Hành trình thơ Thi Hoàng (phê bình) - Mai Văn Phấn

HÀNH TRÌNH THƠ THI HOÀNG


Giọng đọc của Mai Hương trên Youtube







Nhà thơ Thi Hoàng

 


Mai Văn Phấn


 

Nâng chiếc mầm lên tận đỉnh cây cao

Thi Hoàng

 

Thi Hoàng xuất hiện trên thi đàn vào cuối giai đoạn chống Mỹ, cùng với một số nhà thơ Hải Phòng đương thời như Vân Long, Thanh Tùng, Hoàng Hưng, Đào Cảng, Phạm Ngà, Trịnh Hoài Giang… Họ bắt vào mạch văn chương Hải Phòng, khởi nguồn từ thời Thế Lữ, Khái Hưng, Trần Tiêu, Nguyên Hồng, Văn Cao, Lê Đại Thanh…, cho nơi cửa sóng này được mệnh danh là “miền đất văn chương”. Giai đoạn sau này, Thi Hoàng nổi lên như một trong những gương mặt đổi mới tiêu biểu giai đoạn hậu chiến, ông là gạch nối giữa thế hệ “thơ chống Mỹ” với thế hệ đổi mới sau 1986[1].

 

Thơ Thi Hoàng có hai giai đoạn, tôi tạm định danh: hướng ngoại và hướng nội. Giai đoạn hướng ngoại thể hiện trọn vẹn trong tập thơ “Nhịp sóng” (Hội Văn nghệ Hải Phòng xuất bản, 1976). Trước đó, Thi Hoàng còn có tập thơ đầu tiên in chung, lấy tên “Cửa sông” (Nxb Tác phẩm mới, 1971), nhưng người viết bài này chưa tìm được tài liệu và cũng không thấy tác giả đưa vào “Tuyển trường ca và thơ” của ông (Nxb Hội Nhà văn, 2010).

 

Ta đang cách nhau một khoảng chết của quân thù (Em ở phương xa), là câu thơ vang vọng trong “Nhịp sóng”, nhắc nhở mọi người tinh thần cảnh giác, ý chí sắt đá lúc đó. Bài thơ “Rãnh khương tuyến” có những câu thơ khét nồng mùi thuốc súng: 

 

Những rãnh xoắn dẫn đầu đạn lên theo một đường sáng chiếu

Nhằm phía ngực quân thù phá ra”.

 

Nhưng sau những phút giây Viên đạn vọt ra trong chớp mắt, ta gặp được Một khoảng trời xanh sáng bừng. Từ những bài thơ trong giai đoạn “khói lửa” này, Thi Hoàng đã sớm có những câu thơ mang phong cách riêng: 

 

Mũi con tàu tinh anh như con mắt

từ cửa sông này nhìn suốt đại dương…

Vạt buồm muốn kéo cả bờ đi…

Trời xanh lặng như đang điềm tĩnh lại” (Thành phố những cánh buồm mùa hè – cửa bể ).

 

Thi Hoàng có nhiều câu thơ hương sắc trong giai đoạn chống Mỹ. Nếu thơ Chính Hữu hồi ấy reo vui khúc nhạc hành quân: 

 

Những buổi vui sao, cả nước lên đường

Xao xuyến bờ tre từng hồi trống giục

Hàng ngũ ta đi dài như tiếng hát”, 

 

thì thơ Thi Hoàng trong “Ba người hát giọng trầm” lại có những câu thơ gần với cách chuyển dịch ngôn ngữ của thế hệ thơ trẻ bây giờ: Mái tóc mưa xuân, bàn chân mùa hạ, hay Cửa kín lòng mình nhẹ mở theo ta. Những câu thơ đẹp mong manh, mơ hồ tiêu biểu cho mỹ cảm của Thi Hoàng thời đó: 

 

Miền đất hứa nắng dồn về bề bộn

Ong rung hoa bách hợp, phấn rơi vàng” (Lên với vùng cao);

 

hay những câu ám ảnh: 

 

Nghe đằng sau thấp thỏm

Như ai đi với mình” (Chiếc ba lô);

 

hay non trẻ và bay bổng khi 

 

Một cô bé trong vòng múa chìa tay

Tôi cầm lấy bay lên cùng lũ trẻ” (Trong vườn trẻ).

 

Câu thơ mang cảm xúc tươi ròng, mãnh liệt tựa dòng nước mát lành từ lòng đất sâu trào lên: 

 

Trời thì xanh như rút ruột mà xanh

Cây cứ biếc như vặn mình mà biếc” (Ở giữa cây và nền trời).

 

á

 

Sở trường của nhà thơ Thi Hoàng là trường ca. Với trường ca, ông mở đầu giai đoạn hướng nội, thiết lập cho thơ mình không gian riêng biệt với những phức điệu, phối bè hấp dẫn. Với hai trường ca lớn, “Ba phần tư trái đất” (Nxb Hải Phòng, 1989) viết 1981 – 1984, “Gọi nhau qua vách núi” (Nxb Quân đội nhân dân, 1996) viết năm 1987 – 1994 và một số trường ca “mini” như “Oản tù tì, ra…” in trong tập “Bóng ai gió tạt” (Nxb Hội Nhà văn, 2001), “Bóng tối dưới chân đèn” in trong tập “Cộng sinh với những khoảng trống” (Nxb Hội Nhà văn, 2005)..., Thi Hoàng đã dành được “đất” cho mình ở thể loại này. Khác với những trường ca mang tính sử thi đơn tuyến, có cốt truyện, trường ca của Thi Hoàng có cấu trúc hiện đại với đa giọng điệu. Các chương, phần trong đó có thể đứng độc lập như một bài thơ dài, nhưng khi đặt trong “tổng phổ”, chúng được kết hợp, đan xen, bổ sung cho nhau, giống như cách hòa âm, phối khí trong giao hưởng. Thậm chí, những ý tưởng được đan chéo qua các chương, đoạn của trường ca, làm người đọc hình dung như có một MC vô hình dẫn truyện từ đầu đến cuối.

 

Trong trường ca “Ba phần tư trái đất”, chúng ta nghe tên các chương có thể nhận biết được tính độc lập, nhưng thống nhất trong cảm xúc chủ đạo, nhìn thấy cái “thân cây” trong truờng ca của Thi Hoàng, để từ đó mọc ra những cành lá xum xuê, bời ngợp: Chương 1: “Có một người, có một hòn đảo”, Chương 2: “Nhà thơ và chiến tranh”, Chương 3: “Biển ở đất liền”, Chương 4: “Số một và tổng thể”, Chương 5: “Cuộc gặp gỡ của những người chết”, Chương 6: “Thư gửi hội nghị luật biển quốc tế”, Chương 7: “Kinh nhật tụng”, và Chương cuối: “Không phải là vĩ thanh”. Trong trường ca “Ba phần tư trái đất”, khá nhiều câu thơ hay với cách liên tưởng lạ, bất ngờ được thắp lên như ngọn đèn dẫn đường: 

 

Đảo nhỏ đang đùa nô với nước mây giây lát rùng mình

Rồi tĩnh toạ như nghìn năm vẫn thế” (Chương 1: Có một người, có một hòn đảo); 

 

Hòn đá vỡ tung trong chiến tranh

Bây giờ không nhận ra được nữa

lẫn trong đá được ghè bằng búa

Rải dưới đường bố con anh đi” (Chương cuối: Không phải là vĩ thanh).

 

Tiếp đến, trường ca “Gọi nhau qua vách núi” là cú nhảy đột biến, bất ngờ trong hành trình thơ Thi Hoàng. Trường ca này có thể gọi là bức tranh tổng quan với những mạch ngầm, những góc khuất của đời sống thời hậu chiến. Ông vẫn tiếp tục những thủ pháp trong trường ca “Ba phần tư trái đất” là thiết kế phân mảnh giữa các chương (ở đây ông gọi là Phần), nhưng khác biệt rõ nét, là tạo sự đa dạng, đa giọng điệu ngay trong từng đoạn, tức là tạo ra cấp số nhân của những phân mảnh. Chúng được đan cài có dụng ý và biến hóa rất linh hoạt. Có phần ông sắp đặt ý tưởng, hình ảnh chồng lấn, xung đột bất ngờ như những chuyển động Brown[2], tạo nên những va chạm đến từ các hướng khác nhau, làm nên sự phồn tạp và biến ảo như cuộc sống hiện đại. Các nhân vật A, B, C… trong trường ca thể hiện tối đa ý đồ này của tác giả, vừa hữu danh, vừa vô danh, thoắt ẩn, thoắt hiện, lúc là cái tôi, đơn vị bé nhỏ nhất, có lúc hòa đồng vào “đại tự sự” xuyên suốt “Gọi nhau qua vách núi”. Ngay từ phần thứ nhất “Hoa với chuyện của ba người và chuyện của nhiều người”, nhà thơ đã cho các nhân vật A, B, C lúc hiện thân thành đồng đội A và B khóc C trong một tổ ba người, lúc hóa thành đại ngàn vững chắc, chở che A, B, C thành một cánh rừng rồi. Đến các phần tiếp theo, ông lý giải các nhân vật trong các chiều kích tương quan, gắn bó và va đập của đời sống. Thi Hoàng đã thành công khi khắc họa vóc dáng thời đại của ông. Chúng hiện lên với đa dạng những khuôn mặt, lúc ngây ngơ như 

 

con nghé tơ vơ vẩn đi tìm

ai đánh mất quả chuông nào của nó” (Phần thứ nhất:Hoa với chuyện của ba người và chuyện của nhiều người”);

 

lúc âm thầm làm giọt mồ hôi ngoằn nghèo rủ rỉ trên lưng (Phần thứ mười: “A, B, C… (hay là tiếng gọi)”), lúc khắc khổ, ưu tư dè dặt: 

 

Chính trị thời tôi chẳng phải như ong

Chẳng phải như hoa để dễ dàng xúc động

Ý thức hệ nào chìm trong mật nóng

Mặc ong vô tình và hoa ngây thơ” (Phần thứ bảy: Bồng bế một thời).

 

Trong Phần thứ chín: “Thành phố nơi tôi sinh trưởng”, Thi Hoàng có câu thơ 

 

Một đầu đường chẳng có ai trông ngóng

Một buổi chiều không biết cất vào đâu”,

 

ấy là chân dung tự họa của ông trên cái nền chiều thành phố cảng rất độc đáo. Cả thành phố và nhà thơ hiện lên trong “bức tranh” với tâm trạng ngổn ngang, vừa muốn chuyển động vừa muốn dừng lại, thèm khát sẻ chia lại muốn cô đơn. Ở Phần thứ mười: “A, B, C… (hay là tiếng gọi)” – , phần về đích của trường ca này, tôi nghe thấy giọng gọi của nhà thơ đã khàn qua những “vách núi” ngăn cách giữa con người với con người, giữa những cá thể nhỏ nhoi với thiên nhiên, xã hội, và với cả những tập tục, ý thức hệ.

 

á

 

Thi Hoàng bắt đầu những cách tân khi thơ ông đã định hình phong cách, tạo được chất giọng riêng trong thơ Việt đương thời. Phần lớn những bài thơ của ông đều thấm đẫm tinh thần này, ngoại trừ một số bài viết về thiên nhiên, người thân, trẻ nhỏ, như những đứa trẻ chơi trước cửa đền, chú chim sâu bé nhỏ… ông mới chịu rời xa cái “cội rễ” thế sự. Thi Hoàng thường trăn trở, quan tâm những vấn đề lớn, như ý thức hệ, lý tưởng, dân sinh, những áp bức, bất công đè lên vai những người khốn khổ, những thân phận trôi nổi bèo bọt… Trong trường ca “Gọi nhau qua vách núi”, ông dành trọn vẹn Phần thứ tư để viết về chính trị. Lúc đầu, phần này có cái tên khá “khiêu khích”: “Chính trị”, sau ông đổi thành “Bồng bế một thời”. Thơ Thi Hoàng, truớc hết vẫn là cách nói của thi sĩ, đau đớn mà giàu liên tưởng, phản tỉnh, gai góc, thậm chí dữ tợn nhưng đậm chất nhân văn: 

 

Buổi chiều đẹp và mệt mỏi

Mặt trời như người đàn ông vừa ra khỏi nhà

Đi đánh bạc cho đến sáng

Để bóng tối lấp đầy mặt người đàn bà như bông hoa rau muống tím

Nghĩ mà thương cái bông hoa âm thầm…

Cờ của Tổ quốc tôi là bàn tay mẹ

Nắng gió sống trên năm ngón tay nứt nẻ...” (Bồng bế một thời).

 

Dù viết về thế sự hay bất cứ điều gì, ông luôn hướng đến cái Đẹp. “Lẽ phải”, trong nội hàm cái Đẹp, không đến dễ dàng, có khi phải chờ đợi, phấp phỏng qua nhiều thế hệ:

 

Lẽ phải dềnh dàng còn tế nhị gửi thưa

với muôn trùng biến dịch

Lẽ phải không tự tử cũng không bị ai giết chết

Lẽ phải đến kia rồi ta đã già rồi thôi để con ta ra đón” (Lại theo đuổi tự nhiên).

 

Giai đoạn đầu cách tân, thơ Thi Hoàng dùng các  mảng cắt ghép giống như bức tranh, thiên về màu lạnh, như cố tình tạo ra những “bức tường” ngăn cách trong không gian ngột ngạt, ngổn ngang, gây cảm giác khó chịu, buộc bạn đọc tìm cách thoát ra khỏi nó, giải phóng nó. Hình ảnh trong thơ thường được ông bóp méo, kéo căng, chồng lấn, như cố tình cho chúng mọc ra những “chiếc gai” sắc nhọn, và, có lúc quá cỡ so với cái thông thường: 

 

Nắng rầng rậc một sắc vàng quát thét

Con còng chạy như điên băng qua cát ngạt

Rất muốn ngọt ngào mà biển phải đành lòng mặn chát

ta một nỗi niềm, biển một nỗi niềm, cát cũng một” (Với cát bỏng).

 

Mọi câu thơ trong bài đều được kết thúc bằng những thanh trắc (quát thét, cát ngạt,mặn chát, cũng một, lạnh buốt, gai nhọn…) tạo dựng một khoảng không lộn xộn với những va đập chói tai, nghe như tất cả bộ gõ trong dàn giao hưởng được tấu lên mà không có loại nhạc cụ nào khác. Bài thơ này biểu hiện đặc trưng cách viết của Thi Hoàng ở giai đoạn đầu đổi mới: 

 

Nắng quất nắng quật ư? Cũng chưa ghê gớm

Bằng ánh mắt ta sao lại mọc những tia nhìn như gai nhọn”.

 

Thi Hoàng đã tạo những xung động, sản sinh những nghĩa mới của chữ, tạo chữ mới lạ, sự biến ảo đa nghĩa trong từng câu thơ trên nền tảng của “đại tự sự”. Bài thơ “Tự thú”, rút trong tập “Đom đóm và sao” (Nxb Hải Phòng, 1997) là một minh chứng cách viết của Thi Hoàng giai đoạn khởi đầu cách tân của ông: 

 

Ngày nép vào mắt mở

Đêm nép vào mắt nhắm

Tôi rình mò sự hoàn thiện đến cỗi cằn xương thịt

Hóa ra khoảng không yên lành là mẹ của ước mơ

Còn nhịp bước tự nhiên của bàn chân, thế nghĩa là triết học”.

 

Câu thơ Tôi rình mò sự hoàn thiện đến cỗi cằn xương thịt là một cách nói hình tượng hóa rất mới mẻ; ngoài nghĩa trực diện, nó còn cho thấy chuyển động bên trong của quá trình phân hoá, quá trình tự hủy diệt và hoàn thiện trong mỗi cá thể. Kết hợp cái cụ thể với những khái niệm trừu tượng là cách viết của Thi Hoàng. Ông tự thú mình là kẻ

 

“thất thường hoang tưởng

Từng tạo ra những hốc tối om cho sự thông minh ngồi im

Rồi đột nhiên nhảy xổ ra đâm chết tâm hồn”.

 

Bài thơ là một cách nhà thơ cật vấn chính mình, là lời tâm sự những điều gan ruột, cho vơi đi nỗi lo lắng, bức bối đang chứa chất. Tâm trạng chán nản, cô đơn, nghi ngờ chính là “xương sống” đỡ lấy toàn bộ những “câu chuyện” trong bài thơ. “Tự thú”, là cách ông “lộn ngược chiếc túi” của mình, từ chuyện ngồi gãi lưng dưới bóng cây… và ngáp, chuyện giày dép trẻ con, xó bếp, người được phong thánh, kẻ bị tử hình, đến chuyện quốc gia, chính trị cao sang như nước sạch, đều được ông “thưa gửi” thẳng thắn, chân thành, lúc nghiêm trang, lúc cười cợt bi hài. Cả bài thơ như thấy ông đang ngất ngưởng, và dừng lại ở những hình ảnh đẹp dù chỉ thoáng qua: 

 

“Giày dép trẻ con không phải chuyện đùa

Có thể có thiên thần trong xó bếp…

Tôi xin, mỗi sớm mai như cằm cô gái đẹp”. 

 

Trong hai câu kết bài thơ, nhà thơ tự đẩy mình xa vị trí tự thú ban đầu, mở ra ba góc nhìn: tác giả, hiện thực đời sống và người đọc, tạo những liên tưởng đa cực: 

 

Tôi xa lạ với chính tôi

Như mảnh trăng giữa trời nhìn trăng dưới đáy hồ, ngơ ngác”.

 

Cường điệu hóa những chuyển động của hình ảnh cũng là cách viết dụng ý của Thi Hoàng. Có lúc ông như cố ý “bình phương”, “lập phương” những hình ảnh, liên tưởng vốn đã được phúng dụ, như cố tình “đùa bỡn” người đọc, khiến họ hình dung một thế giới vừa được bày đặt trong thơ ông, thật như giả, giả mà như thật. Những câu thơ có cách liên tưởng kỳ thú này chắc chỉ Thi Hoàng mới có: 

 

Những nét chữ hay là những con giun

Nguấy lên làm râm rẩm những cơn đau bụng thẩm mỹ…

Tiếng phi cơ xé rách trán trời xanh” (Hiện thực tập mờ);

 

Chiếc lọ cổ rất lâu mới cất tiếng thở dài

Tưởng nhả ra chiếc đinh khoảng không lút trong cuống họng” (Dấu vết); 

 

Khoảng tối trong mồm bị nắng mắng mỏ

Dẫu chỉ há ra kinh ngạc vì thế kỷ qua mau” (Giật mình… hoa phượng).

 

Âm thanh và hình ảnh trong thơ Thi Hoàng thường đan quyện, gợi những chuyển động nhanh: 

 

Ai đang hát trong mưa

Nước như băm như thái” (Ai đang hát trong mưa); 

 

Vo ve tiếng muỗi thả dây câu

Ta dẫu nghỉm chìm nghe vẫn thấy” (Chân dung âm bản).

 

Ông vận dụng cách nói của ngôn ngữ thông tấn, giao tiếp, thể hiện ý tưởng của mình bằng những câu thơ lạ, chính xác: Người bồm xộp như cắt ra từ nệm mút (Để nhớ một cái tên); bằng những hình ảnh ám thị, ám ảnh: 

 

Máy tính ti-vi màn hình có hôm nhùng nhầy như cục đờm thằng nghiện

Trong ấy có không biết bao nhiêu vi trùng” (Lại theo đuổi tự nhiên);

 

lúc sắc lạnh: 

 

Lông con chó vàng bắt nắng đẹp thế kia

Đừng có mà hoạnh họe” (Trình bày);

 

những xúc cảm bộc phát, ngộ nghĩnh:

 

Bố con tôi xin chào nắng mới

nắng thò tay sờ vào má mình” (Nắng mới và con); 

 

Lá ngang nhiên xanh dưới trời da cá lạnh” (Dưới bóng cây).

 

Chữ của ông tinh tường, khôn hoạt, có lúc như dư vị cánh trà nhâm nhi trong miệng sau một ngụm trà: 

 

À ơi! Loé sáng ru mù tịt” (Chân dung âm bản); 

 

Nước rê vê hạt rơi soi rọi

Rau ngây ngô từ lúc biết ngây ngô” (Tưới rau); 

 

Sự chai lì cứ bóng bẩy dần lên cho mình trượt ngã” (Thế kỷ mới); 

 

Những đêm tăm vũng nước tối mơ hồ” (Mùa hè của tôi); 

 

Ý nghĩ lỏng ra đuôi cá quẫy đều” (Bóng tối dưới chân đèn);

 

có lúc tỉnh táo, biến hóa tài tình, nhiều lúc như một trò chơi, cho ta hình dung những quân bài đô-mi-nô đang theo nhau đổ xuống: 

 

In trên bao nẻo mưa rơi

Dấu chân một thời hăm hở

Bước qua thời hăm hở nữa

Cơn mưa đang tạnh kia rồi” (Mưa);

 

lúc lại dùng từ gợi thanh, gợi hình lạ mà chuẩn xác: Chiều áp tết tiếng giã giò thộp thệp (Lại theo đuổi tự nhiên).

 

Chú chim sâu bé nhỏ”, viết năm 1992, là bài thơ tiêu biểu cho cách dùng chữ của Thi Hoàng giai đoạn đầu đổi mới. Chữ, ở đây được ông tinh lọc kỹ lưỡng, có thể nói là điêu xảo, được đặt trong từ trường cảm xúc nhất quán xuyên suốt bài thơ. Chỉ có hai nhân vật, nhà thơ và con chim sâu, nhưng bạn đọc được chìm ngập trong không gian rộng lớn và thanh sạch, hình dung ông đang hóa thân, tan chảy vào thiên nhiên:

 

Chú chim sâu nhỏ giọt xuống lòng ta

Những giọt đoan trang cho hồn ta nhuần nhị”.

 

Đây là cách chơi chữ:

 

Chú chim sâu bé nhỏ

Chim chim cơm nóng nuông chiều

Chim chim nếp xôi đỗ ngậy”.

 

Ánh sáng trong mỗi câu thơ vừa đủ cho ta thấy tài nghệ của ông, nhưng không lấn át cái “khí” của cả bài thơ như ta thấy ở một số bài khác ở giai đoạn sau này của ông. Bài thơ này mang vẻ đẹp nhân bản và hiện sinh, được viết với lòng biết ơn trời đất, thiên nhiên đã cho con người được ân hưởng từng giây phút kỳ diệu: 

 

Tiếng tinh tích dường như ăn được vậy

Ráng chiều như váng canh riêu”.

 

Tuy nhiên cách dụng chữ của Thi Hoàng đôi lúc lại như phản đề:

 

Chỉ biết đây là rừng xanh thành thực

Vỗ về xanh rồi lại nỉ non xanh” (Lang thang ở Cúc Phương), 

 

những chữ tinh điệu trong câu sau không hợp với ý thành thực ở câu trước. Ánh sáng, tiếng động từ vỗ về xanh vừa phát ra, chưa kịp lan tỏa đã bị nỉ non xanh chặn lại. Vỗ vềnỉ non lại biến thành hai gọng kìm xiết lấy câu thơ, chúng giống như đôi chim quý bị nhốt trong chiếc lồng hẹp. Đôi khi chữ của ông cũng cho cảm giác khiên cưỡng, đại ngôn: 

 

Tiếng còi xe được nhìn thấy như mỡ rịn ra hai bên mép” (Lại theo đuổi tự nhiên);

 

Hắc ín kín bưng dính khét giọng rồ…

Nắng sặc gạch đôi co đá bỏng…

Vỡ ngữ pháp động từ đi tị nạn…

Sáng quá ghê răng, sáng quá vỡ bát” (Quen thuộc với nỗi buồn).

 

Thơ có tính truyện được Thi Hoàng vận dụng linh hoạt, sáng tạo. Trong bài “Ngẫu cảm”, ông kể cứ tưng tửng từng mẩu chuyện như chúng chẳng ăn nhập gì với nhau. Chuyện thứ nhất: 

 

Hòn đá rơi trúng đầu

Chàng trai vào bệnh viện... rồi thành vợ thành chồng quấn quyện”.

 

Tiếp đến mẩu chuyện thứ hai, bông hoa đẹp nở kề bên ngọn thác làm người phải lòng hoa với ra hái, tuột chân mà chết. Hai cửa sổ ấy mở ra trong một bài thơ để ông quan sát, làm xuất hiện câu thơ kết rất độc đáo: Sáng dậy thấy còn mình cũng đã là vui! Những “câu chuyện” ấy đã đem đến cho bạn đọc nhiều liên tưởng xa hơn, đa chiều về tính thiên biến vạn hóa của đời sống, nhân sinh, thế sự.

 

Thơ văn xuôi được ông sử dụng trong trường ca “Oản tù tì, ra…với nhiều ngữ nghĩa cùng lúc được triển khai, tạo được những va đập, cộng hưởng:

 

Sông ngòi giãi bày chảy cộn ruột gan, phù sa để tóc dài với tay tắt vợi đi những chói gắt phân chia cho đài các dần lên, nền nã dần lên lùm bóng râm lương thiện”.

 

Những câu thơ văn xuôi của Thi Hoàng thường có nghĩa khá xa nhau, nhưng được liên kết bằng cảm xúc mạnh; thủ pháp này đã tạo được những khoảng trống cần thiết. Trong một vài trường hợp, ông để những hình ảnh chồng lấn thái quá trong một câu thơ: 

 

Những dấu chấm kia sau cơn mưa đã thành ra muôn vàn xoáy nước dìm chết không tiếc thương những tư tưởng váng dầu, nhưng mô thức lá khô củi mục”.

 

Thơ viết cho trẻ nhỏ là một mạch chảy ngầm, riêng biệt trong thơ Thi Hoàng. Nó xuyên suốt lộ trình thơ ông, luôn cuộn chảy dưới bề mặt ngổn ngang, gai góc và thô nhám của đời sống hiện đại; và trong từng thời khắc, bất chợt phun lên những mạch nước trong suốt, mát lành. Mạch thơ cho trẻ nhỏ có lẽ được khởi nguồn từ phần thứ sáu của trường ca “Gọi nhau qua vách núi”, là nơi để nhà thơ nương náu, tránh những cạm bẫy dù là của ngôn từ hay do trí thông minh sắc sảo lấn át. Bài thơ “Những đứa trẻ chơi trước cửa đền”, viết năm 1999, nằm trong mạch thơ hay viết về trẻ nhỏ. Đây là một “trò chơi” của trẻ thơ được nhà thơ đặt vào một không gian linh thiêng mà không huyền bí. Mọi nghi thức, tập tục đang diễn ra đều được “đại xá”, bởi nhà thơ đã xin ông từ giữ đền không 

 

Chấp với bọn trẻ ranh rửng mỡ làm gì…

Cho chúng nó chơi đừng đuổi chúng đi”. 

 

Nhà thơ gọi tên từng đứa trẻ, gợi cách đặt tên cho trẻ con vần với tên cha mẹ ở các làng quê Việt từ xa xưa, như thằng Tâm con nhà bố Tầm, cái Nhân con bà Nhẫn. Ngôn ngữ sinh hoạt, giản dị đậm chất dân dã được nhà thơ vận dụng hợp lý, tài tình; như cách ông răn dạy, “mắng yêu” lũ trẻ: 

 

Trước cửa đền không được giồng cây chuối…

Lại còn hét lên như giặc cái”. 

 

Những hành động vui đùa, nghịch ngợm hồn nhiên của trẻ con trong một buổi chiều làm chúng ta thêm hy vọng khi thấy chúng như là hạt mẩy dưới hoàng hôn. Bài thơ có cách viết tự nhiên, tinh nghịch như những cử chỉ hồn nhiên, bản năng của trẻ, hợp với cách chơi chữ tung tẩy của nhà thơ, được Thi Hoàng viết trong tâm thức tỉnh táo, không sa đà vào u minh, mù mịt… Khổ cuối bài thơ, ông có cách liên tưởng bất ngờ: 

 

Chợt ngẫm thấy trẻ con là giỏi nhất

Làm được buổi chiều rất giống ban mai”. 

 

Thi Hoàng đã để những trò chơi của lũ trẻ mở cửa một không gian khác, trong lành, thánh thiện ở câu thơ cuối: 

 

Thánh cũng hân hoan. Đố ai biết được

Ngài ở trong kia hay ở ngoài này”.

 

Từ tập thơ “Đóm đóm và sao” (1997), rồi “Bóng ai gió tạt” (2001), tiếp đến “Cộng sinh với những khoảng trống” (2005), thơ Thi Hoàng đã chuyển đổi cấu tứ và ngôn ngữ. Những hình ảnh, liên tưởng trong thơ ở giai đoạn sau thường được chồng gối lên nhau nhiều hơn trước, càng khác xa với cấu tứ truyền thống, gây cho một số bạn đọc vốn quen với cách đọc cũ cảm giác phi lý, khó hiểu. Đọc thơ Thi Hoàng giai đoạn sau này, ta ngỡ bị đẩy vào không gian mờ tối, rồi bất chợt thấy những đốm sáng ở những điểm nhìn, những cạnh góc cần thiết để tự do kết nối tưởng tượng, và quan trọng hơn, ta phải tự hình dung ra hiện thực phong phú, bí ẩn trên “cái nền” không gian tối thẫm ấy. 

 

Nhấp chuột vi tính thấy một cô trượt qua màn hình thúc gót chân vào bụng

Cái gót chân cách ta mấy nghìn cây mà cũng làm vùng rốn ta đau

làm sao tìm được người ngoài hành tinh mà quan hệ” (Lại theo đuổi tự nhiên).

 

Cộng sinh với những khoảng trống” ít chú trọng đến chủ đề, tôi gọi đây là tập thơ có tính tự phân rã, tự hủy. Những tính chất ấy trong tập thơ này đôi khi thể hiện ở sự thái quá trong cách vận dụng ngôn ngữ giao tiếp, sinh hoạt, hoặc cách thức chồng lấn những sự kiện, khái niệm trong một mạch thơ. Nếu lối tạo mạch thơ ấy được sử dụng liên tiếp trong những khổ thơ dài, dễ gây cảm giác như tác giả cố ý đánh mất cái không gian riêng biệt được mở ra từ đầu bài thơ: 

 

Dúm gói cá nhân thăng hoa thăng hoét, thèm khát danh xước rách, suy nghĩ tận lực lôi ra từ ruột gan một trạng thái cũ mèm sao vẫn phải thăng hoa vẫn phải nghiến răng tận lực” (Bóng tối dưới chân đèn).

 

 Đoạn thơ sau đây lại như khúc hát của một gã du ca thời hiện đại, với giọng điệu đầy nghi hoặc và chán nản: 

 

Phải tìm đường đi cho phế thải đi

Chính gan ruột ta cũng đang làm việc ấy

Khoác áo choàng tang của thuốc trừ sâu

Thì đến ma-nơ-canh cũng chết huống chi người

Trẻ con thích làm đám tang của búp bê thôi

Còn người lớn rất thích làm đám tang cho các nguyên thủ” (Mở đường).

 

Không gian thơ của Thi Hoàng thường hiện ra trước mắt bạn đọc, nửa như nhà thơ chủ ý sắp đặt, nửa như vô tình mà thấy: 

 

“Vỏ chuối trượt chân trời mạt rệp

Hôi xì ghì ý nghĩ xuống đằng mông

Buồn đại tiện chứ không buồn sáng kiến

Đã khá lâu vợ chẳng muốn gần chồng” (Mở đường).

 

Cũng trong bài thơ dài “Mở đường” này, Thi Hoàng đang vận dụng cách ví von kiểu đồng dao “rồng rắn lên mây…”, thật ngây thơ, mê đắm: 

 

Phủ nắng Vàng có nàng Mưa nhỏ

Trong quán trọ có khách gió to”.

 

Nhưng bất chợt ông nổi xung bằng thứ ngôn từ “thất thường”, gây chú ý đặc biệt: 

 

Đắc thời thì nhắm rượu với đít của mình, mặt ghế với mặt người là một”.

 

Ở giai đoạn sau này, những hình ảnh trong một câu thơ thường được Thi Hoàng nén chặt, cô đọng hơn trước đây. Chúng gây cho ta cảm giác như lấn chiếm cảm xúc chủ đạo của cả bài thơ: 

 

Đèn quán đêm bạc ra như mủ chảy;

 

hay 

Ý hóa bãi lầy làm lời trượt ngã

Lời ơi lời bùn đất có thương không” (Bệnh).

 

Có một số trường hợp, ngay khi câu thơ vừa được xướng lên, thì nhà thơ đã tỏ thái độ nghi ngờ tính xác thực của nó: Hay cú ngã ấy ở trên bùn đất giả. Cách viết này đã làm nên đặc điểm, nhưng cũng bộc lộ những hạn chế của thơ Thi Hoàng. Rất nhiều những ý nghĩ vụn rời, biệt lập nhau trong liên tuởng, ngữ nghĩa lại đứng cạnh trong trong một khổ thơ: 

 

Khi thật vui hay thật buồn

thì thích ở ngoài sân hay trong nhà

Đây không phải là một câu thơ

Tóc còn đen mà làm quan rất to

Đây cũng không phải là một câu thơ

Mẹ ta mất đã hơn mười năm rồi” (Người đem thơ đi đâu).

 

Cùng với những câu thơ hay, độc sáng, thơ Thi Hoàng luôn giữ khoảng cách cần thiết giữa nhà thơ và người đọc, mà ít có những phiêu lưu, mạo hiểm. Có lúc ông cố tình giải thích một ý tưởng vừa viết, vốn đã khá rõ ràng, nhưng vẫn băn khoăn sợ người đọc có thể chưa hiểu hết. Ông là nhà thơ giỏi tự diễu, tự biết mình và thích cách nói thái quá: 

 

Thì bằng những câu thơ vơ bèo vạt tép

Ta cũng thành nhà thơ đấy thôi” (Người ta ai lại thế).

 

Nếu đánh giá suốt hành trình sáng tạo của Thi Hoàng, thì tính cường điệu trong tự chiếu, tự giễu lại chính là thế mạnh, giúp cho nhà thơ bình tĩnh, lạnh lùng nhìn lại mình và liên tiếp thực hiện những cuộc khai phóng.

 

Đến tập thơ “Chìm vào mật nóng” (Nxb Hội Nhà văn, 2011), ngoài sự ổn định về cấu tứ nội dung và thủ pháp nghệ thuật, nhà thơ đã trở về cách biểu hiện trong sáng của tập thơ đầu “Nhịp sóng” (1976), phát huy sự giản dị nhiều nội lực của “Ba phần tư trái đất” (1979), tầm vóc và phồn sinh trong “Gọi nhau qua vách núi” (1996), hay thăng hoa và bay bổng trong “Đom đóm và sao” (1997) và “Bóng ai gió tạt” (2001). Thơ ông lúc này như con nước lặng lẽ trong bài thơ “Sông đêm”: 

 

soi thấy ta trong ánh đêm một khuôn mặt lạ lùng

bí ẩn xoã tóc đen mượt

hơi ẩm bảo nơi người, ngày bối rối thì đêm chải chuốt”.

 

Hai câu thơ kết 

 

Nước ong óng phải lòng và lịch duyệt

Ăn mặc tử tế vào ra chào dòng sông.”

 

trở về tư duy và cảm thức quen thuộc trong tập “Đóm đóm và sao”: 

 

Bố con tôi xin chào nắng mới

nắng thò tay sờ vào má mình” (Nắng mới và con).

 

Thơ Thi Hoàng gần đây tuy vẫn gai góc, sắc nhọn nhưng ít nhói buốt hơn trước, vẫn giữ thái độ tự chiếu, phản tỉnh mà không cay cú:

 

“Một im lặng săn chắc

Nối vào miền tăm cá bóng chim

Từ một tịt đến muôn vàn, chó đá giữ bình yên

Trong lòng người có cái đẹp thường không thèm chấp” (Ngồi với chó đá).

 

Mọi chuyển động, dư ba trong lòng ông như đã lặng dần xuống, muốn lắng đến trong veo:

 

thương giàn mướp leo qua vai ta ra quả

mùi mướp hương thương mái bếp nhà nghèo” (Về cái không phải là tôi của tôi).

 

Những cung bậc hờn giận, mất còn buốt xót trong “Chìm vào mật nóng”, ngỡ như không còn nhiều hệ lụy đối với Thi Hoàng nữa. Ông là người 

 

Kéo mộng gửi vào mơ tìm đêm rơi ngày tuột

Miệng vết thương lên cao vút một giọng ca nhói buốt

Tôi leo lên cái giọng ca kia nhìn xuống vết thương mình” (Mộng gửi vào mơ).

 

Ở đây, ta gặp cách nói chân thành, nhuần nhụy hơn trước: 

 

Phận em chữ nghĩa rỉa ơ hờ

trên trang giấy có dấu chân bỏ chạy” (Thương chị).

 

Thi Hoàng là nhà thơ luôn tự làm mới từng câu, từng ý, cố nhích lên theo dấu mốc thời gian dù chỉ nửa bước chân. Tôi trân trọng ông ở thái độ ứng xử với thi ca trong những câu thơ: 

 

Nhớ lại câu thơ mình riết róng viết ra

Về phố cũ đường nét xưa di chú

Chữ béo ú mắt díp lại ngái ngủ

Trang giấy mặt đường không ra được ngã năm thiết tha…

Đem đốt bài thơ đi cho nước non đứng đắn

Cho trăng đàng hoàng thanh sạch sáng nghiêm minh” (Tôi không thấy thơ mình như trước nữa).

 

Phải chăng ông tự thấy đã cố hết sức mình, biết chấp nhận “thất bại”, tuy ta có thể hiểu sự “thất bại” ấy chỉ do ông tự hoạch định, tự đặt ra ranh giới khắc nghiệt cho bản thân mình. Như nương vào sự thông minh, ông đã nhìn thấy đích đến hoặc chân trời xa hơn, nhưng biết sức mình không thể vượt qua nữa.

 

 á

 

Nhà thơ Thi Hoàng từng đoạt nhiều giải thưởng văn học, trong đó có Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1996, cho tác phẩm “Gọi nhau qua vách núi” và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật 2007, cho nhóm tác phẩm “Nhịp sóng”, “Ba phần tư trái đất”, “Gọi nhau qua vách núi”, “Bóng ai gió tạt”. Có thể gọi Thi Hoàng là nhà thơ của trường ca. Đây là miền đất rộng để ông được tự do sắp đặt ý tưởng và thể hiện bút lực của mình. Từ “cội rễ” nhân sinh, thế sự, thơ ông lan tỏa, bời ngợp nhiều lĩnh vực, giàu có liên tưởng, phồn tạp cảm xúc trong đa dạng bút pháp. Trong lời mở đầu bài viết, tôi nhận xét thơ Thi Hoàng là gạch nối giữa thế hệ ông với thế hệ các nhà thơ cách tân sau 1986,  nếu mỗi thế hệ có ý thức hệ, có tiếng nói của riêng mình, thì Thi Hoàng đã đi xa hơn thế hệ của ông. Trong thơ ông có hai con người, vừa già vừa trẻ. Thi Hoàng trẻ trung với sức bật dũng mãnh, liên tiếp thực hiện những cuộc lên đường, làm cho thơ mình biến đổi rõ nét qua từng giai đoạn. Nhưng ông khác biệt thế hệ trẻ, là luôn tự chiếu, tự biết giới hạn dừng lại, như trong thơ ông có một thứ chân trời

 

Đắp một con đê theo dọc lòng mình

Ngăn ý chí đẩy xô tới chân trời kim loại”.

 

Thi Hoàng đã vượt qua sự cản ngăn của thứ chân trời kim loại nội tại. Ông là con người không ngừng tìm tòi những giá trị cách tân về tư tưởng cho thơ ca, không chịu làm kẻ soi ngắm những thành quả đã gặt hái trong đời thơ của mình. Ông đã nâng chiếc mầm lên tận đỉnh cây cao, bằng sức bật của kẻ gắn thơ với triết luận.

 

12/2012


___________________

[1] Những tác giả tiêu biểu của thế hệ đổi mới sau 1986, như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Trần Tiến Dũng, Giáng Vân, Nguyễn Bình Phương, Inrasara, Nhã Thuyên, Lê Vĩnh Tài, Đinh Thị Như Thuý,…

[2] Robert Brown (1773 – 1858) là nhà sinh học và cổ thực vật học người Scotland. Ông là người đầu tiên quan sát và mô tả hiện tượng chuyển động ngẫu nhiên của các hạt lơ lửng trong môi trường chất lỏng hoặc khí vào năm 1827, và chuyển động này được đặt theo tên ông.

 





 

 

 

 

 

 







Nhà thơ Thi Hoàng
BÀI KHÁC
1 2 3 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị