Khuynh hướng cách tân trong thơ Việt Nam sau 1986 - Mai Văn Phấn

Khuynh hướng cách tân trong thơ Việt Nam sau 1986

 

 

 

Tác phẩm của Graziano Locatelli 

 

 

Mai Văn Phấn

 

Nơi mũi tên rơi, mặt đất rung lên đẩy ta tới một đích khác

Mai Văn Phấn

 

Thơ Việt Nam đương đại tương đối phong phú và đa dạng. Về phương diện nào đó, có thể so sánh với thơ một số nước trong khu vực và trên thế giới. Sau năm 1986, bên cạnh những khuynh hướng bảo tồn thơ truyền thống, thơ Việt đã xuất hiện trào lưu mới thường được gọi chung là “Thơ cách tân sau năm 1986”.

 

Mở đầu cho sự cách tân thơ của thế hệ sau năm 1986 tại Việt Nam, theo tôi, có thể nhắc đến ba gương mặt thơ tiêu biểu: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc và Dương Kiều Minh. Thơ họ đã khai mở, thôi thúc một số cây bút cùng thời đi tìm giọng nói của thế hệ mình, thời đại mình. Kế tiếp sau ba tác giả vừa nêu, đến nay đã có thêm một số nhà thơ sáng tác trong hệ hình thẩm mỹ mới, khác biệt với những thế hệ trước đó, tạo nên một khuynh hướng thơ cách tân toàn triệt. Họ chủ yếu là thế hệ sinh ra vào thập kỷ 50 và 60 của thế kỷ XX. Tác phẩm của họ thực sự đã có vị trí xứng đáng trong lòng người đọc với những đóng góp đáng kể vào đời sống văn học. Ở đây, tôi tập trung vào tác phẩm của các tác giả tiêu biểu của thế hệ này như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Đức Tùng, Inrasara, Nguyễn Bình Phương, Giáng Vân…

 

Vậy, thơ của các nhà thơ tiêu biểu cho thế hệ này đã có những cách tân như thế nào? Họ đã kết hợp hài hòa giữa cái “Tôi” trong Thơ Mới, tính “đại tự sự” trong thơ thời chiến với tâm thức mở ra nhiều chiều của đời sống văn minh hiện đại. Sự kết hợp ấy được đẩy xa một khoảng cách bằng những ẩn ức, trực giác, mê sảng…, bằng những mô-đun, lát cắt, biểu tượng…, để người đọc nhìn thấy nó trong một thế giới thơ mới lạ. Các nhà thơ này đã kết hợp được những tinh hoa của các trào lưu thơ ca phương Tây với những quan niệm về tâm linh trong văn hóa phương Đông từ cổ đại đến hiện đại, nhằm tạo nên những diện mạo thơ độc đáo, đa dạng và khác biệt ngay với những bạn viết cùng thế hệ.

 

Đề tài của các tác giả này bao gồm những vấn đề từ vi mô đến vĩ mô của đời sống hiện đại, những góc khuất trong tư tưởng, tình cảm con người, ý thức và vô thức... Chúng thể hiện những cách nhìn nhận, đánh giá tỉnh táo chân xác các giá trị của lịch sử, cật vấn những thân phận người, về con đường, vị thế của dân tộc, của đất nước khi hội nhập. Tác phẩm của mỗi nhà thơ cách tân xuất hiện trước bạn đọc như một thế giới thơ độc đáo, riêng biệt, đôi khi dị biệt, và góp phần làm phong phú thêm đời sống văn học chúng ta.

 

Trong khuynh hướng đó, ta thấy thơ Dương Kiều Minh mang hơi xuân từ những cánh đồng trong tập thơ đầu tay “Củi lửa” (Nxb Tác phẩm mới, 1989). Ta cũng thấy không gian tượng trưng kết hợp với những lát cắt, những biến hóa hai chiều của hội họa Lập thể (Cubism) hay Dã thú (Fauvism) trong ba tập thơ của Nguyễn Lương Ngọc: “Từ nước” (Nxb Hội Nhà văn VN, 1991), “Ngày sinh lại” (Nxb Thanh niên, 1991), “Lời trong lời” (Nxb Văn học, 1994). Các nhà thơ đó đã chủ ý tạo những đường biên mờ nhòe, đảo lộn mọi quy ước, hoặc mở những khoảng không bất ngờ, gây sửng sốt như trong thơ Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Bình Phương... Thêm vào đó, họ cũng biến đổi hệ thống ngôn ngữ thơ một cách vi diệu để tạo sinh nghĩa mới, làm gia tăng khả năng biểu đạt của tiếng Việt như trong thơ Trần Tiến Dũng, Inrasara…

 

Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh đến sự ra đời tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” (Nxb Lao động, 1992) của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Tập thơ này, trước hết khơi dậy nỗi khao khát về những cuộc lên đường, khát vọng giải phóng khỏi những định chế cũ, quan niệm cũ. Thơ Nguyễn Quang Thiều định hình một phong cách riêng, kích hoạt sự cách tân của nhiều nhà thơ cùng và không cùng thế hệ với ông. Ông xứng đáng được tôn vinh là một trong những thi sĩ tiên phong của dòng chảy thơ cách tân sau 1986.

 

Để xác định nhà thơ có nằm trong hệ hình thơ cách tân hay không, trước hết cần nhìn vào kết cấu không gian trong mạch thơ, bài thơ cụ thể. Tôi xin được trở lại với hệ hình Thơ Mới với cái “Tôi” chủ đạo, quán xuyến tinh thần sáng tạo; tiếp đến là những “đại tự sự” trong thơ thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, mà thực chất, vẫn là hệ hình thơ Hiện thực và Lãng mạn được nâng tầm, trên tinh thần lấy hiện thực làm điểm tựa để dồn thổi cảm xúc vào đó, đồng thời để mô phỏng, tái tạo một hiện thực thơ giống như nó vốn có, nhưng mang tinh thần chủ quan và cảm xúc của người viết. Phương pháp này phù hợp với công việc tuyên truyền hơn là việc “mở khoá” để người đọc bước vào không gian nghệ thuật sáng tạo của nhà thơ.

 

Chủ nghĩa Lãng mạn bắt đầu xuất hiện tại châu Âu vào những năm 1790 và khởi từ thi ca, với những nhà thơ tiêu biểu như A. Schlegel[1], F. Schlegel[2], F. Hölderlin[3], J.W. Goethe[4] (Đức); W. Wordsworth[5], S. T. Coleridge[6], W. Blake[7] (Anh); V. Hugo[8], Lamartine[9], A. de Musset[10], A. de Vigny[11], Gérard de Nerval[12] (Pháp); A. Pushkin[13]M. Lermontov[14] (Nga)[15]… Như vậy, thi ca của chúng ta đang trở lại cái khởi nguồn Lãng mạn của phong trào Thơ Mới từng diễn ra ở phương Tây từ hai thế kỷ trước. Nhìn lại khoảng cách giữa thơ Lãng mạn và Hiện thực, thậm chí cả thơ được sáng tác theo phương pháp Hiện thực Xã hội chủ nghĩa sau này, giữa chúng đều là những ranh giới mờ nhòe và linh động. Thực tế cho thấy, “bóng râm” của Hiện thực và Lãng mạn ấy hiện vẫn tiếp tục ảnh hưởng, che phủ nền thơ đương đại chúng ta. Có khá nhiều tác giả xuất hiện sau 1986, cả thế hệ sinh ra vào thập kỷ 80, 90 của thế kỷ XX vẫn chưa thoát khỏi hệ hình thi pháp này. Khá nhiều tác giả có nỗ lực đổi mới, nhưng do chưa nắm được bản chất chuyển động của các trào lưu, khuynh hướng nên tỏ ra lúng túng, không tìm thấy đường ra. Có tác giả đổi mới thơ bằng cách làm “khô” cảm xúc khi viết, đó là một sai lầm tai hại. Có tác giả lại cố tình bẻ vụn, hoặc kéo dãn hình thức câu thơ cho lạ mắt mà không chú ý đến thiết lập không gian. Quan niệm ấy đã dẫn họ đến bế tắc, thất bại.

 

Thi ảnh trong hệ hình thi pháp Hiện thực và Lãng mạn thường ở dạng “hình học phẳng”, trong khi đó thi ảnh trong hệ hình thi pháp cách tân thường ở dạng "hình học không gian", chúng tạo thành không gian thơ đa chiều như những “khối lập phương”. Những thi ảnh trong “khối lập phương” ấy có thể được xuất hiện ở bất kỳ chiều nào trong không gian nhiều chiều của một bài thơ. Và dĩ nhiên, chúng không nằm trên một mặt phẳng như những hình ảnh quen thuộc mà ta thường dễ nhận biết, dễ tiếp cận như trong hệ hình thi pháp truyền thống. Các nhà thơ cách tân đã mang đến cho ta một từ trường mới, ánh sáng mới, chứ không chỉ là những hình ảnh “đèm đẹp” cụ thể, dễ nhận biết. Mọi hình ảnh được nhắc đến trong câu thơ, bài thơ theo khuynh hướng cách tân đều nằm trong áp lực, trong cách tạo áp lực của người viết. Người đọc tiếp cận văn bản thơ với tâm thế và cảm nhận giống như người nghe một bản nhạc không lời, thay vì nghe một ca khúc thông thường có giai điệu gắn với ca từ có nội dung đơn giản, dễ hiểu.

 

Trong trường hợp thơ cách tân, nhà thơ và người đọc đều bình đẳng và đồng sáng tạo. Người đọc được nhà thơ dẫn dụ, khơi mở vào không gian thơ. Họ có cảm giác tự do trong không gian đa tầng mở ra nhiều hướng. Xin dẫn hai câu thơ trong bài “Gọi hạc” của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc: 

 

những con đã sinh ra thì đã chết

những con chưa chết thì chưa sinh ra”. 

Người đọc sẽ tiếp nhận câu thơ trên bằng kiến thức, kinh nghiệm, ẩn ức và những khao khát của chính họ. Thậm chí những hình ảnh lạ kỳ, bí ẩn có thể bất ngờ xuất hiện trong tâm trí người đọc, điều mà chính tác giả của bài thơ cũng không định đoán được.

 

Cách tân ngôn ngữ, hình ảnh, nhịp điệu trong thơ bắt nguồn từ tính đa chiều, đa tuyến tính trong kiến tạo không gian. Đó cũng chính là ngôn ngữ của cái “Tôi” thời hiện đại khác biệt với cái “Tôi” trong Thơ Mới. Khác hẳn với những cái “Tôi” trong “đại tự sự” trước đó, các nhà thơ cách tân sau 1986 thường dùng hình thức trữ tình phổ biến là tự sự-độc thoại trong tác phẩm của mình. Như trong bài “Không ai gọi tôi trở dậy vào buổi cuối thu”, nhà thơ Dương Kiều Minh viết: 

 

Không ai gọi tôi trở dậy vào buổi cuối thu

tôi nằm viên mãn – chiếc lá vàng dưới hàng song thụ

Nếu mẹ tôi mà biết

Liệu mẹ tôi trách cứ các người”.

 

Trong đoạn thơ trên, một cái “Tôi” hóa nhập và hòa nhập vào thiên nhiên làm hình ảnh người mẹ của nhà thơ thấp thoáng đâu đó bỗng hiện hữu thành mẹ thiên nhiên, mẹ của vũ trụ để bảo vệ và che chở con người bằng tình yêu bao dung, rộng lớn của Người.

 

Bên cạnh đó, trong thơ cách tân sau 1986, những hình ảnh luôn biến ảo dị thường, vượt xa những liên tưởng thông thường, trở thành những hình ảnh phúng dụ, ám dụ người đọc, gợi mở cho họ liên tưởng tới những điều lớn lao, hệ trọng trong đời sống xã hội, thế nhân. Hình ảnh con bống trong bài thơ “Dưới trăng và một bậc cửa” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là một dẫn chứng về sự hóa thân, chuyển đổi chủ thể trong mục đích sáng tạo: 

 

Con bống cái chửa hoang ngơ ngác và thường chết ngất...

Hai cánh tay tôi – hai vây cá rách tướp

Dìu nỗi sợ chửa hoang đi tìm ổ đất buồn...”

 

Đến đây, tôi muốn dẫn chứng cụ thể hơn về cách tân ngôn ngữ, hình ảnh, nhịp điệu thơ, đặc biệt cách xây dựng đa tầng không gian trong bài thơ “Thời gian của một ngày” của Nguyễn Đức Tùng, một nhà thơ hiện định cư và sáng tác tại Canada. Nguyên văn bài thơ như sau:

 

Thời gian của một ngày

 

Bạn nghĩ một đời bắt đầu từ lúc sinh ra

Đến khi chết. Một ngày bắt đầu từ sáng

Đến khi bạn lên giường, tắt đèn, nằm dưới cơn mưa

Bạn nhớ lại: buổi học đầu tiên, kỳ thi cuối cùng

Nụ hôn ở giữa, cuộc chiến tranh

Những cãi vã, nạn cháy rừng, đứa bé chết trôi mùa lũ

Cuộc khủng bố. Nhưng một ngày không kéo dài cách ấy

Nếu bạn muốn sống nhiều cuộc đời trong một

Không phải chấn thương, khúc quanh, mà chính buổi sáng

Bình yên, ly cà phê quán cóc, thư viết tay, trò chuyện mỗi ngày bên bàn ăn, ngọn đèn bếp ấm, đơn điệu của tình yêu, nhiệm vụ lặp lại

Của tình bạn, tiếng tích tắc đồng hồ, lặp lại, mơ hồ nhớ, hay khắc sâu trong ký ức

Sẽ kéo dài ra cuộc đời bất tận

Như khi người khách lạ, vừa đi vội vã vừa kéo lê va li trên đường

Hoàng hôn xuống, trong rừng, bạn lái xe, trời sắp mưa, bạn phân vân nửa muốn dừng

Nửa muốn không. Và bạn đã dừng lại, và một ngày như thế sẽ dài ra

 

Bài thơ mở đầu và kết thúc trong tiết tấu chầm chậm, đều đều của ngôn ngữ kể. Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng đã lược bỏ gần như tối đa vẻ hoa mỹ của ngôn ngữ thơ ca truyền thống, như không tu từ, như không chú ý tới nhịp điệu câu thơ. Ông cố ý để những hình ảnh xuất hiện ngẫu nhiên, hỗn tạp như chính đời sống đang diễn ra. Tác giả bài thơ cũng đóng vai người quan sát trong câu chuyện kể này: Đến khi bạn lên giường, tắt đèn… Bạn nhớ lại… Và, những vấn đề tưởng chừng hệ trọng, như chiến tranh, nạn cháy rừng, lũ lụt… được tác giả kể lại với giọng điệu nhẹ tênh, tưng tửng, rồi thoáng qua như những hình ảnh chuyển động nhanh trong một đoạn phim ngắn. Rồi nhà thơ bất ngờ chuyển cảnh: … Cuộc khủng bố. Nhưng một ngày không kéo dài cách ấy. Ngay trong một câu thơ, có dấu chấm ở giữa câu, nhà thơ bất ngờ chuyển sang “kênh” khác với những hình ảnh cố ý tạo đốm sáng để thắp lên những khung cảnh khác cách ta rất xa về địa lý, trong nền không gian sâu hút, mờ sương: ly cà phê quán cóc, ngọn đèn bếp ấm... Đọc đến đây, tôi bỗng liên tưởng việc tiếp cận văn bản thơ, tựa như được tác giả đặt vào tay một chiếc ống nhòm. Cầm chiếc ống nhòm ấy lên và hướng vào khu rừng, ta thấy một con chim đang đậu lên đỉnh cây cổ thụ, rồi khẽ nhích ống nhòm lại thấy con đường mòn, rồi khẽ nhích, khẽ nhích… Bỗng chốc ta đã đủ hình dung quang cảnh cả khu rừng rộng lớn từ mọi góc nhìn. 

 

Sẽ kéo dài ra cuộc đời bất tận

Như khi người khách lạ, vừa đi vội vã vừa kéo lê va li 

trên đường”. 

 

Hai câu thơ đặt ở vị trí gần kết thúc bài thơ như vô tình đẩy người đọc vào dòng chảy bất tận của đời sống đương thời với ngổn ngang những âu lo, hạnh phúc, khổ đau, ý nghĩa và vô nghĩa… Ngay trong một bài thơ không dài, Nguyễn Đức Tùng đã liên tiếp mở ra nhiều không gian thơ tiếp nối và đan xen. Những không gian liên tục chuyển động, liên tục diễn tiến và khép mở. Trong một thoáng phân vân nào đó, nếu ta ý thức được ý nghĩa của nó, thì đó chính là niềm hạnh phúc bất tận trên thế gian tuyệt đẹp và cũng đầy bất trắc này. Đây là một trong những bài thơ cách tân có lối lập tứ độc đáo, cùng với ngôn ngữ và nhịp điệu khá giống những đoạn phim phóng sự pha trộn nhiều hình ảnh trong những tiết tấu nhanh.

 

Thơ cách tân sau 1986 mang dấu ấn của nhiều khuynh hướng, trào lưu của thơ ca thế giới, trong đó phần lớn ảnh hưởng chủ nghĩa Tượng trưng và Siêu thực. Khác với thơ Lãng mạn dựa trên cảm xúc, thơ Tân Cổ điển dựa trên lý trí, thơ Tượng trưng và Siêu thực dựa trên tư duy tâm lý. Có người còn cho rằng chủ nghĩa Siêu thực ngày nay rất gần với tư tưởng của Thiền. Nếu so sánh giữa thế hệ thơ trước đây (Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên trong giai đoạn đầu…) với thế hệ các nhà thơ cách tân sau 1986, chúng ta thấy ảnh hưởng của chủ nghĩa Tượng trưng và Siêu thực đối với hai thế hệ này có sự khác biệt căn bản. Trong tác phẩm của các nhà thơ thế hệ trước, bóng dáng của Tượng trưng và Siêu thực nằm trong hệ hình ngôn ngữ, tổ chức câu, cách tu từ…, nhưng trên căn bản thơ họ vẫn được cấu tứ trên nền tảng của cấu trúc thơ Hiện thực và Lãng mạn. Nhưng, thơ cách tân sau 1986 đã thay đổi tận gốc rễ kiến tạo không gian, thay đổi nền tảng của cấu trúc bài thơ, tạo nên sự hỗn mang, đa chiều trong cách làm hiển lộ thi ảnh và phương hướng chuyển động của chúng. Ở khuynh hướng này, dấu ấn của Tượng trưng và Siêu thực nằm ở những mặt cắt của những mảnh không gian đan xen, tiếp nối, chồng lấn mờ nhoè… Cách thiết lập hình ảnh, kiến tạo không gian của Tượng trưng và Siêu thực đã giúp các nhà thơ cách tân sau 1986 và bạn đọc tự mở ra nhiều cánh cửa khi sáng tạo và tiếp nhận, vượt qua được những đường biên của liên tưởng và cảm xúc quen thuộc, thông thường. Xin dẫn một số câu thơ tiêu biểu của một số tác giả có ảnh hưởng hai khuynh hướng vừa nêu:

 

“Nỗi đau đớn tiếp tục cháy

trước khi nàng đặt vào mắt tôi hòn đá khác

tất cả những gì thuộc về tôi đã không như trước nữa” (Ở cùng một nơi với những người vấp ngã – Trần Tiến Dũng).

 

“Vít tay ga phóng vượt qua nước mắt

Sang bên kia bầu trời

Chạm vào thời tiết và tan biến

Các chấm đỏ lại nôn nao ẩn hiện

Trong đường cua quái đản

Lấp lánh theo dọc dải Ngân hà

Em lộng lẫy sau xe như tích tắc cuối cùng của mùa hạ” (Xe máy Nguyễn Bình Phương).

 

Cùng với khuynh hướng Tượng trưng và Siêu thực vừa nêu, dấu ấn của trào lưu Hậu hiện đại cũng để lại khá đậm nét trong tác phẩm của một số nhà thơ cách tân, như thơ Trần Tiến Dũng, Inrasara… Cần nói thêm rằng, tinh thần Hậu hiện đại ra đời ở phương Tây đã gần nửa thế kỷ. Đây là một trào lưu văn hóa hơn là một khuynh hướng văn học. Song, một số tác giả đã vận dụng cách viết của Hậu hiện đại (giễu nhại, lắp ghép, liên văn bản, trần thuật đoản mạch, ý thức hỗn dung, xóa nhòa trung tâm và ngoại biên…), và, họ đã có những thành công đáng kể. Đoạn thơ dưới đây của nhà thơ Inrasara sáng tác theo phong cách Hậu hiện đại, như một dẫn chứng về cách tự diễu, phản tỉnh mạnh mẽ:

 

“Tôi đang            làm gì   là gì

nhà thơ             nhà nghiên cứu nhà kinh

doanh hay miếng giẻ rách. Kiếp trước

chắc chắn tôi là chim     kiếp sau

làm loài ếch                  có lẽ                  kêu ồm

ộp ngoài                                    mưa

 

Trí thức không hẳn trí thức

truyền thống không thật truyền thống

thi ca vắng mặt thi ca

 

Tôi kêu ồm ộp trong mưa thật” (Chuyện tôi – Inrasara)

 

Nhà thơ Trần Tiến Dũng dùng những thủ pháp khác lạ, với tiết tấu nhanh, ngắt quãng trong không gian hiện đại với nhiều mặt cắt. Hình ảnh một tay chơi ruộng ngất ngưởng, phóng túng, xuất hiện thật đáng yêu trong khổ thơ sau:

 

“Tay chơi ruộng

trên đường miệng ngậm rơm

tháng hai đuổi hơi thở hắn

khỏi hương cá, hương cơm

thương không thương cũng thôi em ơi!

chớ suốt đêm với gai mắc cỡ

chết được rồi

sống lại mà chi!” (Tay chơi ruộng – Trần Tiến Dũng)

 

Các nhà thơ cách tân áp dụng thành công nhiều khuynh hướng thơ thế giới vào sáng tác, một mặt, đã làm phong phú thêm thơ Việt đương đại, và theo một góc nhìn khác, đó chính là cách để họ tìm đường đến với một phong cách thơ Việt hiện đại trong tương lai gần. Phong cách sáng tác này khá gần với Chủ nghĩa Cổ điển Tự nhiên do Frederich Turner[16] khởi xướng với những tuyên ngôn chính: tái hợp nghệ sĩ với công chúng, tái hợp cái đẹp với đạo đức, tái hợp nghệ thuật cấp cao với nghệ thuật cấp thấp, tái hợp nghệ thuật với tay nghề, tái hợp nhiệt tình và trí tuệ, tái hợp nghệ thuật với khoa học, tái hợp quá khứ với tương lai[17].

 

Một số bài thơ của Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Giáng Vân… đã chịu ảnh hưởng hoặc vô tình rất gần với khuynh hướng này. Đây cũng chính là dòng văn học quy tâm, đưa nhân loại trở về với thuở ban sơ của mình:

 

“Trong biệt tăm

Tôi thả mình rơi thong thả

Không gì bực dọc

Chỉ rặt những thứ vu vơ

Tôi

Hóa ra những vụn vỡ nhỏ

Li ti

Hạt giống của loài hoa cỏ

Có thể nẩy mầm rất nhanh

Một sáng thôi

Làm tràn ngập sự thanh khiết” (Biến hóa – Giáng Vân)

 

“nước câu mặt trời

mặt trời câu gió

phố câu người đời

ô

quê mùa câu phố

ngày mai câu một ngày mai khác

bằng gương mặt lơ vơ” (Buổi chiều câu hờ hững – Nguyễn Bình Phương)

 

“Những vòm cây đã trộn vào nhau

Rễ trộn vào thân và lá trộn vào quả…

Tỉnh giấc trong khuya bởi màu trắng cơn mê

Cố hương xoã tóc đen đi trong gió trắng

Cố hương vật lên như sóng

Cố hương vùi mình như muối triệu năm” (Chuyến dịch màu đen – Nguyễn Quang Thiều)

  

Những gương mặt thơ cách tân sau 1986 cho thấy mỗi tác giả thường ảnh hưởng từ một đến hai, thậm chí hầu hết các khuynh hướng thơ chủ lưu trên thế giới. Điều này phụ thuộc vào cách tiếp cận, hệ hình thẩm mỹ và nguồn tư liệu của mỗi người. Có một số tác giả dù không tiếp cận trực tiếp với văn bản thơ của các trào lưu, khuynh hướng thơ bên ngoài, nhưng sự đổi mới, cách tân của họ tự phát như một bản năng. Bởi ngay trong những làn điệu dân ca, những câu ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ… của mỗi dân tộc từ xa xưa đã xuất hiện bóng dáng một số thủ pháp nghệ thuật như Tượng trưng, Siêu thực, Biểu hiện, Hậu hiện đại... Hy vọng tương lai thơ Việt sẽ có một khuynh hướng, một trào lưu chính thức khi đã được đúc kết, tập hợp và xác lập những nguyên tắc căn bản.

 

Xây dựng và định hình một khuynh hướng thơ Việt hiện đại chính là đích đến của một số nhà thơ cách tân sau 1986, cũng là mong đợi của nhiều độc giả hiện nay. Thơ chúng ta không thể mãi chịu ảnh hưởng các khuynh hướng, trào lưu thơ ca bên ngoài. Như tôi đã nói trong một vài tiểu luận trước đây, nếu đi ngược lại thời gian từ tác phẩm của nhà thơ Tản Đà, nền văn chương khoa cử của Việt Nam về trước chủ yếu chịu ảnh hưởng thơ Trung Hoa từ thời Đường đến thời Tống. Tương tự như vậy, gần đây chúng ta mới chú tâm nghiên cứu thơ Nhật Bản, Ấn Độ và các nước trong khu vực. Sau thời điểm tính mốc từ thơ Tản Đà, cuộc cách mạng Thơ Mới đã đưa nền thơ chúng ta gần với thơ Hiện thực và Lãng mạn của phương Tây, chủ yếu là thơ Pháp. Sau thời điểm Đổi mới, một số tác giả cách tân áp dụng một số thủ pháp của các khuynh hướng hiện đại châu Âu (Tượng trưng, Siêu thực, Biểu hiện…) và các trào lưu thơ khác sau đó, như Hậu hiện đại, thơ Ngôn ngữ, Tân hình thức, Cổ điển tự nhiên… Hiện trạng tác phẩm đã công bố cho thấy, có một số tác giả bị chôn chân trong các “bãi lầy” trào lưu, khuynh hướng thơ mà thế giới đã đi qua. Ngay một số cây bút lý luận phê bình cũng lúng túng trong cách phân định, đánh giá những tác phẩm mang tính “thể nghiệm” này. Tôi nhớ khoảng mươi năm trước, mỗi khi xuất hiện tác phẩm có cách viết lạ đều được một số nhà phê bình liệt vào dạng Siêu thực. Và gần đây, những hiện tượng tương tự lại được ghép chung vào dạng Hậu hiện đại…

 

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, tôi đã nêu quan niệm của mình: Chúng ta nên hiểu thấu đáo tất cả các trào lưu, khuynh hướng thơ ca thế giới, bởi dù ít nhiều đó là một phần tinh hoa, văn minh nhân loại. Nếu không học hỏi, chúng ta sẽ chỉ biết có mình, và nền thơ ca của chúng ta sẽ đơn điệu, nghèo nàn... Song không nên và cũng không thể bê nguyên những trào lưu, khuynh hướng đó vào thi ca của chúng ta. Bởi lúc này chúng ta đang cần một hệ hình thẩm mỹ phù hợp hơn với điều kiện đặc thù của văn chương nước ta, hay một khuynh hướng khác cho thi ca. Do vậy tôi quan niệm, các trào lưu, khuynh hướng thơ ca bên ngoài cũng như các nguồn mạch, dòng sông đang chảy qua cánh đồng thơ của chúng ta. Hãy để những nguồn mạch, những dòng sông ấy bồi đắp phù sa cho nền thi ca Việt của chúng ta thêm phong nhiêu.”..

 

á

 

Khuynh hướng thơ cách tân sau 1986 khi mới xuất hiện, và ngay trong thời điểm hiện nay vẫn gặp không ít những phản ứng tiêu cực từ phía người đọc và một vài nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Thực tế cho thấy, những phản ứng này không làm chậm lại chuyển động của dòng chảy thơ đổi mới, cách tân. Ngược lại, nó thôi thúc, kích hoạt thêm quá trình định hình, khẳng định chắc chắn một khuynh hướng sáng tạo mới.

 

Một nền văn học phong phú, đặc biệt thơ ca đương đại với nhiều khuynh hướng, nhiều phong cách sáng tạo là tín hiệu đáng mừng cho đời sống văn học chúng ta, cần tiếp tục khuyến khích, cổ xúy những giá trị sáng tạo mới. Sự xuất hiện những nhân tố mới trong sáng tạo, thực tế đã và đang làm thay đổi quan niệm của khá nhiều tác giả, thay đổi cả những thói quen vốn đã định hình của độc giả.

 

Văn học Việt Nam nói chung, nhất là thơ chúng ta ít được độc giả quốc tế quan tâm. Cũng không hoàn toàn do việc quảng bá văn học, theo tôi điều cơ bản là, thi pháp thơ Việt đã lỡ mấy nhịp so với các trào lưu thơ thế giới. Thơ chúng ta đã dừng lại quá lâu, chịu ảnh hưởng quá lâu của “bóng râm” Thơ Mới. Đã đến lúc thơ Việt cần thay đổi để mang lại sinh khí mới cho đời sống văn học nước nhà và hòa nhập quốc tế.

 

01/2016


 

____________________________

[1] August Schlegel (1767 – 1845): nhà thơ, nhà phê bình, dịch giả Đức, cùng với em trai ông,  Friedrich Schlegel, là những người có ảnh hưởng quan trong trào lưu Lãng mạn Jena (giai đoạn sơ khởi của trào lưu Lãng mạn trong văn chương Đức).

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/August_Wilhelm_Schlegel).

[2] Friedrich Schlegel (1772 – 1829): nhà thơ, nhà phê bình văn học, triết gia, nhà ngữ văn, nhà Ấn Độ học của Đức, cùng với anh trai ông, August Schlegel, là một trong những nhân vật chủ chốt của trường  phái Lãng mạn Jena.

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Friedrich_Schlegel).

[3]  Friedrich Hölderlin (1770 – 1843): nhà thơ, triết gia Đức, nhân vật chủ chốt trong trào lưu Lãng mạn của Đức.

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Friedrich_H%C3%B6lderlin).

[4] Johann Wolfgang von Goethe (1749 – 1832): đại thi hào, nhà văn, nhà soạn kịch, nhà phê bình nghệ thuật, nhà khoa học, chính khách Đức; ông được coi là nhân vật vĩ đại nhất của nền văn chương Đức thời kỳ hiện đại .

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Johann_Wolfgang_von_Goethe). 

[5] William Wordsworth (1770 – 1850): nhà thơ lãng mạn Anh; ông là người đồng khởi đầu Thời kỳ Lãng mạn trong nền Văn chương Anh quốc cùng với Samuel Taylor Coleridge.

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/William_Wordsworth).

[6] Samuel Taylor Coleridge (1772 – 1834):  nhà thơ, nhà phê bình, triết gia và nhà thần học Anh, đồng khởi đầu Thời kỳ Lãng mạn trong nền Văn chương Anh quốc cùng với William Wordsworth.

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Samuel_Taylor_Coleridge).

[7] William Blake (1757 – 1827): nhà thơ, họa sĩ Anh; là nhân vật có ảnh hưởng lớn về thơ và nghệ thuật thị giác trong Thời kỳ Lãng mạn.

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/William_Blake).  

[8] Victor Hugo (1802 – 1885): nhà thơ, nhà văn, nhà viết tiểu luận, nhà soạn kịch trường phái Lãng mạn Pháp.

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Victor_Hugo).

[9] Alphonse de Lamartine (1790 – 1869): nhà thơ, nhà văn trường phái Lãng mạn, chính khách Pháp.

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Alphonse_de_Lamartine).

[10] Alfred de Musset (1810 – 1857): nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch trường phái Lãng mạn Pháp.

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Alfred_de_Musset).

[11] Alfred Victor, Bá tước de Vigny (1797 – 1863): nhà thơ, nhà văn, dịch giả và là người dẫn đầu trường phái Lãng mạn Pháp.

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Alfred_de_Vigny).

[12] Gérard de Nerval (1808 – 1855): nhà thơ, nhà văn, dịch giả và là nhân vật chủ chốt của trường phái Lãng mạn Pháp.

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/G%C3%A9rard_de_Nerval).

[13] Alexander Sergeyevich Pushkin (1799 – 1837): đại thi hào, nhà văn, nhà viết kịch Nga Thời kỳ Lãng mạn; ông được coi là người sáng lập nền văn học Nga hiện đại.

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Alexander_Pushkin).

[14] Mikhail Yuryevich Lermontov (1814 – 1841): đại thi hào, nhà văn, họa sĩ và là nhân vật vĩ đại của trường phái Lãng mạn Nga.

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Mikhail_Lermontov).

[15] Tham khảo mục Romaticism từ điển Britannica

(nguồn: https://www.britannica.com/art/Romanticism).

[16] Frederich Turner (1943 – ): nhà thơ, dịch giả, giáo sư người Mỹ gốc Anh, tác giả của tập tiểu luận “Natural Classicism” (Chủ nghĩa Cổ điển Tự nhiên) do Paragon House ấn hành lần đầu 1/11/ 1985.

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Frederick_Turner_(poet)).

[17] Tham khảo bài của GS Hoàng Ngọc Hiến: “Chủ nghĩa cổ điển mới, một trào lưu văn nghệ tiến bộ đương phát triển ở Mỹ”  (Tạp chí Sông Hương số 198 ngày 24/3/2009, link:

http://www.tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c150/n1619/Chu-nghia-co-dien-moi-mot-trao-luu-van-nghe-tien-bo-duong-phat-trien-o-My.html);

 và bài “Tiếp nhận những cách tân của chủ nghĩa hiện đại & chủ nghĩa hậu hiện đại” (Tạp chí Sông Hương số 233 ngày 16/7/2008,

link:

http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c93/n468/Tiep-nhan-nhung-cach-tan-cua-chu-nghia-hien-dai-chu-nghia-hau-hien-dai.html).

 

 

Rút từ các cuốn sách:

- “Không gian khác”, NXB Hội Nhà văn, 2016

- "Thế hệ nhà văn sau 1975", NXB Hội Nhà Văn, 2016

 

 

 

 

 

Tác phẩm sắp đặt của HS. Graziano Locatelli (Rome – Italia)

 





 

 

BÀI KHÁC

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị