Thơ Mai Văn Phấn từ góc nhìn phê bình sinh thái (Luận văn thạc sĩ) - Dương Thị Phú

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2





 

 

 


Dương Thị Phú

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp

 

 

 


THƠ
 MAI VĂN PHẤN
TỪ GÓC NHÌN PHÊ BÌNH SINH THÁI

 

 

 

       
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

HÀ NỘI, NĂM 2018

 









 

 

 

MỤC LỤC

 

PHẦN MỞ ĐẦU          

 

1. Lí do chọn đề tài  

2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu

3. Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu

4. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu

5. Phương pháp nghiên cứu

6. Giả thuyết khoa học

7. Cấu trúc luận văn

 

NỘI DUNG

Chương 1. KHÁI LƯỢC VỀ PHÊ BÌNH SINH THÁI VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG TẠO CỦA NHÀ THƠ MAI VĂN PHẤN

 

1.1. Khái lược về phê bình sinh thái

 

1.1.1. Khái niệm phê bình sinh thái

1.1.2. Lịch sử phê bình sinh thái
1.1.2.1. Cội nguồn triết học của phê bình sinh thái
1.1.2.2. Sự phát triển của phê bình sinh thái
1.1.3. Phê bình sinh thái trong văn học Việt Nam hiện đại

 
1.2. Hành trình sáng tạo của nhà thơ Mai Văn Phấn

1.2.1. Thơ Mai Văn Phấn trong dòng chảy thi ca Việt Nam đương đại
1.2.2. Những chặng đường sáng tạo
1.2.1.1. Giai đoạn từ khởi nghiệp đến năm 1995
1.2.1.2. Giai đoạn từ 1995 đến 2000
1.2.1.3. Giai đoạn từ năm 2000 đến nay

1.2.3. Quan niệm nghệ thuật

TIỂU KẾT CHƯƠNG 1


Chương 2. SINH THÁI TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN QUA CÁC BIỂU TƯỢNG CƠ BẢN

2.1. Khái niệm “biểu tượng”

2.2. Sinh thái trong thơ Mai Văn Phấn qua các biểu tượng cơ bản

2.2.1. Hệ biểu tượng về bầu trời
2.2.1.1. Biểu tượng ánh sáng
2.2.1.2. Biểu tượng ngọn gió, giọt sương, chim muông
2.2.2. Hệ biểu tượng về mặt đất
2.2.2.1. Biểu tượng đất
2.2.2.2. Biểu tượng nước
2.2.2.3. Biểu tượng cỏ cây, hoa lá

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2

Chương 3. MỐI QUAN HỆ HÀI HÒA GIỮA CON NGƯỜI VÀ TỰ NHIÊN: SỰ THỨC TỈNH CỦA ĐẠO ĐỨC SINH THÁI

3.1. Sự hài hòa giữa con người và tự nhiên

3.1.1. Người mẹ: cội nguồn thế giới
3.1.2. Người tình: đắm say, rạo rực và tình tứ
3.1.3. Anh trong miên man cảm xúc bất tận
3.2. Sự thức tỉnh của đạo đức sinh thái
3.2.1. Cái nhìn trân trọng môi trường tự nhiên
3.2.2. Những âu lo khi tự nhiên bị tàn phá

TIỂU KẾT CHƯƠNG 3

KẾT LUẬN

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

 

 

 


MỞ ĐẦU

 


1. Lí do chọn đề tài


1.1. Trong thời đại ngày nay, vấn đề sinh thái đã và đang trở thành vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu. Sự ích kỉ của con người và sự tận diệt tự nhiên đang đe dọa sự tồn tại của toàn nhân loại. Người ta thấy rằng để giải quyết mối căng thẳng giữa con người với tự nhiên, chống lại sự nổi giận của thiên nhiên không chỉ bằng sức mạnh vật chất mà còn phải dựa vào khoa học nhân văn. Giữa thập niên 90 của thế kỉ XX, phê bình sinh thái ra đời có sứ mệnh phân tích, chỉ ra căn nguyên văn hóa, tư tưởng dẫn đến nguy cơ sinh thái, đặt ra vấn đề nghiên cứu mối quan hệ giữa con người và môi trường tự nhiên để nhận ra nguyên nhân của tình trạng nói trên.


1.2. Sự xuất hiện của văn học sinh thái và phê bình sinh thái không những nhằm cảnh tỉnh thái độ ứng xử của con người với tự nhiên mà còn mở ra cách tiếp cận mới trong nghiên cứu văn học. Từ một phương pháp phê bình được ứng dụng trên thế giới, gần đây lí thuyết này cũng bắt đầu được giới nghiên cứu văn học ở Việt Nam áp dụng và cho những thành tựu khả quan.


Các nhà nghiên cứu, phê bình văn học cho rằng đã có một “khuynh hướng văn xuôi sinh thái Việt Nam sau năm 1975” [21] với quan điểm tác phẩm sinh thái được nhận diện ở ba dấu hiệu: Thứ nhất, tác phẩm từ bỏ cái nhìn mang tính ẩn dụ về tự nhiên để viết với ý thức sinh thái; thứ hai, văn học sinh thái lấy tư tưởng “sinh thái là trung tâm”, tác phẩm viết về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên phải có quan điểm sinh thái; thứ ba, cân bằng tự nhiên cũng đảm bảo cho cân bằng xã hội, đó là lí do vì sao văn học sinh thái tích hợp với các vấn đề xã hội: giới tính (sinh thái nữ quyền), chủng tộc, giai cấp, xã hội (sinh thái hậu thực dân, sinh thái xã hội, sinh thái chủ nghĩa Mác,…


1.3. Dĩ nhiên, văn học sinh thái không chỉ xuất hiện trong văn xuôi mà còn xuất hiện cả trong thơ Việt Nam đương đại. Bên cạnh nhiều nhà văn xuôi quan tâm đến văn học sinh thái, chủ đề sinh thái cũng được nhiều nhà thơ thể hiện hết sức sinh động. Trong số đó, Mai Văn Phấn là một cây bút đáng chú ý. Đọc thơ Mai Văn Phấn, ta dễ bị cuốn hút vào thế giới hình tượng thơ vừa gần gụi, tự nhiên vừa độc đáo. Bạn đọc cũng dễ nhận ra hai tuyến hình ảnh – biểu tượng làm nên vẻ đẹp tượng trưng – siêu thực trong thế giới nghệ thuật ấy: một Con người và một – Thiên nhiên. Cảm hứng sinh thái đến với nhà thơ không hề gò ép mà tự động chảy ra từ mạch nguồn trong sâu thẳm nhân tâm.


Vì những lí do trên, chúng tôi quyết định chọn đề tài luận văn thạc sĩ của mình là: Thơ Mai Văn Phấn từ góc nhìn phê bình sinh thái.


2.1. Khái lược về phê bình sinh thái


Trên thế giới, phê bình sinh thái được manh nha vào những năm 70 của thế kỉ trước nhưng phải đến những năm 90 của thế kỉ XX mới thực sự trở thành một khuynh hướng nghiên cứu văn học ở Mĩ và tiếp đó lan ra nhiều nước trên thế giới. Trong bài viết Những tương lai của phê bình sinh thái và văn học, Karen Thornber cho rằng phê bình sinh thái “khảo sát cặn kẽ những ngụ ý về môi trường sinh thái và quan hệ giữa con người – tự nhiên trong bất kì văn bản văn chương nào, kể cả những văn bản (thoạt nhìn) dường như không để ý gì đến thế giới con người” [18]. Phê bình sinh thái ra đời đã bổ sung thêm một hướng tiếp cận văn chương và hứa hẹn đem lại những gợi ý khám phá về một phương diện mới mẻ của các tác phẩm văn học. Ở Việt Nam, từ sau năm 1986, giới nghiên cứu văn học đã cởi mở hơn trong việc tiếp thu các luồng tưtưởng, học thuyết mới nhưng với phê bình sinh thái vẫn còn nhiều dè dặt. Năm 2012, khi viết bài Phê bình sinh thái – khuynh hướng nghiên cứu văn học mang tính cách tân Đỗ Văn Hiểu đã lí giải hiện tượng này. Theo nhà nghiên cứu, nguyên nhân khiến phê bình sinh thái chưa thể phát triển mạnh ở Việt Nam là bởi nó mang sự cách tân về tư tưởng nòng cốt, chuyển đổi từ tưtưởng “nhân loại trung tâm luận” sang lấy “sinh thái trung tâm luận” làm nền tảng. Phê bình sinh thái mang sứ mệnh mới là “nhìn nhận lại văn hóa nhân loại”. Nó có nguyên tắc mĩ học riêng, xác lập đối tượng và phạm vi nghiên cứu riêng [13].


Những dẫn nhập về phê bình sinh thái được giới thiệu ở Việt Nam chủ yếu là qua các bài dịch của Hải Ngọc như Những tương lai của phê bình sinh thái và văn học, Đỗ Văn Hiểu dịch bài Phê bình sinh thái – cội nguồn và sự phát triển phần 1, phần 2 từ bản tiếng Trung: Phê bình sinh thái Âu Mĩ, Nxb Học Lâm, 2008, và Phê bình sinh thái: Phát triển và nguồn gốc, trong Tuyển tập văn luận văn học sinh thái Trung quốc và thế giới, Nxb Đại học công Thương Triết Giang, 2010, Giáo sư Trần Đình Sử có bài Phê bình sinh thái tinh thần trong nghiên cứu văn học hiện nay. Ở bài viết của mình, GS Trần Đình Sử hướng tới quan niệm vận dụng tư tưởng sinh thái để xem xét mối quan hệ giữa văn học và môi trường văn hóa, tinh thần xã hội [43]. Cùng quan điểm với giáo GS Trần Đình Sử, PGS.TS Trần Lê Bảo cũng có bài viết Bàn về văn hóa sinh thái văn chương. Ông nhấn mạnh “nghiên cứu sinh thái văn chương cần có cái nhìn toàn diện và tổng thể cả về sinh thái tự nhiên, sinh thái xã hội, lẫn sinh thái vật chất và sinh thái tinh thần. Đó là những yếu tố quan trọng trong quá trình nghiên cứu sinh thái văn chương” [51, tr.67].


Những bài viết trên là nguồn tư liệu quan trọng cho giới nghiên cứu Việt Nam vận dụng lí thuyết của phê bình sinh thái vào nghiên cứu văn học. Bài tạp chí Thiên nhiên – Nguồn cảm hứng bất tận của văn chương phương Đông [28] của Trần Thị Ánh Nguyệt cho rằng: Thiên nhiên có một địa vị trung tâm trong tâm thức của người phương Đông từ xưa đến nay. Điều đó thể hiện ở tình yêu tha thiết với thiên nhiên trên mọi chủ đề. Nếu như văn học phương Tây luôn coi tự nhiên là nền cảnh để làm nổi bật con người thì trong văn học phương Đông, thiên nhiên là biểu tượng cơ bản để biểu hiện tâm hồn. Đó cũng là nơi mà con người vơi bớt những buồn phiền, hệ lụy của thế sự nhiêu khê. Văn học hiện đại phương Đông sau một giai đoạn phần nào bỏ rơi thiên nhiên đã quay trở lại với vấn đề thời sự - cần bảo vệ sinh thái, sống cân bằng với tự nhiên mới có được hạnh phúc và yên ổn. Bài tạp chí Thiên nhiên trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư từ góc nhìn phê bình sinh thái [27] của Trần Thị Ánh Nguyệt có viết: Theo Cheryll Glotfelty, phê bình sinh thái, nói một cách đơn giản nhất, là nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường tự nhiên. Nó phản biện lại các lí thuyết khoa học nhân văn lấy “con người làm trung tâm” trước đó, để đề xuất cách nhìn nhận, tiếp cận “trái đất làm trung tâm”. Bài viết này muốn từ tư tưởng cốt lõi đó để “đọc” truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Từ góc nhìn ấy, nhà văn đã đặt ra một cách trực diện những vấn đề môi trường và số phận của con người trong thời đại khủng hoảng môi sinh. Đồng thời tác giả cũng đề xuất một cách lắng nghe tiếng nói từ tự nhiên để tìm cho ra câu trả lời cho những khủng hoảng của con người thời hiện đại và đề xuất một thái độ sống gần gũi tự nhiên để được chia sẻ và thanh thản. Từ những bài viết mang tính khám phá, khai mở như Thơ mới từ góc nhìn sinh thái học văn hóa của PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp đến những nghiên cứu chuyên sâu như Con người và tự nhiên trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 từ góc nhìn phê bình sinh thái của Trần Thị Ánh Nguyệt hay Rừng khô, suối cạn, biển độc…và văn chương của Nguyễn Thị Tịnh Thy,… phê bình sinh thái đã trở thành một hướng tiếp cận tác phẩm văn học mới mẻ, hấp dẫn và lí thú. Cuối năm 2017, ấn phẩm Phê bình sinh thái là gì? do Hoàng Tố Mai chủ biên, Đặng Thị Thái Hà, Lê Quốc Hiếu, Phạm Phương Chi,... dịch và tổng thuật những bài viết về phê bình sinh thái của các học giả quốc tế nơi khởi nguyên phê bình sinh thái như Phê bình sinh thái trong bối cảnh khủng hoảng môi trường toàn cầu (Kate Rigby), Những môi trường sinh thái, những mơ hồ về môi trường và các nền văn học (Karen Laura Thornber),… Và Viện văn học chủ trì hội thảo khoa học quốc tế mang tên Phê bình sinh thái: Tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu cùng với đó kỉ yếu của hội thảo được in ấn với hơn một ngàn trang sách của hàng trăm tham luận của các học giả trong và ngoài nước thì phê bình sinh thái thực sự đã trở nên quen thuộc đối với ngành nghiên cứu, lí luận và phê bình văn học ở Việt Nam. Phê bình sinh thái cũng đến gần hơn với độc giả quan tâm tới văn học nước nhà.


2.2. Những nghiên cứu về thơ Mai Văn Phấn


2.2.1. Nghiên cứu chung về sáng tác của Mai Văn Phấn


Mai Văn Phấn là gương mặt đã dần trở nên quen thuộc với bạn đọc yêu thơ đương đại Việt Nam và thế giới. Tên tuổi của ông được ghi nhận qua những giải thưởng văn học có giá trị cả ở trong nước và quốc tế, như: giải thưởng “Cuộc thi thơ” tuần báo Người Hà Nội năm 1994, giải thưởng “Cuộc thi thơ” tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) năm 1995, giải thưởng Văn học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng) các năm 1991, 1993, 1994, 1995, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 (cho tập thơ “Bầu trời không mái che”), giải thưởng văn học Cikada Thụy Điển năm 2017. Ở Việt Nam, Mai Văn Phấn đã xuất bản 15 tập thơ, một cuốn sách, phê bình – tiểu luận. Ông có 14 tập thơ xuất bản ở nước ngoài. Thơ ông đã được dịch ra 24 thứ tiếng trên thế giới, xuất hiện trên hơn 50 tuyển tập thơ và tạp chí quốc tế. Có thể nói, với bút lực ấy Mai Văn Phấn đã tạo dựng cho mình một phong cách mới mẻ, đa dạng nhưng cũng không kém phần phức tạp. Thơ ông đang thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả cùng các nhà nghiên cứu, phê bình văn học.


Đầu tiên phải kể đến là chuyên luận Mai Văn Phấn và hành trình thơ vào cõi khác của Ngô Hương Giang, Nguyễn Thanh Tâm. Tác phẩm chính là sự phát triển một khoa nhân học vi mô từ hướng tiếp cận văn hóa và văn học thông qua một trường hợp cụ thể là Mai Văn Phấn và thơ của ông. Qua đó, tác phẩm làm hiện lên một cách sống động gia tài thơ cũng nhưngười thơ Mai Văn Phấn trong dòng chảy thơ Việt Nam đương đại.


Trong bài viết Mai Văn Phấn – những chặng đường sáng tạo thơ, PGS. TS. Đào Duy Hiệp đánh giá Mai Văn Phấn là nhà thơ đã đạt được quá trình chinh phục, khám phá sáng tạo, cách tân thơ ca bằng việc để lại cột mốc đáng ghi nhớ trong suốt ba mươi năm kiên trì, miệt mài và không có điểm dừng [11]. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên viết trong bài Thơ là ngôi lời cũng có nhận định khái quát về thơ ca của Mai Văn Phấn nhưsau: Mai Văn Phấn ngay từ đầu đã muốn tạo nên sự mới khác trong sự nghiệp sáng tác của mình. Sự mới khác ấy được thể hiện lần đầu và khá rõ ràng là trong việc cách tân những câu thơ lục bát. Những câu thơ lục bát truyền thống được cách tân đã báo hiệu một Mai Văn Phấn đầy bản lĩnh, đầy sức khám phá và khá là chững chạc trong việc cách tân, sáng tạo. Mai Văn Phấn đã từng bước thể hiện sự mãnh liệt, nhẫn nại, quyết tâm trong việc khai sơn, mở lối vào “ngõ ngách tâm hồn mình và những thế trận, ma trận chữ” [26].


Tác giả Nguyễn Thanh Tâm nhận định về Mai Văn Phấn trong Lập thể của ký ức và tưởng tượng xuyên qua Bầu trời không mái che rằng Mai Văn Phấn có sức quyến luyến người đọc bằng cấu trúc ngôn từ thơ, sự biểu hiện của hình ảnh, ngôn từ chứ không phải bằng sự mượt mà, du dương của vần điệu. Tác giả Nguyễn Thanh Tâm gọi đó là “những lập thể của ký ức và tưởng tượng” [44].


Ngoài ra, một số những tài liệu nhưbài tạp chí Mai Văn Phấn, kết thúc cho một khởi đầu của Inrasara, Mai Văn Phấn và khúc biến tấu Hôm sau của Đặng Văn Sinh, Lộ trình thơ Mai Văn Phấn của Dương Kiều Minh, và Dấu ấn chủ nghĩa siêu thực trong thơ Mai Văn Phấn của Nguyễn Thị Thùy Trang… cũng đã đi tìm hiểu về lộ trình thơ và đặc trưng thơ của Mai Văn Phấn.

 

Trong Xóa nhòa ranh giới giữa thơ ca và văn xuôi trong thơ văn xuôi của Mai Văn Phấn, nhà nghiên cứu phê bình văn học Nguyễn Ngọc Thiện đã khẳng định rằng thơ Mai Văn Phấn đã có sự phân biệt với những sáng tác của thế hệ đi trước. Thơ văn xuôi của Mai Văn Phấn mạnh về việc tổ chức ý tưởng và ngôn từ, sự tổ chức ấy khá là chặt chẽ, không bị dàn trải theo trục tuyến tính mà là sản phẩm của những “cơn xoáy của miền cảm xúc ám ảnh”, dòng tâm tư tranh biện. Ở đó có sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ, giữa đương đại và tương lai giữa các mặt đối lập, chồng lấn... Thơ văn xuôi Mai Văn Phấn gần với biểu hiện của dòng thơ ca tượng trưng, biểu tượng. Nguyễn Ngọc Thiện còn cho rằng thơ Mai Văn Phấn bộc lộ tham vọng của nhà thơ đi tìm kiếm quyền lực tối thượng để tạo ra một cấu trúc văn bản mới lạ, sử dụng mọi cách sáng tạo ngay từ câu từ, con chữ. Mai Văn Phấn sử dụng khá nhuần nhuyễn những đặc điểm nghệ thuật của thơ ca truyền thống, tượng trưng, siêu thực, hiện đại, hậu hiện đại. Thơ văn xuôi của Mai Văn Phấn ẩn chứa tiềm tàng những năng lực của sự gợi mở, khơi gợi sự tri âm, đồng điệu, đồng cảm của người đọc [45].


Bài viết Cách tân, như là đẩy thơ vượt qua tai họa của nhà thơ Thi Hoàng có đoạn nhận xét về thơ cách tân của Mai Văn Phấn rất đáng chú ý.


Nhà thơ Mai Văn Phấn đã thành công khi sử dụng sự mạo hiểm trong việc cách tân thơ ca, bỏ qua những khó khăn, chông gai, sự đơn độc. Thơ cách tân của Mai Văn Phấn xông xáo đi vào những con đường ít người đi, mạnh dạn thể nghiệm những cách mà ít người thể nghiệm. Điểm mạnh của việc cách tân thơ ca của Mai Văn Phấn là ông đã vận dụng tối đa những đặc điểm về nội dung và hình thức của thơ ca để nâng tầm người đọc và tìm ra thi pháp của bản thân [14].


Viết bài Thơ tạo sinh nghĩa Mai Văn Phấn, PGS. TS. Hồ Thế Hà đã đưa ra nhận định về thơ Mai Văn Phấn là một hiện tượng độc đáo của thơ ca đương đại Việt Nam. Mai Văn Phấn luôn ý thức cách tân thi ca trong từng bài thơ ông sáng tác. Thơ của ông muốn đi tới hướng phủ định chính mình trong mỗi lần sáng tác để cho những sáng tác của mình luôn mới mẻ. Thơ Mai Văn Phấn luôn tạo sinh ý nghĩa, điều đó làm cho thế giới thơ ông luôn vận động và không ngừng đổi thay[9].


Trong Mai Văn Phấn trong “vòng xoáy” của thơ hậu – hiện – đại nhà thơ Nguyễn Việt Chiến từng chỉ rõ Mai Văn Phấn chính là một nhà thơ đang thường xuyên tự đổi mới thơ mình, phá vỡ các lối mòn để thể nghiệm và thực nghiệm những khám phá, sáng tạo mới mẻ. Nguyễn Việt Chiến khái quát con đường sáng tác của Mai Văn Phấn như sau “Từ trữ tình cổ điển, anh bay thẳng một mạch vào hậu hiện đại rồi từ đó lao vào vòng xoáy đầy ấn tượng của thơ cách tân” [2].


Cuốn sách Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn khác biệt và thành công [20] của Đình Kính đây là cuốn sách không chỉ giới thiệu về cuộc đời, phong cách của hai nhà thơ đương đại là Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn mà còn đi đối chiếu so sánh phong cách thơ ca của hai nhà thơ này. Từ đó, tác giả Đình Kính đưa ra những nhận xét rất xác thực và sắc sảo về diện mạo thơ ca của hai nhà thơ tiêu biểu của thơ ca Việt Nam đương đại. Hơn nữa, tác giả Đình Kính cũng nhận xét, đánh giá sự thành công của hai nhà thơ và tìm ra nguyên nhân để lý giải sự thành công đó.

Bài viết Mai Văn Phấn với Hôm sau & và đột nhiên gió thổi [39] của Vĩnh Phúc là lời giới thiệu với độc giả hai tập thơ của Mai Văn Phấn đó là Hôm sau, và đột nhiên gió thổi. Ở đây, tác giả Vĩnh Phúc vừa thể hiện sự cảm thụ về nội dung, nghệ thuật của hai tác phẩm để đưa ra các lời gợi dẫn độc giả vừa thể hiện sự đúc kết của bản thân về đặc điểm phong cách thơ ca của tác giả Mai Văn Phấn.


Nhìn chung, về sự nghiệp, phong cách, đặc điểm thơ Mai Văn Phấn đều đã được các học giả, học viên, bạn đọc tìm hiểu, nghiên cứu từ nhiều phương diện. Các tác giả đã chỉ ra những thành công chủ yếu về các phương diện nội dung, nghệ thuật và đặc biệt là sự cách tân mới mẻ của ngòi bút Mai Văn Phấn. Tuy nhiên, nếu tiếp cận tác phẩm của Mai Văn Phấn từ góc nhìn lý thuyết phê bình mới, sẽ có được cái nhìn khách quan và toàn diện hơn.


2.2.2. Về chủ đề sinh thái trong thơ Mai Văn Phấn


Tiếp cận và nghiên cứu về thơ của Mai Văn Phấn từ góc nhìn phê bình sinh thái, cho đến nay chưa có công trình nào đề cập một cách có hệ thống và chuyên sâu. Tuy còn ít ỏi nhưng vấn đề về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên trong sáng tác của Mai Văn Phấn đã được một số tác giả đề cập tới trong một số bài nghiên cứu, khảo sát về thơ của ông. Khi tìm hiểu về Đặc trưng thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn PGS.TS Lê Hồ Quang đã nhận ra rằng “những hình tượng như mùa màng, đất đai, cánh đồng, sự gieo trồng, sinh nở,… - chúng có một sức hút lạ thường với nhà thơ, cho dù ông hoàn toàn không phải kiểu tác giả “chân quê” thường thấy. Không đơn thuần là biểu trưng của nền văn minh lúa nước hay những giá trị văn hóa cổ truyền, với Mai Văn Phấn, chúng tượng trưng cho sự sống phồn thực, bất tận, vĩnh hằng của thế giới” [40]. Đây thực sự là một phát hiện có ý nghĩa.


Nhã Thuyên trong tham luận Khí quyển thơ – sinh thái của Mai VănPh ấn: Thơ, bầu trời và những linh hồn tại hội thảo “Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, khác biệt và thành công” nhận định: “Không khó nhận ra mối quan hệ mật thiết giữa thơ và sinh thái trong thơ Mai Văn Phấn, không khó cảm nhận Mai Văn Phấn là nhà thơ – tình nhân đích thực của thiên nhiên nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh là, ở mỗi nhà thơ, mỗi thế hệ thơ, mỗi truyền thống thơ ca, mỗi thời đại, mối quan hệ giữa con người và môi trường sinh thái lại có những nét khác biệt cần khám phá. Chính bởi thế, việc tiếp cận từ góc độ phê bình sinh thái ở trường hợp thơ Mai Văn Phấn, không phải chỉ là một mối quan tâm về không gian nhưmột yếu tố nổi trội của thơ anh, mà còn là một cách tra vấn mối quan hệ giữa thơ ca và tự nhiên tưởng nhưyên ổn trong truyền thống thơ Việt Nam và thơ phương Đông” [48].


Phạm Xuân Nguyên thì khám phá ra trong thơ Mai Văn Phấn có hai hình tượng chứa đựng nhiều cảm xúc, đó là “Ban mai và ngọn lửa”. “Thơ Mai Văn Phấn nhiều những ban mai. Cái nguyên sơ, trong trẻo của buổi ban ngày, khi bóng đêm qua ánh sáng tới, mang ý nghĩa khải thị, hồi sinh. Cảm hứng thơ Mai Văn Phấn đi từ ban mai đến những sự nở sinh, phát triển, đến sự hòa đồng, hài hòa của vũ trụ thiên nhiên con người. Nỗi khát ban mai là nỗi khát thường trực trong thơ anh”. Nguyễn Việt Chiến gọi Mai Văn Phấn là Người tụng ca thiên nhiên bằng tình yêu mật rót. Trong cảm nhận của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, “thiên nhiên hiện hữu trong thơ Mai Văn Phấn với những giác độ huyền ảo và sinh động của một đời sống ngôn ngữ giàu hình tượng lập thể, luôn khơi gợi vẻ đẹp thuần khiết của nhục cảm và thân xác trong một thế giới mê hoặc tình yêu được hiến dâng và sáng tạo” [3].


PGS.TS Đào Duy Hiệp trong Mai Văn Phấn – những chặng đường sáng tạo thơ phát hiện thấy thơ Mai Văn Phấn có những “ẩn dụ ám ảnh” về cỏ và nước. Còn Nguyễn Tham Thiện Kế thì tuyển và giới thiệu Mai Văn Phấn và 101 câu thơ về cỏ. Văn Giá trong Thơ sinh ra để nói niềm hy vọng của con người khẳng định: “Toàn bộ thơ Mai Văn Phấn đã dựng lên một thế giới phồn sinh và hóa sinh bất định”. “Trong rất nhiều thi ảnh bề bộn ở thơ Mai Văn Phấn, có ba hình ảnh cô đọng nhất, chụm nhất, nên trở thành tiêu biểu nhất: Đất đai, Ánh sáng và Người tình (được gọi là “em”). Cả ba hình ảnh này đều nằm trong sự quy chiếu của lẽ phồn sinh và hóa sinh bất định với tất cả sự sống động của chúng” [6].

 

Nhìn chung, vấn đề sinh thái trong sáng tác của Mai Văn Phấn chỉ được đề cập khá sơ lược trong một số nghiên cứu, tham luận. Theo khảo sát của chúng tôi, chưa có một nghiên cứu nào đi sâu tìm hiểu vấn đề trên một cách có hệ thống và toàn diện. Thực tế, có một nguồn mạch sinh thái khi âm thầm, khi lặng lẽ chảy trong thơ Mai Văn Phấn. Đó là điều trăn trở của ông từ khi viết Giọt nắng, Gọi xanh,... Điều này tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi triển khai đề tài nghiên cứu: Thơ Mai Văn Phấn từ góc nhìn phê bình sinh thái.


3. Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu


3.1. Mục đích nghiên cứu


Nghiên cứu đề tài Thơ Mai Văn Phấn từ góc nhìn phê bình sinh thái chúng tôi hướng đến những mục đích sau:


- Khám phá những đặc sắc của thơ Mai Văn Phấn từ một phương pháp tiếp cận mới mẻ - phê bình sinh thái.


- Chỉ ra những cái mới và đóng góp của Mai Văn Phấn trong dòng văn học sinh thái.


3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu


Để hoàn thành luận văn này, chúng tôi sẽ thực hiện những nhiệm vụ sau:


- Làm sáng tỏ các khái niệm lí luận liên quan về phê bình sinh thái và thực tế nghiên cứu văn học từ góc độ phê bình sinh thái ở Việt Nam. Hành trình sáng tạo của nhà thơ Mai Văn Phấn.


- Làm rõ mối quan hệ giữa môi trường sinh thái và con người trong thơ Mai Văn Phấn.


- Giải mã các kí hiệu sinh thái trong thơ Mai Văn Phấn từ góc nhìn văn hóa, tôn giáo để lí giải nguồn gốc, nguyên nhân của tưtưởng sinh thái trong thơ Mai Văn Phấn.

 

4. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu


4.1. Đối tượng nghiên cứu


Luận văn tập trung tìm hiểu, phân tích và làm sáng tỏ những đóng góp của thơ trữ tình Mai Văn Phấn từ góc nhìn của lí thuyết phê bình sinh thái qua việc nghiên cứu hình tượng thiên nhiên, mối quan hệ giữa môi trường tự nhiên và con người trong thơ của Mai Văn Phấn.


4.2. Phạm vi nghiên cứu


- Tìm hiểu các tài liệu về phê bình sinh thái.


- Mai Văn Phấn là một cây bút tài năng đã khẳng định được vị trí của mình trên thi đàn Việt Nam đương đại cũng nhưtrong lòng công chúng yêu thơ. Ông được ghi nhận trên cả hai mảng thơ trữ tình và thơ văn xuôi. Trong phạm vi luận văn này, chúng tôi tập trung khảo sát thơ trữ tình của Mai Văn Phấn. Luận văn xác định phạm vi nghiên cứu cụ thể là nội dung, nghệ thuật thể hiện vấn đề sinh thái trong những sáng tác của Mai Văn Phấn, cụ thể là trong những tập thơ đã xuất bản của Mai Văn Phấn.


Bên cạnh đó, luận văn còn tham khảo, nghiên cứu thêm các tài liệu văn học về con người, sự nghiệp, phong cách của Mai Văn Phấn, đặc điểm thơ Mai Văn Phấn.


Hơn nữa, những tài liệu có tính học thuật chuyên sâu về phê bình sinh thái, những bài báo, tạp chí, phỏng vấn… những tài liệu được kể đến ở phần Lịch sử nghiên cứu vấn đề cũng góp phần định hình phạm vi nghiên cứu của luận văn.


5. Phương pháp nghiên cứu


Luận văn “Thơ Mai Văn Phấn từ góc nhìn phê bình sinh thái” sử dụng nhiều phương pháp để thực hiện mục tiêu nghiên cứu đặt ra, trong đó có thể kể đến những phương pháp nghiên cứu chính như sau:

 

Phương pháp loại hình học: Nghiên cứu thơ của Mai Văn Phấn, chúng tôi căn cứ những đặc trưng cơ bản của lí thuyết phê bình sinh thái để chỉ ra những đặc điểm chung của thơ ông, đồng thời làm rõ những nét riêng, độc đáo.


Phương pháp hệ thống: Những bài thơ của Mai Văn Phấn là sự thể hiện của lối suy tưởng, cảm xúc định hình phong cách của tác giả. Tư tưởng và phong cách của tác giả sẽ được thể hiện qua hầu hết những chi tiết về nội dung cũng nhưcấu tứ của tác phẩm. Vì vậy, rõ ràng là trong một tác phẩm, những đặc trưng về tưduy nghệ thuật của tác giả có thể sẽ không tập trung vào một phần nào nhất định mà thường là biểu hiện qua tất cả các phần và tạo nên một hệ thống. Phương pháp hệ thống được sử dụng nhằm tập hợp những yếu tố tương đồng của những chi tiết nhưngôn ngữ, nhân vật, hình ảnh, thủ pháp nghệ thuật, cấu trúc... để đưa ra những kết luận về đặc điểm của tác phẩm.


Phương pháp thi pháp học: Nội dung, ý nghĩa của các sáng tác thơ Mai Văn Phấn được thể hiện thông qua tưtưởng sinh thái mang nghĩa. Chúng tôi tiếp cận thơ của Mai Văn Phấn dựa trên các dấu hiệu hình thức độc đáo của phê bình sinh thái, từ đó khám phá ý nghĩa bên trong, tưtưởng sinh thái ẩn sau mỗi hình thức (quan niệm về con người – tự nhiên, tự nhiên – văn học). Nhận diện khuynh hướng thơ sinh thái bên cạnh khuynh hướng văn xuôi sinh thái đã được các nhà nghiên cứu khẳng định.


Phương pháp liên ngành: Chúng tôi dùng phương pháp này để liên kết văn học với lí thuyết phê bình sinh thái nghĩa là sinh thái học nhân văn, từ đó đáp ứng nhu cầu giải quyết vấn đề của thực tiễn văn học, vấn đề sinh thái hiện nay.


Phương pháp văn hóa học: Chúng tôi đặt các sáng tác thơ ca của Mai Văn Phấn trong nghiên cứu lí thuyết phê bình sinh thái liên hệ với văn hóa, tôn giáo nhằm hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của các tác phẩm và lí giải nguồn gốc hình thành của lí thuyết phê bình sinh thái, phân tích biểu hiện và thông điệp toát lên từ lí thuyết phê bình sinh thái qua các tập thơ của Mai Văn Phấn.

 

Phương pháp thống kê: Tác giả luận văn dùng phương pháp thống kê để khảo sát định lượng những chi tiết về nội dung cũng nhưhình thức thể hiện trong những tác phẩm của Mai Văn Phấn. Việc thống kê những chi tiết như vậy giúp cho tác giả luận văn nhận diện được đặc điểm mang tính hệ thống trong tưtưởng cũng nhưnghệ thuật của đối tượng nghiên cứu.


6. Giả thuyết khoa học


6.1. Về phương diện khoa học


Luận văn là công trình đầu tiên nghiên cứu thơ trữ tình của Mai Văn Phấn từ góc nhìn của lí thuyết phê bình sinh thái, do đó, kết quả nghiên cứu của luận văn sẽ góp thêm một nét vẽ, một mảng màu trong bức tranh đang dần hoàn thiện về thơ Mai Văn Phấn. Kết quả nghiên cứu của luận văn sẽ đem đến một diễn giải mới về thơ của tác giả Mai Văn Phấn, chỉ ra những đóng góp đặc biệt của ông ở mảng văn học sinh thái.


6.2. Về phương diện thực tiễn


Do tính cấp thiết và giá trị nhân văn sâu rộng, vấn đề môi sinh đã trở thành một nội dung trong chương trình dạy học tích hợp ở nhà trường phổ thông. Mặc dù thơ Mai Văn Phấn chưa được đưa vào chương trình Ngữ văn của cấp học này nhưng đề tài nghiên cứu phần nào xác lập một hướng tiếp cận các tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn của nhà trường phổ thông từ cái nhìn sinh thái. Đề tài góp phần nâng cao nhận thức của con người, nhất là thế hệ trẻ về trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, giáo dục lối ứng xử nhân văn với môi trường sống xung quanh.


7. Cấu trúc luận văn


Ngoài phần Mục lục, Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận văn bao gồm 3 chương, cụ thể là:

 

Chương 1. Khái lược về phê bình sinh thái và hành trình sáng tạo của nhà thơ Mai Văn Phấn


Chương 2. Sinh thái trong thơ Mai Văn Phấn qua các biểu tượng cơ bản


Chương 3. Sự hài hòa giữa con người và tự nhiên: sự thức tỉnh của đạo đức sinh thái

 

 

 

 


Ch
ương 1

KHÁI LƯỢC VỀ PHÊ BÌNH SINH THÁI VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG TẠO CỦA NHÀ THƠ MAI VĂN PHẤN

 


1.1. Khái lược về phê bình sinh thái


1.1.1. Khái niệm phê bình sinh thái


Phê bình sinh thái là một thuật ngữ không mới trên văn đàn thế giới, nhưng có lẽ còn mới trên văn đàn Việt Nam. Nhà phê bình William Rueckert đánh giá “sinh thái học (như là một khoa học, như một quy tắc, như cơ sở cho tầm nhìn của con người) thích đáng nhất đối với hiện tại và tương lai của thế giới” [41]. Nhà phê bình sinh thái hàng đầu Cheryll Glotfelty: “Phê bình sinh thái là phê bình bàn về mối quan hệ giữa văn học và tự nhiên… Phê bình sinh thái mang đến phương pháp tiếp cận trái đất là trung tâm (earth-centered approach) để nghiên cứu văn học” [12]. Theo Vương Nặc, “Văn học sinh thái là loại văn học lấy chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái làm cơ sở tư tưởng, lấy lợi ích chỉnh thể của hệ thống sinh thái làm giá trị cao nhất để khảo sát và biểu hiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và truy tìm nguồn gốc xã hội của nguy cơ sinh thái” [41].

 

Theo những quan điểm đó, phê bình sinh thái là một sự kết hợp giữa văn học và khoa học tự nhiên, những vấn đề nhân văn, nghệ thuật với những vấn đề vật lí, sinh học, địa lý. Phê bình sinh thái “tiếp cận trái đất làm trung tâm để nghiên cứu văn học”, và “nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường vật lí” [8]. Serpil Oppermann nhận định rằng, “phê bình sinh thái chủ yếu tập trung vào cách văn học tương tác và tham gia vào toàn bộ sinh quyển”. Điều đó có nghĩa là nhà phê bình sinh thái dùng việc phân tích văn học để thẩm định lại những hành xử xuất phát từ văn hóa, tư tưởng, phong tục tập quán trong quá trình phát triển của nhân loại đã ảnh hưởng đến tự nhiên như thế nào, đẩy môi trường vào tình trạng tồi tệ ra sao? Phê bình sinh thái còn cần thiết phải “làm lộ ra một cách có tính lịch sử văn hóa ảnh hưởng như thế nào đến sinh thái địa cầu” [7]. Có như vậy, phê bình sinh thái mới tác động đến nhận thức của con người, thay đổi cách nhìn và ứng xử của chúng ta đối với giới tự nhiên, tất cả vì một môi trường thân thiện, xanh sạch. Nhiều nước trên thế giới như Anh, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc... đã đón nhận lý thuyết này rất nhiệt tình vì tính nhân văn của nó. Một trong những chủ trương của phê bình sinh thái là: “tiến hành đọc lại các tác phẩm trong quá khứ, tìm ra ý nghĩa sinh thái tiềm ẩn trong đó, tất nhiên, cũng bao hàm việc chỉ ra những hạn chế của nó trong tương quan với chỉnh thể sinh thái. Như vậy, sẽ góp phần bổ sung cho những khuyết thiếu trong lịch sử nghiên cứu văn học nhân loại” [13].

 

Về ý nghĩa của phê bình sinh thái, Vương Nhạc Xuyên đánh giá cao khả năng riêng của các tác phẩm văn học sinh thái trong việc giải quyết các tai nạn toàn cầu: “Theo tôi, cái gọi là văn học sinh thái chủ yếu là chỉ những tác phẩm mẫn cảm góp phần phơi bày nguy cơ sinh thái thế giới hiện đại, phê phán quan điểm giá trị chủ nghĩa nhân loại trung tâm, phản tỉnh đối với nền văn minh hiện đại dẫn đến nguy cơ sinh thái. Văn học sinh thái không coi con người là trung tâm của thế giới tự nhiên, cũng phản đối coi lợi ích của con người là thước đo tuyệt đối phán đoán giá trị tự nhiên” [52].

 

Về một số đặc trưng tiêu biểu của phê bình sinh thái, Grey Garrard trong Phê bình sinh thái (thuật ngữ phê bình mới) (Ecocriticism (The New Critical Idiom) đề cập đến diễn ngôn chủ yếu của phê bình sinh thái từ tám phương diện như: ô nhiễm, nơi chốn, điền viên, hoang dã, tận thế, cư trú, động vật, trái đất. Greg Garrad cho rằng: “Vấn đề môi trường không chỉ cần phân tích từ góc độ khoa học, mà còn cần phân tích từ góc độ văn hóa” [8]. Sứ mệnh của phê bình sinh thái là nghiên cứu tư tưởng, văn hóa, khoa học, phương thức sống và phương thức sản xuất, mô hình phát triển xã hội của con người đã ảnh hưởng như thế nào đến hiện tượng xấu đi của môi trường tự nhiên, đã dẫn đến nguy cơ sinh thái như thế nào. Từ đây có thể thấy, phê bình sinh thái là một khuynh hướng nghiên cứu mang đậm tinh thần phê phán văn hóa. Phê bình sinh thái muốn hướng đến cải cách văn hóa tư tưởng, thúc đẩy cách mạng phương thức sống, phương thức sản xuất, mô hình phát triển, xây dựng văn minh sinh thái. Tuy nhiên, bất kì phương pháp nghiên cứu nào cũng đều có những quy tắc và chuẩn mực nhất định. Để khám phá văn chương qua góc nhìn phê bình sinh thái, trước hết cần phải định giá “lối viết tự nhiên” theo bộ chuẩn quy tắc mà Lawrence Buell đã khảo sát và cung cấp. Theo đó, một tác phẩm được cho là viết theo định hướng môi trường sẽ mang những nội dung chính như sau:

 

“1. Môi trường phi nhân không còn chỉ được nhìn đơn thuần như là một thứ công cụ làm khung nền cho sự xuất hiện của con người, ngược lại, sự hiện diện của nó cho thấy lịch sử nhân loại bao giờ cũng có mối liên hệ chặt chẽ với lịch sử tự nhiên […]

 

2. Mức độ quan tâm của con người đối với môi trường là một phần thuộc giá trị đạo đức của mỗi văn bản. […]

 

3. Theo một nghĩa nào đó, môi trường được nhìn thấy như một quá trình, chứ không phải là một hằng số bất biến hay ít nhất, được cho là một thông

điệp ẩn giấu đằng sau tác phẩm. […]” [19].

 

Bộ chuẩn quy tắc này đã trở thành thước đo giá trị của tác phẩm văn học sinh thái.

 

1.1.2. Lịch sử phê bình sinh thái

 

1.1.2.1. Cội nguồn triết học của phê bình sinh thái

 

Phê bình sinh thái (ecocritisim) còn được gọi bởi những cái tên khác như “phê bình (văn hóa) xanh” (green (cultural) studies), “thi pháp sinh thái” (ecopoetics) hay “phê bình văn học môi trường” (environmental literary criticism). Tên gọi phê bình sinh thái do Wiliam Rueckert sử dụng vào năm 1978 trong khảo luận “Văn học và sinh thái học: một thử nghiệm mới trong phê bình sinh thái” (Literature and Ecology: An Experiment in Ecocritism).

 

Nói đến nguồn gốc tư tưởng của phê bình sinh thái, có thể nhắc đến những sự phản biện của phê bình sinh thái với những lối nhận thức, hay tư tưởng vốn có. Nhận thức về văn hóa sinh thái sau đây đã trở thành khuynh hướng phổ biến trong những năm đầu thế kỉ XXI: “Rất nhiều người phương Tây ngày nay nhận thức được hạn chế (biduan) của phương thức sinh tồn “thục mạng sản xuất, thục mạng tiêu dùng”, trong giai cấp trung tư sản lặng lẽ dấy lên “cuộc sống giản đơn” - chuyển nhà về nông thôn, tự đóng nhà gỗ, không sử dụng quá nhiều máy điện, kiếm “thu nhập” có hạn, ra sức hưởng thụ không khí, ánh nắng trong đại tự nhiên. Các nhà xã hội học cho rằng: “cuộc sống giản đơn quay trở về với cái thuần phác chân chất, về với tự nhiên, “ít chính là nhiều” (less is more), trong thế kỉ XXI phải trở thành không khí phổ biến. Có lẽ cuộc sống giản đơn, tiêu dùng giản đơn cũng chính là cuộc sống mộc mạc cuối đời của Tolstoi có thể sẽ lại thể hiện sức hấp dẫn của tinh thần” [52]. Thêm vào đó, phê bình sinh thái phê bình thư tưởng con người là trung tâm vũ trụ của văn hóa phương Tây. “Phê bình sinh thái ảnh hưởng từ tư tưởng sinh thái học bề sâu (Deep ecology), một triết lí sinh thái và môi trường hiện đại tôn trọng sự tồn tại bình đẳng của tạo vật, mọi sinh vật trong hệ thống khong có loài nào ở thế ưu trội. Tư tưởng này bác bỏ quan niệm “con người là trung tâm” bám rễ sâu trong văn hóa phương Tây” [27].

 

Từ đó, cội nguồn của phê bình sinh thái có thể kể đến là hai luồng tư tưởng tiến bộ của cả phương Tây lẫn phương Đông như sau: Một là tư tưởng chỉnh thể sinh thái của văn hóa phương Tây. “Tư tưởng hạt nhân của phê bình sinh thái là Chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái (ecological holism), có quan niệm hài hòa, tương hỗ, hệ thống của sinh thái học, từ tư tưởng sinh thái của Engels, Darwin, từ triết học sinh thái của Heidergger, từ triết học sinh thái chỉnh thể luận đương đại...” [13]. “Tư tưởng hạt nhân của chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái là coi lợi ích của chỉnh thể của hệ thống sinh thái là giá trị cao nhất; lấy sự có ích hay không có ích đối với việc bảo vệ, duy trì hoàn chỉnh, hài hòa, ổn định, cân bằng sinh hệ thống sinh thái làm thước đo, tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá sự phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế và tiến bộ khoa học kĩ thuật cũng như phương thức sống của nhân loại” [13]. Hai là tư tưởng thiên nhân hợp nhất của văn hóa phương Đông. “Thiên nhân hợp nhất” – tư tưởng Chu Dịch đã trở thành tiền đề cơ bản trong cách ứng xử, nguồn cảm hứng vô tận của văn chương phương Đông” [28]. Lão Tử cho rằng con người gắn chặt với tự nhiên là bộ phận không tách rời tự nhiên, đều do Đạo sinh ra, là biểu hiện của Đạo, do vậy trời đất với ta cùng sinh ra, vạn vật với ta là một. Tự nhiên có trước con người, tồn tại và vận động theo quy luật khách quan, con người theo quy luật của tự nhiên để hành động cho hợp lẽ. Bởi vậy người phương Đông thường lựa chọn cách sống hài hòa với tự nhiên để được thanh thản, đủ đầy. Các anh hùng trong sử thi Ấn Độ (Ramayana, Mahabharata) trước khi lên ngai vàng đều có những chuyến hành hương về với tự nhiên. Trước khi giác ngộ, Phật Tổ đã trải qua nhiều kiếp sống không chỉ là con người, thần linh mà còn là chim chóc, muôn thú để có thể hiểu về cuộc đời của muôn loài bình thường, với đủ loại quan hệ thế tục. Nhà vua Trần Nhân Tông khi đã hoàn thành nhiệm vụ thế sự đã xuất gia vào núi sâu để trong sạch hóa, để giác ngộ thành Phật Hoàng.

 

Phê bình sinh thái còn lấy thẩm mỹ sinh thái làm nguyên tắc mỹ học riêng. Mỹ học sinh thái là thống nhất hài hòa giữa con người và tự nhiên, con người và xã hội, con người và bản thân chứ không phải là con người chiếm hữu, chinh phục và cải tạo tự nhiên. Thẩm mỹ sinh thái là thẩm mỹ mang tính tự nhiên, không phải là sự trừu tượng hóa trên cơ sở kinh nghiệm thẩm mỹ cụ thể. Trong thẩm mỹ sinh thái không tồn tại quan hệ chủ thể - khách thể, con người cảm nhận tự nhiên, thiết lập quan hệ chủ thể tương giao với đối tượng thẩm mỹ. Thẩm mỹ sinh thái còn đề cao nguyên tắc dung nhập. Đó là nguyên tắc cho phép các yếu tố tưởng chừng như vốn dĩ tách biệt lại có thể dung hòa, đan xen vào nhau, hòa vào nhau làm một. Quên đi bản ngã để cảm nhận tự nhiên chính là một phương thức của thẩm mỹ sinh thái.

 

1.1.2.2. Sự phát triển của phê bình sinh thái

 

Trên thế giới, tuy chưa thành phong trào thống nhất nhưng phê bình sinh thái bắt đầu xuất hiện vào những năm 1960 và 1970 cùng với các tác phẩm của các nhà phê bình sinh thái. Tác phẩm Bi kịch của sự sống sót (The Comedy of Survial, 1974) của Joseph Mecker đã đưa ra một vấn đề mà sau này trở thành nòng cốt của triết học phê bình sinh thái và môi trường, trong đó có luận điểm cuộc khủng hoảng môi sinh chủ yếu bắt nguồn từ truyền thống văn hóa phương Tây vốn chia tách văn hóa ra khỏi tự nhiên và dành cho văn hóa thế ưu trội; thuyết loài người là trung tâm (anthropocentrism) đã tồn tại một cách lâu bền trong văn hóa phương Tây mà bỏ qua lợi ích của môi trường.

 

Từ năm 1985, phê bình sinh thái bắt đầu trở thành phong trào mạnh mẽ, thống nhất. Phong trào này được định hướng bởi người tiên phong là Cheryll Glotfelty cùng cộng sự là Harold Fromm. Họ đã chung tay biên tập tác phẩm có tên là Tuyển tập Phê bình sinh thái: Các mốc quan trọng trong Sinh thái học Văn học (The Ecocriticism Reader: Landmarks in Literary Ecology, University of Georgia Press, 1996). Cheryll Glotfelty đã sáng lập ra Hiệp hội Nghiên cứu Văn học và Môi trường (the Association for the Study of Literature and Environment – ASLE) năm 1992. Và ASLE đã có một tờ báo riêng là Nghiên cứu Liên ngành Văn học và Môi trường (Interdisciplinary Studies in Literature and Environment – ISLE) năm 1993. Hội trưởng đầu tiên của ASLE là Scott Slovic. Là một trong những người có nhiều thành tựu nghiên cứu về phê bình sinh thái, Scott Slovic bắt đầu tiếp cận phê bình sinh thái năm 1989. Đến năm 1992, ông xuất bản chuyên luận Tìm kiếm ý thức sinh thái trong sách viết về tự nhiên (Seeking Awareness on America Nature writing), ảnh hưởng rất lớn ở Mĩ. Trong cuốn sách này, ông nghiên cứu các nhà văn sinh thái nổi tiếng như Annie, Edward, Abbey, Wedell Bery, Bary Lopez. Ông chú ý đến những sách viết về tự nhiên và nguyên nhân tâm lí của văn học sinh thái, đồng thời cũng quan tâm đến cơ chế bên trong của giao lưu giữa con người và tự nhiên.

 

Từ những cơ sở đầu tiên về nhân sự, tổ chức và tư tưởng như vậy, phê bình sinh thái dần trở thành một khuynh hướng có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn học hiện nay của thế giới.

 

1.1.3. Phê bình sinh thái trong văn học Việt Nam hiện đại

 

Có thể không còn gì xa lạ trong nền văn học đương đại thế giới, nhưng ở Việt Nam phê bình sinh thái là một trong những thuật ngữ và hiện tượng mới mẻ. “Ở Việt Nam, một điều lạ lùng là sau đổi mới, giới nghiên cứu văn học khá cởi mở trong việc tiếp thu, giới thiệu các lí thuyết văn học phương Tây hiện đương đại, nhưng lại rất thận trọng đối với phê bình sinh thái” [13].

 

Trong đời sống văn học thực tế, những nhà văn nhà thơ Việt Nam hiện đại chưa thực sự có một ý thức rõ ràng trong việc khai thác yếu tố thiên nhiên, mối quan hệ giữa con người và tự nhiên để đưa vào những tác phẩm văn học theo đúng tinh thần của phê bình sinh thái. “Văn học Việt Nam sau năm 1975 mải mê với hiện thực cõi nhân sinh với những đề tài thời sự: phơi bày những mặt trái của hiện thực, phê phán xã hội, tính dục... khiến cho tinh thần sinh thái văn học có nguy cơ xuống dốc. Dường như “ít có bóng cây cỏ trên đường đi của lũ nhân vật” (Cây Hà Nội Nguyễn Tuân). Con người đã bỏ rơi thiên nhiên. Sự thiếu văn tự nhiên khiến cho môi trường văn học trở nên khô khan, ngột ngạt bởi những toan tính, lừa lọc, xảo trá của đời sống cuống quýt, vội vã. Nghệ thuật phải thông qua miêu tả mối quan hệ giữa con người và tự nhiên để tạo nên sức hút, sức sống” [27].

 

Tuy nhiên, văn học Việt Nam hiện đại vẫn có những tác phẩm có khuynh hướng phê bình sinh thái như Sống mãi với cây xanh (Nguyễn Minh Châu); Muối của rừng (Nguyễn Huy Thiệp), Cánh đồng bất tận, Khói trời lộng lẫy, Nước như nước mắt (Nguyễn Ngọc Tư), Thập giá giữa rừng sâu (Nguyễn Khắc Phê), Chuyến đi sắn cuối cùng (Sương Nguyệt Minh)... đã có ý tưởng sinh thái và đã rung lên những hồi chuông về sự khủng hoảng môi trường, những nỗi đau, niềm tuyệt vọng trước cái mong manh của sự cân bằng tạo hóa và cắt nghĩa căn nguyên của những thảm họa sinh thái.

 

1.2. Hành trình sáng tạo của nhà thơ Mai Văn Phấn

 

1.2.1. Thơ Mai Văn Phấn trong dòng chảy thi ca Việt Nam đương đại

 

Văn học đương đại Việt Nam nói chung và thi ca Việt Nam đương đại nói riêng có diện mạo chưa hoàn chỉnh, song cũng đã có những đường nét khuynh hướng định hình. Thơ Việt Nam sau năm 1975 có tính đa dạng, phong phú của đối tượng, của sự nở rộ phong cách sáng tác của những nhà thơ khiến cho sự nhìn nhận đánh giá phải vừa có tính bao quát vừa có tính cụ thể. Rõ ràng là sự xuất hiện và định danh của rất nhiều những nhà thơ hiện đại đã làm nên khuôn mặt của thơ ca đương đại Việt Nam, nhưng cũng chính do vậy mà diện mạo ấy vẫn chưa hoàn thiện, bởi còn sự vận động và thay đổi. Sự sắp xếp, đánh giá các tác giả, tác phẩm vào một khuynh hướng nhất định luôn ẩn chứa sự khiên cưỡng. Bởi vậy mọi sự xác lập khuynh hướng sáng tác cho các tác giả chỉ là mang tính tương đối. Nhiều nghiên cứu, thẩm định văn học, thơ ca cho rằng nền thơ ca đương đại Việt Nam đương có ba khuynh hướng cơ bản. Một là khuynh hướng bảo tồn các giá trị cơ bản của thơ ca truyền thống. Khuynh hướng thơ ca này bảo tồn các giá trị truyền thống về hình thức thơ ca như các thể thơ, các hình ảnh thường dùng, những ngôn ngữ giản dị, thân thuộc... trên cơ sở đó bảo tồn và truyền tải những nội dung thông điệp mang tính bất biến của đời sống tình cảm con người. Hầu hết các nhà thơ đi theo khuynh hướng này là các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Có thể kể đến những tên tuổi lớn ấy như là Xuân Quỳnh, Đoàn Thị Lam Luyến, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Nhuận Minh, Lê Thị Mây, Diệp Minh Tuyền, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Ý Nhi, Vũ Quần Phương, Trương Nam Hương, Lê Đình Cánh, Vũ Thị Khương, Huy Trụ, Vân Long, Chu Thị Thơm,… Hai là khuynh hướng cách tân khám phá. Khuynh hướng này lại có thể chia ra thành hai chi lưu: cách tân nội dung thể tài và cách tân hình thức thể loại. Cách tân nội dung thể tài biểu hiện rõ nhất trong việc các thi sĩ đương đại tìm kiếm một nguồn sống mới, khai thác sâu hơn vào những tầng vỉa của đời sống tâm linh, vô thức, những ẩn ức khuất chìm trong vùng tối của bản năng sống, bản năng người, như là ý thức phản tư, tâm linh, tính dục, nữ quyền, ngoại vi, bên lề, bề trái, thiểu số,… Đó là thơ của Phạm Thị Ngọc Liên, Dư Thị Hoàn, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Dạ Thảo Phương, Phan Huyền Thư, Lynh Bacardi, Khương Hà, Thanh Xuân, Nguyệt Phạm, Phương Lan, Vi Thuỳ Linh,… Cách tân về hình thức ngôn ngữ thơ dựa trên tư duy đồng nhất thơ và chữ, làm thơ là làm chữ (Trần Dần). Âm, hình, tự dạng, màu sắc, cách thức bày bố, thể hiện chữ được triệt để khai thác, vượt qua những lớp nghĩa tự vị, tiêu dùng để phát sinh năng lượng thi tính mới. Các nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ này là Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường, Đặng Đình Hưng, Hoàng Hưng, Đoàn Văn Chúc, Từ Huy... Ba là khuynh hướng song hành giữa sự bảo tồn truyền thống và các tân thơ ca Việt. “Sự cách tân trên cơ sở kế thừa và phát huy các ưu thế của truyền thống thơ trữ tình Việt Nam có thể thấy hiện rõ trong những sáng tác của Trương Đăng Dung, những dự cảm giai đoạn đầu hay sự trở về mới mẻ của Mai Văn Phấn thời gian gần đây, cách làm mới lục bát của Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Văn Công Hùng, Đinh Nam Khương, Nguyễn Việt Chiến, Miên Di, Nguyễn Thế Hoàng Linh…” [7].

 

Trong dòng chảy thơ ca Việt Nam đương đại ấy, Mai Văn Phấn đã định hình được tên tuổi và vị trí của mình một cách rất rõ ràng. Mai Văn Phấn là một trong số ít nhà thơ có hành trình thơ liên tục đổi mới, chiêm nghiệm, tìm tòi, khám phá, thể nghiệm trong đời sống thơ Việt Nam đương đại. Sự tự đổi mới bản thân trong thơ Mai Văn Phấn thể hiện qua cả nội dung và nghệ thuật thơ. Về thể loại, Mai Văn Phấn đã thể nghiệm trên hầu hết tất cả các thể loại thơ ca truyền thống và đều đạt được những thành quả khả quan. Ngay trong việc bảo tồn các giá trị thơ ca truyền thống, Mai Văn Phấn cũng thể hiện tư duy, khát vọng cách tân rõ ràng. Có thể kể đến biểu hiện ấy qua lối thơ lục bát cách điệu (6/6/8/8) của tác giả:

 

Em lần theo bóng mây trôi

Thấm qua sóng lá vô hồi

Đằm vào anh tiếng chim đôi bất ngờ

Làm vang lên những dây tơ vừa chùng

Nhoà tan anh với mông lung

Em là giếng gió trong lòng

Nhấn chìm anh thoắt đã không còn gì

Hư vô thành thật cũng vì yêu em

(Em xa)

 

Về chủ đề, thơ Mai Văn Phấn đã thể hiện được hầu hết những suy tư tình cảm phong phú, đa dạng trong đời sống của xã hội con người đương đại từ nỗi âu lo, oài nghi, bi quan, khổ đau, hạnh phúc, tin tưởng, khát vọng, với các vấn đề tâm linh, tôn giáo, tình yêu, sự tha hoá, môi trường, nông thôn, đô thị, hậu chiến, tha hương, trở về,… đến những cảm quan về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Về quan điểm cái đẹp, thơ Mai Văn Phấn đã khám phá cái đẹp trong nhiều không gian và các mối tương quan: cái cao cả, cái bi hài, cái khác biệt, sự tương đồng, trong thâm tâm con người, trong sự biểu hiện của tự nhiên, trong chiều sâu tư duy lịch sử, hiện tại, tương lai... Người ta đánh giá nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn mang đặc trưng của văn học tiền hiện đại và hậu hiện đại khá rõ ràng. Về tư duy nghệ thuật, thơ Mai Văn Phấn có sự rõ ràng, mạnh mẽ trong việc xác định đường lối cách tân, cảm quan thẩm mỹ, dám tiên phong và dám thể hiện bản thân.

 

So với những tác giả đương thời, thơ Mai Văn Phấn rõ ràng là một phong cách riêng không trộn lẫn. Nhịp điệu thơ Mai Văn Phấn mang phong thái sự sống, lặng lẽ, nhuần nhị hơn Nguyễn Quang Thiều, cẩn thận, lịch lãm hơn Đồng Đức Bốn, và mau lẹ, gấp rút hơn Thanh thảo, trẻ trung hơn Nguyễn Duy, nhưng sành điệu lại chưa đạt đến độ như các thi sĩ trẻ... Ở nhiều phương diện khác, Mai Văn Phấn có sự vận động nhanh hơn, rõ ràng hơn sự vận động thơ Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thị Hồng Ngát... Nghĩa là Mai Văn Phấn đã đi từ khuynh hướng truyền thống sang khuynh hướng cách tân và từ đó đang cố gắng song hành cùng hai khuynh hướng này.

 

Thơ Việt Nam sau 1975 đang lâm vào khủng hoảng. Câu chuyện đó hẳn không còn mới mẻ, nhưng dường như có ít người - thi sĩ để tâm đến sự bất ổn đó, chưa nói đến việc kháng cự hay thay đổi. Điều đáng quý nhất ở Mai Văn Phấn chính là từ sự nhạy cảm nhận ra bất ổn, khủng hoảng đến hành vi chống lại khủng hoảng diễn ra liên tục. Điều này đồng nghĩa với việc không chấp nhận một sự thoả hiệp hay ngủ yên trong tự mãn. Biểu hiện rõ nhất cho động thái này chính là Mai Văn Phấn nhận diện những bất ổn đẩy nền thơ vào khủng hoảng. Dọc hành trình thơ từ Giọt nắng (1992) đến Vừa sinh ra ở đó (2013), luôn thấy trong thơ Mai Văn Phấn những hoài nghi, âu lo, sợ hãi, hoang mang. Đó là cảm thức đầu tiên khi chạm mặt cái im lặng tù đọng, cái yên ổn đông cứng, phải hoài nghi mới đặt ra phản nghiệm.

 

1.2.2. Những chặng đường sáng tạo

 

1.2.1.1. Giai đoạn từ khởi nghiệp đến năm 1995

 

Các tác phẩm của Mai Văn Phấn ở giai đoạn này chủ yếu nằm trong hai tập thơ Giọt nắng (thơ, 1992), Gọi xanh (thơ, 1995). Tên tuổi của ông bước đầu được khẳng định bằng các giải thưởng: giải nhất văn nghệ thành phố Hải Phòng với bài thơ Thuốc đắng (1991), giải nhì của báo Người Hà Nội với bài Nghi Tàm (1994), báo Văn nghệ với chùm hai bài thơ Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc Nhật kí đô thị hóa (1995).

 

Những sáng tác của Mai Văn Phấn trong giai đoạn đầu thường mang đậm ảnh hưởng của thơ ca truyền thống từ hình ảnh, nhịp điệu, thể thơ, kết cấu bài thơ… đến những ý tưởng trong thơ. Tuy nhiên, Mai Văn Phấn vẫn thể hiện sự chủ động, sáng tạo, khám phá để đem đến cho người đọc những câu thơ hay, hình ảnh độc đáo, giá trị, những ý tưởng sâu sắc, mang đậm dấu ấn tư duy riêng của nhà thơ… Trong thể thơ lục bát rất truyền thống của văn học Việt Nam, Mai Văn Phấn đã đem vào đó những cách thể hiện mới về những ý tưởng mới. Mai Văn Phấn đã đưa những ý tưởng mang tính triết học vào trong những vần thơ lục bát du dương, uyển chuyển. Đây là một điểm chúng ta cần lưu tâm về thơ của Mai Văn Phấn trong giai đoạn này và trong giai đoạn về sau nữa.

 

Thơ Mai Văn Phấn giai đoạn đầu trong hình thức của những bài thơ rất đỗi quen thuộc như thể thơ bảy chữ nhưng lại truyền tải những ý niệm mới mẻ về sự sống. Đó là sự sống tuần hoàn, trỗi dậy, quật khởi. Nhà thơ dùng chuỗi hình ảnh tán lá xanh lá rụng, con thuyền úp con thuyền lật mình để truyền tải ý niệm trên:

 

Tán lá hiện ngôi nhà bình yên

Phía sau nằm úp một con thuyền

Lá rụng khi dòng xanh tưởng cạn

Con thuyền phía ấy lật mình lên

(Chiếc lá)

 

Trong những nhịp điệu thơ lạ, những hình ảnh độc đáo và lối liên tưởng đặc sắc, thơ Mai Văn Phấn thời kỳ này có nhiều những chiêm nghiệm rất hay về cuộc sống. Đó có thể là chiêm nghiệm về tuổi thơ qua một cánh chim trời, lướt ngang qua ánh mắt nhà thơ khiến nhà thơ cảm nhận nó như một que diêm quệt lửa vào ký ức tuổi thơ của tác giả:

 

Bất chợt vệt cánh chim bay qua

Hay quanh quất bóng mình sót lại

Cánh chim tựa que diêm quệt vào ngây dại
Ngọn lửa thiên thần nào có thể bén vào tôi

(Cánh chim bay qua)

 

Cuối giai đoạn thứ nhất, thơ Mai Văn Phấn bắt đầu có sự chuyển biến. Nhà thơ như bắt đầu vào cuộc lột xác, hình thức thơ, ý tưởng thơ có bước chuyển mình đầy phóng khoáng, tự do. Trong thơ Mai Văn Phấn lúc này, những hình ảnh như trái đất, mùa thu, phù sa, mùa xuân... được đưa vào bằng một lối cảm nhận mới.

 

Thơ Mai Văn Phấn ngay từ ban đầu đã muốn truyền tải khát vọng sống, khát vọng dâng hiến, tìm tòi, sáng tạo. Đó là ý niệm thường trực trong mỗi bài thơ, nhờ vậy những bài thơ mang hình thức thơ rất truyền thống lại có thể truyền tải một thông điệp mới mẻ.

 

1.2.1.2. Giai đoạn từ 1995 đến 2000

 

Giai đoạn từ 1995 đến 2000 là giai đoạn thơ thứ hai trên lộ trình thơ Mai Văn Phấn với hai tập thơ Cầu nguyện ban mai (1997), Nghi lễ nhận tên (1999) và trường ca Người cùng thời (1999). Ở giai đoạn này, thơ Mai Văn Phấn như lột xác về nội dung, tư tưởng cũng như hình thức thể hiện, về cảm hứng và về thi pháp.

 

Trong giai đoạn này, trường ca Người cùng thời thể hiện rất rõ đặc trưng thơ ca của Mai Văn Phấn. Những hình thức thơ Mai Văn Phấn đã thể hiện trong thời kỳ trước hay những cách tân sáng tạo của nhà thơ trong giai đoạn này đều xuất hiện trong trường ca Người cùng thời. Trường ca này chứa đựng tất cả các hình thức thơ anh đã sáng tác trước đó, đồng thời cũng xuất hiện ở một số chương những hình thức thơ mới, những cấu trúc câu, nhịp điệu, ý tưởng khác biệt, những kết cấu mảng khối bị phá vỡ... Có những chương mà hình thức thơ là những từ nối tiếp không có dấu chấm, phảy, xuống hàng, duy nhất còn lại là những ký tự vang lên như những câu hỏi mang theo thách thức. Trường ca gồm 10 chương, chương I: Nhóm lửa, đến Chương X: Phía trước bàn chân. Phần giữa có 3 chương với tiêu đề: Cộng hưởng I, Cộng hưởng II Cộng hưởng III làm thành những trụ cột của ngôi nhà Người cùng thời. Mỗi chương của trường ca được nhà thơ triển khai theo những mạch vỉa trong không gian và thời gian được dịch chuyển biên độ rộng lớn. Những vỉa mạch nổi bật như tôi vừa nêu được nhà thơ chú tâm dùng những hình ảnh và liên tưởng khoáng đạt, ý tưởng hướng tới một tương lai khả định dựng lên một cảnh tượng mang tính hiện thực hoành tráng, lý tưởng đã khép lại trường ca này. Đây là một ý đồ mới mẻ của tác giả trong trường ca này. Trong chương cuối của trường ca, nhà thơ đã dựng lên những ý tưởng chủ đạo. Đó là tuyên ngôn nghệ thuật, là suy ngẫm về nguồn cội, về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên.

 

Nhà thơ Lê Xuân Đố khẳng định thơ Mai Văn Phấn giai đoạn này “bứt phá cách tân thi pháp với nhiều cách nói và mở rộng biên độ thơ biểu hiện nhiều vấn đề của thời cuộc, bản tính con người hiện đại và phát hiện những nét đẹp tiềm ẩn của tình yêu, đời sống” [20]. Cùng với ý thức cách tân thi pháp, Mai Văn Phấn khao khát nhận thức hiện thực ở “bề sâu, bề sau, bề xa” của nó. Mang đậm dấu ấn hiện đại chủ nghĩa, thơ ông giờ đây chỉ là những Dàn ý hay Bài tập mùa xuân, hoặc những ý tưởng bất chợt “đến trong ý nghĩ”. Những câu chữ bề bộn, phá vỡ ranh giới thơ và văn xuôi, không hề có dấu câu, miên man như “những ý nghĩ không sắp đặt”, “không quán tính”, “đảo lộn mọi quy ước phổ thông”. Điều này được chứng minh qua các bài thơ: Mười bài tập mùa xuân, Mail cho em, Những ý nghĩ không sắp đặt, Dừng lại, Di chứng, Niệm khúc số 18,…

 

1.2.1.3. Giai đoạn từ năm 2000 đến nay

 

Từ 2000 đến nay, Mai Văn Phấn đã khẳng định sức sáng tạo dồi dào qua hàng loạt tập thơ: Vách nước (2003), Hôm sau (2009), và đột nhiên gió thổi (2009), Bầu trời không mái che (2010), Vừa sinh ra ở đó (2013),…

 

Giai đoạn thơ thứ ba này của Mai Văn Phấn được đánh giá là giai đoạn cách tân, sáng tạo đầy tự tin của Mai Văn Phấn. Sự cách tân sáng tạo không dừng lại ở hình thức thơ, không chỉ dừng lại ở chất liệu hiện thực được đem vào thơ, không dừng lại ở những ý tưởng mới, cách suy luận mới, mà còn vươn tới sự cách tân về lối thơ, phong cách thơ. Tác giả Dương Kiều Minh nói về thơ Mai Văn Phấn trong giai đoạn thứ ba này: “Quả thật, thực hiện cuộc cách tân này của Mai Văn Phấn trong bối cảnh sáng tác thơ ca của nước ta như hiện nay, là một hành động dũng mãnh phi thường. Tôi mường tượng thấy thơ ca Mai Văn Phấn như con tuấn mã đang lao đi vun vút như tên bắn, hai bên sườn gió thổi ù ù. Phía trước là chân trời, là đồng cỏ và trời xanh vô tận. Cuộc kiếm tìm hay là sự rượt đuổi ráo riết? Số phận ư? Khát vọng ư? Và những câu hỏi cứ được sinh ra tiếp nối sau những câu thơ của Mai Văn Phấn” [23].

 

Những sáng tác của Mai Văn Phấn trong giai đoạn mới mang tính cách tân rất cao độ. Sự cách tân ấy được định hướng bởi lí trí “tỉnh táo tột cùng” như nhà thơ đã viết trong một bài thơ cùng tên. Rõ ràng, Mai Văn Phấn đã rất tự tin cách tân bởi vì ông đã có một cương lĩnh thơ ca mạch lạc, cụ thể. Sự cách tân như vậy là sự cách tân có ý thức, có mục tiêu và có lý tưởng.

 

“Chỉ khi một cánh chim hay tia sáng ngôi sao vô tình nào bỗng xuyên thủng lớp vỏ kia bí ẩn, hay hạt giống được chạm vào dịu nhẹ ngón tay của mưa xuân, mọi trật tự và quan niệm sẽ khác.” (Giải pháp)

 

Đó là một đoạn thơ mà nội dung không chỉ nói về sự tương tác và sinh trưởng của hạt giống, mà còn là một quan niệm thơ ca của Mai Văn Phấn: Khi mà tâm hồn nhà thơ giao hòa với mọi biến động dù là đơn giản nhất của tạo hóa, thiên nhiên thì thơ ca của họ sẽ là kết quả của một sự cách tân đẹp đẽ. Còn có nhiều câu thơ mà nhà thơ ẩn ý về sự cách tân có ý thức trong thơ mình như: “Từ một điểm bất kỳ tới chỗ con mèo chơi với miếng giẻ lau là đường chân trời. Mặt đất đang dần co lại. Vòm thời gian cong quá sẽ vỡ (…). Nơi mũi tên rơi, mặt đất rung lên đẩy ta tới một đích khác” (Vòng cung thời gian). Sự cách tân nghệ thuật suy cho cùng là sự cách tân về tư duy nghệ thuật, là sự đổi mới về trật tự tư duy trong đầu óc cũng như trên trang giấy: “Biết ai vừa nảy ra ý định xếp tất cả những suy tư kia thành đồ chơi” (Những ý nghĩ không sắp đặt).

 

Sự liên tưởng phóng khoáng của tưởng tượng tạo nên sức quyến rũ và ngoạn mục của hình ảnh, ngôn từ, biên giới của những không gian, thời gian thơ được nới đẩy hết kích cỡ. Thơ Mai Văn Phấn là cuộc tổng diễn tập lớn với những bài thơ phóng ra những ý tưởng, hình ảnh khoáng hoạt, cường tráng và mạnh mẽ. Sự mạnh mẽ của nội lực các câu thơ đã xé rách, lướt qua những tấm mạng vô hình của những thói quen cũ.

 

Để biểu đạt nhịp sống sôi động, phong phú, phức hợp của đời sống hiện đại, Mai Văn Phấn đã sớm khai thác có chọn lọc những hình thức nghệ thuật thi ca tiên tiến. Do vậy, đời sống phồn tạp hiện lên trong thơ anh với nhiều góc nhìn, giúp ta nhận chân sự thật đầy đủ nhất, ngoài ra còn mang giá trị tiên tri, dự báo. Hình thức thơ mới này đã tiếp cận đời sống, sự vật bằng một trực giác vô cùng mạnh mẽ. Nó trực tiếp xuyên thấu sự vật, hiện tượng để gọi ra đúng bản chất của chúng.

 

Ba chặng đường sáng tác của Mai Văn Phấn cho thấy rõ sự trưởng thành trong sáng tạo nghệ thuật của ông. Từ chỗ nghiêng về truyền thống, chưa tạo được dấu ấn đến bứt phá mạnh mẽ và gặt hái được nhiều thành công. Qua thời gian, Mai Văn Phấn thể hiện độ chín trong ngòi bút, những nỗ lực cách tân đáng khâm phục để tạo dựng một phong cách riêng trong thơ Việt Nam đương đại.

 

1.2.3. Quan niệm nghệ thuật

 

Quan niệm về nghệ thuật được Mai Văn Phấn thể hiện trực tiếp qua các tiểu luận văn học, trả lời phỏng vấn hoặc bộc lộ gián tiếp qua các sáng tác thơ. Với ông, chức năng của thơ ca hướng con người đến với cái đẹp. Sứ mệnh cao cả của nó là cứu rỗi con người và thế giới. “Cốt cách thi sĩ” là điều quan trọng hơn cả. Theo ông, một bài thơ hay thường bất ngờ, tìm không dễ thấy. Thơ ca càng sáng tạo, càng biến ảo bao nhiêu lại càng đem lại sự chân thực bấy nhiêu. Sáng tạo thơ ca là quá trình vượt thoát khỏi cá tính, là những cuộc “vong thân”. Đó là một cuộc vượt thoát chính bản thân mình, tự phủ định những cái đã làm, phải coi cái mình đã viết là cái đã cũ thì mới mong đạt đến đỉnh cao trong nghệ thuật. Nhà thơ cũng kêu gọi khả năng “đồng sáng tạo” ở độc giả. Ông quan niệm, hiện thực trong thơ là một siêu hiện thực, hiện thực khách quan đã được khúc xạ qua lăng kính chủ quan của nhà thơ. Và cách mạng thi ca cần phải gắn liền với việc sáng tạo những hình thức mới để dung chứa một nội dung mới.

 

Mai Văn Phấn nhìn nhận và thể hiện thế giới trong trạng thái phồn sinh và hóa sinh bất định. Thế giới trong thơ Mai Văn Phấn là thế giới đa dạng, phong phú, đa chiều, đa lớp, đầy sức sống. “Đọc thơ Mai Văn Phấn thấy sự có mặt của rất nhiều không gian. Phấn chơi không gian. Đó là không gian cánh đồng. Không gian phố phường. Không gian dòng sông. Không gian căn phòng. Cụ thể hơn, đó là các phối cảnh với cơ man những dòng sông, cơn mưa, ban mai, bóng tối, ánh trăng, cây cối, hoa cỏ, đất đai, con đường, bầu trời, đám mây, trẻ con, người tình… Kể cả những không gian giấc mơ, không gian ảo giác đầy mộng mị, hư biến, kỳ ảo, siêu thực với những bóng người, bóng ma, nội thất, đồ vật, con vật… nhiều loại” [6]. Trong thế giới thơ đó, Mai Văn Phấn có lẽ đã thực hiện nguyên lý cơ bản của vũ trụ phương Đông, đó là thiên nhân hợp nhất, trời với người hòa làm một. Đây là một quan điểm triết học trong thơ và một cách ứng xử văn hóa của Mai Văn Phấn. Không chỉ là sự phồn vinh, thế giới thơ Mai Văn Phấn còn là sự sống sinh nở dồi dào. Nhà thơ tìm kiếm và thể hiện trạng thái, sinh nở, mang thai thậm chí làm tình của vạn vật tạo hóa, trong sự tìm kiếm thể hiện ấy, cái đẹp bao giờ cũng được nhà thơ phát hiện ra rồi nói cùng bạn đọc. Nhà thơ thường viết về ban mai, ban mai là sự khởi đầu của một ngày, khởi đầu sự sống, đánh thức và bừng tỉnh, vạn vật và con người được hoàn nguyên trong trạng thái khởi đầu, thanh khiết, tinh khôi. Đây cũng được xem là quy luật biểu hiện sự sinh sôi nảy nở trong thơ Mai Văn Phấn.

 

Sự sống trong thế giới thơ Mai Văn Phấn còn được biểu hiện ở sự hóa sinh bất định. Có lúc nhà thơ miêu tả một thế giới đang bị hủy diệt, phân rã; đôi khi nhà thơ nói về cái chết chóc của thiên nhiên, con người; nhưng điều quan trọng là trong khi nói về những thứ đó, Mai Văn Phấn muốn gửi gắm suy tư rằng tất cả sự chết chóc, sự phá hủy chỉ là sự khởi đầu của một quá trình mới, một vòng tuần hoàn mới, mà chúng ta có thể gọi là sự hóa sinh bất định.

 

“Thơ Mai Văn Phấn khuyến dụ con người hy vọng vào sự sống bất tử nhờ lẽ hóa sinh mầu nhiệm - một nguyên lý tinh thần nằm ngoài tầm kiểm soát của lý trí/ ý chí con người” [6]. Quan niệm mỹ học này chi phối thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn.

 

Có thể nói, Mai Văn Phấn là một nhà thơ luôn có ý thức đổi mới thi ca, phương pháp sáng tác. Những quan niệm về nghệ thuật cũng như nhận thức sứ mệnh của người nghệ sĩ đã phản ánh phần nào phẩm chất cũng như phong cách riêng của nhà thơ trong dòng chảy thơ đương đại.

 

TIỂU KẾT CHƯƠNG 1

 

Với nhiệm vụ trình bày cơ sở lý luận cho luận văn, Chương 1 tìm lời giải cho hai vấn đề chính, đó là quan niệm về phê bình sinh thái và khái quát về sự nghiệp thơ ca của Mai Văn Phấn. Phê bình sinh thái không mới trong đời sống văn học thế giới, nhưng còn xa lạ với văn học Việt Nam. Sự ra đời của phê bình sinh thái dường như là tiếng nói phê bình, phản đối hệ quả của văn hóa phương Tây về việc cho rằng con người là trung tâm của đời sống và văn học. Phê bình sinh thái muốn lật lại vấn đề không phải con người mà thiên nhiên mới chính là trung tâm của thế giới hiện tồn cũng như thế giới nghệ thuật. Phê bình sinh thái phân tích mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người trong văn học nghệ thuật từ đó mà đưa ra các đánh giá, nhận xét và định hướng. Nền tảng triết học của phê bình sinh thái là những tư tưởng tiến bộ về chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái phương Tây và tư tưởng thiên nhân hợp nhất trong văn hóa phương Đông. Trong văn học đương đại Việt Nam nói chung và thơ ca đương đại Việt Nam nói riêng, Mai Văn Phấn là một nhà thơ hiện đại. Đây là nhà thơ năng nổ, xông xáo trong tìm tòi, sáng tạo, cách tân. Thơ ông đã trải qua ba giai đoạn trong suốt những năm 1992 đến nay. Thơ ông ca ngợi sự phồn sinh và hóa sinh bất định của thế giới, từ đó nói lên tâm tư tình cảm, khát vọng và hy vọng của con người. Mai Văn Phấn đã định hình vị trí của bản thân một cách rõ ràng trong nền thi ca Việt Nam đương đại.






Chương 2

 

SINH THÁI TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN QUA CÁC BIỂU TƯỢNG CƠ BẢN

 

 

2.1. Khái niệm “biểu tượng”

 

Theo Từ điển Tiếng Việt do GS Hoàng Phê chủ biên, “biểu tượng” là hình ảnh tượng trưng, là hình ảnh của nhận thức, cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc khi tác dụng của sự vật vào giác quan đã chấm dứt.

 

Từ điển thuật ngữ văn học của nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi cũng định nghĩa “biểu tượng là khái niệm chỉ một giai đoạn, một hình thức của nhận thức cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc sau khi tác động của sự vật vào giác quan ta đã chấm dứt”.

 

Vũ Dũng trong Từ điển tâm lí học giải thích “biểu tượng là hình ảnh các vật thể, cảnh tượng và sự kiện xuất hiện trên cơ sở nhớ lại hay tưởng tượng. Khác với tri giác, biểu tượng có thể mang tính khái quát. Nếu tri giác chỉ liên quan đến hiện tại, thì biểu tượng liên quan đến quá khứ và tương lai”.

 

Như vậy, có thể hiểu, trong văn học, “biểu tượng” là những hình ảnh sự vật cụ thể cảm tính bao hàm trong nó nhiều ý nghĩa gây được ấn tượng sâu sắc đối với người đọc. Biểu tượng nghệ thuật được coi là kí hiệu thẩm mĩ đa nghĩa bao gồm cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Nó chính là sự mã hóa cảm xúc, ý tưởng của nhà văn, là một sáng tạo nghệ thuật. Biểu tượng trở thành phương tiện diễn đạt cô đọng, hàm súc, có sức khai mở rất lớn trong sự tiếp nhận của độc giả. Những tác phẩm sử dụng nhiều biểu tượng thể hiện sự chối từ cách viết trực tiếp giãi bày tâm tư tình cảm của người viết.

 

Biểu tượng nghệ thuật phản chiếu hiện thực khách quan, thể hiện khả năng cắt nghĩa đời sống từ cái nhìn văn hóa của nhà văn; kết tinh bản sắc văn hóa, suy nghĩ, quan niệm của dân tộc; mang dấu ấn của thời đại, khuynh hướng văn học một cách sâu sắc. Nhà văn có thể dùng những biểu tượng trong đời sống đặt nó vào trong một chỉnh thể mới, cấp cho nó những quan hệ mới để không những chuyển cảm xúc tư tưởng của mình vào trong nó mà còn tạo cơ hội để nó có thể mang thêm ý nghĩa. Mỗi thời đại có một khuynh hướng xây dựng biểu tượng riêng và mỗi nhà văn cũng có những hứng thú riêng trong việc xây dựng biểu tượng nghệ thuật.

 

Biểu tượng là phương thức tư duy nghệ thuật của nhà văn. Việc nghiên cứu, khám phá, giải mã biểu tượng giúp ta hiểu sâu hơn bản chất sáng tạo nghệ thuật, góp phần triển khai them hướng nghiên cứu thi pháp hình tượng, đem lại những khám phá mới mẻ và lí giải quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ.

 

2.2. Sinh thái trong thơ Mai Văn Phấn qua các biểu tượng cơ bản

 

2.2.1. Hệ biểu tượng về bầu trời

 

2.2.1.1. Biểu tượng ánh sáng

 

Nếu nhà phê bình văn học Văn Giá thấy rằng trong rất nhiều thi ảnh bề bộn của thơ Mai Văn Phấn có ba hình ảnh cô đọng và tiêu biểu nhất là “Đất đai, Ánh sáng và Người tình” thì Phạm Xuân Nguyên lại phát hiện ra trong thơ Mai Văn Phấn có rất nhiều “ban mai” và “ngọn lửa”. Ánh sáng và những biến thể khác của nó như mặt trời, vầng trăng, tia nắng, ban mai, ngọn lửa xuất hiện với tần số lớn trong thơ ông: ánh sáng (355 lần), ban mai (92 lần), ngọn lửa (74 lần). Chỉ riêng trong hai tập thơ “Vừa sinh ra ở đó” và “Thơ tuyển Mai Văn Phấn” biểu tượng ánh sáng xuất hiện 56 lần. Với tần số xuất hiện dày đặc như thế ánh sáng trong thơ ông biểu trưng cho điều gì? Có thể nói, Mai Văn Phấn liên tục tạo ra những cấu trúc mới cho biểu tượng vì thế mà người đọc có thể thỏa sức khám phá, giải mã những “khoảng trống” trong hệ thống biểu tượng của thơ ông và “đồng sáng tạo” với thi sĩ.

 

Biểu tượng ánh sáng trong “Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới” được Jean Chevalier và Alain Gheerbrant giải thích theo nghĩa gốc đại ý như sau:

 

Ánh sáng được liên hệ với bóng tối, để tượng trưng cho những giá trị bổ sung hoặc thay phiên nhau trong một quá trình biến đổi. Mai Văn Phấn viết trong thơ mình:

 

Bình minh lên chiếu sáng nửa đời

Còn nửa kia chìm vào bóng tối

(Màu xanh)

 

Bình minh mang ánh sáng chiếu nửa địa cầu và nửa địa cầu kia chìm vào bóng tối, một hiện tượng tự nhiên bất biến nhưng hai chữ “nửa đời” gợi nhiều liên tưởng. “Đời” là trái đất, cõi đời mà cũng là cuộc đời, đời người. Ánh sáng của bình minh soi chiếu tâm hồn con người. Con người trước ban mai thanh khiết mà tự nhìn nhận chính mình, đối diện với bản lai diện mục của mình. Và phải chăng không có con người hoàn hảo. Trong mỗi chúng ta đều tồn tại song song những mặt đối lập tốt – xấu, thiện – ác, thiên thần – quỷ dữ,…Phần dễ nhận diện là phần “sáng”, phần lẩn khuất là “bóng tối”. Cuộc đấu tranh giữa “ánh sáng” và “bóng tối” trong mỗi người cũng khốc liệt “một mất một còn” như cuộc giao tranh giữa bình minh và bóng tối của vũ trụ, của hai nửa địa cầu.

 

Ánh sáng là biểu hiện sự sống. Những hạt giống khi gặp ánh sáng thì vươn mình, sự sống vùng dậy. Nhà thơ nhân cách hóa những hạt giống dưới ánh sáng như con người gặp được nguồn sống:

 

Những hạt giống vừa chạm vào ánh sáng

Chợt hiện bao điều chẳng thấy trong mơ

(Tự thú trước cánh đồng)

 

Đó chính là sức mạnh diệu kì, sức mạnh của sự sống sinh sôi. “Chạm” là giao thoa. Ánh sáng vừa vô hình lại vừa hữu hình, chỉ có thể nhìn thấy mà không thể chạm vào. Mai Văn Phấn viết “những hạt giống vừa chạm vào ánh sáng” là nhà thơ đã nắm bắt được cái khoảnh khắc sự sống nảy nở khi đụng chạm vào nguồn sống của mình. Chỉ một giây phút ngắn ngủi ấy thôi đã đánh thức bao điều kì diệu, điều trong mơ cũng chưa hề thấy. “Sự sống chẳng bao giờ chán nản” và ánh sáng là nguồn lực lan truyền sự sống, gieo mầm sống cho tất cả những hạt giống trên đời.

 

Ánh sáng và biến thể của nó là ánh nắng thường tạo thành những hình ảnh đứt quãng và xa xôi trong thơ Mai Văn Phấn. Đó là “ánh sáng xa”, ánh sáng đi qua ngón tay, ánh sáng ngột đi qua lỗ thông hơi, rồi ánh sáng đặc tả khuôn mặt, pha lê ánh sáng, ánh sáng xanh,…

 

Ánh nắng, mặt trời trong cảm quan nhà thơ thật là sống động. Mặt trời với bộ dạng run rẩy “trong vạt áo hồng của đất, sau những tấm rèm cửa, trong hốc cây hay trong tiếng nước xuýt xoa ong óng mặt ao nhà” [32]. Mặt trời chiếu sáng mỗi ngày, hiện tượng tự nhiên quen thuộc đến mức khiến con người thờ ơ, vậy mà, cái nhìn thi sĩ làm hiện lên một khung cảnh quá ư quyến rũ. Đất đai được khoác bộ áo hồng, ánh nắng quyến luyến những tấm rèm cửa, hốc cây, mặt ao long lánh. Những sự vật vô tri được gieo sự sống bởi ánh mặt trời.

 

Thời điểm mặt trời mọc, ban mai thức giấc vạn vật cũng xinh tươi dưới ánh sáng tinh khôi của một ngày mới bắt đầu. Ở đó “Có giọt sương đêm qua đang cựa mình thăng hoa dưới ánh mặt trời”. “Giọt sương” bé nhỏ, tầm thường, dưới ánh mặt trời cũng cựa quậy, thăng hoa. Sinh thái tự nhiên trong thơ Mai Văn Phấn không có sự vật nào là vô nghĩa. Chúng đều chứa trong mình sự sống, sự sống ở giai đoạn phát triển, nảy sinh.

 

Chính vì mặt trời là biểu tượng của khởi đầu, cho nên nhà thơ liên tưởng hình ảnh mặt trời với bào thai:

 

Co quắp con ngủ trong gió lạnh

Mơ thành bào thai

Cuống nhau nối mặt trời

(Cửa Mẫu)

 

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù đớn đau, dù thảm khốc, chỉ cần hướng tới ánh sáng, hướng tới mặt trời thì một mầm sống lại được hoài thai. Hình ảnh “cuống nhau nối mặt trời” là một hình ảnh giàu ý nghĩa, đẹp kì vĩ. “Mặt trời” bất diệt, vĩnh hằng. “Cuống nhau” để nuôi sống bào thai. “Cuống nhau nối mặt trời” là sự sống vĩnh cửu, trường tồn.

 

Mặt trời, ban mai là những hình ảnh cùng trường nghĩa: “Mặt trời bên kia bức tường. Vòm cây, tổ chim hơi thở ban mai”. Ánh sáng mặt trời là chất liệu sự sống của thực vật, loài cây vươn lên đón lấy ánh nắng mặt trời để “vươn thẳng tán cây quang hợp mặt trời”. Mặt trời còn giao hòa với những yếu tố tự nhiên khác:

 

Ngâm trong nước mặt trời không còn nóng Vỡ òa bọt sóng lân tinh

(Hình đám cỏ - Nhịp VII)

 

hay:

 

Anh nhào lộn giữa gió và nước

tôm cá và mặt trời

rong rêu và mây trắng

ký ức và mộng tưởng

(Hình đám cỏ - Nhịp VIII)

 

Đọc thơ Mai Văn Phấn, độc giả sẽ gặp rất nhiều những ban mai. Theo thống kê của chúng tôi, trong “Thơ tuyển Mai Văn Phấn”, ban mai cùng những đồng vị của nó như hừng đông, nắng sớm, nắng mới, rạng đông, bình minh, sớm mai, buổi sớm,… xuất hiện 92 lần trong tổng số 356 bài thơ của tuyển tập thơ này. Ban mai – cái nguyên sơ, trong trẻo khởi đầu một ngày mang ý nghĩa hồi sinh và có mặt trong suốt hành trình sáng tạo thơ Mai Văn Phấn. Không chỉ xuất hiện trong những bài thơ lẻ, ban mai còn trở thành nỗi khao khát mang ý nghĩa tâm linh. Mai Văn Phấn có một tập thơ với nhan đề “Cầu nguyện ban mai”. Lời nguyện cầu vào lúc ban mai hay lời nguyện cầu cho cõi thế nhân này lúc nào cũng tươi đẹp như mỗi ban mai, đó là ước nguyện thường trực của nhà thơ. Bởi khi ban mai xuất hiện cũng là lúc bóng đêm bị chôn vùi, vạn vật được tái sinh trong một sức sống mới, tiếp tục hoài thai: “Ngày mới đến đưa bàn tay nắng ấm / Lấy đi những hạt cuối cùng / Tôi chếnh choáng rỗng không chiếc hũ / Đợi những mùa vàng, rạo rực hiến dâng” (Tự thú trước cánh đồng).

 

Ban mai trong thơ Mai Văn Phấn trước hết là hình ảnh của sự khôi nguyên, tinh khiết của buổi đầu tiên mang ý nghĩa sinh sôi, luân hồi:

 

Mắt bừng ra lúc rạng đông

Chân trời hổn hển phập phồng ngón chân

(Kinh cầu ban mai)

 

Và:

 

Cầm tay gió dắt vào đêm

Mà hồn xanh lỡ để quên cuối trời

Dấu chân xin cát chớ vùi

Cho ta niệm chắc ban mai lại về

(Qua hoàng hôn)

 

Ban mai xuất hiện cũng là lúc cái thiện thắng thế, khao khát được thực hiện, sự sống mạnh mẽ lại trỗi dậy, bóng đêm, cái chết bị chôn vùi, xóa nhòa: “Tất cả đã thức dậy khuấy loãng những u mê cho rõ khuôn mặt mình để chờ đón ban mai. Vầng mặt trời vừa tìm được lối ra khỏi đêm tối. Đàn sao mộng du thôi không phát sáng, hoảng hốt theo nhau trút lại màn đêm sũng ướt ao tù. Bầu trời cánh đồng tơi ra và cây cối nghẹn ngào tiếng ban mai ngấm vào mạch đất, ngấm vào ngực ta làm tế bào vụt mới tinh sương với đợt sóng ùa về bồi đắp. Đám mây mỡ màu phồn thực trôi đi, mục ra cho kịp thời vụ /.../ Giờ những bàn tay tự do thức dậy, biết cộng lực cho nhau khi bình minh đang đến tái sinh” (Người cùng thời – Chương VI).

 

Trong tâm thức của nhà thơ, ban mai của ngày mới còn gắn liền với niềm hạnh phúc của mỗi con người. Tình cha con được sưởi ấm bởi ánh sáng ban mai tinh khôi, màu nhiệm: “Phía cha mơ có ban mai đến sớm, ban mai ấy giống như con dẫu khóc hay cười đều làm sáng lên lớp bụi trần gian, sáng lên những đường kỷ hà trên nền thổ cẩm. Trên hương án tổ tiên những bài vị nhang đèn đang tư lự một điều gì âm ỉ. Sau tiếng đàn đá trống đồng, cha đứng ngây nhìn đàn chim Lạc bay qua...

 

Con đã thức dậy trong ban mai của cha. Phía chân trời hừng đông như trẻ thơ bụ bẫm đang duỗi dài khoái hoạt. Vài tia sáng đầu tiên giãi bày niềm hân hoan trên thềm cửa, rồi đưa những ngón tay mềm âu yếm đỡ con đi” (Lúc mặt trời mọc)

 

Nơi mọi người hướng về để thể hiện niềm hy vọng, tình yêu và hạnh phúc là mặt trời buổi ban mai:

 

Những mặt người chờ đợi dưới hừng đông

Nỗi đau sáng lên soi niềm vui dung dị

Không gian, thời gian mách bảo bình minh

Tiếng cười nói ân tình rạng rỡ

(Người cùng thời – Chương V)

 

Trải qua đêm dài tăm tối, giây phút “những mặt người chờ đợi dưới hừng đông” đã gói trọn tất cả những khát khao thầm kín. Trong khổ đau vẫn ánh lên niềm vui dung dị, niềm hạnh phúc đời thường. Hạnh phúc ấy chỉ có được dưới ánh sáng của buổi bình minh. Giữa nhịp sống hiện đại hối hả, xô bồ này, mối quan hệ giữa người với người ngày càng trở nên lỏng lẻo, vậy mà mặt trời soi sáng mách bảo nhân loại nói tiếng nói “ân tình”.

 

Hình ảnh ban maiánh sáng luôn song hành. Đó cũng là biểu hiện của sự sống muôn màu, muôn sắc. Chỉ có thể dưới ánh sáng mặt trời mới có một cuộc sống tươi đẹp và sinh động đến vậy. Không chỉ con người, những sự vật tưởng như vô tri cũng khao khát ban mai, cũng muốn chan hòa trong nắng mới, hít hà hơi ấm của bình minh:

 

Động rộn sương đêm

Cỏ cây, nắng mới

Núi cao

Chim chóc bay qua tảng đá xù xì

Sông cuộn xiết con cá động dục lóe sáng mặt nước
Mặt trời bên kia bức tường

Vòm cây, tổ chim hơi thở ban mai

(Hình đám cỏ - Nhịp I)

 

Hình ảnh ban maiánh sáng mặt trời trong thơ Mai Văn Phấn cũng có tác dụng khơi nguồn sáng tạo cho nhân loại:

 

Và ban mai đến

Lũ trẻ ùa ra từ chiếc bình kia

Hân hoan chạy tới bến xưa

Vẽ hình hài thế kỷ sau trên mặt cát bây giờ

(Người cùng thời – Chương IX)

 

Mai Văn Phấn đã truyền cảm hứng cho thế hệ mai sau. Nối quá khứ với hiện tại và tương, “tới bến xưa” “vẽ hình hài thế kỉ sau” ngay từ giây phút này. Hành động ấy cũng chỉ có thể thực hiện dưới ban mai. Ban mai, rạng đông có thể là thời điểm kêu gọi con người hành động, phấn đấu, khám phá:

 

Rạng đông hình lưỡi hái

Phát quang rừng cỏ đêm

Những đám mây hoang dại

rủ chúng ta đi tìm

(Người cùng thời – Chương I)

 

Có lẽ vì vậy mà nhà thơ Mai Văn Phấn rất vui sướng tự ví mình là hậu duệ của ban mai, người ca ngợi ban mai. Mỗi ban mai là mỗi lần nhà thơ thấy ông cũng như đất nước, quê hương ông dường như trẻ lại, trưởng thành lại: “Giờ Tổ quốc cùng tôi mỗi buổi sớm lại tưng bừng tái hiện, mang khuôn mặt mình thời mọc tóc thay răng” (Người cùng thời – Chương III)

 

Như vậy, hình ảnh ban mai là hình ảnh chứa đựng nỗi khát vọng vô bờ của tác giả, nỗi khao khát thường trực trong lòng ông. Ánh sáng ban mai là sự sống, là hy vọng, hạnh phúc, sự may mắn và là hiện sinh của sự sinh sôi, nảy nở, luân hồi, tái sinh. Hơn nữa, ánh sáng ban mai còn là nguồn mạch của sự sống, của sự sáng tạo vô bờ bến.

 

Ánh sáng ngủ yên là cách nói minh họa cho màn đêm buông xuống, nhân vật trữ tình cho rằng đó là sự hồi sinh sau một ngày:

 

Ánh sáng đã ngủ yên

Ta đang hồi sinh

Trong vòng tay của đêm

(Nghi lễ cuối cùng)

 

Ánh sáng nhiều khi cũng thoát thai trở thành cõi hư ảo trong tâm tưởng siêu thoát của nhân vật trữ tình trong thơ:

 

Chạm bờ ánh sáng

Anh quỳ xuống

Em hiện thân trong chiếc áo thiên thần

(Nghi lễ cuối cùng)

Có thể nói, hiếm có nhà thơ nào tôn vinh, tôn thờ ánh sáng như Mai Văn Phấn. Trong thơ ông, ánh sáng không đơn thuần là phạm trù đối lập với bóng tối, ánh sáng đã trở thành biểu tượng của tâm linh, của niềm tin vào những gì sáng láng, tốt lành. Như vậy, biểu tượng ánh sáng với hình tượng mặt trời (cùng những hình ảnh tương đồng như ban mai, bình minh, ánh nắng) mang ý nghĩa của hành động gieo sự sống, hi vọng, hơi ấm, sự sinh sôi.

 

Ánh trăng cũng là một bình diện sinh thái trong thơ Mai Văn Phấn. Ánh trăng được nhà thơ cảm nhận là “thoáng long lanh cứu rỗi bao con người”. Trong quan niệm chung của con người mọi thời đại, trăng tượng trưng cho cái đẹp. “Thoáng long lanh cứu rỗi bao con người” khiến ta liên tưởng đến câu danh ngôn “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Vẻ đẹp của trăng là vẻ đẹp trong trẻo, long lanh, vẻ đẹp làm dịu mát tâm hồn con người, hướng thiện.

 

Ánh trăng hòa vào lời hát của đôi lứa: “mầm hạt li ti chồi trong đất ẩm ong về làm mật theo nhau rù rì mặt trăng”. Mặt trăng cũng như “tuần tháng mật” trong thơ Xuân Diệu. Dưới ánh trăng, mầm hạt li ti đâm chồi nảy lộc trong làn đất ẩm, ong về làm mật. Cũng trong cảm thức gần gũi với biểu tượng mặt trời, mặt trăng (ánh trăng) cũng là ngọn nguồn của sự sống.

 

Trăng trong thơ Mai Văn Phấn được cảm nhận như những giọt trăng:

 

Nơi ấy một dòng kênh

Bóng con thuyền nhỏ qua cầu

Bờ đá nằm im nghe mồ hôi lạ

Giọt giọt trăng khuya

(Mùa trăng I)

 

Không giống với ông hoàng của thơ tình Việt Nam hiện đại cảm nhận ánh trăng trong “Long lanh tiếng sỏi vang vang hận / Trăng nhớ Tầm Dương nhạc nhớ người”, Mai Văn Phấn hình dung trăng khuya đọng lại “giọt giọt”. Cũng không phải giọt vàng long lánh trên thuyền trăng, sông trăng như thi sĩ họ Hàn “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó / Có chở trăng về kịp tối nay?” mà giọt trăng trong thơ Mai Văn Phấn là giọt “mồ hôi lạ”. Một liên tưởng hết sức thú vị. Trăng trong thơ Mai Văn Phấn mang ý nghĩa biểu tượng cho sự trong trẻo, bình yên.

 

Hình ảnh ánh sáng trực tiếp xuất hiện tuy không nhiều nhưng các đồng vị tương ứng của nó như: ánh cầu vồng, ánh lân tinh, ánh hào quang, tia chớp, tia sáng, ánh ngày, ánh nắng, vệt sáng, rạng, chói lòa, chói gắt, ngọn nến, ánh đuốc, ngọn đèn, ngọn hải đăng, que diêm, than hồng, trăng, sao, mặt trời... chiếm số lượng rất lớn.

 

Người ta đồng thuận với nhau rằng nơi nào có ánh sáng nơi đó có sự sống. Ánh sáng biểu hiện cho sự sống sinh sôi, nảy nở, cho cuộc sống minh bạch, chính đại quang minh. Thơ Mai Văn Phấn khai thác hình ảnh ấy một cách rõ ràng, nhất quán. Mai Văn Phấn cũng có khả năng nắm bắt những khoảnh khắc tạo nên sự sáng láng, lộng lẫy, nhiệm màu và rất đẹp của tổ hợp ánh sáng mặt trăng, mặt trời, vầng hào quang...:

 

Vươn thẳng

Tán cây quang hợp mặt trời

Lá chồng lên nhau hoan hỉ

Bật dậy thở chung dòng nhựa

Máu từ đất đai chạy qua bàn chân

(Hình Đám Cỏ - Nhịp VI)

 

Hay là: “Có giọt sương đêm qua đang cựa mình thăng hoa dưới ánh mặt trời” (Hải Phòng trước năm 2000).

 

Cùng với vai trò tái sinh thế giới, ánh sáng trong thơ Mai Văn Phấn còn là chứng nhân tuyệt vời cho giây phút thăng hoa của tình yêu tuổi trẻ:

 

Anh bước lên vạt nắng

Một con thuyền ban mai

Em bảo hãy chờ để khóa chặt cổng

(Vườn em)

 

Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy trong thơ ông là ngay cả ở những bài thơ trực tiếp đề cập đến chuyện ái ân, công khai sử dụng các yếu tố dục tính như Được quyền nghĩ những điều đã ước, Gió thổi, Mười bài tập mùa xuân, Dấu vết bình minh... thì vẫn hết sức kín đáo bởi dục tính ở đây hiện lên trong sự hướng đạo của ánh sáng tình yêu và tính thiêng liêng của trạng thái phồn sinh nên về cơ bản là mang tính duy mỹ.

 

Ngoài ra, hình ảnh ánh sáng trong thơ Mai Văn Phấn còn là biểu tượng cho lẽ công bằng. Ánh sáng quảng chiếu tội lỗi của con người:

 

Mặt trời lên

Một vị quan tòa

Từng nỗi oan

Dẫn ra từ bóng tối

Từng cái chết

Dẫn ra từ bóng tối

Mặt đất uy nghiêm

Minh bạch

Nhân từ

(Người cùng thời – Chương IV)

 

Ánh sáng còn có ý nghĩa của sự thanh lọc tâm hồn. Nhà thơ dùng ngọn đèn sáng là phương tiện thanh tẩy tâm hồn và chất vun gọi mùa xuân trở lại:

 

thanh tẩy mãi vẫn không thấy sạch

quay về tắm bằng ngọn đèn

[...]
tắm gội cho mùa xuân về

(Tắm đầu năm)

 

Công bằng mà nói, hình ảnh ánh sáng không có gì xa lạ trong thi ảnh của nhiều nhà thơ. Nhưng trong thơ Mai Văn Phấn, ánh sáng bừng lên đồng nghĩa với sự sống ngời hiện, đồng nghĩa với việc con người được thanh tẩy để trở về với cái chân – thiện - mĩ tự nhiên, vốn có mà tạo hóa đã ban tặng. Thi nhân trong bài thơ đã “lặn” vào vùng sáng để rồi tâm hồn và thể xác bừng lên trong ánh sáng ấy như ngọn lửa. Như vậy, trong thơ Mai Văn Phấn hình ảnh ánh sáng tượng trưng cho sự sống, sự phì nhiêu, sinh nở, cho lẽ công bằng. Ánh sáng luôn đồng hành cùng những phút giây hạnh phúc của tình yêu tuổi trẻ và nó còn là phương tiện thanh tẩy cả thể xác lẫn tâm hồn con người.

 

Thêm một biến thể nữa của hình ảnh ánh sáng trong thơ Mai Văn Phấn, đó là hình ảnh ngọn lửa. Thực ra, ban mai hay ngọn lửa cũng chỉ là một dạng thức khác của ánh sáng. Tuy nhiên, nếu ban mai là của đất trời thì ngọn lửa lại là của con người, do con người tạo ra; và nếu ban mai có thể xua tan bóng đêm thì lửa soi tỏ bóng đêm. Phải chăng vì nhận ra ý nghĩa của ngọn lửa trong đời sống mà Mai Văn Phấn đã để hình ảnh lửa trong thơ ông xuất hiện nhiều đến thế. Theo số liệu thống kê, hình ảnh ngọn lửa cùng những đồng vị của nó như đám cháy, bếp lửa, lưỡi lửa, tàn lửa, giàn lửa, ngọn đuốc... xuất hiện 74 lần trong thơ Mai Văn Phấn.

 

Ngọn lửa luôn là biểu tượng của sự sống vùng vẫy, của tình yêu cuồng nhiệt và của tuổi trẻ dạt dào. Ngọn lửa bao giờ cũng biểu thị ý nghĩa lan tỏa, kết nối:

 

Cùng góp với ai ngọn lửa

Dẫu là mình thành lá khô

(Anh về)

 

Ngọn lửa còn là tình yêu biết đánh thức sự nồng ấm của những trái tim thậm chí đã khô cằn từ lâu:

 

Xưa có con tim nào hóa đá

Để một ngày cho đá hóa con tim

Để bàn chân ta sáng lên ngọn lửa

Thắp lên phần cháy dở đêm qua

(Người cùng thời – Chương I)

 

Ngọn lửa là tình yêu hay cũng là tình thương mến bao la, ấm áp làm bừng sáng cuộc sống quanh ta:

 

Dáng cây ngơ ngẩn buông chùng

Trái tim nhóm lửa ngập ngừng ánh lên

(Người cùng thời – Chương VIII)

 

Những hình ảnh tương tự với lửa như ngọn nến, đèn lồng, đèn hoa đăng... trong nhiều thời khắc khi được thắp lên đã tạo ra một khung cảnh rất nên thơ, một bầu không khí lãng mạn. Trong thơ Mai Văn Phấn, ngọn lửa cũng gắn liền với thời khắc của hạnh phúc, của những thăng hoa trong tình yêu đôi lứa:

 

Hôn em một lần thắp thêm ngọn nến

Đặt chúng bên nhau

Anh sợi tim nến

Lọn tóc sáng

Ý nghĩ làm ngọn lửa xòe
Nền nhà trôi đêm hoa đăng

Ai vừa thả mong ước

May mắn sớm mai

Tiếng trẻ reo hò

Tranh nhau thả thêm nhiều nến

Vào căn phòng chúng mình

(Hình Đám Cỏ - Nhịp IX)

 

Nếu như nhà thơ Bằng Việt đã làm rung động bao trái tim độc giả suốt hơn nửa thế kỷ qua với bài thơ Bếp lửa thì nay nhân vật trữ tình trong thơ Mai Văn Phấn cũng khắc khoải trong nỗi nhớ bếp lửa, bờ sông... nơi quê nhà:

 

Rời thị thành

thương anh về thôn quê

Bếp lửa, Bờ sông theo em vào giấc ngủ

Ký ức hồi sinh thật lạ

Bếp lửa...

Bờ sông...

chập chờn quang gánh chênh chao

chỉ thăng bằng trong cơn mưa tầm tã...

(Những bông hoa mùa thu)

 

Ngọn lửa còn là ngọn lửa sinh hoạt, nhân chứng cho một thời khó khăn, lam lũ, một thời tuổi thơ đầy vất vả nhưng đầy ắp yêu thương, hồn nhiên và sẵn sàng làm chúng ta xúc động khi có dịp nghĩ tới, chạnh lòng:

 

Chăn trâu đốt lửa trên đồng

Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều

Mải mê đuổi một con diều

Củ khoai nướng để cả chiều thành tro

(Chăn trâu đốt lửa - Đồng Đức Bốn)

 

Từ khi con người tìm ra lửa thì cũng từ đó, ngọn lửa gắn bó với họ trong mọi hoạt động sống, chứng kiến bao nỗi thăng trầm của biết bao nhiêu thế hệ con người:

 

Từ trong bếp lửa gió lùa

Loanh quanh hồn vía người xưa đứng ngồi

Lửa theo hưng thịnh bao đời

Tro than gieo vãi về nơi cấy cày

(Người cùng thời – Chương VIII)

 

Tương tự như nước, lửa vừa có sức vun đắp, khơi ngợi sự sống vừa có sức phá hủy, tàn phá: “than bỏng nướng cong con cá bánh đa phỏng rộp cuộn mình lưỡi lửa bò lan khắp không gian” (Những bông hoa mùa thu).

 

Do đó, hình ảnh ngọn lửa trong thơ Mai Văn Phấn vừa biểu tượng cho sự sống đầy ham muốn, tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, tình yêu đầy cuồng nhiệt... và còn là biểu hiện của những giây phút lãng mạn, bốc lửa trong tình yêu đôi lứa. Bên cạnh đó, ngọn lửa còn biểu hiện cho nỗi nhớ quê hương da diết và đồng hành với con người qua bao sóng gió, khó khăn.

 

Tựu chung lại có thể thấy, trong thơ Mai Văn Phấn, ánh sáng trở thành biểu tượng của sự sống phì nhiêu, sinh nở, cho lẽ công bằng. Ánh sáng đồng hiện trong những phút giây thăng hoa của hạnh phúc lứa đôi. Ánh sáng có khả năng thanh tẩy con người cả thể xác lẫn tâm hồn.

 

2.2.1.2. Biểu tượng ngọn gió, giọt sương, chim muông

 

Bầu trời với màn sương trong thơ Mai Văn Phấn là điểm nhấn đa nghĩa. Màn sương tan báo hiệu bình minh đến, một ngày mới bắt đầu, lá cành lại phô bày màu xanh trước vạn vật:

 

Khi sương tan cành biêng biếc xanh

(Màu xanh)

 

Màn sương cũng báo hiệu đêm xuống, côn trùng tỉnh dậy, những cây nấm rơm mở mắt (Giai điệu xuân). Màn sương cũng là dấu hiệu của các mùa trong năm. Trước hết là mùa thu, mùa của những xuyến xao trong tâm hồn. Thu như người con gái trinh nguyên trong vẻ đẹp “e ấp”, “lãng đãng” làm mê mẩn thi nhân qua bao thời đại. Vẻ đẹp ấy lại càng thêm lung linh trong màn sương giăng mắc. Chỉ với 2 dòng thơ 10 chữ đủ làm thổn thức trái tim độc giả:

 

Thu về e ấp

Cốm non lãng đãng sương giăng

(Cốm hương)

 

Màn sương cũng là một hiệu ứng của thiên nhiên trong đêm trăng mờ ảo:

 

Trăng đã về bên kia

Phủ lên những nụ hôn khác

Màn sương, mùa cỏ khác

(Mùa trăng)

 

Hình tượng màn sương gắn với những hình tượng khác như nóc nhà, đỉnh núi và mây trắng quấn quanh. Sương cũng là một môi trường mà ở đó sự sống diễn ra. Con vạc dưới sương tìm mồi, côn trùng kêu trong sương.

 

Hình tượng gió trong thơ Mai Văn Phấn rất đặc sắc. Trong mối quan hệ với thiên nhiên, gió là bạn của cây cối nhưng cũng là những sản phẩm của tự nhiên mà loài cây có thể khai thác. Trong một bài thơ, Mai Văn Phấn hình dung cây cối vươn lên ngọn cây như mỏ loài chim mớm từng “hớp gió” để lấy hơi hoặc chuẩn bị réo rắt lên trong không gian. Gió mưa, sấm chớp là biểu hiện của thiên nhiên, giúp thiên nhiên, khí hậu điều hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở. Gió cũng là một hình tượng được dùng để ví von như những nguy hại, hiểm nguy trong tương quan với chùm quả nặng đung đưa để nói về sự nguy kịch trong tình trạng sức khỏe của người cha:

 

Cơ thể cha tựa sông cạn, củi khô, hạt lép

Chùm quả nặng đung đưa gió mạnh

(Cửa Mẫu)

 

Gió cũng góp phần làm nên giai điệu mùa xuân, khi những con ong rạch đường bay, cây cao vươn bóng thì ngọn “gió lên thẳng đứng”. Gió trong tự nhiên mà được cảm nhận như thân thể sống trong tương quan với những mỏm đá sắc, Mai Văn Phấn cảm nhận dường như gió bị trầy xước. Gió là biểu tượng của sức mạnh vừa mạnh mẽ vừa uyển chuyển:

 

Phải dằn dữ và cũng mềm như gió

Gió từ biển xanh mang sắc của trời

(Màu xanh)

 

Gió được coi như một bàn tay của thiên nhiên biết đi trên lá và nhặt những chiếc lá rơi:

 

Ngoài vườn gió thu đang x o lên tán lá

Phải tĩnh tâm để bàn tay hoang dã

Cúi nhặt từng chiếc lá rơi.

(Mơ thực)

 

Chim chóc bay đi để lại không gian cánh đồng mênh mông hoang vắng chỉ có gió lộng:

 

Con chim bay vút lên không

Ðể lại gió với cánh đồng rộng thênh

(Không đề I)

 

Chim chóc trong thơ Mai Văn Phấn là một nhân vật sống động và đa dạng. Đó là những con chim gõ kiến chạm môi vào các cây cổ thụ, là chim hải âu dang cánh biển sâu, chim cắt trong không gian rộng như đường bay bất tận, tiếng chim gù nơi bờ giậu, cây rơm, vại nước, chim sâu trong bụi rậm, chim yếu trên vách đá lơ phơ. Đó là tiếng chim chóc quyện vào nhau vào mỗi buổi chiều buông, là tiếng chim bình minh cất tiếng hót sáng choang mơ mộng. Chim chóc trong thơ Mai Văn Phấn còn rất phồn thực trong chùm hình ảnh liên quan đến sự sinh sôi, nảy nở như quả trứng, cửa sông nghẹn nước, hạt giống trong đất ẩm:

 

quả trứng ấm lăn vào trong tổ

cửa sông căng đầy nghèn nghẹn lúc trăng lên hạt
giống mới thả mình trong đất ẩm

và bầy chim đang tìm nhau giao phối ở trên cao...

(Những bông hoa mùa thu)

 

Trong cảm quan sinh thái của mình, biểu tượng bầu trời mà Mai Văn Phấn xây dựng cùng trường nghĩa với sự sống, sự chở che, bao bọc, sự đa màu, đa sắc sự huyền diệu bao la. Bầu trời kết hợp với các yếu tố tự nhiên khác tạo nên môi sinh cho vạn vật. Chính bầu trời là mái nhà chung che chở cho những thành viên trong ngôi nhà ấy kể cả con người. Bầu trời còn là nơi điều tiết khí hậu điều tiết hoạt động sống của thế giới ấy. Vượt qua hình ảnh giản dị, bầu trời trở thành biểu tượng cho ước mơ, hoài bão, hy vọng, trở thành hình mẫu lý tưởng của cuộc sống con người. Trong bầu trời rộng lớn ấy, những thực thể như ngọn gió, giọt sương, chim muông dù nhỏ bé nhưng không vô nghĩa. Chúng hội tụ để làm nên một hệ sinh thái an lành. Hơn thế, chúng được nhà thơ cấp cho những ý nghĩa biểu tượng không kém phần giá trị. Sức hút của thơ Mai Văn Phấn với độc giả yêu thơ chính là bởi những biểu tượng vừa gần gũi vừa tinh tế và đẹp đẽ như thế.

 

2.2.2. Hệ biểu tượng về mặt đất

 

2.2.2.1. Biểu tượng đất

 

Đất là hình ảnh thiên nhiên đa nghĩa xuất hiện nhiều trong thơ Mai Văn Phấn. Đất là nơi sinh sôi, cư trú của muôn loài, vạn vật. Ở đó mọi vật được sinh ra rồi lớn lên, thoát xác:

 

Con sơ sinh trên đất

Bơi qua sông con nòng nọc đứt đuôi

Tập vỗ cánh, quạt gió vào lòng tổ

Bật lá mầm bay đi thênh thang

(Cửa Mẫu)

 

Những hình ảnh nòng nọc đứt đuôi, tập vỗ cánhbật lá mầm là những biểu trưng cho sự lớn dậy trưởng thành, thử thách bước vào cuộc sống.

 

Hình ảnh đất trong tâm thức của người dân Việt Nam là biểu trưng cho người mẹ đại diện cho sự sinh sôi, nảy nở, sự đùm bọc chở che, sự yên bình, thanh thản. Trong tâm tưởng văn hóa của nhân loại, đất đai cũng mang tính mẫu, gắn liền với sự thoát thai của vạn vật. Thần thoại Hi Lạp kể lại rằng, mẹ đất Gaia sinh ra Bầu trời để che phủ khắp thế gian, làm nơi trú ngụ của các vị thần. Mẹ đất cũng sinh ra con người. Bất kể là thần linh có phép màu nhiệm hay nhân loại nhỏ bé khi gặp nguy nan đều kêu cầu mẹ đất chở che. Nhân gian sinh ra từ đất và cuối cùng cũng an nghỉ nơi lòng đất. Từ quan niệm đó, đất đai biểu tượng cho sự sinh sôi, là nơi cội nguồn của sự sống.

 

Nếu đất xuất hiện trong thi ca thường gắn với sự trở về khi cuộc sống kết thúc, là chốn vĩnh hằng bao bọc con người: “Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng / Lòng nhẹ khỏe anh dân quê vui sướng / Ngả mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành / Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh” (Trăng trối – Tố Hữu), “Bây giờ dưới gốc dương / Chị nằm nghe biển hát” (Trên đường ra Côn Đảo

 

– Phan Thị Thanh Nhàn), “Áo bào thay chiếu anh về đất / Sông Mã gầm lên khúc độc hành” (Tây Tiến – Quang Dũng) thì đất trong thơ Mai Văn Phấn trước hết mang ý nghĩa biểu tượng cho sự sinh sôi của sự sống.

 

Đất là nơi che chở, nuôi nấng, ươm mầm sự sống đầy khao khát và sự sáng tạo:

 

Lao vào đất những ngón chân khát nước

Chiếc lá mới nhô lên đặt lại ca từ

(Sáng mùa hè)

 

Cuộc sống dẫu có nhọc nhằn, gian khó đến bao nhiêu, con người vẫn khát khao sinh tồn trên đất, hướng về đất. Đất trở thành nơi nuôi dưỡng, đất tái sinh. “Chiếc lá mới nhô lên đặt lại ca từ”. Chỉ cần có đất và với đất, sự sống phôi thai, nuôi dưỡng hi vọng.

 

Sự sống được vun đắp và khởi nguồn nơi lòng đất: “Hạt giống mới nảy mầm trên đất, gọi dòng sông lên tiếng thở sâu, cùng mương máng dọc ngang đến giờ mở mắt” (Người cùng thời – Chương III).

 

Đất hay biến thể của nó là bùn nâu cũng được nhìn nhận và khai thác khía cạnh khởi nguồn sự sống:

 

Trên ngực bùn nâu đã linh thiêng ban lộc

Máu hồi sinh rần rật chạy qua

[...]
Tôi gượng dậy giữa cánh đồng rộng lớn
Có con nước cường chảy dọc sống lung

(Hồi sinh)

 

Đất đai với những cánh đồng rộng lớn mênh mông, bùn nâu với dấu chân người ngàn năm vẫn gieo trồng gặt hái. Trong thơ Mai Văn Phấn, cánh đồng là một biểu tượng giàu ý nghĩa. Những cánh đồng phì nhiêu, màu xanh ngút ngàn gợi sự ấm no, bình yên đến lạ. Cánh đồng như vòm ngực rộng, như đôi tay khổng lồ ôm trọn lấy những con người lao động, mang lại cuộc sống, ước mơ. Cánh đồng thênh thang ru vỗ tâm hồn con người, nhân gian trọn đời an nhiên trong màu xanh mướt mát.

 

Nhà thơ còn muốn tạo dựng cho người đọc hình dung về cuộc sống đa dạng, tốt tươi và chứa đầy sự sinh sôi, nảy nở:

 

Đất mỡ màu quyện rạng đông dâng lên khuôn mặt
dâng lên cỏ cây phồn thực bời bời

(Bài hát mùa màng)

 

Trong hoạt động sáng tạo của mình, Mai Văn Phấn luôn có ý thức kiếm tìm một thiên nhiên thuần khiết để nuôi dưỡng tâm hồn con người trước những đảo điên của nhân gian vô thường, của cuộc sống hiện đại xô bồ. Vì thế, trong thơ ông, đất tượng trưng cho vẻ đẹp phồn sinh của sự sống gắn với sự phì nhiêu và sinh sôi. Trong thơ Mai Văn Phấn, đất xuất hiện 312 lần. Cùng với đất là những hoạt động đi kèm với “công cuộc gieo trồng như hạt giống, cánh đồng (thửa ruộng), nụ mầm, mùa màng, gieo trồng, cày cuốc,… Cánh đồng xuất hiện 74 lần và mùa màng là 64 lần. “Bài hát mùa màng” như một khúc hoan ca ngợi ca “đất mỡ màu”, “vòng phù sa”. Đất sinh sôi mang về sự sống: “Lan nhanh, choáng ngợp đất hoang vừa mở”.

 

Gắn liền với đất đai là sự xuất hiện của những chi tiết về mùa màng. Nhà thơ nhìn tương quan giữa cánh đồng và đám mây qua điểm nhìn của những gốc rạ:

 

Cánh đồng nhìn mây bằng gốc rạ tươi

(Quyền lực màu thu)

 

Nhà thơ miêu tả mùa vụ như một bài ca mà ở đó vang vọng về khúc ca của tổ tiên từ thời còn mò mẫm làm ra hạt lúa:

 

Lại vỡ bài ca gieo hạt

Tiếng trầm hùng qua thanh đới tổ tiên

Như cố dạy giọt mồ hôi học nói

Cỏ lác u sầu biết gượng mà đi

(Thời vụ)

 

Đôi khi không hẳn đất là hình ảnh trung tâm, mà đất là hình ảnh đi kèm theo những biến động và những hình tượng khác để cùng tôn vinh lẫn nhau, cùng biểu trưng cho những thông điệp mà tác giả gửi gắm:

 

Từng chiếc sừng trâu nhô từ hốc tối

Đội đất lên cho cỏ mọc

Thổi hơi ẩm vào nơi mục rã

Những vong linh vật vã đòi tái sinh

(Mùa hạ rất gần)

 

Đất là cuộc đời, là lịch sử, là ông cha bao thế hệ. Đất chuyển hóa trong mỗi kiếp người, con người được tái sinh từ đất.

 

Nhà thơ Mai Văn Phấn từng có những đánh giá rất đặc biệt về đất khi tạo ra sự tương quan giữa đất và những suy tư, những cảm nhận của con người:

 

Mẹ ơi mẹ! Giờ con thấy bóng râm từ bùn đất

Đất ở dưới chân mà cao hơn những suy nghĩ của mình

(Nhật ký đô thị hóa)

 

Với cái nhìn tôn vinh, ngưỡng vọng đất đai, nhà thơ nhận thấy “đất ở dưới chân”. Nhưng điều đáng trân quý là đất không tầm thường dưới những bàn chân mà đất lại “cao hơn những suy nghĩ của mình”.

 

Điều mới lạ trong cảm quan về đất trong thơ Mai Văn Phấn là hình ảnh đất đai còn được ví von với hình tượng người đàn ông:

 

Đất đai - người đàn ông nằm ngủ

[...]
Trên ngực còn vương tro than của mùa đốt đồng

(Sau mùa gặt)

Nhà thơ đã vận dụng nghệ thuật ẩn dụ một cách hiệu quả. Nhà thơ so sánh ngầm hình ảnh đất đai sau vụ mùa với hình ảnh người đàn ông nằm ngủ một cách rất phong trần. Sự so sánh ấy khiến ta liên tưởng tới hai hình ảnh, một hình ảnh khỏe khoắn của thiên nhiên và con người, hai là hình ảnh đầy phồn thực, khi người đàn ông nằm ngủ đầy trễ tràng như sau giờ hoan lạc nhằm cho cuộc sinh sôi to lớn, giúp cho thế giới sống lại. Đất đai cũng là hình ảnh mà nhà thơ Mai Văn Phấn dùng để nói về sự giao hòa của con người, sự giao hòa của tạo vật:

 

Anh mơ được em gieo trồng trên ngực

Bàn tay dịu dàng vun vào da thịt

Hôn lên tai anh lời chăm bón thì thào

Anh cựa mình nồng nàn tươi xốp

(Bài ca buổi sớm)

 

Nếu Nguyễn Quang Thiều chỉ dừng lại ở việc “Gọi tên linh hồn đất/ Bằng cách gieo âm tiết của riêng mình”, vẫn còn một khoảng cách giữa đất với nhà thơ thì Mai Văn Phấn lại muốn hóa thân vào đất, người với đất nhập thân, trở thành một bản thể duy nhất. PGS. TS Lê Hồ Quang đã gọi điều này là “một sự lạ cần thiết. Nó phơi lộ cái góc khác thường trong bản thể tinh thần cái tôi Mai Văn Phấn”.

 

Mai Văn Phấn được đánh giá là nhà thơ có khát vọng làm mới mình trong mỗi lần sáng tác. Hình ảnh đất đai chính là khát vọng mà nhà nthơ gửi gắm vào thơ ca của ông. Nhà thơ cũng mong sự sáng tạo, cách tân của thơ ông luôn dạt dào như sự tái sinh của đất đai vậy. Ông từng bày tỏ khát vọng ấy trong câu thơ: “Ta thèm một lần nhân danh đất đai” (Khúc phóng túng), thậm chí sẵn sang “chết đi cho mọi sự sinh ra”. Có thể thấy rằng, hình ảnh đất đai là biểu trưng cho những giá trị bất biến của văn hóa Việt Nam, là phương tiện cho việc thể hiện thông điệp nhân sinh, khát vọng sáng tác của nhà thơ đồng thời là biểu hiện của sự cách tân, sáng tạo trong thơ ca Mai Văn Phấn.

 

Đất và không gian trong tâm thức nhà thơ đôi khi biến thành một sự xóa nhòa các ranh giới vạn vật. Có nghĩa là trong hình ảnh của một đối tượng này lại hiện hữu những đối tượng khác hoặc liên hệ tới hình ảnh của những đối tượng khác. Nhà thơ gọi đó là hiện tượng mà:

 

Những thửa ruộng, nóc nhà, bóng cây, mái tóc...

Chuyển động lặng im, vụn rời, không quy luật

(Cấu trúc tạm thời)

 

Trong hiện tượng đó, hình ảnh thửa ruộng lại vươn lên cao hơn những mái nhà, những bóng cây mang dáng hình mái tóc, sự hạn hán mang hình ảnh của sự nứt nẻ chân chim, tia nắng cuối chiều vạch lên nền trời như những sợi tơ không gian:

 

Kìa thửa ruộng kia đang vươn lên che chở những ngôi nhà
Và bóng cây cố hiện thân thành mái tóc

Cơn hạn hán réo sôi trong bàn chân chim chóc
Tia nắng cuối chiều mơ mộng kéo thành tơ

(Cấu trúc tạm thời)

 

Đất là phương diện sinh thái xuất hiện nhiều trong thơ Mai Văn Phấn. Gắn liền với biểu tượng đất là những chi tiết, hình ảnh về cỏ cây, hoa lá và những mùa vụ. Thông qua cách thể hiện của nhà thơ và thông qua mối quan hệ giữa những hình ảnh biểu tượng, phương diện sinh thái đất thể hiện những đặc trưng về cảm quan sinh thái của Mai Văn Phấn như sau: Thứ nhất, đất là nơi sinh sôi, chở che vạn vật, vạn vật sinh ra từ đất, lớn lên từ đất và khi mệnh cùng thì lại trở về với đất. Thứ hai, đất chính là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở và trường tồn. Thứ ba, đất là biểu tượng sự sống gắn với con người, với tình yêu thương, tình yêu đôi lứa của nhân loại. Thứ tư, đất là chất liệu của nghệ thuật là hiện sinh của nghệ thuật trong cuộc sống.

 

Như vậy, đất đai trong thơ Mai Văn Phấn biểu tượng cho sự phồn sinh, đất nơi bắt đầu của sự sống, đất là nơi “cội nguồn thế giới”.

 

2.2.2.2. Biểu tượng nước

 

Nước đóng vai trò quan trọng đối với tự nhiên và con người. Trong tự nhiên nước là thành tố quan trọng bậc nhất để điều tiết khí hậu và nuôi sống vạn vật. Nước được coi là vật chất đầu tiên cấu tạo nên vũ trụ. Địa cầu chúng ta nước chiếm ¾ diện tích. Đối với con người, nước cấu tạo nên cơ thể và duy trì sự sinh tồn. Trong cơ thể con người chiếm hơn 70% là nước. Và không chỉ là khởi nguồn sự sống của con người và mọi loài sinh vật trong vũ trụ, nước trong tâm thức của người Việt còn gắn liền với đời sống lao động sản xuất, nghề nghiệp, lối sống, cách ứng xử, cảm quan triết lý, tâm linh và tín ngưỡng riêng. Bởi lẽ, người Việt thuộc nhóm cư dân trồng lúa nước điển hình ở Đông Nam Á và cũng là chủ nhân của nền văn minh lúa nước ở khu vực này.

 

Tính chất của nước rất linh hoạt, đa dạng và ẩn chứa những điều tưởng chừng như là đối lập lẫn nhau. Nước linh hoạt vì là chất lỏng không hình dạng, có thể khuôn vào mọi vật chứa. Nước tồn tại ở rất nhiều dạng thể rắng, lỏng, khí, hơi... Nước có thể dâng lên cao, cũng có thể chảy xuống thấp. Nước vừa duy trì sự sinh tồn vừa có thể phá hủy sự sống. Nước vừa là biểu tượng của sự thanh lọc nhưng cũng vừa là biểu tượng của sự ngập tràn, ô uế. Như vậy biểu tượng mà nước ngụ ý rất phức tạp, mâu thuẫn. Chính vì vậy nước là chất liệu rất đặc biệt trong sáng tác văn học. Thơ Mai Văn Phấn cho xuất hiện hình ảnh nước lên đến 691 lần. Nước trong thơ Mai Văn Phấn xuất hiện trong nhiều dạng thể sông, hồ, ao đầm, suối, đại dương, bể, mạch ngầm, dòng chảy, thủy lực... mưa, hơi, khí... Càng về sau, thơ Mai Văn Phấn xuất hiện càng nhiều hình ảnh của nước.

 

Vào giai đoạn đầu trong lộ trình thơ Mai Văn Phấn, nước biểu tượng cho sự luân lưu, tuần hoàn về thời gian, mùa màng và số phận hạn hữu của con người:

 

Hóa thân giọt nước mùa hè

Một đêm trở gió bay về với thu

(Khúc cảm mùa thu)

 

Ở giai đoạn thứ hai, đặc biệt là trong trường ca Người cùng thời, tính chất linh hoạt của nước tiếp tục được khai thác và thể hiện rất thành công:

 

Một người để nước mắt rơi

Mặn mòi lăn khắp mặt người yêu thương...

(Người cùng thời - Chương IV)

 

Nước không còn là giọt nước trong lành của tự nhiên, nó đã chuyển hóa thành giọt nước mặt mặn mòi. Giọt nước chan hòa trên khuôn mặt của những lứa đôi. Giọt nước kết nối những trái tim yêu.

 

Không chỉ vậy, nhà thơ còn khám phá mới mẻ độc đáo về hình ảnh của nước trong câu thơ:

 

Thoáng đâu vại nước hoa cau

Nơi cha mẹ đã tin nhau một đời

(Người cùng thời - Chương V)

 

Hình ảnh “vại nước hoa cau” là một hình ảnh dung dị mà tạo ra nhiều cách hiểu. Đó có thể là vại nước có hoa cau rụng xuống, vại nước đặt ngoài sân dưới cây cau hay bất kì vại nước nào khác của làng quê Việt thanh bình thời xưa... Đó có thể được đánh giá là một cách kết hợp hoàn toàn mới lạ. Hình ảnh ấy cũng dung chứa những ý nghĩa thật đẹp. Trong tâm thức của người Việt, cành cau – cơi trầu là vật giao duyên, vật kết đôi. “Vại nước hoa cau” mát lành nơi mẹ cha từng in bóng, trao cho nhau tín vật nên nghĩa phu thê. Cũng có thể hình dung một cách lãng mạn, vại nước hoa cau nơi cha đã múc từng gáo nước cho người mình yêu gội mái tóc thề. Và trăm năm, một cuộc đời phôi thai từ đó.

 

Không dừng lại ở ý nghĩa linh hoạt, biến hóa, tượng trưng cho thời gian, kiếp người, nước trong thơ Mai Văn Phấn còn là biểu tượng của sự tái sinh, của khả năng sinh sôi, nảy nở và của sự thanh tẩy: “Đã tỉnh lại cánh đồng mỏi mệt trong hạt mưa vang tiếng sấm đầu mùa, những khoai sắn tự tin trong đất, lúa chạy thẳng hàng chân không vướng vào nhau” (Người cùng thời - Chương III).

 

Và:

 

Ta gọi nhau trước rạng đông lúc còn mê ngủ

Ánh sáng tràn qua thanh bạch dịu dàng

Anh cùng em tái sinh từ nước trong, khí sạch

Nụ hôn bay lên tắm rửa bình minh

(Người cùng thời - Chương IX)

 

Hay:

 

Nước ấm nóng mở đầu nghi lễ thanh tẩy

Lăn trơn anh chuỗi hạt xổ tung

(Hình Đám Cỏ - Nhịp IV)

 

Trong cảm hứng dồi dào, nhà thơ Mai Văn Phấn viết về nước với ý niệm của sự sống đầy ắp, sự luân hồi tái sinh trong cả thể xác và tinh thần. Mạch thơ ấy biểu hiện rõ nhất trong lộ trình thơ thứ ba của ông. Nước trong dạng thể của những hạt mưa dường như bao phủ lên vạn vật tràn trề sự sống, sự mát mẻ của thể xác, tâm hồn và sự dâng lên mạnh mẽ của tình yêu lứa đôi: “Những hạt mưa rơi xuống. Em nhắc chúng ta từng là giọt nước. Trong lành em rơi xuống anh. Để anh biết thiên nhiên và đồ vật quanh mình đều bằng nước” (Mưa trong đất).

 

Giọt nước rơi xuống là sự sống vươn lên, sự sống được nén thành ý niệm trong những giọt nước của đất trời:

 

Một giọt nước vừa tan

Một mầm cây bật dậy


Một quả chín vừa buông

Một con suối vừa chảy

(Nghe em qua điện thoại)

 

Tình yêu nam nữ có thể làm thành sức sống tiềm tàng, cứu vớt thế giới:

 

Em và anh tụ thành nước mát

mưa xuống những nụ hôn làm lại thế gian

(Những bông hoa mùa thu)

 

Hai câu thơ làm gợi nhớ tới những câu thơ cắt nghĩa về các thành tố Đất và Nước của Nguyễn Khoa Điềm: “Đất là nơi anh đến trường / Nước là nơi em tắm” hay ước nguyện được hóa thân của người phụ nữ trong tình yêu để muôn đời được sống mãi, để tình yêu trường cửu: “Làm sao được tan ra / Thành trăm con sóng nhỏ / Giữa biển lớn tình yêu / Để ngàn năm còn vỗ”. Thế nhưng, hình ảnh “em và anh tụ thành nước mát” trong thơ Mai Văn Phấn mới thật tinh tế, mới mẻ. “Em” và “anh”, hai cá thể độc lập, sợi dây gắn kết là tình yêu, trong tình yêu ấy đôi ta đã hòa vào nhau thành một dòng nước mát lành làm nên một tình yêu cao đẹp và thánh thiện. Không dừng lại ở đó, tình yêu của “anh” và “em” không còn là thứ tình cảm riêng tư nữa, nó đã hòa vào dòng nước chung của cõi nhân gian trong một cơn mưa. Tình yêu ấy góp phần dựng xây lại thế giới này, để cõi người thực sự “người” hơn.

 

Ngoài ra, Mai Văn Phấn còn có những khám phá rất lô gic và đầy tính nghệ thuật về nước. Nước đơn thuần là một yếu tố của sinh thái, là vật chất lỏng chảy lan trên mặt đất hay ngầm trong cách mạch địa đạo, là môi sinh của các sinh vật. Đó là “mặt nước bình lặng ngoài kia”, là dòng nước đục để lũ cá cơm sinh sôi, sống sót. Đó là hồ nước mà ông John Wilfred Harper Fullerton Dickie, phụ thân nhà thơ Susan Blanshard đã băng qua trong hành trình có cả cánh đồng lúa mì, cải dầu, hoa oải hương và những mái nhà lợp bằng rơm rạ. Đó môi sinh và hơn vậy là tiêu chuẩn sống của các loài sinh vật, trong đó con người không ngoại lệ:


 

Con người

Cỏ cây

Muông thú

Sống nhờ nước

Soi mình vào nước

(Mở)

 

Thiếu nước hình ảnh của các loài cây thật thiếu sức sống: “cây thiếu nước rũ xuống không xa dòng sống căng mình lộng lẫy” (Nơi trời rộng). Nước là hiện sinh của cuộc sống, là mặt nước in bóng bầy sâm cầm bay theo ngọn gió, con thiên nga sải cánh rộng lướt bay xa. Đôi khi hơi nước hòa vào nắng sớm để phủ lên hình ảnh của đôi trai gái yêu nhau bên bờ kênh Griboedov. Nước là mặt hồ thu ở nước Nga xa xôi. Nước là hình ảnh bình dị của thôn quê Việt Nam:

 

Nước lùa bóng ao lên chót vót

ngập cuống nhau rã phận hoa bìm

lối về thấp thỏm

(Làng)

 

Nước là hình ảnh được dùng làm đối tượng so sánh cho mùa thu. Trong cảm quan của Mai Văn Phấn, mùa thu đến như con nước tràn về lan vào cảnh vật và bầu trời như một cái ao sâu chứa đựng những biến động lớn lao ấy.

 

Trời như cái ao sâu

Thu ùa về như nước

(Thu về)

 

Nước được làm tiêu chuẩn cho đôi mắt của con chim trắng mỏ hồng. Nước là biểu tượng của sự đơn lẻ hòa mình sự mênh mông, bao la rộng

 

lớn. Đó là giọt nước hòa vào dòng sông lớn cùng với hình ảnh của đàn kiến lang thang tìm được hướng đi, chiếc lá rụng về mặt đất trên thảm cỏ bao la.

 

Nước còn là biểu hiện của sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên. Nước dồn lại từ những hạt sương, ngọn suối, dòng sông đổ ra biển, đó là nước của thiên nhiên. Những dòng nước thiên nhiên ấy thấm vào da thịt con người, chảy trong cơ thể con người. Đó là phần thiên nhiên trong mỗi con người:

 

Đi rửa chân khắp nhân gian

Nước vẫn bên tôi tinh khiết

(Nước đang chảy qua trái đất)

 

Và không chỉ có con người, nước là sự giao hòa giữa thiên nhiên và trăm loài vạn vật trong sự trường tồn của tạo hóa:

 

Căng đôi mắt

Thấy mọi người cùng cảnh vật

Rùng mình để nước đi qua

(Nước đang chảy qua trái đất)

 

Sông quê bến nước trong thơ Mai Văn Phấn không chỉ biểu hiện của phương diện sinh thái mà còn là biểu tượng của quê hương, cố hương, của những giá trị truyền thống. Trong xã hội kim tiền, người người chạy đua theo giá trị thị trường, lòng tham đã làm tiêu cực hóa con người, nhà thơ băn khoăn về các giá trị xưa cũ có còn tồn tại với trào lưu xã hội ấy.

 

Máu tham, vàng lấy mất hồn

Sông quê bến nước có còn đầy vơi

(Khúc hát của người mẹ đi tìm vàng)

 

Mặt nước cũng là “phế tích” của sự bồng bột của trẻ thơ trong bài thơ Đất mở trong tập Vách nước.

 

Nước là biểu tượng của sự thuần khiết tự nhiên, là sự trường tồn của tạo hóa, có sức khai tỏa, sức thanh khiết cuộc sống.

 

Máu Chúa hòa nước sạch

Rửa tội cho cộng đồng

(Nguyên Hồng vào nhà thờ)

 

Sự trường tồn ấy đã có lúc được nhà thơ gọi thành tên: “Con hà sặc khói hun mở miệng luận bàn về sự bất tử của nước và thoáng chốc một con thuyền” [16].

 

Nước rõ ràng là một phương diện sinh thái nổi bật trong thơ Mai Văn Phấn. Đó là biểu hiện của thiên nhiên, tự nhiên: “Nước chảy dưới tầng sâu”, “Nước phun mát hành tinh”. Đó là biểu hiện của sự giao hòa giữa thiên nhiên và tạo vật: “nước trào qua trảng cỏ”, “nước dâng lên tán cây”. Đó cũng là biểu tượng của những giá trị tinh thần, những giá trị truyền thống mềm dẻo và bất biến. Nhìn chung, ý nghĩa biểu tượng nước trong thơ Mai Văn Phấn cũng không nằm ngoài ý nghĩa của biểu tượng này trong nền văn hóa nhân loại: Nước là khởi nguồn của sự sống, mang tính linh hoạt, sự phồn sinh, sự tái sinh, sự thanh tẩy...Nhưng dưới ngòi bút đầy khát khao sáng tạo và mong muốn được ghi dấu ấn trong dòng chảy của văn học dân tộc, Mai Văn Phấn đã làm sinh động hơn, giàu có hơn cho biểu tượng vốn đã quen thuộc này.

 

2.2.2.3. Biểu tượng cỏ cây, hoa lá

 

Hình ảnh hoa lá cũng là hình ảnh thường thấy trong thơ Mai Văn Phấn. Hoa trong thơ Mai Văn Phấn gắn với hình ảnh người trồng hoa. Người trồng hoa có nỗi khổ của người trồng hoa vì có mùa hoa nở có mùa hoa không nở. Người trồng hoa không chỉ trồng bằng nắng mưa, mây gió mà còn trồng bằng mồ hôi, nước mắt một đời. Hoa là cuộc đời và cũng là nhân chứng cho sự lao khổ của người lao động:

 

Trọn một kiếp người

Hoa uống cạn nước mắt với mồ hôi

(Lời người trồng hoa)

 

Không gian mùa hè với các loại cây lá trong cảm nhận của nhà thơ như những sinh thể sống động hòa vào không gian thời tiết:

 

Em đã nghe

Nên gốc cây vừa tưới mới ngấm nhanh đến thế

Vòm phượng vĩ đẫm sương sáng nay bốc cháy

Những quả ngô đồng khô nỏ khua vang

(Sáng mùa hè)

 

Trong không gian đầu mùa thu, cảnh vật như còn là kết quả của sự chuyển đổi thời gian, thời tiết. Trên các ngọn cây, ngóc ngách, mùa hè vẫn còn lưu lại bởi ánh nắng của mình. Mùa hạ qua đi cũng là mùa hoa sen tàn, những bình gốm từng cùng những bông sen trang điểm cho chiếc bàn, cho căn phòng giờ trở nên trống trải. Những ngày hè qua đi cũng là sự qua đi của những ngày mà đôi bờ hồ bỏng rát bởi nắng nóng và cũng là sự qua đi của những cơn giông bão, sấm chớp bất ngờ. Trong cảnh sắc của tạo hóa ấy, chiếc lá của nhà thơ Mai Văn Phấn dường như là một nhân thể đang suy tư, trăn trở và giữ nhiều câu chuyện chưa nói trong lòng:

 

Chỉ những chiếc lá chưa vàng vẫn một mực khăng khăng:

- Những gì chưa đến thì đừng có nói

(Đầu thu)

 

Hoa cúc trong thơ Mai Văn Phấn như một con người có cá tính riêng biệt. Người ta thường biết hoa cúc là đề tài của nhiều bức họa vàkhông ít nhạc phẩm, để rồi cứ ngỡ rằng không gian của hoa cúc là chốn thơ ca, văn nghệ. Nhưng không, hoa cúc trong thơ Mai Văn Phấn là hoa cúc về với thiên nhiên “Chạy về cao rộng mùa thu” với “Heo may réo tìm khản giọng”. Không chỉ hòa mình về với thiên nhiên, hoa cúc còn là một sinh thể tồn tại một cách đường hoàng đĩnh đạc giữa thế giới đổi thay, giữa thế giới của cạm bẫy, tranh giành và mê đắm mà nhà thơ chỉ ra là thế giới của “mơ mộng vững bền”, “ngọt ngào khôn ngoan giăng lưới”, “dại khờ con cá cắn câu”, “con chuồn ngu ngơ dính bẫy”. Và mặc cho người đời kẻ ngợi ca hay chê trách, hoa cúc vẫn là một thực thể tự nhiên tàn nở theo quy luật của vũ trụ, tạo hóa:

 

Ngợi ca trở thành xa lạ

Nhạt phèo những chuyện đâu đâu

Ta mải cao đàm khoát luận

Hoa tàn tới cả mùa sau

(Chuyện hoa cúc)

 

Không chỉ có hoa lá mà cỏ cây cũng là một phương diện sinh thái được thể hiện trong thơ Mai Văn Phấn. Thơ Mai Văn Phấn xuất hiện nhiều chi tiết về lá cây. Lá cây là biểu hiện của thời gian đi qua, các mùa luân chuyển:

 

Cô đơn tràn bãi trưa hanh

Mùa đi rung cây lá đổ

(Màu xanh)

 

Lá cây là nhân chứng của tình đôi lứa nồng nàn, cuống quýt:

 

Đêm đầu mùa

Anh cuống quýt hôn em qua kẽ lá

(Màu xanh)

 

Những chiếc lá đôi khi là một ẩn dụ về đời người trong sự trường tồn của thiên nhiên:

 

Khi mỗi chúng ta là chiếc lá

Thì rừng hoang bỗng hóa nhà mình

(Màu xanh)

 

Ngoài lá cây còn có những hình ảnh về những bãi cỏ, bãi cỏ xanh mọc lên thấm thoát gắn với sự sống qua từng bước chân của con người:

 

Bao lối cỏ cứ xanh vội vội

Thấm lên bàn chân ai qua

(Màu xanh)

 

Cỏ cây dường như là một biểu hiện của sự sinh sôi trong thơ Mai Văn Phấn:


 

Nơi đầu nguồn đã thay một không gian và thế hệ cỏ non đang ran ran trên đất [15]

 

Sự sinh sôi mà biểu tượng cỏ cây trong thơ Mai Văn Phấn thể hiện không phải đơn lẻ mà luôn có sự sóng đôi:

 

Mặc lũ vịt chạy lên triền đê đẻ trứng

Bên mầm cây nâng trời đất chui lên

(Anh đã rơi)

 

Cây cỏ xanh tươi là một bộ phận của tự nhiên hòa vào những quy luật của tạo hóa:

 

Hạt mưa vỡ từ giấc mơ mùa hạ

Ngọn cỏ ngước lên đón từng giọt ngập ngừng

Xác lá mủn, hồn chạy nhanh lên ngọn

Cao xanh về trong hốc mắt tan sương

(Nhịp thu về)

 

Mai Văn Phấn có lẽ đã nhận ra mối tương quan chặt chẽ giữa con người và tự nhiên, từ đó thể hiện qua những hình ảnh về cây cỏ, hoa lá trong thơ mình. Hình ảnh cây cỏ, hoa lá chiếm tỷ lệ khá cao trong những tác phẩm của Mai Văn Phấn. Theo số liệu thống kê từ những bài thơ mà Mai Văn Phấn viết, hình ảnh cỏ có mặt đến 127 lần, những hình ảnh cây, hoa, lá, quả, hạt, củ... gọi chung là hoa cỏ, cây lá xuất hiện tới 629 lần. Điều đó chứng tỏ việc sử dụng hình ảnh cây cỏ, hoa lá trong sáng tác là đặc điểm khá cơ bản của thơ ca mang cảm quan sinh thái của Mai Văn Phấn.

 

Nhà thơ Mai Văn Phấn đã đưa những hình ảnh, màu sắc, hương vị của cỏ cây, hoa lá vào tập thơ Gọi xanh. Trên nền tảng tình yêu thiên nhiên tha thiết, cảm quan về cây cỏ, hoa lá của Mai Văn Phấn rất dễ nảy sinh và tạo nên cảm hứng:

 

Cây mọc vô tình bên mép đá

Tán xanh như múa gốc như quỳ

(Cây trên đảo)

 

Mai Văn Phấn là người dễ đồng điệu với thiên nhiên. Bắt gặp cảnh sắc thiên nhiên đẹp đẽ hay gặp gỡ những miền đất thắng cảnh danh lam đều có thể khơi gợi nguồn thi hứng của nhà thơ dù chỉ là những biểu hiện của cây lá:

 

Cây lá ở Nghi Tàm

Thon những bàn tay Phật

Ta nhìn vào sương tan

Thấy lòng mình trong vắt.

 

Tiếng thời gian khoan nhặt

Bên thềm rêu gọi hè

Không gian như phủ chúa

Hoa cười vang cung mê.

 

Ai đang dẫn ta về

Thành Thăng Long mây khói

Nền xưa và dấu xe...

(Nghi Tàm)

 

Nhà thơ Mai Văn Phấn là người Việt Nam đầu tiên viết về cỏ với những khám phá cực kỳ mới lạ. Trong thơ ông, hình ảnh của cỏ trở nên là hình ảnh siêu thực:

 

Thôi đừng dỗ cỏ lên trời

Khi tan mộng mị biết ngồi với ai

Dấu chân đừng hóa chông gai

Nép vào bóng xế dũa mài hoàng hôn

Ta về đổ bóng xuống vườn

Cho xanh tươi lại từng cơn úa vàng

Ghé môi vào miệng thời gian

Cho hơi thở mọc vô vàn cỏ non

(Tản mạn về cỏ)

 

Cỏ là hình ảnh chính trong những câu thơ trên đây, được nhân cách hóa, biểu tượng hóa. Cỏ cũng như người “bị dỗ lên trời”. Cỏ cũng như người đang “mộng mị” cùng với nhân vật bộc lộ tâm trạng. Cỏ trở thành hình ảnh biểu trưng ở hai câu thơ cuối với hai hình ảnh tương xứng “miệng thời gian” và “cỏ non” như ngầm định về sức trẻ với những đam mê, khao khát. Và theo thống kê của PGS. TS. Đào Duy Hiệp, trong thơ Mai Văn Phấn, số lượng cỏ non, xanh chiếm kỉ lục so với các kết hợp khác: cỏ mềm, vạt cỏ dài, sữa cỏ, cỏ đêm, cỏ dại, cỏ hoang, cỏ gai, cỏ mịn, cỏ nát…

 

Kể từ lúc này trở đi, hình ảnh cỏ trong thơ Mai Văn Phấn được sử dụng nhiều với mức độ sâu rộng và ẩn chứa nhiều thông điệp với những biến thể khác nhau. Mai Văn Phấn cho rằng mọi thứ đều có linh hồn và cỏ cây, hoa lá cũng mang một điều gì đó rất đỗi thiêng liêng. Cỏ cây, hoa lá cũng đều có linh hồn. Dù do tâm trí con người tạo ra nhưng cái linh hồn của cỏ cây, hoa lá vẫn có ích cho cuộc sống vì chúng làm cuộc sống đẹp đẽ, sinh động hơn. Trong thơ Mai Văn Phấn, cỏ vô tri mà lại có hồn, nó luôn hiện diện cùng với những triết lý về con người và cuộc đời:

 

Hoa tàn cây vẫn còn đau

Hương thơm quyến luyến trên đầu cỏ xanh

(Kinh cầu ban mai)

 

Cỏ cây là biểu tượng của sức sống mãnh liệt, sức sinh sôi lớn lao:

 

Gần em cho mưa bay

cỏ dưới chân đang hàn gắn thế giới

(Những bông hoa mùa thu)

 

Với 127 lần xuất hiện, cỏ hiện lên như một ám ảnh trong tâm thức sáng tạo của thi nhân. Trong thơ tuyển của Mai Văn Phấn có ba bài bài mà nhan đề nhắc đến cỏ: Tản mạn về cỏ, Khai bút cùng cỏHình Đám Cỏ. Nhất là, trong trường ca Người cùng thời và hai bài thơ dài Những bông hoa mùa thuHình Đám Cỏ, tần số từ cỏ xuất hiện đã đạt đến mức kỷ lục (riêng ở Hình Đám Cỏ, từ cỏ xuất hiện tới 21 lần).

 

Vẫn mang tính chất mộng mị của cỏ ở giai đoạn đầu, tuy nhiên ở giai đoạn thứ hai, hình ảnh cỏ đã ít nhiều mang hơi hướng của công nghệ hiện đại:

 

Ta nhận biết mình trong tiếng chim mê ngủ

Ngọn cỏ mơ màng ngậm những vì sao

Ngọn gió sớm đặt tay lên bàn phím

Gương mặt ai vào vùng nhớ hôm nào

(Người cùng thời – Chương I)

 

Những hình ảnh đậm đặc chất siêu thực như “tiếng chim mê ngủ”, ngọn cỏ “ngậm những vì sao”, ngọn gió “đặt tay lên bàn phím” và “Gương mặt ai vào vùng nhớ hôm nào” đã cho thấy, hình ảnh cỏ trong thơ Mai Văn Phấn đã hướng tới một nội hàm khác trước.

 

Bước sang giai đoạn thứ ba, hình ảnh cỏ trong thơ Mai Văn Phấn xuất hiện với một sắc thái khác:

 

Mưa cơ thể em sáng láng

Phởn phơ vũ điệu cỏ cây

(Hình Đám Cỏ - Nhịp V)

 

Hay:

 

Mặt cỏ phun nhuệ khí trùm lấp

Phấn khích giờ tạo thiên lập địa

Mùa mới đợi chờ cỏ xanh cắt sát gốc

Những móng vuốt tì chân cỏ bật căng

Cỏ non kinh động

Càng chồi lên mở lại những chân trời

(Hình Đám Cỏ - Nhịp IX)

 

Hoặc:

 

Bên nhau cỏ mọc

Cỏ diễn tiếp giấc mơ của đất

Lưng thấm cỏ, chân tay thấm cỏ

Không cần sấm chớp, tụ mây

ta mưa vào nhau cơn mưa cỏ xanh

nắng lại trải vàng mặt đất

Mưa cỏ xanh dâng mắt ta ngập tận đỉnh cây
Ta đan vào nhau nghẹt thở… ngô nghê... ú ớ…

(Những bông hoa mùa thu)

 

Có lẽ nào, Mai Văn Phấn muốn tô đậm giá trị phồn thực mà hình ảnh cây cỏ mang lại. Hình ảnh cỏ ở đây vẫn mang hơi hướng mộng mị ở hai giai đoạn trước, nhưng đẫm dục tính nhân sinh qua các bộ phận cơ thể người như lưng, chân tay. Và có lẽ, tinh thần này xuất phát từ biểu tượng của văn hóa thế giới: cỏ là biểu tượng của tất cả những gì chữa khỏi bệnh, tái lập sự sống, trả lại sức khỏe, sự cường tráng và khả năng sinh sản.

 

Như vậy, biểu tượng cỏ trong thơ Mai Văn Phấn có tác dụng làm chất xúc tác cho sáng tạo nghệ thuật và là biểu tượng về tính dục, sự sinh sản, sức khỏe, mang theo triết lí về con người, cuộc đời, cội rễ.

 

Khẳng định sự thành công của Mai Văn Phấn khi viết về cỏ, nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế cho rằng ông là nhà thơ đạt thành công nổi trội khi viết về hình tượng ngọn cỏ, ông đã tạo ra thách thức cho những người viết về hình ảnh cỏ sau ông. Nếu thi ca trung đại có thi hào Nguyễn Du viết nên những câu thơ bất hủ về cỏ mãi mãi vẫn đủ sức rung động lòng người thì thơ ca hiện đại ghi một cái tên Mai Văn Phấn.

 

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2

 

Trong Chương 2, chúng tôi tìm hiểu và phân tích hai nội dung cơ bản là làm rõ khái niệm “biểu tượng” và tìm ra những biểu tượng sinh thái cơ bản trong thơ Mai Văn Phấn. Đó là hai hệ biểu tượng cơ bản: hệ biểu tượng về bầu trời và hệ biểu tượng về mặt đất. Trong hệ biểu tượng về bầu trời nổi lên hai biểu tượng rõ nhất là ánh sáng với những bình minh, ban mai, mặt trời, tia nắng, ánh trăng, ngọn lửa,… giọt sương, ngọn gió, chim muông. Hệ biểu tượng về đất có những biểu tượng tiêu biểu là đất đai với những đồng vị là cánh đồng, khu vườn, mùa vụ, gieo trồng,… nước, cỏ. Các hệ biểu tượng này đã làm hiện lên một thế giới tự nhiên đa dạng, phong phú. Đó vừa là một thế giới phồn sinh, giàu có, ổn định, hài hòa, tươi đẹp song cũng hàm chứa các nguy cơ bị phá hủy, bị phai tàn bởi sự ích kỉ của con người.

 




Chương 3

 

MỐI QUAN HỆ HÀI HÒA GIỮA CON NGƯỜI VÀ TỰ NHIÊN:
SỰ THỨC TỈNH CỦA ĐẠO ĐỨC SINH THÁI

 

 

3.1. Sự hài hòa giữa con người và tự nhiên

 

3.1.1. Người mẹ: cội nguồn thế giới

 

Mai Văn Phấn hay nói về Mẫu. Đạo Mẫu là một tín ngưỡng mang bản sắc văn hóa Việt Nam rất đậm đà. Những giá trị nhân văn, nhân đạo mà tín ngưỡng thờ mẫu để lại là nét đẹp văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Mẫu ra đời trong nền văn minh nông nghiệp lúa nước, ảnh hưởng của chế độ mẫu hệ và quan trọng nhất là niềm yêu thương, trân trọng biết ơn đối với những người sinh thành dưỡng dục, có công với cuộc đời mỗi người và sự nghiệp chung của các dân tộc. Hình ảnh người mẹ trong tín ngưỡng dân gian và trong tâm thức người Việt là hình ảnh của người chở che, đùm bọc, nuôi dưỡng và dạy dỗ cho mọi người. Điều đó lý giải vì sao cả khi vui lẫn khi buồn, khi thành công hay thất bại người ta đều muốn trở về để nhận được sự bao dung, vỗ về của người mẹ.

 

Dường như Mai Văn Phấn có một niềm tin vào đạo Mẫu rất mãnh liệt, vì thế thơ ông có nhiều dấu ấn của đạo Mẫu và viết về người mẹ rất hay. Mai Văn Phấn dành cả một bài thơ dài lấy tên là Cửa Mẫu. Hình ảnh mẹ, hình ảnh mẫu trong thơ ông cũng xuất hiện rất nhiều. Đó là những hình ảnh bao bọc, chở che, đại diện cho sự sinh sôi, nảy nở, trù phú và hết sức nên thơ. Hình ảnh người mẹ không chỉ vĩ đại trong tâm trí người Việt mà còn vĩ đại trong tâm thức của những dân tộc, con người biết trân trọng yêu quý cái đẹp. Nhà thơ M. Gorki từng thốt lên rằng:

 

Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ

Anh hùng, thi sĩ hỏi còn ai


 

Theo thống kê của chúng tôi, trong Thơ tuyển Mai Văn Phấn cùng tiểu luận và trả lời phỏng vấn, hình tượng mẫu đã xuất hiện tới 75 lần, trong đó, từ mẹ (mẫu) có 35 lần và các đồng vị tương ứng của mẹ như đàn bà, bà, chị, thiếu phụ, thiếu nữ, cung phi, vũ nữ, a hoàn... có tới 30 lần.

 

Trong bài Cửa Mẫu, hình ảnh người con rõ ràng là một ẩn dụ cho đời sống, sự tồn tại của vạn vật, trăm điều trong cuộc chiếu đấu của đấu trường tiến hóa. Hình tượng Mẫu là đấng toàn năng, hoàn bị, đã sinh thành ra con người, che chở, bảo vệ cho những đứa con và giúp chúng sinh tồn, thích nghi, tranh đấu bảo vệ sự sống của chính mình:

 

Con đuổi theo con mồi nhỏ

Tung mình lên mặt sóng rồi mất hướng

Nước rút

Trong giấc mơ gần sáng

 

Xương cốt con đau

Đuôi và vây lưng tê cứng

Có bàn tay luồn những sợi dây

Kéo con lê lết

 

Họ dừng lại trú mưa

Phóng thích con

Gần chân sóng…

(Cửa Mẫu)

 

Người ta tin rằng, trong bất cứ thời điểm nào, ở bất cứ đâu, với mọi hoàn cảnh của cuộc sống, mẫu với nhiều hóa thân khác nhau luôn luôn theo sát, nâng niu, bảo vệ và làm nhiệm vụ dẫn đường cho con vượt qua bao khó khăn, thử thách, bao sóng to gió lớn của cuộc đời:

 

Ngọn cây vươn mỏ con chim

Đang cúi xuống mớm vào miệng con từng hớp gió


[...]
Da thịt con yêu trải sâu đêm tối

Dựng tầng mây mưa nguồn

[...]
Con lặng lẽ đi qua vầng mặt trời đáy nước
Nhìn hướng bầu trời mở đôi cánh

(Cửa Mẫu)

 

Hình ảnh con trong những câu thơ trên vừa có tính cá thể đơn nhất vừa mang tính quảng đại quần thể, đó là biểu hiện của sức mạnh hiên ngang, mạnh mẽ trong quá trình khám phá bản thân, thâm nhập vào thế giới và khát vọng vươn tới tương lai. Quá trình như vậy không thể có được sự thuận lợi ngay từ đầu mà còn tiềm ẩn những hiểm nguy, vất vả. Hình ảnh mẫu vụt hiện như nhân vật nâng đỡ, hỗ trợ, bảo vệ vô hình trong mọi trường hợp cho nhân vật con.

 

Mai Văn Phấn coi mẫu là thần tượng. Trong thơ ông, mẫu đại diện cho sự sinh sôi nảy nở, trù phú; mẫu còn là đấng toàn năng với các chức năng sinh thành, che chở, bảo vệ, hướng dẫn và cùng con vượt qua bao sóng gió của cuộc đời.

 

Nhiều khi nhà thơ không nói trực tiếp về người mẹ nhưng qua câu chuyện về một bộ đồ pha lê rơi vỡ, nhà thơ nói lên những triết lý về người mẹ tự nhiên. Hạt bụi biểu trưng cho thiên nhiên mà thiên nhiên là mẹ tạo hóa sinh sôi ra những gì được cho là đáng quý và cao sang nhất như pha lê:

 

Người chủ lỡ tay

Hay số phận...

Pha lê quay cuồng

Vụn nát.

Bàng hoàng

Nhận ra

Bụi là mẹ ở nơi nơi.

(Bụi và pha lê)

 

 

Người mẹ thiên nhiên hiện hữu hóa trong hình ảnh “trứng chim nằm trong lòng mẹ”, hay “Quả trứng ấp trong đôi cánh của mẹ”. Người mẹ thiên nhiên hiện hữu trong mối quan hệ giữa rễ cây to và rễ cây nhỏ, chùm rễ cây mẹ vững chãi ông ấp lấy chùm rễ cây con. Đất mẹ thiên nhiên ấm áp ôm lấy thân thể của người con của tự nhiên vừa trải qua hình trình của cuộc đời nay trở về với đất:

 

Đất mẹ ấm áp

Máu xương

Nước mắt thấm lưng

Những linh hồn chen chúc

(Mở)

 

Loài sinh vật cũng có tình mẫu tử, con nghé lạc mẹ đi từ sáng tinh mơ khi có hơi nước bai mai phủ lên các sợi lông tơ, để đi tìm mẹ khắc khoải “gõ móng trên mặt đất”. Hình ảnh lòng mẹ cũng là thước đo để so sánh với tạo vật thiên nhiên. Người mẹ thiên nhiên hiện hữu trong hình ảnh con vượn mẹ tự đẻ con và tự đỡ con trong giờ sinh nở mà hình ảnh “Tay kia đu trên thăm thẳm vực sâu” gợi cho ta cảm tưởng về sự nguy hiểm của cuộc sinh nở của tạo hóa. Chú bê non dúi đầu vào lòng mẹ để tìm tòi sự âu yếm và nguồn sống.

 

Người mẹ trong thơ Mai Văn Phấn có khi là người mẹ đi đãi cát tìm vàng, mơ mộng cho sự sang giàu của con cái mai sau dù cho hiện thời việc đãi cát tìm vàng ấy khó khăn và đầy rẫy những cảnh đau khổ, những toan tính tham lam. Sự tìm kiếm phú quý sang giàu làm phai nhạt đi lời thề đôi lứa, vùi chôn quê hương xứ sở vào miền quên lãng. Người mẹ đã khóc ròng vì cảnh tìm vàng:

 

Vàng đâu! Mẹ khóc với trời

Mưa giăng giăng nước mắt rơi thành vàng

(Khúc hát ru của người mẹ đi tìm vàng)


 

Người mẹ vất vả nhọc nhằn là hình tượng thơ thường thấy để phản ánh nỗi cực khổ của đời người và một thời kỳ dài đã qua. Mai Văn Phấn dùng hình ảnh “lưng cáy màu áo mẹ” như “đã nhuộm từ thuở nào” để minh họa cho điều đó. Rõ ràng khác với phong cách diễn tả truyền thống, phong cách diễn đạt của Mai Văn Phấn thật góc cạnh và chính sự chân thật góc cạnh ấy lại càng làm ám ảnh người đọc về những hình tượng nhà thơ xây dựng. Tuy vậy, thơ Mai Văn Phấn có những câu thơ gợi nhớ cho chúng ta phong vị ca dao của những làng quê xưa về người mẹ hiền:

 

Em ơi từ độ vắng nhà

Cá rô kho mặn ăn ba bốn ngày

Màn lưa thưa gió heo may

Chắc là mẹ ngủ đêm nay chập chờn

(Em gái lấy chồng)

 

Hình ảnh mẹ “tóc bạc phơ” tay cầm chiếc quạt đã in bóng trong thơ văn truyền thống nay lại in bóng trong thơ văn Mai Văn Phấn. Hình ảnh của người mẹ trong chiến tranh đã lùi xa nhưng rõ ràng vẫn còn vang bóng trong đời sống:

 

Tấm lưới nghìn năm dằng dặc miệt mài

Ai đã kéo sau mỗi cơn binh lửa

Suốt đời mẹ đan những sợi ban mai âm thầm bên khung cửa
Khi đón cha đêm đã nhạt cuối vườn

(Giấc mơ đi qua)

 

Trong bài thơ Cửa Mẫu, người mẹ thiên nhiên được phản ánh qua biểu tượng Mẫu. Người mẹ thiên nhiên vỗ về nuôi nấng vạn vật bằng ánh trăng, tiếng chim, tiếng thú, mây mưa, suối nguồn.

 

Mẫu nâng niu con ánh trăng

Tiếng chuyền cành, tiếng hú

Da thịt con yêu trải sâu đêm tối


Dựng tầng mây mưa nguồn

(Cửa Mẫu)

 

Người mẹ trong bài thơ Rời tay để bạn đi trước tiên là người mẹ sinh thành dưỡng dục, là người mẹ đã ngày đêm chăm bẵm nuôi nấng mỗi người, sau đó là biểu trưng cho cõi khuất, cho thiên nhiên nguồn cội. Khi nhà thơ Dương Kiều Minh mất, Mai Văn Phấn đã khóc nhà thơ bằng bài thơ này:

 

Tìm khắp cánh đồng không thấy

trên lớp lá thu còn một chiếc giày

Chắc giờ này bạn đã gặp mẹ

(Rời tay để bạn đi)

 

Hình ảnh người mẹ hiện lên cùng người cha trong nỗi cảm ơn của người con:

 

Đóng chiếc cọc sâu cột cánh diều

Tạ ơn cha mẹ

(Tỉnh dậy trong đêm mưa)

 

Hình ảnh mẫu hay hình ảnh mẹ là hình ảnh mà Mai Văn Phấn đã cố công gây dựng trong nhiều sáng tác của ông. Đó là đấng toàn năng, đấng cứu rỗi và phù hộ độ trì cho những người con, mang ý nghĩa về sự sinh sôi, nảy nở của vạn vật. Vì vậy, đó là khát vọng vô biên của con người trong đời sống vật chất và tâm hồn. Đó là sự chở che vĩ đại cho linh hồn con người. Hình ảnh người mẹ chắc chắn được lấy ra từ đời sống thực, đời sống của loài người. Người mẹ là người sinh thành, dưỡng dục và hy sinh vì con, là người mẹ đồng cam cộng khổ, là người mẹ theo sát người con trọn một đời. Mai Văn Phấn viết về mẹ vô cùng cảm động, sự cảm động không chỉ dâng lên ở con tim mà còn dâng lên cả trong khối óc.

 

3.1.2. Người tình: đắm say, rạo rực và tình tứ

 

Người tình là nhân vật rất hấp dẫn trong thơ Mai Văn Phấn. Theo thống kê số liệu, trong Thơ tuyển Mai Văn Phấn cùng tiểu luận và trả lời phỏng vấn, hình ảnh người tình được nhà thơ nhắc đến 367 lần với hai tên gọi: em (256 lần) và vợ (11 lần). Dù xưng hô là anhem nhưng không hẳn Mai Văn Phấn muốn nói đến một tình yêu. Vì vậy hình ảnh người tình trong thơ Mai Văn Phấn phải là hình ảnh của một cô gái đang yêu và được yêu. Tình yêu đôi lứa là cảm hứng vô tận trong sáng tác thơ ca. Tình yêu là túi chứa của những cảm xúc của con người cả tươi đẹp lẫn tàn úa, cả hạnh phúc lẫn khổ đau. Mai Văn Phấn là nhà thơ mang sẵn tình cảm yêu đương, thơ ông mang vẻ đẹp của tình yêu non xanh dù ông đã trải qua thời trai trẻ. Nhưng thơ ca là đời sống tâm hồn, không phải đời sống thể chất. Trong thơ ông, hình ảnh người tình xuất hiện với tư cách của kẻ đang yêu vô cùng đắm say, rạo rực, tình tứ:

 

Chúng mình hôn nhau trong hành lang hẹp

trên cỏ xanh, trong những góc tối

trên tháp chuông, bên gốc cây cổ thụ

Con sâu đo em đu lên người anh

thì thầm gặm hết những xanh non

(Gió thổi)

 

Tình yêu được cho rằng có sự quyến rũ rất riêng vừa tự động nhưng cũng vừa bắt buộc, nó như một quyền lực mềm trong mối quan hệ giữa con người. Thơ Mai Văn Phấn khai thác hình ảnh em trong cuộc yêu muốn trở về chốn yên lành nơi nhà thơ sẽ dựa vào đấy sau những trải nghiệm vất vả, khó nhọc của cuộc đời. Hình ảnh em có thể là sứ giả của hòa bình, của sức mạnh cảm hóa của tình yêu, sức mạnh gắn kết nhân loại:

 

Luôn tin có em trong miệng anh

 

Nơi không chiến tranh, dịch hạch

Mũi tên bắn lén tẩm độc

Thị phi, cạm bẫy, lọc lừa

 

Lối em đi không còn gai nhọn


Bão tràn qua anh dựng tường ngăn

 

Bình yên trong miệng anh

Em thúc nhẹ bờ vai

Vòm ngực, ngón chân vào má

Huyên thuyên và hát thầm

Hồn nhiên cho lưỡi và răng anh chạm vào cơ thể

 

Anh là con cá miệng dàn dụa trăng

Rời bỏ bầy đàn quẫy vào biển động

(Ngậm em trong miệng)

 

Trong tình yêu ấy, rõ ràng Mai Văn Phấn đã tôn thờ người yêu như những thiên thần và coi bản thân mình đang được hưởng phép màu và ân đức của người yêu ấy:

 

Từng giọt mát lành thấm nhuần trong đất

Tươi từ môi anh đến gót chân em

Anh ngỡ mình được phép lành thánh thể

Đêm vừa qua hay đã mấy nghìn năm

(Ngậm em trong miệng)

 

Nằm trong cảm thức mẫu, hình tượng người tình còn được Mai Văn Phấn tôn vinh như thiên thần trong trạng thái phồn sinh. Với ông, bất cứ vật gì trong trạng thái mang thai, sinh nở đều đẹp, đều thiêng liêng: “Chiều nay em cho con bú. Ngoài kia từng chân kiến đang đi, từng cánh ong vẫn còn đang vỗ. Nơi anh về trú ngụ là ô trời xanh trong mắt em cười. /.../ Căn phòng mình chẳng còn những bức tường bao quanh và không gian thành thời gian thánh thiện, khi anh mải mê nhìn vầng ngực em dâng đầy như biển, cứ thu mình tìm vào miệng con be bé xinh xinh...” (Em cho con bú).

 

Và:

 

Khẽ nhắm mắt, khẽ ngậm vào tóc em

Đang chết đi và đang sinh sản


Dù có lả đi thành âm u bóng tối

Lại thấy huy hoàng chạm những môi hôn

(Anh đã rơi)

 

Tính mẫu và tính nữ của hình ảnh người tình được nhà thơ kết hợp một cách hài hòa để tạo nên hình tượng người tình đẹp rạng ngời. Hình ảnh ấy có thể có sức ám ảnh rất lớn trong những sáng tác nghệ thuật. Có lẽ, trong đời sống thường nhật, nhà thơ cũng muốn dựa nương vào sự che chở của tình yêu mà người tình mang lại:

 

Là con kiến nhỏ trong thế giới em

Có thể bị nghiền nát dưới tảng đá vỡ

Dưới gót giày

Mũi khoan, lưỡi cuốc

Độ nóng que hàn

Tiếng rít từng bánh sắt

Bị thiêu rụi trong đám cháy rừng

Thành tro bụi giữa tầm sét đánh

Biết thế…

Vì biết thế

Nên đỉnh đồi

Hay tận hang sâu

Anh hoá thân thành muôn ngàn loài kiến

Kiêu hãnh bò đi trên thân thể em

(Hình đám cỏ - Nhịp IV)

 

Trong chủ đề tình yêu, chủ đề mà người ta nghĩ rằng khó tìm được một con đường mới để thể hiện lòng mình. Trong khi đó, Mai Văn Phấn vẫn tìm được sự cách tân riêng, ông viết về dục tính trong tình yêu nhưng dục tính rất nhân văn, rất khéo léo chứ không lõa lồ, thô bỉ hay phản cảm:

 

 

Đu cành cao

Chạm ngực em trái chín

Thân bỏng rát

Anh sấm rền gót chân

Trái chín bay chậm buông thõng

hút lên sạch bụi rì rào

Anh nhai lá khô ngấu nghiến

lưng tròn khép lại vòng tay

(Hát từ đất)

 

Vì vậy tình yêu trong thơ Mai Văn Phấn đầy say đắm nhưng cũng đầy ý tứ:

 

Tôi thì nồng nàn như đất

Để em linh ẩn chùa chiền

(Thoáng thu)

 

Tình yêu biến những người yêu trở nên hòa quyện tâm tư tình cảm, giao hòa tâm trạng với nhau dù cho xa cách:

 

Em lần theo bóng mây trôi

Thấm qua sóng lá vô hồi

Đằm vào anh tiếng chim đôi bất ngờ

Làm vang lên những dây tơ vừa chùng

(Em xa)

 

Vẻ đẹp mái tóc người yêu cũng đủ để làm cho tâm hồn người tình xao động như cơn lũ vỗ vào con đê mong manh:

 

Tóc em

Tràn

Cơn lũ

Vỗ

Hồn anh

             Con đê

                       Mong manh...!

(Không đề 2)

 

Nhà thơ đôi khi ví tình yêu của mình đối với cô gái như tình yêu của hoa cúc chờ sự ban phát của ánh nắng ban mai:

 

Em nhòa nắng mới thơ ngây

Ấm ran khắp tầng vũ trụ

Anh thành bông cúc thẫn thờ

Cuối mùa vàng lên vội vã

(Cuối xuân đầu hè)

 

Nhà thơ có lúc ví người tình của mình như một tòa tháp Chàm, vừa thiêng liêng, vừa thân thuộc, vừa cổ kính vừa ma mị vừa hấp dẫn bởi sự thâm trầm:

 

Có một Tháp Chàm khác nữa

Là em nghiêng búp tay thon

Dắt anh từ hoa văn rêu phủ

Qua nghìn năm vang bóng những linh hồn

(Ảo ảnh tháp Chàm)

 

Cũng trong cảm hứng về một tình yêu ý nhị thanh tao, nhà thơ nhiều lần mường tượng người yêu của mình ban phát tình yêu như một sự rửa tội nhưng là một sự rửa tội đầy gợi cảm:

 

Chạm bờ ánh sáng

Anh quỳ xuống

Em hiện thân trong chiếc áo thiên thần

Lấy một ít nước gọi lên máu và sữa cỏ

Em dịu dàng rửa tội cho anh

(Nghi lễ cuối cùng)


 

Tình yêu ấy rồi sẽ dẫn đôi lứa đến một mái nhà của hạnh phúc hôn nhân, hạnh phúc gia đình. Mái nhà ấy là nơi chàng trai sẽ trở về trong niềm hân hoan, sung sướng sau những giờ lao động vất vả, nơi ấy có người vợ và các con đầy yêu dấu của anh ta:

 

Mặt biển cũng vừa yên lặng, kéo mẻ lưới đầu tiên có bóng ngôi nhà mình, anh thấy yên tâm về em cùng với các con
(Ký sự mùa thu)

 

Tình yêu của đôi trai gái cũng có lúc rạo rực, say đắm. Chàng trai mơ đến sự ái ân đôi lứa như một sự chăm bón vun trồng. Đó là một tình yêu đầy tính phồn thực:

 

Anh mơ được em gieo trồng trên ngực

Bàn tay dịu dàng vun vào da thịt

Hôn lên tai anh lời chăm bón thì thào

Anh cựa mình nồng nàn tơi xốp

(Bài ca buổi sớm)

 

Những hình ảnh biểu trưng cho một tình yêu nồng nàn say đắm có thể kể đến như:

 

Từng giọt mát lành thấm nhuần trong đất

Tươi từ môi anh đến gót chân em

(Bài ca buổi sớm)

 

Nỗi cô đơn của chàng trai trong tình đôi lứa cũng không phải là nỗi cô đơn trống trải nhẹ nhàng mà nỗi cô đơn ồn ào, náo động:

 

Em đi cùng đám mây bông

Mình anh gió hú dọc sông Ngân Hà

(Một mình)

 

Có thể nói, hình ảnh người tình trong thơ Mai Văn Phấn có sức ám ảnh lớn và dường như, nó chi phối cả hoạt động sáng tạo của thi nhân. Không chỉ dừng lại ở sự ban phát hạnh phúc trần thế trong tình yêu lứa đôi, hình ảnh em còn hiện hữu như một chốn bình yên, cứu rỗi anh khỏi mọi điên đảo của cuộc đời; là hiện thân của phép nhiệm màu có tác dụng ân xá mọi tội lỗi cho anh. Thậm chí, em còn được tôn vinh như thiên thần trong trạng thái phồn sinh đầy thiêng liêng. Điều đặc biệt ở Mai Văn Phấn khi viết về hình ảnh này là người tình trong thơ ông không hiện lên như một thể tính gợi dục mà thánh thiện, tinh khiết nhưng cũng không kém phần nóng bỏng, hấp dẫn như thiên nhiên non tơ của sự sống. Vẻ đẹp của em trong mối quan hệ với anh, chủ thể trữ tình và trong cảm nhận của anh luôn đồng hiện giữa thiên nhiên. Em là thiên nhiên hoàn mĩ, cũng là thiên nhiên phì nhiêu, căng đầy sức sống.

 

3.1.3. Anh trong miên man cảm xúc bất tận

 

Nhân vật anh là chủ thể trữ tình trong thơ Mai Văn Phấn. Anh có khi được nhà thơ xưng gọi là tôi, hắn,… Cũng như người mẹ, người tình, nhân vật anh luôn xuất hiện trong mối quan hệ hài hòa, giao hòa với thiên nhiên. Dù là khi biểu đạt xúc cảm, hay khi triết lí, suy tư, chiêm nghiệm, nhà thơ luôn để cho những dòng xúc cảm ấy chảy giữa những hình ảnh thiên nhiên mang nghĩa.

 

Phiêu du trong giấc ngủ, qua sự phiêu du ấy chiêm nghiệm về thiên nhiên, kỷ niệm ấu thơ và về nhân sinh. Chìm trong giấc ngủ, nhà thơ thấy mình thoát xác hòa mình vào thiên nhiên. Vẫn là thiên nhiên đấy, nhưng cái gió, hạt nắng và bầu trời như đã được thổi hồn vào sự sống:

 

Gió vẫn ru xanh mướt ở trên đầu

Trời rót xuống từng cơn mưa đằm thắm

Hồn tôi lung linh hạt nắng

Rơi xuống đồng xanh không cùng

(Hồn nhiên)

 

Nhà thơ cũng chiêm nghiệm cuộc sống nhân sinh sau một giấc ngủ sâu, sau một sự phiêu lãng của tâm hồn trong mộng mị:

 

 

Và rạng đông!

Từng giọt rạng đông!

Tôi lại nhập hồn về với xác

Chẳng phải tôi, cũng không là người khác

Để hồn nhiên cất tiếng khóc lọt lòng

(Hồn nhiên)

 

Nhiều lúc tác giả chợp mắt mười lăm phút mà như chìm vào mộng mị như trải qua mấy mươi năm để thấy được sự mệt mỏi của cuộc đời và giao thao của hai sự mơ thực:

 

Chợp mắt mười lăm phút

Mà mơ dằng dặc mấy mươi năm

Tỉnh mộng

                 Mộng còn

                                 Vật vã...

(Mơ thực)

 

Nhiều lúc tác giả muốn lội ngược dòng thời gian tìm lại chính mình thuở xa xưa trở về hiện tại để thương lấy chính bản thân hiện thời:

 

Gọi tìm tôi thuở dại khờ

Về thương tôi của bây giờ tinh không

(Không đề I)

 

Nhân vật anh là con người của sự chủ động hòa mình vào thiên nhiên để tâm hồn cảm nhận được sự úa vàng của lá xanh, sự lạnh giá của hạt sương rơi, của sự ngân vang của khoảng không xốn xang, của sự nảy nở sự sống trong những hạt phù sa.

 

Nhân vật anh dường như là người đã chứng kiến hoặc lắng nghe hoặc đã trải qua câu chuyện của người đi người ở trong chiến tranh, vẫn còn nhớ tới những dư ba của cuộc chiến trong cuộc sống kim tiền hàng ngày:

 

 

Đồng tiền lạnh ngắt

Buốt tận mồ sâu

Đen bạc lừa nhau

Đốt lên tàn bạo

Giật mình hư ảo

Ngỡ còn chiến tranh

Họa bất thình lình

Từ nhà hàng xóm

(Người đi người )

 

Nhân vật tôi hóa thân vào hòn đá tưởng chừng vô tri vô giác để nói lên vai trò của nghệ thuật hay chính xác là sự phong phú của đời sống tâm hồn những thứ đó chính là nguồn cội của sự nhận ra cái hay cái đẹp của cuộc sống:

 

Khi trong tôi

Không còn vang tiếng hát

Thì cánh chim chỉ là chiếc lá khô thôi

Sóng táp lên cát vàng gỉ sắt

Hòn Vọng phu cũng tan ra thành vôi!

(Lời của đá)

 

Nhân vật anh trong thơ Mai Văn Phấn có thể song hành với nhân vật người tình hoặc cũng có thể xuất hiện một cách riêng lẻ. Đó là nhân vật biết yêu thương và thể hiện tình yêu thương của mình, tình yêu của anh là tình yêu dâng hiến, tình yêu luôn được dựng nên trong không gian của thiên nhiên với những cảnh sắc giàu tính biểu tượng. Những quang cảnh của tình yêu như phụ họa vào tình yêu của đôi lứa. Nhân vật anh vì vậy mà hiện lên trong đa chiều những cảm xúc dạt dào, sôi nổi, nhưng cũng đầy hoang mang, bất định.


 

3.2. Sự thức tỉnh của đạo đức sinh thái

 

3.2.1. Cái nhìn trân trọng môi trường tự nhiên

 

Thiên nhiên trong thơ Mai Văn Phấn là một thiên nhiên phì nhiêu, sinh nở, tái sinh. Những bình diện sinh thái như đất đai, nước, lửa, bầu trời, sinh vật nói chung và con người nói riêng chính là biểu tượng cho sự phồn sinh trong thế giới thơ Mai Văn Phấn. Những hình ảnh quen thuộc trong đời sống tự nhiên từ mùa màng, cây cỏ, cánh đồng, dòng sông, chồi non, hạt mầm,...

 

đến đôi lứa yêu nhau chính là những sự thể hiện về một thế giới đầy ắp sự sống mà Mai Văn Phấn hướng tới. Thiên nhiên căng tràn sinh lực trong nhãn quan của nhà thơ. Và xét cho cùng nhãn quan ấy luôn hướng về đời sống của nhân loại, đời sống của sự đa dạng, phong phú từ đời sống sinh hoạt vật chất đến đời sống của tâm hồn.

 

Thơ Mai Văn Phấn là sự tái hiện một thế giới đầy sức sống, đầy sức sinh sôi và nảy nở. Đó là hình ảnh bao quát nhất, hình ảnh trái đất. Trái đất là nơi sinh nở, nuôi dưỡng, chở che cho nhân loại:

 

Trái đất - Căn nhà hộ sinh

Tiếng trẻ con chào đời truyền trong không gian xanh những dòng mật mã...

(Màu xanh)

 

Tán lá, con thuyền, dòng xanh có thể dòng sông là những biểu trưng cho sự trỗi dậy của sự sống:

 

Tán lá là ngôi nhà bình yên

Phía sau nằm úp một con thuyền

Lá rụng khi dòng xanh tưởng cạn

Con thuyền phía ấy lật mình lên.

(Chiếc lá)

 

Nhà nhơ mượn hình ảnh bông lau để nói về sự hồi quy của tạo hóa trong triết lý ngũ hành:


 

Cây từ miền hoang dại không tên

Những bông lau phất lên ngọn lửa

Rồi luyện lại từ Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ

Để ra đời những thế hệ mai sau.

(Tạ ơn bông lau)

 

Mai Văn Phấn tìm ra sự sống ngay trong những biểu tượng tưởng chừng khô cằn, héo úa. Mai Văn Phấn nhìn cây mọc hoang dại bên mép đá của một hòn đảo, tưởng rằng loài cây hoang dại này cũng chỉ là một sức sống yếu đối. Nhưng không, chiếc cây đó vẫn căng tràn sự sống, cho nên câu thơ cuối của bài thơ vụt lên như một sức sống tiềm tàng mãnh liệt:

 

Cây mọc vô tình bên mép đá

Tán xanh như múa gốc như quỳ

Tôi chợt ngỡ ngàng cây phá thế

Nhựa tràn qua những thớ vân vi

(Cây trên đảo)

 

Xu hướng vươn lên biểu tượng cho sự trỗi dậy, biểu tượng cho sức sống là xu hướng thường thấy trong những sự thể hiện hình tượng thơ của Mai Văn Phấn. Đám mây nóng phủ lên căn phòng, hương thơm vươn lên từ miệng những bóng râm, bình minh lên chiếu sáng, lối cỏ phủ lên bàn chân người qua, con chim bay vút lên không, sóng táp lên cát vàng gỉ sắt, hương bay lên ngây ngất,... là những xu hướng trỗi dậy, bao phủ, đầy sức sống của tạo vật trong thơ Mai Văn Phấn. Đọc thơ Mai Văn Phấn, ta cũng thấy nhà thơ thường dùng hàng loạt những tính từ mạnh, chỉ trạng thái mãn nhãn, đầy ắp xung lượng: căng tràn nhựa mật, ứ căng dòng nhựa, chặt căng mầm hạt, bạt ngày lá cây, lá mầm che mặt đất sum suê, lá lên xanh thắm,... Bên cạnh đó là nghệ thuật sử dụng những động từ mạnh gợi cho ta nhìn thấy một xu hướng của sự sinh nở, phát triển: nứt vỡ vỏ cây, chồi lên thành lộc biếc, rộ lên từng đợt lá non, vùi vào nhau hạt mầm bé nhỏ; đọt mầm bật dậy...

 

 

Thiên nhiên trong thơ Mai Văn Phấn rõ ràng là một thiên nhiên khỏe khoắn, giàu sự sống. Ở đó những yếu tố của tự nhiên nếu không ở trong trạng thái căng tràn sự sống thì ở trong trạng thái sinh sôi nảy nở. Thậm chí những hình tượng tưởng chừng như đang chết đi nhưng thực chất trong cảm quan của tác giả những hình tượng đó chỉ là đang tái sinh vòng đời của chúng.

 

Bên cạnh đó, thế giới tự nhiên trong thơ Mai Văn Phấn nổi bật lên còn là một thế giới tự nhiên an nhiên, bình yên, tĩnh lặng. Thiên nhiên bình yên như ánh trăng, làn gió trong lời ru con ngủ:

 

Ngủ đi hỡi mảnh trăng hiền

Cho long lanh những giọt đêm nặng đầy

Vào đây gió cũng thơ ngây

Ngọc trâm dịu mát hương rây xuống hồn.

(Con ngủ)

 

Thiên nhiên và con người giao hòa với nhau. Trong bài thơ Thu về nhà thơ cảm nhận thu về không chỉ bằng ánh mắt, tai nghe mà cảm nhận bằng nhiều giác quan, thậm chí cảm nhận bằng cả tâm thức. Sự giao mùa giữa mùa thu và mùa hè được nhà thơ cảm nhận bằng thân thể:

 

Ngực chang chang mùa hè

Lưng đã ngầy ngậy gió

Cửa trời đang bỏ ngỏ

Cho thu về se se...

(Thu về)

 

Chân tay người thơ cũng giao hòa cùng trời đất mùa thu để nhà thơ thấy mình như một giọt mật ngọt trong muôn giọt mật ngọt của tự nhiên khác được thiên nhiên nhào nặn:

 

Tiếng thu gọi ong về

Để biến tôi thành mật

(Thu về)


 

Người ta cảm nhận cái gió heo may bằng da thịt như Xuân Diệu, bằng mắt nhìn hoa cau rơi trên vại nước như Trần Đăng Khoa, còn Mai Văn Phấn cảm nhận bằng cách nghe bằng đôi môi mềm:

 

Ai giăng khói nơi nơi

Môi mềm nghe gió quệt

Bao ngờ vực của người

Thu sẽ mang đi hết

(Thu về)

 

Và nhà thơ cảm thấy đất trời không gian mùa thu như một cái ao sâu nước, nhúng mình trong ao thu sâu nước ấy, nhà thơ dường như quên ngày quên tháng:

 

Trời như cái ao sâu

Thu ùa về như nước

Tôi làm sao biết được

Hôm nay là hôm nào

(Thu về)

 

Trong thế giới tự nhiên ôn hòa ấy, vạn vật có thể giao hòa và tương tác với nhau tạo thành một chỉnh thể sinh động, đầy sức sống. Ở đó, sinh vật nói chung và con người nói riêng có sự hài hòa, tương giao với nhau. Mỗi cá thể của tự nhiên cũng như hòa vào xu thế chung cùng tạo nên một dàn “đồng hưởng” của sự sống. Vì thế cho nên thơ Mai Văn Phấn thường có những cặp đôi song hành. Đó nếu không phải là cặp đôi tình ái anh – em thì là cặp đôi của con người và tạo vật. Trong một không gian mênh mông đa chiều nhà thơ khai thác hết các chiều cạnh của tạo vật từ bề rộng, bề cao, chiều xa, bề sâu cho đến bề tiềm ẩn của tư duy và những cảm thức hỗn độn.

 

Có thể nói, thiên nhiên, cuộc sống trong thơ Mai Văn Phấn có xu thế chung là hướng tới sự ổn định, hài hòa tương giao với nhau. Những yếu tố của tự nhiên tìm đến nhau hòa nhập vào nhau tạo thành một bức tranh đa màu, đa sắc nét về thế giới bao la. Những sinh vật cộng hưởng cùng nhau như tạo nên một bản giao hưởng sự sống. Con người và thiên nhiên sóng đôi, hài hòa. Qua phông nền tự nhiên, con người bột phát những tâm tư tình cảm, cá tính và hành động một cách khá toàn diện và tự do. Thông qua tương tác với con người, thiên nhiên trở nên có hồn, có sự sống để trở thành một nhân vật trung tâm trong thơ ca Mai Văn Phấn.

 

Những vẻ đẹp đó của thiên nhiên đi vào trong thơ Mai Văn Phấn cho thấy cái nhìn trân trọng thế giới tự nhiên của thi sĩ. Trước thiên nhiên trong lành, tươi mát, tâm hồn con người cũng dịu đi những toan tính, âu lo trở nên trong trẻo, thánh thiện. Từ đó thức tỉnh thái độ trân trọng tự nhiên đối với người đọc, mang đến sự thanh tẩy để con người coi tự nhiên là một tiếng nói.

 

3.2.2. Những âu lo khi tự nhiên bị tàn phá

 

Không chỉ thể hiện một thiên nhiên căng tràn sức sống, Mai Văn Phấn còn cảnh báo về một thiên nhiên trước nguy cơ bị tàn phá. Thơ ca phản ánh sinh thái có một nội dung lớn đó là sự thể hiện về thiên nhiên bị hủy hoại bởi tạo hóa và con người. Chính bởi thực trạng thiên nhiên ngày càng bị phát hủy do mặt trái của sự phát triển mà nhân loại đang thực hiện, mà văn học sinh thái, phê bình sinh thái ra đời. Sự phản ánh nguy cơ thiên nhiên với những biểu hiện của nó như các loài động vật, thực vật hay những quang cảnh, môi sinh đẹp đến mê hồn bị đặt trước sự phá hoại của con người là một nội dung nhân văn của phê bình sinh thái. Trong thơ Mai Văn Phấn, bên cạnh sự thể hiện về một sinh thái đầy sức sống thì cũng có sự thể hiện của một sinh thái dị thường, bên bờ vực của sự nguy hiểm. Đó là nguy cơ các loài động vật bị săn bắn, bắt bớ. Mai Văn Phấn miêu tả cảnh chim chóc lắng nghe tiếng súng lên nòng, bầy con hà bị hung khói, con gấu bị giăng bẫy:

 

Chim chóc nghe lách cách giữa thân cây tiếng viên đạn lên nòng, nấp vào đám mây bị quay vàng trong hoàng hôn chảo lửa

Con hà sặc khói hun mở miệng luận bàn về sự bất tử của nước và thoáng chốc con thuyền

Con gấu ôm trọn tổ ong buông mình từ đỉnh cây xuống nơi giăng bẫy (Mùa hạ rất gần)

 

Thêm một tiếng kêu hốt hoảng mà con quạ mang đến:

 

Con quạ bay vào phòng

Một ngón tay giơ lên yếu ớt

 

Ý nói:

Đây là họng súng

Là lưỡi mác

Thậm chí là cuốc thuổng

Thậm chí chính ngón tay rất cứng

(Biến tấu con quạ)

 

Trong đời sống và tạo hóa đầy hiểm nguy như vậy, những cảnh sắc của thiên nhiên nhiên vốn tươi đẹp cũng trở nên tàn úa và man mác đau buồn. Những cảnh cây cối hoa lá trong thơ Mai Văn Phấn thường là những cảnh cây cối hoa lá đầy sức sống, nhưng không phải lúc nào cũng vậy, cũng có những những cảnh úa tàn, đổ gục hiện ra. Nhà thơ tả một con đường đầy ánh trăng dẫn đến những nơi hoang vu, hoang dại:

 

Nước mắt đầu non nở thành hoa dại

Rũ tàn phiêu dạt chốn cô liêu

(Vầng trăng và con đường)

 

Thơ Mai Văn Phấn không ngoại trừ những cảnh tàn úa của các loài hoa ví dụ như “sen tàn chờ gió rung chuông”, “tàn lá đung đưa như bát nước đầy”, những cảnh tàn héo của mùa vụ như “tháng ngày tàn héo xuân xanh”, hay sự tàn héo của tâm hồn “các chị cầm tan nát đóa hoa mưa”... Nhà thơ thấy được rằng bông hoa kia dù đã tàn tạ nhưng hương thơm của nó vẫn còn ám ảnh đời cây:

 

 

Hoa tàn cây vẫn còn đau

Hương thơm quyến luyến trên đầu cỏ xanh

(Kinh cầu ban mai)

 

Thiên nhiên trong Thơ Mai Văn Phấn cũng đầy dự cảm bất trắc về sự đổ vỡ và ám ảnh. Nỗi lo tan tác lòng ao sâu trong hai câu thơ sau cũng là nỗi lo rạn vỡ những giá trị truyền thống trong thời đương đại:

 

Chênh vênh nhịp cầu ao

...
Xin đừng ai khẽ động

Mà tan lòng ao sâu

(Nét quê)

 

Hình ảnh giọt sương xé tan mạng nhện để nhỏ lên các ngọn cỏ sắc lạnh cũng là một hình ảnh đầy dự cảm:

 

Võng nhện sương tan xé rách

Lưỡi cỏ mềm tự do

(Linh hồn đã bay)

 

Những biểu hiện của biến đổi thiên nhiên thời tiết mà cả nhân loại ngày nay đang lo ngại cũng được phản ánh trong cảm hứng về một thiên nhiên đầy bất trắc. Hiện tượng tan băng được nhắc đến:

 

Đúng hơn là đông cứng

Rồi băng đá

Rồi rữa tan

 

Vừa là biểu tượng của sự trường tồn, của sức sống nhưng cũng vừa biểu tượng cho một sự đổ vỡ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhiều bất trắc, thiên nhiên trong thơ Mai Văn Phấn đã đưa ra một thông điệp về một môi sinh vốn đẹp đẽ nhưng đang đứng trước nguy cơ bị phá hủy, bị lạm dụng trở thành một môi trường tàn úa, ẩn chứa cái chết và sự hủy diệt. Cảm quan sinh thái về một môi sinh bị phá hủy là tiếng nói đầy tính cảnh tỉnh và nhân văn của Mai Văn Phấn.


 

TIỂU KẾT CHƯƠNG 3

 

Trọng tâm của Chương 3 là vấn đề đạo đức sinh thái. Về bản chất, đây là mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Thơ Mai Văn Phấn luôn coi người mẹ là cội nguồn của sự sống; tái hiện hình ảnh người tình và hình ảnh tôi, anh hết sức sinh động. Nó cho thấy thơ Mai Văn Phấn vừa ngợi ca thiên nhiên trong vai trò trung tâm của thế giới, vừa miêu tả sự giao hòa, giao cảm giữa con người với thiên nhiên, từ đó thức tỉnh đạo đức sinh thái.





KẾT LUẬN

 

 

1. Phê bình sinh thái là một thuật ngữ văn học tuy cũ với thế giới nhưng mới đối với Việt Nam. Phê bình sinh thái là một sự kết hợp giữa tư duy văn học với tư duy khoa học tự nhiên, đặt vấn đề nhân văn, nghệ thuật với những vấn đề sinh học, địa lý, vật lý... Phê bình sinh thái lấy thiên nhiên, mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người làm trung tâm khai thác, đánh giá, liên hệ. Mục đích của phê bình sinh thái là muốn hướng con người đến thái độ tôn trọng, bảo vệ tự nhiên cũng là việc tôn trọng bảo vệ sự trường tồn của nhân loại. Phê bình sinh thái lấy chủ nghĩa sinh thái học làm nền tảng tư tưởng, vận dụng tối đa thành tựu nghệ thuật văn học làm thi pháp. Cội nguồn của phê bình sinh thái phát tích ở các nước phương Tây vào nửa cuối thế kỷ 20, khi con người nhận thấy sự phát triển công nghiệp đã hủy hoại khủng khiếp môi trường tự nhiên. Phê bình sinh thái nổi lên như một đối nghịch với quan điểm con người là trung tâm vốn đã thâm căn cố đế trong tư tưởng của người phương Tây. Phê bình sinh thái đến phương Đông chậm hơn nhưng thực ra lại tìm được sự đồng cảm và chia sẻ nhanh hơn bởi tư tưởng phương Đông rất gần với tư tưởng của chủ nghĩa sinh thái học, đặc biệt là các quan điểm cổ đại của Trung Quốc và Ấn Độ. Phê bình sinh thái đang dần trở nên quen thuộc trong nền văn học Việt Nam, đã có không ít tác giả thành công nhờ vào phê bình sinh thái.

 

2. Mai Văn Phấn là một nhà thơ đương đại theo xu hướng cách tân thơ Việt để tiến tới sự ổn định và tạo nền cho một phong cách thơ Việt hiện đại. Ông đã trải qua ba chặng đường sáng tác trong suốt gần 30 năm nay. Chặng đường thứ nhất từ khởi nghiệp đến năm 1995, Mai Văn Phấn khởi nghiệp thơ ca với những bài thơ mang phong cách truyền thống cả về nội dung và hình thức. Ở giai đoạn này, Mai Văn Phấn táo bạo khi cách tân thể thơ lục bát một cách mới lạ chưa từng có. Chặng đường thứ hai của ông từ 1995 đến 2000, người ta thấy một Mai Văn Phấn nỗ lực bứt phá, cách tân đầy bản lĩnh. Chặng đường thứ ba từ năm 2000 đến nay, Mai Văn Phấn đã định hình được phong cách và ngày càng bản lĩnh, sáng tạo. Mai Văn Phấn quan niệm về thơ rất sâu sắc. Nhưng điều để người đọc nhớ đến Mai Văn Phấn nhiều nhất là phong cách của một nhà thơ luôn cách tân, luôn tự làm mới mình, một nhà thơ đầy sức sáng tạo, luôn nhìn thế giới ở sự sống, sự phồn vinh, sự hóa sinh đầy tính bất định.

 

Từ góc nhìn phê bình sinh thái, chúng ta thấy thơ ông mang cảm quan sinh thái sâu đậm. Nhà thơ nhìn thế giới sinh vật, thế giới tự nhiên trong mối quan hệ lẫn nhau từ đó khái quát thành cảm hứng nghệ thuật và thể hiện trong tác phẩm văn học. Những phương diện sinh thái cơ bản trong thơ Mai Văn Phấn bao gồm: đất đai, nước, lửa, bầu trời... Những yếu tố đó khái quát nên một thế giới tự nhiên đa dạng, phong phú từ thành phần, cho tới xu hướng phát triển, thể hiện những đặc trưng cơ bản là sự sống, trường tồn và có hồn. Những phương diện sinh thái ấy được thể hiện trong một ngôn ngữ thơ mà ở đó chúng hiện lên là một thiên nhiên phồn sinh, giàu có, luân hồi, là một thế giới ổn định, hài hòa, tươi đẹp song cũng là một thế giới tự nhiên đầy ắp các nguy cơ bị phá hủy, bị phai tàn trong sự phát triển của nhân loại. Bởi thế, nâng niu, trân quý và bảo vệ thiên nhiên cũng là thông điệp nghệ thuật Mai Văn Phấn muốn gửi đến chúng ta.

 

3. Những đóng góp của Mai Văn Phấn trong việc biểu đạt thế giới từ ngôn ngữ sinh thái đã góp phần tạo nên vẻ đẹp của thơ ông. Mặt khác, nó cũng thể hiện sự nhạy cảm của các nghệ sĩ đương đại. Cũng như các nhà thơ, nhà văn tài năng khác, Mai Văn Phấn đã góp phần tạo thành một xu hướng văn học mới ở Việt Nam. Xu hướng ấy có thể gọi là văn học sinh thái.

 

Thơ Mai Văn Phấn đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, từ góc nhìn phê bình sinh thái chúng ta cũng có thể nhận ra rằng thơ Mai Văn Phấn chưa hẳn đã đạt đến sự hoàn mỹ. Thơ ông sẽ khó hiểu đối với nhiều độc giả. Những hình ảnh thể hiện cảm quan sinh thái của ông đôi lúc sẽ làm độc giả choáng ngợp về sự biểu hiện của chúng và những ý niệm mà chúng ẩn chứa. Phương diện nghệ thuật của thơ ông mang tính cách tân, điều đó là rất cần thiết cho sự phát triển văn học song ở mức độ nào đó sẽ là rào cản đối với bạn đọc bình dân và đôi khi là những học giả, nghiên cứu. Nhà thơ Hữu Thỉnh từng nhận định đại ý rằng thơ Mai Văn Phấn giàu chiêm nghiệm, thể nghiệm, say sưa kiếm tìm cái mới, nhưng chính vì vậy mà đôi lúc khiến ông sa đà vào cách tân để cho một số chỗ còn “sượng và còn vướng nhiều phụ tùng quá”. Điều đó là có thể bởi sự cách tân thường đi trước thời đại, trước tư duy của người cùng thời như tên một tác phẩm ông đặt. Điều đó lại càng làm mồi lửa cho sức sáng tạo của Mai Văn Phấn để đạt đến sự hoàn thiện mà bao nhà thơ ước ao, mong muốn.

 

 

 

 

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

 

 

1. Hoàng Hữu Các (2009), Tập thơ và đột nhiên thổi gió của nhà thơ Mai Văn Phấn,
đăng trên: maivanphan.com

 

2. Nguyễn Việt Chiến, Mai Văn Phấn trong “vòng xoáy” của thơ hậu - hiện - đại, đăng trên: maivanphan.com

 

3. Nguyễn Việt Chiến, Người tụng ca thiên nhiên bằng tình yêu mật rót, đăng trên: maivanphan.com

 

4. Nguyễn Đăng Điệp (chủ biên) (2012), Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội.

 

5. Nguyễn Đăng Điệp (2014), Thơ Việt Nam hiện đại tiến trình và hiện tượng, Nxb. Văn học, Hà Nội.

 

6. Văn Giá, Thơ sinh ra để nói niềm hy vọng của con người, đăng trên: maivanphan.com

 

7. Ngô Hương Giang, Nguyễn Thanh Tâm (2015), Mai Văn Phấn và hành trình thơ vào cõi khác, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội.

 

8. Greg Garrard (2004), Ecocriticism, Routledge, New York, US.

 

9. Hồ Thế Hà, Thơ tạo sinh nghĩa Mai Văn Phấn,

đăng trên: https://phebinhvanhoc.com.vn/tho-tao-sinh-nghia-mai-van-phan/

 

10. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

 

11. Đào Duy Hiệp, Mai Văn Phấn – những chặng đường sáng tạo thơ, đăng trên: maivanphan.com

 

12. Đỗ Văn Hiểu, Phê bình sinh thái – cội nguồn và sự phát triển (phần 1/2), đăng trên: phebinhvanhoc.com.vn

 

13. Đỗ Văn Hiểu, Phê bình sinh thái – khuynh hướng nghiên cứu văn học mang tính cách tân,

đăng trên: http://tapchisonghuong.com.vn

 

14. Thi Hoàng, Cách tân, như là đẩy thơ vượt qua tai họa,đăng trên: maivanphan.com

 

15. La Khắc Hoà (2006), Đề cương chuyên luận Thi pháp kết cấu của B. Uspenxki, trình bày tại Viện Văn học.

 

16. I.P. Ilin và E.A. Tzurganova (chủ biên) (2002), Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học, Nxb. ĐHQG, Hà Nội, Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân dịch.

 

17. Inrasara, Mai Văn Phấn, kết thúc cho một khởi đầu, đăng trên: maivanphan.com

 

18. Karen Thornber, Hải Ngọc dịch, Những tương lai của phê bình sinh thái và văn học,

đăng trên: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn

 

19. Kate Rigby (2010), Phê bình sinh thái,

đăng trên: http://2konmuwkj.wordpress.com/2013/06/02, 02/06/2013

 

20. Đình Kính (2011), Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn khác biệt và thành công, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.

 

21. Khuynh hướng văn xuôi sinh thái Việt Nam sau năm 1975,

đăng trên: http://data4u.vn/tin-tuc/khuynh-huong-van-xuoi-sinh-thai-viet-nam-sau-nam-1975/1013.aspx

 

22. Hoàng Tố Mai (chủ biên, 2017), Phê bình sinh thái là gì?, NXB Hội nhà văn, Hà Nội.

 

23. Dương Kiều Minh, Lộ trình thơ Mai Văn Phấn, đăng trên: http://www.vnweblogs.com/post/2810/184241

 

24. Vương Nặc (2002), Sinh thái phê bình: Phát triển dữ uyên nguyên,

đăng trên: http://blog.sina.com.cn/s/blog_478143830100app6.html, 04/09/2008

 

25. Hải Ngọc, Những tương lai của phê bình sinh thái và văn học,

đăng trên: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn

 

26. Phạm Xuân Nguyên, Thơ là ngôi lời,

đăng trên: maivanphan.com

 

27. Trần Thị Ánh Nguyệt, Thiên nhiên trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư từ góc nhìn phê bình sinh thái, đăng trên: https://phebinhvanhoc.com.vn/13620-2/

 

28. Trần Thị Ánh Nguyệt, Thiên nhiên – Nguồn cảm hứng bất tận của văn chương phương Đông,

đăng trên: ttp://www.vanhoanghean.com.vn

 

29. Mai Văn Phấn (1995), Tập thơ Gọi xanh, Nxb. Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội.

 

30. Mai Văn Phấn (1997), Tập thơ Cầu nguyện ban mai, Nxb. Hải Phòng, Hải Phòng.

 

31. Mai Văn Phấn (1997), Tập thơ Bầu trời không mái che, Nxb. Hải Phòng, Hải Phòng.

 

32. Mai Văn Phấn (1999), Nghi lễ nhận tiên, Nxb. Hội Văn nghệ Hải Phòng, Hải Phòng.

 

33. Mai Văn Phấn (2003), Vách nước, Nxb. Hải Phòng, Hải Phòng.

 

34. Mai Văn Phấn (2009), và đột nhiên gió thổi, Nxb. Văn học, Hà Nội.

 

35. Mai Văn Phấn (2013), Vừa sinh ra ở đó, Nxb. Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội.

 

36. Mai Văn Phấn (2015), Nước đang chảy qua trái đất, Nxb. Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội.

 

39. Vĩnh Phúc, Mai Văn Phấn với Hôm sau & và đột nhiên gió thổi,

đăng trên: http://maivanphan.com

 

40. Lê Hồ Quang, Đặc trưng thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn,

đăng trên: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh

 

41. Serpil Oppermann (1999), Ecocriticism: Natural world in the literary viewfinder,

đăng trên: http://www.asle.org/wp-content/uploads/ASLE_Primer_Oppermann

 

42. Đặng Văn Sinh, Mai Văn Phấn và khúc biến tấu Hôm sau,

đăng trên: http://maivanphan.com

 

43. Trần Đình Sử, Phê bình sinh thái tinh thần trong nghiên cứu văn học hiện nay,
đăng trên: https://trandinhsu.wordpress.com

 

44. Nguyễn Thanh Tâm, Lập thể của ký ức và tưởng tượng xuyên qua Bầu trời không mái che,

đăng trên: http://maivanphan.com

 

45. Nguyễn Ngọc Thiện, Xóa nhòa ranh giới giữa thơ ca và văn xuôi trong thơ văn xuôi của Mai Văn Phấn,

đăng trên: http://maivanphan.com

 

46. Thơ Dương Kiều Minh (2011), Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội.

 

47. Thơ tuyển Mai Văn Phấn cùng tiểu luận và trả lời phỏng vấn (2011), NXB Hội nhà văn, Hà Nội.

 

48. Nhã Thuyên, Khí quyển thơ – sinh thái của Mai Văn Phấn: Thơ, bầu trời và những linh hồn,

đăng trên: http://toquoc.vn/van-chuong-va-du-luan

 

49. Nguyễn Thị Tịnh Thy (2016), Rừng khô, suối cạn, biển độc,…và văn chương, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

 

50. Nguyễn Thị Thùy Trang, Dấu ấn chủ nghĩa siêu thục trong thơ Mai Văn Phấn,

đăng trên: http://maivanphan.com

 

51. Viện Văn học (2017), Phê bình sinh thái: Tiếng nói bản địa – Tiếng nói toàn cầu (Kỉ yếu hội thảo quốc tế), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

 

52. Vương Nhạc Xuyên (2016), Văn học sinh thái và lí luận phê bình sinh thái (Đỗ Văn Hiểu dịch),
đăng trên: http://nguvan.hnue.edu.vn/Nghiencuu/Lyluanvanhoc

 

 

 



 
































BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị