Sự hồi sinh thế giới và hoan hỉ hợp lưu (phê bình văn học) - Lee Sung-hyuk - Nguyễn Thủy Giang dịch từ tiếng Hàn

Sự hồi sinh thế giới và hoan hỉ hợp lưu

(Đọc tập thơ “Sinh đôi trong đại dương” của Ko Hyung-Ryul và Mai Văn Phấn, NXB Poetry & Expression, Hàn Quốc)

 

 

 

Nhà phê bình văn học Lee Sung-hyuk

 

 

Dịch giả Nguyễn Thủy Giang

 

 

 

Lee Sung-hyuk

Nguyễn Thủy Giang dịch từ tiếng Hàn

 

 

1. Sinh đôi

Hai nhà thơ hàng đầu của Hàn Quốc và Việt Nam là Ko Hyung-Ryul và Mai Văn Phấn (MVP) vừa cho ra đời tập thơ in chung, với tên gọi “Sinh đôi trong đại dương”. Tựa đề của tập thơ đã tạo sức hấp dẫn cho bạn đọc. Nó không phải tên một tác phẩm trong tập, mà được đặt riêng cho tập thơ này. MVP đã đặt tên tiêu đề này với ý nghĩa “hai con cá song sinh trong đại dương vô tận”, còn Ko Hyung-Ryul cho rằng “con người vốn được sinh từ lòng mẹ - nơi được coi là đại dương rộng lớn”; đồng thời ông cũng viết một đoạn văn rất hay rằng “Giữa đại dương bao la vô tận, hai người, như hai con cá sinh đôi cứ mải miết bên nhau mà chẳng biết sẽ bơi tận cùng đến nơi nào trên thế gian này”. Còn nếu phân tích ở phạm vi hạn hẹp của ngôn từ, có thể hiểu “sinh đôi” đơn thuần mang ý nghĩa Hàn Quốc và Việt Nam có diện mạo bề ngoài giống nhau như cặp song sinh. Sự giống nhau ở đây có thể hiểu đó là điểm chung giữa Việt Nam và Hàn Quốc, cả hai quốc gia đều là nước nhỏ của châu Á, có đường biên giới giáp với Trung Quốc, đồng thời từng là thuộc địa của đế quốc, và chính điều này đã dẫn tới sự phân tán lãnh thổ. (Việt Nam đã chấm dứt quá trình bị chia rẽ).

Thơ của hai tác giả thuộc về hai đất nước, Hàn Quốc và Việt Nam vốn có nhiều điểm tương đồng, chẳng phải có những diện mạo và sắc thái giống nhau sao? Tuy nhiên sinh đôi cùng với những điểm tương đồng vẫn có cuộc sống và tư duy khác nhau cố hữu. Hàn Quốc và Việt Nam đã đi trên những con đường khác nhau và bản thân hai nhà thơ sống ở hai đất nước nên rất khó để nói thế giới quan của họ có thể giống nhau được. Mặc dù có những khác biệt nhất định, nhưng điều quan trọng hơn cả là họ đã nhận thức và liên thông những quan niệm về nghệ thuật thơ ca. Cặp song sinh được sinh ra với mã gen giống nhau và trải nghiệm đời sống của riêng mình. Việc thừa nhận những điểm tương đồng của các nhà thơ Hàn Quốc và Việt Nam như một cách kết nối thi ca của hai nhà thơ theo chiều thế giới phẳng, đồng thời tạo nên sự gắn kết giữa hai thi sĩ.

Nhận thức được rằng mặc dù mỗi người đều đang sống cuộc sống riêng tư, họ có chung vận mệnh đối với cộng đồng, chính điều này làm cho thời gian và khoảng cách sát lại gần nhau hơn. Không gian và thời gian thường chế ngự được sự dịch chuyển khốc liệt của thời hiện đại và chuẩn bị một cuộc sống khác. Nỗi ám ảnh/ Sự thúc ép của dòng chảy hiện đại luôn băng về phía trước đã làm cho cuộc sống trở nên nhỏ bé mong manh, và điều đó chỉ mang lại sự tự hủy đời sống của chính nó. Tuy nhiên nếu nhận thức được vận mệnh chung của cộng đồng và có sự hỗ trợ nhau cả về không gian và thời gian thì cuộc sống trở nên phong phú, sung túc hơn, đồng thời có thể tạo nên những điều mới mẻ hơn cho cuộc sống. “Sinh đôi trong đại dương” là tập thơ kết nối những bài thơ của hai nhà thơ Việt Nam và Hàn Quốc, đồng thời đây còn là tập thơ được sáng tác để khiến người ta hướng đến việc tạo dựng một đời sống mới. Nửa đầu là những bài thơ của Ko Hyung-Ryul và nửa sau là những bài thơ của MVP. Thế giới thơ của mỗi tác giả đều có sự phản chiếu và gắn kết với nhau. Trong tập thơ này người ta thấy hai thế giới thơ ca đối diện nhau một cách hoàn hảo, và đã tạo dựng một không gian khác. Không gian đó ẩn chứa nhiều điểm tương đồng, kiến tạo một đời sống của thời đại khác. 

Tôi nghĩ điều không mấy ý nghĩa nếu chỉ cố gắng truy tìm và so sánh những điểm tương đồng trong thế giới thơ của hai tác giả trong một cuốn sách. Trong bài phê bình này tôi muốn tìm hiểu ý nghĩa của chất liệu và chủ đề mà hai tác giả đã sử dụng nó một cách dung dị, mộc mạc. Và điều tôi kỳ vọng chỉ đơn giản bằng cách đối diện với những chất liệu và chủ đề như thế, độc giả sẽ bắt đầu thấy được chân trời của thế giới chung.

 

2. Nước

Trong tập thơ này, cả MVP và Ko Hyung-Ryul đều lựa chọn nước là nguồn chất liệu chính trong những mạch thơ. Ko Hyung-Ryul đã viết bài thơ “Nước trên bàn” còn MVP có “Sương sớm”. Hai bài thơ này được in ngay phần đầu tác phẩm của mỗi tác giả. Tiêu đề chung cho những bài thơ của Ko Hyung-Ryul là “Nước trên bàn”, còn của MVP là “Biến tấu đêm mưa”. Như vậy có thể thấy, nước là một hình ảnh, chất liệu xuyên suốt trong các tác phẩm thơ của hai tác giả trong tập thơ “Sinh đôi trong đại dương”.

Hạt mưa vỡ từ giấc mơ mùa hạ

Ngọn cỏ ngước lên đón từng giọt ngập ngừng

Xác lá mủn, hồn chạy nhanh lên ngọn

Cao xanh về trong hốc mắt tan sương.

(Nhịp thu về - MVP)

Cố không chạm vào nhau để rồi lại tràn bờ, rồi than khóc

Cơn mưa không thể làm đẫm khung cửa kính

Chỉ trơn trượt và chảy xuống vô hạn

(Khung cửa mưa tuôn - Ko Hyung-Ryul)

Qua những khổ thơ được trích dẫn ở trên cho thấy hình ảnh “mưa – nước” được đặt ở vị trí trung tâm. Ý nghĩa tượng trưng của hình ảnh đã trình hiện sự khác biệt trong cách tiếp cận thế giới của hai tác giả. “Nhịp thu về” của MVP đánh thức mùa hạ đang đắm chìm trong cơn mơ để báo hiệu mùa thu đang đến rất gần. Đó chính là việc ông đưa những “xác lá mủn”, “hồn chạy nhanh lên ngọn” về nơi “hốc mắt tan sương”.

Khi mùa hè nóng bức dần trôi qua và những giọt mưa trong trẻo mát lành rơi xuống – đó chính là tín hiệu cho thấy sự mới mẻ được khởi sinh. Nhưng tín hiệu ấy cũng không đơn giản, dễ dàng chút nào bởi nó gắn liền với cái chết và sự mất mát. Ngược lại đối với nhà thơ Ko Hyung-Ruyl, hình ảnh nước luôn xuất hiện trong sự tồn tại giữa văn minh hiện đại. Trong những dòng thơ trích dẫn trên cho thấy giọt nước mưa đang chảy qua những ô cửa kính. Ô cửa kính ở đây chính là thế giới do con người tạo ra để “cố không chạm vào nhau”. Nước mưa không thể làm ướt được thế giới của những con người đó và chỉ còn cách là “trơn trượt và chảy xuống vô hạn”. Đi xa hơn nữa, những giọt nước mưa chảy xuống đó kết cục mang đến sự đầy tràn và cất tiếng than khóc.

Kể cả những bài thơ khác của Ko Hyung-Ryul, hình ảnh nước cũng gợi cho người đọc thấy được trong thế giới văn minh của xã hội hiện đại là cuộc sống của con người đương thời, là trạng thái của họ đang bị lâm vào hoàn cảnh đặc biệt.

Trong nước không có xương, không não và không nội tạng

Nhìn rõ tận tường, sao lại sóng sánh được thế kia

Có phải chăng là ngọn lửa trong lòng địa cầu đang truyền đến

Xa xa cứ mỗi khi có chuyến tàu ngang tới

Tôi lại thấy xao động

Kể cả khi máy bay ngang qua bầu trời

Chẳng thể làm tôi không cảm thấy xốn xang.

Sự xao động khi không có bất cứ thứ gì đi ngang qua

Đó chính là

Khi trái đất quay quanh quỹ đạo tạo nên sự rung lắc.

Và tôi cũng sẽ phải làm gì đây?

Ngay cả khi chúng ta đang bận tâm làm một điều gì đó

Nước không ngừng và vẫn rung rinh.

Dù chẳng có ai tìm đến với nước

Nước cũng chẳng cần chữa khỏi những vết thương

Hướng về bạn là nỗi bất an đang ca hát

Mặt nước chứa trong chiếc bình nhựa đặt trên chiếc bàn hai tầng, vẫn sóng sánh

Nước trên độ cao 25 xăng ti mét.

(Nước trên bàn)

“Trong nước không có xương, không não và không nội tạng” được đựng trong lọ và nước không ngừng xao động. Chẳng có ai tìm đến nước thì chữa sao khỏi những vết thương. Nước cứ cô độc giữ nguyên vết thương trong lòng và bị bỏ rơi như thế. Ý nghĩa tượng trưng của nước như thế cụ thể là gì? Mỗi độc giả đều có cái nhìn khác nhau, nhưng chẳng phải với người viết, điều đó dựa trên nền tảng cuộc sống hay sao? Chúng ta dù có những điều chất chứa bên trong nhưng cũng có những lúc chúng ta gây ra vết thương lòng cho ai đó vì sự thờ ơ vô tâm của chính mình. Điều là cơ sở để chúng ta dựa vào đó suy đoán xem nước đang có những suy tư cảm xúc gì, đó chính là bởi dòng thơ “Hướng về bạn là nỗi bất an đang ca hát”. Nước không ngừng xao động như thể soi rọi nỗi bất an bên trong lòng nó. Nếu như nước tượng trưng cho nội tại bên trong đang phải gánh chịu sự thờ ơ của chính chúng ta, thì chiếc chai nhựa đang chở che cho nỗi lòng ấy cũng có thể được coi là vỏ bọc bên ngoài mà cuộc sống của chúng ta có được.

Trái tim của chúng ta – những con người đang sống ở thời hiện đại, “Xa xa cứ mỗi khi có chuyến tàu ngang tới”, hay là “kể cả khi máy bay bay ngang qua bầu trời” thì đều làm ta cảm thấy xốn xang xao động. Tuy nhiên sự xao động ấy không phải chỉ dựa vào sản phẩm của nền văn minh hiện đại như máy bay hay tàu điện. Nó còn là “Khi trái đất quay quanh quỹ đạo tạo nên sự rung lắc.” “Nước – trái tim” đương nhiên là sẽ rung lắc khi tồn tại trên trái đất luôn có sự dịch chuyển quanh quỹ đạo. Nước trong cốc xao động vì những va đập chồng chéo do nền văn minh hiện đại gây ra cho số phận "không dừng lại và rung lắc". Hơn nữa, qua các rung động chồng chéo như vậy, nước nhận biết được "ngọn lửa trong lòng địa cầu". Khi số phận của nước – trái tim rung chuyển trong nền văn minh được kết nối với ngọn lửa bùng cháy ở vùng sâu thẳm của trái đất đồng thời  nước – trái tim dường như có khả năng bùng nổ, đánh thức tiềm năng bùng nổ. Nếu vậy sự bất an của  nước – trái tim” chẳng phải xuất phát từ dự cảm rằng, không biết bản thân mình có thổi bùng lên ngọn lửa và khiến nó sôi sục trào dâng hay không?

Ngọn lửa đó, liệu có sức mạnh phá hủy điều gì? Nếu soi vào bài thơ “Thơ về kinh nghiệm của nước”, bức tường của văn minh hiện đại tựa như ô cửa kính bị mưa xiên ngang qua hay nói rộng ra đó chính là thành phố/ đô thị này. Ở bài thơ này nhà thơ đang cho chúng ta thấy sự bất bình phẫn nộ của nước trong thành phố. Nước “Chòng chành khắp chốn” và “làm vỡ chiếc cốc nước, lại định vượt qua cả bức tường” có thể thấy nước đó vừa âm ỉ, vừa cuồng nộ, âm mưu và đầy rẫy nổi loạn, rên xiết. Nhưng sự sôi sục dâng trào của dòng nước hoang dã ấy trong thơ bị trấn áp và sẽ dẫn đến cái chết. Ở trong thành phố này, việc trải nghiệm bản tính hoang dã động vật là việc không thể. “Nước – trái tim” dâng trào sôi sục vì ngọn lửa đang rực cháy kia dù có bị con tạo xoay vần trong giông bão thì cũng không thể thoát ra khỏi sự dơ bẩn, đánh mất đi sức lực và cuối cùng rơi vào trạng thái trầm cảm, dẫn đến việc tự sát tập thể. Cuối cùng nước phải đón nhận một kết cục hết sức thê thảm là trở thành dòng nước vô cảm chỉ biết câm lặng một cách mù quáng. Đây có thể coi là chính đô thị văn minh đã giết chết/ sát hại nước. Thơ của Ko Hyung-Ryul đã khắc họa bi kịch của nước trong mối liên hệ mật thiết với đô thị văn minh hiện đại.

Trong thơ của MVP, nước là thực thể tồn tại như thế nào? MVP tiếp cận với nước trong mối quan hệ với chiếc cốc. Trong một bài thơ ngắn nhà thơ viết “Cốc nước đầy/ anh uống/ toàn ánh sáng” (Nhớ). Cũng giống như giả định của nhà thơ Ko Hyung-Ryul trong bài thơ “Nước trên bàn”, ở đây trong những câu thơ của nhà thơ MVP chúng ta thấy được chiếc cốc tượng trưng cho lớp áo ngoài của văn minh. Nước ở trong chiếc cốc khi được nhà thơ MVP gọi là trái tim – nỗi nhớ thì ở đây chúng ta có thể cảm nhận được rõ ràng sự khác biệt so với thơ của Ko Hyung-Ryul ở chỗ trong thơ của MVP nước xuất hiện như thứ ánh sang lấp đầy nội tại/ khoảng bên trong của văn minh. Vị thế của nước ở đây hoàn toàn đối lập với hình ảnh nước trong thơ của nhà thơ Hàn Quốc. Lúc này, có thể coi “nước – trái tim” là cảm hứng thi ca mang đến những điều tốt lành.

Đối với MVP, “nước – trái tim” không phải là sự phản ứng một cách thụ động với một sức mạnh nào đó trong thế giới này, mà chính là sự tồn tại có khả năng chủ động làm lay chuyển thế giới. Hãy cùng xem bài thơ “Đá trong lòng suối”. Nước chảy trong suối cũng làm viên đá kia ớn lạnh. Những giọt nước mưa li ti bay đi khắp hướng cũng làm ướt đẫm cả nơi sâu kín đến tận cùng của thế giới. Trần thế/ nhân gian này trở nên mềm mại và dịu dàng hơn nhờ những giọt mưa. Không phải mọi hiện hữu chỉ tồn tại và im lặng một cách thụ động. Ngay cả viên sỏi kia tưởng như mãi nằm im giữa dòng suối. Viên sỏi cũng biết mỗi ngày qua đi, tấm thân càng hao mòn lạnh lẽo, thì nó vẫn biết im lặng và cần mẫn giữ một chỗ cho riêng mình. Và theo cách nhìn nhận của MVP, thì thế giới xung quanh là sự cộng tồn (tồn tại đồng thời) của các thực thể với sự giao lưu tác động lẫn nhau để tạo nên sự chuyển động. Có thể thấy con mắt nhìn thế giới quan của MVP rất sinh động, tươi tắn và lãng mạn. Chỉ có bài thơ sau đây là người đọc không nhìn thấy ở đó sự tươi tắn sống động từ thế giới bên ngoài.

Đã mưa

Và sấm rền vang

Những đọt mầm khỏa thân trong bóng tối

Đất cố giấu đi trơ trụi khô cằn

Khi cội rễ lần tìm trong ngực.

Cùng khao khát

Và cùng hồi tưởng

Nón lá áo tơi hay vạch chớp ngang trời

Đêm nằm xuống theo từng ngôi mộ

Chiếc áo màu đen còn mắc lại trong cây.

Cùng mát lành

Và cùng vang vọng

Âm thanh đi lạc vào giấc ngủ sâu

Đang tan vỡ bao giấc mơ lộn ngược

Trong nước mưa mát lành - phồng nở - rền vang.

(Biến tấu đêm mưa)

Bài thơ trên đã tiếp cận một vấn đề là thế giới của sự hoang tàn chết chóc. Đất ở nơi này đang cố ôm ấp và giấu đi cái chết khô cằn. Chồi non đang nhú lên nhưng là những đọt mầm khoả thân trong bóng tối bị bỏ rơi, quên lãng. Giọt nước mưa kia thực sự xuống với thế gian này cùng với ánh sáng từ tia chớp rạch ngang bầu trời. Nhưng tia sáng vụt lên trong phút chốc đó không thể giải phóng thế giới khỏi sự tăm tối. Bóng tối trong nấm mồ không mất đi, và chiếc áo màu đen còn mắc lại trên cây làm liên tưởng đến cái chết. Nhưng giọt mưa mang theo ánh sáng rơi xuống đất trên nấm mộ khiến cho đất nơi này cũng chứa đựng những chết chóc. Ở “Biến tấu đêm mưa”, người ta không thấy được âm hưởng tươi tắn đầy sức sống như đặc trưng vốn có khi nói về suối ở bài thơ trên. Ở đây, tiếng mưa được miêu tả như một tiếng khóc kéo dài, thổn thức.

Tiếng mưa trong bài thơ trên là âm thanh làm đứt đoạn, làm vỡ những giấc mơ. Giấc mơ đó liên quan đến sự hồi tưởng mãnh liệt. Giấc mơ phồng lên, căng ra dưới cơn mưa rồi kết cục vỡ nát thành tiếng khóc than dài. Đó chính là tiếng khóc bị dồn nén bật ra từ trong những nấm mồ đằng xa kia. Nhưng chính sự bùng nổ đó mang đến cảm giác tươi tắn đối với sự tồn tại của những nấm mồ. Nước mưa mang tới một ý nghĩa hoàn toàn trái ngược. Đó là “tiếng khóc mát lành”. Nước mưa được chuyển hóa từ “tiếng khóc than dài” khiến cho những bi kịch được chôn giấu dưới những nấm mồ kia hiện hữu sinh động rõ ràng hơn bao giờ hết. Nói cách khác, “nước – trái tim” – chính là cảm hứng làm thơ đã làm sống dậy những ký ức đau đớn chứa đựng nhiều bi kịch và thả trôi nó theo tiếng khóc dài. Ở đây phải chăng tác giả đang làm sống lại lịch sử đau thương về cái chết mà đất nước và con người Việt Nam đã gánh chịu.

 

3. Cỏ

Ở tập thơ “Sinh đôi trong đại dương” cả Ko Hyung-Ryul và MVP đều tiếp cận và coi “cái chết” như một chủ đề chính. Cái chết được chuyển hóa thành cuộc sống như thế nào – đó là con đường mà những nhà thơ đi tìm cho mình. Để làm được điều này trước hết cần phải nhận thức được cái chết là thứ tồn tại bên trong thế giới. Nếu không nhận biết được cái chết tồn tại bên trong thế giới đang hiện hữu thì không thể chuyển hóa được chúng sang sự sống.

Nhà thơ Ko Hyung-Ryul tìm thấy hình ảnh của cái chết như hình ảnh của nước trong văn minh đô thị. Trong bài thơ “Thơ của con sâu bướm lộn xộn”, tác giả khẳng định cuộc sống trong thành phố chẳng khác gì cái chết. Đây chính là cách phê phán xã hội mạnh mẽ của nhà thơ. Đặc biệt ông khẳng khái phê phán xã hội tư bản văn minh hiện đại. Ông đã thẳng thắn tuyên bố “Đến cả những vị thần cũng đã chết, nhưng những người ở trong thành phố/ Tất cả cũng đã chết lâu rồi/ hoặc không thì đã chết đi hoặc đang sống tiếp.” Mặc dù những người dân trong đô thị họ đang sống nhưng thực chất đó là cuộc sống mà họ tồn tại như những thây ma (zombie). Những người dân trong đô thị, họ đã trở thành những kẻ cuồng tín và cố chấp, linh hồn của họ dường như đã mất đi vẻ đẹp đức hạnh của con người. Họ đang sống cuộc đời theo cách “phơi miếng thịt khô và bán đi những miếng thịt đã chết.” Những câu chữ này chứa đựng sự phê phán sâu sắc đối với xã hội tư bản vì lợi ích mà sẵn sàng biến con người thành những món hàng trao đổi.

Tuy nhiên trong thành phố của xã hội tư bản ấy có những nhà thơ đang sống. Chính những nhà thơ cũng đang duy trì cuộc sống trong những cái chết. Đối với những nhà thơ, họ phát hiện ra cái chết ẩn sâu trong cuộc sống của họ như thế nào và chuyển hóa cái chết ấy thành thơ ca, thành cuộc sống ra sao. Điều này trở thành những vấn đề/ bài học đậm chất thi ca. Ko Hyung-Ryul có những vần thơ như sau trong bài thơ “Sự kỳ quặc của một ngọn núi nào đó không thể quên được”. Tôi ở bên kia liệu ai còn nhớ? Thân thể đông cứng và dường như tôi đang khóc/ lần đầu tiên tôi đã cảm nhận được một tôi khác. Như vậy một tôi khác ở bên kia đó chính là linh hồn của người đã chết. Linh hồn đó bây giờ đã đông cứng và chết rồi trở thành một người hoàn toàn xa lạ đang khóc. Tôi đã chết, nhìn một ai đó khác đang đi bộ ở đằng kia, Điều này chính là tiền đề cơ bản muốn thoát ra khỏi sự sống của cái chết đã thấm vào cả nhà thơ.

Người đang bước đi là ai?

Đêm trăng thung lũng vắng tanh, cứ thế tiếp diễn

Đêm trăng chiếu xuống

Bước chân dẫm nát, ánh trăng tan vỡ đến rùng mình

Vẫn còn đó ánh trăng xưa

Những cánh hoa nở trắng dưới gót chân.

(Sự kì quặc của một ngọn núi nào đó không thể quên được - Ko Hyung-Ryul)

Nhà thơ quan sát ở đằng kia “Người đang bước đi là ai?” Người đó chính là tôi – người đã chết và trở thành người khác. Ánh trăng tan vỡ đến rùng mình, dưới bàn chân của người đã chết là tôi đang bước đi dưới “đêm trăng thung lũng vắng” và ánh trăng đã nở hoa. Ánh trăng tan vỡ đó đã nở hoa và những bông hoa trắng đó đã làm cho cái chết hiện lên thật đẹp đẽ và mát mẻ. Và theo nhà thơ thì đó là “Trên cành kia những đóa hoa đang đua nở/ chẳng phải biểu hiện của rất nhiều người đã chết” (Lắng nghe hoa than khóc). Ko Hyung-Ryul đang quan sát cuộc sống sau khi đã chuyển hóa thành cái chết. Nhà thơ đã hiểu thấu được linh hồn của bản thân sau khi đã từ giã cõi trần. Những bông hoa trắng nở từ ánh trăng vỡ vụn dưới chân vừa là linh hồn của người chết vừa là nhân chứng cho cái chết. Như vậy xét theo chiều ngược lại thì những bông hoa đó là chứng nhân cho việc sự sống đã từng tồn tại. Khác với thành phố của những xác chết, những bông hoa tượng trưng cho cái chết của cuộc sống mà nhà thơ đã từng sống – sống mà như chết. Vậy nên giờ đây nhà thơ đã trốn khỏi thành phố nhưng vẫn có thể thấy được dấu ấn của cuộc sống không bị mất đi.

Ráng chiều xinh đẹp đã từng bao trùm ôm lấy ngọn núi phía sau ga Seoul

Khi đó người ấy

Là một cô thiếu nữ trên vai choàng chiếc khăn màu trắng

Chẳng còn những cái cây và giờ chỉ còn đầy những

tòa chung cư chễm chệ trên ngọn đồi

Đường mòn và bầu trời đã biến mất

Không phải đến cả tấm lòng của chúng ta cũng

đã biến mất ư?

Con đường mòn nơi mang trong mình hương thơm

của những ngày thơ ấu

Nhìn xuống phía dưới thành phố

Chúng ta giờ đây cũng như những người đến từ

nước khác,

Chúng ta đang sống ở phía sau ngọn núi này.

(Quà tặng âm nhạc từ vân tuổi đời của gỗ - Ko Hyung-Ryul)

Thành phố mà nhà thơ cho rằng chẳng còn gì ngoài cuộc sống của sự chết chóc, cuộc sống đích thực là cuộc sống đã mất đi và ở cái thành phố mà phải sống như là “Chúng ta giống như những người đến từ đất nước khác”, vẫn còn lại hương vị của cuộc sống đã từng tồn tại trước đó, vẫn còn lại trái tim của chúng ta. Đó là xúc cảm về khoảng thời gian mà những cô bé cậu bé cùng đi bộ bên sườn núi đằng sau thành phố. Cái xúc cảm ấy, những kỷ niệm của thời thơ ấu đã trở thành “Vân tuổi đời của gỗ”. Tuổi đời của gỗ ấy vẫn đang hát về cuộc sống tươi đẹp của ngày xưa. Vì thế mà thành phố hiện đại đang chật kín bởi những tòa chung cư được xây lên không thể xóa nhòa được dấu vết của một cuộc sống tươi đẹp đích thực, không thể làm khô cạn trái tim như mạch nước tươi mát. Cuộc sống đang phải gánh chịu cái chết này sẽ làm cho bản thân mình vào lúc nào, ở đâu đó sẽ nhận ra được chút ít dấu vết của cái chết. Giống như “Dưới lớp nhựa đường cất tiếng khóc than những cây cỏ nát” trích bài thơ “Anh ấy, người đặt chân đến vương quốc của cỏ”. Cỏ đã tự tạo cho mình một cuộc sống khác, cuộc sống đến cùng với cái chết của bản thân đó là bị chôn vùi dưới lớp nhựa đường cùng với tiếng khóc nỉ non của cỏ. Vì thế mà “tiếng than khóc triền miên của cỏ lãng quên đi thành thị” và giống như việc mở ra vương quốc của cỏ và vương quốc đó vượt qua cả tòa nhà chọc trời – nó cho thấy uy lực rất trang nghiêm.

Trong tập thơ này không phải Ko Hyung-Ryul phát hiện và cho thấy cỏ dại như thế  ở đô thị. Nhưng ông đã phát hiện ra “vương quốc của cỏ” được tạo nên từ những con người “người thiếu nữ Danyinggone trẻ tuổi – người con gái nghèo Myanmar”, những cô gái đang dùng máy bơm bơm nước vào trong ngõ tối và họ đang tắm giữa dòng nước đen ngòm. “Trước cuộc viếng thăm của tất thảy các thiếu nữ/ sự phóng túng của buổi trưa khi đang tắm giữa dòng nước ngọt.” Nhà thơ đứng trước những cô gái “Khi chạm mắt với người nước ngoài liền tươi cười như hoa nở” và cảm thấy “tôi thấy ghét hình ảnh bản thân tôi khi cúi đầu và bước đi”. Mặc dù môi trường sống của làng tị nạn không được sạch sẽ nhưng nó vẫn khác hẳn với cuộc sống đã chết ở thành phố nơi nhà thơ đang sống. Những cô gái sống như những đóa hoa, nhà thơ không thể nhìn thẳng vào cuộc sống đầy sức sống ở đó được bởi vì linh hồn đã chết. Vì thế mà tác giả căm ghét chính việc mình cứ cúi đầu im lặng như thế.

Nhà thơ Ko Hyung-Ryul hát hiện ra những con người bao năm vẫn sống như thế ở những thôn làng tị nạn của vùng Đông Á nghèo khổ. Ông thường xuyên lui tới các quốc gia Đông Á và có sự giao lưu với các nhà thơ của các quốc gia này. Với ông sự giao lưu đó là món quà vô cùng quý giá.

Thử hướng tầm nhìn sang những vần thơ của MVP. Giống như chúng ta đã xem xét bài thơ “Biến tấu đêm mưa” để nhận biết cái chết hiện diện trong cuộc đời, trong thế giới này. Trái ngược với hình ảnh thoát khỏi cái chết của cỏ bằng cách xiên qua khỏi lớp nhựa đường để vượt qua cái chết, duy trì sự sống, thì MVP lại nhìn thấy cái chết từ cỏ. Trong bài thơ “Ra vườn chùa xem cắt cỏ” nhà thơ đã miêu tả “lưỡi dao sắc lia ngang/ sát gốc cỏ” và để rồi “những vong hồn còn mắc kẹt cùng ngọn cỏ/ vươn tay”. Và dưới lưỡi dao thì bạn đọc đã nhận biết được “Vong hồn nào chưa được bay lên/ Còn trong vòng nghiệt ngã”. Cây cỏ bé nhỏ trước sự bạo lực đến tàn nhẫn lạnh lùng đều không thể giữ lại được mạng sống của mình. Như tôi đã đề cập ở phần trên, sự bén nhạy để cảm nhận được linh hồn của người chết có lẽ liên quan đến thảm kịch chiến tranh đã từng xảy ra ở Việt Nam được MVP cụ thể hóa như thế vậy. Nhưng MVP là một nhà thơ luôn biết cách kéo sự tăm tối dịch chuyển về phía ánh sáng. Trong bài thơ “Viết cho cây sáo”, ông viết: “Tôi thổi vào lòng ống sáo tối đen địa ngục, để tìm ra bảy lối tới thiên đường: đồ rê mi fa son la si”. Tiếng sáo đó “Chao nghiêng trong ánh sang bảy màu lung linh huyền ảo” kéo theo bao sự biến đổi tươi mới đầy sức sống.

Rời bè trầm chúng bay lên cao, rồi thả vào đêm bao chiếc thang cung bậc. Nghe âm vang bước chân của bóng đêm nặng nhọc, đang lần từng âm vực mà lên.

Vũ trụ lầm lì lơ lửng trong đêm. Những con sóng dịu mềm cho bên lở biết mình còn đó, để ban mai thức dậy gặp bên bồi.

Mỗi góc tối trong tôi đang ngậm lấy âm thanh như ngậm vào vú mẹ, từ miệng mình he hé ánh sáng bồng bế nhau thong thả tràn vào.

(Viết cho cây sáo)

Có lẽ chính những âm thanh của tiếng sáo làm cho nhà thơ thoát ra từng bậc thang u tối của cuộc đời. Nhưng ngược lại tiếng sáo cũng lầm lì lơ lửng trong đêm. Sự im lặng ấy như những “con sóng dịu mềm cho bên lở biết mình còn dó để ban mai thức dậy gặp bên bồi.” Chúng ta hãy thử tưởng tượng trong đêm tĩnh lặng chỉ nghe thấy tiếng sáo êm dịu. Nó như cho thế giới biết về sự tồn tại của bản thân mình. Đó chính là để “hẹn gặp lại vào ngày mai”. Theo MVP, sự tồn tại của thế giới chính là sự dịch chuyển từ bóng tối về phía ánh sáng. Âm thanh phát ra từ cây sáo thấm sâu vào tận nơi tối tăm nhất, làm biến đổi theo hướng “từ miệng mình he hé ánh sáng bồng bế nhau thong thả tràn vào.” Sự tồn tại của thế giới và sự hỗn mang/ hỗn độn trong tôi nó chính là một phần của thế giới. Và khi ánh sáng của ngày mới đến thì “chẳng phải tôi, cũng không là người khác”,… “Từng giọt rạng đông!/ Tôi lại nhập hồn về với xác” (Hồn nhiên).

Tiếng sáo cho thấy sự tồn tại của thế giới quanh ta. Tiếng sáo cho biết được chúng ta trong bóng tối sẽ được gặp ánh sáng của sớm mai. Nó cho thấy “Tiếng trẻ con chào đời truyền trong không gian xanh những dòng mật mã” (Màu xanh). Đối với MVP thì thơ truyền tải những tín điều/ những âm thanh mới mẻ. Thế giới đó được thể hiện trong bài thơ dưới đây của MVP:

Tôi nhìn thấy trên đỉnh đồi

Một bông cỏ may vừa nở

Ánh sáng phát ra từ đó

Bình minh đang phát ra từ đó

Soi rõ chân đồi, lối ra bìa rừng

Những con chim bay đi buổi sớm

Tôi cũng vừa thoát khỏi ký ức của tôi

Không phải nơi nào khác

Mà chính từ bông cỏ may kia

Đang làm nên một ngày tuyệt đẹp

Tôi rảo bước đến quán café gần nhất

Đợi người đàn bà của tôi

Và nhìn rất lâu về phía ngọn đồi

Đúng, rất đúng

Tất cả chúng ta vừa sinh ra ở đó.

(Nơi cội nguồn thế giới - MVP)

Cái khoảnh khắc mà hoa cỏ may vừa nở, ánh sáng không đi từ trên trời xuống đất mà soi rọi, lan tỏa từ đất lên tận trời cao. Vì thế có thể thấy một bông hoa cỏ may kia thôi đã làm cho bầu trời u tối trở nên rực rỡ. Và “Bình minh đang phát ra từ đó/ Soi rõ chân đồi, lối ra bìa rừng/ Những con chim bay đi buổi sớm”. Có thể thấy bông hoa cỏ may may mắn kia chính là cội nguồn của thế giới, nó làm cho vạn vật trên đời hồi sinh. “Cội nguồn thế giới” không phải là nơi nào khác mà chính từ bông cỏ may đang nở. Thế giới xung quanh được hồi sinh như thế. Và chính tôi cũng “vừa thoát khỏi ký ức của tôi”. Tôi cảm nhận được cuộc sống hồi sinh một cách rõ ràng nhất. Và vì thế mà “Tôi rảo bước đến quán café gần nhất/ Đợi người đàn bà của tôi/ … Tất cả chúng ta vừa sinh ra ở đó”.

Rõ nét nhất trong thơ MVP, là tầm nhìn về một thế giới tươi mới rực sáng và hoan hỷ. Phần cuối của tập thơ, trong bài viết “dành cho độc giả Hàn Quốc” MVP đã viết đôi dòng suy nghĩ về thơ. Trong đó ông nói: “Thế giới sẽ được vẽ lại theo cách các nhà thơ nhìn thấy nó.” Ông cũng tin rằng “Chúng ta cần những tác phẩm đấu tranh trực diện với cái ác, cái xấu xa tội lỗi để hòa giải những bất đồng, đem lại hòa bình cho các dân tộc.” Vậy nên việc nhà thơ vẽ lại thế giới đó chính là việc thắp sáng mọi nơi trên trái đất này và xây dựng khát vọng hoà bình, hoà giải. đọc bài luận trên tôi có thể cảm nhận được sự rạng rỡ trong tâm hồn người viết qua ánh sáng của thơ ca. Trong xã hội ngày nay, giữ được con mắt quan sát đời sống trong trẻo như thế là điều tôi cảm thấy bất ngờ.

 

4. Kết nối

Nhà thơ MVP đã có bài thơ đẹp sau đây trong tập thơ.

 

Đôi môi

Nơi đất trời gặp nhau

Mở những lạch nguồn tìm về biển cả.

Ta mang nụ hôn

Như con cá mang đuôi và vây lưng

Quẫy vào biển rộng,

Con chim mang tiếng hót sáng choang mơ mộng

Lần hồi gieo xuống bãi bờ xanh.

Thế rồi sóng biết thầm thì

Mây biết che đi nỗi buồn tiễn biệt...

Và ta biết mình đã được sinh ra.

(Giáng sinh)

Ông đã vẽ nên khung cảnh thế giới được sinh ra trong bài thơ “Nơi cội nguồn thế giới” với một ấn tượng hết sức sâu đậm. Còn ở trong bài thơ trên “Nơi đất trời gặp nhau/ mở những lạch nguồn tìm về biển cả”. Tác giả đã táo bạo mượn hình ảnh đôi môi để miêu tả nơi gặp gỡ của đất trời. Nơi cội nguồn của thế giới hướng ra biển, đó là đường chân trời, nơi gặp gỡ giữa đất và trời. Bầu trời ở phía trên và mặt đất ở dưới đường chân trời này đối diện nhau như đôi môi đang mím chặt. Giống như khi người ta hé môi, khi đất trời mở ra ánh sáng của buổi bình minh lan tỏa và thế giới như được sinh ra tươi mới và hướng về biển cả. Nhà thơ là người mang đến cho chúng ta bài thơ – nụ hôn mở ra cội nguồn thế giới. Thơ gieo những hạt mầm ở nơi tận cùng của thế giới, nơi những con cá tung tăng bơi lội giữa đại dương, nơi những con chim hát líu lo bài hát biển xanh với giấc mơ tươi sáng.

Vì thế mà nụ hôn của buổi bình minh đã làm cho cả thế giới như được hồi sinh. Sự hồi sinh của thế giới mới là việc chia ly với thế giới trước đây đã từng gắn bó, nhưng thông qua những đám mây ngưng tụ như nước mắt có thể thấy được “Mây biết che đi nỗi buồn tiễn biệt...”. Trong thế giới được hồi sinh khi chúng ta đón chào thơ – nụ hôn của buổi bình minh chính là lúc chúng ta biết rằng mình được hồi sinh.

Nụ hôn này cũng hiển thị cả trong thơ của Ko Hyung-Ryul. Để đồng cảm với bạn thơ, ông đã gửi cho MVP bài thơ “Những chiếc xe máy phủ sắc vàng cam”. Đây là bài thơ để đáp lại món quà của nhà thơ MVP dành cho nhà thơ Ko Hyung-Ryul nhân dịp MVP sang thăm quê hương Sokcho của Ko Hyung-Ryul và có viết bài thơ “Ở Sokcho” để tặng ông. Sau đó khi nhà thơ Ko Hyung-Ryul đến thăm Hà Nội ông đã khắc sâu hình ảnh “Chiều đông Hà Nội tan tầm không thể quên”, khung cảnh buổi tối muộn nơi ánh sáng phát ra từ những vì sao, từ ánh đèn chiếu rọi gợi cảm giác “tưởng như đã tới một cánh đồng cỏ ở một miền quê nào đó của Hàn Quốc.”

Mặt trời lặn Hà Nội trở thành vũ trụ

Những ngôi sao đã trải quamột ngày đón ánh sáng

dát vàng lấp lánh

lên những mái đầu bé nhỏ

Những con người đang xuôi ngược giao nhau.

Brừm, brừm, ngôi sao căng thẳng trên đầu tay lái

Vì sao ở xa nhất chiếu sáng tương lai bằng một vầng

sáng chỉ nhỏ bằng con ngươi mắt

Ở nơi đó, có tôi, có gia đình và bè bạn

Tất cả giao thoa bằng nỗi hoan hỉ, hợp lưu,

sự giải phóng và niềm vui

Tưởng như đã tới một cánh đồng cỏ ở một miền quê

nào đó của Hàn Quốc.

Những khuôn mặt nhỏ bé mà kiên định trên những chiếc xe máy màu ánh cam

Với những chiếc khẩu trang mà muốn thử mở ra chiêm ngưỡng bên trong,

Nhiều ánh đèn đang tắt dần, sau một ngày dài lao động và thu nhập

Hài lòng, và trên trái đất một ngày dài kết thúc.

Giờ tôi đang bước đi qua con đường tối

Đến một ngôi nhà nhỏ của ánh sao, và khi tôi quay lại, tôi chính là một con người trong vũ trụ, một con người Hà Nội

Con người Á châu đang trở về nhà sau một ngày làm việc.

Và giờ đây, chỉ một chút nữa thôi, sau cuộc hội hè đan xen của giờ cao điểm kết thúc

Sẽ chỉ còn lại màn đêm

Lang thang, cô độc, lặng thinh….

(Những chiếc xe máy phủ sắc vàng cam - Ko Hyung-Ryul)

Giống như trong bài thơ “Nơi cội nguồn thế giới” của MVP, ánh sáng của sự sống mới vút cao từ bông hoa cỏ may nở trên mặt đất, ở bài thơ trên là hình ảnh những sắc cam của ánh đèn xe máy trên những con đường của giờ tan tầm bay lên trời hòa vào ánh sáng của những vì sao. Đó là tín hiệu cho thấy những người lao động đã kết thúc một ngày làm việc, tạm biệt đồng nghiệp và trở về. Sắc vàng cam ấy cho biết một ngày làm việc đã qua. Và những bóng đèn của xe máy nhấp nháy như những vì sao soi chiếu cho ngày mai. Tương lai đó là thế giới được chuyển biến từ “sự giải phóng và niềm vui” sang “Sự hoan hỉ hợp lưu”. Sự hợp lưu này có được từ sự kết hợp của hai nhà thơ MVP và Ko Hyung-Ryul. Nhưng bây giờ “Chỉ một chút nữa thôi sau khi cuộc hội hè đan xe và giờ cao điểm kết thúc” thì những phố phường Hà Nội “Lang thang cô độc lặng thinh” và “chỉ còn lại bóng đêm”, và tôi, ở Hàn Quốc thì giờ “tôi đang bước đi qua con đường tối”. Thời gian của niềm vui, hợp lưu hoan hỉ vẫn chưa tới.

Nhưng ánh đèn xe của Hà Nội, “vì sao xa nhất đó” đã tìm đến với nhà thơ ở một miền quê của Hàn Quốc “đến một ngôi nhà nhỏ của ánh sao và khi tôi quay lại, tôi chính là một con người trong vũ trụ”, tồn tại như một con người Á Châu, người Hàn Quốc, người Việt Nam. Những con đường, phố phường của Hà Nội dường như trải dài tới tận những vùng quê xa xôi của Hàn Quốc. Và lúc này nhà thơ Ko Hyung-Ryul cũng trở thành người con của Hà Nội của Châu Á giống như MVP. Vì vậy mà hai con người trong vũ trụ đã trở thành “Sinh đôi trong đại dương”. Hai người, một người ở Việt Nam, một người còn lại ở Hàn Quốc đồng thời để lại những ánh sao soi chiếu tương lai của “giải phóng và niềm vui” của “nỗi hoan hỉ hợp lưu”. Tập thơ “Sinh đôi trong đại dương” chính là nơi tập hợp ánh sáng của cặp song sinh luôn soi chiếu bóng tối.

 

 

_____________

Lee Sang hyuk

Sinh năm 1967 – nhà phê bình văn học.

Năm 2003 nhận giải thưởng phê bình văn học của Nhật báo Deahan.

Là tác giả của một số tác phẩm “The firework and Illumination”, “The Lyric Poetry and the real”.

 

 

 


 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị