Về bài thơ “Ghi ở Vạn Lý Trường Thành” (bình thơ) - Lê Hồ Quang

Về bài thơ “Ghi ở Vạn Lý Trường Thành”

 

 

 

Nhà phê bình VH Lê Hồ Quang

 

 

 

Lê Hồ Quang

 

 

Kết cấu là cách tổ chức toàn bộ các yếu tố riêng lẻ của bài thơ (ngôn ngữ, hình ảnh, chi tiết, giọng điệu, chủ đề, cảm hứng….) thành một chỉnh thể chặt chẽ. Đây cũng là một phương diện hình thức quan trọng của thơ. Trên thực tế, kết cấu thơ hết sức đa dạng. Có kiểu kết cấu theo hình thức luận đề trực tiếp (chẳng hạn Vội vàng của Xuân Diệu thời Thơ mới hoặc một số bài của Nguyễn Lương Ngọc, Trương Đăng Dung, Mai Quỳnh Nam gần đây). Có kiểu kết cấu theo hình thức kể chuyện (chẳng hạn trong Hai sắc hoa Tigon của TTKH, Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, Mưa xuân của Nguyễn Bính thời Thơ mới; và gần đây, trong thơ Inrasara, Phan Nhiên Hạo và Nguyễn Đức Tùng…). Phổ biến hơn cả là kiểu kết cấu theo mạch cảm xúc, trong đó, cái tôi chủ thể đứng ra trực tiếp giãi bày xúc cảm. Lại có kiểu kết cấu theo trục biểu tượng phổ biến trong thơ Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Dương Kiều Minh… Bài thơ sau đây của Mai Văn Phấn là một ví dụ.

 

Ghi ở Vạn Lý Trường Thành

 

Mây xếp lên vai từng tảng đá nặng

nhòe mắt cát

thở đầy ngực cát

 

Vạn Lý Trường Thành còn xây dở?

Trên không tiếng hoạn quan truyền chỉ

Bắt được kẻ nào vừa vác đá vừa làm thơ

đánh hộc máu mồm

Khâm thử!

 

Ngước lên gặp một khuôn mặt bì bì

tay lạnh, mắt chì, giọng mỡ

Mái Phong hỏa đài màu huyết dụ

hình thanh long đao dính máu đang kề cổ

 

Còng lưng đẩy nắng đi

Chồn chân đẩy gió đi

Miễn sao được gần bông hoa

đang mởn mơ trong gió lớn

 

Tâu hoàng thượng/ thưa ngài/ báo cáo đồng chí…

Bỉ chức/ thảo dân/ em

sẽ làm trọn bổn phận

 

Đây là đỉnh trời

hay đáy vực sâu

chỉ thấy trên lưng lằn roi bỏng rát

 

Mồ hôi du khách trên đá xám

nở thành hoa phù dung.

 

Cắt dọc bài thơ theo tuyến sự kiện, ta thấy có một hành trình hiện tại của du khách, nổi trên bề mặt văn bản: mây xếp trên vai/ nhòe mắt cát/ thở/ ngước lên/ mái Phong hỏa đài/ còng lưng/ chồn chân/ mồ hôi du khách trên đá xám. Song song với hành trình của du khách là một hành trình trong quá khứ của những dân công khốn khổ vác đá xây Vạn Lý Trường Thành. Lằn nghĩa thứ hai đã xuất hiện ngay cạnh lằn nghĩa thứ nhất, trong chính những hình ảnh được dùng diễn tả lằn nghĩa thứ nhất: từng tảng đá nặng/ nhòe mắt cát/ thở đầy ngực cát/ Vạn Lý Trường Thành còn xây dở/ Tiếng hoạn quan truyền chỉ/ đánh hộc máu mồm/ Khâm thử. Tuy nhiên, ta còn có thể thấy thêm lằn nghĩa thứ ba. Ấy là khi xuất hiện trên hành trình ấy một tuyến tình tiết, hình ảnh mới, về một con người khá đặc biệt: “vừa vác đá vừa làm thơ”, “còng lưng đẩy nắng”, “còng lưng đẩy gió” “miễn sao gần được bông hoa/ đang mởn mơ trong gió lớn”. Ấy là chân dung của kẻ yêu cái đẹp, vì cái đẹp mà có thể bất chấp mọi trở ngại. Nhờ vào cách sắp xếp xen kẽ/ song hành hợp lý của các tình tiết, hình ảnh, hành trình của thơ dường như càng ngày càng đi vào chiều sâu và mở ra nhiều liên tưởng, hy vọng. Song cũng đúng lúc ấy, cắt ngang mọi ảo tưởng, là sự đồng thanh, trùng điệp, nhẫn nhục của những giọng nói:

 

Tâu hoàng thượng/ thưa ngài/ báo cáo đồng chí…

Bỉ chức/ thảo dân/ em

sẽ làm trọn bổn phận

 

Trong khoảnh khắc, dường như cửa ngõ tất cả các chiều kích không – thời gian đã chập lại và mở thông sang nhau. Và cùng lúc ta thức tỉnh về sự lặp lại bi đát, thê thảm của thân phận kẻ sĩ/ trí thức trong suốt chiều dài lịch sử Trung Hoa với sức mạnh tàn bạo hiện hình ở chính biểu tượng Vạn Lý Trường Thành.

 

Đan xen khéo léo giữa nhiều tuyến hình ảnh, sự kiện quá khứ và hiện tại; “đục bỏ” triệt để các phương tiện kết nối logic tuyến tính; sử dụng yếu tố giễu nhại đúng lúc, đúng chỗ…, đó là những kỹ thuật kết cấu đã được tác giả sử dụng hiệu quả trong bài thơ này.

 

Vinh, 2/1/2019

L.H.Q

 

 

(Trích từ bài viết “Về việc đọc thơ hiện đại”)

 

 

 

 

 

Tác phẩm của Nhiếp ảnh gia Noell S. Oszvald (Hungary)

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị