“Đất hoang” của Thomas Stearns Eliot - Mai Văn Phấn giới thiệu

Đất hoang của Thomas Stearns Eliot

 



 

 


Mai Văn Phấn giới thiệu

 

“Đất hoang” của nhà thơ Thomas Stearns Eliot (1888 – 1965), theo đánh giá của nhà thơ, nhà phê bình văn học Andrew Motion (Anh), là “một trong những bài thơ quan trọng nhất của thế kỷ 20” (The Waste Land is one of the most important poems of the 20th century). Đây là “bệnh án” bằng thơ chẩn đoán trạng thái tinh thần của xã hội châu Âu sau Thế chiến thứ nhất. Từ nội dung đến hình thức, đặc biệt, cách ngắt nhịp câu thơ trong bài thơ cho thấy sự đổ vỡ niềm tin, trống rỗng tâm hồn của một thế hệ, đúng với tên gọi của nó. Bài thơ (có thể gọi trường ca) được T. S. Eliot viết năm 1922, trong thời điểm bùng nổ những thi pháp mới của chủ nghĩa hiện đại, do vậy khi tiếp cận văn bản ta thấy ánh sáng của chủ nghĩa Tượng trưng tràn ngập từ câu đầu đến hết bài thơ, soi rọi đến từng thi ảnh và những chuyển động trong đó. Chủ nghĩa Tượng trưng ra đời ở Pháp với bản “Tuyên ngôn tượng trưng” của Jean Moreas (9/1886), sau đó, nhanh chóng ảnh hưởng khắp châu Âu, lan sang một số châu lục khác, thậm chí cả Việt Nam đến tận bây giờ, để lại dấu ấn trong thơ Việt như “một vết bỏng”. Thơ Tượng trưng, qua tay T. S. Eliot đã mang một sắc thái khác, bung rã, huyền hoặc hơn so với các nhà thơ tiền khởi của khuynh hướng này, như Charles BaudelairePaul VerlaineArthur RimbaudPaul ValéryStephane MallarméAlbert SamainHenri de Régnier…, nhưng nó đã mang lại những hình dung chân thực hơn về đời sống thực tại. Bạn đọc có thể được phân thân trải nghiệm từ hai phía của “Đất hoang”: Trung tâm và Ngoại biên. Từ “trung tâm”, dễ dàng thấy được những mâu thuẫn giữa thực tại ngổn ngang với chuyển động hỗn loạn của đời sống vật chất và thế giới tinh thần đầy ắp những khao khát yên bình và hưởng lạc, thấy được sự hối tiếc từng giây phút những gì đã và đang trôi đi, vừa bàng quan vừa bi phẫn… Nhưng từ phía “ngoại biên”, bạn đọc được bình tĩnh chứng kiến sự đổ nát, suy đồi, hủy diệt của thế giới với thái độ lạnh lùng không thương tiếc. Tôi đồng ý với nhận định của nhà phê bình Đinh Từ Bích Thúy: “Đất hoang là một cách Eliot sáng thế lại truyền thống văn chương thế giới, gom nhặt những mảnh vụn của những nền văn minh cũ để xây dựng lại một nền văn minh phổ quát với cái nhìn trung thực theo chủ thuyết hiện sinh.” “Đất hoang” gồm 5 Phần (Chôn người chết, Một ván cờ, Thuyết Giáo Lửa, Chết đuối, Lời của sấm), mở đầu bằng câu thơ Tháng tư là tháng ác nghiệt nhất, sinh ra, và, dòng cuối cùng là câu thần chú bằng tiếng Phạn Shantih shantih shantih. Hiện có một số bản dịch từ “The Waste Land” của T. S. Eliot, nhưng tôi chọn Phần I - Chôn người chết, rút từ bản dịch mang tên “Đất hoang” của nhà thơ Đinh Linh để giới thiệu với bạn đọc. Theo tôi, đây là bản dịch mang đúng tinh thần Tượng trưng, đúng phong cách thơ T. S. Eliot nhất. Không chỉ là nhà thơ, T. S. Eliot còn là nhà viết kịchnhà phê bình văn học Anh gốc Hoa Kỳ, từng đoạt giải Nobel văn học năm 1948. Tác phẩm đầu tay: Bản tình ca của J. Alfred Prufrock (The Love Song of J. Alfred Prufrock, 1915) được coi là một kiệt tác của phong trào thơ hiện đại. Ngoài Đất hoang, ông còn có những tác phẩm tiêu biểu khác, như Ngày thứ Tư tro bụi (Ash Wednesday, 1930), Những kẻ rỗng tuếch (The Hollow Men, 1925), Bốn khúc tứ tấu (Four Quartets, 1945). Những tác phẩm quan trọng nhất của T. S. Eliot đã được dịch hoặc trích dịch ra tiếng Việt và đã in trong cuốn Các nhà thơ giải Nobel, Nxb Lao Động, Hà Nội 2006.

M.V.P

 

 

 

Thomas Stearns Eliot

 

Đinh Linh dịch từ Anh ngữ

 

 

ĐẤT HOANG (trích)

 

"Có một lần tôi thấy bà Tiên Tri nơi Cumae treo lủng lẳng trong một cái chuồng, và khi những chàng thanh niên hỏi bà: Bà Tiên Tri, bà muốn cái gì?; bà ấy trả lời, Tôi muốn chết." (1)

Tặng Ezra Pound
một người cao nghề hơn tôi (2)



I. Chôn Người Chết


Tháng tư là tháng ác nghiệt nhất, sinh ra
Đinh hương từ đất chết, trà trộn
Ký ức và ao ước, khơi dậy
Rễ mòn với mưa xuân.
Mùa đông giữ chúng ta ấm áp, che lấp
Trái đất với tuyết quên lãng, nuôi dưỡng
Cái sống èo uột với những củ héo.
Mùa hè làm ta ngỡ ngàng, lướt qua hồ Starnbergesse
Với một trận mưa rào; mình dừng giữa những cột trụ,
Rồi đi trong tia nắng trong công viên Hofgarten,
Và uống cà phê, và nói chuyện trong một giờ.
Nhưng tôi không phải là người Nga; tôi từ Lithuania, là một người Đức thật. (3)
Và khi chúng tôi còn nhỏ, ở nhà Ông Đại Công Tước,
Người anh họ của tôi, anh ấy dẫn tôi đi xe trượt tuyết,
Và tôi sợ. Anh ấy nói, Marie,
Marie, nắm vững. Và chúng tôi trượt xuống.
Ở trên núi, bạn sẽ cảm thấy tự do.
Tôi đọc gần cả đêm, và đi về hướng Nam trong mùa đông.

Rễ nào bám, cành nào mọc
Từ bãi rác sỏi đá này? Con trai của loài người,
Anh không thể nói, hay đoán, anh chỉ biết
Một đống hình vỡ, nơi tia mặt trời đập,
Và cây héo không cho bóng, con dế không an ủi,
Và đá khô không có tiếng nước chảy, chỉ còn
Bóng mát dưới hòn đá đỏ này,
(Hãy vào bóng mát dưới hòn đá đỏ này),
Và tôi sẽ cho anh thấy một cái gì ngoài
Cái bóng của anh theo anh vào buổi sáng
Hay cái bóng của anh đón anh vào buổi chiều:
Tôi sẽ cho anh thấy sự sợ hãi trong một nắm bụi.
Gió tươi mát thổi tới quê tôi;
Cô bé Ái Nhi Lan của tôi ơi,
Em chờ ở đâu? (4)
"Anh cho tôi hoa dạ hương lần đầu tiên năm ngoái
Họ gọi tôi là cô gái dạ hương."
Nhưng khi mình trở về, trễ, từ vườn Dạ Hương,
Tay anh đầy hoa, và tóc anh ướt, tôi không thể
Nói, và mắt tôi mờ, tôi không phải
Sống hay chết, và tôi không biết gì cả,
Nhìn vô thâm tâm của ánh sáng, sự yên lặng.
Hoang và rỗng là biển. (5)

Bà Sosostris, một thầy bói nổi tiếng,
Bị cảm nặng, nhưng vẫn được
Coi là người đàn bà sáng suốt nhất Châu Âu.
Với một sấp bài hiểm hóc. Đây, bà ấy bảo,
Là lá bài của anh, Người Thủy Thủ Phoenician chết đuối,
(Những hòn ngọc ấy là mắt của hắn. Nhìn!)
Đây là Belladonna, Người Đàn Bà Đẹp, Người Đàn Bà Của Đá,
Người đàn bà của những tình huống.
Đây là người đàn ông với ba gậy, và đây là Vòng Xoay,
Và đây là người thương gia chột mắt, và lá bài này,
Trống rỗng, là cái mà hắn đang vác trên lưng,
Nhưng tôi không được phép nhìn. Tôi không kiếm được
Người Bị Treo Cổ. Nên sợ chết đuối.
Tôi thấy những đám người đi vòng quanh trong một khuôn tròn.
Cám ơn. Nếu ông có gặp bà Equitone thân yêu,
Bảo bà ấy tôi sẽ tự đem sách tử vi của mình:
Phải rất cẩn thận trong thời buổi này.

Thành Phố Ảo
Dưới sương mù nâu của bình minh mùa đông,
Một đám đông tràn qua cầu London, rất đông,
Tôi không ngờ cái chết đã làm hỏng bao nhiêu người.
Những tiếng thở dài, hiếm và gọn, được bộc ra.
Và mỗi người nhìn chăm chăm xuống chân mình.
Tràn lên ngọn đồi rồi xuống Đường Vua William,
Nơi mà Bà Thánh Mary Woolnoth giữ giờ
Với một âm thanh uể oải lúc chín giờ.
Ở đấy, thấy một người quen, tôi dừng ông ấy lại, tôi kêu: "Stetson!
Mày đã sống cùng tao trên những chiếc tàu ở Mylae!
Cái xác ma mày trồng năm ngoái trong vườn mày,
Nó đã ra mầm chưa? Và sẽ nở hoa trong năm nay chứ?
Hay sương tuyết, chợt đọng, đã làm hỏng luống đất ấy rồi?
À, đừng để con Chó lại gần, đó là bạn của người,
Nếu không nó sẽ dùng móng để đào lên một lần nữa!
Ngươi! độc giả dối trá!-người anh em sinh đôi-bạn tôi!" (6)

(Bản của nhà thơ Đinh Linh gửi cho MVP qua email)

___________________
Chú thích:

1 Trích từ Satyricon của Petronius. Nguyên văn tiếng La Tinh và Hy Lạp: "Nam Sibyllam quidem Cumis ego ipse oculis meis vidi in ampulla pendere, et cum illi pueri dicerent: Sibnlla ti qeleid; respondebat illa: apoqaueiu qelv."
2 Nguyên văn tiếng Ý: "il miglior fabbro"
3 Nguyên văn tiếng Đức: "Bin gar keine Russin, stamm' aus Litauen, echt deutsch."
4 Trích từ opera Tristan und Isolde của Wagner. Nguyên văn tiếng Đức: "Frisch weht der Wind/Der Heimat zu/Mein Irisch Kind,/Wo weilest du?"
5 Trích từ Tristan und Isolde: "Oed' und leer das Meer."
6 Trích từ Au Lecteur của Baudelaire. Nguyên văn tiếng Pháp: "hypocrite lecteur!-mon semblable-mon frère!"

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị