Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, từ hai phương chiều của ”phép lạ” của thi ca (phê bình) - Khánh Phương

Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn,
từ hai phương chiều của ”phép lạ” của thi ca



 

Khánh Phương

 

 

* * *

 

Tôi không đọc được nhiều thơ Đồng Đức Bốn. Phần vì quan niệm của tôi, thơ lục bát cũng như các thể thơ có vần điệu, âm luật khác, là của một thời đại đã qua, của những trạng thức tâm hồn đã ổn định, ít khi đưa được vào nó những chuyển biến của ngôn từ và tâm thức con người hiện thời. Tức là thơ có vần luật dễ làm nảy sinh những hạn chế trong quá trình phát lộ tâm thức cũng như những chứng nghiệm tâm hồn, tri thức độc đáo, bùng nổ và bỏ quãng so với cái có trước, của con người đương đại. Mà nhà thơ Đồng Đức Bốn là người viết tuyệt đối trung thành với lục bát cùng một số thể thơ có vần điệu âm luật khác.

 

Nhưng với tư cách người yêu thơ và muốn tìm trong thơ những kinh nghiệm hay sáng tạo về ngôn ngữ cũng như sự sống, tôi có thể tìm thấy trong ngôn ngữ thơ của nhà thơ Đồng Đức Bốn những điều hữu ích cho công việc của mình. Tôi thích thơ Đồng Đức Bốn khi ông mới xuất hiện hơn là nửa sau trong toàn bộ chặng đường sáng tác của ông. Nửa đầu của chặng đường là khi ý tưởng thơ Đồng Đức Bốn (ĐĐB) sống động, tinh anh, nó bất chấp hình thức mực thước phôi phai của lục bát hay thơ có vần để nổ ra thành những tứ thơ sắc nét, mới mẻ, không gây cảm giác trùng lặp, nhàm chán. Nửa sau, thơ ĐĐB bị phong toả bởi những motif ẩn dụ bóng bẩy cũ kỹ, ít khi phá vỡ được trường liên tưởng sẵn có của văn học dân gian, và thành tựu của ông dừng lại ở một số câu thơ với liên tưởng nhẹ nhàng, thẩm mỹ hài hoà kiểu:

 

Dáng em thánh thót qua làng/ Tóc thơm làm cỏ vội vàng lên nhanh

                                                            (Khi em ở Thái Nguyên về)

Bây giờ núi đã theo sông/ Anh ngồi uống cả cánh đồng heo may

                                                            (Anh ngồi uống cả cánh đồng heo may)

 

Như vậy, có thể nói tới một kinh nghiệm ở đây: thơ có vần, bao gồm cả thơ lục bát có thể định hình một số trạng thức nhất định về tâm tưởng, cảm xúc, thậm chí tạo ra cả những motif hình ảnh quen thuộc, nhưng không hoàn toàn ép buộc được nhà thơ trong những khuôn khổ đó, nếu bản thân nhà thơ có những ý tưởng, liên tưởng và tưởng tượng vượt xa khỏi cái có sẵn.

 

Vậy nhà thơ ĐĐB đã làm cách nào để thoát khỏi những hạn định của thể thơ truyền thống trong khi thơ ông viết bằng lục bát?

 

Trước hết ông phải là người hết sức am tường những phương thức mạnh mẽ nhất của thi pháp lục bát truyền thống. Có thể kể ra vài đặc điểm như sau: phương thức trùng điệp, liên hoàn của từ ngữ và hình ảnh để tạo hiệu ứng cộng hưởng, vừa khắc sâu (ý nghĩa, cảm xúc), hệ thống hoá đồ sộ, vừa tạo ra khoảng nhoè mờ, lan toả, đa nghĩa:

 

Lời ca khắc trên lưỡi dao/ Bằng tia nắng mọc trên rào còn hương/ Bằng cái nhớ bằng cái thương/ Bông hoa rụng xuống con đường thành hoa

                                                            (Ra giêng anh lại đi tìm)

Em ngồi chải nắng vào trưa/ trong hương bồ kết thơm vừa vừa thơm

                                                            (Mưa gió về đâu)

 

Lối lập tứ bằng ý tưởng hay cảm giác đối kháng:

 

            Chăn trâu đốt lửa trên đồng/ Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều

                                                                        (Chăn trâu đốt lửa)

 

Thẩm mỹ huyền hoặc, kỳ lạ gần gũi với tiêu chí lạ kỳ của ca dao, đồng dao, kịch hát:

 

            Chiều nay hồ Tây có dông/ Tôi ngồi trên sóngkhông thấy chìm

 

Mặc dầu vậy, trong khi văn học dân gian mượn lối trùng lặp, liên hoàn hay quan hệ “đối xứng” như một cách miêu tả sự vật và cảm xúc trong tính vật thể, với liên tưởng gần:

 

Cổ tay em trắng như ngà/ Con mắt em sắc như là dao cau/ Miệng cười như thể hoa ngâu/ Cái khăn đội đầu như thể hoa sen

 

Hay:

 

Thân em như hạt mưa rào/ Hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa/ Thân em như hạt mưa sa/ Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày

 

Cái kỳ lạ trong ca dao, đồng dao, kịch hát… phản ánh tâm trạng thừa nhận cái phi lý, bất thường trong đời sống:

 

Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím/ Em lấy chồng rồi giả yếm lại anh/ Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh/ Yếm em em mặc, yếm gì anh anh đòi

            … Bao giờ cho đến tháng ba/ Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng/ Hùm nằm cho lợn liếm lông/ Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi/ Nắm xôi nuốt trẻ lên mười/ Con gà nậm rượu nuốt người lao đao

            Ba cô đội gạo lên chùa/ Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư

 

Đó là cái kỳ lạ trong phạm vi hình dung thông thường, có khi nó được dùng như một đối trọng để làm sáng tỏ cái thường hằng, hiển nhiên theo nhận thức lý tính (Ngay cả với Truyền Kỳ Mạn Lục, Nguyễn Dữ biên khảo, là tập hợp tiểu thuyết “kinh dị” đầu tiên của văn học Việt Nam, cũng bộc lộ cái nhìn huyền ảo nhất quán, bao quát về thế giới, theo khuynh hướng cảm nhận cái bất trắc, phi lý như với cái thông thường, vốn dĩ, và lúc này cái thông thường có thêm hàm nghĩa bất thường, ma quái, không lý giải được bằng lý tính).

 

Đối với nhà thơ ĐĐB, cả ba phương thức kế thừa từ thơ ca dân gian kể trên được viện đến cùng lúc, xuyên thấm và nhuần nhuyễn với nhau, trong đó cái kỳ lạ thường xuyên ám ảnh và trở thành thẩm mỹ chi phối.

 

Tinh thần lãng mạn trong biểu hiện của cái kỳ lạ:

 

Chăn trâu đốt lửa trên đồng/ Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều/ Mải mê đuổi một cánh diều/ Củ khoai nướng để cả chiều thành tro

 

Lãng mạn không phải như một thứ ảo tượng vô cớ để trốn tránh thực tại. Lãng mạn là nhu cầu có thực và kiểu tâm thức chi phối hoạt động sáng tạo văn chương, nếu không có nó sẽ không có nhà thơ, kể từ Homer trở đi. Lãng mạn là nhu cầu thỉnh dụng tới liên tưởng, tưởng tượng, rúng động mãnh liệt để sáng tạo những thực tại khác. Thơ ĐĐB còn xa mới đạt tới cái lãng mạn sâu đằm tinh khiết như Hàn Mặc Tử, nhưng nó cũng dịu dàng, nhẹ nhõm, thảnh thơi. Nó biết coi nhẹ đúng mức sở vật để tâm hồn được dịu êm, thơ thới. ĐĐB không thấy cõi đời này là tuyệt vọng như Nguyễn Bính, có lẽ vì thế bạn đọc ngày nay còn đọc ông.

 

            Cầm bằng bán cái vàng đi/ Để mua những thứ nhiều khi không vàng

 

Cái kỳ lạ hiển hiện theo cách đồng nhất cái đẹp và sự đau, những sự vật không liên quan tới nhau, trong tâm thế có chút ngông cuồng. Cái kỳ lạ thay thế cho cái bình thường, trở thành bản chất của sự sống:

 

Màu hoa đỏ một nụ cười/ Lặng im mà sóng luân hồi dâng cao/ Cánh hoa sắc một lưỡi dao/ Vì yêu tôi cứ cầm vào như không

 

Tôi đọc được hình ảnh tương tự trong thơ Mỹ Latin, và đó là tương đồng trong ý tưởng, cảm giác của các nhà thơ ở nhiều nơi trên thế giới. Ý tưởng này, giả sử với cá nhân tôi, làm phát lộ nó bằng thơ tự do, không vần, sẽ có những câu thơ đem lại vùng cảm giác khác. Nhưng nếu bằng lục bát như nhà thơ ĐĐB đã làm, nhiều bạn đọc bình thường sẽ cảm thấy gần gũi và dễ cảm nhận hơn[1].

 

Cái kỳ lạ trong biểu hiện của cái trùng lặp, bất biến, nhoà nhạt, không có gì khác biệt:

 

Đang trưa ăn mày vào chùa/ Sư ra cho một lá bùa rồi đi/ Lá bùa chẳng biết làm gì/ Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày

 

Bản thân đời sống, sự tầm thường, đau khổ, bất hạnh, thậm chí cùng khốn, đã hàm chứa trong nó sự đốn ngộ.

 

Và khi đó nó không còn là tầm thường, đau khổ, bất hạnh, cùng khốn nữa.

 

Trong phạm vi thi pháp của thơ ca dân gian truyền thống, nhà thơ ĐĐB đã đem đến với bạn đọc dòng cảm thức riêng biệt của mình, một tâm hồn từng trải, nhưng nhẹ nhõm, dịu hiền. Ông cũng cho chúng ta thấy hạn chế của thể thơ dân tộc, khi những cố gắng làm mới và “lạ hoá” không còn đạt hiệu ứng mong muốn mà chỉ là sự gượng ép của tâm thức với một hình thức ít phù hợp.

 

* * *

 

Thi ca và những “kẻ mộng tưởng”…

 

Thơ Mai Văn Phấn, ngay từ những bài của thời kỳ đầu tiên, đã bộc lộ khuynh hướng mộng tưởng và lãng mạn. (Người ta sẽ vặn hỏi, đã làm thơ thì có ai không mơ màng và không lãng mạn? Quý vị đừng nhầm. Giữa khái niệm “mơ màng, lãng mạn” theo nghĩa để chỉ những tâm trạng mộng ảo viển vông với “mộng tưởng lãng mạn” như hai giá trị thi ca, là một hố thẳm.) Trong truyền thống thực dụng lấn át của thi ca Việt, những kẻ mộng tưởng và lãng mạn đích thực không nhiều.

 

Đang rất phiêu bồng kỳ dị: “Đêm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen”, chàng thi sĩ trong ca dao đột ngột trở nên thực tế không ngờ: “Khâu rồi anh sẽ trả công/ Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho” và từ đó trở đi với những “xôi vò, lợn béo, tiền cheo”… để cho ta thấy bài thơ tuyệt mỹ vòng vo này té ra làm thay sứ mệnh của một lời cầu hôn thông dụng.

 

Gần chẵn một ngàn năm quanh quẩn trong truyền thống nệ thực của văn chương, “văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ ngôn chí”, thi ca Việt chưa tiến được những bước dài không vướng bận tới những không gian thăm thẳm của ngôn ngữ thi ca.

 

Ngay cả khi giã từ tấm áo vay mượn của cảm thức nhà nho, dù sở đắc hay ưu thời mẫn thế, để trở về với thế giới thực của cảm xúc, khi cái đau của con người bản thể không còn khả dĩ giấu giếm, thì đó cũng mới chỉ là những cơn bùng phát; Ví dụ, về cái âm u của định mệnh trong Truyện Kiều, cái “dặc dặc buồn” không thuốc chữa của một thời đại trong Chinh phụ ngâm hay tâm trạng nổi loạn bồng bột trong thơ Hồ Xuân Hương, Sơ kính tân trang (Phạm Thái)…

 

Buồn vui đau đớn… mới chỉ là những phản xạ đầu tiên của ngũ quan và tâm trí con người.

 

Có chăng còn lại là những bài thơ Thiền, dù mục đích là để khuyếch trương Thiền pháp nhưng vượt lên hẳn bất cứ một mục đích thực dụng nào.

 

Thi ca tiền chiến là cơn mộng tưởng đầu tiên của người Việt, để lại những tên tuổi đủ làm ngây ngất kẻ đi sau: Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương, Bích Khê, Nguyễn Nhược Pháp,  Thâm Tâm, Huy Cận, Nguyễn Bính, Vũ Đình Liên…

 

Trải qua những bước ngoặt bàng hoàng của lịch sử và tâm thức, trở thành thi ca miền Nam và thi ca miền Bắc, với sự phân hoá tột cùng, để lại những hố thẳm, những thái cực, những diễn tiến vô cùng phức tạp, thi ca Việt có quyền khẳng định thành tựu của mình, mà thành tựu ấy được gánh vác trên đôi vai của những kẻ dám mộng tưởng và suy tưởng.

 

Cùng với suy tưởng, thậm chí còn mở đường cho suy tưởng nghệ thuật, mộng tưởng là cốt cách đầu tiên của thi ca, để tạo hoá những không gian khác, ranh giới khác, tồn tại và sự sống khác.

Mộng tưởng của Mai Văn Phấn (MVP) dịu dàng, hướng về những gì tinh tuý, vốn bị khuất lấp sau cái vẻ ngoài dù bằng an hay bất an, hài hoà hay lộn xộn, đơn sơ tiểu tiết hay đa tạp… cũng đều do võ đoán của lý trí mà nên:

 

Thôi đừng dỗ cỏ lên trời/ Khi tan mộng mị biết ngồi với ai/ Dấu chân đừng hoá chông gai/ Nép vào bóng xế dũa mài hoàng hôn/ Ta về đổ bóng xuống vườn/ Cho xanh tươi lại từng cơn úa vàng/ Ghé môi vào miệng thời gian/ Cho hơi thở mọc muôn vàn cỏ non…

 

Cái tinh tế hiện ra bằng những tâm trạng chông chênh:

 

Em thở êm như biển lặng tờ/ Hay đâu có bão ở trong mơ/ Tay em anh khẽ nâng trên ngực/ Như kéo con thuyền lên cát khô…

Thôi em! Đừng vặn! đừng khêu!/ Đáy thu thắp sáng trên nhiều ngọn cây/ Anh vừa đọng xuống thu gầy/ Đã đông thành đá phủ đầy rêu xanh…

 

Mộng tưởng của MVP có khi chất phác, rụt dè:

 

Không gian như phủ Chúa/ Hoa cười vang cung mê…

 

MVP là nhà thơ không tin tưởng vào lý trí. Ông không tin cái thực tại do ngũ quan và lý trí thông thường tạo nên, mà có nhu cầu hồ nghi, xao xuyến, đảo lộn tất thảy thực tại ấy.

 

Từ những mộng tưởng đầu tiên, ông khởi hành một thế giới khác.

 

Trường ca Người Cùng Thời cho thấy biến động lớn trong thơ MVP: tâm hồn người nam giới xoay chuyển giữa những bổn phận về đạo đức, những ưu tư thời cuộc tới những bí ẩn thăm thẳm vừa chập choạng mơ hồ vừa quyến rũ không thể cưỡng nổi của một thế giới huyền hoặc vừa hé lộ.

 

Khuynh hướng bí ẩn huyền hoặc lấn chiếm, “thay máu” dần phạm vi tường minh của đạo đức và thời cuộc một cách không dễ nhận biết.

 

Bàn tay ta huơ lên bình minh/ Từng mảng đêm lạnh giá bốc khói

 

Hai câu mở đầu trường ca mạnh hơn hẳn 2 câu sau, vì nó hình dung sự chuyển biến cụ thể, mang tính chất ẩn dụ quen thuộc, “đêm sang ngày”, như một quá trình bí ẩn. Con người cũng trở nên bí ẩn, mang cả hai phẩm chất, khi đứng giữa cái bình thường, thực tại với cái lung linh kỳ niệm. Cái xác định, cụ thể với cái huyền ảo cùng xuất hiện trong cảm thụ một cách nhẹ bẫng, không hề có ranh giới.

 

Hai câu sau:

 

Dĩ vãng quanh ta tỏ mờ sương khói/ Hiện dần lên bao năm tháng phủ sương… là kiểu liên tưởng rất thường, nếu không nói là nhợt nhạt, dở.

 

Nhiều câu thơ mang dấu vết biến chuyển từ những hình tượng ẩn dụ quen thuộc trở thành nhóm hình ảnh kỳ lạ, dựa trên sự tương hợp cảm giác của những sự vật rất xa nhau:

 

Khi bóng cộng hưởng với hình thì dấu chân cộng hưởng với bàn chân. Mỗi giọt nắng gieo xuống đất đai dồn tụ trong ta bao sức lực. Ta ngỡ hân hoan đang hạ thuỷ con tàu.

Ngỡ dây níu gỡ ra từ cột bích, con tàu đi hay lưỡi cuốc lưỡi cày lao vào trong đất. Biển tựa mặt chiếc trống đồng vừa mới đào lên.

(Phần III: Cộng hưởng I)

 

Câu thơ còn chưa hẳn thoát khỏi lối liên tưởng chất phác, bỡ ngỡ, nhưng bộc lộ năng lượng tích tụ và dịch chuyển những vùng cảm giác mới lạ, mãnh liệt.

 

Sự chuyển hoá của ẩn dụ mang tính hiện thực thành cảm giác phi thực:

 

Chân tay ta vừa rút khỏi những huyễn hoặc giấc mơ, còn tê cứng cả một đời cuốc cày liềm hái, một đời bàn tay phải lệ thuộc vào tay trái. Cả hai bàn tay lệ thuộc vào nỗi ú ớ toát mồ hôi của cái chết lâm sàng, chỉ biết cứng đơ mặc cho cơn bóng đè trùm lợp…

 

Sự rậm rạp của các nhóm hình ảnh biến hoá liên tục, nhiều khi mang lại cảm giác chuyển dịch mới lạ, còn lại thường gây sự phức rối, thừa thãi. Thừa thãi có thể là một ưu điểm của thơ, nếu nó là hệ quả tất yếu của tương tác, âm vang nhiều vùng ngữ nghĩa, nhưng không được kể là ưu điểm khi vụng về, rườm rà.

 

Sau Người Cùng Thời, năm 2003 nhà thơ MVP có Vách Nước. Và Đột Nhiên Gió Thổi, Hôm Sau, năm 2009. Bầu Trời Không Mái Che, năm 2010. Đây là mười năm biến chuyển và thành tựu quan trọng nhất của thơ MVP.

 

Từ mộng tưởng tới tư duy siêu thực là một chặng đường không mang tính tự phát, nó buộc phải trải qua học tập và sự thích ứng. Nhưng nó cũng là tất yếu: tư duy siêu thực đưa mộng tưởng hành trình vào bề sâu của tri giác, tâm thức con người cũng như những quyến rũ hư ảo của nghệ thuật. Mộng tưởng hướng tới cái chông chênh, thiếu hụt của cảm thức thông thường, tiến xa hơn trong mối âu lo về cái chưa biết, sự phù du của cái đã biết, kể cả cái đẹp, xa rời lý tính cơ giới. Tư duy siêu thực chấp nhận và thăng hoa cái phi lý, hướng tới những mối liên hệ và tri thức bí ẩn, tin cậy và theo đuổi hiện thân khả dĩ của tiềm thức.

 

Vách Nước là những “bài tập” siêu thực của thơ MVP, trong đó có nhiều tứ thơ hay, mở ra những vùng cảm giác tinh khôi, dịch chuyển và giao thoa kỳ lạ, phức hợp của giác quan.

Từ những tương hợp giữa hình ảnh và âm thanh, giữa hình ảnh với hình ảnh, chuyển động và bất động:

 

tiếng sét đi không còn vọng/ thông với vực sâu lối hẹp/ tiếng kẹt cửa réo vang/ mở con đường…

(Tiếng- kẹt- cửa)

Con đường là chân tay anh/ Một lần lá trôi về lá/ ánh trăng không động/ Con đường dính chặt/ nhấc lên cùng vó ngựa…

(Anh anh em em)

 

Cho tới sự nhuần nhuyễn cảm giác, phát lộ “huệ giác”:

 

Đám mây ấm nóng/ hay em bay/ che lên căn phòng/ và hàng cây/ ôm con đường về lại…

B a y q u a. B a y q u a/ Tóc cuốn cành khô/ Thân em nhẹ làm bật tung cội rễ

(Hát từ đất)

Em thổi mùa ấm nóng/ cây thiếu nước rũ xuống không xa dòng sông căng mình lộng lẫy/ con cá nghiền nát lưỡi câu đảo lộn trật tự thời gian/ anh thu mình bay vào vô tận/ ngọn tháp dâng cao giác quan nhiều chiều

(Nơi trời rộng)

 

Sự tích luỹ tương đồng dần làm đầy tràn năng lượng cảm giác, lôi kéo những hình ảnh đồng dạng từ vô thức, đạt tới sự bùng nổ năng lượng mới. Hoặc cùng một năng lượng tự phân hoá thành những vùng đối kháng, đẩy xa hơn những biên độ cảm giác, đồng nhất chủ thể với năng lượng ngoại giới.

 

Có khi “biến tấu” để tạo nên những hình ảnh ma quái, nghịch đảo hay bỏ quãng cái hữu thực, tạo thành nhóm hình ảnh vừa tương đồng vừa cách xa, mang nội hàm tương phản:

 

Tử khí kéo ngọn bấc tới đỉnh trời/ Con quạ rực sáng

… Áo khoác kêu thất thanh khi đi qua bàn tủ. Máy điện thoại im lìm ngủ. Chiếc kẹp ghim mở miệng cố giấu đi móng vuốt. Cán chổi móc vào tay người lao công, kéo chị ta về bên hố rác. Vành mũ trên đầu kêu thảng thốt, rồi cúi xuống rỉa hết mặt nhân viên bảo vệ…

 

Biến tấu con quạ là một trong những bài thơ với sáng tạo nổi bật và duy trì được nội lực đều khắp của nhà thơ MVP.

 

Luôn luôn, thơ MVP mạnh về hình ảnh và cảm giác hơn là thiên về ý tưởng. Nhưng ở cấp độ chắt lọc tinh tế cũng như chặt chẽ, chính hình ảnh và cảm giác đã chuyển hoá thành ý tưởng và biểu tượng, mở ra vùng sống tồn riêng biệt cho thơ.

 

Phải đến Và Đột Nhiên Gió Thổi, Hôm Sau, tức là rải rác qua nhiều năm, sau những thể nghiệm tương đối phức hợp của Vách Nước, thơ MVP mới chạm tới cốt cách đích thực của mình. Người đọc có thể nhận biết thi pháp trọn vẹn, không bị phân tán bởi sự thừa thãi, những đa tạp mông lung, mà lại không phải sự nhất quán tầm thường, qua rất nhiều bài thơ có thể kể tên: Nghe em qua điện thoại, Những tiếng nổ nhỏ, Mưa trong đất, Gió thổi, Nhắm mắt, Thanh tẩy đầu năm, Khai bút cùng cỏ, Những bông hoa mùa thu…

 

Ở thời điểm này, ông biết chấp nhận, coi cái “phi lý” là bản chất sâu xa của tâm hồn và nghệ thuật:

 

Khoảng cách tới đầu dây bên kia là ruộng đồng, làng mạc, quang gánh. Là xe cộ, tháp dựng, rễ sâu. Giọng em không vượt qua mà làm cho chúng bé lại, mở thông những cánh cửa sang nhau. Anh nghe em nhờ rễ sâu mở những vỉa tầng linh thiêng trong đất ấm, con sông chảy vào quang gánh, làng mạc phồn sinh tháp dựng, cánh đồng tươi tốt trên xe cộ…

 

Sự giản dị, sáng tỏ và dứt khoát về mặt tạo hình của hình ảnh thơ tuôn chảy thành bố cục mới của ý tưởng, không cần tới các liên tưởng trung gian rậm rạp.

 

Tương tự trong Nhắm mắt:

 

Nhắm mắt nhìn mọi người và đồ vật thật công nhiên thật rõ. Sách bút, giường tủ, dao thớt, chiếc xe đạp cũ đều kích cỡ như nhau… Nhắm mắt thấy em không rộn ràng như khi mở mắt. Nhưng sự im lặng của em vang lên những âm thanh kỳ lạ, mách bảo tình yêu đã thấm vào cây cối, đường sá, phố nhà, vào vườn tược, ruộng nương, sông suối… Từ nay ta không cần nghi ngờ điều gì khi nhắm mắt.

 

Nhắm mắt”, mở huệ nhãn không phải ý tưởng của riêng MVP, nhưng được hội tụ sinh động từ thế giới hình ảnh chắt lọc của nhà thơ.

 

Quay về tắm bằng ngọn đèn”, “Xối ánh sáng vào những góc khuất”, “Vừa xối mạnh vừa gọi tên em…”, đây không phải những ý tưởng, nhưng là hình ảnh mang tính kỳ diệu, có uyền năng tác thành ý tưởng.

 

Về bản chất, tư duy siêu thực gần gũi với tư duy huyền ảo. Nếu lối viết siêu thực khởi đầu từ cuối thế kỷ 19, thịnh hành trong nửa đầu thế kỷ 20 ở Tây phương vốn được xem là chẳng có gì liên quan đến “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” Mỹ Latinh, thì khi đặt vấn đề trên tầm mức sâu xa hơn, điều này không còn đúng nữa. Tư duy phi lý (theo nghĩa chống lại lý tính cơ học thông thường), hỗn mang, sự dịch chuyển năng lượng cảm giác của giấc mơ siêu thực, với tư duy huyền ảo, cũng phủ nhận logic thông thường, chắp cánh cho tưởng tượng, bao gồm cả suy tưởng, thực ra cùng xuất phát từ những bí ẩn của vô thức và tiềm thức.

 

Tưởng tượng vượt thoát khỏi hình dung tương đồng, tương phản, tương hợp của cảm giác, tạo ra khoảng cách vượt bậc với thực tại.

 

Mượn thế giới siêu thực như tiến trình trung gian, thơ MVP bước sang lĩnh vực huyền ảo một cách tự nhiên, giản dị, tất yếu. Dường như đây mới là hồn cốt đích thực mà ông kiếm tìm, chờ đợi bấy lâu.

 

Con sâu đo em đu lên người anh/ thì thầm gặm hết những non xanh

Con ong vẫn nhởn nhơ bay/ thác đổ đều đều mưa rơi rất chậm/ nhưng tất cả ngọn cây đều bạt về một phía

 

Đó là thế giới của tưởng tượng huyền ảo mà bạn đọc dễ dàng nhận thấy khoảng cách đầy xung lực của nó với thực tại.

 

Những chất liệu thực tại chỉ đóng vai trò hết sức mờ nhạt và cũng không nhằm để tạo ra một “không gian thơ” giống như không gian hiện hữu, với sự kiện, cảm xúc cụ thể mà cách đọc thông thường mong đợi. Choán lấy hầu hết toàn bộ không gian nghệ thuật của bài thơ (hay một phạm vi sống mà bài thơ ấy lập ra) là trạng thái tinh thần chắt lọc, phi thường, tinh tuý từ người viết lan truyền tới người đọc, sao cho nguyên vẹn và trọn vẹn nhất, yêu cầu sự vươn tới của cả hai phía.

Tuy nhiên không phải lúc nào thơ MVP cũng duy trì được đều đặn độ căng đáng mong muốn ấy.

Có lần nhà thơ MVP tâm sự, với tư cách một đồng nghiệp: “Tôi không biết (cách gọi những sở cầu về thi pháp) thế nào cả. Chỉ biết viết thơ là phải tạo ra một không gian thơ riêng biệt và thật rộng lớn”.

 

Tôi tạm diễn giải ý tưởng của ông theo cách hiểu của tôi:

 

Không gian thơ, thực ra là môi trường mà nhà thơ tạo ra bằng chữ của mình, để bạn đọc cùng chia sẻ hình dung, cảm xúc, tâm trí, tâm hồn với người viết. “Riêng biệt” và “rộng lớn” không thể hiểu theo ý nghĩa chỉ những giới hạn vật chất trong sự giống nhau với cuộc đời thực. Hai chữ đó hàm nghĩa chỉ phẩm chất mà trạng thái tinh thần của nhà thơ đem lại cũng như mong cầu ở bạn đọc, nó phải chắt lọc, sâu sắc đến mức thành gần như độc nhất, phải thanh lọc qua muôn vàn kinh nghiệm, trải nghiệm và tri thức rộng lớn, để trở thành cái lớn lao. Sao cho chỉ một câu thơ đơn giản, thoạt tiên tưởng như khô khan, thông tin cộc lốc, lại nén chứa sức nặng của muôn vàn tình huống, hình tượng, ý nghĩa, cảm xúc…

 

Cái lớn lao trong thơ còn có thể xem tương đương với “tinh thần lãng mạn” của sáng tạo thi ca, nghệ thuật. Nó phản ánh nhu cầu vượt thoát khỏi từng sự vật, kinh nghiệm, hiểu biết nhỏ lẻ, đơn nhất, vụn vặt, để đạt tới dạng tri thức đa phương và tích hợp (quý bạn đọc phân biệt với sự “khái quát, tổng hợp, đồng thuận, đại - tự - sự” thông thường). Nó đích thực mãnh liệt, phi thường, chứa đầy sức lan toả. Một cách hình dung nữa, nó có khía cạnh gần gũi với khái niệm mỹ học “cái cao cả” mà nghệ thuật hậu hiện đại mong muốn chạm tới.

 

Bạn đọc có thể hoàn toàn đắm mình, hưởng thụ tồn tại nghệ thuật tinh khiết, bí ẩn, trong lành mà nhà thơ cống hiến từ loạt bài thơ Cửa Mẫu, cảm hứng linh thiêng về Thánh Mẹ:

 

II.

Đặt con lên đất/ Lòng sông đau xé thân đêm

Thiên nhiên láng ướt/ Thân cây rã rời từng đốt/ Nước xiết/ Chảy nhanh hơn

Con bật khóc cuốn đi lưới nhện/ Tiếng con vạc khàn khàn/ Tàn tro loé sáng/ Mặt trăng run

Nhặt viên sỏi vẽ lên mặt đất/ Một cánh đồng/ Chú bê non ngơ ngác

Tô đậm nét chú bê cúi xuống gặm cỏ

Hướng khác vẽ thêm con mắt/ Mắt muông thú hay mắt người/ Viết dòng chữ vào ô trống còn lại…

IV.

Con đuổi theo con mồi nhỏ/ Tung mình lên mặt sóng rồi mất hướng

Nước rút/ Trong giấc mơ gần sáng

Xương cốt con đau/ Đuôi và vây lưng tê cứng/ Có bàn tay luồn những sợi dây/ Kéo con lê lết

Họ dừng lại trú mưa/ Phóng thích con/ Gần chân sóng…

 

Ý nghĩa huyền hoặc, thâm trầm từ tín ngưỡng Thánh Mẹ sẵn có khơi dậy hiện thân thần bí thuần khiết nơi con người.

 

Cũng có khi đan xen với những biến cố thực hữu, tạo thành những chứng nghiệm vừa hiện hữu vừa thần bí, nhưng vẫn đằm sâu trong huyền ảo:

 

V.

Cha vừa gượng dậy sau trận ốm liệt, men dần ra cửa, chạm vào khối vuông ánh sáng

Người cố đưa ngón tay và bảo con cánh cam trên tán lá kia cha nhìn thấy lần đầu

Con kể những chuyện vô tình lúc cha hôn mê chuyện đám mây lớn thường bay chậm qua nhà mình. Chiếc giếng khơi dâng hơi nước lên cửa sổ. Chuyện tiếng con chim khách làm mọi người cùng nhìn bát thuốc.

Cơ thể cha tựa sông cạn, củi khô, hạt lép

Chùm quả nặng đung đưa gió mạnh

Cha bỗng thều thào hãy dìu cha đi nghỉ.

Tiếng lá khô trượt trên mái nhà làm cha và con cùng rơi nước mắt…

 

Mỗi động tác nhỏ nhất có nguồn gốc thực tại đều trở thành sức kích hoạt mãnh liệt làm vang động cái thế giới thần kỳ huyền hoặc của tâm trí nhà thơ, trong Hình Đám Cỏ:

 

… Tiếng chim qua đỉnh đầu/ Vào cơ thể anh lúc đang tịnh độ

Xua đi cho lòng yên lặng/ Sao về được tâm không

Tiếng chim âm u/ Lập loè sáng từng phần cơ thể

Ngỡ bay cùng đàn chim/ Ngực căng tức tiếng hót

Con chim nào mới bị thương/ Cả bìa rừng đập cánh

Em ở đâu

Tiếng cắt gió vội vàng/ Men khẩu hình em theo tiếng gọi…

… Trên cao em con cá trúng xiên, con chim trúng đạn/ Vũ điệu nhịp nhàng nở đoá hoa

Nước ấm nóng mở đầu nghi lễ thanh tẩy/ Lăn trơn anh chuỗi hạt xổ tung

Vòm ngực thả trái cây sắp rụng/ Lũ cuốn, đá lở, sạt bồi

Con thú giật tung dây trói/ Nghiền không gian thành sữa thơm dưỡng chất/ Bầu vú cương lên căng mọng/ Nuôi nấng trẻ thơ khắp thế gian…

 

Những hình ảnh tưởng tượng đẹp, lung linh, huyền niệm, phát kiến, xuất hiện với mật độ khá dày đặc.

 

Bầu Trời Không Mái Che và những bài thơ lẻ tiếp sau bộc lộ một năng lượng ngôn ngữ trưởng thành, nén chặt và lan toả bằng biểu tượng, đầy sức vươn tới những tầng sâu của tưởng tượng và tri giác, mặc dầu chưa phải đã hoàn toàn tránh khỏi một đôi chỗ còn lạc điệu hay vụng về.

 

Giống như ý thức phân tách rõ rệt hai dòng cảm hứng, một đằng đi sâu vào những bí ẩn của thế giới tâm thức, một đằng theo đuổi những ý tưởng thời cuộc, hiện tồn của đời sống và thực hữu, nhà thơ MVP có riêng dòng thơ theo một phong cách khác.

 

Phong cách hài hước và thẩm mỹ dị biệt, phi “chính thống” (hiểu theo nghĩa “ngoại lai”, bỡn cợt, với tinh thần Dionysos, ngược lại với cái Dramatic, mẫu mực) là hai giá trị vô cùng hấp dẫn với nhà thơ đương đại. Đôi khi nó được dùng như một phép thử độ nhạy bén của người viết đương thời, và theo nghĩa tiêu cực hơn, là một khuynh hướng thời thượng.

 

Tập thơ Hôm sau của nhà thơ MVP cũng bộc lộ những tiêu chí hướng về hai giá trị này. Ông có những bài thơ với cảm thức ê chệ, cay đắng, mỉa mai, suy đồi… như một cách thức phê phán. Nó cho thấy bên cạnh mỹ cảm thanh tú, cao cả và hào sảng, thơ MVP có thể tiếp cận được những phạm vi dị biệt khác hỗ trợ, tiếp biến với cái cao cả đó.

 

Nhưng theo đánh giá của cá nhân tôi, thơ MVP vẫn không thực sự mạnh về ý tưởng, điều tiên quyết làm nảy sinh phát kiến giễu nhại, hài hước. Các hình tượng thơ của ông có thể đem đến cảm giác lẩm cẩm, buồn cười, nhưng còn ít bất ngờ cũng như ít sự trái nghịch, thậm xưng phóng túng:

 

Lúc đi/ ông mặc áo len màu cổ vịt/ quần rộng đũng/ tóc cắt ngắn/ tay cầm cuốn sách

ra gần cửa còn lẩm bẩm: sáng rồi tối… thối rồi thơm… bơm rồi xì… đi rồi ngã… vả rồi thương… ương rồi chín… nín rồi thét… kẹt rồi lơi… xơi rồi hóc… bóc rồi che… đe rồi chừa… đưa rồi quỵt… bịt rồi hở… lỡ rồi toi… moi rồi thấy…

chốt cửa gỗ/ kéo cửa sắt/ ông bấm năm chiếc khoá/ rồi ném chìa vào nhà

Lật đống chăn nơi ông vẫn nằm/ thấy mẩu giấy với nét chữ nguệch ngoạc:/ “Ai tìm thấy tôi ở đâu, gọi về số… Xin cảm ơn và hậu tạ”…

(Đúng vậy)

 

Hoặc:

 

Về già ông ít nói/ không buồn không giận/ suốt đêm ngồi câu bên vũng bùn/ để di dưỡng tinh thần?…

(Giả thiết cho buổi sáng hôm sau)

 

Một chút sự nệ thực và cách tạo hình ảnh mang tính sắp đặt, có phần ngụ ngôn khiến cho hứng thú của người đọc bị giảm bớt.

 

Thế giới thi ca mộng tưởng vẫn là cống hiến tựu thành và có ý nghĩa sâu sắc, có sức hấp dẫn lớn nhất đối với bạn đọc trong thơ MVP.

 

Đến với thơ ca bằng tấm tình chất phác, say mê thơ như một người tình nguyên viễn, dường như nhà thơ MVP không có mục đích nào rõ rệt hơn ngoài việc được say đắm và cảm thấy được sống cạn kiệt điều mình mê dụ. Tôi không dám chắc ông có lý tưởng, và thi ca có phải gần đúng là lý tưởng của ông hay không. Ngoài ra, thì hình như trong những quan niệm thuộc lý trí, ông cũng tạm trấn an với việc tự cho rằng thi ca là một sự nghiệp xứng đáng của cuộc đời, cho dù nó có thể chẳng mang lại điều gì sở vật hoặc cũng có thể mang lại rất nhiều tiếng tăm phù phiếm…

 

                                                            * * *

 

Tôi không có nhiều điều cần so sánh giữa hai nhà thơ, ngoại trừ việc thơ đối với cả hai người họ dường như là định mệnh, hay nói một cách cầu kỳ hơn, là phép lạ. Thơ đến với Đồng Đức Bốn giữa khi ông trằn lưng nếm trải những nhọc nhằn lung lạc của đời sống, điều này chỉ cho thấy sức toả sáng và lôi cuốn diệu kỳ của những giá trị thanh khiết, mà đôi khi cũng được người ta hiểu nhầm thành một thứ danh vọng, để cho một con người đời thường quá nửa đời trần tục, vô minh (- nếu tôi không nhầm), đột nhiên đem tất thảy những gì còn lại của mình cho cái điều ít ra cũng là ý nghĩa nhất đối với chính người ấy: Thơ. Còn với Mai Văn Phấn, thơ là một “âm mưu”. Âm mưu này khiến cho ông không thể trở thành bất cứ gì khác, ai khác, ngoài Mai Văn Phấn. Khiến ông suốt cả đời mang tiếng là nhà thơ, lúc ăn lúc ngủ lúc khóc lúc cười đều bị âm mưu hành hạ. May sao, âm mưu ấy là Đẹp.

 

Hà Nội giữa tháng Tư năm 2011

K.P


(Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, khác biệt và thành công - Kỷ yếu hội thảo thơ tại Hải Phòng, 15/ 5/ 2011, NXB Hội Nhà văn, 2011. Báo Người Hà Nội, 6/2011)

                                                                                               

_________________

 

Tài liệu tham khảo:

-                      Ghi chú về nghệ thuật, Nguyễn Quân, NXB Mỹ thuật 1998

-                      Con mắt nhìn cái đẹp, Nguyễn Quân, NXB Mỹ thuật 2004

-                      Encyclopedia of Contemporary Literary Theory, University of Toronto Press, 1993

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị