Đọc bài thơ “Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc” của Mai Văn Phấn (bình thơ) - Tuệ Mỹ

Tuệ Mỹ

 

 

 

 Tác giả Tuệ Mỹ

 

 

 

 

Đọc bài thơ “Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc” của Mai Văn Phấn

 

 

 

 

Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc

 

 

Tháng ngày gương lược về đâu

Chân trời để xõa một màu cỏ non

 

Các cô nằm lại trên cồn

Những chùm bồ kết khô giòn trong cây

 

Khăn thêu những dấu tay gày

Thành mây Đồng Lộc bay bay trắng trời

 

Người ơi, tôi lại gặp người

Hơi bom còn thổi rụng rời cát khô

 

Nhang này quặn nỗi đau xưa

Tôi nay, tôi của cơn mưa về nguồn.

Tôi nay tôi của cơn mưa về nguồn.

 

Mai Văn Phấn             

(Rút từ tập thơ “Cầu nguyện ban mai” - Nxb Hải Phòng, 1997)

 

 

 

 

Lời bình của tác giả Tuệ Mỹ:

 

Nói đến con đường Trường Sơn huyền thoại là nói đến Ngã ba Đồng Lộc, một ngã ba đã đi vào lịch sử Việt Nam ghi dấu ấn đau thương nhưng anh dũng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mà nói Ngã ba Đồng Lộc là không thể không nói đến mười cô thanh niên xung phong (TNXP) đã hy sinh anh dũng khi làm nhiệm vụ. Sự hy sinh của họ đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác vô cùng phong phú của thơ ca, nhạc ,họa. Nhiều bài thơ hay viết về đề tài này, trong đó phải kể đến bài thơ “Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc” của Mai Văn Phấn (bài thơ được giải cao trong cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ năm 1995 của Hội Nhà văn Việt Nam và được in trong tập thơ “cầu nguyện ban mai”. Nhà xuất bản Hải Phòng, 1997)

       

Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát truyền thống gồm mười câu, năm cặp lục bát.

         

Đây là cặp lục bát mở đầu bài thơ :

                                                   

Tháng ngày gương lược về đâu

Chân trời để xõa một màu cỏ non

 

“Gương lược” là hình ảnh hoán dụ dùng để chỉ các cô TNXP. Có thiếu nữ nào mà không từng soi gương, chải tóc, làm đẹp, làm duyên. Các cô cũng thế, mặc dù phải đi phá bom mở đường, từng phút, từng giây phải đối mặt với cái chết nhưng “gương lược” vẫn luôn gắn bó với các cô khi được trở về với” thế giới ” của riêng  mình. Hình ảnh “gương lược” vừa gợi lên một cảm xúc vui về sự hồn nhiên trong sáng của các cô thì cảm xúc ấy bỗng vụt tắt ngay khi đọc đến “về đâu”. Biết chắc rằng các cô đã “về với đất” mà nhà thơ vẫn hỏi “về đâu”. Có phải nhà thơ không tin rằng các cô đã mất, chỉ lẩn khuất đâu đó thôi.Hay là các cô đã về chốn vô biên nào đó. Từ “Tháng ngày” đặt ở đầu câu thơ dường như  để gợi lên ý niệm “một cõi đi về” đó của họ chăng? Câu thơ nói về cái chết của các cô nhưng chỉ nghe xót xa chứ không nặng nề sầu thảm. Các cô ra đi thanh thản sao ta lại nặng nề khi nói đến hi sinh.Mà nhất là hi sinh vì nghĩa lớn.

                                           

Chân trời để xõa một màu cỏ non.

 

Cùng trường liên tưởng với “gương lược” ở câu lục là “xõa” ở câu bát (chải tóc, xõa tóc). Nhưng không phải xõa tóc mà là “xõa một màu cỏ non”. “Màu cỏ non” rờn rờn sức sống trải rộng tít tắp tận “chân trời” kia có phải là sự hóa thân của tóc (tính mệnh) của các cô. “Xõa” là một từ đắt lột tả thần thái của cái chết đẹp: Chết để sự sống được hồi sinh.

                                            

Các cô nằm lại trên cồn

 

Nói về sự chết người ta thường dùng các cụm từ: “nằm dưới mồ”, “nằm dưới ba tấc đất” nhưng Mai Văn Phấn nói khác “nằm lại trên cồn”. Cũng là “nằm xuống” thôi nhưng “nằm” ở vị trí nào trong lòng người mới là điều quan trọng. Có  tôn kính, ngưỡng mộ, người ta mới đặt các cô nằm “trên ” và chỉ có sự hy sinh vì nghĩa lớn thì mới ở “lại” lòng người được.

                                          

Những chùm bồ kết khô giòn trong cây

 

Đây là câu thơ tả thực. Người ta trồng cây bồ kết quanh khu mộ, nơi các cô yên nghỉ  để tưởng nhớ các cô vì khi còn sống các cô thường dùng quả bồ kết khô giòn gội đầu. Có điều lạ là bồ kết không khô giòn trên cây mà là “trong cây”.Trong cây chỉ có chứa nhựa sống để nuôi cây phát triển sinh sôi tạo nên những chùm bồ kết khô giòn. Có phải “trong cây” bồ kết mới chính là điều tác giả muốn nói: sự hy sinh xương máu của các cô  là “nhựa sống”.

                                          

Khăn thêu những dấu tay gày

Thành mây Đồng Lộc bay bay trắng trời

 

Ngoài gương lược, “khăn thêu” cũng là vật dùng không thể thiếu của các cô. Kỳ lạ thay những hình thêu, đường thêu đỏ, xanh trong khăn do “tay gày” của các cô thêu vào đó bỗng “Thành mây Đồng Lộc bay bay trắng trời”. Đẹp quá! Đó là mây của trời Đồng Lộc hôm nay chứ không phải trời Đồng Lộc một thời khói lửa. Vậy ra, để có mây” bay bay trắng trời” Đồng Lộc, “tay gày” các cô đã thêu vào đó bằng máu của mình. Câu thơ làm ta nhức nhối về cái giá đắt phải trả cho độc lập tự do.

               

Hết nói về các cô, nhà thơ lại nói về mình:

                                            

Người ơi, tôi lại gặp người

 

Đây là lời độc thoại nội tâm của Tôi. Tôi đã nói chuyện với các cô trong tâm tưởng. Cảm nhận được sự hy sinh cao cả của họ, từ nơi sâu thẳm của cõi lòng. Tôi bật thốt “Người ơi”. Các nhà thơ khác thường gọi các cô là “em”. “Tên con đường là tên em gửi lại” (Lâm Thị Mỹ Dạ), “Các em gái với Trường Sơn xanh mãi” (Cẩm Giang),riêng Mai Văn Phấn gọi các cô là “người”. Có lẽ trong mắt nhà thơ những ai hy sinh vì dân tộc, vì đất nước dù tuổi nhỏ cũng đều xứng với cách gọi “người” đầy tôn kính. Đúng vậy, cuộc đời của các cô thật đáng kính phục. Biết  rằng vào Trường Sơn là “một đi không trở lại” mà các cô vẫn cứ dấn thân. Vì lẽ gì mà các cô tự nguyện bỏ lại sau lưng tất cả: mái ấm gia đình,ghế học đường cùng những khát khao tuổi trẻ để vào Trường Sơn chấp nhận cuộc sống khắc nghiệt bom cày đạn xới? Có phải vì mang trong tim lý tưởng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước mà các cô sẵn sàng lao vào các chết để cứu con đường Trường Sơn? Con đường Trường Sơn có “sống” thì sự nghiệp thống nhất nước nhà mới hoàn thành. Các cô sống có lý tưởng và chết vì lý tưởng. Một cuộc đời đẹp như vậy chẳng  xứng đáng gọi là “người” sao? Trong tâm tưởng, Tôi đã nói gì với các cô?  “Tôi lại gặp người”. Làm sao “gặp” được khi “người” đã khuất? Có phải Tôi đã gặp “người” qua sự hóa thân “Chân trời để xõa một màu cỏ non”, “những chùm bồ kết khô giòn trong cây”, “mây Đồng Lộc bay bay trắng trời”. Hay là Tôi “lại” gặp “người” trong tâm tưởng của Tôi như bao lần Tôi đã gặp. Dù hiểu cách nào đi chăng nữa thì “Tôi lại gặp người” là lời khẳng định sự bất tử của các cô.

                

Và cũng lúc này đây, tâm trí Tôi hiển hiện:

                                           

Hơi bom còn thổi rụng rời cát khô

 

Ai cũng biết con đường Trường Sơn là trọng điểm giội bom của đế quốc Mỹ nhằm cắt đứt mạch máu giao thông Bắc Nam, ngăn chặn đoàn quân Nam tiến. Các cô TNXP “Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương/ Cho đoàn xe kịp giờ ra trận” mà “Hứng lấy luồng bom” (Lâm Thị Mỹ Dạ). Chiến tranh đã đi qua lâu rồi, vậy mà giờ nhớ lại, Tôi như ngửi thấy “hơi bom còn thổi”. Bom thù làm “rụng rời” biến các cô thành cát bụi vì thế mà Tôi hôm nay hồi tưởng lại cũng không khỏi “rụng rời” đau điếng.

                                           

Nhang này quặn nỗi đau xưa

 

“Nhang này” là những nén nhang Tôi đang thắp để tưởng nhớ đến các cô. Đó cũng là những nén nhang lòng Tôi vọng tưởng những người nữ anh hùng mà Tôi kính phục. Đây là giây phút thiêng liêng Tôi muốn mượn khói hương nói hộ lòng mình. Lòng Tôi “quặn nỗi đau xưa”. Chưa đầy ba mươi năm( kể từ lúc các cô hi sinh) mà sao gọi là “xưa”. Có lẽ tác giả không nói đến độ sâu của thời gian quá khứ mà chỉ muốn nói đến độ sâu của sự hy sinh. Có sự hy sinh xương máu nào mà không sâu chứ? Và có cái chết nào mà không làm “quặn” đau? Đặc biệt là cái chết của các cô.Thân xác bị vùi trong đất, hòa trong đất.Thử hỏi trên thế gian này có con đường nào lại được làm bằng xương thịt của “người” không?

         

Trong nỗi đau quặn thắt, Tôi nhủ lòng:

                                   

Tôi nay, tôi của cơn mưa về nguồn.

 

“Tôi nay” là Tôi của ngày hôm nay đang sống trong thanh bình nhờ sự hy sinh xương máu của các cô. “Tôi nay” là “tôi của cơn mưa về nguồn”, là của lòng biết ơn vô hạn đối với người đã mang lại hạnh phúc cho Tôi. “Uống nước nhớ nguồn” là cách hành xử  đúng đắn  đối với người mang lại thành quả cho ta hưởng. Đặc biệt đối với những thành quả được tạo bằng máu thì “về nguồn” phải là “cơn mưa”. Thể hiện lòng biết ơn có nhiều cách nói khác nhau. Lâm Thị Mỹ Dạ thì “Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em”, Cảnh Giang thì “Cho mỗi chúng ta nhói lòng nỗi nhớ/ Để mỗi ai cũng thấy mình mang nợ”. Còn Mai Văn  Phấn thì bằng “cơn mưa” vừa dạt dào ở cảm xúc lại vừa phong phú ở hành động tri ân.

       

Thơ là tiếng nói của trái tim thi sĩ. Đọc bài thơ, ta tưởng chừng như nghe được tiếng lòng Tôi rung lên nhiều cung bậc cảm xúc. Trong nỗi thương tiếc, xót xa vô hạn đan xen niềm tự hào khâm phục và dào dạt lòng biết ơn… Trong thơ có họa. Đọc bài, ta cũng  tưởng chừng như nhìn thấy Tôi trong dáng vẻ kính cẩn, nghiêng mình, nét mặt trầm tư đầy xúc động vọng hướng tâm tư về người  đã khuất. Bao trùm lên bài thơ là niềm xúc động thành kính tri ân về những hy sinh cao cả của người anh hùng.

       

Cái tình là cốt lõi để thi sĩ  làm thơ nhưng cái tài là yếu tố quan trọng để nhà thơ chuyển tải hồn cốt của bài thơ đến với người đọc. Chọn thể thơ lục bát cổ truyền mang hơi thở của ca dao, dân ca có phải nhà thơ muốn “ru” các cô, những người con của dân tộc “ngủ” trong điệu hồn dân tộc.Vả lại,nói về truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” thì thiết tưởng không gì phù hợp hơn khi chọn thể thơ truyền thống.

        

Khi viết  về các cô, Mai Văn Phấn không gọi thẳng tên “Cúc ơi” (Yến Thanh), “Hà ơi” (Bùi Quang Thanh) mà chỉ chọn ba hình ảnh tiêu biểu: gương lược, những chùm bồ kết, khăn thêu. Đây là những vật dùng  gắn bó với các cô, giờ đã trở thành phẩm vật thờ cúng họ. Nên chỉ cần nhìn thấy những kỷ vật ấy là “quặn” lòng ngay, là như “lại gặp người” ngay. Đây cũng là nét độc đáo của Mai Văn Phấn trong việc chọn hình ảnh để thể  hiện ý tưởng.

      

Bài thơ chỉ vẻn vẹn mười câu thơ lục bát. Có người bảo rằng mười câu thơ cũng chính là “Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc” như tiêu đề của bài thơ. Nhận xét đó có lẽ đúng với dụng ý nghệ thuật của tác giả. Thế còn việc tách mười câu thơ thành năm khổ thơ (mỗi khổ là một cặp lục bát) thì nhằm mục đích gì? Có phải nhà thơ muốn tạo khoảng lặng… cúi đầu trước hương linh người đã khuất.

      

Từ ngôn ngữ thơ cô đúc,giàu biểu cảm, hình ảnh thơ chọn lọc giàu sức gợi cho đến nhạc điệu, kết cấu…, tất cả đã hòa quyện cùng cộng hưởng với hồn thơ để tạo nên  tiếng thơ làm lay động tâm can người đọc, có sức gọi dậy những tình cảm tốt đẹp về  nguồn cội, gọi dậy những giá trị tinh thần cao quý thiêng liêng của “tâm hồn Việt”. Qua đó ta cũng thấy  rất  rõ rằng: nấp sau cái lớp vỏ lục bát cổ truyền, nhà thơ Mai Văn Phấn đã có những sáng tạo trong cách thể hiện. Và đó có phải là một biểu hiện trong cách tân nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn?

    

Với bài thơ “Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc”, Mai Văn Phấn đã thực hiện thành công cuộc hành hương đi về Ngã ba Đồng Lộc. Nhà thơ không những đã thắp cho mình mà còn thắp cho bao người những nén nhang tâm linh trong cuộc “về nguồn” đầy xúc động. Bài thơ là lời tự nhủ của nhà thơ và cũng là lời nhắn nhủ đến bao người,bao thế hệ  về thái độ sống “Uống nước nhớ nguồn”.

  

15/3/2016

T.M

 

 

 

 

 

 

 Tác phẩm của Nhiếp ảnh gia Noell S. Oszvald (Hungary)


 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị