đến ngờm ngợp trong khi “Hình Đám Cỏ” lại ngập bờ hoan lạc. Chỉ tiếc, giọng điệu của toàn tập hơi nghiêm túc quá, có thể không phản ánh chính xác những khoảnh khắc đời sống mà đôi khi, chỉ cần tóm tắt trong một nụ cười hóm. Nhà văn Hermann Hess, người “dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này" cũng đã gửi lại nhân sinh một nhắc nhở: “Trong vĩnh cửu thời gian không tồn tại. Vĩnh cửu là một khoảnh khắc dài vừa đủ một câu nói đùa”.

 

* * *

 

Thơ, cuối cùng là “một ngôn đề nhằm vào biểu thức”(4) (un énoncé visant l’expression) và những con chữ như mồ hôi rươm rướm rồi tuôn đầy mặt, ướt bàn tay, chảy vào trời, đổ tràn mặt đất. Thơ như hơi thở, như máu chảy, như ý nghĩ …nhiên nhiên mà thành  ”Bầu trời không mái che”. Do đó, dù  mang tâm thức con người đương đại nhưng gần như, MVP đã thoát ly những trường phái trào lưu, đã nhảy qua cái bóng của hiện đại, siêu thực, lãng mạn với tượng trưng...

 

          Đừng nghĩ đến bước chân/ Vin em mà bước.

 

Không, không có mê lộ. “Những con đường đều dẫn về Rome!” Bằng những con chữ tung tẩy âm sầm chở mây lên gió, chở gió về ngọn cây đám cỏ…, với cảm xúc về huyền nhiệm của hai cực động & tĩnh, của  sinh tử, lẽ yêu thương, MVP đã thổ ra thơ và kiến trúc ”Bầu trời không mái che” trải ra vô biên từ cổ độ thiên thu về tận thế giới phẳng hôm nay, một bầu trời đủ mùi vị đau khổ, hãi sợ, nghi nan mà cũng ngập hân hoan dục lạc của kiếp người.

 

Với ”Bầu trời không mái che”, MVP đã nhận ra mình hay cố tình làm mới mình khi để thơ bước vào cõi tâm linh huyền diệu?   

 

L.V

________________________

 

1- Thơ Bùi Giáng

2- Bài thơ Haiku của Baso

3- Tư tưởng của Goethe.

4- Ý kiến của Jokobson.

 

(http://phongdiep.net)

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị