Thơ tuyển Mai Văn Phấn (phê bình) - Vũ Quần Phương

Thơ tuyển Mai Văn Phấn

 

Vũ Quần Phương

 

 

Khoảng hai mươi năm trước tôi đã có dịp bộc lộ lòng yêu mến chất tâm hồn Mai Văn Phấn (MVP) khi viết về tập thơ đầu tay của anh. Hôm nay tôi vẫn giữ lòng yêu mến ấy, nhất là đối với phần thơ lục bát đầu tập tuyển này mà tác giả chú thích là từ khởi đầu đến 1995. Chặng thơ này bộc lộ một đặc điểm MVP. Ấy là phóng túng trong cảm xúc và logic trong tư duy thơ. Thử lấy ngẫu nhiên một bài, bài Khúc cảm mùa thu, trang 18:

Hóa thân giọt nước mùa hè

Một đêm trở gió bay về với thu

Dẫu chưa trọn kiếp sương mù

Xin tan loãng kẻo trăng lu cuối trời

Bao lần xanh biếc rong chơi

Mấy lần úa rụng tiếng người vọng theo

Thôi em! Đừng vặn! Đừng khêu!

Đáy thu thắp sáng trên nhiều ngọn cây

Anh vừa đọng xuống thu gày

Đã đông thành đá phủ đầy rêu xanh (1)

             

Hồi ấy, cuộc thi thơ trên báo Người Hà Nội trao giải cao cho bài thơ Nghi Tàm của MVP cũng trong khuynh hướng ghi nhận phẩm chất tâm hồn này.

 

Nhưng thơ MVP không chỉ phát triển theo lợi thế này. Một lần gặp anh ở Hải Phòng, anh thì thào thông báo: anh đã tìm một hướng mới cho thơ. Tôi nhớ gương mặt anh khi ấy: hào hứng, phấn khích và cỏ vẻ bí mật như người mới tìm ra chỗ có dấu vàng. Kể lại chi tiết này tôi muốn lưu ý: MVP rất ý thức với hướng tìm của mình. Gần hai mươi năm trôi qua, nhiều tập thơ của anh đã xuất bản, MVP cũng nhiều lần bộc lộ quan niệm thơ. Anh tự điểm diện: “Nhìn lại 9 tập thơ, đó là cách tôi đi từ truyền thống đến hiện đại và tìm ra giọng nói thi ca riêng biệt như bây giờ. Ở tập Vách nước hình ảnh siêu thực đa dạng và phồn tạp. Nhưng đến những tập thơ sau này, nhất là Bầu trời không mái che vừa xuất bản, tôi cố gắng tránh cách biểu hiện đó. Thực ra “siêu thực” không còn mới mẻ, nhưng “vết bỏng” của nó vẫn ảnh hưởng tới nhiều thế hệ sau này (...) Sau khi đã băng qua những “sa mạc” như Siêu thực, Tượng trưng, Biểu hiện, thơ Ngôn ngữ, Tân hình thức, Hậu hiện đại, Cổ điển mới... tôi thấy sao chúng ta không tự tìm lấy một khuynh hướng, mà phải lệ thuộc vào “thằng Tây”. Những khuynh hướng ấy bên ngoài họ đã xếp vào viện bảo tàng từ thế kỷ trước, trong khi chúng ta vẫn lúng túng, tranh cãi... Vậy “thong dong” là cách tôi tìm về với cội nguồn thi ca, ĐỂ CHO CẢM XÚC TRÔI CHẢY TỰ NHIÊN VÀ TÌM CÁCH NÓI HỒN NHIÊN, TỐI GIẢN, TRONG TRẺO NHẤT.” (Tôi nhấn mạnh, VQP)

 

Tôi chắc bạn viết, bạn đọc không ai không tán thành khuynh hướng này. Cái đích đến của anh là sự hồn nhiên trong trẻo cả trong cảm xúc lẫn cách thể hiện. Nhưng để đến được đó là cả một quá trình. Anh nói: Tiếc những năm trước đây mình loay hoay lúng túng lâu quá. Chỗ anh tiếc là chỗ chúng ta yêu mến anh. Yêu mến thái đô dấn thân. Yêu mến tinh thần tìm, nhất là yêu mến ý thức tự nhận ra cái chỗ tìm mà chưa thấy của anh (loay hoay lúng túng) để tự “vong thân” mà đi tiếp, đi cho tới hồn nhiên, trong trẻo. Tôi chắc từ đây thơ anh sẽ “thong dong”. Thong dong trong sự định hướng: hồn nhiên, trong sáng để tiếp tục đi, như anh tự nhủ: lại phải chuẩn bị cho cuộc lên đường mới. Cái đích đến ngỡ như là đích của “muôn đời” ấy, MVP đã phải trả giá bằng những cuộc tìm không hồn nhiên chút nào. Đóng góp của MVP không chỉ ở gầu nước mát Hồn nhiên trong trẻo anh dâng độc giả khi họ đang cơn khát mà còn ở cái cách anh đã băng qua những sa mạc siêu thực, tượng trưng... để tìm ra nước…

 

Như đã nói ở trên, trước khi nhập cuộc tìm, MVP đã có thơ nằm trong sự chờ đợi của bạn đọc. Đó là một may mắn, nhưng may mắn hơn là anh lại biết: ngoài con đường của mình, của nước mình, của phương Đông mình còn có những con đường khác của thiên hạ cũng mở ra những miền đất, những chân trời. Chính cái sự biết ấy dẫn đến một say mê: cách tân. Anh đã bền bỉ đọc, viết, kiên định làm mới thơ mình. Tháng 8 năm 2010, MVP bộc lộ trên báo Thể thao & Văn hóa: thực trạng văn học nước nhà, đặc biệt trên lãnh vực thi ca vẫn trì trệ và lạc hậu so với một số nước trong khu vực (...) chứ chưa dám so sánh với các cường quốc thi ca như Pháp, Anh, Mỹ, Trung Quốc... Văn bản là thế, nhưng tôi xin phép anh MVP được hiểu “thoáng” hơn một chút.

 

So sánh về khoa học, công nghệ dễ cụ thể hơn là so sánh về văn hóa, về lối sống nhất là về thi ca, vốn là chất tâm hồn, chất tư tưởng của các dân tộc. Tôi nghĩ một nền thơ có sức xốc dậy một dân tộc nhỏ và kém trang bị dám đứng dậy đòi độc lập tự do, Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy, không thể là nền thơ trì trệ. Tôi cũng không nghĩ một nền thơ mà giữa những bức xúc, thậm chí suy thoái trong nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội như hôm nay mà vẫn có những nhà thơ dám từ bỏ lợi thế ban đầu của tài năng mình để tìm đường khai phá, làm lại như MVP; hoặc dám vượt lên những bó buộc của cảnh ngộ, của thời thượng để kiên trì làm bừng sáng giá trị một thể thơ truyền thống như Đồng Đức Bốn lại là một nền thơ lạc hậu. Cái cần câu của chúng ta quả có khác cái cần câu của thiên hạ, còn để đánh giá mức tiên tiến, mức lợi hại của cần câu thì chí ít cũng phải xem lượng cá trong giỏ các ông câu ấy. Một nền thơ đủ để bảo vệ, để phát triển tâm hồn, tư tưởng, cách hành xử của một dân tộc không thể là trì trệ, lạc hậu, dù nó không tân kỳ trong quảng cáo, trong tuyên ngôn. Giữa tiệc rượu chúng ta không việc gì lại xấu hổ khi không biết dùng dao và dĩa. Học cầm đũa có khi còn khó hơn học cầm dao, dĩa. Nhưng khó hay dễ cũng không nóng lạnh gì, cái chính là các công cụ ấy, các thao tác ấy đã giúp dân ta nhiều đời thong dong ẩm thực. Người Ấn Độ ăn bốc (ăn bốc cũng là một đẳng cấp hưởng thụ mà ông bà ta đã xác nhận trong ca dao), nhưng họ lại làm giàu cho thơ ca thế giới bằng một Tagore đậm đặc vị và hương Ấn Độ cao quý, thần bí. Sao lại tự cho là mình trì trệ, lạc hậu chỉ vì khi ngồi ăn mình không dùng dao dĩa, khi làm thơ mình không tuyên ngôn những siêu thực, vị lai, dada, tượng trưng, phân tâm, nữ quyền, hậu hiện đại, tân hình thức...

 

Nhưng quả là có một khối lượng kiến thức và kinh nghiệm mà thơ nhân loại đã đi qua từ nửa cuối thế kỷ XIX và trong suốt thế kỷ XX chúng ta ít biết đến:

 

- 1864 xuất hiện Mallarmé và 1868 khi Théophile viết tựa tập thơ Hoa ác của Baudelaire; chủ nghĩa Tượng Trưng đã ra đời. Và sau đó thành tựu của những P. Verlaine, P. Valéry, Marcel Proust... chống duy lý, đề cao trực giác (Berson).

 

- 1909 Tuyên ngôn Vị lai, với G. Apollinaire, T. Tzara và các nhóm tiên phong New York (1916), Berlin (1917).

 

- 1918 Tuyên ngôn Dadaisme, với những A. Breton, L. Aragon, P. Éluard.

 

- 1919 Siêu thực, rồi siêu thực tách dada,  Siêu thực với Chủ nghĩa Cộng Sản khi gắn kết, khi đoạn tuyệt.

 

- Hậu hiện đại từ kiến trúc (1963) vào văn chương (1967) sang triết học (1979, với J.-F. Lyotard), và thành Chủ nghĩa tác động nhiều ngành nghệ thuật (1988).

 

Các thứ chủ nghĩa ấy đều có một đích chung là phản kháng những giá trị đã định hình, đều muốn phi thần thánh hóa những hình thức và cả ý nghĩa của nghệ thuật, đều chống các lý thuyết hàn lâm, đề cao ngẫu nhiên, phi chính thống, rất gần với hư vô và vô chính phủ, mang tinh thần dân chủ cho thơ nhưng cũng dẫn thơ đến một hệ quả khá nghịch lý: nhà thơ đông lên nhưng thơ lại mất độc giả trên phạm vi thế giới. Trong cuốn Văn hóa thế kỷ XX, của nhà xuất bản Bordas, 1995, tác giả Michael Fragonard đã viết trong mục thơ: cái mà trước kia được tôn vinh là đẳng cấp nghệ thuật cao sang nhất, ngay ở thế kỷ XIX vẫn còn được coi là thể loại văn chương được trọng vọng nhất, thì bây giờ đã trở thành một loại hình riêng tư, bí hiểm, bị bỏ rơi trong học đường và rất ít được tìm đọc... Những trào lưu này hầu hết nảy sinh, phát triển rồi tàn lụi ở phương Tây (Âu - Mỹ) với những lý do tâm lý, xã hội, chính trị... nảy sinh từ hai cuộc đại chiến, từ đời sống kỹ trị đơn điệu, từ sức mạnh phi nhân của đồng tiền... Âu - Mỹ là động lực vì Âu - Mỹ giai đoạn này dẫn đầu về khoa học và công nghệ, dẫn đầu về văn minh thành đạt, có tác dụng thị phạm khích lệ nhân loại. Cái quần rách của anh chăn bò Mỹ từng thành mốt của thanh niên thế giới, họ phải mài quần đi cho rách để thành thời trang. Những cách tân trong hội họa, điêu khắc, thơ ca... không ngoại lệ. Nước ta bận kháng chiến và sống trong bối cảnh khác ít quan tâm đến những trào lưu này. Chúng ta không tự hào vì sự không biết ấy. Bây giờ, hội nhập với thế giới, càng cần phải biết. Biết, đề lựa chọn, để bổ sung, hoàn thiện con đường của mình, tối ưu cách đi của mình chứ không phải để dây chút cát bụi thời thượng, mù quáng và huyênh hoang học đòi thiên hạ. Em như cục cứt trôi sông/ Anh như con chó chạy trông trên bờ, hai câu ca dao mà mỗi khi nhớ chúng ta mỉm cười tán thưởng ấy có đủ mọi tiêu chí của một bài thơ hậu hiện đại bây giờ, mặc dù cha ông ta chưa hề biết tới thuật ngữ này. Ban ngày quan lớn như thần là “đại tự sự” thì ban đêm quan lớn tần mần như ma đã là “sự” gì rồi. Trạng từ tần mần dấu trong lòng nó một động từ mần duyên dáng và táo bạo như một thứ tân hình thức chính hiệu. Đoản trạo hệ tà dương (...) Vân quy thiền tháp lãnh (Mái chèo ngắn buộc vào ánh chiều tà, Mây về giường nhà sư lạnh) có đủ vị siêu thực trong miêu tả và vị tượng trưng trong mối liên hệ đại ngã-tiểu ngã. Nguyễn Trãi ở đây mới mẻ ngang tầm P. Válery trong Nghĩa địa biển mà độ hàm súc lại có phần nhỉnh hơn. Tìm biết cái lạ của người nhưng cũng cần, nếu không nói là cần hơn, hiểu sâu những đặc sắc của mình, mới có thể tìm ra tư thế “thong dong” để đến được phẩm chất hồn nhiên, trong sáng và tối giản cho thơ như MVP mong muốn.

 

Mai Văn Phấn đã có thành công trong cuộc cách tân nhiều thử thách đó, vì anh xuất phát từ ý tưởng muốn thơ mình đáp ứng nhu cầu đích thật của đời sống, anh không lạm dụng thói quen lười biếng của người đọc để lười biếng theo và cũng không đua đòi về hùa với thói thời thượng nông nổi. Anh không có ý định bày biện chủ nghĩa này tuyên ngôn nọ trong thơ mình. Đổi mới là một yêu cầu bên trong của tâm hồn, của nhận thức trách nhiệm nghệ thuật, trách nhiệm xã hội nơi anh. Anh tỉnh táo và kiên trì thực hiện ý định của mình trong hàng loạt tự phủ định, anh chấp nhận thử thách của dư luận, chấp nhận cả thất bại. Nhưng điều đáng nói là anh đã tìmtìm thấy. Chưa thành công nhiều trong đơn vị bài nhưng đã thành công rõ trong chất thơ, trong trạng thái thơ tản mác trong các bài. Hình như MVP chưa cố định thơ vào đơn vị bài. Anh thường cố định vào một trạng thái tâm hồn, có tính cách cảm thụ thiên nhiên, ngoại giới (Cốm hương trang 308, Thu đến trang 310, Đá trong lòng suối, trang 305) và đây là chỗ anh phát huy đắc địa tố chất nhạy cảm, tinh tế của tâm hồn anh. Đôi khi anh cố định thơ vào một hướng chủ đề, cái chủ đề mơ hồ như một tinh vân ý tưởng chứ chưa thành đường nét, nó gợi nghĩ chứ không phải là ý nghĩ đã thành hình (Ghi ở Vạn lý Trường Thành, trang 239, Nhìn kỹ trang 249, Nghé ơi, trang 309) và có lúc anh chỉ cố định vào một thủ pháp kết cấu, như một cách tung hứng chi tiết (chi tiết cái móng chân trong đoạn thơ uống trà, trang 326 hay chi tiết 3m75 cách chỗ nằm con chó). Tôi gặp nhiều thủ pháp mới, cuốn hút, thông minh trong các mảng thơ MVP. Anh phong phú ẩn dụ, hoán dụ chất chứa suy tưởng và đầy bất ngờ. Đó là tiềm lực trí tuệ của thơ anh và cũng là một phẩm chất đang cần của cả nền thơ chúng ta: Vệt môi anh là con chim gõ kiến trên cây cổ thụ. Chiếc mỏ tí hon làm cây rừng thay lá, thân gỗ mục hồi sinh (...) Nhắm mắt anh nghe trong thân cây biết mặt trời đã mọc và ngôi sao lơ đãng đổi ngôi. Một chất thơ mới mẻ, một cảm hứng hàm chứa nhiều dự báo tương lai. Chúc mừng anh! Tôi thích thú bơi trong những lớp sóng cảm xúc của anh. Bơi mệt nghỉ, ít gặp chỗ dừng để có thể trèo lên, ngồi xuống và nhìn lại những gì mình vừa băng qua. Anh đang say mê mở ra mà chưa định chốt lại. Cũng có thể là một quan niệm thơ: kêu gọi bạn đọc làm đồng tác giả, kêu gọi hình thành liên văn bản cho tác phẩm. Tôi quen đọc thơ như người mót lúa ngoài đồng, muốn thóc được vào giỏ cụ thể. Nhưng đây là đồng đất của anh, anh mời đứng mời ngồi như thế thì mình cũng phải theo thế mà đứng ngồi, cốt sao thụ hưởng được tinh hoa của thơ anh.

 

Cám ơn anh đã gửi thơ cho đọc. Cám ơn các bạn đã độ lượng nghe tôi.

 

13/5/2011

V.Q.P

(Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, khác biệt và thành công - Kỷ yếu hội thảo thơ tại Hải Phòng, 15/ 5/ 2011, NXB Hội Nhà văn, 2011).

 

-----------------------------------

(1) Logic: Nước mùa hè, sương mùa thu, đá mùa đông. Hè, thu, đông. Nhưng đông vừa là mùa vừa là thể lỏng sang thể rắn. Đá là nước đông, nhưng đá cũng còn là loài khoáng, nó lên rêu. Mà rêu mùa đông thì trong tiền kiếp nó là nước mùa hè, sương mùa thu, là xanh biếc rong chơi lúc đang hè, là úa rụng lúc thu về, là cháy sáng lúc vào đông. Bài thơ đối thoại đơn phương giữa anh em luôn tuân thủ trong từ trường cảm xúc ấy, nương tựa trong những biểu tượng hợp loại của mùa, của đổi thay, của luân hồi, khác đi mà vẫn hoàn nguyên...

Phóng túng, bất ngờ trong các khớp chuyển từng hai câu một với nhau và cả trong bản thân hai câu ấy. Và nhất là phóng túng trong chủ đề cảm, khúc cảm của toàn bài thơ. Lãng đãng, bàng bạc, không rõ ý nhưng chất thơ lại rõ. Nó là chất của tâm hồn.

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị