Ánh sáng thanh tẩy (bình thơ) - Bão Vũ

Bão Vũ




ÁNH SÁNG THANH TẨY 

 

 

Tắm đầu năm

 

thanh tẩy mãi vẫn không thấy sạch

quay về tắm bằng ngọn đèn

 

thử đưa bờ vai về phía ánh sáng

rồi cả hai tay

bàn chân, cằm, đầu gối

cả đôi tròng mắt và tiếng ho khan

 

xối ánh sáng vào từng góc khuất

góc khuất như lò thúc mầm

như thép nóng đem tôi vào nước

như quả trứng trong ổ đang ấp

rễ thân cành đã chiết đâm ngang

 

tắm gội cho mùa xuân về

vừa lặn vào ánh sáng

vừa gọi thầm ông bà, cha mẹ

cơ thể bốc cao về phía ngọn đèn

 

vừa xối mạnh vừa gọi tên em

ánh sáng bồng bềnh bụng mang dạ chửa

thử gọi một ai xa lắc xa lơ

ngọn đèn lặng phắc càng tỏ

càng tỏ.

 

Mai Văn Phấn

 

 

Lời bình của nhà văn Bão Vũ:

 

Khi đã mệt mỏi vì xoay xuôi xoay ngược những bài thơ được mệnh danh cách tân, siêu thực, tân hình thức gì gì đó để cố hiểu chúng, để cố khoái trá thích thú như tác giả của những bài thơ ấy thường tỏ ra thế; hay chán ngấy chúng như chính những tác giả ấy có thể cũng chán... thì bắt gặp bài thơ “Tắm đầu năm” của Mai Văn Phấn. Thoạt nhìn, hình thức bài thơ trình bày như thể những khổ thơ có vần theo lối cổ, đã tính đọc lướt rồi bỏ qua, nhưng rồi cái nhan đề ấy khiến phải đọc kỹ hơn. Chẳng phải muốn tìm chất sex trong động từ “tắm” gợi hình ảnh, mà muốn xem Phấn “tắm” như thế nào so với khá nhiều kiểu tắm trong thơ của các tiền nhân.

 

Sinh thời, trong những cuộc du thuyết về thi ca, nhà thơ Xuân Diệu có lần nói về những câu thơ của thi hào Nguyễn Du tả cảnh Thúy Kiều tắm. Đám trẻ trai sinh viên thích thú cười ran hội trường, và coi như đó là khám phá của chính Xuân Diệu, cho dù những dòng chữ tả thân hình vệ nữ của Kiều theo anatomie cổ điển là “tòa thiên nhiên” trong tác phẩm bất hủ ấy đã hiển lộ trên giấy trước mắt người đọc từ hàng trăm năm trước tới lúc đó. Vào giữa thế kỷ trước (1953), nhà thơ Cầm Giang người Kinh lấy tên người Thái là Cầm Vĩnh Ui đã làm bài thơ “Em tắm” nổi tiếng (bài này lại ký tên là Bạc Văn Ùi). Toàn bài thơ là những lời hồn nhiên của cô gái Thái xinh đẹp khỏa thân tắm dưới suối nói với người tình đang ngồi trên bờ nhìn trộm, được coi là mới lạ của cái thời đầy rẫy những cấm kỵ. Bài thơ tạo thú vị cao bởi sự hồn nhiên ngây ngô trong sáng của người thiếu nữ mạn ngược.

 

Nhân vật chính trong “Tắm đầu năm” của Mai Văn Phấn tắm bằng ngọn đèn, tắm bằng ánh sáng. Dĩ nhiên không có gì mới khi dùng quang năng để tắm, theo cả hai nghĩa khoa học và thơ; lãng mạn và thực dụng. Ánh nắng, chớp sét, ánh đèn, nến được đưa vào “bồn tắm thi ca” từ nhiều thế kỷ nay. Cả âm thanh nữa, cũng được dùng để... tắm từ lâu. Chuyện bình thường. Nhưng, ở bài thơ “Tắm đầu năm” là sự tắm ánh sáng trong nỗi cô đơn chơ vơ vào một đêm đầu năm chống chếnh thì gợi ra nhiều điều lắm. Ánh đèn xối vào những góc khuất của tâm hồn làm sạch những ngóc ngách. Sự vệ sinh tâm hồn vào đêm đầu năm, hay là sự thanh toán với quá khứ xám ngắt? Hay một sự sám hối?  Cái ánh sáng bồng bềnh hoài thai, sắp sinh nở những điều rực rỡ mà ta đang kỳ vọng...

 

vừa lặn vào ánh sáng...

cơ thể bốc cao về phía ngọn đèn

 

Một ý tưởng rất mới: Lặn - lẩn trốn, không phải vào bóng tối mà là vào vùng sáng để rồi tâm hồn và thể xác bừng lên trong ánh sáng ấy như ngọn lửa. Hình ảnh đẹp hiện đại, nhưng lại giàu chất hội họa cổ điển gợi liên tưởng đến tranh của Rembrandt. Nhân vật trong những bức tranh của danh họa người Hà Lan này thường chìm trong bóng tối, chú mục quan sát sẽ thấy chân dung các nhân vật hiện dần lên, như một sự khám phá. Đó chính là thiên tài của Rembrandt. Còn ở đây trong “tranh thơ” “Tắm đầu năm” của Mai Văn Phấn có họa pháp Rembrandt. Từ nền tối, nhân vật hiển lộ dần dần:

 

...đưa bờ vai về phía ánh sáng
rồi cả hai tay
bàn chân, cằm, đầu gối
cả đôi tròng mắt và tiếng ho khan

 

Nhưng rồi cái “tiếng ho khan” đã đưa bài thơ về hiện đại, cái hình ảnh hội hoạ classic trên kia chỉ như một sự điệu nghệ.

 

Ngơ ngác trong hào quang cô đơn, cất tiếng gọi ông bà cha mẹ, những người đã khuất... Không một hồi âm từ phía những linh hồn lạnh lẽo.... Gọi tên Em, không tiếng đáp lại. Nếu ở một khung cảnh khác thì “gọi tên Em” sẽ cổ, rất cổ, vì chuyện muôn thuở trong thơ “Em đã bỏ ta mà đi”. Ở đây thì rất đúng chỗ và rất cần có để hoàn thiện sự cô đơn mỹ cảm.

 

thử gọi một ai xa lắc xa lơ
ngọn đèn lặng phắc càng tỏ
 
càng tỏ...

 

Đến nỗi gọi một ai nữa, một người bất kỳ, cũng không một tiếng vang, không một sự  hưởng  ứng, thì sự cô đơn đã đến tột cùng. Chẳng có gì ngoài vừng sáng trong sạch và cao quý. Thật buồn, và thế mới đích thực là thơ.

 

B.V

 

(Báo Văn Nghệ số 9 - 1/3/2008)

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị