"Giọt nắng", tập thơ của Mai Văn Phấn (phê bình) - Nguyễn Hữu Điện


"Giọt nắng", tập thơ của Mai Văn Phấn
(Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hải Phòng xuất bản 1992)


Nguyễn Hữu Điện


Trong không khí cởi mở và đổi mới cho thơ, giữa những gương mặt thơ trẻ của Hải Phòng, Mai Văn Phấn đã gửi đến chúng ta
Giọt nắng, những giọt thơ trong trẻo, ngọt đằm, vọng chiếu những âm điệu, sắc màu của sự sống.


Sự sống với màu xanh – màu xanh của đồng xanh, biển xanh, gió xanh, cành xanh, lối cỏ xanh, sắc trời xanh - cả một không gian xanh nâng đỡ và truyền vọng âm thanh những tiếng chào đời, những mùa đi rung cây lá đổ, những nhịp sống dằn dữ và mềm dịu, những sắc độ sáng và tối, ngày và đêm. Sự sống với những giai điệu của tình yêu, tình yêu đôn hậu và nồng nàn như đất, tình yêu cũng tôn kính, huyền ẩn và trang nghiêm như thể chùa chiền, tình yêu có rung động mềm như tơ lụa mà cũng mạnh như cơn lũ vỗ hồn, cũng có thể buồn đến lạnh giá, hoặc vang vọng, bồi hồi như tiếng gọi từ bên kia sông mơ. Sự sống còn là những nhọc nhằn vắt qua đêm lạnh, những nỗi niềm thương thiết, buồn vui giữa cha con, chồng vợ, những quan hệ giữa người đi người ở, những giấc mơ và đời thực, những khát vọng, đợi chờ, và cả bão tố cuộc đời có thể nổi lên từ đáy chén…


Trong thơ anh, sự sống được tiếp nhận với nhiều dạng thức, nhiều sắc độ khác nhau nhưng cùng thấm lọc, ngưng tụ trong sự kết hợp hài hoà giữa cảm xúc, trí tuệ và tâm linh.


Có lúc anh đằm mình vào tâm linh để nhận cảm cho được sự huyền bí, màu nhiệm của thiên nhiên. Nhìn vào thiên nhiên anh cảm thấy có mắt ai thôi miên trong lá, tả tơi rơi sợi nắng bạc vàng. Ngủ quên trong rừng, nắng lọc qua kẽ lá, thấm vào anh như những giọt rượu thần, gió hôn anh và vỗ cánh như thiên thần. Gió, nắng với rừng cây đã đem lại cho anh trạng thái say mỹ, hứng cảm kỳ diệu của tâm hồn. Trong trạng thái ấy, anh cảm nhận được hơi thở của rừng sâu, nghe được cả giấc mơ của loài thú. Chúng cũng mơ thấy em và mẹ, một giấc mơ hiền hậu, ấm áp nhưng cũng thật táo bạo. Ở đây, đối tượng cảm xúc đã được cảm nhận trong quan niệm hoà nhập giữa người và thế giới tự nhiên, một quan niệm có liên hệ với tư tưởng Phật giáo và Lão Tử. Tự nhiên hiện ra như một thế giới thuần dưỡng, hoà hợp với tinh thần hoan lạc của con người, quan hệ giao cảm giữa người và tự nhiên đã được đẩy tới tận cùng. Từ sau ảo giác của tâm linh, bài thơ đã bộc lộ ánh sáng của tư tưởng và trí tuệ.


Về phương diện tạo hình, thơ anh mở cho người đọc những liên tưởng mới từ những hiện tượng, những sự vật đã quen, cảm xúc và cấu tứ được dồn nén trong những hình thức ngắn với những ẩn dụ có hàm nghĩa sâu và cô đọng theo truyền thống thơ phương Đông. Và bởi thế, sự thành công đối với anh chủ yếu ở những bài viết ngắn. Với những bài dài, tuy số lượng không nhiều trong tập thơ, nhưng nhìn chung, ý bị dàn trải. Một đôi trường hợp, vì cố ý tạo cái lạ cho hình thức nên giọng thơ bị “ngái”, hình ảnh thơ dị dạng, nhoà nghĩa, không có khả năng bám vào ký ức. Trong nghệ thuật, cái lạ, cái siêu và cái ẩn… phải gắn liền với cái Thiện, cái Chân và cái Mỹ.


Anh cũng có khả năng tạo nhạc điệu cho cảm xúc. Đọc tập thơ, ta bắt gặp nhiều câu có âm hưởng rộn rã, rung ngân như sự va chạm, hài hoà của nhiều yếu tố, chẳng hạn khi anh viết:

Hồn tôi lung linh hạt nắng

Rơi xuống đồng xanh không cùng


Hy vọng, những Giọt nắng tiếp theo của thơ anh sẽ rộn rã ngân rung những tư tưởng sáng đẹp lấp lánh, và sự đều tay hơn giữa các bài…Hải Phòng, tháng 4 năm 1993

N.H.Đ

(Tạp chí Cửa Biển số 13, 1993)

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị