Con cò mổ trúng bóng mình vội bay (phê bình) - Mai Văn Phấn

Con cò mổ trúng bóng mình vội bay

 

 

 

Nhà thơ Trần Xuân Trường

 

 

Mai Văn Phấn

 

Mây lặng thinh nước lặng thinh

Con cò mổ trúng bóng mình vội bay.

 

Tôi lấy câu “bát” trong bài “Trên mặt đầm”, một bài thơ chỉ có một cặp lục bát của tác giả Trần Xuân Trường làm tiêu đề bài viết này.

 

Bài thơ trên mang vóc dáng tinh thần thơ Trần Xuân Trường xuyên suốt hai tập thơ của anh, “Trăng nghiêng” (Nxb Hội Nhà văn, 2013), “Ô cửa đựng mùa xuân” (Nxb Hội Nhà văn, 2016) và tập thơ “Tiếng mầm” chuẩn bị xuất bản. Cả ba tập thơ đã mở ra bức tranh khổ lớn về ngôi làng duyên hải Bắc Bộ, với những chuyển động chậm, rất thanh bình, đôi khi gần như lặng lẽ. Trong bài thơ “Trên mặt đầm”, bằng một từ lặng thinh, tác giả đã níu mâynước lại không để nước chảy mây trôi. Thần thái của từ này, theo cảm nhận của tôi, đã đồng hành cùng tác giả trong suốt hành trình, từ bài thơ trình làng đến nay, và đã làm nên một cõi thơ. Còn con cò trong đó, nó có thể nhận ra bóng mình không? Đó là câu hỏi thú vị tùy thuộc vào cảm nhận riêng của người đọc.

 

Tập thơ “Trăng nghiêng”, giai đoạn mở đầu của Trần Xuân Trường, cho thấy tác giả đến với thơ như men theo tiếng gọi của định mệnh.

 

“Quê nhà ơi nắng chiều buông

Ta về rồi hỡi chim muông có về” (Khi nắng chiều buông).

 

Thơ Trần Xuân Trường giai đoạn này tựa bóng nắng nhỏ bé lọt qua tán cây rậm rạp rồi loang ra trên mặt đất. Bóng nắng ấy càng lúc càng loang rộng, bởi gió đã nổi trong cây làm vòm lá giạt ra. Cây ấy lớn dần, nhiều bóng nắng khác len qua những vòm lá mới. Nhớ chừng năm, sáu năm trước, giữa miền quê yên ả ấy chợt xuất hiện những bài thơ lục bát đắm say ngơ ngẩn của Trần Xuân Trường. Sau này anh cũng thử sức bằng những thể thơ khác, nhưng lạ thay, cứ rời lục bát ra là thơ anh thiếu hẳn cái men đắm say nồng ấm ấy, như vắng hẳn chất thơ. Thế mới biết thể thơ đặc biệt này có sức cuốn hút mạnh mẽ và mê dụ.

 

Thơ lục bát Trần Xuân Trường không cách tân, cho đến giờ vẫn giữ giọng điệu đều đều quen thuộc từ những bài thơ đầu tay. Đọc thơ anh, người đọc thấy anh thường quấn quýt với hương quê, sống trong cái sân quê, nhìn xuống ao quê, ra bờ sông quê, rồi quay lại. Trần Xuân Trường cũng từng xa nhà, nhưng tâm trí anh như đã được buộc chặt vào chốn ấy, không thể rời xa. Và, có lẽ cả trong tưởng tượng, trong giấc mơ nữa,  anh cũng không thể rời xa quê nhà.

 

“Đêm nằm ôm giấc mơ quê

Bóng hoa hắt xuống bờ đê chập chờn” (Cho vừa tháng ba).

 

Quê hương đối với Trần Xuân Trường thực sự là mạch nguồn, là cội rễ nuôi dưỡng nguồn cảm xúc sáng tạo. Quê hương trong thơ anh, tôi ví tựa rễ cây, loại rễ chùm mà nếu cắt trụi đi, cây tức thì héo úa, không thể tồn tại.

 

Vùng đất Kim Sơn quê Trần Xuân Trường vốn là địa chỉ văn hóa được khởi phát, trầm tích từ thời Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ về đây khai hoang, lập ra hai huyện Tiền Hải (Thái Bình, năm 1828) và Kim Sơn (Ninh Bình, năm 1829). So với những vùng đất khác ven châu thổ sông Hồng, thì làng quê của Trần Xuân Trường nằm khá xa phố thị, nhưng nó lại gần với niềm tin tôn giáo từ những ngày tổ tiên anh về Kim Sơn lập ấp. Hàng ngày tiếng chuông nhà thờ hòa âm cùng những bài thánh ca vang lên linh thiêng, trong trẻo nơi vùng quê này. Âm thanh ấy lan xa, dâng đầy tâm trí mỗi con người nơi đây, xoa dịu những lam lũ, những đắng cay trong đời sống thường nhật. Nó ngấm vào thơ Trần Xuân Trường và toát ra vẻ đẹp chân thực, mộc mạc của vùng đất này.

 

“Tháng Tư gió cũng thật hiền

Chuông chiều ai thả dọc triền sông Ân” (Gửi về tháng Tư);  

 

“Con rô chen lẫn con chày

Nằm ươn bên một góc ngày chợ hôm” (Bỗng một ngày dưng); 

 

“Bao đêm thức tự ru mình

Sông ôm ấp cảnh yên bình làng quê” (Về với sông Ân).

 

Thơ lục bát chân quê trong không gian văn hóa lúa nước, theo tôi, đã được viết nhiều và có phổ chung. Sự khác biệt giữa các tác giả có chăng ở thủ pháp kiến tạo hình ảnh, sắc thái câu thơ và cách dụng ngôn. Thi sĩ Trần Xuân Trường khi chạm vào những hình ảnh thôn dã quen thân như cái ao làng, con bướm, con cáy, con chuồn chuồn, tiếng chuông, bến nước, bánh đa bánh đúc… đã có những giao thoa với Bùi Giáng, Nguyễn Bính, Nguyễn Duy, Đỗ Trọng Khơi, Đồng Đức Bốn trong đó. Nhưng Trần Xuân Trường vẫn có nét tinh tế, quyến rũ riêng:

 

“Bên kia một góc ao làng

Bóng con bướm trắng xa đàng ngẩn ngơ” (Khoảng trời thu);  

 

“Con cua con cáy bò ngang

Suốt đời bới đất đào hang tìm bờ” (Lúa ơi);  

 

“Ao tù sáng lặn, chiều bơi

Chuồn chuồn cắn rốn buồn ơi là buồn” (Xóm cũ).

 

Những câu thơ nhẹ nhõm, đượm buồn diễn tả thân phận con người nhẫn nại, cam chịu bằng những hình ảnh chân chất, lấm láp như láng ướt phù sa. Đôi khi, ta ngỡ như nghe thấy cả tiếng nói thầm, gọi thầm rất duyên trong những câu thơ của anh:

 

“Năm nay chưa thấy trên thuyền

Giọng cô bán muối cười hiền như mơ” (Gọi xanh); 

 

“Ánh trăng dột xuống mái nhà

Nghe như có tiếng đàn bà ngủ mơ(Ánh trăng).

 

Đó là cảm nhận của riêng tôi để phân biệt thơ Trần Xuân Trường với những cao thủ lục bát khác.

 

Xuyên suốt ba tập thơ, tạm coi như kết thúc một hành trình, nhưng Trần Xuân Trường không mở rộng thêm nhiều đề tài, và luôn trung thành với lối viết đã được hình thành từ những ngày đầu. Tuy vậy trong tập thơ “Tiếng mầm”, anh đã đào sâu khai thác những vẻ đẹp dung dị, gần gũi mà người khác chưa viết:

 

“Miếng trầu bà nội vừa têm

Đỏ như ngọn nến thức đêm cùng bà” (Tháng mười hn quê); 

 

“Cánh ong bay tới bay lui

Mướp già rụng rốn nhớ mùi phấn hoa” (Trong vòng tròn); 

 

“Ta nằm nghe gió ru cây

Nắng thu ngậm chiếc lá gầy đong đưa” (Heo may).

 

Đặc biệt tôi rất thích câu “bát” trong cặp lục bát này: 

 

Thả vào chiều một tiếng chuông

Nắng rơi xuống mái từ đường leng keng” (Ông Từ).

 

Chữ leng keng của anh bất ngờ, có thể nói xuất thần. Đây là câu thơ phá cách hiếm hoi trong nhịp điệu quen thuộc của anh.

 

Thơ Trần Xuân Trường gần đây có thay đổi, tinh tế và nhuần nhuyễn hơn trước. Nếu trong tập thơ đầu của anh, ta thường gặp những nét vẽ thô mộc, hình họa cân đối, giản dị, thì đến tập thơ “Tiếng mầm” nét vẽ đã biến hóa, tinh diệu và cũng mờ ảo hơn, diễn tả một cách sinh động bức tranh thơ mộng, gần gũi nơi thôn quê:

 

“Mới xuân chưa hết mưa phùn

Tiếng con chẫu chuộc còn run dưới bèo

Hạt sương vướp trong veo

Đậu trên mặt lá dây leo thài lài” (Mùa thương); 

 

“Bướm vàng đậu ngọn xuyến chi

Tìm hương chẳng thấy bay đi khi nào” (Chạnh lòng).

 

Thế giới tâm linh cũng đã mở ra trong thơ anh, do vậy trong tập thơ thứ ba này, đôi khi người đọc được bước vào không gian sâu thẳm, huyền hoặc mà trước đây chưa từng xuất hiện.

 

“À ơi tiếng gió đêm qua

Màu trăng đã ngấm tận da thịt mình” (Khúc ru); 

 

“Giọt sương tự vỡ vừa lành

Lăn trên mặt lá dành dành non tơ” (Kìa); 

 

“Giật mình một tiếng đêm rơi

Hạt sương vừa rụng trúng nơi ta ngồi” (Tan say).

 

Thơ Trần Xuân Trường phản ánh những sinh hoạt văn hóa, đời sống tâm linh, tinh thần, nơi cố kết những mối quan hệ dòng tộc, xóm giềng thời hiện đại. Điểm xuyết ba tập thơ, dễ nhận thấy, thi pháp của tác giả nói chung, đặc biệt cách tạo lập hình ảnh ít có đột biến. Tuy vậy trong những bài thơ gần đây, thủ pháp xây dựng tâm trạng kết hợp với dồn nén cảm xúc của anh đã thay đổi đáng kể, nhuần nhuyễn và hấp dẫn hơn trước, tạo được ấn tượng mạnh cho người đọc. Nếu trong tập thơ “Trăng nghiêng”, tác giả viết hầu như dựa vào bản năng, đôi lúc thơ như tự tuôn trào, chẳng hạn:

 

Chợ quê là cả tấm lòng người quê” (Chợ quê);  

 

Ngủ đi nào hỡi giấc mơ

Ban mai lấp ló bên bờ dậu thưa” (Lời đinh ninh);

 

thì đến tập thơ Ô cửa đựng mùa xuân”, người viết đã thể hiện rõ vị thế của chủ thể sáng tạo, lựa chọn phương thức biểu đạt phù hợp: 

 

Bên kia mảnh chợ quê nghèo

Người về nắng cũng men theo lối mòn” (Tiếng chim gọi mùa).

 

Trong tập thơ Tiếng mầm” gần đây nhất, bạn đọc dễ nhận thấy tác giả đã có kinh nghiệm và bản lĩnh hơn trong các thủ pháp mình chọn lựa. Đoạn thơ sau trong bài “Kìa” cho thấy, tác giả đã có được tâm và thuật vững vàng, tự tin, làm chủ được cảm xúc trước những giá trị đa tầng, phức hợp:

 

“Dịu dàng thế tháng ba ơi

Nằm chơi với cỏ thả giời lên cao

Tự nhiên gió cởi hoàng bào

Thịt da tưới mát ngọt ngào cỏ xanh” (Kìa).

 

Xin nêu lại câu hỏi một cách cụ thể hơn từ đầu bài viết này, liệu con cò trong bài thơ “Trên mặt đầm” có mổ trúng bóng mình? Xin thưa, có! Nó đã nhiều lần vụt bay để tạo nên một giọng thơ chân quê mới mẻ, ngơ ngẩn của Trần Xuân Trường. Tuy vậy, điểm lại ba tập thơ cho thấy, tác giả chưa thật đều tay, một số bài thơ còn ít hương sắc, nhạt nhòa ý tưởng và cảm xúc, nhất là trong tập thơ “Trăng nghiêng”. Chắc bạn đọc dễ nhận thấy một số câu thơ của Trần Xuân Trường mang bóng dáng Nguyễn Bính, như: 

Để con bướm trắng ngô nghê

Bay qua vườn vướng bùa mê cải ngồng” (Chờ);

 

hoặc gần với thơ Đồng Đức Bốn, như: 

 

Thuyền không câu hát chòng chành

Sông Cầu trăng hắt chìm anh giữa dòng” (Chìm anh giữa dòng). 

 

Trước khi xuất hiện những bài thơ lục bát của các nhà thơ lớn, trong kho tàng ca dao và tục ngữ Việt Nam đã có nhiều câu lục bát hay đặc sắc nói về đời sống, sinh hoạt làng quê. Đó thực sự là thách thức rất lớn với mỗi người làm thơ khi vận dụng thể loại này. Trần Xuân Trường đã khá thành công với lục bát, ba tập thơ của anh thật đáng trân trọng. Cũng nên nói thêm đôi nét về Trần Xuân Trường, anh phải gánh chịu sự khắc nghiệt của định mệnh khi mới ngoài hai mươi tuổi, lúc còn trong quân ngũ. Một tai nạn bất ngờ đã cướp đi đôi chân của anh. Từ đó Trường đi lại nhờ chiếc xe lăn, và, mọi việc trong gia đình đều trông cậy vào người vợ đảm, một cô giáo trường làng nết na hết mực yêu thương chăm sóc chồng con. Rồi số phận đã đưa anh đến với thơ ca, cho anh thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, được dâng hiến. Thông qua Internet, Trần Xuân Trường đã kết nối với bạn bè xa gần, trong đó có nhà thơ Đỗ Trọng Khơi – một tấm gương về nghị lực sáng tạo, nguồn động viên to lớn đối với anh: Đỗ Trọng Khơi bị bại liệt từ nhỏ, tự học, tự trau dồi kiến thức và đã đi được rất xa bằng đôi chân tưởng tượng của mình và trở nên một gương mặt độc sáng trong làng thơ Việt Nam đương đại.   

 

Trần Xuân Trường đang phải vượt qua chính mình để khẳng định chắc chắn một phong cách thơ. Phải chăng đó là thách thức lớn nhất với anh trong chặng đường sáng tạo phía trước? Tôi yêu thích thơ Trần Xuân Trường, cũng như tin vào nghị lực và sự nhiệt thành của anh. Xin lấy câu thơ bình dị của Trường trong bài “Lúa ơi” để thay cho lời chúc tốt lành, cũng là niềm mong mỏi của nhiều bạn đọc, trong đó có tôi muốn gửi gắm đến anh: 

Tiếng gà thoát khỏi đáy nơm

Bát cơm vụ gặt mẹ đơm bỗng đầy”.

 

30/10/2017

 

 

 Nhà thơ Trần Xuân Trường cùng vợ và con trai tại bờ biển Hải Hậu, Nam Định, 2015






 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị