Gjeke Marinaj: “Cảm hứng sáng tác đã kiểm soát tôi” - Phạm Thị Thùy Linh thực hiện PV

Nhà thơ - Tiến sĩ Gjeke Marinaj: 
“Cảm hứng sáng tác đã kiểm soát tôi”

Phạm Thị Thùy Linh thực hiện

Phạm Văn Bình dịch từ bản Anh ngữ

Đầu tháng 6-2014, Nhà thơ - Tiến sĩ Gjeke Marinaj đến Việt Nam và có những cuộc giao lưu với Đại diện lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, Trung tâm Dịch thuật thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, cùng các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình Việt Nam. Cùng với lần đầu đến Việt Nam, ông có “lời chào” đặc biệt bằng ấn phẩm thơ Việt ngữ mang tựa đề “Những hy vọng trong suốt” (Nxb. Hội Nhà văn VN, 2014), do nhà thơ Nguyễn Chí Hoan dịch từ Anh ngữ sang Việt ngữ. Đây cũng là lần đầu thơ ông được xuất bản tại Việt Nam. Gjeke Marinaj trao đổi một số quan điểm sáng tác của mình với bạn đọc Hải Phòng cuối tuần.

- Chào mừng nhà thơ đến với Việt Nam với lời chào mang tên “Những hy vọng trong suốt”. Tôi chắc, đây là tập thơ đầu tiên của ông được xuất bản bằng tiếng Việt sau nhiều tập thơ tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ Anbani của ông. Cảm xúc của ông thế nào khi tập thơ lần đầu bước chân vào thế giới thơ của Việt Nam?

- Cám ơn chị. Tôi hân hạnh và vinh dự khi được tạo nên một cuộc đối thoại văn học ba bên giữa Anbani, Hoa Kì và Việt Nam. Ngay giờ đây tôi cảm thấy như đang thuộc về cả ba đất nước này. Đó là một trong những sứ mệnh đặc biệt của văn học kết nối chúng ta vượt qua những ranh giới địa lí. Mới đây, tôi chuyển ngữ sang tiếng Anbani tập thơ của nhà thơ Mai Văn Phấn. Anh là một trong những nhà thơ Việt Nam mà tôi yêu thích. Tập “Những hy vọng trong suốt” mà chị nhắc tới là tập thơ của tôi được Nguyễn Chí Hoan dịch từ Anh ngữ sang Việt ngữ. Vượt qua những ngôn ngữ đời thường, ngôn ngữ thơ giúp tôi hoàn thành sứ mệnh của nhà thơ, thể hiện được các giá trị và quan điểm mà không chịu ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Tôi cảm thấy vinh hạnh khi thơ tôi bước vào thế giới thơ tiếng Việt của các bạn.

- Tôi nhận ra, phần lớn các bài thơ trong tập thơ này đều khai thác chủ đề thời sự xoay quanh những sự kiện, biến động chính trị, chiến tranh, di dân… Đó có phải là mảng đề tài ông tâm đắc?

- Thông thường, tôi không sáng tác theo những miền xác định về đề tài và bạn đọc. Thơ ngấm trong máu tôi chứ tôi không được chỉ định để làm thơ. Tôi chưa từng rối trí về việc lựa chọn thể tài của những bài thơ mình sáng tác. Hay việc phân vân nên viết gì cho ngày hôm nay. Những gì tôi có thể cảm nhận được là tôi không thể kiểm soát được cảm hứng của mình mà ngược lại, chính là cảm hứng sáng tác đã kiểm soát tôi. Tuy nhiên, những gì xảy ra hằng ngày cũng có tác động tới những người sáng tác thơ chúng tôi. Và rồi, tôi thấy sức hấp dẫn từ những điều bình thường ấy. Tôi trải nghiệm những cơn đau thắt tim, gặp những nhân vật cá tính đặc biệt, cảm nhận một giấc mơ thật sống động, thấu tỏ tình yêu, nỗi đau hay xót thương con người, sự vật… Những khoảnh khắc ấy truyền cảm hứng cho tôi có khi thôi thúc tôi bật ra những câu thơ ngay tắp lự. Hoặc chắp nối lại, xâu chuỗi lại để diễn đạt trong những bài thơ mang tính hệ thống khác. Rồi đến lúc, tôi sáng tác được nhiều bài đủ để xuất bản một tập thơ, tôi sẽ phân nhóm theo đề tài. Dù vậy, trong tất cả những đề tài tôi từng sáng tác, nếu được chọn, tôi chỉ muốn được sáng tác về tình yêu con người. Vì tình yêu tưởng như mơ hồ nhưng chúng ta sẽ biến tình yêu thành thật bằng ngôn ngữ thi ca.

- Những câu chuyện ông chọn trong những sản phẩm tinh thần của mình đôi khi khắc nghiệt và có cả nỗi đau trong đó nữa. Có phải, ông muốn chứng minh chân lý không có ranh giới trong mọi khuynh hướng sáng tác của thơ dù nhà thơ khai thác đề tài gì?

- Nói theo một cách tự nhiên thì tôi là người thuộc trường phái Proton(*). Tôi sáng tác tập trung vào những mảng, lĩnh vực tích cực của hiện thực. Tôi không phải là người theo thuyết kiên định tin vào những chuyển động của cuộc sống hay những lựa chọn mặt đạo đức hiển lộ rõ rệt trước mắt qua thực tế hữu hình và những nguyên nhân tồn tại xác định. Khi thế giới đang chuyển động tới tương lai tốt đẹp hơn, tôi cố gắng ghi lại những nỗ lực của con người thúc đẩy quá trình ấy. Tôi thuộc về cộng đồng và những sáng tác của tôi mang theo hy vọng về trật tự xã hội, mong sao mọi thứ trở lại đúng quỹ đạo trong một tương lai hòa bình. Còn hơn là ngồi đó mà ôm những hy vọng mơ hồ không có thật. Muốn làm được vậy, cần phải nhận ra khó khăn, thách thức, phải đối mặt với chúng một cách thông minh không vị kỉ, và truyền tải những cố gắng ấy tới nhiều thế hệ với thái độ tích cực. Quá trình vận động đương nhiên sẽ bao hàm cả điều có thể và không thể. Song tôi có một giới hạn nhất định, đó là tôi không làm ngược lại với những gì tôi chứng kiến hay cảm nhận trong cuộc sống của tôi. Tôi nhạy cảm với những gì đau đớn và thống khổ của con người, loài vật và môi trường. Điều đó có sẵn trong từng tế bào của tôi. Chính vì thế, tôi luôn cảm thấy thích thú khi quan sát, cảm nhận rồi viết ra những dòng thơ ghi lại thực tế rồi chuyển tới công chúng. Làm được điều ấy, tôi cảm thấy tuyệt vời hơn nhiều lần so với những quy chuẩn khác. Và tôi nghĩ, đó cũng là quan điểm sáng tác của phần lớn những người làm thơ như chúng tôi. Mặc dù, tôi vẫn có thể sáng tác mà không cần quan sát hay cảm nhận thực tế. Nhưng nếu bỏ qua sự thực thì thơ ca sẽ chỉ là những lời dối trá mà thôi. Cho nên, để công bằng với người sáng tác, sứ mệnh và nhiệm vụ của tôi là ngăn điều đó xảy ra bằng cả cuộc đời sáng tác của mình.

- Trong bài “Một người mẹ nói với con trai là nhà thơ”, ông phần nào nói lên chân lý này qua suy nghĩ của người mẹ. “Giờ đây, những người khác đo con bằng những dòng con viết. Con là một nhà thơ. Và tầm với của các nhà thơ vươn ra ngoài cương giới của không gian”. Ấy là suy nghĩ của người mẹ hay thực là một thông điệp của nhà thơ với công chúng yêu thơ của ông?

- Tôi làm bài thơ “Một người mẹ nói với con trai là nhà thơ” cách đây 30 năm khi mới 18 tuổi. Bài thơ được in trong tạp chí "Zëri i rinisë" (Tiếng nói thanh niên) vào năm 1990. Tôi là anh cả trong gia đình sáu người con có thu nhập thấp. Tuổi thơ tôi trải qua những tháng ngày cơ cực trong khó khăn. Để cải thiện tình hình, tôi làm mọi việc có thể để giúp đỡ cha mẹ từ khi còn là cậu bé 12 tuổi. Ngày ấy, tôi chưa có duyên với những suy tư như bây giờ mà chỉ tập trung vào những công việc lao động tay chân trong đó có việc giúp mẹ tôi trồng đào. Dù hoàn cảnh sống khó khăn, mẹ không bao giờ ngăn cản tôi quan sát sự vật hiện tượng chung quanh. Bà luôn yêu quý tôi. Tôi cảm nhận được sự áy náy của mẹ. Để an ủi và động viên tôi, mẹ thường khen ngợi “cái vẻ đẹp trai”, “tình cảm chân thật”, “những suy nghĩ sâu sắc” và những thành tích khác của tôi. Đôi khi, mẹ tôi bảo tôi đứng thẳng người dựa vào những thân cây đào. Bà dùng tay thay máy ảnh chụp những bức ảnh tưởng tượng cho con với hậu cảnh là những chùm hoa đào rực rỡ sau lưng. Cứ mỗi ngày đầu xuân mới, mẹ lại vạch thêm một vạch lên thân cây. Năm sau, bà lấy tay đo để xem tôi đang lớn nhanh thế nào. Tôi yêu sự quan tâm của mẹ và cảm nhận trọn vẹn tình yêu thương của mẹ mình. Và cứ qua mỗi một năm, tôi lại cảm thấy một lớp mới của bài thơ đang được hình thành cho tới khi bài thơ trào ra từ trái tim tôi, tràn xuống những trang giấy trắng trong cuốn vở viết của tôi. Mẹ tôi chính là nguồn cảm hứng của tôi, giúp tôi có được giấy thông hành thơ. Trong bài thơ này, bà trở thành người kể chuyện và là hồn cốt của bài thơ này. Để tôi có được bài thơ “Một bà mẹ nói với con trai của mình là một nhà thơ”. Thật lòng, tôi cảm ơn chị đã đặt câu hỏi này và cho tôi một cơ hội lần đầu được ca ngợi mẹ tôi sau những gì bà giúp tôi sáng tác được bài thơ này. Và tôi cũng muốn cảm ơn tất cả những người mẹ đồng hành cùng con mình trong sự nghiệp làm thơ và giúp chúng có thêm nỗ lực để trở thành nhà thơ.

 



- Phải nói rằng, đọc đến bài thơ “Những cô gái California” của ông, tôi thấy mọi miền gái đẹp đều biến mất. Trong mắt ông, nếu không có những cô gái đẹp California, cái đẹp sẽ mồ côi, mồ cút… Mới thấy cái đẹp trong mắt nhà thơ mới long lanh làm sao. Có phải các nhà thơ đều tuyệt đối hóa cái đẹp trong thơ mình như vậy?

- Thơ là cái đẹp và cái đẹp là thơ. Nhưng đó chỉ là lý thuyết. Tôi xin được trả lời câu hỏi này tách rời ra khỏi triết luận ấy. Tôi sử dụng thi pháp hiện thực kì ảo để sáng tác bài thơ này. Có nguyên do của nó. Ở nước Mỹ, đang xuất hiện trào lưu chống lại những người phụ nữ tóc vàng. Những cô gái trẻ tóc vàng thường bị ấn tượng xấu khi nhắc đến. Họ gán cho các cô những biệt danh như “những cô gái tóc vàng ngu ngốc” hoặc giới tính bất định. Không chỉ diễn ra trong cuộc sống đời thường mà quan niệm này còn xuất hiện trên truyền hình và phim ảnh. Hành động này cần phải dừng lại. Để cảnh báo hiện trạng này, tôi sáng tác bài thơ “Các cô gái California” với phương thức biểu hiện mang tính trừu tượng. Qua bài thơ, tôi muốn nói tất cả những người phụ nữ đều đẹp. Kể cả những cô gái tóc vàng. Không có họ, khái niệm hoàn hảo về cái đẹp sẽ không còn trọn vẹn vì đã thiếu hụt đi những vẻ đẹp trẻ trung của những thiếu nữ tuyệt vời ấy.

- Đây là lần đầu tôi đọc thơ của một nhà thơ Albania. Và chắc chắn là lần đầu đọc thơ ông. Song, tôi nhận ra nhiều nét tương đồng trong thi ảnh ông sử dụng nhắc tôi nhớ tới một số nhà thơ của Việt Nam. Có thể gọi đó là sự đồng điệu của thi ca trên toàn thế giới không? Hoặc trong thơ ông có nét duyên gần gũi với phương Đông của chúng tôi?

- Thơ là một hình thái nghệ thuật thuần khiết và vô hình. Cũng giống như không khí thanh sạch nhất mà chúng ta hít thở. Mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau. Ta biết được sự hiện hữu của không khí vì ta hít thở nó. Đầu vào như nhau, đều trong sạch. Nhưng khi thở ra, tùy theo từng miền xác định mà không khí sẽ trong sạch, ấm áp, vô hại hay nhiễm khuẩn. Thơ cũng vậy. Trong câu trả lời này, tôi muốn được chào đón các bạn tới thế giới thơ khiêm nhường của tôi và thông qua đó có một phần rất nhỏ của nền thơ Anbani. Tôi muốn cảm ơn dịch giả Nguyễn Chí Hoan giúp thơ tôi đến được với các bạn bằng ngôn ngữ của các bạn.

Nhưng không chỉ đơn giản là vậy. Mỗi một nhà thơ, một quốc gia thơ đều có những cách khai thác hình tượng riêng biệt. Từ chủ thể chung là thiên nhiên và những sự vật hiện tượng hình thành nhiều hình tượng thơ. Hình tượng thơ không phải là một bản sao nguyên gốc của sự vật hiện tượng. Khi cùng khai thác nguồn gốc ban đầu của sự vật, các nhà thơ dường như nằm trong một sự đồng bộ hóa về mặt nghệ thuật, vượt qua những ranh giới địa lí, ngôn ngữ. Tuy nhiên, nếu tinh ý một chút, các bạn sẽ nhận ra tính phổ biến của hình tượng được đặt trong tồn tại khách quan về mặt nghệ thuật và dịch thuật. Trong tiếng Anbani, sự tương đương của từ dịch là përkthim, một từ ghép për kthim có nghĩa là đi hoặc cố gắng mang lại hay quay trở lại. Để mượn lời của Aristotle – khi ông đang ở trong một cuộc nói chuyện về những sự khác biệt giữa ông với Plato về ý nghĩa của vạn vật: “Thân thiết là Plato, nhưng thân thiết hơn lại là sự thật” – sự thật thân thiết hơn. Câu hỏi của chị là một lời khen ngợi xứng đáng đối với dịch giả Nguyễn Chí Hoan. Ông đã thành công trong việc đưa chị tới những hình tượng trong thơ tôi. Không chỉ bằng tiếng mẹ đẻ của chị mà còn trong một công việc thêm một lần sáng tạo để bạn đọc nhận ra những nét thân quen, tương đồng và gần gũi như nhiều hình tượng trong các tác phẩm của các nhà thơ phương Đông. Đó là mục đích của bất kì dịch giả nào.

 





- Sau lời chào “trong suốt” này, và sau chuyến thăm Việt Nam của ông, liệu có hy vọng về một lời chào Việt Nam khác bằng ngôn ngữ thi ca đặc trưng không ranh giới từ ông?

- Tôi sẽ tiếp tục viết. Đó là điều tôi bảo đảm với chị. Tôi sẽ cố gắng hết mình sáng tác những bài thơ xứng đáng với những dịch giả dành công sức chuyển tải và xứng đáng với thời gian mà công chúng dành ra để đọc thơ tôi. Quan trọng hơn, tôi sẽ tiếp tục đọc và thưởng thức thơ Việt Nam để cảm nhận những tuyệt mỹ từ. Đọc thơ giúp tôi mở rộng vốn từ và hiểu biết để củng cố thêm khả năng làm chủ ngôn ngữ văn học của mình. Tôi cũng sẽ tiếp tục đọc các loại hình văn học khác của các bạn. Là một nhà thơ, ngừng đọc các thể loại văn học như truyện ngắn, tiểu thuyết, chuyện người thật việc thật sẽ ngăn cản tính sáng tạo của tôi. Nói tóm lại, sự suy ngẫm đơn thuần về những gì bị mất đi trong một câu chuyện sẽ thúc đẩy tiềm thức và thi hứng của tôi. Sự có mặt của thi hứng sẽ bù đắp cho tôi những gì còn thiếu, những nét đặc sắc được nhìn bao quát và những đề tài được chôn sâu cho tác phẩm của tôi.

- Cảm ơn nhà thơ và hy vọng sẽ có một Việt Nam lung linh, trong suốt và thân thiện trong những sáng tác của ông sắp tới!

- Cảm ơn chị về những câu hỏi thẳng thắn và giàu tính trí tuệ cũng như sự quan tâm của chị về cuộc chuyện trò với tôi ngày hôm nay.

____________
(*) Protonist: Trường phái Proton, là một lý thuyết do Gjeke Marinaj tạo ra chỉ một phương pháp phê bình văn học. Một nhà phê bình theo trường phái Proton, khi đối mặt với một văn bản, trước tiên sẽ tìm xem có điều gì mang lại giá trị thẩm mỹ, trí tuệ và đạo đức không về mặt ngôn ngữ riêng của nó. Nếu nhà phê bình thấy tác phẩm ít có giá trị thì phải bỏ nó sang một bên và không bàn về nó nữa – để cho nó chìm đi – hơn là bàn về nó một cách hùng hồn cao đạo.






(Bản của nhà văn Phạm Thị Thùy Linh gửi qua email)

BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị