“Thuốc đắng” hồi sinh sức con, hồi sinh hồn thơ Mai Văn Phấn (phê bình) - Trần Việt Hà

“Thuốc đắng” hồi sinh sức con, hồi sinh hồn thơ Mai Văn Phấn

 

 

 

 

 

TS. Trần Việt Hà

 

 

 

 

Trần Việt Hà

 

 

Tôi rất cân nhắc khi viết lời bình bài thơ này, không phải bởi vì sức viết mãnh liệt của nhà thơ Mai Văn Phấn; hay vì hơn xa các nhà thơ đương đại ở chỗ thơ Mai Văn Phấn đã được dịch ra 24 thứ tiếng, hiện diện ở nhiều quốc gia với các giải thưởng tầm cỡ ngoài biên giới Việt, cũng không bởi đã có nhiều lời phi lộ từ chính tác giả và các nhà nghiên cứu khác sau những cơn sóng dư luận trái chiều trước và sau giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm cho bài thơ trên văn đàn Hải Phòng năm 1991; mà đơn giản bởi vì với tôi, “Thuốc đắng” rất hay. Cái hay từ sự đồng cảm với tình yêu thương con đến thắt ruột khi con nhỏ bị ốm nặng của một “bố vợ phải đấm” tương lai, tôi cũng đã từng qua cảm giác như thế.

 

“Cơn sốt thiêu con trên giàn lửa

Cha cũng có thể thành tro nữa

Thuốc đắng không chờ được rồi

Giữ tay con

                   Cha đổ

Ngậm ngùi thả lòng chén vơi...” 

  

“Thuốc đắng” được Mai Văn Phấn viết vào hè năm 1990, khi đang chăm con gái Ngọc Trâm mới ba tuổi bị ốm nặng. Cảnh, thực đầy éo le; tình, thực đầy u uất khiến bài thơ như thước phim quay chậm với nhiều sốt ruột, phấp phỏng, ưu lự. “Cơn sốt thiêu con trên giàn lửa”, câu thơ mang tính lâm sàng rất cao với cách so sánh cực ấn tượng. Những ông bố vì khách quan phải xa con khi con ốm hay vì vô tâm, vì lười đùn đẩy trách nhiệm chăm trẻ cho vợ, cho mẹ và giờ là cho người giúp việc không hiếm. Nhưng với Mai Văn Phấn, câu thơ đã nói hết cái xót buốt lòng cha đang thót ruột ôm con bệnh nặng. Cơn sốt khiến cả người con gái nhỏ nóng bỏng, càng nóng hơn giữa mùa hè oi gắt nồng nực, càng nóng hơn nữa trong cái thời điểm năm 1990 còn đầy khó khăn thiếu thốn về dịch vụ y tế nên ôm con sốt nóng gây cảm giác thật không dễ chịu chút nào. Cộng hưởng trong cái nóng ấy là sự lo lắng chồng chất, đứng ngồi không yên của người cha, đang làm thay cả phần việc của mẹ để chăm con, khiến thi sĩ cảm thấy “Cha cũng có thể thành tro nữa”. Ví cơn sốt như giàn hỏa thiêu đang bủa vây hai sinh linh như ông đã viết thật hiếm có. Cái cảm giác bất lực của con người trước bệnh tật của bản thân mình đã khó chịu và đáng sợ. Nhưng nỗi bất lực khi nhìn thấy người thân bị ốm, sốt thiêm thiếp rồi co giật vật vã đuối dần thực không bút nào tả xiết. Cái tình của người cha thương con như bùng cháy lên theo cơn sốt. Đằng sau câu thơ, tôi hình dung thấy ánh mắt của ông bố Mai nhìn xoáy vào con như muốn truyền tất cả sức lực của mình cho đứa con bé bỏng để cùng chống chịu, chia sẻ, bảo vệ.

 

“Thuốc đắng không chờ được rồi

Giữ tay con

                   Cha đổ”

  

Ngày nay, khối bà mẹ chăm con ốm, thuốc chữa bệnh cho trẻ được bổ sung tá dược, vị ngọt thơm, kích thích vị giác, khứu giác mà thí con uống còn khốn khổ, phải la hét dậm dọa đủ đường, kèm theo đử thứ đồ chơi hứa hẹn. Có thấu chăng ở cái thời có thuốc mà uống đã may lắm rồi, dẫu thuốc “đắng như mật công” vậy. Cứ hình dung cái cảnh con bé tí sốt, lắc đầu nguây nguẩy, khóc giãy đành đạch vì kinh thuốc đắng, uống vào chưa khỏi họng đã lè ra, bố Phấn nhà ta xót con, mà không nỡ la hét, nhưng ruột gan cứ như xát muối ớt. Thương quá! Đành “Giữ tay con / Cha đổ”. Một sự cưỡng ép mà phải đành lòng vậy, ngoài cứng rắn mà trong nghẹn ngào. Câu thơ ngắt đôi, xuống dòng như sự dùng dằng và lóng ngóng rất đàn ông, nín thở tội nghiệp, khó khăn lắm mới cho con uống thuốc được. Từ “đổ” giản dị nhưng dùng rất đắc địa. Cái cảm giác xót xa, ái ngại khi con uống thuốc xong mà người cha “Ngậm ngùi thả lòng chén vơi...” rất thực, cái thực của người trong cuộc, và chứng kiến, và chịu đựng, và hy sinh. Nó giống như tiếng thở dài, áp lực trong lồng ngực phải nén chịu bấy lâu, giờ được thoát ra từ từ khi thấy con chìm vào giấc ngủ, thật nhẹ lòng khi nhìn thấy con có thêm cơ hội phục hồi. Một sự tỷ lệ nghịch dễ chịu. Chén thuốc vơi nhiều bao nhiêu, niềm hy vọng về con lớn lên bấy nhiêu.

 

“Con ơi! Tí tách sương rơi

Nhọc nhằn vắt qua đêm lạnh

Và những cánh hoa mỏng mảnh

Đưa hương phải nhờ rễ cay.”

  

Ai đã từng thao thức canh chừng giấc ngủ cho con nhỏ khi ốm mới thấy đêm thật dài, thật nặng nề. Khẽ khàng nâng giấc, thỉnh thoảng giật mình khi thấy con dãy dụa, vật vã trở mình. Một cái húng hắng ho của con, thi thoảng cặp lại nhiệt kế, rồi chong mắt nhìn từng vạch biến chuyển nhiệt độ… Mai Văn Phấn chỉ còn biết lắng đếm tiếng sương rơi, thì thầm tâm sự với con, với lòng mình cho hết canh khuya “Nhọc nhằn vắt qua đêm lạnh”. Và cũng trong lúc thao thức trông con, nhà thơ thấu ngộ ra lẽ đời thật khắc nghiệt đầy nghịch lý nhưng lại đúng đắn “những cánh hoa mỏng mảnh/ Đưa hương phải nhờ rễ cay”. Đằng sau cái đẹp, sắc hương điểm tô cho thế gian là biết bao cay đắng khó nhọc suốt một đời rễ, đời cây. Đằng sau mỗi lớp người khôn lớn trưởng thành là bao nhục nhằn vật vã, hy sinh đánh đổi không tính xuể của mẹ của cha. Hình ảnh “rễ cay” rất gợi, rất trúng, thể hiện đúng tính chất “bảy phần chìm” của nguyên lí tảng băng trôi (1). Nó bừng thức lên trong khoảnh khắc đốn ngộ như nhà thơ sau này tâm sự: “Thú thật cho đến giờ tôi cũng không thể giải thích tường tận, cặn kẽ được. Có lẽ, khoảnh khắc ấy có sự vô thức nào đó mách bảo tôi chăng! Nay, dù đã viết hàng ngàn bài thơ, tôi vẫn ngỡ ngàng không hiểu sao lúc ấy mình dùng được từ “cay” trong câu thơ trên (gần đây có biên tập viên còn chữa chữ “cay” thành “cây” khi đăng báo vì tưởng tôi viết sai!)” (2).

  

Cái cảm giác mệt mỏi thao thức trông con cô đặc trong bao cơ cực vất vả của những ngày tháng rời quê Kim Sơn - Ninh Bình ra mưu sinh trên đất cảng “Mồ hôi keo thành chai tay” đã bị xóa nhòa đi trước cảm giác con đang phục hồi từng phút từng giờ “Mùa xuân tràn vào chén đắng”. Khắc khoải, hồi hộp, chờ đợi và chút vui mừng hằn lên trong những giọt nước mắt đàn ông “lặng lặng” hiếm hoi:

 

“Tuổi cha nước mắt lặng lặng

Sự thật khóc òa vu vơ”

  

Có người từng cho rằng câu thơ “Sự thật khóc òa vu vơ” hơi gượng. Tôi đồng ý, nhưng đó không phải là sự gượng gạo trong cách biểu hiện tình yêu thương con. Chuyện trông con ốm nặng, giờ hồi phục được, cha mẹ có khóc cũng là lẽ thường tình. Cứ trải qua thật sự rồi sẽ biết thôi. Tình thương con là thứ a xít vô hình đặc biệt có thể ăn mòn cả gỗ đá hay thời gian, nói gì con tim khối óc nhân sinh. Cái “sự thật khóc òa” phải chăng còn là một khoảnh khắc bừng tỉnh hiếm có trong cảm xúc thơ ca của nhà thơ mà bấy lâu nay ông chưa nắm bắt được, chưa làm chủ được. Giờ đây, trong khoảnh khắc vô cùng éo le giữa những bi hoan, thực ảo của cuộc sống mà nhà thơ ngộ ra được, dù “sự thật” chỉ mới “vu vơ” gượng nhẹ thôi nhưng đã chính thức “khóc òa” không thể nào dập tắt được nữa. Điều này đã được Mai Văn Phấn xác nhận sau này “Bài thơ “Thuốc đắng” đến với tôi, tựa như một viên sỏi rơi vào lòng hồ lâu nay vốn đang yên lặng, tạo nên những vòng tròn đồng tâm, từng làn sóng nhỏ lan trên mặt nước. Nó khiến cho những sinh vật trong hồ cũng biết mình không còn như cũ, không thể tồn tại như cũ nữa. Khi ấy, tôi nhận thấy, bài thơ này chính thức mở ra trong nhãn quan của tôi một thế giới mới lạ. Nói đúng hơn với tôi, cảm giác vừa quen vừa lạ, là vậy nhưng lại không phải như vậy… Sau này đủ kinh nghiệm sáng tác tôi mới biết, đó chính là thế giới kỳ lạ và bí ẩn của thơ.”. Trận ốm của con chính là cú huých thực sự với hồn thơ của ông, lột đi đạo bùa “Án ma ni bát minh hồng” đã đè chặt tâm hồn thi sĩ suốt bao năm trời.

  

Người cha ngắm nhìn con ngủ mà miệng chóp nhép nhai thật trìu mến “Con đang ăn gì trong mơ” rồi khẽ khàng “Cha để chén lên cửa sổ”, thật nhẹ nhàng nâng niu. Chiếc chén đó không chỉ mang “thuốc đắng” chữa bệnh cho con mà cả cho lòng cha nữa. Không chỉ chứa đựng “mùa xuân tràn vào” mang hi vọng về con mà còn cả sự hồi xuân, đánh thức tiềm lực trong tâm hồn cha đang bối rối nữa.

 

“Khi lớn bằng cha bây giờ

Đáy chén chắc còn bão tố.”

  

Câu thơ cuối khép lại bằng một hình ảnh đa nghĩa, mà cũng vì nó nên lúc bài thơ mới ngơ ngác chào đời (trên tạp chí Cửa biển của Hội liên hiệp văn học, nghệ thuật Hải Phòng tháng 7 năm 1990) đã khiến cả giới văn nghệ và chính trị nơi đây dậy sóng. Nhiều cái đầu bảo thủ và thiển cận, quá “hồng”“chuyên” đã quy chụp khiêm cưỡng, đã suy diễn rằng Mai Văn Phấn ngầm ý ám chỉ gì điều đó. Xét trên nghĩa thực, với một đứa trẻ ba tuổi ốm sốt li bì, vượt qua được chén thuốc đắng, vượt qua được trận ốm cũng là vượt qua bão tố đầu đời. Và cho đến khi “lớn bằng cha bây giờ”, những trận bão tố sẽ đến với thể xác và tinh thần vẫn chưa bao giờ ngưng lại hay biến mất, cũng như cha nó bây giờ vậy. Với tư cách người làm cha, đó là nỗi lo lắng tầm xa nhưng rất thực tế, bằng sự trải nghiệm, chiêm cảm của cả đời người đã va vấp để nhắn nhủ cho con. Để mai này con lớn lên đã có sẵn sàng tâm thái chủ động, chuẩn bị để đối mặt và sống cho lành vững. Đó chính là biểu hiện cảm xúc nhưng đầy lí trí, yêu con hết mực theo cách của một người cha chân chính. Chính nhà thơ cũng từng thừa nhận: “tôi đơn thuần được bản năng, vô thức mách bảo, không phải “lao tâm khổ tứ” nhiều để viết câu kết. Những hình ảnh và câu chữ cứ ùa đến với tôi như một cơn lũ, bất chợt dâng lên, phủ ngập tâm trạng tôi lúc bấy giờ. Và khi viết đến câu thơ đó, tôi cảm thấy đủ để đặt dấu chấm hết cho cả bài thơ.”

  

Năm 1971, Mai Văn Phấn đã viết những bài thơ đầu tiên không mấy ấn tượng. Rồi sau gần hai mươi năm lặng tiếng để “tiềm tu”, kể từ “Thuốc đắng”, ông đã “bắt được vía thơ” và trở lại với thi đàn với nguồn năng lượng cực kỳ dồi dào được đánh thức. Khí chất của hồn thơ ông đã làm nên một hiện tượng đặc biệt cho thơ ca nước nhà. Bắt đầu từ tập “Giọt nắng” (4), thi sĩ đã lần lượt đi từ truyền thống đến đổi mới cách tân, từ đó khẳng định một phong cách mới mang bản sắc Việt cho thơ ca đương đại. Những sáng tạo không mệt mỏi của ông qua thơ ca đã góp phần làm giàu có thêm Tiếng Việt và mạch chảy tinh thần, sức sống Việt Nam. Sự thành công của ông càng khiến tôi tin rằng “Sáng tạo trong văn chương chính là tạo ra vùng sinh quyển cho tâm hồn và cái đẹp”.

 

30/3/2017

T.V.H

__________
1. Đọc tác phẩm của Ơ.Hemingue

2. Đọc thêm “Thuốc đắng” khai mở thế giới thơ tôi  - Mai Văn Phấn

3. Đọc thêm “Thuốc đắng” khai mở thế giới thơ tôi  - Mai Văn Phấn

4. Nhà thơ Mai Văn Phấn

 

 

(Trích tuyển tập "THI NHÂN VIỆT NAM 1986-2016")

 

 




Thuốc đắng

(Cho Ngọc Trâm)


Cơn sốt thiêu con trên giàn lửa
Cha cũng có thể thành tro nữa
Thuốc đắng không chờ được rồi
Giữ tay con
                   Cha đổ
Ngậm ngùi thả lòng chén vơi...

Con ơi! Tí tách sương rơi
Nhọc nhằn vắt qua đêm lạnh
Và những cánh hoa mỏng mảnh
Đưa hương phải nhờ rễ cay.


Mồ hôi keo thành chai tay
Mùa xuân tràn vào chén đắng
Tuổi cha nước mắt lặng lặng
Sự thật khóc òa vu vơ.


Con đang ăn gì trong mơ
Cha để chén lên cửa sổ
Khi lớn bằng cha bây giờ
Đáy chén chắc còn bão tố.

M.V.P







 

 

 

Tranh của HS. Gürbüz Dogan Eksioglu, Thổ Nhĩ Kỳ






 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị