Nhà thơ Gjekë Marinaj phục sinh những giấc mơ (phê bình) - Mai Văn Phấn

Nhà thơ Gjekë Marinaj phục sinh những giấc mơ

 


 

Chân dung Nhà thơ Gjekë Marinaj - Ký họa của Họa sỹ - KTS Nguyễn Tùng Lâm






Bìa tập thơ “Những hy vọng trong suốt” của Gjekë Marinaj


 

Mai Văn Phấn

 

 

Và vì chúng ta nàng đeo vào cổ vầng trăng nạm vàng

 

G. MARINAJ

 

Tháng 6 năm 2014, nhà thơ Gjekë Marinaj[1] tới Việt Nam lần đầu tiên, mang đến cho bạn đọc Việt Nam tập thơ “Những hy vọng trong suốt” của mình. Lúc ấy, vì chuẩn bị đón Gjekë, tâm trí chưa được tập trung nên tôi đọc những bài thơ của ông mà chưa thấu hết. Tựa như người vừa thả gầu xuống lòng giếng sâu không thấy đáy, chỉ thấy mặt giếng lao xao. Hơn một năm qua đi, giờ là lúc tâm tôi đã tĩnh để đọc lại thơ Gjekë. Tôi thấy mình được hòa nhập trọn vẹn vào tâm hồn nhà thơ thấy chính tôi qua đôi mắt một em bé sinh đôi (Đời tôi nở bừng giữa những chồi cây). Đôi mắt của em bé ấy giờ đây phải chăng là biểu tượng tình bạn giữa nhà thơ Gjekë Marinaj và những người thân yêu trong gia đình tôi? Là sự chia sẻ, thấu hiểu của cả hai chúng tôi về cội nguồn văn hóa hai dân tộc  Albani và Việt Nam thông qua các tác phẩm văn học?

 

Thơ của Gjekë Marinaj gợi mở nhiều liên tưởng và đa tầng cảm xúc. Nó cuốn hút người đọc, không để họ yên, thậm chí đẩy họ vào những trạng huống cùng cực, bất ổn, hoặc choáng ngợp trong không gian trong suốt, tinh khôi. Tôi thả tâm trí mình theo những chuyển động zíc-zắc hỗn loạn trong thơ Gjekë. Đó là những chuyển động của máu và nước mắt, của nhân tính và phi nhân tính, của vô minh và minh tuệ, của tàn lụi và hồi sinh… Những tâm trạng, cảm xúc ấy được đẩy lên cao trào trong bài thơ “Rừng mỉm cười ảm đạm”: 

 

Tôi lạc mất tôi trong những tiểu thuyết của rừng trang trí các con chữ

màu cà-phê –

những chiếc lá cưỡng lại đòn roi của gió đến khi tan rữa.

Tôi lao về những hốc cây mòn nhẵn như mài

Như thể chúng tự liếm mình với lưỡi bằng lửa..

 

á

 

Nhìn vào không gian thơ của Gjekë Marinaj, tôi ngỡ như mình có khả năng thấu thị. Những sự vật, hiện tượng diễn ra trong quá khứ, hiện tại và tương lai như cùng chuyển động trong một thời điểm, cùng bắt đầu xuất phát từ chính nơi chúng ta đang hiện hữu. Trong tác phẩm của một số nhà thơ đương thời, những thi ảnh thường được biến hóa, đổi màu khi chuyển động từ thời điểm này sang thời điểm khác, từ không gian này sang không gian khác. Chúng ta thường nhìn thấy những vách ngăn mơ hồ giữa những khoảng cách của không gian, thời gian đó. Nhưng thơ của Gjekë không như vậy. Các thi ảnh của ông thường hiện lên trong suốt, kể cả các tầng lớp không gian đan xen, chồng lấn nhau. Đặc biệt hơn, tuy có thể thấy hết các vỉa tầng trong không gian thơ của ông, nhưng bạn đọc còn nhìn được cả những vết rạn nứt, những dấu tích bị đập vỡ, bị phá hủy. Từ ngôn ngữ thơ, ta thấy được những cuộc xung chấn để lại những mảnh vỡ sắc nhọn. Và, sự tài tình của nhà thơ là, qua những thi ảnh và cách dồn nén cảm xúc, ông đã dẫn dụ để người đọc cùng nghẹt thở, cùng lo lắng trước những nguy hiểm mà các mảnh vỡ kia có thể gây ra. Chẳng hạn trong bài thơ “Lặp lại ác mộng ngày”, ta thấy mình như đang chân trần đi trên những mảnh thủy tinh sắc nhọn trong một không gian đa chiều, và, chắc chỉ với thơ của Gjekë Marinaj mới như vậy.

 

LẶP LẠI

Á

C

M

N

G

NGÀY

 

Tôi
New
như
dải
bị
từ
trán
tới
chân
Tôi
mặt
đen
tôi
Từ
buổi sáng
cafe
bốc hơi

     ngắm
     York
     hai
     da
     lột
     phía
     xuống
     đôi
     chữ Y
     tỉnh,
     tôi
     họng
     khô
     đó
     tách
     của tôi
     máu
    nước mắt.

RECURRING
D
A
Y
MARE

 

I
New
as
strips
were
from
forehead
to
feet
I
my
black
throat
Since
morning
coffee
steams
and

watched
       York
       two
       of skin
       peeled
       its
       down
       its
       Y
       awoke,
       face
       my
       raw.
       that
       my
       cup
blood
        tears.

 

Thành phố New York hiện lên trong bài thơ như một cơ thể sống, một sinh linh. Nó như hai dải da bị lột từ trán xuống chân. Hình ảnh ấy chuyển động hết sức đột ngột, theo cái cách không ai có thể ngờ tới, làm cho tác giả sực tỉnh cảm nhận mặt mình đen và họng khô rát. Hình ảnh New York bị lột da từ trán xuống chân cũng chuyển động đồng thời với tách cà phê bốc hơi, máu và nước mắt trong câu thơ kết.

 

Bài thơ “Lặp lại ác mộng ngày” thực sự là một mẫu mực về sự tối giản nhưng gợi mở được những liên tưởng mạnh mẽ và phong phú. Bài thơ này mang đặc trưng cách cấu trúc không gian thơ của Gjekë Marinaj. Trong nguyên bản tiếng Anh, ngoài ý tưởng và cảm xúc, bài thơ còn mang hình thức nghệ thuật thị giác. Mỗi dòng thơ của bài thơ có hai từ, được chia ra làm hai cột. Hình ảnh này nhắc chúng ta nhớ tới Tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại Manhattan ở New York và sự kiện 11 tháng 9, từng chấn động hành tinh, khi một nhóm không tặc lái hai phi cơ lao thẳng vào đó.

 

á

 

Hình ảnh trong thơ Gjekë Marinaj thường xuất hiện bất ngờ, chuyển động và biến hóa dị thường. Quá trình chuyển hóa này khiến ta liên tưởng tới hiện tượng phóng xạ hạt nhân, khi một số hạt nhân nguyên tử không bền tự biến đổi và phát ra các bức xạ hạt nhân. Hiện tượng “phóng xạ” thường xuyên diễn ra trong những bài thơ của Gjekë như một bút pháp quen thuộc. Ví như trong bài “Tôi ở đâu đêm qua?”, tên bài thơ chính là một câu hỏi, hoặc cũng là câu trả lời cho những hình ảnh đơn lẻ, rời rạc lần lượt xuất hiện trong bài thơ. Những câu thơ liên tiếp phát sáng, liên tiếp tạo ra những sóng từ lan tỏa không ngừng: 

 

Nơi mà cây như muốn lẩm bẩm…

Nơi dòng sông uốn căng vòng cung…

Nơi mặt trăng ghé mắt vào đêm…

Nơi nước nói bằng khoảng dài-bàn-chân…

Nơi Chúa Trời dõi mắt ngài màu cỏ…

Nơi những bài thơ đập vòm trời

Nơi nhà thơ thắp sáng nên lời”.

 

Hay trong bài thơ “Tôi trở lại đây, hỡi nàng thơ”, có thể cảm nhận và nhìn thấy sự “chếnh choáng” khi ông hóa thân thành chiếc lá thu đang rơi xuống mặt đất: 

 

Tôi trở lại

chếnh choáng như một cánh lá thu rơi”.

 

Nếu chỉ nhìn vào lớp vỏ ngôn từ của bài thơ, mỗi hình ảnh trong từng câu thơ như tách biệt, không ăn nhập với nhau. Chúng xuất hiện như những đốm sáng, tia chớp xa cách nhau trong đêm mờ mịt và u tịch. Nhưng khi nhìn một cách bao quát vào tất cả những điểm sáng ấy, người đọc mặc sức tưởng tượng, mặc sức hình dung một không gian thơ cho riêng mình. Hay nói cách khác, sẽ nghe được, thấy được những rạn vỡ, sự tan chảy, quá trình thay đổi ngay trong tâm trí, tình cảm của mình. Những hình ảnh trong thơ Gjekë Marinaj dẫn ta tới một thế giới đang phân rã, tàn lụi để hồi sinh trong những trật tự mới, cấu trúc mới. Trong bài thơ “Những người bạn Bô-Hê-Miêng của tôi”, nhà thơ đã nhìn thấy bóng dáng con tàu nhân loại trên hành trình đi tới chân trời: họ nối nhau đi như những toa ánh sáng rạc rời.

 

Những biến chuyển của hình ảnh trong thơ Gjekë Marinaj đã gợi ý và thôi thúc tôi tìm hiểu thuyết Proton của ông. Với học thuyết này, ông đã dành thời gian và tâm huyết để nghiên cứu, nêu ra những vấn đề cơ bản của kiến thức, cách thức, cũng như tâm thế của nhà phê bình văn học trên cơ sở triết học và khoa học. Đối với ông cũng như với những người sáng tác, học thuyết này có ảnh hưởng trực tiếp, làm cốt lõi, tạo ra thần thái các tác phẩm của họ. Gjekë Marinaj đã tóm lược về học thuyết của mình như sau: “Một nhà phê bình theo học thuyết Proton, khi đối diện với một văn bản, trước tiên sẽ tìm kiếm những gì giá trị thẩm mỹ, trí tuệ và đạo đức trong tác phẩm, theo đúng ý của nó. Nếu nhà phê bình đó thấy rằng tác phẩm ít giá trị, anh ta chỉ nên đặt nó sang một bên và kiềm chế không bàn luận về nó – để mặc nó trong tình trạng ít người biết đến – chứ không phải là phô trương những lời hùng biện khinh thường... Bản thân thuật ngữ này [protonism] là phép ẩn dụ bắt nguồn từ vật lý học về nguyên tử: Thay vì chăm chú vào hạt electron mang điện tích âm, nhẹ và không ổn định, nhà phê bình theo học thuyết Proton sẽ chú tâm vào hạt proton mang điện tích dương, nặng và bền vững. Thuyết Protonism bao gồm năm nguyên tắc cơ bản: sự thật, thẩm tra, sự bù đắp, tính chất proton, và đạo đức[2].”.

  

á

 

Thơ Gjekë Marinaj thường đẩy người đọc vào sự bất an, gióng lên tiếng chuông báo động về cái ác, sự bất công, mất nhân tính trong xã hội loài người, về bọn ăn thịt người mọc vuốt và biến hình thành dã thú. Ông ít dùng những hình ảnh ẩn dụ, ám tượng mà lên tiếng trực diện trước cái ác đang ngang nhiên chà đạp lên số phận con người, đe dọa những dân tộc bé nhỏ, đơn độc. Sự phẫn nộ, phản kháng của ông thường được chỉ đích danh về cái chết của những nạn nhân bị đem buôn bán như một món hàng rẻ mạt, một người bạn thuở nhỏ bị sát hại ở Skhoder[2], về một nhà thơ ở Bosnia gần quê hương ông đã chết khi đang dạy trẻ em ở trường… 

 

Kề bên âm -thanh-của-thiêu-đốt

Phía trong xé-toạc-nước-mắt

Từ trên cao cảnh-thậm-tệ

Từ bên dưới giết-chóc-bạo-tàn” (Bosnia, năm 1995).

 

Gjekë Marinaj đã diễn tả nỗi đau đớn tột cùng trước những số phận mà ông đã nhìn thấy, về lũ trẻ con đói khát gặm con thuyền giấy, về nỗi khổ sở của con người phải run lên trong mùa đông giá lạnh: 

 

Trong lửa của lặng câm giấu ngủ trong người

một nỗi băn khoăn không ngủ:

nước và máu

trẻ con và người già

ngôi nhà và nấm mộ

người thợ đóng móng và con ngựa

đã từ lâu rồi trong thân thể người chúng đổi chỗ của nhau”  (Kosovo đau khổ).

 

Về những trải nghiệm không biên giới của nhà thơ Gjekë Marinaj, nhà thơ Nguyễn Đức Tùng đã đưa ra nhận xét súc tích nhưng đầy đủ tinh thần sáng tạo, quá trình thay đổi nhận thức trong con người thi sĩ Gjekë Marinaj: “Những bài thơ trong tập thơ này gây ấn tượng như chúng được viết ra để đáp ứng nhu cầu của chúng ta. Marinaj gửi về cho người đọc những tường trình về nỗi sợ hãi và đau khổ hàng ngày của nhân loại mà anh là kẻ làm chứng. Thi sĩ chú tâm đến từng chữ. Đây là ngôn ngữ điêu luyện của người đã đi xuyên qua biết bao biên giới, về địa lý, chính trị và văn hóa. Anh giải đoán những hình tượng huyền bí của đời sống mình, cô đơn, buồn bã nhưng can đảm và hy vọng. Đây là thứ ngôn ngữ của tình yêu, đương đại và, nhưng, dễ hiểu”.

 

Bằng nhãn quan phi biên giới của một nhà thơ, Gjekë Marinaj đã tạo ra những từ trường rộng khi viết về thực trạng nước Mỹ, nơi ông đang sinh sống. Ông từng ví mình như mầm chồi hớp dễ dàng những cơn gió ấm cho hy vọng lấp đầy buồng phổi nửa mục ruỗng. Đồng thời nhà thơ chia sẻ sâu sắc với những khó khăn, nhọc nhằn của người dân nói chung, những người vô gia cư, người tị nạn, xấu số ở Mỹ. Ông viết về những đồng đô-la lạnh lẽo dưới đáy túi áo túi quần, về những cô gái California, về những thị dân, những nốt nhạc jazz nghịch âm, đám ma-nơ-canh bảnh chọe, về chiến dịch bầu cử, biến động chính trị ở Mỹ.

 

Tôi nhìn các anh như nhìn vào những ảnh hình vỡ vụn

quăng xuống đất lầy bên những lối người đi” (Những người vô gia cư).

 

á

 

Thơ Gjekë Marinaj rất nhiều những mảng màu tương phản. Bên cạnh những bài thơ như giọt máu, nước mắt rơi xuống tựa “cái dằm” cắm giữa trái tim nhà thơ, thì tiếng cười, lời nói chân thành, niềm vui, hạnh phúc luôn chứa chan như hơi thở trong lành, như nước sạch, như nắng ấm, mầm cây… tràn đầy hy vọng trong thơ ông: 

 

trên trang của ngày mai,

thì thế giới của bọn trẻ vẫn căng buồm hay vẫn kéo theo” (Trẻ em là những hạt châu trong chuỗi vòng cổ của thời gian);

 

“Gương mặt con nhỏ, xanh tái mở ra

cùng những cây đào rộ hoa” (Một người mẹ nói với con trai là nhà thơ).

 

Hai câu thơ trên có lẽ đã khái quát đầy đủ nhất tinh thần của tập thơ “Những hy vọng trong suốt”. “Ông đã nhìn thấy toàn bộ bóng tối của đau đớn, sợ hãi và chết chóc trong đời sống chúng ta. Từ bóng tối ấy, ông đã thì thầm một cách mãnh liệt gọi tên ánh sáng. Và ánh sáng đã hiện ra lộng lẫy – những chùm hoa bất diệt của thế gian. Hai câu thơ đó là một định nghĩa chính xác về thi ca. Và ông là một định nghĩa chính xác về nhà thơ”. Nhận xét ấy của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, in trên bìa 4 của tập thơ “Những hy vọng trong suốt”, đã khái quát đầy đủ tư cách tác phẩm và tư cách tác giả của Gjekë Marinaj, một nhà thơ đã dấn thân vì văn chương, vì lương tâm, lẽ phải của con người.

 

Thơ Gjekë Marinaj viết nhiều về tình yêu, về những vẻ đẹp bình dị trong cuộc sống đời thường. Nhà thơ có những bài thơ chân thành và xúc động về người vợ dịu dàng, xinh đẹp Dusita. Trong “Những hy vọng trong suốt”, chúng ta được hình dung nàng Dusita của ông hiện ra uy nghi như những kim tự tháp trong bài thơ mang tên “Dusita”: 

 

Những hành tinh như chuỗi hạt trên cổ em

rạng rỡ bởi vẻ em đẹp mặn mà đầy đặn...

Và tất cả những ánh sáng kia xếp thành hàng

Và đung đưa quanh cổ em như chuỗi đồ trang sức”. 

 

Gjekë đã dành nguồn cảm xúc mãnh liệt và trong trẻo nhất để viết về tình yêu chân thành, tuyệt đẹp của ông. Những bài thơ sau đây như bản hòa âm, vang lên như thánh ca về tình yêu trong thơ Gjekë Marinaj: “Khi du hành về ngọn nguồn bất tận của tình yêu”, “Mơ tình trên chuyến bay”, “Đôi mắt em”, “Ve vuốt của em”...

 

Hình ảnh người mẹ, biểu tượng của cội nguồn dân tộc, của tổ quốc An-ba-ni thân yêu luôn hiện lên đau đáu, rất đỗi thiêng liêng trong thơ Gjekë Marinaj: 

 

Con kêu lên tên mẹ trên chuyến bay đớn đau

và giấc ngủ tệ hại bỏ con đi chui qua một khung cửa vỡ” (Với mẹ).

 

Hình ảnh và những ký ức về đất nước An-ba-ni luôn thường trực trong tâm trí ông, trong nỗi nhớ da diết của ông: 

 

Giọng của người soi sáng những đô thị vụn nát cổ đại

như cát nóng bay tung,

nơi cột xương loang lổ của tiếng cười tôi nằm co quắp” (An-ba-ni).

 

Tôi ấn tượng và xúc động với hình ảnh người mẹ giấu con vào trong mắt mình, để mong hành trình của con từ hoa đến quả được ngắn hơn. Trong bài thơ “Một người mẹ nói với con trai là nhà thơ”. Gjekë Marinaj đã được ấp ủ, lớn lên trong đôi mắt, trái tim của người mẹ An-ba-ni thầm lặng, vĩ đại ấy để ông ra đi từ đó và đã trở thành một Thi sĩ đích thực. 

 

Con là một nhà thơ

và tầm với của các nhà thơ vươn xa ngoài cương giới của không gian”. 

 

Trong bài thơ “Người sẽ cảm nhận bước chân tôi hẫng hụt”, nhà thơ đã dành cho xứ sở bản nguyên của mình những cảm xúc sâu lắng, lòng biết ơn vô bờ bến. Trong tâm tưởng của nhà thơ, những vòm lá xanh trên quê hương ông tựa như những tấm chăn từng quấn bọc, ủ ấm cả tuổi thơ non nớt, gian khó của ông: 

 

Người đã làm dịu đi những luồng gió lạnh

Bởi biết tôi đã lớn vượt ra ngoài tã xanh lá chở che,

Đan bằng những ngón tay cầu vồng cầm kim lá thông mỏng mảnh”.

 

Trong những câu thơ tiếp theo, ông khao khát được biến thành một con chim: 

 

đến phục sinh những giấc mơ của người trong sự sống được trao ban

từ cơn mưa của những bà mẹ nơi người tưới tắm chăm nom”. 

 

Giấc mơ của mẹ nhà thơ Gjekë Marinaj đang trở thành hiện thực. Tác phẩm của ông đã trở nên nổi tiếng và là một phần trong tài sản văn hóa tinh thần của An-ba-ni.

 

Đọc thơ Gjekë Marinaj và qua những lần gặp gỡ thân tình, tôi càng thấu hiểu nền tảng văn hóa và cội nguồn chính là cốt lõi làm nên tầm vóc một thi sĩ. Thơ Gjekë Marinaj hiện đại, có bóng dáng của những khuynh hướng thơ ca tiên phong trên thế giới, nhưng điều này không làm lu mờ tính sáng tạo trong tác phẩm của nhà thơ. Từ những bài thơ của Gjekë Marinaj, tôi liên tưởng tới những ẩn ức lịch sử Trung Hoa cận đại trong tiểu thuyết “Linh Sơn” của nhà văn Cao Hành Kiện[3]Những ẩn ức lịch sử An-ba-ni trong thơ Gjekë Marinaj là vết thương hở miệng của một thời đói nghèo, mất tự do dưới chế độc tài hà khắc, của tâm trạng bất an, trĩu nặng của những người phải trốn chạy khỏi quê hương, xứ sở.

 

á

 

Nhà thơ Gjekë Marinaj đã vượt qua rất nhiều ranh giới, từ địa lý, chính trị, văn hóa, đến quan niệm thẩm mỹ, cảm xúc sáng tạo… Nhà thơ đã đến Việt Nam lần thứ hai vào tháng ba năm 2015 tham dự Liên hoan Thơ châu Á Thái Bình Dương lần thứ hai, tổ chức tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc Việt Nam. Phải chăng, nhà thơ Gjekë Marinaj đã đưa độc giả Việt Nam của ông cùng vượt qua những ranh giới đó để đến với niềm tin, chia sẻ sự chân thành và tình yêu thương con người?

 

8/2015

 


____________________

[1] Gjekë Marinaj (1965 – ): nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học và dịch giả Mỹ gốc Albania. Tập thơ “Những hy vọng trong suốt” của Gjekë Marinaj do Nguyễn Chí Hoan dịch từ bản tiếng Anh, Nxb Hội Nhà văn, 2014.

[2] Skhoder: thành phố đông dân thứ 5 của Albania, nằm ở phía Bắc nước này.

[3] Cao Hành Kiện (1940 – ): nhà văn Pháp gốc Hoa, đoạt giải thưởng Nobel văn chương năm 2000.

 






Vợ chồng Nhà thơ Gjekë & Dusita Marinaj

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị