Trong thơ có nhạc - Bão Vũ, Phạm Vũ Hội

Bão Vũ




Kiến trúc sư Phạm Vũ Hội





Nhà văn, kiến trúc sư Bão Vũ




    

maivanphan.vn: Phạm Vũ Hội là kiến trúc sư có tiếng trong giới kiến trúc Việt Nam. Ông cũng làm thơ và viết nhạc. Tôi không biết từ năm 1996 - 1997 Phạm Vũ Hội đã phổ nhạc hai bài thơ Nghi Tàm, Vầng trăng và con đường của tôi. Điều thú vị là bài Vầng trăng và con đường cũng được nhạc sĩ Duy Thái phổ nhạc, và, có cả một vị nào đó mang tên LMST cũng “viết nhạc” bài thơ này cho một người hát rồi đưa lên mạng. Nhà văn Bão Vũ và tôi đã phiếm đàm chuyện này, qua bài viết Từ chuyện “Vầng trăng và con đường” - thêm chút “đường” vào ánh trăng, đăng trong mục KHO LƯU TRỮ của website này.

Nhà văn Bão Vũ vừa gửi đến cho tôi hai ca khúc của Phạm Vũ Hội ở dạng bản nhạc (Solfege). Nhân ngày Tết sắp đến, xin giới thiệu bài viết của nhà văn Bão Vũ (Kiến trúc sư Vũ Bão) để Quý Bạn đọc vui.

Xin cảm ơn kiến trúc sư Phạm Vũ Hội đã có nhã hứng âm nhạc với hai bài thơ nhỏ của tôi. Cảm ơn mối tâm giao của nhà văn Bão Vũ dành cho kiến trúc sư Phạm Vũ Hội và tôi! MVP




    


"Sưởi ấm" - Tranh khắc gỗ của Phạm Vũ Hội





Trong thơ có nhạc

(Thi trung hữu nhạc)



Không nhớ ai đó đã nói cho tôi biết Mai Văn Phấn cũng có một thời chơi đàn ghi-ta. Và tôi tin thế. Thuở sinh viên, thuở làm lính, những người có tâm hồn thơ thường biết thổi sáo hoặc chơi ghi-ta. Thời chiến, ở nơi trường học sơ tán tránh bom đạn, hoặc những nơi bộ đội đóng quân, các thôn nữ thường thích những gã thân hình mảnh khảnh ôm đàn phập phừng, hát, mắt lim dim để hồn vẩn vơ đâu đâu. Mà có khi gã ta “diễn” thế thôi chứ cũng vừa đờn ca vừa để ý tới cô đẹp nhất trong đám thôn nữ đang vây quanh mình cười khúc khích. Như thế thơ lại càng hay.  

 

Tôi biết vậy cũng là nghiệm từ tôi.

 

Có đêm thứ bảy, ký túc xá sinh viên mất điện, đi chơi phố thì không tiền. Nằm ngủ sớm tối thứ bảy thì kỳ vô cùng. Tôi và một gã vác đồ nghề đờn ca tài tử lên sân thượng tầng ba. Tôi ghi-ta, gã kia vĩ cầm (violon), hướng về phía nhà của các nữ sinh cạnh đấy, có em Uyển hoa khôi, làm cuộc trình tấu những bài cổ điển thật du dương để hớp hồn các em. Hồi ấy lũ trẻ trai gọi thế là “gáy”, tức là như chàng dế mèn gáy nỉ non trong đêm để tỏ tình với các nàng dế. Chợt gã Vĩ cầm chìa cái archer (vĩ để kéo đàn) hí hửng chỉ vào những bóng người lờ mờ lay động trên sân thượng bên nhà nữ sinh viên: “Thấy chưa. Các em đã ra khỏi tổ, kéo lên sân thượng kia rồi. Chắc chắn có em Uyển. Bây giờ chơi “Mơ của Schumann”(*) cho các em khóc luôn”. Chúng tôi “Mơ Schumann”. Nhưng không thấy có tiếng nức nở nào. Có thể các em, trong đó có Uyển, đang lặng người đi, khẽ thổn thức. Thế rồi điện bừng sáng. Trên sân thượng nhà nữ sinh chỉ là đám quần áo phơi chưa kịp cất đi, trông như những bóng người lay động. Gã Vĩ cầm cười gượng: “Mình nhầm. Bọn ấy thì biết quái gì âm nhạc.”.

 

Có vài lần tôi tình cờ nói về chuyện đàn địch, hoặc biết Mai Văn Phấn có đọc bài viết của tôi liên quan đến âm nhạc, nhưng không thấy Phấn bình phẩm gì. Có lẽ đó chỉ là chuyện một thời. Còn bây giờ âm nhạc khắp nơi, mọi lúc. Bật tivi thì đến một nửa số kênh là ca nhạc, mở máy tính ra là gặp đàn hát. Cả điện thoại cũng có nhạc chờ, đang nóng lòng muốn hỏi chuyện rất quan trọng nguy cấp mà phải nghe một thôi những lời than thở về chuyện yêu ủng gì đó, tức cứ muốn đập điện thoại. Rồi cả chiếc ô tô kềnh càng đang tiến lùi xoay trở chặn ngang con ngõ hẹp cũng phát ra bản nhạc điện tử “Thư tình gửi Elise”(**) để xin đường. Từ cái quầy lang thang bán bỏng bắp rang bơ cũng “Thư tình gửi Elise” lẫn trong tiếng kẻng đổ rác... Nên chuyện nhạc nhẽo bây giờ không gây ấn tượng gì đáng kể, nếu không phải là trường hợp đặc sắc.

 

Một lần tôi đến với ông bạn kiến trúc sư Phạm Vũ Hội. Khi đang dựng xe máy thoảng thấy có tiếng hát vọng ra từ một cassette. Bài hát có ca từ quen quen như đã thấy ở đâu.

 

Ai dẫn ta về... Ai dẫn ta về...

Thành Thăng Long mây khói

Nền xưa dấu xe... Nền xưa dấu xe...

Phải tiếng ai vừa gọi?

Màu hoa chừng rất vội

Hồn ta cứ la đà...

  

Tôi lắng nghe... Chính là bài thơ Nghi Tàm của Mai Văn Phấn. Có những câu được nhắc lại hai, ba lần, khắc khoải da diết như lời gọi hướng về quá khứ. 

  

Tôi vào phòng làm việc của Phạm Vũ Hội, cúi xuống chiếc cassette cũ kỹ từ hồi năm 1975. Sau một bài hát khác nữa, đến một bài có đoạn ca từ:

  

Tiếng chim gù rót vào ô cửa

Tiếng nước cuốn đi từng mảnh đêm sụp đổ

Em hay vầng trăng vừa lặn cuối con đường.

  

Câu kết buồn như người con gái đẹp dịu dàng tựa vầng trăng vừa rời xa ta. Chính là Vầng trăng và con đường của Mai Văn Phấn.(***)

  

Phạm Vũ Hội là người đa tài. Ngoài thiết kế công trình, anh vẽ tranh, nặn tượng, thiết kế tượng đài... những thứ được dạy trong trường kiến trúc. Phạm Vũ Hội cũng làm thơ, và sau này tôi biết anh còn sáng tác âm nhạc. Phạm Vũ Hội đặc biệt thán phục, hâm mộ nhạc sĩ Văn Cao. Anh nặn tượng Văn Cao: Râu tóc rối bời, khuôn mặt nhàu nhĩ như một bản nhạc bị vò xé. Có một bình rượu ngon luôn được Phạm Vũ Hội đổ đầy để đãi bạn văn nghệ sĩ. Bình rượu đề tên nhạc sĩ tác giả của Suối mơ, Buồn tàn thu...

 

Phạm Vũ Hội là hội viên của Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng. Anh đã xuất bản 2 tập ca khúc và 2 CD ca nhạc với giọng hát của Việt Hoàn, Đăng Dương (Đài Phát thanh truyền hình Việt Nam) và Phạm Nguyễn, Khánh Hoà, Dương Liễu... do nhạc sĩ Nguyễn Kim phụ trách hòa âm phối khí, đã được công bố trên Đài phát thanh.

 

Tập ca khúc Bâng khuâng tình yêu của Phạm Vũ Hội do nhà xuất bản Hải Phòng ấn hành năm 2005 được đài BBC đăng tin và bình luận, trong đó có hai bài hát Vầng trăng và con đường, Nghi Tàm phần ca từ theo thơ Mai Văn Phấn.

 

Tôi là bạn nghề lâu năm của Phạm Vũ Hội. Một lần tôi hỏi anh về chuyện thơ, nhạc:

 

- Trong tập ca khúc thứ hai của ông, không nhiều thơ của các nhà thơ được dùng làm ca từ, như bài Hàn giang tiêu khúc dựa thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khá hay. Nhưng có tới 2 bài theo thơ Mai Văn Phấn. Thơ Phấn có gì gợi nhạc hứng cho ông?

 

Phạm Vũ Hội trả lời như một nhạc sĩ thực thụ:

 

- Thơ Mai Văn Phấn có chứa sẵn nhạc rồi. Tôi chỉ ghi lại phần nhạc trong bài thơ là thành bài ca. Nói cách khác, thơ Mai Văn Phấn giàu nhạc tính. Hầu hết các bài thơ của Phấn đều có thể phổ nhạc. Chỉ riêng bài Viết cho cây sáo thì  không cần phổ nhạc, vì bài thơ này người đọc có thể tự hát lên thành bài ca rồi. Ông cứ thử hát những câu này lên mà xem. Tôi cho là có thể hát hay được:

 

Từng âm giai vỗ cánh bay đi, chao nghiêng trong ánh sáng bảy màu lung linh huyền ảo, để những bóng tối kia cũng mang hình ống sáo, cho tôi lại ghé môi khắc khoải thổi vào... (Viết cho cây sáo - Thơ Mai Văn Phấn)

 

Thực ra, bài này muốn phổ nhạc phải rất công phu, vì phải nghiên cứu thật kỹ âm thanh của cây sáo trúc.

 

Tôi đọc hai bản nhạc mà Phạm Vũ Hội phổ thơ Mai Văn Phấn và nhận ra một điều kỳ thú: Khi nhạc với thơ nhập hồn với nhau thì sẽ tạo ra một bài ca vô thanh, ta chỉ đọc bằng mắt và hồn ta vang lên tiếng nhạc; “nghe” còn hay hơn là giọng hát của một danh ca...

 

Tôi thổi vào lòng ống sáo tối đen địa ngục, để tìm ra bảy lối tới thiên đường: đồ rê mi fa son la si. (Viết cho cây sáo - Thơ Mai Văn Phấn)

 

Chiếc đĩa CD có hai bài hát nói trên đã bị thất lạc sau gần 10 năm, bây giờ xin bạn hãy thử “nghe” như tôi với hai ca khúc nói trên, được trình bày dưới dạng solfege.

 

B.V

 

___________

(*) Rober Schumann, nhạc sĩ Đức (1810 - 1856), một trong những nhà soạn nhạc lãng mạn lừng danh nhất thế kỷ 19.

(**) “Thư tình gửi Elise” (Für Elise), bản nhạc nổi tiếng viết cho đàn piano của Ludwig Van  Beethoven, nhạc sĩ thiên tài Đức ( 1770 - 1827).

(***) Hai bài thơ Nghi Tàm, Vầng trăng và con đường trong tập GỌI XANH của Mai Văn Phấn (Nxb. Hội Nhà Văn – 1995).

 



 

           

   















 
    

Nghi Tàm

  

Cây lá ở Nghi Tàm

Thon những bàn tay Phật

Ta nhìn vào sương tan

Thấy lòng mình trong vắt.

 

Tiếng thời gian khoan nhặt

Bên thềm rêu gọi hè

Không gian như phủ chúa

Hoa cười vang cung mê.

 

Ai đang dẫn ta về

Thành Thăng Long mây khói

Nền xưa và dấu xe...

Phải tiếng em vừa gọi?

 

Màu hoa chừng rất vội

Hồn ta cứ la đà

Chắp tay làm chiếc lá

Ngỡ mặt mình đơm hoa.




     

Vầng trăng và con đường

  

Anh là con đường lạc loài trong cỏ

Biết bao giờ tới được vầng trăng

Nước mắt đầu non nở thành hoa dại

Rũ tàn phiêu dạt chốn cô liêu.

 

Sương vương dày như đan như thêu

Không che được em một vầng sáng tỏ

Bóng em đi bằng bước chân của gió

Trên mình anh những tiếng chân nai.

 

Và trái tim bừng lên ánh ban mai

Tiếng chim gù rót vào ô cửa

Tiếng nước cuốn đi từng mảnh đêm sụp đổ

Em hay vầng trăng vừa lặn cuối con đường.

M.V.P








BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị