Đọc "Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ" (bình thơ) - Nguyễn Vũ Tiềm

Nguyễn Vũ Tiềm



Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm

 

 

 

Đọc "Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ"

 

 

 

VẪN TRẤN TĨNH TIỄN KHÁCH RA NGÕ


Pha xong ấm trà

Quay ra

Ông khách không còn ở đó

Gọi điện thoại

Người nhà bảo ông mất đã bảy năm

Nhầm lẫn

 

Nhà mình

Mọi sự đảo lộn

Không nhớ bức chân dung hạ xuống bao giờ

Đâu rồi chiếc đồng hồ chạy bằng dây cót?

Bộ ấm chén giả cổ ai cho?

 

Ghé sang hàng xóm

Thử hỏi mấy loại thực phẩm

Loại tăng giá

Loại còn giữ giá

 

Trong nhà

Trà vẫn nóng

Đẩy chén nước về phía ông khách đã ngồi.

 

Luồng tử khí cao chừng một mét sáu dựng đứng trước mặt

Chốc lại cúi gập.

 

Mai Văn Phấn

 

 

 

Lời bình của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm:

 

Đọc khúc mở đầu ta đã giật mình. Cái giật mình chạm vùng tâm thức và câu hỏi: “ấm trà” này, “ông khách” này, “điện thoại” này, “Nhầm lẫn” này là thực hay mơ? Linh giác hay ảo giác? Mở đầu bài thơ đã tạo được cảm giác và ấn tượng như thế là đã đạt một nửa thành công.

           

Thử nhìn vào cõi thực:

           

Nhà mình

mọi sự đảo lộn

không nhớ bức chân dung hạ xuống bao giờ

đâu rồi chiếc đồng hồ chạy bằng dây cót?

Bộ ấm chén giả cổ ai cho?

 

Vậy sao là thực được? Trật tự thời gian, không gian và nhiều vật thể đã bí ẩn đổi thay ngay trong nhà mình từ bao giờ chứ không phải ông khách lạ lùng vừa gây ra. Cứ như nhà thơ ở trong cỗ máy thời gian vượt tốc độ ánh sáng theo thuyết Tương đối của Einstein đang chạy ngược về quá khứ, cỗ máy vận hành bị trục trặc gì đó nên có sự xáo trộn thời khắc chăng?

 

Ghé sang hàng xóm

thử hỏi mấy loại thực phẩm

loại tăng giá

loại còn giữ giá.

 

Vẻ như tác giả không tin có sự xáo trộn này, chả có cỗ máy thời gian nào cả, nên phải tìm hiểu (cả tình hình thị trường) để xem sự thật hay chỉ là ảo giác. Nhưng cũng khó phân định được quá khứ và hiện tại cùng những xáo trộn trật tự kỳ bí. Quá khứ hiện tại không rành mạch, lỡ chạm tới thời hỗn mang chăng? Lại nhớ câu trong sách cổ: “Hỗn mang chi sơ/ vị phân thên địa” (Thời khởi thủy hỗn mang, chưa phân định trời đất). Ta đang sống thời hiện đại hay cổ đại? Nhìn vào thực tế có cái văn minh bên cạnh cái mông muội; cái thông thái bên cạnh cái ngô nghê trì độn; thiện - ác, tối - sáng, thật giả khó phân… điều này tác động vào tâm lý, tâm thức nhà thơ, gây cảm giác bất an bất định chăng? Thì ra cuộc sống luôn có những điều đáng lo ngại nhỉ!

 

Trong nhà

trà vẫn nóng

đẩy chén nước về phía ông khách đã ngồi.

 

Trà nóng là thực, tác giả vẫn trân trọng mời ông khách ảo. Và ông khách ảo cũng chỉ có thể đáp lễ bằng cách riêng của mình:

 

Luồng tử khí cao chừng một mét sáu dựng đứng trước mặt.

 

Thấp thoáng bóng ma trong luồng tử khí “dựng đứng”, lại có vóc dáng cụ thể “một mét sáu”, đọc mà rợn người dễ mất bình tĩnh khiến tác giả phải đặt đầu đề bài thơ là “vẫn trấn tĩnh…”  Nhưng sao có chuyện lạ:

 

Chốc lại cúi gập.

 

Người đã chết sao phải cúi gập trước người sống? Tác giả bỏ lửng gây khó hiểu. Bóng ma ông bạn này có điều gì xám hối về lỗi lầm trong quá khứ của mình chăng? Ai mà chả có lỗi lầm, “nghĩa tử là nghĩa tận”, lầm lỗi nào cũng cho qua, người đời bao dung, thể tất rồi mà. Hay là bóng ma này thấy rằng “chuyện ấy” không thể “cho qua” được? Lỗi lầm gì mà nghiêm trọng thế hả bóng ma ông bạn? Đây chỉ là suy đoán chủ quan và mỗi người suy đoán mỗi cách. Thơ Mai Văn Phấn gần đây thường đa chiều đa nghĩa.

 

Đề tài tâm linh thì văn liêu trai xưa đã có nhưng Mai Văn Phấn lồng ghép thực ảo, tạo “chân không” giữa những từ nghĩa, xáo trộn thời gian… thường gặp ở phương pháp hậu hiện đại Âu Mỹ mấy thập niên gần đây. Cái đầu đề cũng chính là câu kết của bài thơ: “Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ”. Đọc đến câu cuối bài thơ mới ngã ngũ ra, à nhà thơ tiễn bóng ma ra ngõ, nghĩ mà lạnh sống lưng. Xưa nay, người viết thường phải giấu cái kết đến phút cuối cùng, ở đây Mai Văn Phấn ngược lại, phơi bày ngay từ đầu, vậy mà không hề giảm đi sự bất ngờ. Bài thơ mở ra nhiều hướng tiếp cận và mặc sức liên tưởng, câu chữ ít mà khái quát rộng, bao trùm không gian, thời gian, xã hội và khoa học, thực và hư, hỗn mang và minh triết…

 

Nhưng thôi, thơ tiềm thức, tâm linh chỉ có thể nêu ra câu hỏi hoặc tự vấn chứ không thể lý giải điều gì, càng không nên bình tán nhiều lời.

 

Chỉ nói gọn một câu: Bài thơ mới lạ và hay đến bất ngờ.


N.V.T

 

(Báo Văn nghệ số 51 ra ngày 20/12/2014)

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị