Thơ Dương Kiều Minh – "Hơi xuân tràn về từ những cánh đồng" (phê bình) - Mai Văn Phấn

Thơ Dương Kiều Minh  "Hơi xuân tràn về từ những cánh đồng"





Nhà thơ Dương Kiều Minh

 

 

 

Mai Văn Phấn

 

 

Một sớm vắng

ùa lên khói bếp

về đây củi lửa ngày xưa...

Dương Kiều Minh

 

“Vừa giấc mơ dịu dàng đậu xuống” –  bài thơ thứ 240 xếp cuối cùng trong thi tập Thơ Dương Kiều Minh (Nxb Hội Nhà văn, 2011) – như tạm khép lại những giấc mơ tuyệt đẹp, lạ kỳ của chính nhà thơ. Giấc mơ ấy đã nhiều lần đậu xuống trong quá trình vận động, cách tân và những cảm thức lạ kỳ của ông. Chỉ vừa xướng tên các tập thơ của nhà thơ Dương Kiều Minh, tôi như nghe tiếng cửa mở vào những không gian mới lạ, tinh khôi: “Củi lửa”, “Dâng mẹ”, “Những thời đại thanh xuân”, “Ngày xuống núi”, “Tựa cửa”, “Tôi ngắm mãi những ngày thu tận”, “Khúc chuyển mùa”, “Thơ Dương Kiều Minh”[1]. Thơ Dương Kiều Minh có một giọng rất riêng trong dòng chảy thơ cách tân sau 1986 tại Việt Nam.

 

á

 

“Củi lửa”, tập thơ đầu tay của Dương Kiều Minh đã cháy và  nổ. Sức nóng của nó đã phả lên đời sống văn chương vốn đang khá lạnh lẽo và tẻ nhạt lúc đó. Tập thơ là tiếng nói riêng biệt, run rẩy với nhiều tầng bậc cảm xúc phức hợp, tựa ngọn đuốc vừa bùng cháy. “Củi lửa” sẽ thắp sáng cho những thi tập sau này của ông.

 

Tập thơ đầu tay thường đánh dấu điểm mốc quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của các thi nhân. Nó hiển lộ tinh hoa, và cả hạn chế của người viết, mà sau đó, dù nhà thơ ấy có rẽ sang những ngả khác, thì khả năng sáng tạo thường được tiên báo trong những trang viết đầu đời. Ví dụ như những thi tập “Điêu tàn[2] của Chế Lan Viên, “Lửa thiêng“[3]của Huy Cận, “Thơ thơ”[4]của Xuân Diệu; “Những bài thơ đầu” của Adonis[5]; “Hai mươi bài thơ tình và một bản tuyệt vọng ca” của Pablo Neruda[6], v.v...

 

Tập thơ “Củi lửa” của nhà thơ Dương Kiều Minh lại là một ví dụ khác. Đó là cánh cửa rộng, đột mở, đưa bạn đọc vào một ngày mới ngập tràn ánh sáng, với nhiều ý tưởng bất ngờ và tươi ròng cảm xúc đến nghẹn thở. Tập thơ được viết bằng thi pháp mới, chắc tay, chau chuốt, đặc biệt hơn, ở đó không có thái độ ngập ngừng, lưỡng lự như một số tác giả cùng thế hệ còn chịu ảnh hưởng những quan niệm của thi pháp truyền thống, mà quyết liệt, đầy tự tin.

 

Thơ Dương Kiều Minh là không gian riêng, vì ngay trong nhiều hình ảnh quen thuộc như ô ban công, chùm mùng tơi, bông cúc, rèm cửa, cô gái mù, tiếng lá, bóng đêm, heo may, dòng sông, chiếc giày, mầm cây cũng để lại những dấu vân tay và hơi thở nóng hổi của một nhà thơ có sức sáng tạo mạnh mẽ, giàu bản sắc. Về tập thơ này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã chia sẻ sự đồng cảm của mình một cách tinh tế và chân xác: “Khi đọc tập thơ đầu tay của Dương Kiều Minh, tập “Củi lửa”, tôi thấy thi đàn Việt Nam lúc ấy xuất hiện một giọng nói riêng biệt. Giọng nói ấy tách biệt khỏi rất nhiều những giọng nói khác đầy tính lệ thuộc. Giọng nói ấy vang lên trong sáng và quyến rũ, nhưng đầy cô đơn”. Tập thơ “Củi lửa” của Dương Kiều Minh đã tạo một dấu ấn quan trọng, trước tiên với chính nhà thơ trong hành trình xác lập những giá trị của lối viết khác. Tôi từng đọc “Củi lửa” nhiều lần, trong nhiều tâm trạng khác nhau, và luôn bắt gặp ở đó sự thơ ngây mê đắm của nhà thơ trước sự khởi sinh, tái tạo của thế giới. Thiên nhiên và con người hiện lên huyền ảo và thanh khiết, còn nhà thơ, đang trở về thuở bé dại, ngỡ ngàng nhìn muôn vật muôn loài với tràn trề xúc cảm, yêu thương. 

 

Ngỡ vừa qua giấc mơ hoang dại

cậu bé tìm lại đồng xu đánh mất ngày xưa

đáy bể ngâm trong vắt

ồ một vầng trăng vừa được vớt lên” (Cám dỗ).

 

Nổi trội trong “Củi lửa” là sự tinh tế và huyền nhiệm. Đây cũng chính là phong vị riêng của tập thơ. Trong những tập thơ sau này, mạch thơ Dương Kiều Minh vạm vỡ, bung phá ra nhiều hướng khác nhau, nhưng vẫn luôn giữ được nét tinh tế trong kiến tạo hình ảnh và biểu đạt cảm xúc. Đoạn thơ trích từ bài thơ “Trong mưa” là một minh họa cho cảm xúc tinh tế trước thế giới tinh khiết, trong lành của ông: 

 

Trong mưa có một ngôi đền

và mưa từng ngón buông mềm mái tây

và mưa từng ngón ngón gày

len len run rẩy bàn tay gượng gàng” (Trong mưa).

 

Nhà thơ, như một họa sĩ tài hoa, vẽ cho ta một bức tranh kỳ ảo và sống động đến từng chi tiết: 

 

Mặt trời lung linh khu vườn mẹ

Bức tường ánh sáng...

Điều gì dào lên trong những hạt li ti” (Hy vọng). 

 

Đó là những ban mai vừa lộng lẫy tái sinh, những đồng cỏ đầm sương chợt hiển hiện như trong cổ tích:

 

Đâu phải nữa con búp bê bằng cỏ

Con đường hoa vối rụng đầy

Ban mai đổ về xa vắng

đồng cỏ đầm sương lóa ướt dưới trời” (Bản giao hưởng đồng quê).

 

Dương Kiều Minh chọn cho mình một góc khuất im lặng để sống và viết. Ông quan sát, ghi chép và chậm rãi kể những câu chuyện đời theo ngôn ngữ của riêng mình. Những chiếc ô tô, ngôi nhà, ô cửa, hoa loa kèn được nhà thơ đặt trong một khung cảnh tạo nên hình ảnh phố đêm gần gũi và rất đỗi dịu dàng: 

 

Chiếc ô tô màu xanh lá cây

những ngôi nhà màu xanh lá cây

ô cửa chớp bình hoa loa kèn đỏ” (Thành phố buổi đêm).

 

Bài thơ “Củi lửa”, chủ điểm của cả tập thơ, như một chớp mắt để thức giấc bàng hoàng. Nó mở ra những hình ảnh thân quen, ấm nóng như ta vừa được ôm ấp, được chạm tay vào. Và giữa tầng tầng hình ảnh, lớp lớp câu thơ là khoảng trống, một nét đặc sắc trong thi pháp thơ Dương Kiều Minh: 

 

lăng lắc tuổi xuân

 lăng lắc niềm thôn dã

 bếp lửa ngày đông”.

 

Những hình ảnh tuổi xuân, thôn dã, bếp lửa ngày đông đứng cạnh nhau tưởng như rời rạc, phân rã, nhưng chúng được kết dính, đan bện lại trong một trường cảm xúc mạnh mẽ và nhất quán. Ta sẽ cảm nhận được ánh sáng thanh khiết, ấm áp tỏa ra từ chính những khoảng trống đó. Đọc thơ Dương Kiều Minh, ta ngỡ như ai đó liệng viên sỏi xuống lòng hồ yên tĩnh khiến những vòng tròn đồng tâm trên mặt nước cứ lan đi.

 

Bên những hoàng hôn loang lổ gò đồi

 mùi lá bạch đàn xộc vào giấc ngủ

con về yêu mái rạ cuộc đời”.

 

Những hình ảnh ấy chính là sự giao thoa giữa hiện thực đời sống và thế giới kỳ ảo, của giấc mơ này đang mơ về những giấc mơ khác nữa. Bài thơ có khổ kết rất độc đáo: 

 

Một sớm vắng

 ùa lên khói bếp

về đây củi lửa ngày xưa”.

 

Hình ảnh sớm vắng nhói lên như nốt cao nhất trong một nhạc phẩm không lời, làm phát sáng, làm âm vang đồng hiện những diễn tiến hình ảnh, rồi chốt lại trong câu thơ cuối. Đó là trạng thái sâu lắng của cảm xúc, lôi cuốn ta vào thế giới của mặc tưởng trang nghiêm, khiến tâm hồn rộng mở, tinh khiết. Thi pháp này còn được triển khai trong nhiều bài thơ ở những giai đoạn sau, tạo nên phong cách đặc trưng riêng chỉ có trong thơ Dương Kiều Minh. Đó là ban mai trong tiếng ho húng hắng của mẹ: 

 

Những ban mai như thể đầu tiên

ào ào đổ

lấp lánh dòng ánh sáng

mẹ húng hắng ho…

mưa bụi dưới thềm” (Ban mai).

 

Đó là giọt sương treo trên cành trúc, một biến tấu đột ngột nâng cảnh huống thực lên cõi cao vời của tâm tưởng:

 

Rượu đây

Bạn đấy

Ta nâng cốc chạm làn gió đầu đông mang bí ẩn khởi lên xao động trong ngần tựa giọt sương treo trên cành trúc” (Bên cuộc rượu mùa thu).

 

Đó là bức tranh tương phản giữa đổ nát  thanh xuân thổi bùng sinh khí mãnh liệt: 

 

ấy ngọn lửa bùng dậy

ngọn lửa cất giữ tháng năm xa cách

ngọn lửa dìu các triều đại trườn qua đổ nát

những thời đại thanh xuân”.

 

Đó là cách ông quán tưởng trong khoảng không tĩnh lặng của bài thơ “Không ai gọi tôi trở dậy vào buổi cuối thu”. Ở đó mỗi hình ảnh sự vật đều mở ra một khoảng không lạ lẫm, riêng biệt. Cả bài thơ như cánh cửa lớn mà phía sau là vô vàn những cánh cửa nhỏ đan xen với những lối đi. Hãy cùng lắng nghe nhà thơ Dương Kiều Minh gọi hồn sự vật: 

 

số phận giống câu thơ vừa viết xong, bị xóa

bản nháp bài thơ gió nhấc lên tựa một lá bùa”.

 

Ở đây ta thấy Dương Kiều Minh như hạt sương nép vào vạn vật làm cho chúng trở nên mát lành, trong suốt. Và nhân vật tôi trở nên tỉnh táo trong một biến ảo rất lạ ở khổ kết của bài thơ: 

 

Không ai gọi tôi trở dậy vào buổi cuối thu

tôi nằm viên mãn – chiếc lá vàng dưới hàng song thụ

Nếu mẹ tôi mà biết

Liệu mẹ tôi trách cứ các người” (Không ai gọi tôi trở dậy vào buổi cuối thu).

 

Sự biến ảo này cũng là cách gọi mời, kích thích sự sáng tạo tiếp theo của người đọc, tùy thuộc vào mặt bằng văn hóa và trải nghiệm riêng của họ.

 

á

 

Sau tập thơ “Củi lửa”, nhà thơ Dương Kiều Minh luôn chú tâm khai triển thi pháp đã minh định từ tập thơ đầu tay này. Ở những tập thơ “Dâng mẹ”, “Những thời đại thanh xuân”, “Ngày xuống núi”, “Tựa cửa”..., thơ ông vẫn giữ được giọng trong trẻo, thơ ngây ban đầu. Đây là một mùa vàng đầy bàng hoàng, như thể thế giới vừa bắt gặp trong cái nhìn đầu tiên: 

 

Mùa vàng, mùa vàng

những ký ức không bao giờ lặp lại

ta còn nguyên sơ hơi thở tự do” (Những thời đại thanh xuân).

 

Còn nữa, là giai điệu và tiết tấu của đời sống vừa rộn rã vừa thanh bình: 

 

Bài Ca Niềm Vui Sống

ấy tiếng chuông cuối chiều dóng dả

cơn lốc cuốn theo đám bụi nô đùa

hai đứa trẻ dắt nhau chân trời xa tít” (Khúc dâng Mozart).

 

Những bài thơ về sau, nhà thơ đã dần tiết chế sự trong trẻo, thơ ngây, để thế vào đó tâm trạng tỉnh táo đầy chiêm nghiệm thế sự: 

 

Ồ khát sao

cơn khát thuở nhỏ

cơn khát thuở khai thiên lập địa

cơn khát ruổi dài theo mộng ước ta” (Những thời đại thanh xuân).

 

Có thể nói, thơ Dương Kiều Minh phần lớn tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của thơ ca phương Đông kim cổ. Ông thường mượn thiên nhiên, cảnh vật để nói về cái hữu hạn, mong manh chìm nổi của kiếp người: 

 

Ta hát về người niềm tưởng nhớ

Sóng nước phù sa

Tháng năm ruồng bỏ

Ta chiếc lá cơ may trôi dạt lên bờ” (Sông Hồng).

 

Ánh sáng của văn hóa, minh triết, đặc biệt là của thi ca phương Đông, càng tỏa rạng trong những giai đoạn sau này, từ tập thơ “Tôi ngắm mãi những ngày thu tận đến tập thơ Khúc chuyển mùa.

 

“Tôi ngủ thiếp trong bài thơ Đường

 sương dăng dầy bến bãi

Vành trăng động mắt người con gái

bức rèm buông tòa  lâu đài Tàu” (Bộc bạch).

 

Ông nặng lòng vương vấn với những thi liệu quen thuộc của thơ ca phương Đông nhưng biết mở những chiều kích bất ngờ của liên tưởng và suy niệm trong thi tứ, chữ của ông bình dị nhưng có sức ám ảnh, tuy đôi khi biểu lộ sự quẩn quanh, phức rối của cảm xúc. Sức vươn của mạch thơ luôn khỏe khoắn, nhịp điệu tự nhiên và tự do. 

 

Năm giờ sáng nước chảy tràn trên mái

tựa hồ số phận ấn định

thinh không buông tiếng chuông nhói ngực” (Vô đề). 

 

Tôi chợt hình dung thấy một kẻ sĩ thời nay đang tự vấn bằng giọng trầm, đều đều, cất lên trong quầng sáng lung linh và thanh khiết.

 

Khác với tập thơ đầu tay, nhiều hình ảnh dung dị trong thơ Dương Kiều Minh sau này được hiển lộ trong những chiều không gian khác. Câu thơ sau khiến ta hình dung Dương Kiều Minh có lúc muốn hiện thân thành nhà tư tưởng hơn là một nhà thơ: 

 

Ôi, mưa đông, mưa đông! Cơn mưa lướt qua cuối chiều mang theo bao giấc mộng

Một hạt mưa ghé sát nói nhẹ: Thân xác này thật ra đã được tạo bằng tư tưởng” (Mưa đông).

 

Tập thơ Khúc chuyển mùa” là ngôi nhà để Dương Kiều Minh trở về sau những chuyến du hành. Ở đây, ta gặp lại sự trẻ trung và điềm đạm, sâu sắc và thơ mộng: 

 

Lô xô những quãng đời

Dựng men theo bờ nước

Giật mình cơn mơ đêm trước

Hiện về tuổi trẻ của ai” (Chúng tôi gặp nhau ở bên kia hồ nước).

 

Nhưng lần này, hình ảnh ruộng đồng, thôn dã tái hiện trong thơ ông mang vẻ đẹp và âm hưởng hoàn toàn khác trước: 

 

Đã lâu rồi không đi qua những cánh đồng sương sớm tươi mùi cỏ xuân những lá mầm vươn dậy mãnh liệt

 Vọng đến tiếng kèn buổi chiều giữa xuân trỗi dậy nỗi niềm xa vắng” (Tự sự bên mùa).

 

Cánh cửa một mùa xuân chín mở ra trước mắt nhà thơ Dương Kiều Minh với âm điệu và hình ảnh mới, bền bỉ, với nguồn năng lượng thấm sâu tỏa rộng hơn: 

 

Niềm xuân thúc giục

Niềm xuân mách bảo

Niềm xuân vươn dậy cõi mênh mông tĩnh lặng

Bóng lớn cây dã hương cổ thụ vươn cao giữa trời đất trong rạng rỡ ngày mới

Thổn thức làn ánh sáng tỏa lan hơi thở xuân về”  (Giao thừa).

 

Ở khía cạnh khác, thơ văn xuôi là một thế mạnh của nhà thơ Dương Kiều Minh. “Sực nhớ núi đồi  một trong những bài thơ văn xuôi đầu tiên tiêu biểu, và ở đây nét ung dung, tự tại, cảm xúc tươi non được kiềm chế lại.  Mạch thơ trải rộng, câu thơ được kéo dãn với góc quan sát bao quát, giàu liên tưởng. 

 

Tôi chợt nhớ núi đồi những đêm tĩnh lặng trong trẻo, ngôi sao xanh ánh sáng bị làn hơi ẩm tách ra thành nhiều sợi tinh khiết...

Đêm đêm những nàng tiên cánh mỏng bay là là trên những cánh rừng và dòng sông hắt ánh sáng dìu dịu bờ dốc thoai thoải.”

 

Những hình ảnh trong bài thơ rất thật, có lúc tưởng như sao chép chi tiết của đời sống nhưng vẫn đậm tình cảm riêng biệt của người viết: 

 

Tôi mở ý tưởng thơ mộng chỉ thấy hình ảnh thế giới khô cằn. Mùa đông đến dài dặc, mùa xuân hiện gương mặt tiều tuỵ căn nhà chen chúc cũ nát.”

 

Có thể, trong bài thơ văn xuôi đầu tiên này, hiệu ứng ngôn ngữ và hình ảnh chưa cao, một số câu thơ còn mang âm hưởng của văn xuôi, chưa tạo được khoảng trống mơ hồ giữa các câu thơ và cũng chưa tạo được nhiều bất ngờ. Bài thơ này, không thấy in trong tập thơ “Thơ Dương Kiều Minh, nhưng theo tôi, đã đánh dấu sự chuyển biến trong thi pháp thơ của tác giả. Ở những bài thơ văn xuôi sau này, xét một cách tổng thể, mạch thơ ngày càng vạm vỡ, tự do, khoáng đạt hơn và đó cũng chính là cốt cách phong vận của ông. Nhiều bài thơ của Dương Kiều Minh tựa cơn gió lớn bất chợt ùa về cánh đồng rộng mênh mông, đem đến cho ta cảm giác phóng túng, ngang tàng: 

 

Giữa thinh lặng mênh mông tiếng gió từ phía sông Đáy duổi qua con đê kéo ngang cánh đồng trước nhà hòa cùng tiếng côn trùng tiếng xào xạc cây lá tạo nên những giai điệu kỳ bí của đêm tỏa ngát hơi thở bí ẩn thiên nhiên và vũ trụ” (Gửi bạn đêm cuối năm).

 

Không gian trong thơ văn xuôi Dương Kiều Minh là những hình khối, những quần thể tượng đài độc đáo, gợi ta nhớ tới những biến tấu từ bảy mô-đun của điêu khắc gia Điềm Phùng Thị[7], mang đậm phong vị và triết lý phương Đông. Nó bí ẩn dựng lên bức tường cao ngất, tiếp nối, dọc ngang, gây choáng ngợp. Nhiều hình ảnh vừa mới thoáng hiện đã nhanh chóng đan lồng với những hình ảnh khác lớn hơn, dị biệt hơn: 

 

Ai vẫn đứng kia buổi cuối chiều giông gió, phố xá bời bời, hồn chia hai ngả. Vẫn ở đó ao đầm gò bãi, hiện về đây hiu hắt núi đồi. Niềm thương cảm quanh quất bao năm dâng ngùn ngụt núi rừng chập chùng dòng sông vách đứng” (Tựa cửa).

 

Trong không gian này, cùng với cảm xúc là những chiêm nghiệm về vũ trụ, trải nghiệm về nhân sinh. Mỗi hình ảnh trong đó, tưởng chừng đơn lẻ nhưng đều chứa đựng những ý nghĩa phổ quát và nhiều gợi mở. Chiếc lá sen khô trong câu thơ sau mang một vẻ đẹp của nhiều trạng thái cảm giác, mở cho ta liên tưởng khác về thiên nhiên, đời sống: 

 

Sự kiêu hãnh giờ chỉ còn dấu vết kỷ vật. Những chiếc lá sen khô đội mưa tìm lại mùa thu đầm Vạc. Những âm thanh trong trẻo vang động đâu đó trong trời đất ngân trên cây thiên cầm thuở ấy” (Những chiếc lá sen khô).

 

Dương Kiều Minh thường chủ ý làm cho những chuyển động của hình ảnh thơ chậm lại so với quy luật thông thường. Trong khi đó, những nhà thơ cách tân cùng thế hệ với ông thường đẩy tốc độ hình ảnh đi nhanh hơn, tạo khoảng cách lớn, làm phân rã, đột ngột thay đổi quy luật chuyển động của chúng.

 

Nhịp điệu được tiết chế chậm lại trong thơ Dương Kiều Minh đã tạo một hiệu ứng khác biệt. Nó diễn tả một thái độ sống, thái độ ứng xử trước nhân thế, cho ta thấy được tâm trạng lưỡng cực của một người vừa yêu vừa chán ngán sự đời:

 

Sương muối giăng mù trời, lòng người lửa đốt. Mười hai tháng trôi qua chớp mắt. Mọi việc chậm chạp, trì trệ gần như ngưng đọng. Mình như con ếch ngắm bầu trời hiếm hoi trong đêm, dường như có điều gì bất ổn nơi từng đám sương từ từ trút xuống chộn rộn mờ ảo.…

Ngang cõi nhân gian huyền ảo cô lạnh, kia ai cầm ngọn lửa phất qua” (Ghi ở buổi cuối năm).

 

Bàn tay ai cầm ngọn lửa phất qua cho thấy thái độ vừa chằm bặp vừa lơ đãng, vừa trách nhiệm vừa buông bỏ, thờ ơ trong biến ảo khôn lường của đời sống thực tại. Bằng cách kìm nén này, Dương Kiều Minh đã sáng tạo nhiều bài thơ văn xuôi thành công. Trong bài thơ “Tìm sen ở Quan Sơn”, ta nghe thấy giọng nói chậm rãi cất lên, vừa uể oải vừa minh triết:

 

Chiều xuống, thoáng mưa ngâu nhè nhẹ. Bên rặng phi lao, những em bé gái đeo giỏ mò cua bên cầu Dậm. Núi non hồ nước phủ làn hơi mưa, một vài trái núi bị đẽo gọt loang lổ lộ ra trắng toát”.

 

Cảnh vật ở đây đang diễn ra như vốn có, buồn tẻ nhàm chán, hay chộn rộn, mơ hồ… còn tùy ở cảm nhận của người đọc, nhưng cái vẻ trắng toát lộ ra khi một vài trái núi bị đẽo gọt loang lổ đã tạo một hiệu ứng kinh hoàng, khi chính bàn tay con người phá hủy vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên. Đọc đến câu cuối, ta thấy tất cả những hình ảnh vừa gặp từ khổ thơ đầu đã không còn ở vị trí cũ, mà hoảng hốt, xáo trộn để làm nên một trật tự mới.

 

Nỗi cô đơn hiện lên khá đa diện trong thơ Dương Kiều Minh. Chúng di chuyển trong tịch liêu, vương vất chút luyến tiếc: 

 

Sự ưu tư buổi cuối chiều đòi hiện trên trang trắng. Bóng tối theo hơi lạnh thấm dần xuyên qua lùm cây, mái nhà, ô cửa

Cơn khát dục vọng thiêu cháy làm biến dạng những khuôn mặt

Lại đã để lại phía sau mùa lũ, dòng sông vào đông để lộ những vạt đất bồi, những con chim rẽ giun từ đâu đến mải mê thản nhiên quên cả chiều đã xuống

Vẫn lùm cây này, vẫn bờ gạch lát, câu chuyện đã là của thế kỷ trước” (Những con chim rẽ giun bên vạt sông chiều).

 

Hình ảnh người mẹ tỏa sáng suốt các tập thơ của Dương Kiều Minh, như biểu tượng của nguồn cội, là nơi nhà thơ nương tựa lúc cô đơn, nơi cố hương tiễn biệt và nơi để quay về. Bất cứ câu thơ nào nhắc tới mẹ, mơ hồ chạm hình bóng mẹ, đều vang lên trong tâm hồn nhà thơ rưng rưng tiếng chuông cầu nguyện, niềm khắc khoải khôn nguôi, nỗi nhớ quay quắt, da diết… Một vệt nước trên tán lá, một tiếng hát và bước chân, tiếng mẹ gọi trong khói lam chiều là những giấc mơ dịu dàng của nhà thơ:

 

 “Cơn mưa đêm để lại vệt nước trên tán lá khóm đại hồng môn

Bài ca duổi theo bước chân trẻ thơ con đường dọc bờ rào ô rô chạy men đồng bãi

Ai như tiếng mẹ gọi ngôi làng khói tỏa xa xa” (Vừa giấc mơ dịu dàng đậu xuống).

 

 Chiếc giày trên lớp lá thu trong câu thơ sau diễn tả tâm trạng hụt hẫng, cô độc của nhà thơ bên phần mộ mẹ: 

 

Trên cánh đồng mẹ nằm cô quạnh

Mẹ hằng mong tôi khôn lớn một ngày

Đâu đó bên hàng song thụ

Trên lớp lá thu còn một chiếc giày” (Không ai gọi tôi trở dậy vào buổi cuối thu).

 

Tình cảm ấy lúc như tơ nhện giăng trên mặt hoa mỗi sớm: 

 

ổ mầm đậu hòa lan mẹ ủ lên mỗi sớm

Có mùi sương mùi nước

tuổi thơ ăm ắp buồn” (Bướm trắng); 

 

lúc như bóng mẹ hiện về ấm áp, bao dung: 

 

Mẹ chẳng trách. Mẹ lần lần run rẩy

nghe tiếng tôi thốt lên phía hiên nhà”  (Bên những sợi tơ ánh sáng).

 

Từ tập thơ “Tôi ngắm mãi những ngày thu tận”, nỗi đau bệnh tật đôi khi được nhắc tới càng đẩy ông vào cô quạnh. Trong cơn lẻ loi ấy, nhà thơ thường cất tiếng gọi mẹ; tiếng gọi ngắt quãng, bập bẹ thơ ngây như thuở ông còn bé bỏng trong vòng tay âu yếm của Người: 

 

Mẹ ơi, mùa xuân gấp gấp, con nghe thấy ngõ quê tinh khôi rải ướt xốn xang bước chân thôn nữ gánh nước ngày cuối năm, cây đào trụi lá nở những bông hoa đầu tiên, hơi xuân tràn về từ những cánh đồng”  (Mẹ ơi, mùa xuân gấp gấp).

 

á

 

Những bài thơ cuối cùng của tập “Thơ Dương Kiều Minh” đã mở thêm những chiều kích khác trong suy tưởng và cảm xúc, là sự tìm đến, cũng là cuộc trở về của nhà thơ với vẻ đẹp giản dị và hiện đại. “Hơi xuân tràn về từ những cánh đồng”. Câu thơ ấy như ánh sáng luôn soi chiếu suốt hành trình thơ ca Dương Kiều Minh, là đích đến phía chân mây, là “nhân đức tin” cho ông vượt qua mọi thử thách, khó khăn để gặt hái những thành công ngoài mong đợi. Dương Kiều Minh cùng với các nhà thơ cùng thế hệ đã làm cuộc “vượt thoát” ngoạn mục, góp phần quan trọng vào cuộc cách tân thơ Việt trong những thập niên qua. Tôi chọn câu thơ trong bài “Tự sự bên mùa của Dương Kiều Minh để kết thúc bài viết, như một lời cầu chúc cho linh hồn nhà thơ được thảnh thơi ở cõi vĩnh hằng: 

 

Tỉnh dậy, đã đầu hạ

Âm nhạc reo vang những con đường rộng thênh xa hút ngang qua những nẻo quê, một miền quê bỏ lại”.

 

3/2012


 

_____________________

[1] Tên các tập thơ của Dương Kiều Minh: Củi lửa” (Nxb Tác phẩm mới – Hội Nhà văn, 1989); Dâng mẹ (Nxb Văn hoá, 1990); “Những thời đại thanh xuân” (Nxb Văn học, 1991); “Ngày xuống núi” (Nxb Văn học, 1995); “Tựa cửa” (chưa xuất bản, 2001); Tôi ngắm mãi những ngày thu tận” (Nxb Hội Nhà văn, 2008); “Khúc chuyển mùa” (chưa xuất bản, 2011); Thơ Dương Kiều Minh” (Nxb Hội Nhà văn, 2011 – bổ sung 2 tập thơ chưa xuất bản).

[2] Chế Lan Viên: “Điêu tàn”, Nxb Thái Dương, 1937.

[3] Huy Cận: “Lửa thiêng”, Nxb Đời nay, 1940.

[4] Xuân Diệu: “Thơ thơ”, Nxb Đời nay, 1938.

[5] Adonis (1930 –): nhà thơ Syria, đoạt Giải thưởng Goethe của Đức năm 2011 và nhiều lần được đề cử giải Nobel; thi tập “Những bài thơ đầu”  của ông xuất bản lần đầu năm 1957.

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Adunis).

[6] Pablo Neruda (1904 – 1973):  nhà thơ Chile, đoạt giải Nobel Văn chương năm 1971; thi tập “Hai mươi bài thơ tình và một bản tuyệt vọng ca” của ông xuất bản năm 1924.

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Pablo_Neruda). 

[7] Điềm Phùng Thị (1920 – 2002): nữ điêu khắc gia người Pháp gốc Việt, Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học, Văn học và Nghệ thuật Châu Âu. Bà tạo hình điêu khắc bằng cách lắp ghép và biến tấu bảy mô-đun hình học.

(Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Điềm_Phùng_Thị). 

 

 

 























BÀI KHÁC
1 2 3 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị