Thơ Lê Vĩnh Tài, bản sắc và bản lĩnh (phê bình) - Mai Văn Phấn

Thơ Lê Vĩnh Tài, bản sắc và bản lĩnh

(Đọc tập thơ “đêm & những khúc rời của Vũ” của Lê Vĩnh TàiNxb Hội Nhà văn, 2008)

 

 

 

Nhà thơ Lê Vĩnh Tài

 

 

Mai Văn Phấn

từ tôi đến miệng tôi

xa quá không sao kêu cứu được…

Lê Vĩnh Tài

 

Đọc thơ Lê Vĩnh Tài thời điểm này, vẫn thấy “ngổn ngang” như một công trường với những tòa  nhà cao tầng hoàn thiện và nhiều hạng mục khác còn dang dở. Như một số tác giả cách tân cùng thế hệ, nhà thơ Lê Vĩnh Tài khởi trình từ thi pháp truyền thống, một cách gọi khác là “lãng mạn hậu kỳ”, tiến tới kết hợp những tinh hoa thơ Việt với một số thủ pháp nghệ thuật phương Tây để thiết lập giọng nói riêng giàu bản sắc sáng tạo.

 

Lê Vĩnh Tài sáng tác liên tục và đều tay, nhưng phần lớn tác phẩm chỉ công bố trên mạng Internet hoặc gửi cho bạn bè. Qua thư gửi tôi ông tâm sự: “Bản thảo giờ nhiều in chắc không lo nổi chi phí”. Tôi đồ rằng, đấy chỉ là cách nói khiêm nhường của nhà thơ. Có thể vì nhiều lý do mà Lê Vĩnh Tài không muốn lấy giấy phép xuất bản, như sự bộc trực, dữ dội trong một số tác phẩm của ông, hoặc nhà thơ “dị ứng” với sự cắt xén của biên tập...

 

Trên xa lộ thông tin toàn cầu hiện nay, tôi cảm giác thơ Lê Vĩnh Tài tựa một cỗ xe chở đầy ắp hàng hóa đi nhiều nơi, đến được nhiều địa chỉ. Chỉ tính riêng về trường ca, ngoài “Vỡ ra mưa ấm” (viết năm 2003), nhà thơ đã công bố thêm năm trường ca nữa trên các website: “Bài trường ca người Mông” (2012), “Bài trường ca Bauxite” (2013), “Bài trường ca cho người đã chết nhưng vẫn còn sống trong sự thật” (2014), “Bài trường ca cánh đồng bất nhân” (2014), “Bài trường ca Tây Tạng” (2015). Còn nhiều bài thơ khác được ông công bố trên các website, mạng xã hội và báo in. Theo khảo sát của tôi, tính theo đơn vị chữ, Lê Vĩnh Tài hiện là một trong số các nhà thơ thời kỳ Đổi mới có nhiều tác phẩm công bố.

 

Quan sát tác phẩm của Lê Vĩnh Tài theo thời gian, tôi nhận thấy năm 2008 là dấu mốc quan trọng trong hành trình sáng tạo của ông. Từ thời điểm này, thơ Lê Vĩnh Tài đã định hình phong cách, khẳng định được giọng thơ có bản sắc. Nhiều ý kiến cho rằng, thơ Lê Vĩnh Tài gần đây ảnh hưởng trào lưu hậu hiện đại. Thực tế không chỉ thế, Lê Vĩnh Tài đã tiếp thu có chọn lọc những giá trị tích cực một số trào lưu, khuynh hướng thơ ca phương Tây. Ông vận dụng cách thiết lập không gian đa chiều của Siêu thực và Tượng trưng. Đồng thời, kết hợp có chọn lọc một số thủ pháp của hậu hiện đại, như phân mảnh, liên văn bản, dung hợp, diễu nhại… Điều quan trọng là, Lê Vĩnh Tài đã sống và sáng tạo bằng tâm thế và tâm thuật của một nghệ sĩ, một công dân trước những biến động tiêu cực khôn lường của cuộc sống đương thời. Ông phơi bày đến tận cùng cái lõi của sự xấu xa, giả trá, ác độc trước ánh sáng của lương tâm, của công luận. Dù ông biết rằng, sự phơi bày ấy có thể sinh ra nhiều hệ lụy, hiểm nguy cho chính mình trước khi căn bệnh trầm kha được chữa lành.

 

Để có thể nhận diện chính xác về một hiện tượng thơ khá đa dạng và phong phú như Lê Vĩnh Tài, tôi chọn tập thơ “đêm & những khúc rời của Vũ”, một trong những tập thơ đặc sắc nhất mà ông đã viết, để tập trung phân tích và lý giải bản sắc thơ, đồng thời, qua đó nhận chân bản lĩnh cầm bút của một tác giả trong hoàn cảnh xã hội có nhiều biến động như hiện nay.

 

Thật ra, những tìm tòi, cách tân của thơ Lê Vĩnh Tài đã manh nha từ trường ca đầu tiên “Vỡ ra mưa ấm”, hoàn thành năm 2003. Trong trường ca này đã bắt đầu xuất hiện những câu thơ có cách kết nối đa tuyến tính trong nguồn mạch cảm xúc truyền thống: 

 

như đôi môi em

ta ca hát reo cười trong đó”.

 

Kể từ đó, nhà thơ Lê Vĩnh Tài tiếp tục dấn bước trên hành trình cách tân, đổi mới thi pháp, thể hiện rõ trong những tập thơ tiếp theo. Trong “Bài thơ tả đám mây” (thi tập "Liên tưởng”), một bài thơ tiêu biểu cho tinh thần kiếm tìm hệ hình thẩm mỹ mới, chúng ta dễ dàng nhận thấy, cách liên kết không gian và thời gian, đặc biệt ngôn ngữ thơ của Lê Vĩnh Tài đã đi xa khỏi thơ truyền thống, khác biệt với chính ông so với những tập thơ xuất bản trước đó. Không gian trong bài thơ này tựa khoảng trời để ngỏ cho con chim được tự do mở đường bay về bất kỳ hướng nào:

 

“những đám mây màu thiếu nữ nhợt nhạt

nhàn tản rong chơi

nàng vừa nói vừa cười nhè nhẹ

bộ xương của nàng là gió

và ngạc nhiên thấy ta ghi lại lời nàng

làm bài thơ của kẻ mộng du

sau khi nàng bước sâu xuống đất

 

nơi nàng nằm xuống

hơi ấm đã đọng thành nước mắt

nó lo nàng ngạt thở

nhưng nó không mất hy vọng

về bầu trời

và ngôi sao và mây trắng và mơ hồ

và hát

mây xanh...” (Bài thơ tả đám mây)

 

Đến tập thơ “đêm & những khúc rời của Vũ”, những dòng chảy mới trong thơ Lê Vĩnh Tài thực sự được khai mở mạnh mẽ. Người đọc có thể nhận biết quá trình khai mở ấy trong kết nối điểm nhìn, cách tạo từ trường cảm xúc, thiết lập giọng nói tự nhiên, hồn nhiên mang tinh thần khoáng đạt của nhà thơ. Theo tôi, đây là tập thơ đánh dấu độ chín, là đỉnh cao trong quá trình sáng tạo của nhà thơ Lê Vĩnh Tài.

 

á

 

Đặc điểm nổi bật trong thơ Lê Vĩnh Tài là giọng thơ độc thoại-trữ tình. Giọng thơ này hầu như xuyên suốt các tác phẩm, từ những bài thơ đến các trường ca của ông, và ngày càng rõ ràng, mở rộng những âm vực và âm sắc. Đặc điểm này tương đồng với một số tác giả cách tân cùng thế hệ. Họ thường mở đầu bài thơ bằng giọng tự sự, giãi bầy về những điều mình chú tâm tìm kiếm hoặc ngẫu nhiên được chứng kiến.

 

Xin dẫn chiếu thơ của một số tác giả khác có cách viết tương tự. Đây là cách mở đầu bài thơ của nhà thơ Đỗ Doãn Phương, câu thơ đầu tiên vang lên như tiếng chuông mở cánh màn nhung đêm diễn:

 

“Từ đỉnh núi khô cằn

Tôi lao xuống khe trũng

Cuốn cây lá đá theo

Dòng bất an sôi sục” (Lòng hồ 1)

 

Nhà thơ Lê Ngân Hằng lại có cách mở đầu bài thơ bằng giọng rất tự nhiên. Trong bài thơ “Khúc nhạc đêm trăng” ta thấy, nhà thơ và người đối thoại vừa bắt đầu trò chuyện, song âm hưởng những giọng nói vang lên trong bài thơ cho ta cảm nhận họ đã thân thiết từ lâu. Điểm khởi đầu câu chuyện cũng chính là thời khắc hiện thực trong bài thơ hiện lên và chạm vào trái tim nhà thơ, tựa như chiếc công-tắc vừa được bật cho bóng đèn vụt sáng:

 

“Không nghe thấy vì đôi tai tầm thường

Chân dẫm lên vũng đêm đẫm gió

Hương trong vườn đâu đâu chẳng rõ

Có thể vườn nhà có thể vườn hoang

Có thể vườn trời từ sâu sâu thẳm

Có thể trăm năm...” (Khúc nhạc đêm trăng)

 

Song ở Lê Vĩnh Tài, cách khai mở bài thơ lại có điểm dị biệt với các bạn viết. Cũng tạo được giọng điệu hồn nhiên tưng tửng, nhưng thơ của Lê Vĩnh Tài cho tôi cảm nhận, hiện thực đời sống hiển lộ trên văn bản mới chỉ một phần nhỏ của những mặt khuất lấp mà tác giả từng chứng kiến, nếm trải. Khổ đầu bài thơ “đêm & những khúc rời của Vũ[1]” gợi cho ta hình dung một con đường đèo, chỉ thoáng hiện một khúc quanh trong sương mù. Nó chính là ánh xạ của đời sống sinh động và phồn tạp đang diễn ra:

 

“không cần phải bay

chúng ta không muốn làm chim trời mà cần giải thoát

cần bỏ trốn

cái chết không sao đuổi kịp” (đêm & những khúc rời của Vũ)

 

Nội dung câu chuyện có khi được Lê Vĩnh Tài “phong kín”, rồi mở dần ra cho bạn đọc thấy một mê cung trong đó. Điều đặc biệt tôi muốn nhấn mạnh là, cái mê cung ấy không hề xa lạ, mà ngược lại, gần gũi, thân quen qua cách xử lý ngôn ngữ của nhà thơ.

 

“cuộn len rối tung một mê cung

trong giấc ngủ tôi thấy cuộn len lăn như cỏ

sự bện chéo vào nhau của sợi dọc sợi ngang

như sợi rơm chú chim sâu đan chiếc tổ

sau đó đẻ những quả trứng.”  (bài thơ về cuộn len)

 

“sau một tin nhắn vay thi thoi

ướt đẫm câu nói mớ

đêm không ngựa không yên cương mà phi nước chảy

đuổi theo nhau ngày tháng có nhau

đuổi theo nhau không còn nhau nữa” (bài thơ người tuổi ngựa)

 

Giọng điệu độc thoại-trữ tình trong thơ Lê Vĩnh Tài uyển chuyển, kết hợp với cách nói tự nhiên, như buông lơi, như thả trôi… Nhưng thực chất, chúng đã được ông chắt lọc kỹ lưỡng, mang đến cho bạn đọc cảm giác như chứng kiến cơn gió lớn ùa về, hay thủy triều đang lên nhanh, tuy những con sóng hiện lên không lớn, song cứ liên tục dập dềnh, có lúc lại như lặng lẽ chảy trôi… Và thơ Lê Vĩnh Tài tựa những thước phim cho ta thấy hình ảnh con sông kia đang chở nặng phù sa bồi đắp cho bãi bờ, làm màu mỡ những cánh đồng mà nó chảy qua:

 

hát lên tim vỡ

một tiếng chim bạn nghe thấy gì không

bạn không lo âu gì nữa

bàn tay xoè ra ánh sáng (bài thơ hót lên như tiếng chim); 

quê hương ôi Người vỡ ra mưa ấm

ta cùng Người đến bên bờ sông đầy cỏ

lấy vạt áo ta lau gượng nhẹ cho Người

ta lặng ngắm Người hạnh phúc

bài trường ca dâng lên Người”. (Bài trường ca cho quê hương của một trăm năm trước).

 

Dòng nước ấy trong thơ Lê Vĩnh Tài đã thấm sâu, tràn vào những góc tối, từng ngóc ngách của đời sống này, và cuốn đi cả bụi bẩn, rác rưởi và uế tạp trong đó. Tôi tưởng tượng một nghi lễ thanh tẩy đang diễn ra trong thơ ông:

 

“dường như chiều nay

chúng ta quên mất cuộc đời nhiều cánh cửa

cùng đóng lại ước mơ

lẽ ra phải kêu lên nỗi đau của rừng đã cháy

chúng ta cứ hát ca ban mai lá ướt

những chân mây thật nhiều gió và buồn”. (bài thơ về sự cả nể).

 

Từng bài thơ của Lê Vĩnh Tài trải ra trước mắt người đọc hiện thực xã hội đương diễn ra hàng ngày đầy sống động và nghiệt ngã. Thơ ông mang tính thời sự cao. Tứ thơ thường được nhà thơ lấy cảm hứng từ những sự kiện cụ thể xảy ra tại Việt Nam và những điểm nóng trên thế giới. Tôi có cảm giác, dường như những va đập trong đời sống thực tế dội vào Lê Vĩnh Tài và tạo ra những khoảnh khắc ấn tượng trong thơ ông:

 

“như xác xơ lơ thơ ác mộng

như mầm chồi

hết mẫu giáo đi vào lớp một

hết đại học đi vào nước mắt

nhưng đứa trẻ còn lênh đênh trên phố

tờ vé số gay gắt sa mạc

trôi lang thang vỉa hè”.  (nằm vạ…)

 

“mỗi sáng dậy thổi mùi khói bếp

mẹ dựa lưng vào mùi bóng tối

mùi củi cháy mùi cơm sôi

những bông hoa ngập nước lâu ngày

mùi nặng trĩu

ngày xưa sức người mùi sỏi đá...

những hạt cơm mùi thủng đáy nồi”. (những ngày mưa mưa mãi không thôi...)

 

Đọc "đêm & những khúc rời của Vũ", người đọc được chứng kiến tài nghệ của “bác sĩ” Lê Vĩnh Tài khi thực hiện những cuộc “đại phẫu” đời sống xã hội, nhân thế. Mỗi người như gặp lại chính mình, gặp lại những tình huống, trạng huống mà mình từng bươn trải, vượt qua… Bằng những “vết mổ”, “đường chỉ khâu” quyết liệt, dứt khoát mà cũng đầy nhân bản, “bác ” Lê Vĩnh Tài đã cắt bỏ những khối u, phần hoại tử và cả những mảng cơ thể bị thương tật để cứu lấy lương tâm, lương tri con người. Song, những đường rạch đại phẫu trong tập thơ này mới là giai đoạn khởi đầu dấn thân của một công dân-thi . Thơ Lê Vĩnh Tài ở giai đoạn sau và gần đây thể hiện thái độ phản kháng ngày càng dữ dội, bộc trực. Điều đó thể hiện rõ bản sắc và bản lĩnh nghệ của ông. Nhà thơ quan niệm sáng tạo chính là hành trình đi tìm tự do, công bằng, hạnh phúc cho con người và vì con người. Tinh thần ấy được thể hiện rõ trong những bài thơ và năm trường ca ông viết gần đây.

 

Hiện thực đời sống thường hiện ra sắc lạnh, thô ráp và khá gai góc trong những tác phẩm của Lê Vĩnh Tài. Không mượt mà, trau truốt như một số thế giới thơ khác, chính sự thô ráp, cộc kệch ấy với tôi lại là ấn tượng mạnh mẽ nhất của thơ ông. Có những chi tiết, sự kiện được nhà thơ phơi ra ánh sáng, hoặc truy lật đến tận nơi cư ngụ cuối cùng của nó. Điều đặc biệt là, chi tiết, sự kiện ấy lại được biểu đạt bằng ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh và sắc thái biểu cảm. Qua ngôn ngữ ấy, tôi cảm nhận được trái tim nhân hậu, bao dung của nhà thơ:

 

“đêm làm ướt chiếc yêng[2] của mẹ

hai cánh đã ướt của con chim Phí ngày mưa

run lên khi về tổ ấp lên những quả trứng

hơi lạnh làm ung các chú chim con

đang ngủ ngon trong nhà mồ tập thể”. (dịu dàng như một gợi nhớ của đêm).

 

“trước khi buổi sáng vào bờ

những đợt sóng dừng lại một khoảnh khắc

ngay cạnh bên tôi

như thể giấc mơ suốt đêm xoay loang loáng

nan hoa nước mắt

mắt tôi khu rừng nguyên sinh

mắt bão mịt mù hơi nước”. (những căn nhà bây giờ nền cát trắng).

 

Trả lời câu hỏi của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng “sự xúc động đến từ đâu?”, nhà thơ Lê Vĩnh Tài trả lời: “Có xúc động lung linh tơ trời làm ta ngân lên tiếng kêu nao lòng. Có xúc động bầm dập làm ta kêu lên như bị cháy nhà… Khi chúng ta cảm thấy sự xúc động, hay cái gì tương đương với sự xúc động, có lẽ chúng ta đang ưu tư về thân phận con người chăng?... Con người ta được sinh ra không phải do ý chí của mình quyết định và thế giới mà ta đang hiện hữu trong đó đang ngày càng trở nên xa lạ và bất an hơn[3].

 

Sự bất an của đời sống, của thế giới hiện lên hầu khắp trong những bài thơ của ông. Trong bài thơ “xa quá không sao khóc được…”, tôi cảm nhận được nhà thơ đang run lên trước những nỗi đau của cõi nhân sinh: 

 

ôi ngón tay, dưới lớp da mỏng

máu của tôi đang chảy

tôi lấy sức mạnh ở đâu để kháng cự

tôi cứ buông xuôi”.

 

Những câu thơ như thể hiện một trạng thái buông xuôi, như “lả đi”. Nhưng không, đó chính là quá trình thu nạp năng lượng để nhà thơ bật dậy mạnh mẽ trong khổ cuối của bài thơ này:

 

“này đêm không muốn dứt

hãy để ngày ấy lụi tàn  những cơn hấp hối cũ kỹ

ông già sắp sửa tan nát

xoay tròn trôn ốc khi mua vé ra khỏi đường hầm

lờn răng mỏi gối

muốn nói tất cả

tại sao?

tại sao?

tại sao?

chúa ơi

con không máu lạnh

xin đừng im lặng

nữa”. (xa quá không sao khóc được…)

 

Đoạn thơ sau đây khắc họa một hiện thực sống đang diễn ra qua những hình ảnh sắc nhọn, khô khốc nhưng thấm đẫm nước mắt:

 

“thơ ngất xỉu khi ngang qua cây cầu sập

còng lưng chảy máu mẹ nghèo

thơ ngất xỉu khi ngang qua hàng hàng núi đá

[ở đâu có núi đá ở đó có công trường

ở đâu có công trường ở đó có tai nạn]

và trẻ con nước mắt trong veo”. (những câu thơ như gió rã rời).

 

Trong tập thơ "đêm & những khúc rời của Vũ", Lê Vĩnh Tài đã sử dụng hình ảnh con mắt rất linh hoạt, biến ảo lạ lùng:

 

buổi sáng, tôi không biết có còn gương mặt. Mắt và môi đã thành xa lạ….

… Đã gươm đao trong mỗi mắt nhìn”.  (buổi sáng).

 

Ở đây, nhà thơ biến con mắt và nước mắt thành những nhân vật sống động trong cuộc chìm nổi mưu sinh và chống chọi với mọi hiểm họa của đời sống xã hội để tồn tại: 

 

nước mắt xếp hàng vào cửa tự do

không ai mua vé”. (ở Lebanon...);

nước mắt tràn trên mặt

tôi quên mất mình còn gương mặt không biết mình còn là người hay không”. (xa quá không sao khóc được…); 

đôi mắt hú còi báo động

vô ích mênh mông”. (bài thơ về sự cả nể); 

những ánh mắt nhìn theo như thủy triều rút xuống”. (bài thơ hót lên như tiếng chim); 

một bên máu một bên nước mắt/ ngước nhìn bờ bên kia…

… hai mắt mẹ mây mù mưa bão”.  (dịu dàng như một gợi nhớ của đêm); 

có gì đâu mà khóc

 ngủ đi nước mắt

dài và xanh sương mù”. (ngủ đi, nước mắt)…

 

Hình ảnh con mắt trong thơ Lê Vĩnh Tài khá phong phú, đa dạng. Nhà thơ thường biến con mắt trở thành điểm nhấn trong giọng độc thoại-trữ tình của ông. Giọng thơ của Lê Vĩnh Tài không giống như tiếng suối chảy, mà tựa những bước sóng cơ dao động lan truyền trong môi trường, ta vẫn gọi là sóng hình Sin. Những bước sóng này có biên độ dao động, chu kỳ, tần số và tốc độ tương đối đồng nhất và điều hòa. Đó chính là nét đặc trưng của thơ Lê Vĩnh Tài. Trong một khổ thơ của ông thường xuất hiện trọn vẹn các bước sóng cơ bản. Ví dụ, một bài thơ có năm khổ thơ, có thể nhìn thấy trong đó năm bước sóng. Điều này rõ hơn trong năm trường ca viết gần đây của nhà thơ. Cách tạo bước sóng này đem đến cho người đọc cảm giác chảy trôi, tự nhiên, gần với vô thủy vô chung như bản chất của vũ trụ.

 

Lê Vĩnh Tài đã sử dụng tài tình con mắt như một từ khóa, và một số hình ảnh khác đặc trưng của ông (đêm, giấc mơ, khuôn mặt…) để làm lệch đi những bước sóng và chuyển động đơn trong thơ ông. Dĩ nhiên nó cũng làm “lệch” nhịp sinh học của người đọc, mở ra nhiều liên tưởng lạ lùng khi tiếp cận văn bản.

 

á

 

Trong đa số những bài thơ của Lê Vĩnh Tài, đặc biệt trong tập thơ "đêm & những khúc rời của Vũ", cách đặt tên bài có nhiều khác biệt so với thế hệ thơ trước đó. Trước đó, tên bài thơ chính là thần thái, hồn cốt của tác phẩm, hoặc thông qua nội dung để hiển thị mục đích mà tác giả hướng tới. Riêng với cách đặt tên bài thơ của một số nhà thơ thế hệ Đổi mới sau 1986 ở Việt Nam, trong đó có Lê Vĩnh Tài lại có những điểm khác và phong phú hơn.

 

Cụ thể như trong tập thơ "đêm & những khúc rời của Vũ", nhà thơ có thể chọn một ý thơ bất kỳ trong bài thơ để làm tiêu đề. Ví dụ, tên bài thơ “đơn giản chỉ là người ngồi bên”. Bài thơ kể về một giấc mơ vào một thời điểm nào đó không xác định. Trong giấc mơ ấy, nhà thơ thấy người ngồi bên với 

 

ngôn ngữ nhạt màu

chia cắt giấc mơ thành bậc thang”.

 

Rồi từ tiêu đề như nhặt được, như cố ý ghép vào ấy đã mở ra những điều vô tình tương tự làm bạn đọc ngạc nhiên đến sững sờ:

 

“đôi khi tiếng vang cây đàn đột nhiên tắt

đôi khi muốn nghe một tiếng thì thầm

đôi khi hai vì sao sa xuống

mắt em đau đớn. Lặng câm

cây nến còn bốc khói...” (đơn giản chỉ là người ngồi bên).

 

Có lúc Lê Vĩnh Tài đặt tên bài thơ bằng cách mượn lối ví von dung dị của những làn điệu dân ca, đồng dao, ca dao, như: “bài thơ hót lên như tiếng chim”, “chỉ còn giấc mơ là mù sương và thường trực”, “những câu thơ như gió rã rời”, “những ngày mưa mưa mãi không thôi”, “Dịu dàng như một gợi nhớ của đêm”… Cách ví von này không mới, nhưng trước đây thường được các nhà thơ vận dụng trong phần nội dung thay vì dùng để đặt tên tác phẩm.

 

Nhà thơ Lê Vĩnh Tài còn có cách đặt tên bài thơ khá lạ và thú vị. Đó là chộp bắt một hình ảnh thoáng hiện, thậm chí thu nạp ánh xạ của nó để đưa lên làm tiêu đề. Như tên các bài thơ sau: “thơ à...”, “qua cửa sổ, tôi nhìn thấy một con hẻm”, “hay là gió làm em nước mắt…”, “Và buổi chiều có thể là thơ mộng”… Trong bài thơ “xa quá không sao khóc được…”, nhà thơ không nói về khoảng cách “xa quá” từ tôi đến mắt tôi… trên gương mặt không còn nước mắt, hay lý do tại sao không thể bật khóc, mà những hiện thực cay đắng và đau đớn đã được ông phô bầy trong từng đoạn thơ:

 

“sống sẽ còn gì

tôi nghe tiếng kêu trong quán nhậu

này tôi đột nhiên được giải thoát

vỉa hè đắng cay trên miệng

không cần ai mủi lòng

đừng cố nữa

những chai bia tiếp thị toát mồ hôi”.

 

á

 

Trong thơ Lê Vĩnh Tài, ta bắt gặp khá nhiều thủ pháp nghệ thuật của các trào lưu hiện đại và hậu hiện đại. Trong bài thơ “đêm & những khúc rời của Vũ”, Lê Vĩnh Tài tạo những hình ảnh mang dấu ấn tượng trưng để thiết lập một không gian đa chiều với nhiều hướng tiếp cận:

 

“ngày tụi mình ngồi với nhau, Vũ ơi có người con gái

lặng lẽ leo lên leo mãi lên những ngón tay

gảy những tổ khúc muộn phiền

vào chiếc ly của đêm toàn nước

đất nước ơi, lớn lên!”

 

Điều khá thú vị trong tập thơ này là, tác giả đã chuyển một số bài thơ tự do sang văn bản thứ hai ở thể lục bát. Như một số nhà thơ cách tân khác, Lê Vĩnh Tài cũng là một trong những “cao thủ” của sân chơi 6-8 truyền thống này. Người đọc có thể thưởng thức tài nghệ của ông trong những câu thơ sau đây:

 

“một hối tiếc một long lanh

sớm ngày đã rối tung thành đêm đen

 

một người rách áo rồi em

một người lại giấu cuộn len đâu rồi...” (bài thơ về cuộn len)

 

Đặc biệt trong tập thơ “đêm & những khúc rời của Vũ”, nhà thơ Lê Vĩnh Tài đã tạo ra một kiểu xếp chữ riêng trong câu thơ, đoạn thơ để tạo cho bạn đọc ấn tượng lạ mắt khi tiếp cận văn bản. Ấn tượng này giúp bạn đọc liên tưởng tới nghệ thuật thị giác (visual art) hay còn gọi nghệ thuật trực quan, được vận dụng trong mỹ thuật, kiến trúc, nhiếp ảnh, điện ảnh, thiết kế thời trang, thủ công mỹ nghệ... Ở đây, những ký tự được nhà thơ Lê Vĩnh Tài sắp xếp không đơn thuần để tạo nghĩa, mà vị trí cũng như độ giãn khoảng cách của mỗi từ, kể cả những dấu trong tiếng Việt đều được tham gia tạo hình. Sự sắp xếp ấy mang lại cho ta những giá trị biểu cảm mới, mở thêm biên độ tưởng tượng về một không gian thơ hấp dẫn và lôi cuốn.

 

“thế thì cho tôi hỏi

anh có còn hy vọng nữa  k-> h-> ô-> n-> g?”

(thế là chịu thua)

 

“tràn lan những lá cờ trắng

chỉ câu thơ tìm mọi cách

trồi lên

t r o ^ i    l e ^ n…

t r o ^ i      l e ^ n…

t r o ^ i        l e ^ n…”

(thơ à...)

 

Xoá nhòa ranh giới giữa ngôn ngữ thơ và khẩu ngữ đời thường cũng là một thủ pháp mà một số tác giả cách tân thuộc thế hệ Đổi mới thường vận dụng. Với Lê Vĩnh Tài, ông sử dụng thủ pháp này với kết hợp linh hoạt giọng điệu diễu nhại để tạo ra những tình huống bi hài, khá thú vị:

 

“có người chết vì hạnh phúc

vì yêu…

dù người ta chết vì bệnh không có tiền mua thuốc nhiều hơn”. (xa quá không sao khóc được…)

 

Thủ pháp này của Lê Vĩnh Tài rõ ràng làm gia tăng khả năng biểu đạt của ngôn ngữ thơ hiện đại. Điều đó cho thấy, nhà thơ có thể sử dụng bất kỳ cách nói nào, kể cả cấm kỵ để đạt tới mục đích cao cả của sáng tạo. Nhà thơ Lê Vĩnh Tài từng quan niệm: “Làm thơ là một việc tự nhiên và “tuôn chảy” vô cùng, nhiều thứ cùng đến và cùng chồng mờ lên nhau cùng một lúc[4].

 

á

 

Nhà thơ Lê Vĩnh Tài đã xuất bản tám tập thơ: “Hoài niệm chiều mưa” (Nxb Thanh niên 1991), "Hạt thóc và Hoa dại" (in chung với Uông Ngọc Dậu, Hội Văn học -Nghệ thuật Đắk Lắk, 1993), "Lục bát Phượng yêu” (in chung với Phạm Doanh, Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk, 1994), “Và nỗi nhớ đã bắt đầu với gió” (Nxb Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2004), trường ca “Vỡ ra mưa ấm” (Nxb Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2005), “Liên tưởng” (Nxb Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2006), “đêm & những khúc rời của Vũ” (Nxb Hội Nhà văn, 2008), “Thơ hỏi thơ” (Nxb Thanh niên, 2008).  Ông sinh 1966, tại Tp. Ban Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ với bề dày văn hóa trầm tích từ ngàn đời đã tạo cho ông nguồn cảm hứng sáng tạo liên tục và mạnh mẽ. Từ trường ca "Vỡ ra mưa ấm" trước đó, bạn đọc được chứng kiến một Tây Nguyên vạm vỡ và kiêu hãnh hiện lên trong thơ ông: 

 

Tây Nguyên mênh mang tận cùng máu chảy

mẹ dạy ta nhìn thấy

một bông lúa rẫy cũng khát như người

giấu ngọt bùi sau lần trấu mỏng

Tây Nguyên mênh mang tận cùng sự sống

chàng Đam San yêu con gái Mặt Trời”.

 

Mặc dù trong tập thơ "đêm & những khúc rời của Vũ", nhà thơ ít nhắc tới từng địa danh cụ thể cùng những hình ảnh đặc trưng vùng đất này, nhưng ta dễ dàng cảm nhận một bóng dáng và tinh thần Tây Nguyên trong những câu thơ phóng khoáng, khỏe khoắn của ông: 

 

như hợp nhất trời và đất

đàn bà và đàn ông

uống và không khát

một hối tiếc

một nước mắt”. (bài thơ về cuộn len).

 

Bóng dáng và âm thanh Tây Nguyên cũng thường được nhà thơ tái hiện khá đa dạng và phong phú trong những tác phẩm sau này.

 

Lê Vĩnh Tài mang trên vai sứ mệnh của kẻ sáng tạo. Ông từng tâm sự: “Tôi nghĩ bất cứ một người làm công việc sáng tạo nào cũng đều mang trên mình sứ mệnh. Sứ mệnh của thơ là một tiếng kêu lạc giọng, đau đớn làm dấu hiệu của nỗi đau đã gây ra nó. Sứ mệnh của nhà thơ là làm sao cho tiếng kêu ấy phải là âm thanh ngôn ngữ của mình[5]. Ông đã thể hiện tài năng và bản lĩnh một con người sáng tạo trên hành trình đổi mới và cách tân thi pháp trong điều kiện không mấy thuận lợi. Tôi biết, ông phải đối mặt với nhiều luồng dư luận trái chiều và không ít những ý kiến phản bác, dị ứng trước những giá trị mới lạ của mình. Tuy nhiên, các tác phẩm của Lê Vĩnh Tài đã góp phần hình thành những khuynh hướng sáng tác mới làm thay đổi diện mạo thơ Việt Nam đương đại. Thơ ông đang độ chín trong quá trình tích luỹ, trải nghiệm, thăng hoa cảm xúc... Ông đã và đang bền bỉ và tự tin hoạch định cho riêng mình một hướng đi và bản lĩnh trong sáng tạo để khẳng định một bản sắc thơ độc đáo, phong phú hơn. Nhân đây, tôi muốn dẫn câu thơ “máu thắm đỏ giấc mơ thi sĩ” trong bài “xa quá không sao khóc được…” của Lê Vĩnh Tài để khép lại bài viết này.

 

4/2016


 

______________________

[1] Tên các bài thơ trong tập thơ “đêm & những khúc rời của Vũ”, tác giả Lê Vĩnh Tài không viết hoa.

[2] Yêng: váy của phụ nữ Ê-đê là một tấm vải lớn màu đen hoặc sẫm chàm quấn quanh thân từ eo hông xuống phủ kín mắt cá chân. 

(Nguồn: http://baodaknong.org.vn/lich-su-van-hoa/vai-net-ve-hoa-van-tren-trang-phuc-phu-nu-e-de-5450.html)

[3] Nguyễn Đức Tùng: Sách chuyên luận “Thơ đến từ đâu”, Nxb Lao động, 2009.

[4] Nguyễn Đức Tùng: Sách chuyên luận ”Thơ đến từ đâu”, Nxb Lao động, 2009.

[5] Nguyễn Đức Tùng: Sách chuyên luận ”Thơ đến từ đâu”, Nxb Lao động, 2009.

 

 

 

 








 

BÀI KHÁC
1 2 3 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị