Đọc bài thơ “Bên hoa" của Mai Văn Phấn (bình thơ) - Tuệ Mỹ

Tuệ Mỹ

 

 

 

Tác giả Tuệ Mỹ

 

 

 

 

Đọc bài thơ “Bên hoa” của Mai Văn Phấn

 

 

 

 

Bên hoa

 

Bóng ngày vội nép vào em
Ðôi môi anh thắp ngọn đèn xa xăm
Tấm thân ngọn bấc trăm năm
Còn chưa sáng hết đang đầm bên hoa
Anh van xin đấy nõn nà
Gót hương nhẹ lắm lướt qua mặt người
Tóc xanh quỳ rạp buông xuôi
Cầu cho đất ấm chờ nơi em về
Sương giăng réo gọi bốn bề
Xa em sợ lắm... bã chè... chân đêm…

(Rút từ tập thơ “Nghi lễ nhận tên”, Nxb. Hải Phòng, 1999)

Mai Văn Phấn

 

 

 

 

Lời bình của tác giả Tuệ Mỹ:

 

Mai Văn Phấn, một nhà thơ đương đại có phổ sáng tác rất rộng, với đa cung bậc cảm xúc. Ông viết nhiều đề tài, trong đó thơ tình cũng là một vỉa tầng rất riêng và độc đáo. Ông diễn tả rất phong phú các trạng thái tình cảm và cảm xúc, lúc e ấp, tinh tế, đắm mê…, lúc dữ dội, hóa thân, cuồng nộ… Tôi chọn bình “Bên hoa”, một bài thơ độc đáo của Mai Văn Phấn rút từ tập “Nghi lễ nhận tên”, xuất bản từ năm 1999, nhưng có thể tác giả viết bài thơ này trước thời điểm đó. Đây là giai đoạn giao thoa giữa truyền thống và cách tân trong thơ Mai Văn Phấn. Nấp trong cái “vỏ” lục bát là tâm thế một “chàng trai” đa tình có phong cách hiện đại, nhưng yêu đến lả đi, đến tan nát… Tôi cũng thích cái men say và cái vẻ hơi “bùi bụi” của bài thơ này.

 

Ngay câu thơ đầu ông đã mặc định cho Hoa chính là nhân vật Em trữ tình: Bóng ngày vội nép vào em. Xin lưu ý, thường người ta hay nói: bông hoa nép vào đêm, vào ngày, chứ ít khi cả “bóng ngày” lại nép vào hoa (em) như trường hợp đặc biệt này. Khi "bóng ngày vội nép" để nhường chỗ cho đêm buông màn cùng với những vì sao lấp lánh trên bầu trời đêm thì cũng là lúc Em em ấp mở ra những cánh trắng nõn nà, tỏa hương thơm ngát. Em hiện ra lung linh tinh khiết như vậy Anh còn chần chừ gì nữa:

 

Đôi môi anh thắp ngọn đèn xa xăm

 

Tác giả không nhắc gì đến đêm tối, mà chỉ nói cả ánh ngày rạng rỡ đang nép vào trong em đấy. Ông cũng không diễn tả nhân vật Anh ở đây có ghé môi hôn lên hoa hay không, mà chỉ vẽ lên một bức tranh lụa mơ hồ, thấy môi anh thắp lên ngọn đèn. Tùy người đọc trưởng tượng, có thể Anh mới nhìn thấy Hoa mà môi đã sáng lên, hoặc đã ghé sát. Ngọn đèn được môi Anh thắp sáng hay chính là ngọn lửa tình yêu hoa bùng cháy lên trong Anh lúc này? Lúc này không chỉ có đôi môi Anh thắp ngọn đèn mà cả "tấm thân" Anh cũng trở thành "ngọn bấc trăm năm". Tay nâng, môi hôn, lồng ngực chất đầy hương hoa. Cả người Anh cuồng nhiệt đê mê khi ở "bên hoa". Quả thật đây là một cuộc hợp nhất giao cảm tuyệt vời giữa người với thiên nhiên. Anh yêu em bằng tình yêu bền chặt, không phải chỉ trong lúc này mà cả đến "trăm năm", đến hết cả cuộc đời Anh. Gần như sở hữu cả Em rồi mà Anh còn cảm thấy: Còn chưa sáng hết đang đầm bên hoa. Ngọn bấc “trăm năm” ấy phải chăng chỉ khao khát gặp được bông hoa mà sáng, còn cái phần chưa cháy hết, phần còn lại đang “dầm” bên Hoa đây. Tác giả dùng từ “dầm” rất đắt trong trường hợp này. “Dầm” phải chăng là hành động tự dìm mình, tự ngâm mình trong dầu hỏa, dầu lạc của một “ngọn bấc. Và “dầm” cũng là để “cháy sáng” liên tục, chọ trọn trăm năm…

 

Anh van xin đấy nõn nà

Gót hương nhẹ lắm lướt qua mặt người

 

Anh có tham lam không đấy? Em đã dâng trọn hương sắc cho Anh cả rồi mà Anh còn "xin van" gì nữa? Có phải Anh nghĩ rằng Em "gót hương nhẹ lắm " chỉ "lướt qua mặt người" trong chốc lát rồi biến mất không? Vâng, Em là hoa mà. Kiếp hoa mong manh nở tàn chỉ trong chớp mắt mà thôi. Chính vì biết được quy luật sinh tồn của hoa như vậy nên Anh mới tha thiết "xin van" Em đừng vội biến mất. Anh có yếu đuối trước Em thì có sao đâu. Vì Em là hiện thân của cái đẹp, sự cao sang, thanh khiết. Trước cái đẹp, ai mà không nghiêng mình? Nhất là đối với cái đẹp khiêm nhường thầm lặng như Em (Em chỉ nở về đêm). Đến đây, ta như bắt gặp ở Anh cái cốt cách của một Cao Bá Quát "Nhất sinh đê thủ bái mai hoa". Giống Cao Bá Quát nhưng có điểm không giống. Cao Bá Quát một đời chỉ biết lạy hoa mai nghĩa là ông chỉ bái phục trước những nhân cách cao đẹp, bản lĩnh, khí khái của người quân tử. Còn Anh trong bài thơ này "xin van" hoa vì muốn ở "bên hoa", vì yêu hoa. Mà yêu hoa chẳng phải là yêu cái đẹp, cái cao cả hay sao?

 

Cầu cho đất ấm chờ nơi em về

 

"Đất ấm" là điều kiện tốt để hoa sinh tồn. Đó là "nơi em về" Em chỉ về nơi "đất ấm", điều đó có nghĩa là hoa chỉ sống còn để tỏa hương phô sắc khi có bàn tay chăm sóc nâng niu của con người. Sâu xa hơn, câu thơ muốn gửi đến con người thông điệp: Hãy trân trọng, chăm sóc và bảo vệ thiên nhiên để được hưởng sự sống mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Là một  con người yêu hoa, yêu thiên nhiên Anh chỉ cầu mong có thế. Điều cầu mong của Anh hết sức thiết tha vì trong thực tế đâu phải ai cũng biết yêu thiên nhiên. Thậm chí có người chẳng những thờ ơ trước thiên nhiên mà còn rắp tâm hủy hoại nó: Sương giăng réo gọi bốn bề.  "Sương giăng" gây bất lợi cho sự sinh tồn của hoa. Đó cũng là hình ảnh ẩn dụ chỉ cho những hiểm họa đe dọa sự sống thiên nhiên.Trước nguy cơ đó, Anh: Xa em sợ lắm… bã chè...  chân đêm...

 

Anh "sợ lắm" những bàn tay thô bạo của những tâm hồn đui điếc trước cái đẹp của Em ". Sợ lắm" những con người phản trắc sẵn sàng hủy hoại Em, mặc dù Em đã cho họ sự sống. Chẳng phải sao, nếu không có thiên nhiên thì con người làm sao có không khí để hít thở, có ánh sáng để nhìn, có nước để uống, có cây trái, tôm cá để ăn? Vậy mà con người khi rơi vào "u mê" thì họ sẵn sàng quay lưng lại với thiên nhiên. Và như thế thì Anh phải "xa em". Mà "xa em" thì làm sao Anh sống được. Chẳng phải sinh mệnh của Em cũng là sinh mệnh của Anh đấy sao? Trong một số bài thơ khác Mai văn Phấn cũng đã nói về điều này. Em đã "Nối vào ta tựa những cuống  nhau, những chùm rễ cái" ( Phía trước bàn chân). Chẳng phải Anh và Em có cùng một nhịp đập con tim, cùng chung một nhịp thở:

 

- Ta run lên trong nhịp đập thiên nhiên

(Cộng hưởng III)

                     

- Ta cùng nhịp thở đất mềm

Một mình nảy lộc trong đêm mưa phùn

 

Kết thúc bài thơ là nỗi lo sợ về thiên nhiên trước nguy cơ bị hủy hoại. Tâm thức bất an về cuộc sống thường thấy xuất hiện trong thơ Mai Văn Phấn. Đây cũng là điểm khác giữa Mai Văn Phấn và các nhà thơ ngày trước Nguyễn Trải, Nguyễn Bỉnh Khiêm khi tìm đến thiên nhiên. Các nhà thơ tiền bối tìm đến thiên nhiên là để thưởng thức vẻ đẹp của miên viễn, vô tận và cũng để di dưỡng tinh thần, để giữ, để nuôi cái hạo nhiên vốn có của họ. Còn Mai Văn Phấn tìm đến thiên nhiên cũng không ngoài mục đích như các bậc hiền triết xưa, nhưng hơn thế trong lòng nhà thơ còn luôn canh cánh một nỗi lo thiên nhiên bị hủy hoại.

 

Mạch cảm xúc của bài thơ được phát triển theo trình tự: say đắm bên hoa. Cầu mong cho hoa có "'đất ấm" để sinh tồn. Lo sợ phải "xa em". Mạch cảm xúc đó đã nói lên mối quan hệ nhân quả: Vì yêu hoa nên cầu mong cho hoa có "đất ấm" để sinh tồn. Tất cả các mối quan hệ đó đều xuất phát từ một tình cảm chủ đạo: tình yêu thiên nhiên vô hạn, mong mỏi thiên nhiên không bị xâm hại để cuộc sống con người được tốt đẹp; đồng thời là sự hoán chuyển, sự hóa thân giữa con người và thiên nhiên vĩnh cử, vô tận…

            

"Bên hoa" được viết theo thể thơ lục bát. Giọng điệu bài thơ như một bản hòa âm thánh ca, êm ái và bay bổng, cứ dâng lên bất tận tựa hương thơm từ trái tim yêu thiên nhiên say đắm của nhà thơ. Nếu bảo thơ Mai Văn Phấn như một ngôi nhà đẹp có chứa nhiều điều bí ẩn bên trong thì nhạc điệu của bài thơ chỉ mới là vẻ đẹp bên ngoài ngôi nhà. Để khám phá vẻ bí ẩn bên trong, người đọc còn phải dừng lại ở ngôn từ, từng hình ảnh thơ để suy ngẫm. Càng suy ngẫm, người đọc càng bị cuốn hút, tưởng chừng như có bàn tay vô hình dắt mình qua nhiều ngõ ngách của ngôi nhà ấy, càng đi càng thấy lại càng mê.

 

03/10/2015

T.M

 

 

 

 

 


Tác giả Tuệ Mỹ

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị