Tiếp cận bài thơ “Đêm của em” từ góc nhìn truyền thống (bình thơ) - Võ Sa Hà

Võ Sa Hà



 
Tác phẩm nhiếp ảnh của Noell S. Oszvald 

 

Tiếp cận bài thơ “Đêm của em” (1) của Mai Văn Phấn
từ góc nhìn truyền thống

 

 

 

ĐÊM CỦA EM

 

Em không ngủ yên dưới tàng lá giật

Một nhành cây vừa rơi xuống mái tôn

Tiếng quả vỡ lăn trên thềm gạch cũ

 

Gió lồng lộn làm mặt nước không còn trơn mịn

Lối đi vươn cánh tay níu lấy bìa rừng

 

Mắt em mở vào đêm sâu lò than hồng rực

Dâng mùi ngô nướng, nếp thơm

Tiếng nước sôi trong trí nhớ em

Reo vang đến gần sáng

 

Cố nép vào thành giường

Em nín thở chờ thời khắc yên tĩnh

Ôm con bồ câu vô hình

Đợi mặt đất bình yên buông tay cho trời rạng.

 

Mai Văn Phấn

 

 

Lời bình của nhà thơ Võ Sa Hà:

 

Nhà thơ viết về một đêm đặc biệt của nhân vật “em”. Tên bài thơ và toàn bộ cấu trúc 13 câu thơ cho biết điều đó. Phải là một đêm đặc biệt thì mới thành thơ. Tất cả thơ trên thế gian đều nói về những gì đặc biệt; tức là nó phải rất cụ thể, rất riêng, có thể nhìn - nghe - sờ - cảm nhận trực tiếp - tưởng tượng ra được. Tất nhiên, để trở thành thơ đích thực, thơ hay thì cái đặc biệt ấy còn phải thực thực hư hư, gần mà xa, rõ nét mà mơ hồ, một mà nhiều, cụ thể mà khái quát, gợi mở nhiều liên tưởng sâu xa, phức tạp về tâm trạng, thân phận kiếp người; đặt ra nhiều suy đoán, tìm nhận, giả định trong tâm hồn bạn đọc; chấp nhận nhiều cách hiểu (mà một số người ưa dùng mĩ tự gọi là cách giải mã nghệ thuật) khác nhau. Ngoài ra, còn có vấn đề thi tài của nhà thơ nữa.

 

Em” ở đây là một người nữ (có điên mới bảo là đàn ông). Người nữ này có lẽ là đàn bà chứ không còn là một cô gái trẻ. Gái trẻ chưa chồng con, chưa va đập kiếp gia đình, chưa trải nghiệm trong những suy tư dằn vặt về cuộc đời và bản thân, khó có được nỗi niềm, tâm trạng ấy. Suy đoán này còn căn cứ vào chính nhà thơ với tuổi đời, tính cách và tạng thơ của anh. Mai Văn Phấn không còn trẻ, anh ít viết về tuổi teen, anh không ưa những bồng bột, hoắng huýt và cũng không hợp với những tâm hồn đơn giản, có thể trong trẻo đến hồn nhiên nhưng vô duyên và cạn cợt. Người đàn bà này đang nằm trong nhà, trên giường của mình giữa đêm tối.

 

Như vậy, đã xác định xong thời gian, không gian và nhân vật trữ tình trong Đêm của em. Vấn đề tiếp theo: Đó là một đêm như thế nào? Em có tâm trạng gì, là người như thế nào? Qua thi phẩm, nhà thơ muốn nói, muốn gửi gắm điều gì? Tiếp cận bài thơ từ góc nhìn truyền thống sẽ dẫn đưa ta đi theo hướng ấy.

 

Đó là một đêm gió mạnh. Người đàn bà nằm trong nhà, thao thức:

 

Em không ngủ yên dưới tàng lá giật

 

Không chỉ gió mạnh mà còn là rất mạnh, có vẻ gió đang rít xoáy. Nhà thơ dùng hình ảnh “tàng lá giật” vừa mới, vừa gợi ra sự xum xuê, rậm rạp, tầng tầng lớp lớp của lá, khác hẳn cách dùng “tán lá” quen thuộc. Vì thế, “tàng lá giật” cho thấy gió đang rất mạnh. Nó mạnh đến nỗi giật văng cả “Một nhành cây vừa rơii xuống mái tôn”, nghe rõ cả “Tiếng quả vỡ lăn trên thềm gạch cũ”. Nếu chỉ là “Tiếng quả lăn” thì bình thường nhưng “Tiếng quả vỡ lăn” thì đã thấy cả cường độ cao của gió, tốc độ rơi nhanh của quả, tạo ra sự va đập lớn.

 

Người đàn bà nằm nghe gió giật xung quanh ngôi nhà của mình, gần như tập trung toàn tâm lực vào thính giác. Ba câu thơ đầu nối liền nhau, em nghe thấy ba thanh âm khác thường, kết thành chuỗi âm thanh có cường độ mạnh, tạo thành một đêm đặc biệt. Ba thanh âm này có sự chuyển dịch từ tầng cao xuống tầng thấp, từ “tàng lá giật” xuống đến “mái tôn” rồi mới đến “thềm gạch cũ”. Có lẽ không phải là một biệt thự sang trọng và càng không phải là một căn hộ chung cư cao tầng, mà là một ngôi nhà bình dị với “mái tôn”, “thềm gạch cũ” giữa một khu vườn có cây cối vây quanh.

 

6 câu thơ đoạn 2 mở rộng không gian thơ theo ý nghĩ của “em”. Gió không chỉ rất mạnh mà còn điên cuồng, phá phách, nó “lồng lộn” khiến cho “mặt nước không còn trơn mịn”. Cách viết “mặt nước trơn mịn”cũng là một sáng tạo về từ ngữ và thi ảnh. Người đàn bà có cảm giác bất an, lo sợ, loé lên ý nghĩ: gió điên ác thế kia không khéo nó bẻ gẫy và cuốn tung đi cả những con đường. Bởi thế, chị tưởng tượng ra cảnh: “Lối đi vươn cánh tay níu lấy bìa rừng” để nó không bị bật bay khỏi mặt đất. Cách viết lạ. Nhân hoá, so sánh và ám dụ đều mang mùi vị riêng của Mai Văn Phấn, không lẫn vào đâu được.

 

Chính vì vậy, toàn bộ năng lượng người đàn bà không ngủ trong đêm tập trung vào đôi mắt:

 

Mắt em mở vào đêm sâu lò than hồng rực

 

Ví mắt người đàn bà như “lò than hồng rực mở vào đêm sâu” cũng là một cách nói mới lạ. tạo ra những liên tưởng, suy tư khác hẳn những cách nói dễ dãi. Thực ra, cái “lò than hồng rực” ấy nào có nhìn thấy gì, tất cả đều được tái hiện qua thính giác và tưởng tượng. Nó chứng tỏ em không những không ngủ mà bây giờ đã hoàn toàn tỉnh táo. Tất cả thế giới bên ngoài hiện hữu được khởi nguyên từ “gió lồng lộn” đã tác động bất thường đến nội tâm em, làm cho em phải mở căng mắt nhìn đêm, ánh nhìn em phát sáng. Mặt khác, hình ảnh “lò than hồng rực ” này lại trở thành cái bản lề mở ra và đánh thức một miền suy cảm khác trong em. Trước sự rơi văng, đổ giật và bất an của thế giới bên ngoài, em tìm chỗ trú ẩn bằng cách thu rút vào nội tâm mình, em tìm về những kỉ niệm êm đềm và đẹp đẽ:

 

Dâng mùi ngô nướng nếp thơm

 

Khi “mùi ngô nướng nếp thơm” được dâng lên, toả ra từ đôi mắt “lò than hồng rực” ấy, ai dám cho rằng đó không phải là những kỉ niệm yên bình và ấm áp ngày xưa. Thế là hồi tưởng cuộn lên, kỷ niệm ùa về, em đắm vào trí nhớ của riêng em:

 

Tiếng nước sôi trong trí nhớ em

Liên tục reo vang đén gần sáng

 

Từ thế giới bên ngoài do gió giật, gió điên, gió lồng lộn tạo ra, em trở về với bản thể của mình, thu kín vào dòng nội cảm của chính em. “Tiếng nước sôi” ở đây là tiếng lòng, tiếng hồn em, khác hẳn tiếng “tàng lá giật”, “nhành cây vừa rơi” và “tiếng quả vỡ lăn” ở trên. Em tiếp tục không ngủ, nhưng 5 câu thơ trước, em không ngủ để nghe thì bây giờ em không ngủ để nhớsuy nghĩ. Trạng thái này kéo dài đến gần sáng, nó đưa em trở về với chút bình yên đáy hồn để chống lại cái không bình yên bên ngoài. Em tựa vào kỷ niệm của chính mình để quên đi (và đã quên thật rồi) cái thế giới hỗn độn, bất an kia.

 

Bốn hình ảnh: “lò than hồng rực” - “ngô nướng” - “nếp thơm” - “tiếng nước sôi” gắn kết thành hệ thống, mở ra thế giới kỷ niệm êm đềm đang dâng lên trong hồi ức người đàn bà. Đó có thể là thế giới của những ngày thơ ấu, cũng có thể là kỷ niệm của thuở “áo trắng học đường” và cũng có thể là kỷ niệm ngọt lành trong một tổ ấm gia đình yêu dấu… Nhà thơ để bạn đọc tự do suy đoán: Cứ thoải mái đi!

 

Không rườm lời, cách nói mới, thi ảnh lạ, Mai Văn Phấn đã khắc hoạ đầy sáng tạo tâm trạng một người đàn bà không ngủ trong một đêm đặc biệt. Tâm trạng ấy có sự chuyển dịch - đối sánh - xoay vòng giữa cái bên ngoài và cái bên trong, giữa cái phá phách cuồng điên và cái yên bình yên ấm, giữa đổ vỡ và lành lặn, giữa hiện tại và quá khứ, giữa cái mở ra và cái thu vào, giữa cái động và cái tĩnh… Tất cả tạo nên một hình tượng thơ đầy ám ảnh, nối dài suy tưởng cho độc giả.

 

Bốn câu thơ cuối khép lại bài thơ lại mở ra một dòng tâm cảm mới của em trong khoảng khắc đêm sắp cạn:

 

Cố nép vào thành giường

Em nín thở chờ thời khắc yên tĩnh

Ôm con bồ câu vô hình

Đợi mặt đất bình yên buông tay cho trời rạng

 

Em vẫn là em, nhiều mặc cảm, đầy nữ tính. Em thật mong manh, yếu đuối khi “cố nép vào thành giường” để “nín thở chờ thời khắc yên tĩnh”. Em mong cái lồng lộn cuồng điên bên ngoài chóng trôi qua để đến cái “thời khắc yên tĩnh”. Emôm con bồ câu vô hình” - con bồ câu chỉ có trong hoài niệm để “Đợi mặt đất bình yên cho trời rạng”. Rồi trời sẽ rạng, đêm sẽ tan, mặt đất sẽ bình yên không còn gió giật. Bài thơ đóng lại trong một khát khao đầy tính nhân văn.

 

Đêm của em còn là đêm của chính tâm hồn Mai Văn Phấn. Cái giống loài thi sĩ là vậy. Em chỉ là cái cớ, là phát ngôn viên của nhà thơ. Đời sống bây giờ ai chả thế. Bên ngoài thì hỗn độn, bất an, bất trắc, nhiều cuồng điên phá phách. Tìm chỗ yên bình ở đâu đây? Thôi thì trở về với chính lòng mình, tìm chỗ trú ẩn trong những kỷ niệm bình yên và tươi đẹp của đời mình. Mong sao mọi cái bất an, bất trắc sẽ qua đi, đêm sẽ hết và trời sẽ rạng. Một niềm tin dù yếu ớt nhưng vẫn âm ỉ cháy trong khát vọng của chính ta. Ta hãy nín thở đợi chờ. Chính vì vậy, Đêm của em không chỉ là đêm của một người mà đã chở tải được nỗi niềm, tâm trạng của nhiều người.

 

Một bài thơ hay, nhiều sáng tạo về cách diễn đạt và thi ảnh. Nghệ thuật kiệm lời, dồn ý, nén chặt cảm xúc, xếp chồng và nối đuổi các tầng nghĩa đã làm nên tính hiện đại rất riêng của thơ Mai Văn Phấn.

 

Tuy nhiên, với góc nhìn truyền thống, tôi vẫn mong bài thơ có được một vài cặp vần ấn tượng. Bài thơ có nhạc, có nhịp, đã phần nào tạo ra sự tương hợp giữa nhịp xúc cảm, nhịp tâm hồn với nhịp ngôn từ. Nhưng về phương diện tạo vần, Mai Văn Phấn vẫn chưa thực sự kỳ công.

 

Tất nhiên, đó chỉ là một tì vết nhỏ ở bài thơ mà tôi rất thích này.

 

Thái Nguyên, những ngày nghỉ Lễ 30/4 năm 2014

V.S.H

 

________
Chú thích: (1) - Đêm của em là khúc II trong bài thơ dài Buông tay cho trời rạng rút trong tập thơ VỪA SINH RA Ở ĐÓ của Mai Văn Phấn, Nxb. Hội Nhà văn VN, 2013. 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị