VẤN ĐỀ THƠ VÀ CHỦ NGHĨA “LÝ LUẬN KHÔNG CÓ THƠ” (Kỳ I) - (trao đổi) - Ngô Quốc Phương

VẤN ĐỀ THƠ VÀ CHỦ NGHĨA “LÝ LUẬN KHÔNG CÓ THƠ” (Kỳ I)


 

Ngô Quốc Phương

 

(Từ vấn đề thơ suy nghĩ về Chủ nghĩa “lý luận không có thơ”)

 

Thơ là gì? Đó là câu hỏi dường như không có câu trả lời trọn vẹn dành cho nó. Mọi suy đoán, khái niệm hóa về thơ đều là sự cấp nghĩa chủ quan và mang đặc trưng của lợi ích nhóm thẩm mỹ. Gần đây nhất, nổi lên hiện tượng phản ứng của một số nhóm tác giả có khuynh hướng muốn xác lập lại ý thức hệ thẩm mỹ cho thơ khi xuất bản những bài phê phán cách chấm và trao giải của Hội nhà văn Việt Nam cho các tác giả thơ. Nhưng sự phi lý của nhóm tác giả ấy thể hiện ở chỗ, trong khi họ phê phán về thứ lý luận mà họ gọi lý luận về thơ vô lối thì lại chẳng có một thứ lý luận nào tương xứng để khẳng quyết cho quan điểm của họ là hợp lý. Phái ấy công kích những tác phẩm thơ mà họ gọi là vô lối, song lý luận của họ lại chồng lấp lên sự vô lối ấy bằng một thứ lý luận mập mờ, không rõ ràng, và nói đúng ra là một thứ lý luận vô lối của vô lối. Tôi tạm gọi thứ lý luận mà phái phê phán cách chấm giải thơ của Hội nhà văn Việt Nam là phái thuộc Chủ nghĩa lý luận không có thơ.

 

Phái thuộc Chủ nghĩa lý luận không có thơ lên án kịch liệt những tác phẩm của Mai Văn Phấn, Đinh Thị Như Thúy, Đỗ Doãn Phương, Nguyễn Quang Thiều là “vô lối” là “phi thơ”, nghĩa là họ đã xác lập vị trí lý luận của mình trên một nền tảng mà họ cho là đúng của các quy tắc được gọi là thơ. Thế nhưng, họ đã quên một điều rằng, nếu họ có quan niệm thơ riêng, thì phía những nhà làm thơ, họ cũng có quan niệm thơ riêng. Vậy thì, mang quan niệm của mình để bác bỏ quan niệm thơ của người khác, đó chẳng phải là thứ lý luận phi lý luận sao? Muốn bác bỏ một hệ ý thức hay một hệ hình thẩm mỹ, thì chủ thể phê phán cần phải dựa vào những đặc trưng thẩm mỹ có tính quy luật, chứ không phải là niềm tin vào quá khứ của một nhóm lợi ích để công kích nhóm khác. Đó là việc làm phi khoa học.

 

Phái đi theo chủ nghĩa “lý luận không có thơ” đã phân chia thơ theo cấu trúc xã hội, cho nên đã bỏ qua giá trị thơ theo nghĩa chung phổ quát. Họ lên án những chủ thể sáng tạo mà họ cho là “vô lối”: “Trong cuộc chơi thơ của muôn người, bất tài không phải là cái tội. Tội lớn nhất là đánh tráo sự bất tài thành thiên tài trong các bài phê bình kiểu “lợi ích nhóm” để lừa lớp trẻ.”[1], nhưng thang bậc và tiêu chí mà họ gọi là “đánh tráo sự bất tài thành thiên tài” lại nằm ở chính lợi ích nhóm đang bao bọc họ: “Đọc qua hàng chục bài khen, hàng chục lời khen hai tác giả trên và hai tập thơ được giải trên, thấy những lời khen rất mù mờ, tối nghĩa, lập lờ, thậm chí đao to búa lớn, tùy tiện, trích toàn những câu rất tầm thường, thậm chí rất dở ra khen hay, khiến những người đọc trẻ chưa đủ bản lĩnh trong thẩm mỹ thi ca dễ bị choáng váng, dễ bị định hướng sai lạc về thơ, rồi thi nhau viết những câu văn xuôi ngờ nghệch, ngớ ngẩn, xuống dòng liên tù tì và thi nhau nhận những giải thưởng phi…thơ.”[2]. Phái lý luận không có thơ muốn bác bỏ lợi ích nhóm thẩm mỹ mà họ gọi là “trao giải nhầm”, thì họ phải lấy lý luận lợi ích nhóm của các tác giả được trao giải ấy để bác bỏ mới thuyết phục bạn đọc, đằng này, họ lại lấy lý luận lợi ích nhóm của họ để bác bỏ nhóm lợi ích kia, chẳng phải đây là mâu thuẫn lợi ích nhóm chứ đâu còn là lý luận hướng đến quy luật vận động của thơ ca.

 

Phái lý luận không có thơ bác bỏ lối cách tân của các tác giả thơ được giải, thì họ không thể mang dòng thơ chưa được cách tân (dòng thơ cũ) nằm trong quá khứ để bác bỏ thơ cách tân được, mà phải lấy chính thơ cách tân để phê phán lại chính dòng thơ cách tân thì mới biết dòng thơ ấy cách tân hay phi cách tân như thế nào. Cũng như xã hội Tư Bản muốn hiểu nó, thì nó phải phê phán chính nó thì mới biết nó như thế nào. Xã hội Tư Bản ấy không thể biết nó tiến bộ hay hủ lậu, nếu như nó mang nó ra để phê phán lại xã hội Phong Kiến. Cách làm ấy chỉ là cách so sánh giản đơn của một thứ chủ nghĩa duy vật tầm thường, chứ không thể được xem là sự phê phán triệt để. Phái Lý luận không có thơ cũng thế, họ muốn phê phán dòng thơ mà họ gọi là “vô lối” bởi sự CÁCH TÂN của nó, thì họ phải là ngườI CÁCH TÂN đã, rồi lấy cái CÁCH TÂN ấy để phê phán chính nó, thì mới đúng là phê phán và đi đến phủ nhận một cách biện chứng.

 

Thế nhưng, cách làm mà phái này gọi là “phê phán” và “bác bỏ” chỉ dừng lại ở sự so sánh giản đơn theo lối duy vật tầm thường. Họ phê phán các tác phẩm được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, mà lại mang Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, Thanh Tâm Tuyền để phê phán mà không phải là mang các dòng thơ “cách tân” đang hiện diện trên văn đàn Việt Nam như lối viết của Nhóm Thời Tiết, lối viết của Nhóm Ngựa trời, Mở Miệng thì không thể xem là thứ lý luận lành mạnh được. Đó là cách làm nghèo đi về lý luận, là thứ lý luận phi lý luận. Vì gọi Xuân Diệu là nhà thơ “cách tân”, nghĩa là phải đặt ông trong tương quan với dòng thơ cũ – chưa cách tân mới đúng. Thế nhưng,  phái lý luận không có thơ lại làm ngược lại, họ mang thơ Việt đương đại ra đặt ngang hàng với các nhà tiền – cách tân, sau đó gọi các nhà thơ “tiền cách tân” ấy (Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, Thanh Tâm Tuyền…) “mới đích thực là cách tân”, thì chẳng phải lịch sử đang đảo ngược, là chuyển từ  mới về cũ, và gọi cái cũ đã có đó là cách tân sao? Đó là lối phán xét siêu hình và đảo ngược quy luật, đảo ngược lịch sử, chứ đâu còn được xem là tiến bộ và cách mạng.

 

Phái Lý luận không có thơ khẳng định “Thơ là nghệ thuật của mọi người. Họ chơi thơ để tỏ bày tâm sự, để giải thoát tinh thần, bất kể hay dở. Trong đỉnh cao của nghề nghiệp, thơ nói cho cùng là nghệ thuật của những người có tài; kẻ bất tài dù cách tân mấy cũng không thể có thơ hay”[3], vậy thì, hẳn rằng, việc họ phê phán những tác giả đã nỗ lực thay đổi về mặt hệ hình ngôn ngữ và chuyển động về tâm thức sáng tạo là áp đặt, và đọc sai thơ họ sao? Việc khẳng định “Thơ là nghệ thuật của mọi người” rồi mở ra một nhận định “Trong đỉnh cao của nghề nghiệp, thơ nói cho cùng là nghệ thuật của những người có tài; kẻ bất tài dù cách tân mấy cũng không thể có thơ hay” là một mâu thuẫn lớn. Vì, khi đã xem thơ là của mọi người, nghĩa là dân chủ hóa chủ thể sáng tác và thẩm định, thì không thể cócấu trúc nghề thơ [4] được. Lẽ dĩ nhiên, khi phái Lý luận không có thơ đã xuyên tạc chính ý nghĩa do mình mở ra bằng định nghĩa “Thơ là….”  và để rồi tự phá vỡ định nghĩa bằng lập luận trái chiều “trong nghề…”, thì lý luận của họ không được xem là đáng tin cậy.

 

Phái lý luận không có thơ khẳng định “Thơ là nghệ thuật của cái đẹp” “Thơ là nghệ thuật của mọi người”, thì việc bác bỏ và phủ nhận các lý luận khác mà họ đưa ra đều là khập khiễng. Vì, phía các tác giả thơ mà họ cho là “vô lối” cũng có quyền quan niệm về thế giới, về con người theo “nghệ thuật của cái đẹp” một cách riêng, độc lập, và đó mới đích thực là “nghệ thuật của mọi người”. Phái lý luận không có thơ khi phê phán phía những chủ thể “lý luận có thơ” mà lại tự mâu thuẫn với tiêu chí mình đưa ra, rồi áp đặt các nhà thơ ấy bằng cách nhìn định kiến, mang lợi ích nhóm cá nhân, thì không thể xem là hợp lý và khoa học.

 

Vấn đề cần đặt ra ở đây là khởi nguyên của thơ đến từ đâu: từ tâm thức phản kháng về hiện thực hay là sự tác động từ phía cấu trúc xã hội đến thơ?Cách tân thơ đi từ bản chất chung nhất của thơ là bộc lộ hình ảnh của “con người phản kháng” trước thế giới hiện thực, hay là chỉ ra sự tác động của điều kiện sống xã hội trong việc hình thành ngôn ngữ thơ? Đó là vấn đề then chốt.

 

Phái lý luận không có thơ cho rằng: “Thơ sinh ra không phải để dễ hiểu hay khó hiểu mà để truyền cảm, làm xúc động lòng người.”[5], và sau đó phái này lại nhấn mạnh “Bạn ơi, bạn cứ làm cho thơ hay, chính là bạn đã cách tân thơ thành công rồi đó” [6], nghĩa là, theo họ, thơ hay là thơ phải “truyền cảm và làm xúc động lòng người”, vậy thì hẳn rằng, dưới con mắt của họ, thơ chỉ là công cụ để “than vãn” và “bày tỏ” hơn là sáng tạo ra con người mới và sáng tạo thế giới mới - nơi con người sống bằng ngôn ngữ hình tượng. Nhà thơ đến với bạn đọc dưới cái nhìn của phái này chẳng phải là một động thái “ăn mày” cảm xúc, là ép người đọc vào trạng huống lắng nghe và thấu hiểu “tâm sự thơ” của họ sao? Nếu quan niệm như thế khác nào đánh đồng thơ với sự nhân đạo hóa con người bằng hình thức giáo huấn đạo đức xã hội làm một? Vì để giáo huấn đạo đức cho con người xã hội, thì các nhà đạo đức học thường lấy những biểu tượng, thông tin hoặc hình ảnh có tính cảm hóa những phút giây “bản năng” ác con người lên cao, đưa họ về sự nhu yếu của con người nhân cách. Nếu hiểu như thế, hẳn rằng, một bài thơ sẽ không thể “truyền cảm” về mặt đạo đức học bằng việc người ta tường thuật lại câu chuyện cảm động có thực với ý ngĩa răn dạy: “Một đứa trẻ 3 tuổi có thể hi sinh thân mình cứu sống người khác”[7] được. Nếu cứ theo lập luận của phái Không có thơ thì hẳn rằng, thơ sẽ khó có thể có công chúng, vì, nó là công cụ để giãi bày, kể lể những “chấn thương tâm lý” và những ấn tượng cá nhân, nó mang theo sự khôi hài trong việc sắp đặt bạn đọc vào trạng thái “buộc phải cảm” và hiểu thế giới cá biệt của nhà thơ. Đó là sự thất bại của thơ.

 

Thơ vượt lên những suy tư bé nhỏ ấy để sáng tạo thế giới riêng của nó. Nhà thơ đâu chỉ là chủ thể chỉ biết kể lể và than vãn bằng “xúc cảm”, mà hơn hết, họ phải là chủ thể sáng tạo ra lịch sử bằng hình tượng và ngôn ngữ thơ. Thi nhân dù bất đắc dĩ cũng phải hoàn thành sứ mệnh của một con người phản kháng về hiện thực, về “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Sứ mệnh của thơ ca là sáng tạo ra lịch sử con người, nghĩa là sáng tạo ra ý nghĩa mới đứng bên trên một ý nghĩa cũ mòn lạc hậu về hiện thực quanh nó. Sự ràng buộc của ý thức hệ chi phối ngôn ngữ giao tiếp, do vậy, chủ thể sáng tạo không thể làm tròn bổn phận lịch sử của nó bằng việc tái lặp cấu trúc ngôn ngữ đã xáo mòn, ngược lại, nó phải hướng đến thứ ngôn ngữ biểu tả một ý nghĩa hoàn toàn mới trước một hiện thực đã cũ. Đó mới đúng nghĩa là thơ. Sáng tạo ngôn ngữ trong thơ, không phải là sáng tạo từ mới hay nghĩa mới, mà là sáng tạo ra hình thức ngữ pháp mới và bằng một Ý NGHĨA DIỄN ĐẠT khác biệt, tạo ra sự phản ứng vê hiện thực vốn không thể diễn tả bằng ngôn ngữ giao tiếp thường ngày. Hẳn rằng, phái lý luận không có thơ đã quên đi ý nghĩa căn bản này của thơ. Họ luôn giao giảng trên miệng bằng lối đạo đức thơ ca mà họ gọi là “thơ của mọi người”, nhưng thực chất, họ chỉ quan tâm đến cái con người cá biệt mà chúng ta gọi là con- người –này,  mà quên đi ý nghĩa và bổn phận của người sáng tạo lại các quy tắc/ quy luật xã hội xung quanh theo nghĩa chung nhất mà chúng ta gọi là con người nhân loại (con người ấy). Thiếu đi ý thức phản kháng, thơ sẽ thất bại.

 

Phái lý luận không có thơ đã quên đi hoặc cố tình quên đi nhiệm vụ cao cả ấy của thi nhân, mà đẩy thơ ca vào trạng thái thụ động, nô dịch của lịch sử là “truyền cảm, làm xúc động lòng người”. Đây là lối ru ngủ của dòng thơ Tư sản, đánh mất đi ý nghĩa trách nhiệm là phải vạch ra bản chất giới hạn của xã hội và của con người, để nhìn thằng vào thực trạng tha hóa cũng như suy đồi của đời sống kĩ trị. Làm gì có thơ hay, khi một bài thơ chỉ giản đơn là một trạng thái giao tiếp của con người theo kiểu “thơ từ trái tim ra cuộc sống”, là “đồng điệu tâm hồn”, mà quên đi nhiệm vụ phải phát hiện và khai phóng con người ra khỏi cuộc sống tù túng trong vai trò một thân phận xã hội. Cách quan niệm của phái lý luận không có thơ về cái mà họ gọi là “thơ hay” chỉ là thơ của một nhóm người có cùng lợi ích, chứ không thể được xem “thơ là của mọi người” như chính họ đã giao giảng và tự mâu thuẫn.

 

Vì thơ chỉ thực sự là “của mọi người”, khi nó chạm đến chiều sâu nhất về nhân tính, hướng con người đến một thế giới của tự do, bác ái và công bằng. Theo nghĩa đó, thơ chứa đựng trong nó cả lý và tình, là trái tim rực lửa ẩn bên trong một khối óc tỉnh táo. Vì vây, theo tôi, cả 4 tác giả mà tôi nhắc đến từ đầu (Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Đinh Thị Như Thúy, Đỗ Doãn Phương) được xem là những “con người phản kháng” trước đời sống kỹ trị vốn vô cảm và thụ động. Họ nhìn cuộc đời dưới con mắt phản tư của một chủ thể biết sáng tạo theo nghĩa: cấp cho thế giới đã cũ mòn về ý nghĩa bằng một quan niệm và cách hiểu khác biệt. Phải chăng, chúng ta gọi thế hệ Thơ Mới là cách tân theo nghĩa này? Họ biết phê phán thế giới thơ “quan phương” mang tính cách của “dòng thơ chức năng”, chỉ biết “nhai lại” những ý nghĩa cũ mèm theo kiểu tập thể hóa về thơ ca, giờ đây, các tác giả Thơ Mới đã cởi trói cho các thi nhân ấy, biến họ thành những “vị Chúa” khai sáng và tự khai sáng mình trên văn bản, tự mình cấp cách hiểu cá biệt về thế giới xung quanh. Do vậy, từ phong trào Thơ Mới khái niệm “phong cách thơ” mới thực sự được định hình. Bởi đó là thơ của những cá thể độc lập, chứ không còn mang ý nghĩa của dòng thơ tụng ca hay bình dân hóa quá trình hưởng thụ. Nghĩa là, thơ chỉ có phong cách, khi chủ thể sáng tạo thơ phải là cá nhân biết sáng tạo độc lập, không giống bất cứ ai (ở đây chúng tôi không đề cập đến tính chất đồng sáng tạo trong thơ, vì nó thuộc khía cạnh khác của quá trình tiếp nhận).

 

Vậy là, chúng ta muốn khẳng định giá trị của thơ và giá trị của việc cách tân thơ, thì thơ phải phát xuất từ cách quan niệm về thế giới cá biệt của từng nhà thơ. Nếu tài năng của nhà thơ bị lẩn khuất và bị che lấp bởi lối viết/sáng tác tập thể, thì đó không được xem là sáng tạo thơ theo đúng nghĩa: kiến tạo một thế giới mới. Nếu chúng ta chấp nhận tính chất độc lập trong sáng tạo thi ca của từng nhà thơ, thì chúng ta, trong vai trò của người đọc cũng phải chấp nhận một điều:chúng ta hoàn toàn có thể đọc sai ý nghĩa cũng như giá trị từ tác phẩm của các thi nhânbởi vì kinh nghiệm thẩm mỹ, kinh nghiệm hiểu của người đọc luôn là thế giới khác biệt so với cách hiểu và thẩm mỹ của thi nhân [8]. Việc phái lý luận không có thơ phản ứng một cách thái quá đối với những tác giả biết “phản kháng” về hiện thực quanh họ thông qua lối diễn giải mới, chứng tỏ, phái đó đã đọc sai trầm trọng về những gì họ đem ra phê phán. Chúng tôi sẽ lần lượt làm rõ giá trị thơ của các tác giả đã tạo ra những thay đổi lớn trong nền thi ca đương đại Việt Nam như Nguyễn Quang Thiều, Đinh Thị Như Thúy, Mai Văn Phấn, Đỗ Doãn Phương trong kỳ tiếp theo của tiểu luận: Một phạm trù "thẩm mỹ" mới về thơ của phái "Lý luận không có thơ trên các phương tiện truyền thông chính thống của Hội Nhà văn Việt Nam.

 

N.Q.P


____________

GHI CHÚ:

[1] Trần Mạnh Hảo, “Sao Hội nhà văn Việt Nam lại hè nhau tiễn thi ca lên đoạn đầu đài?”

[2] Trần Mạnh Hảo, “Sao Hội nhà văn Việt Nam lại hè nhau tiễn thi ca lên đoạn đầu đài?”, Tlđd.

[3] Trần Mạnh Hảo, “Sao Hội nhà văn Việt Nam lại hè nhau tiễn thi ca lên đoạn đầu đài?”, Tlđd.

[4] Khi nói “thơ là nghệ thuật của mọi người” thì điều ấy có nghĩa, Trần Mạnh Hảo nhấn mạnh đến đặc trưng dân chủ hóa trong sáng tạo. Bất cứ cá nhân nào, làm việc trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đều có thể làm thơ và đều có đỉnh cao, đâu nhất thiết phải là “nghề thơ” (nghĩa là sống bằng thơ) thì mới có đỉnh cao??

[5] Trần Mạnh Hảo, “Sao Hội nhà văn Việt Nam lại hè nhau tiễn thi ca lên đoạn đầu đài?”, Tlđd.

[6] Trần Mạnh Hảo, “Sao Hội nhà văn Việt Nam lại hè nhau tiễn thi ca lên đoạn đầu đài?”, Tlđd.

[7] http://www.phapluatvn.vn/doi-song/201201/Trieu-trai-tim-thon-thuc-truoc-be-gai-3-tuoi-lay-than-minh-che-cho-em-trai-2062300/

[8] “Nhà phê bình cũng vậy, mỗi khoảnh khắc tiếp cận văn bản là mỗi khúc ngoặt mỹ cảm trong họ bị thay đổi, linh hoạt. Do đó, chẳng thể có một phong cách chung cho các phán đoán thẩm mỹ trong khi phê bình văn bản. Nhà phê bình sống một lúc nhiều cuộc đời trên văn bản, trong mối quan hệ với chủ thể sáng tạo, thì nhà phê bình là người sáng tạo thứ hai khi tiếp nhận văn bản. Vì, chẳng ai có thể đọc đúng ý niệm nhà văn thông qua văn bản. Đọc văn bản, với nhà phê bình, thực chất là đọc chính văn bản tư tưởng được tạo nên bởi ý niệm sống của mình, là diễn giải kinh nghiệm thẩm mỹ, kinh nghiệm sống mà chân trời thẩm mỹ trong mình quy định sự hiểu dựa trên những kí hiệu gợi mở từ văn bản. Vậy là, khi nhà phê bình càng cố tỏ ra khách quan bao nhiêu thì ý thức sáng tạo của họ đẩy con người – tinh thần, đẩy kinh nghiệm thẩm mỹ chủ quan vào việc kiến tạo văn bản trong vai trò tác giả bấy nhiêu. Không thể có một văn bản phê bình văn học chỉ biểu tả thuần nhất điều nhà văn nói, đúng ra, những ý tưởng gợi mở của nhà văn qua văn bản chỉ là cái cớ để nhà phê bình sắm vai tác giả trong văn bản của họ.

Chủ thể thẩm mỹ hướng về đối tượng không chỉ đơn thuần là hoạt động tâm lý, sử dụng tuyệt đối khả năng suy tưởng của mình, mà quá trình hướng về ấy luôn phụ thuộc vào sự gợi mở từ phía khách thể. Nhà phê bình văn học, do vậy cần “thanh lọc” những tri thức, những “rào cản” ý thức hệ xã hội/ thẩm mỹ có thể khiến mình hiểu sai về văn bản văn học. Gạt bỏ tri thức như là cách thế nhà phê bình hoài nghi những tri kiến ngoại vi, biến đổi đối tượng theo cách hiểu của những cá nhân bên ngoài. Do đó, tri thức cần được phân biệt rạch ròi với kiến thức. Chủ thể phê bình cần quy giản, tạm bỏ trong ngoặc đơn tri thức chứ không phảikiến thức. Vì kiến thức là điều mình thức nhận thông qua cảm giác, nó phản ánh chân thực điều mình biết về đối tượng, còn tri thức là quá trình nhận thức dựa trên sự phản tư, phê phán về những gì mình biết trước đó bằng cảm giác.

Như vậy, kiến thức là quá trình sống trải, tiếp xúc của mình với đối tượng, nó chưa bị biến đổi thông qua sự phân tích, cắt nghĩa và lý giải. Vì việc phân tích, cắt nghĩa và lý giải ấy là quá trình chủ quan, mang sắc thái thuần tâm lý, ở đó, mọi quy kết, áp đặt có thể xảy ra. Tri thức mà nhà phê bình mang giữ có thể khiến họ hiểu sai về văn bản văn học. Nhà phê bình có thể có những phán đoán/ hiểu trước về văn bản, tuy nhiên những phán đoán đó không đảm bảo tính xác thực, nếu họ chưa trực tiếp đọc, đối thoại với nó. Từ quá trình biết trước (tri thức) về đối tượng, tới khi đối tượng- văn bản văn học xuất hiện là cả quá trình. Chính sự hiện diện của văn bản, mới quy định cách hiểu của chủ thể phê bình về nó, chứ không phải là tri thức chủ quan nhà phê bình xác quyết về sự hiểu. Vậy là, sự hiểu của nhà phê bình chỉ có được khi văn bản “hiện diện” trực tiếp trước sự đọc của họ. Tuy nhiên để có cách hiểu đúng dựa trên những gì văn bản mở ra cho ta, thì nhà phê bình phải gạt bỏ thái độ “biết trước” (tri thức) về đối tượng, một cách khách quan. Việc luôn hoài nghi chính mình, sẽ giúp chủ thể phê bình tách mình thành một người khách qua đường, hướng cái nhìn vô vụ lời về văn bản, rung cảm trước sự cám dỗ bất ngờ của nó, như “tiếng sét” làm rung chuyển trái tim đa cảm nghệ thuật. Nhà phê bình tìm đến đối tượng chỉ còn là tri kiến về nó, được nó gợi mở với những ấn tượng thẩm mỹ, dẫn dắt họ trở về với hồi tưởng trong mình. Văn bản văn học không phải là nơi mà nhà phê bình có thể tìm thấy sự gợi mở, dẫn nhập vào thế giới của tác giả, ngược lại, nó gợi mở và dẫn nhập anh ta trở về với chính xúc cảm, kinh nghiệm thẩm mỹ, kinh nghiệm sống trải trong mình, dọn chỗ cho một sự suy niệm, phản tư tự thân.

Vì là quá trình tự tìm lại sự hiểu bằng kinh nghiệm thẩm mỹ từng bị/được hiện thực tiếp nhận gieo vào trong thê giới tươi mát của tinh thần, cho nên sự hiểu của nhà phê bình không phải là hiểu về văn bản, mà ngược lại, y đang hiểu chính ký ức bị lãng quên trong mình, khai lộ và làm mới chúng bằng việc viết lại điều dẫn dắt tư duy từ sự hiểu ra văn bản. Do đó, đọc hay phê bình văn học là quá trình sáng tạo bằng ý niệm cá nhân của chủ thể tính. Quá trình đọc văn bản không phải là quá trình giải mã điều nhà văn đã nói trong văn bản, mà là quá trình nhà phê bình cấp ý nghĩa, phó thác ý niệm thẩm mỹ của mình cho văn bản ấy. Vì vậy, văn bản phê bình văn học là văn bản thuần ý niệm của nhà phê bình, nó được xem như sáng tạo hoàn toàn mới, một thế giới mới được họ dựng lên trên sự gợi mở, dẫn nhập từ văn bản gốc của nhà văn. Do đó, bất cứ sự đọc nào cũng là sự sáng tạo lại, dù cho sự đọc đó bắt đầu bằng một ý thức “cợt nhả”, “trêu đùa” mang tính giải trí, thì cũng xuất phát từ ý niệm sống trải mà người đọc hồi tưởng thông qua quá trình đọc. Vì, ngoại trừ cách thế đọc văn bản mà tâm hồn “thả trôi theo trăng trên trời” thì mới không phải là sự sáng tạo, còn đã đọc văn bản, hướng ý định đọc về văn bản bao giờ cũng là sự diễn giải ý chủ quan dựa trên điều nó gợi mở.

Những điều văn bản văn học gợi mở đều là sự cụ thể hoá những hiện tượng trong hiện thực thông qua ngôn từ, do đó ngôn từ ấy phải là thứ ngôn từ chung mà mọi người trong cộng đồng có thể hiểu, được lưu giữ trong tinh thần mình. Hoạt động đọc hay phê bình về văn bản văn học của nhà phê bình/độc giả, là sự gặp nhau giữa những điều đã biết của nhà văn với điều đã biết nơi họ. Cái mà chúng ta gọi là sáng tạo thế giới hình tượng nghệ thuật, thực ra là, nhà văn đang làm rõ ý niệm, cách suy tư, cách quan niệm của mình về thế giới và con người. Do đó, văn bản phê bình hợp lý là văn bản mà nhà phê bình làm rõ quan niệm của mình dựa trên sự gặp gỡ, gợi mở từ quan niệm của nhà văn qua tác phẩm. Sự biết, đơn giản là những điều nhà văn nói/ viết “chạm” tới điều người đọc trăn trở, khó cắt nghĩa, diễn giải ra thành ý tưởng cụ thể. Giờ đây, nhà văn đã rọi thứ ánh sáng tinh thần tinh khiết vào mảng tối, khuất lấp trong thế giới tâm hồn người đọc, đánh thức và giúp họ làm rõ, phá tung sự ù lì, u tối, đưa ý tưởng của họ được thăng hoa, khi họ trải dài sự thăng hoa ấy dưới ngòi bút của việc viết lại. Vì vậy, đọc văn bản là quá trình mà người đọc cấp ý niệm, cấp nghĩa của mình cho nó, chứ không phải là diễn giải điều nhà văn nói. Nó thuần tuý thuộc về thế giới tinh thần, chứ không phải là hoạt động “phản ánh” hiện thực. Do đó, bất cứ sự đọc nào cũng là sự sáng tạo lại thế giới thẩm mỹ theo ý định chủ quan, theo những chân trời khả thể của sự hiểu.” (nguồn:“Phê bình văn học như là sự hòa trộn của các chân trời thẩm mỹ”, TC Nhà văn, số tháng 02.)


(http://www.vanvn.net) 

BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị