‘Lặng yên cho nước chảy’ - Dòng chảy thơ không ngừng của Mai Văn Phấn (tin thơ) - Tần Tần

‘Lặng yên cho nước chảy’ - Dòng chảy thơ không ngừng của Mai Văn Phấn

 

 

 

 

 

Đại sứ Thụy Điển Pereric Höberg tặng hoa MVP


 

 

 

 

Tần Tần

 

 

16:29 07/06/2018

 

ZING.VN - Tuyển tập Mai Văn Phấn mới phát hành đã khái quát chặng đường sáng tạo của tác giả được coi là một trong những người cách tân thơ Việt.

 

Tháng 12/2017, trong lúc tập thơ Lặng yên cho nước chảy nằm trên bàn biên tập, nhà thơ Mai Văn Phấn nhận giải thưởng Cikada của Thụy Điển. Đây là giải thưởng văn chương uy tín, thành lập năm 2004, trao cho các nhà thơ Đông Á.

 

Qua quá trình nửa năm biên tập, xuất bản, tới nay, tập thơ tuyển chọn các tác phẩm trong dòng chảy thơ Mai Văn Phấn đã ra mắt bạn đọc, với đối tượng hướng đến là độc giả trẻ. Nhân dịp sách phát hành, một chương trình tọa đàm về tập thơ có tên Lặng yên cho nước chảy được thực hiện đầu tuần qua tại Hà Nội.

 

Thơ Mai Văn Phấn nổi tiếng tại Thụy Điển

 

Ông Pereric Höberg - Đại sứ Thụy Điển tại Việt nam - cho biết sau khi nhà thơ Mai Văn Phấn nhận giải Cikada, thông tin đó lan truyền rất nhanh ở Thụy Điển. Thơ của ông được phát ở Đài phát thanh Thụy Điển, nhiều tờ báo, tạp chí đăng tải thơ của ông. Thậm chí Đài Phát thanh Thụy Điển chọn tháng 2 là tháng thơ Mai Văn Phấn.

 

Về phần mình Đại sứ Pereric Höberg cho biết đã có đã dịp đọc thơ Mai Văn Phấn bằng tiếng Thụy Điển, tiếng Anh và tiếng Pháp. “Thơ ca của Mai Văn Phấn cho chúng ta có cái nhìn rõ ràng hơn về cuộc sống đời thường. Thông qua cầu nối thơ ca là một trong những chìa khóa, trụ cột trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Thụy Điển”, Đại sứ Thụy Điển nói.

 

Không chỉ có Thụy Điển, nhiều quốc gia khác cũng biết đến thơ Mai Văn Phấn. Nhà thơ có tới 14 tập thơ in ở nước ngoài. Thơ của ông được dịch sang 24 ngôn ngữ khác nhau. Những con số đó nói lên nhiều điều về sự lan tỏa của một tác giả Việt.

 

Tại việt Nam, Mai Văn Phấn được coi là một người làm thơ cách tân. Việt Nam cuối những năm 1980, đầu 1990 có một số nhà thơ đổi mới như Nguyễn Quang Thiều, Dư Thị Hoàn, Ý Nhi, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Mai Văn Phấn… Cho tới nay, Mai Văn Phấn vẫn không ngừng đổi mới chính mình, để tạo nên một dòng chảy thơ riêng biệt.

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhân vật nổi bật của đổi mới, cách tân thơ Việt, cho biết ông đọc thơ Mai Văn Phấn từ lâu, có hai bài thơ của Mai Văn Phấn ông cho là nền tảng cực kỳ quan trọng: biến tấu con quạ (bài thơ dài, phức tạp, cấu trúc vô cùng hiện đại) và bài thơ Cửa Mẫu.

 

“Thơ Mai Văn Phấn không phải sự quay lại, mà kết tinh thơ anh giống kết tinh dần của hạt cây, cây đó, lá đó, hoa đó giống sự tinh dần, kết dần, cho tới khi đanh lại. Trong Lặng yên cho nước chảy chứa đựng nhiều về tâm linh, nghệ thuật. Đọc tập thơ này tôi biết một đời sống mà trước đó tôi chưa biết”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.

 

Hành trình thơ dịch chuyển không ngừng

 

Là một người nghiên cứu, theo dõi thơ Mai Văn Phấn trong khoảng 10 năm nay, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm cho rằng tuyển thơ Lặng yên cho nước chảy tuy nhỏ xinh nhưng đã cho thấy chặng đường thơ của Mai Văn Phấn.

 

Lặng yên cho nước chảy - tên tập thơ - cho chúng ta một hình dung về hành trình chuyển động liên tục. Việc dừng lại ở những quãng khác nhau để nhận diện sẽ cho ta những nhìn nhận cụ thể hơn về thơ Mai Văn Phấn.

 

Năm 1992, với tập Giọt nắng, Mai Văn Phấn đã xuất hiện ở trung tâm thơ Việt đổi mới, xứng đáng đứng bên cạnh Sự mất ngủ của lửa (Nuyễn Quang Thiều). Thời điểm đó, đã có những nhà thơ đã với ý thức đổi mới.

 

Sau một số tập thơ đầu, rồi đến những tập như Cầu nguyện ban mai, Nghi lễ nhận tên, trường ca Người cùng thời, từ 1992 đến 2003. Đó là thời điểm sáng tạo của Mai Văn Phấn vẫn có dáng dấp truyền thống, nhưng có những dự cảm. Mai Văn Phấn thời điểm đó như một mũi tên nằm ở sức căng của dây cung, với những dự cảm sẽ đưa anh đi xa hơn.

 

Một thời gian im lặng, cho đến 2009, Mai Văn Phấn đã xuất bản 3 tập thơ, từ những dự cảm ấy, đã giải phóng và định hình ở 3 tập: Hôm sau, và đột nhiên gió thổi, Bầu trời không mái che.

 

3 tập thơ này định hình một chặng khác của Mai Văn Phấn, đây là chặng Mai Văn Phấn thét gọi nhiều nhất, hoài niệm, hoang mang, đổ vỡ rất nhiều. 3 tập thơ này, nếu nghiên cứu theo lý thuyết hậu hiện đại sẽ tìm nhiều dẫn chứng trong đó. Trong bối cảnh nhiều thứ thay đổi, các vần thơ nói về sự phá vỡ, chảy xuôi dẫn tới hoài nghi lớn.

 

Sau Bầu trời không mái che năm 2010, Mai Văn Phấn chuyển sang hình thái thơ khác. Với thả, hoa giấu mặt, Mai Văn Phấn có hình thái thơ ngắn, thơ tối giản, quay trở về.

 

Sự quay trở về này không phải đi lại con đường mình đã đi, nhẫm lên dấu chân mà mình đã bước, mà sang hình thái thơ tân cổ điển. Theo Hoàng Ngọc Hiến, tân cổ điển là hình thái cảm thức hiện đại đồng nhất các yếu tố linh thiêng, truyền thống. Nếu đọc, chúng ta thấy thơ 2 câu, 3 câu của Mai Văn Phấn mang hình thái đó.

 

3 thay đổi trong thơ Mai Văn Phấn cho thấy ông không dừng lại ở chặng nào, luôn dịch chuyển. Hành trình thơ của ông chuyển động không ngừng. Có một sự thể hiện rõ động thái: Vong thân.

 

Động thái vong thân là rời bỏ, phủ định mình, phủ định cả những thành công lẫn thất bại của mình, để tìm đến những cái mới, chân trời mới, mỹ cảm mới để tìm năng lực mới cho sự sáng tạo.

 

Lặng yên cho nước chảy là sự mô tả trong trạng thái tĩnh lặng có hành trình thơ Mai Văn Phấn, đó là sự chuyển động không ngừng.

 

T.T

 

 

(Nguồn: Zing.vn)

 

 

 

 

 

 

 

 


BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị