Chương VI: ĐỐI THOẠI - "Thời tái chế" - MVP đọc thơ







 

Chương I: Điểm nhìn

 

Chương II: Thẫm đỏ

 

Chương III: Sân khấu

 

Chương IV: Lối rẽ

 

Chương V: Đồ tể

 

Chương VI: Đối thoại

 

Chương VII: Mô hình

 

Chương VIII: Giấc mơ

 

Chương IX: Kết nối





Mai Văn Phấn

 

 

 

 

Chương VI: ĐỐITHOẠI

(Trường ca “Thời tái chế”. Nxb. Hội Nhà văn, 2018)

 

 

 

Đối thoại 1

- Tôi bị thủ tiêu vào cuối năm 1941.

- Ở đâu?

- Ngay gốc cây bưởi này.

- Ai giết ông?

- Mật thám Pháp cùng chánh tổng.

- Lúc ấy ông mang theo gì?

- Lá cờ.

- Ông muốn trao cho ai lúc đó?

- Những người nghèo khổ, bị áp bức ở đây.

- Nó sẽ linh thiêng khi bay trong gió?

- Dẫn dắt nông dân, thợ thuyền và những người biết chữ.

- Mục tiêu của các ông khi đó là gì?

- Độc lập, tự do, hạnh phúc.

- Nói nôm na dễ hiểu hơn đi!

- Người dân không còn lầm than, đói nghèo, không còn sưu cao thuế nặng, không còn bị khinh rẻ, bị đánh đập, không còn bất công.

- Giờ ông còn tin điều đó?

- Mãi tin.

- Tôi có thể thấy niềm tin đó không?

- Kìa đất thẫm nâu và cỏ đang xanh.

- Để tôi kéo một ngọn cỏ lại gần.

- Ngọn lửa diệp lục luôn sáng đấy. Có cách nào truyền tiếp ngọn lửa này tới những người đang đi lại kia không?

- Họ đã biết, được giáo dục từ nhỏ.



Đối thoại 2

- Tôi, hạ sỹ nhất, thuộc Sư đoàn 25 Tia Chớp Nhiệt Đới, Quân lực Việt Nam Cộng hòa, tử thương ngày 28/4/1975 tại căn cứ Đồng Dù[1].

- Tôi, trung sỹ, thuộc C5, Sư đoàn 320A, Quân đội Nhân dân Việt Nam, bị trúng đạn khi lái chiếc xe tăng T54 tiến vào mở cửa căn cứ.

- Lại gần đây, vũ khí chúng ta đã để lại trần gian.

- Hãy nhìn những người còn sống đang cùng nhau ăn cơm, đi cấy đi cày.

- Họ đã sống sót khi cùng chúng ta băng qua con đường máu.

- Gần 5 triệu người Việt cả hai phía đã chết, biết bao thương vong, chia lìa từ đầu cuộc chiến.

- Một nửa diện tích rừng bị phá hủy. Hàng vạn nạn nhân nhiễm chất độc da cam.

Chúng ta mất đi cả những giá trị vô giá không thể nhìn thấy.

- Vậy có cần đi qua con đường máu này không?

- Vậy có cần đi qua?

- Vậy có cần?

- Vậy có.

- …




Đối thoại 3

- Tháng 2 năm 1979, tôi bị lùa sang đây, gục ngã ngay trên cầu Bắc Luân[2] này.

- Chúng tôi nhìn thấy viên chỉ huy của ông ra lệnh hất xác ông xuống sông Ka Long[3] để rộng đường cho quân Trung Quốc tiến sang đất Việt.

- Vong linh tôi lúc ấy cũng nhìn thấy đôi mắt tôi trợn lên nhìn tên chỉ huy.

- Dân quân Việt Nam đã vớt xác ông tại bãi Chắn Coóng Pha[4]và chôn cất.

- Ông còn căm thù Việt Nam?

- Trước khi sang đây tôi được tuyên truyền như vậy.

- Bằng sách vở, tài liệu, phim ảnh?

- Không, các chính ủy Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã phổ biến trực tiếp. Người lính chúng tôi thường ít được đọc sách.

- Thời nào chúng tôi cũng phải lấy máu xương xây chiến lũy ngăn chặn các ông.

- Khi chết đi tôi mới tỉnh táo hơn.

- Các ông là kẻ thù nham hiểm và thâm độc suốt bốn ngàn năm lịch sử của chúng tôi.

- Các vương triều chúng tôi ăn thịt người như vậy.

- Khi các ông hùng cường thường đi gieo tai họa cho người khác.

- Ông có phải đảng viên cộng sản không?

- Không cần hỏi thế! Các ông chỉ tôn sùng quyền lợi dân tộc hẹp hòi.

- …





Đối thoại 4

- Không thể có một mô hình cho mọi xã hội.

- Mỗi thời đại một lý tưởng.

- Chúng ta đang ở điểm cực tiểu của hình Sin.

- Không, đã bắt đầu một chu kỳ khác.

- Cần định nghĩa khác về độc lập, tự do, hạnh phúc?

- Dòng chảy cuộc sống đang lý giải.

- Bạn có thể nói rõ hơn về tự do không?

- Là bản năng sống còn của con người luôn trỗi dậy.

- Con người luôn có ý thức chống lại sự nô dịch của kẻ khác.

- Vậy tự do chính là cội nguồn sinh ra ý thức nhân quyền và thể chế dân chủ?

- Đúng. Hình như nó phụ thuộc vào sự cởi mở của thể chế?

- Không phải, chính sự khao khát tự do của mỗi con người sinh ra nhu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền.

- Vậy thế nào là độc lập và hạnh phúc?

Là hướng mở của tự do. Là chuỗi quan hệ mang tính hệ quả.

- Độc lập là cái giá phải trả đắt nhất?

- Chúng ta đã phải hy sinh mấy thế hệ để có được khái niệm này.

- Hình như nó lại lung lay khi toàn cầu hóa.

- Cần thêm một lần đổi mới khái niệm.

- Bạn có thấy mình được tự do?

- Không có tự do ngay cả quyền kêu đau.






Đối thoại 5

- Tôi là một giọt nước.

- Chúng ta hòa vào nhau thành giọt nước lớn.

- Không. Chúng ta hòa thuận bên nhau và luôn tách rời.

- Vậy trí tuệ và tâm hồn chúng ta có biên giới?

- Xã hội văn minh là tổng hòa những con người có cái tôi khác nhau và tâm hồn khác biệt.

- Đó phải chăng là nền tảng của nhân quyền?

- Mỗi giọt nước đều có quyền cất tiếng.

- Đều được bình đẳng, tự do.

- Tôi tồn tại bằng hồng ân thiên chúa.

- Tôi được soi sáng bằng nhiệm màu Đức Phật.

- Người khác hầu đồng trước cửa Mẫu linh thiêng.

- Tôi trân trọng mọi sự lựa chọn!







 

 

 

 

 

 

 










BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị