Mai Văn Phấn, từ thế giới đến thế giới (phê bình) - Nguyễn Chí Hoan

Mai Văn Phấn, từ thế giới đến thế giới



 

 

Nguyễn Chí Hoan

 

Tất cả những ai từng đọc từng nghe đều biết thơ Mai Văn Phấn là một phong cách văn chương hết sức độc đáo.

Tôi đoán (để đưa một thí dụ ở đây), tác giả sẽ mỉm cười với một nhận xét như thế; không phải vì nó đúng một cách tầm thường, mà vì, tôi đoán, anh có lẽ sẽ nghiêm túc nghĩ xem liệu có cách nào diễn đạt khác đi cái ý nhận xét ấy, cái nội hàm của lối thường ngôn “hết sức” với “độc đáo”, cái cảm giác người phát ngôn gửi gắm vào mấy chữ ấy đồng thời là cái ấn tượng và cảm xúc mà bốn chữ ấy, lối nói ấy có thể gợi lên ở đối tượng nghe, và, sao lại không, ở chính chủ thể phát ngôn đó... Có thể Mai Văn Phấn sẽ mỉm cười trong lúc hàng chuỗi câu hỏi, sự lựa chọn ngôn từ, những điều nghĩ ngợi mà các câu hỏi và lựa chọn ấy khởi lên về chính bản thân chúng, về những liên hệ có thể hay bó buộc hay hệ luỵ từ chúng... nảy nở.

Thơ của anh, đặc biệt là các sáng tác trong hai giai đoạn 1995-2000 và 2000-đến nay (theo sự phân kỳ của chính tác giả) khiến tôi cho rằng anh vẫn thường, hay đã quá quen, với cái thao tác ngẫm nghĩ xoáy trôn ốc đến vô tận như vậy. Bởi có lẽ ai cũng nhận thấy Mai Văn Phấn thường ít đưa ra những hình ảnh thơ xa lạ hay kỳ quái, ít khi vặn vẹo tu từ nhằm tạo những chữ phái sinh hay điệp lặp khác người, mà điều thường gặp trong thơ anh là sự chuyển đạt những cảm giác và ấn tượng lạ lùng thông qua các hình ảnh quen thuộc của thơ ca Việt nhưng đã được tổ chức theo một hướng hoàn toàn khác. Và điều quan trọng là Mai Văn Phấn làm việc ấy một cách nhất quán, bền bỉ rõ rệt, khiến ta không thể không nhận thấy đó là một con đường – con đường của Mai Văn Phấn trong thơ, riêng biệt và rành mạch, có thể gọi tên theo cái đặc trưng nổi bật nhất của nó. Đặc trưng ấy nằm ở sự biểu đạt những cảm giác dịch chuyển-thăng hoa, những ấn tượng về quá trình chuyển hoá, nhằm hoàn chỉnh sự truyền đạt các cảm giác siêu nghiệm.

Hành trình thơ của anh, như anh vạch lại trong tập tuyển chọn này, cho thấy Mai Văn Phấn đã đi từ chỗ biểu hiện cái thế giới truyền thống của thơ ca tiếng Việt đến chỗ biểu đạt cái thế giới bên trong còn ẩn giấu của nó mà anh khám phá, và, cho đến chặng đường hiện tại, đến chỗ dường như đã tìm được một sự cân bằng mới, một cách thế hài hoà giữa hai thế giới đó.

Tôi đã đọc khá nhiều những bài viết về thơ Mai Văn Phấn trên các diễn đàn khác nhau, cũng như đọc về các nhà thơ mình quan tâm, và tôi chắc là không xa lạ với các thảo luận từ những diễn đàn như vậy về những chủ đề như “cách tân thơ”, tính hiện đại, các biểu hiện hậu-hiện đại của thơ tiếng Việt; song tất cả đó vẫn dường như không trả lời đúng vào những câu hỏi cốt yếu mà sáng tác của các nhà thơ, nói riêng là MaiVăn Phấn, đã gợi lên. Chẳng hạn, thực chất của những biến chuyển trong thơ là gì?

Ngay trong những bài thơ thuở ban đầu của anh, lục bát mượt mà chuẩn tắc và sinh động, Mai Văn Phấn đã hé lộ những cảm nhận khác lạ; chẳng hạn, anh viết:

“Lỡ vin vào bóng mây qua

Lỡ nghe đắm đuối tiếng ma gọi đò”

(Bài GOM NHẶT CUỐI MÙA)

Trong bài thơ rất ngắn chỉ gồm bốn câu lục-bát này, không có một căn cứ qui chiếu nào để giải thích cái mô tả tượng hình về âm thanh “tiếng ma” – điều có nghĩa ta phải coi đó là một ấn tượng/cảm giác về thực tại thật.

Tất nhiên, người ta có thể giải thích căn cứ qui chiếu là toàn bộ ngữ cảnh của bài thơ mà câu thơ nảy sinh trong đó, dựa vào đó. Ta thấy ở đây cái mô hình chung quen thuộc của những bài Cảm hoài truyền thống:

“Nỗi niềm đem thả trong cây
Qua sương giá đến rạng ngày trổ hoa.

Lỡ vin vào bóng mây qua
Lỡ nghe đắm đuối tiếng ma gọi đò.

Ðầu kim tựa có ai chờ
Khâu ta vào với ỡm ờ xửa xưa.

Hoa ngâu vừa lịm cuối chùa
Nhẩn nha tiếng mõ bỏ bùa tiếng chuông.”

Trong mô hình này, mỗi câu (lục-bát) đều có một thành tố cái thực làm ẩn dụ và một thành tố hư ảo biểu đạt ấn tượng-cảm giác-ngẫm nghĩ; duy câu thứ hai, tôi trích ở trên, có vẻ hư ảo hoàn toàn – điều đó không tương thích với kết cấu biền ngẫu tổng thể của bài, trong khi nó không hề cho thấy một sự phá cách nào. Vậy ta có hai cách giải thích: hoặc “vin bóng mây qua” là cái thực làm ẩn dụ, hoặc “nghe tiếng ma gọi đò” sẽ làm vai trò đó để “vin bóng mây” ở vào chỗ hư ảo của ấn tượng-cảm giác; và lựa chọn hợp lẽ là ẩn dụ sẽ nằm trong thành tố “vin bóng mây qua”, bởi cụm hình ảnh “bóng mây”-“qua” vốn đã thuộc về tập hợp những hình ảnh ẩn dụ xưa nay rất thường được ưa dùng, thậm chí đến mức như đã có các hàm ý mặc định, tức nó tương đương với cái thực (tình trạng, sự vật, trạng thái) mà nó biểu trưng.

Như vậy, “nghe tiếng ma gọi đò” là thành tố hư ảo biểu đạt một cảm giác-ấn tượng, nhưng chỉ là hư ảo một cách tương đối trong tương quan với các thành tố của câu/bài thơ mà quy chiếu trực tiếp đến cái thực của thực tại thông thường kể từ “Nỗi niềm” cho đến “Đầu kim”, “khâu”, hay “Hoa ngâu”, “tiếng chuông”, v.v... Tuy nhiên, mỗi biểu đạt về cảm giác-ấn tượng đều dẫn chiếu về cái thực của cảm giác, và về phương diện này, ta đều biết cảm giác là một phần không thể thiếu được của thực tại nhân sinh, mà, trong chừng mực cụ thể tuỳ theo, thực tại của cảm giác có một vai trò tối hậu.

Ở đây, trong bài thơ này của Mai Văn Phấn, mối liên hệ thực-ảo về mặt ngữ văn như vậy có định hướng là dạng liên hệ chuyển hoá: một “Nỗi niềm” nào đó sẽ “trổ hoa”, một “Đầu kim” sẽ đưa “ta” kết nối vào “xửa xưa” của quá vãng nào đấy, một nhìn ngắm thấy “Hoa ngâu vừa lịm” làm nảy sinh  một quan hệ khác lạ giữa hai cái nghe về “tiếng mõ” với “tiếng chuông”. Đấy không phải là những quan hệ nhân quả. Liên hệ chuyển hoá đưa đối tượng được chuyển hoá sang một trạng thái hay dạng thức khác và ở cấp độ cao nhất đó có thể là thăng hoa hay thánh hoá trong đời sống tín ngưỡng.

Vậy trong câu lục-bát nhiều chất “ảo” nhất của bài thơ này, cái điều được diễn đạt như sự việc “Lỡ vin vào bóng mây qua” là ẩn dụ của tâm thức nhìn ngắm chiêm nghiệm cái khoảnh khắc, cái nổi trôi biến chuyển không ngừng qua từng khoảnh khắc của ngoại giới, và sự nhìn ngắm đó mang đến một cảm thức khác thường, khác đến độ nó biểu đạt ra bằng một mô tả nghịch dị - như chợt “nghe tiếng ma gọi đò”.

Như đã trình bày ở trên, mối liên hệ giữa hai thành tố nhìn ngắm - thức nhận đó là một liên hệ chuyển hoá, và khác với liên hệ chuyển hoá trong ba câu lục-bát kia của bài, đây là một liên hệ chuyển hoá đến cái siêu nghiệm: nó không nội tại nội tâm và ý thức, nó không thuộc về lĩnh vực của kinh nghiệm tri giác thông thường, nên chỉ có thể gọi nó bằng một hình ảnh siêu nghiệm, là “tiếng ma gọi đò”.

Tôi tin Mai Văn Phấn không phải là người đầu tiên, không phải là nguời cuối cùng, và không phải người duy nhất từng trải qua những cuộc gặp gỡ với cái siêu nghiệm; nhưng cho đến nay có thể anh là nhà thơ duy nhất trong thơ ca đương thời đã đưa vào thơ một cách có hệ thống và dày đặc đến thế những liên hệ siêu nghiệm, những hình ảnh siêu nghiệm.

Và có lẽ cũng cần nói luôn, cảm thức siêu nghiệm, với những hình ảnh, với các liên hệ gần gũi hay đặc trưng của nó như thăng hoa, chuyển dịch ảo hoá, - những liên hệ và hình ảnh thuộc loại đó trong thơ Mai Văn Phấn không mấy mang tính chất hay ý niệm tôn giáo. Có thể xem đó là một đóng góp đặc sắc của anh: những hình ảnh siêu nghiệm trong thơ anh phần lớn là hình ảnh cây cỏ đất trời bốn mùa đồng ruộng, cho đến lao động và vật dụng, sinh hoạt và nhân tình thế sự, thân thể và tình yêu – Tất cả, chuyển qua thế giới của Mai Văn Phấn đều trở nên lạ lùng khác thường; lạ lùng, nhưng đều toát ra vẻ đẹp của sự suy-nghĩ-lại, chiêm ngắm, và không mê muội.

Đã có một sự phát triển phong cách học cái cảm thức về liên hệ siêu nghiệm và những hình ảnh siêu nghiệm trong thơ Mai Văn Phấn từ ban đầu với những câu lục-bát kết cấu chặt chẽ như đã dẫn ở trên, sự phát triển tạo nên vẻ lạ lùng khác thường của mỗi bài thơ, tạo nên ấn tượng đây là chất thơ thuần tuý, không pha tạp bất kỳ biểu thị dung tục hay thời thượng, trong sáng tự thân.

Những bước đi của sự phát triển đó có thể thấy qua từng bài thơ, nhất là vào  giai đoạn trước 1995 và 1995-2000: nét chung lớn bao trùm và nhất quán là việc khai triển trong mỗi bài mỗi sơ đồ cảm giác mới mẻ hơn, dường như từng chút một tiệm cận một hình ảnh-ấn tượng trung thực nhất của cái-gọi-là-cảm-giác mà ta còn chưa vươn thật đến, chưa gọi tên thật đúng – những sơ đồ biểu hiện, mô tả một thực tại hoàn toàn của thức nhận thông qua các ấn tượng cảm xúc. Đó là điều khiến ta ít thấy trong thơ Mai Văn Phấn hình thù rõ nét của những chuyện thế sự, những chuyện riêng tư, những tâm tình tự ngẫu: anh luôn luôn hướng vào cấp độ khái quát từ các chất liệu cụ thể, bằng một lối đi đặc thù là đào sâu hay đẩy xa cái bên trong hay cái vỏ bên ngoài của chất liệu thông qua những liên hệ liên tưởng từ chúng – và đều dựa trên/xuất phát từ một vài ấn tượng cảm giác khởi điểm; đẩy xa giới hạn ngoại diên của chất liệu thơ cũng như giới định về nội hàm của chất liệu đó, khiến một cảm giác siêu nghiệm trở nên có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, cho dù không phải lúc nào cũng phát lộ.

Hẳn ai cũng có thể nói thơ nào mà không biểu thị ấn tượng cảm xúc. Tuy nhiên vẫn luôn có những sắc thái và cấp độ khác nhau, phân biệt việc kể lể, hoạt kê hay biểu hiện và suy nghĩ trên những ấn tượng cảm xúc đó; chưa tính đến thực tế khác nhau về năng lực cũng như độ nhạy bén, cuờng độ và độ bền của cảm xúc – những phẩm chất liên đới chặt chẽ với tưởng tượng và sức mạnh liên tưởng. Chính chất lượng của xúc cảm đi liền với suy tư mới có thể khai mở các liên hệ siêu nghiệm đặc thù của thơ.

Mai Văn Phấn cho thấy ở đây cái năng lực rất đặc biệt của anh trong việc mô tả gần như khách quan các cảm giác thực thể của chính bản thân mình, mô tả thông qua cái lăng kính của ấn tượng xúc cảm đi liền với suy nghĩ hay chiêm nghiệm, mô tả bằng các liên tưởng hầu như luôn luôn tươi mới, đa dạng và chân thực, mà không hề làm cho những nét biểu hiện ấy bị mờ nhoè, chung chung, trùng lặp hay sáo mòn bởi các từ ngữ tán thán quen thuộc hay bởi cú pháp thô giản của câu thơ, đoạn thơ (- có thể tôi lạm dụng khái niệm về tính khách quan ở đây, song dường như một trong những nguồn sức mạnh của văn chương nói chung nằm trong cái có thể gọi là tính khách quan ấy vậy).

Cái năng lực như thế thể hiện qua việc đem lại một hình dung tượng hình cho các mối liên hệ cảm giác, qua sức căng của liên tưởng đẩy xa ranh giới của phạm vi hình dung nhưng không rơi vào cái bẫy của việc kể lể các ấn tượng. Một trong những thí dụ nổi bật có thể thấy ở việc Mai Văn Phấn xử lý các ấn tượng về buổi giao thời hiện đại hoá trong trường ca NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI :

Chương VII: Mail cho em

 Gửi vào mã số nbn2761965...

HAI GIỌT SỐNG GẶP NHAU VÔ ĐỊNH EM KHỎA ANH LÊN TỪNG ĐỢT SÓNG CHÌM DẦN VÀO DA MỊN TÓC TƠ TRUYỀN BẰNG MÃ RIÊNG ĐƯỜNG CONG THƠM THOẢNG BÍ ẨN TẦN SỐ RUNG MỞ VÒM THANH ĐỚI ÂM TRỢ DƯƠNG PHÙ HÀM RĂNG ĐỦ SỐ MẶC CHO KIỀN KHÔN BIẾN ĐỔI ANH THƠM THÀNH HẠT SEN GIÃ BIỆT BÙN NÂU MÔI EM NGẬM NGÔI SAO HƯ VÔ CHIẾU MỆNH MÀ ANH CHẲNG BIẾT CHẠY QUANH TUỔI THƠ CHÂN ĐẤT LẤM LÁP ÁNH SÁNG CHÓI CHANG MÊ MẢI TÌM NGÔI SAO NẰM TRONG ĐÁY NƯỚC BÌNH ĐÊM KHI ĐÔI MÔI TA GẶP NHAU BỖNG GIỌT NÀY THẤY GIỌT KIA LÀ MẸ TRÊN VẦNG TRÁN LONG LANH HIỆN RA VÔ SỐ NHÃN CẦU HỘI TỤ MỘT QUANG NĂNG MÁU ỨA ƯỚC TÍNH NHỮNG ĐƯỜNG CHÂN TRỜI ĐỂ TRÔI QUA THẾ KỶ CHÚNG KHÚC XẠ TRONG TA NHIỀU KHOẢNG CÁCH KHÁC THƯỜNG CHẠY VỘI VÃ TỪ NHỤY HOA ĐẾN CHÂN ONG VỪA RÚT GỌN KHÔNG GIAN RỜI TỔ XIN NGỌN KHÓI NHU NHƯỢC CẢ TIN ĐỪNG RỜI NGỌN LỬA MÀ THỜ PHỤNG NHỮNG ĐÁM MÂY PHÙ PHIẾM LẠC LOÀI ĐÃ CHẬM HƠN NHỮNG LƯNG ĐỒI QUÈ CỤT TAY CÀNH CHÂN RỄ XÓI LỞ NGÃ GỤC DƯỚI CHÂN CƠN LŨ NGÔNG CUỒNG NHỮNG ĐÁM RƯỚC RÃ MỀM CƠN KHÁT QUẰN QUẠI VÀ BẮT ĐẦU MÊ SẢNG TRONG XOAY VẦN MỘNG MỊ MÌNH LẠI NGỌT LÀNH VÀ ĐƯỢC TẮM MÁT LÙA TỪNG HẠT LI TI VÀO CAO HOANG PHỦ TẠNG RỒI BỐC HƠI TRONG TẤM CHĂN MỀM ẤM ÁP BAN MAI ĐỌNG TRÊN MẶT BÊ TÔNG CHẤT DẺO ANH CỐ VỌNG VÀO HỔN HỂN THIÊN NHIÊN NGÔI NHÀ KHỔNG LỒ VÔ CẢM CHẶN ĐƯỜNG BAY NHỮNG CÁNH CHUỒN CHUỒN BÊN CÁNH DIỀU ĐỘT TỬ TRÊN MẠNG DÂY CAO THẾ NHỮNG CHÂN TRỜI CUỒNG CHÂN BỊ THƯƠNG LÊ ĐẾN KÊU CẦU GẶP CÁNH CHIM HOANG GIÓ VỘI VÃ NỐI VÀO LÁ PHỔI ĐÃ XẸP GIỜ LẠI PHỒNG LÊN...”

Điều dễ nhận thấy trước tiên ở đây là một mối liên hệ có tính phổ biến – trong ẩn dụ mối liên hệ EM và ANH – kết nối lại với nhau mọi thứ sự kiện, tình trạng, sự vật rất khác biệt, kết nối như trong một biến cố đoản mạch toàn hệ thống khiến chúng buột ra hay vượt ra khỏi tính chất sự vật cụ thể, riêng có, những tính chất như khi chúng được nói đến trong diễn ngôn của thơ với tư cách là-cái-ấy. Sự biến đổi đó chỉ tồn tại trong các mối liên hệ đó, mà thoạt đọc lên người ta có thể nghĩ là võ đoán hay ngẫu nhiên. Nhưng vấn đề đối với một tập hợp như vậy không ở chỗ các thành tố bên trong tập hợp là ngẫu nhiên hay không, mà ở chỗ chúng có lập nên với nhau những  liên hệ gây biến đổi tới mức thành các bước chuyển hay không – các bước chuyển siêu nghiệm hoá chính các mối quan hệ ấy, chính những sự vật ấy. 

Và ở đây có lẽ là một trong những lúc phù hợp để có thể nói đôi chút đến ý nghĩa của thơ ca.

Đoạn thơ tôi vừa trích trên đây, một phần của một bài “thơ-văn xuôi” – như người ta vẫn gọi – đem lại cảm thức về một không gian, một hành động tự do vô bờ bến. Điều ấy phải chăng là không mới và không thể bảo là khó hiểu? Tuy nhiên, cảm thức tự do ấy là về cái gì, từ đâu mà có?

Tôi đề cập điều này trong khuôn khổ tập thơ này của Mai Văn Phấn đã gợi lên, từ cái đặc trưng của thơ ấy hướng đến những xúc cảm siêu nghiệm hoá: ta sẽ không nhầm lẫn nó với xúc cảm về cái siêu việt-thần bí; xúc cảm về trạng thái siêu nghiệm dĩ nhiên hướng tới những liên hệ và trạng thái siêu nghiệm – những gì, hoặc có thể là những phạm vi nối dài của cái thực tại thông thường này đây, mà kinh nghiệm không thể đạt tới, không thể minh giải, thậm chí tựa hồ nằm bên ngoài ý thức (mà không phải là cái vô thức đã biết!)

Dường như nó rất gần với một hình dung về cái gọi là hư vô, và là một xúc cảm năng động về hư vô, dẫu hư vô là cái mà ta không bao giờ chắc chắn được.

Xúc cảm về hư vô là một cảm xúc căn bản của nhân sinh bởi hư vô là cửa ra duy nhất đã đánh dấu trong chương trình con người ta vào thăm viếng cõi đời (qua cánh cửa ấy còn gì nữa thì vẫn là những cuộc thảo luận bất tận.)

Khẳng định theo phong cách triết học độc đáo nhất và nhiều ảnh hưởng phong phú nhất với thế kỷ vừa qua thì kinh nghiệm về hư vô như vậy là một điều kiện thiết yếu cho sự sáng tạo, bởi nó là một kinh nghiệm vô tiền khoáng hậu về tự do: nó là một kinh nghiệm về sự thoát ra, vượt ra ngoài vương quốc của kinh nghiệm; một kinh nghiệm về tình thế mà trong đó mọi kinh nghiệm có trước đều bất cập, mọi kinh nghiệm có thể có đều bất cập, và không kinh nghiệm thông thường nào dung chứa được nó nếu không trước hết tự giải thể tư cách kinh nghiệm của mình.

Một cách hình ảnh và dễ tiếp cận hơn, tôi nghĩ, Mai Văn Phấn biểu đạt điều ấy trong bài thơ ƯỚC PHỤC SINH:

“Biển nội giới rực lên

hát trong trơ trụi, thất lạc, bung rã

cây đông nhựa

thân xác không kháng thể

yên lặng chết

 

Tất cả không sợ chết

 

Phấn hoa rối tung trộn xác bướm ong

Tròng mắt nổ bên ngoài mắt kính

Lưỡi thiếu nữ ngủ trong hàm răng giả

Nụ hôn quay về truy nã khoảng không

Miệng khô đắng tiếng cười sặc nước

 

Khởi đầu xúc động

Khởi đầu quên”

...

Không cần phải nói đây là một tập hợp các cảm giác. Điều đáng kể là những mối liên hệ giữa các hình ảnh thơ-tượng trưng: khởi đầu với “Biển nội giới...”, chuỗi hình ảnh tiếp đó không ngừng vươn ra ngoại giới, vươn tới nhau trên những khoảng cách không thể san lấp được... Và kết thúc bài thơ bằng một cảm giác về một sự “cố tình đoạn tuyệt” nào đó, khiến ta có thể thấy, xét cho cùng, cái “phục sinh” được ước ao đó hẳn phải tìm kiếm từ “nội giới” của một tình trạng trống không.

Như vậy, cảm thức tự do trong thơ ca, do thơ ca mang lại, không chỉ đơn thuần nhẹ nhõm thưởng thức cái thú rong ruổi tạo tác, cho dù, cũng như văn chương và sách vở trên đời, thơ cũng có những phương diện như thế, có thoả mãn giải trí thậm chí phóng dật theo kiểu thơ; nhưng vẫn luôn tồn tại một dòng chảy hẹp của thơ ca hướng vào sự kiến tạo ý nghĩa thông qua trải nghiệm thơ, trải nghiệm cái tự do siêu nghiệm thức tỉnh và thức nhận sáng tạo. Và thơ Mai Văn Phấn hầu như nằm trọn trong nhánh này.

Thơ Mai Văn Phấn thuộc giai đoạn từ năm 2000 đến nay tiếp tục phát lộ năng lực cảm xúc mạnh mẽ và nhạy bén không suy giảm, đường bay những bài thơ của anh không hạ độ cao, cho thấy chắc hẳn nó còn phải vượt nhiều khoảng cách xa rộng nữa.

Một mặt, mạch khai phá những xúc cảm siêu nghiệm như trong các bài thơ ngắn VẪN TRẤN TĨNH TIỄN KHÁCH RA NGÕ, ANH TÔI, ĐÚNG VẬY, KHÔNG THỂ TIN, QUAY THEO MÁI NHÀ, Ở NHỮNG ĐỈNH CỘT... chú mục vào phạm vi hành xử của con người cá nhân một cách rõ hơn hẳn và vang lên giọng điệu buồn bã, khác với nhịp và giọng của những bài thơ tương tự trước đây, chẳng hạn, một bài khá tương đồng: BIẾN TẤU CON QUẠ -  bài thơ lạ lùng tươi mới và rất mạnh mẽ trong những hình ảnh tượng trưng toát vẻ cay đắng của nó.

Có phải những nỗi niềm nhân thế nhân tâm cũng có những chiều kích riêng siêu nghiệm, hay là nhà thơ chuyển dịch câu chuyện về các nỗi niềm ấy sang dạng thức ảo hoá, nghịch dị? Dù thế nào thì đó cũng là một đặc điểm ở văn chương hiện đại: mỉa mai, cợt nhạo, nhại, lố bịch hoá, kỳ ảo hoá, khắc hoạ cay độc nghiệt ngã... để như một phản ứng với đủ vẻ suy đồi trong xã hội.

Mặt khác, ta thấy Mai Văn Phấn dường như đang hướng nhiều hơn sang tìm kiếm các liên hệ siêu nghiệm hoá trong tình yêu và quan hệ với giới tự nhiên, cũng khác với giai đoạn trước ở mức độ tinh tế , suy tư và đằm thắm hơn.

Tôi thấy một thí dụ thú vị nói lên việc anh vẫn không nguôi nhiệt tình tìm kiếm và thử thách các hình thức diễn đạt mới trong thơ. Đó là một đoạn trong bài thơ dài HÌNH ĐÁM CỎ :

*

“mặt đất lồng lộng đỉnh đầu tâm xoáy

lưỡi gió miết thân lả tả càng bám

chặt càng lay giật mạnh khản đặc hú

gào hối thúc nghiêng ngả ngậm chặt lá

khô giãy giụa càng lảm nhảm bóng đè

thập thõm con đường mải hôn càng căng

mơn mởn dìu anh miệng vực lẩm bẩm

không thể rời nhau sợ sâu toát vã

mồ hôi lộn ngược dính chặt

đơm hoa kết nụ lá rủ vỗ về

che chở cành khô đung đưa trêu ngươi

sấm sét mắt nhìn đổ trận mưa rào

dìu em êm đềm thở dốc xuống bất

chợt rung vang nhau từng thanh chuông gió”

Đoạn thơ này viết theo lối thơ Tân Hình thức. Và riêng tôi chưa từng đọc được bài thơ theo thể Tân Hình thức nào sinh động, hợp lẽ, duyên dáng và tinh tế như đoạn thơ trên đây.

Có vẻ như chúng ta có một Mai Văn Phấn trữ tình và trầm tĩnh hơn, hoặc có thể nói là hướng về phía minh triết nhiều hơn, đặc biệt qua ba bài thơ dài NHỮNG BÔNG HOA MÙA THU, CỬA MẪU, HÌNH ĐÁM CỎ. Ba bài thơ dường như đã chiếm phần lớn thời gian của anh mấy năm gần đây; và cũng dường như biểu thị cái có vẻ là mối quan tâm mới của anh: bao trùm bằng thơ những khoảng không-thời gian rất dài rộng, với rất nhiều tình tiết của cảm giác về thực tại, cảm giác như là tổng hoà của tri giác trong ngẫm nghĩ, trong sự toả rộng miên man những liên hệ tinh thần và thể xác với thiên nhiên.

Sự bao trùm ấy cũng mượn mối quan hệ căn bản và phổ biến của cõi người: “anh” và “em”; sự bao trùm có thể tóm lược trong một câu thơ của tác giả:

“Đã yêu. Hiến dâng. Đã sống”

(Nhịp VIII, HÌNH ĐÁM CỎ)

Điều có thể làm cho người ta sẽ không ngớt ngạc nhiên là thơ Mai Văn Phấn lạ lùng kỳ dị đồng thời luôn toát lên niềm chân thành, cảm nhận được những rung động chân thực, trong khi, như đã nói ở trên, anh hầu như không sử dụng các từ ngữ tán thán, những tính từ hoa mỹ hay các diễn đạt bí ẩn mơ hồ. Sức sinh động của những bài thơ này toát ra từ tính chất cụ thể của ngôn ngữ tượng hình rất phong phú về liên tưởng; và từ những xúc cảm siêu nghiệm của anh – yếu tố lạ lùng đặc trưng mà anh biểu hiện trong sự kết hợp rất tinh tế với các hình ảnh, ấn tượng và cảm giác thông thường, phổ biến, truyền thống: một mỹ học riêng của thơ Mai Văn Phấn vậy.

 

N.C.H

 

(Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, khác biệt và thành công - Kỷ yếu hội thảo thơ tại Hải Phòng, 15/ 5/ 2011, NXB Hội Nhà văn, 2011).

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị